Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Petrotimes và Nguyễn Như Phong: Ai ngụy độc lập và ngụy dân tộc?

Thói thường, khi bí lối trong tranh luận, các “nhà báo mang chức năng bảo vệ” thường bám theo những lối mòn như người chết đuối vớ được cọc. Nhưng, họ không biết rằng đó là cách tự sát với môi trường thông tin hiện đại. Đó chỉ là lối mòn thường đi của những con thú ăn đêm thiếu sáng tạo mà thôi.
Ông Nguyễn Như Phong


Ngựa quen đường cũ

Để chứng minh quyền con người, đảng CS và nhà nước Việt Nam thường đưa hiến pháp, pháp luật trưng ra đầy đủ, rồi thì thành tích xóa đói, giảm nghèo, rồi thì chiến tranh, hậu quả… Nhưng, những con số thống kê, những ví dụ, những “thành tích” được trưng dẫn nhiều khi chẳng nói lên được một điều gì về nhân quyền VN không bị chà đạp.

Để chứng minh quyền tự do tôn giáo, đảng CS và nhà nước Việt Nam trưng dẫn VN có bao nhiêu nhà thờ, bao nhiêu tôn giáo, bao nhiêu chùa được xây, bao nhiêu tín đồ và “các tôn giáo đều tốt đẹp dưới sự lãnh đạo của đảng… vô thần”.

Để chứng minh quyền tự do báo chí, đảng CS và nhà nước Việt Nam chứng minh rằng thì đã có bao nhiêu tờ báo, bao nhiêu đài truyền hình, bao nhiêu phóng viên... Nhưng những điều đó không nói lên được rằng người dân có được mở miệng ở đó không, nó phục vụ ai, thì hầu như ít khi họ đề cập, bởi “Báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng”.

Có lẽ đây cũng là cách duy nhất mà đảng và nhà nước Việt Nam có thể dùng để chống chế những chỉ trích về việc vi phạm các quyền con người tối thiểu theo các định chế quốc tế. Điều đó cứ lặp đi, lặp lại như con vẹt đến mức nhàm chán mà họ không thấy cái “ngụy” của mình. Họ không hiểu rằng thực chất ở trong đó là gì thì thiên hạ đều biết. Điều đáng nói, đáng nể phục ở đây là họ cứ nói, ai không nghe mặc kệ, ai phản đối cứ việc, nói đến mức chính họ cũng tưởng là thật. Và sự thật hoang tưởng đó là cái mà họ tự hào.

Hai bài viết trên tờ báo do Nguyễn Như Phong làm TBT vẫn với tư duy “ngựa quen đường cũ” như thế. Bài báo viết về Hội nhà Báo VN như sau: “Hội có trên 18.000 hội viên làm việc tại 800 cơ quan báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức duy nhất được luật pháp, xã hội và cộng đồng quốc tế công nhận”.

Có lẽ cần lưu ý điều này: Mới đây, khi đề cập về tự do tôn giáo ở VN, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc - ông Heiner Bielefeldt - đã được VN cho biết có một số nhóm tôn giáo đã được nhà nước cấp phép, đăng ký và coi đó như một biểu hiện về quyền tự do tôn giáo ở VN (!). Tuy nhiên, ông Heiner Bielefeldt đã chỉ rõ: “Việc thực thi quyền con người đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, bởi cá nhân và/hoặc trong một cộng đồng với những người khác, không thể diễn ra phụ thuộc vào bất kỳ hành vi công nhận hay phê duyệt hành chính cụ thể nào. Là một quyền phổ quát, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng vốn có trong tất cả con người và vì thế có vị thế quy chuẩn cao hơn bất kỳ một hành vi hay thủ tục hành chính nào”.

Nói cách khác, việc trưng dẫn mấy con số về đăng ký, về tổ chức được công nhận không làm rõ quyền tự do được tôn trọng, mà ngược lại chỉ càng nói lên thực trạng hạn chế quyền con người của công dân.

Ngụy độc lập - Ai?

Bài viết trên tờ Petrotimes do Nguyễn Như Phong làm TBT đặt tiêu đề “Ngụy độc lập”. Tuy nhiên, nội dung bài viết không nêu rõ, không chứng minh được như thế nào là “Ngụy độc lập” và ai ngụy độc lập ở đây. Thiết nghĩ vấn đề cần làm rõ là nơi này.

Báo chí, bất kể là của ai, nhóm nào hoặc phe nhóm, đảng phái nào đi nữa, thì cũng cần một nền tảng cơ bản đó là Sự thật và Công lý để hành xử. Mặt khác, để hành xử được đúng tinh thần nền tảng đó, báo chí cần một vai trò độc lập nhất định để cất tiếng nói của mình mà không bị chi phối bởi lợi ích, quyền lực của một thế lực nào. Có vậy báo chí mới là một tổ chức thực sự có ích cho xã hội.

Ngay cả C.Mác, ông tổ của Chủ Nghĩa Mác – Lenin mà các chế độ độc tài đang lấy làm “sợi chỉ đỏ” cũng đã viết như sau: "... muốn cho báo chí có thể hoàn thành sứ mệnh của mình thì trước hết cần phải không có áp lực nào từ bên ngoài vào, cần phải thừa nhận là báo chí có những quy luật nội tại của mình". (C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập; Tập 1, tr.227).

Ở đây, báo chí trong chế độ cộng sản được định nghĩa rất rõ ràng:“…là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân”. (Trích Điều 1 – Luật báo chí). Ở đây, cái “áp lực từ bên ngoài vào” cho báo chí, chính là sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, là tính đảng với báo chí.

Vậy thì khi Đảng đang ngày càng hiện rõ nét là một nhóm lợi ích, chứa cả “một bầy sâu” (cụm từ của ông Trương Tấn Sang), ăn cắp, tham ô, phá hoại từ trên xuống dưới của nhân dân, chỉ để đem “Chủ nghĩa Cộng sản: Của cải tuôn ra dào dạt, hưởng theo nhu cầu” cho một số cá nhân, thì nhân dân là những nạn nhân bị trấn lột, bị móc túi, liệu có thể có tiếng nói trên các tờ báo do nó lãnh đạo hay không?

Khi báo chí tự nhận là “vì nhân dân phục vụ” nhưng đã tự tước quyền của dân được lên tiếng, chỉ nhằm phục vụ một nhóm người chi phối nó, thì chính khi đó nó được gọi là “Ngụy độc lập”. Còn những tờ báo, những nhà báo dám nói lên tiếng nói của người dân, dám lên tiếng cho sự thật mà không bị phụ thuộc vào bất cứ sự lãnh đạo bất nhân nào, thì đó mới là Độc lập thật sự – thưa anh Nguyễn Như Phong.

Điển hình là tờ báo Petrotimes của ngành Dầu khí do Nguyễn Như Phong làm TBT. Thử hỏi: Đã bao giờ báo này dám mở miệng nói nửa câu đến những vụ tham nhũng, ăn cắp, phá hoại ngay trong ngành Dầu khí hay chưa? Xin thưa là chưa thấy. Hay vì ngành Dầu khí “trong sạch vững mạnh” đến mức không có chuyện đó? Xin thưa là không phải, ở đó có những vụ ăn cắp, tham ô đến cả trên 50 tỷ đồng, nghĩa là hơn 2 triệu đô la Mỹ. Vậy sao tờ báo này im re? Xin thưa là chính tờ bào này đang “Ngụy độc lập”, bởi làm sao dám mở miệng khi “mắc quai” – cái quai “lãnh đạo tuyệt đối”, và nhóm lợi ích ở ngành dầu khí này lại thuộc vào độc quyền của đảng. Còn tài sản quốc dân bị ăn cắp, bị tham nhũng không phải là “nhiệm vụ” của tờ báo này.

Đó là Ngụy độc lập, thưa anh Nguyễn Như Phong.

Ngụy dân tộc – Ai?

Lớn hơn, là câu chuyện mấy năm gần đây, lãnh hải, lãnh thổ của Tổ Quốc đã và đang bị bọn bá quyền Trung Cộng xâm lược, ở đó ngành Dầu khí chịu tổn thất rất nhiều qua những vụ cắt cáp, mời thầu trong thềm lục địa Việt Nam, khoan thăm dò trên thềm lục địa Việt Nam… Nhưng, khi đó cũng như các trang báo khác “dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng”, trang Petrotimes và tờ Năng lượng mới đều nín thinh như… mọt thóc?

Thậm chí, nhà văn Phạm Viết Đào còn phát hiện ra sự hèn hạ của tờ báo này khi âm thầm sửa bài viết về Tàu Bình Minh bị Trung Cộng cắt cáp. Ở đó, không phải là Trung Cộng “cắt cáp” như ban đầu nữa mà là “gây đứt cáp”, còn những câu lên án hành động đó bị cắt bỏ. Như vậy, đó là hành động nô lệ ngoại bang - phụng sự anh bạn vàng của đảng và là kẻ thù của Tổ Quốc và nhân dân. Khi đó, dù anh có kêu rằng anh độc lập, thì tự bản chất nó cũng chính là “Ngụy độc lập”– thưa anh Nguyễn Như Phong. 

Tệ hại hơn nữa, khi lòng dân sôi sục biểu lộ tình yêu Tổ Quốc trước họa xâm lăng, tờ báo của anh đăng bài thóa mạ, đổ tội rằng “Việt Tân gây rối” nhằm lấp liếm thái độ “Hèn với giặc, ác với dân”. Đó chính là Ngụy độc lập và ngụy dân tộc, thưa anh Nguyễn Như Phong.

Cướp – giết – hiếp!

Như vậy, trong một xã hội mà “chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng” thì có thể báo chí có còn là diễn đàn của nhân dân không? Dĩ nhiên là có, những câu chuyện về sex, về loạn luân, về suy đồi đạo đức mà dân gian tổng kết trong mấy chữ cướp – giết –hiếp thi nhau nở rộ trên mặt báo. Thế nhưng, khi cần ngăn chặn một số trang tin loan truyền tiếng nói của người dân, hoặc muốn kết tội họ, nhà nước Cộng sản vẫn cho rằng đó là để bảo vệ thuần phong mỹ tục – Đó chính là Ngụy độc lập, thưa anh Nguyễn Như Phong.

Cuối cùng, để sáng tỏ hơn cái gì là Ngụy độc lập, chúng ta chỉ cần đọc những dòng này trên trang Đảng Cộng sản để hiểu cái “độc lập” và cái “ngụy độc lập” của những tờ báo được đảng lãnh đạo ra sao:“Với chức năng công cụ của công tác tư tưởng của Đảng, để báo chí thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của mình, Đảng phải thông tin những vấn đề cần thiết cho báo chí một cách kịp thời và chính xác, coi thông tin cho báo chí cũng là thông tin cho toàn Đảng và cho xã hội. Được cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời là cơ sở để báo chí đảm bảo tính đảng”.

Có lẽ đọc đến câu trên, thì chỉ cần đứa bé học lớp 3 cũng hiểu như thế nào là độc lập và ngụy độc lập là ở đâu. Và cũng vì thế, câu: “Họ muốn độc lập nhưng là độc lập thế nào? Ðộc lập với ai? Không lẽ là độc lập với nhân dân, với đất nước, với sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh phồn vinh, công bằng dân chủ?” trong bài báo trên tờ báo của Nguyễn Như Phong làm TBT mới thật sự“Đúng là ngụy độc lập”.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Việt Nam Thời Báo - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả không phản ảnh quan điểm hay lập trường của Việt Nam Thời Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét