Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Ls Ngô Ngọc Trai - Thông tư 28 cho thấy điều gì?



Công an tại Việt Nam đã nhiều lần bị phản ánh về hành vi không tuân thủ luật pháp
Ngày 7/7 Bộ Công an ban hành Thông tư 28 quy định về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân dự kiến có hiệu lực từ ngày 25/8 tới đây.
Nhưng ngay khi nội dung thông tư công khai nhiều luật sư đã phản ứng cho rằng Thông tư 28 quy định cho phép điều tra viên lập biên bản khi luật sư có việc làm sai sẽ dẫn đến sự lạm dụng gây bất lợi cho luật sư khi hành nghề.
Liên đoàn luật sư Việt Nam sau khi nhận được nhiều ý kiến đề nghị liên đoàn phải có ý kiến về vấn đề này đã nhanh chóng có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị xem xét sửa lại nội dung thông tư.
Kết quả sự việc chưa biết thế nào nhưng sự việc này cho thấy nhiều điều.
Từ một kinh nghiệm thực tế
Năm 2010 khi tôi hành nghề cộng tác với một văn phòng luật sư tại Hà Nội, khi đó văn phòng đang bảo vệ cho một khách hàng ở một tỉnh phía Nam. Từ mấy chục năm trước vị khách hàng bị bắt về hành vi đưa người vượt biên trái phép nhưng sau một thời gian bị giam giữ thì được trả tự do mà không qua xét xử.
Người khách hàng theo đuổi việc khiếu nại vì cho rằng lệnh bắt là trái pháp luật vì không có sự phê chuẩn của viện kiểm sát, trái với quy định của hiến pháp năm 1980. Cơ quan công an tỉnh đã giải quyết nhưng ông không đồng ý với nội dung giải quyết nên khiếu nại đến bộ công an.
Sự việc kéo dài nhiều năm và văn phòng luật sư nhận bảo vệ cho khách hàng trong quá trình khiếu nại tới Bộ công an. Văn phòng luật sư đã gửi nhiều công văn thúc giục giải quyết thì một lần cán bộ điều tra tại số 7 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội gọi điện đến văn phòng nói luật sư đến giải quyết và tôi được phân công đi.
Làm việc với luật sư là cán bộ cấp tá và một nữ cán bộ cấp úy được giới thiệu là thạc sĩ luật. Họ nói rằng vụ việc đã được công an tỉnh giải quyết có kết quả rồi, bộ không giải quyết nữa nên lập biên bản làm việc trả lời cho luật sư được biết để khỏi gửi công văn thúc giục nữa.
Luật sư không đồng ý và nói rằng công an cấp tỉnh giải quyết nhưng công dân cho rằng không thỏa đáng nên họ mới khiếu nại lên bộ, nay bộ không giải quyết thì công dân đi đâu. Ngoài ra luật sư không đồng ý lập biên bản và đề nghị cơ quan điều tra trả lời bằng công văn.
Cán bộ điều tra yêu cầu phải lập biên bản, còn luật sư đề nghị trả lời bằng văn bản để chúng tôi thực hiện quyền khiếu nại theo quy định.
Khi không bên nào chịu bên nào luật sư bỏ ra về, nhưng khi đang dắt xe ra cổng thì ông cán bộ lao ra rút chìa khóa xe máy không cho luật sư về, yêu cầu lập biên bản xong mới cho về.
Tôi liền nói to lên ở sân là cán bộ làm bậy, tôi là luật sư đến làm việc cho khách hàng chứ không làm gì sai. Yêu cầu trả khóa xe máy cho tôi, sự việc này tôi sẽ khiếu nại lên bộ trưởng công an.
Tôi cũng gọi điện về văn phòng luật sư để thông báo sự việc, văn phòng bảo tôi gọi điện cho cảnh sát 113 đến và cử luật sư khác đến trợ giúp.
Khi tôi nói nếu không trả chìa khóa xe máy tôi sẽ gọi 113 đến để họ giải quyết, mấy ông cán bộ cũng không sợ bảo muốn gọi gì thì gọi. Tôi bực quá đứng nói to một lúc thì ông kia mới chịu trả chìa khóa xe máy cho tôi.
Đây là sự việc mà chính tôi trải qua đã cho thấy cán bộ điều tra làm điều xằng bậy, khi luật sư không ký biên bản thì giữ khóa xe máy không cho về, có lẽ do họ thấy luật sư trẻ chưa có tên tuổi hoặc vì lý do khác nên bắt nạt.
Từ kinh nghiệm thực tế đó cho thấy nếu thông tư 28 được đưa vào thực hiện với nội dung điều tra viên được lập biên bản đối với luật sư thì sẽ có nguy cơ luật sư bị xâm phạm quyền hành nghề.
Trong tố tụng hình sự có thể nói luật sư bào chữa là bên đối trọng với điều tra viên, đứng ở hai phía đối lập nhau mà lại trao quyền cho một bên được quyền nhận định phán xét bên kia đúng sai thì làm sao công tâm khách quan được.
Việc lập biên bản, bản thân nó là một sự cản trở không phù hợp với Luật luật sư đã quy định nghiêm cấm cơ quan tổ chức cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.
Ngay cả khi sau đó xác minh cho thấy luật sư không làm sai thì với việc bị lập biên bản cũng đã làm giảm sút uy tín trước khách hàng và tạo ra sự ức chế khó chịu cho luật sư.

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM Nguyễn Đăng Trừng được cho là bị khai trừ Đảng do muốn duy trì sự độc lập của cơ quan của ông.
Không chỉ thông tư 28
Năm 2011 Bộ Công an ban hành Thông tư 70 cũng có quy định liên quan đến luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự. Nội dung thông tư 70 quy định rằng bị can đang bị tạm giam muốn mời luật sư thì phải viết thư mời đích danh luật sư hoặc viết thư về cho gia đình nhờ mời luật sư bào chữa.
Điều tra viên sẽ chuyển thư của người bị can tới luật sư được mời đích danh hoặc gửi về cho gia đình.
Quy định này dẫn đến điều tra viên là khâu trung gian kết nối giữa bị can và luật sư bào chữa, trá hình cho phép điều tra viên có tác động quyết định đến việc bị can có được mời luật sư hay không.
Quy định như vậy nên nhiều trường hợp cha mẹ, vợ chồng, con cái mời luật sư cho nhau nhưng khi luật sư làm thủ tục thì bị gây khó dễ do chưa có văn bản xác nhận ý chí của bị can xem có muốn mời luật sư hay không.
Đây là quy định gây khó khăn cho luật sư và thực ra Thông tư 70 ban hành năm 2011 đã không còn phù hợp với Luật luật sư sửa đổi năm 2012 có hiệu lực từ 1/7/2013. Theo đó Điều 27 Luật luật sư sửa đổi quy định rằng: Khi làm thủ tục bào chữa luật sư xuất trình thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người khác. Người khác ở đây có thể là cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp được mời luật sư cho nhau.
Thông tư 70 không phù hợp với quy định của Luật luật sư sửa đổi nhưng cho tới nay Bộ Công an vẫn không sửa đổi.
Như thế là Bộ Công an đã có ít nhất hai văn bản có các quy định không thân thiện và cản trở luật sư hành nghề. Không phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp với tinh thần đổi mới hoạt động xét xử, nâng cao vị thế vai trò của luật sư bào chữa.
Nguyên nhân là gì?
Hệ thống luật hiện tại quy định rằng Thông tư của Bộ cũng là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc thực hiện giống như luật. Thực tế là nhiều vấn đề luật không quy định nhưng các bộ tự ban hành ra quy định điều chỉnh và các đối tượng liên quan phải tuân thủ.
Tức là cơ quan hành pháp được thực hiện quyền lập pháp. Đây là bất cập của hệ thống pháp luật Việt Nam mà thông tư 28 là một minh chứng cho thấy sự bất hòa giữa tính công tâm khách quan của quy định luật và lợi ích của ngành chủ quản.
Khi cơ quan hành pháp chịu trách nhiệm về vấn đề của ngành mình phụ trách lại được quyền ấn định các quy định điều chỉnh đối tượng liên quan thì mặc nhiên họ quy định có lợi thuận lợi cho họ mà mặc kệ gây khó cho người khác.
Đây là tệ trạng đã được nói đến nhiều không có gì mới, vấn đề là giới luật sư nắm luật và làm cái nghề bảo vệ người khác thì phải thấy được quy định trong thông tư 28 đã sai và phải có trách nhiệm lên tiếng.
Bởi luật sư còn không bảo vệ được quyền lợi cho mình thì còn bảo vệ được cho ai?
Liên đoàn luật sư đã làm gì?
Liên đoàn luật sư trách Bộ Công an khi ban hành thông tư 28 không tham khảo ý kiến liên đoàn, nhưng khi bộ ban hành thông tư 70 đã tham khảo ý kiến liên đoàn luật sư thì kết quả thế nào?
Thông tư 70 từng được đánh giá là kết quả phối hợp tích cực giữa liên đoàn luật sư mới ra đời với vụ pháp chế Bộ công an, nhưng kết quả là vẫn tồn tại quy định cản trở luật sư hành nghề.
Đứng trước quy định cản trở trong thông tư 70 nhưng giới luật sư cũng ít lên tiếng, và mặc dù bây giờ là trái luật nhưng quy định đó vẫn tồn tại.
Đến nay sau khi một số luật sư phản ánh về thông tư 28 thì Chủ tịch liên đoàn đã có công văn kiến nghị sửa đổi.
Nhưng nội dung mà liên đoàn đề xuất có khi còn xâm hại tới luật sư hơn nữa.
Thông tư 28 quy định điều tra viên được lập biên bản khi luật sư bào chữa có việc làm sai, phạm vi chỉ gói gọn trong tố tụng hình sự.
Nhưng kiến nghị của Chủ tịch liên đoàn luật sư viết lại Điều 38 có nội dung rằng khi Điều tra viên phát hiện thấy luật sư có hành vi vi phạm Điều 6 Nghị định 113/2013/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với luật sư) thì lập biên bản về sự việc.
Trong khi đó nghị định 113 không có quy định nào cho phép điều tra viên được lập biên bản khi luật sư vi phạm hành chính. Cụ thể tại Điều 65 quy định về Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính không có mục nào là điều tra viên cả.
Tức là thông tư 28 chỉ gói gọn trong tố tụng hình sự không liên hệ gì tới việc xử lý vi phạm hành chính luật sư thì Liên đoàn luật sư lại kiến nghị mở rộng đưa vấn đề xử lý vi phạm hành chính vào.
Như thế là luật sư đã tự mua dây trói buộc mình khi tự nguyện cho phép điều tra viên được lập biên bản vi phạm hành chính đối với luật sư trong khi thông tư 28 còn không nói đến điều đó và điều tra viên còn không có quyền.
Việc xử lý thông tư 28 cho thấy Chủ tịch liên đoàn luật sư còn không nắm rõ quy định luật và không biết làm thế nào để bảo vệ luật sư thành viên.
Ls Ngô Ngọc Trai
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét