Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Bàn về con đường đi đến mục tiêu dân giàu nước mạnh



Vậy nếu như còn có các con đường khác nữa, thì vì sao Quốc hội nước ta không để cho toàn dân bàn luận về các con đường ấy, để chắt lọc lấy cái hay và tránh những cái dở của mỗi con đường, để nhân dân có cơ hội lựa chọn? Điều này tương tự như trong một gia đình, từ cha mẹ đến con cháu cùng thảo luận, đưa ra nhiều cách thức khác nhau, để lựa chọn cách thức phù hợp nhất cho phát triển gia đình, để có một gia đình khá giả mà vẫn có gia đạo khiến cả làng phải tôn trọng.
Chúng ta đang được khuyến khích góp ý cho soạn thảo Hiến pháp mới, nên mọi người có thể bàn bạc từ những điều giản đơn đến những điều lý luận cao sâu. Tôi xin được góp bàn vài điều giản đơn, mà giới trẻ chúng tôi đã có bàn đến, vào mỗi dịp trà dư tửu hậu và lai rai chia sẻ mọi chuyện trên trời dưới biển.
Đã là người dân có nhiệt tâm với đất nước và gia đình, ai cũng thấy thật là tốt đẹp nếu dân tộc Việt Nam cùng nhau xây dựng được một quốc gia đạt tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Cương lĩnh của Đảng CSVN cũng đã tuyên bố với toàn dân mục tiêu này từ lâu. Nhiều người nghĩ, mục tiêu cao đẹp như vậy chỉ có thể xuất phát từ tấm lòng và tư tưởng của những người cộng sản Việt Nam. Điều chúng ta nghĩ, liệu đã đúng như vậy hay chưa?
Chúng ta nhìn ra thế giới, xem rằng bè bạn năm châu đặt ra mục tiêu cho phát triển đất nước của họ như thế nào. Không khó để phát hiện ra rằng, thì ra là ở các nước, bất cứ đảng nào muốn thắng cử để trở thành đảng cầm quyền đều phải thuyết phục được dân chúng về mục tiêu xây dựng xã hội mà đảng ấy đặt ra. Rõ ràng là dân chúng chỉ có thể được thuyết phục khi mục tiêu của các đảng ấy đều phải hướng đến: sự giàu có sung túc của toàn dân, sự công bằng cho mọi người, sự văn minh và dân chủ cho xã hội, và trên hết là sự cường thịnh của quốc gia. Các đảng đều lựa chọn các cách diễn đạt khác nhau, để tuyên bố với dân chúng mục tiêu xây dựng đất nước với các nội dung cốt lõi cần phải có là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng - dân chủ - văn minh. Do vậy mục tiêu phát triển của các nước đều có các nội dung cốt lõi là chung, và chỉ khác nhau cách diễn đạt mà thôi. Ta có thể coi đó là mục tiêu chung trong thế giới ngày nay. Tùy theo đặc điểm văn hóa dân tộc riêng, các nước có thể bổ sung thêm một vài nội dung khác nữa. Như vậy không phải chỉ có những người cộng sản Việt Nam mới có thể đề ra được mục tiêu cao đẹp nói trên.
Chúng ta cũng lại phát hiện rằng, các đảng cầm quyền tại các nước bè bạn năm châu cũng còn phải thuyết phục được dân chúng, bằng nhiều cách, khi họ trình bày cơ sở kinh tế - xã hội - văn hóa, các giải pháp khả thi và tiến trình hợp lý để thực hiện mục tiêu đề ra. Trong khi đó ở Việt Nam, đó lại là những vấn đề còn chưa rõ ràng, nhiều khi gây ra những tranh luận rất gay gắt trong xã hội và ngay cả trong Đảng CSVN nữa. Và do đó về thực chất, tính khả thi để hướng đến mục tiêu ở nước ta là chưa thuyết phục được nhân dân, cho dù chúng ta hay nghe nói đến “đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân”, “được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Điều quan trọng nữa là chúng ta còn tìm hiểu để xem rằng bạn bè năm châu đã đi được đến đâu trên con đường của họ nhằm đạt đến mục tiêu chung nói trên. Không chỉ tìm hiểu qua mọi kênh thông tin, nhiều người trong chúng ta khi ra nước ngoài, bên cạnh việc thưởng thức cái hay ở các vùng đất ấy, đã chịu khó tự mình khảo sát trình độ kinh tế - xã hội - văn hóa - chính trị mà họ đã đạt được. Thì ra là mục tiêu chung nói trên từng đạt được ở trình độ rất cao tại khá nhiều nước, chứ không phải chỉ là tại các nước G7,…Vậy mà tại các nước này, đảng cầm quyền và dân chúng vẫn tiếp tục xây dựng quốc gia nhằm đạt cho được mục tiêu chung ở trình độ cao hơn nữa. Quanh ta, dễ dàng kể ra tên nhiều nước đã đi được những quãng đường khá dài phía trước Việt Nam, để xây dựng xã hội tốt đẹp theo mục tiêu chung ấy. Đó là nỗi đau chung của toàn dân tộc, trong đó có Đảng CSVN, và chúng ta đều muốn nỗi đau ấy dịu dần theo thời gian, hơn nữa nhất thiết không được để nỗi đau ấy trầm trọng thêm.
Nhưng vấn đề còn đau đáu là xây dựng xã hội theo mục tiêu chung cao đẹp như trên có phải chỉ có một con đường hay không. Thực tế nhìn ra bạn bè các nước nói trên cho thấy không phải chỉ có một con đường duy nhất, nghĩa là có nhiều con đường khác nhau ở các mức độ nhất định.
Vậy nếu như còn có các con đường khác nữa, thì vì sao Quốc hội nước ta không để cho toàn dân bàn luận về các con đường ấy, để chắt lọc lấy cái hay và tránh những cái dở của mỗi con đường, để nhân dân có cơ hội lựa chọn? Điều này tương tự như trong một gia đình, từ cha mẹ đến con cháu cùng thảo luận, đưa ra nhiều cách thức khác nhau, để lựa chọn cách thức phù hợp nhất cho phát triển gia đình, để có một gia đình khá giả mà vẫn có gia đạo khiến cả làng phải tôn trọng.
Bạn bè các nước không đặt một cái tên đặc biệt nào cho một xã hội theo mục tiêu chung. Do đó họ mới có thể đặt lên bàn nghị sự cho toàn dân nhiều con đường phát triển đất nước, để cho dân chúng lựa chọn một trong số các con đường tốt nhất vào mỗi giai đoạn cụ thể và có tính kế thừa, để xây dựng xã hội tiến tới mục tiêu chung một cách hiệu quả nhất. Và họ thật khôn ngoan khi tìm đến con đường đi tốt cho họ, và đất nước họ đã tiến nhanh hơn.
Vậy thì vì sao người Việt Nam không khôn ngoan được như vậy? Qua các câu chuyện bàn luận bạn bè, chúng tôi thường đi đến lý do là vì những người cộng sản Việt Nam đã đặt tên cho xã hội tốt đẹp đó là “Xã hội chủ nghĩa”. Và vì đặt tên cho xã hội như vậy, nên theo quan điểm chính thống hiện nay, thì phải theo duy nhất một con đường để xây dựng xã hội đó, đó là con đường “dựa trên cơ sở nền tảng của Chủ nghĩa Mác-Lê nin”. Thực tế là nhân dân ta, tùy theo nhận thức khác nhau của mỗi cá nhân mà, hoặc là có tin cậy hoặc là phải chấp nhận, để cho Đảng CSVN định hướng đi và dẫn dắt đất nước trong một thời kỳ dài đã qua. Giá như con đường đó đã đúng trong mấy chục năm qua, để dân tộc ta được dịu đi nỗi đau tụt hậu.
Nhưng có quá nhiều diễn biến trong thực tế 37 năm qua (kể từ khi đất nước thống nhất) cho thấy con đường đi ấy là không hợp lý nếu không muốn nói là con đường sai. Vì thế chúng ta lại đặt câu hỏi, liệu có còn hy vọng rằng, sự khôn ngoan chưa rời bỏ chúng ta, để cho phép toàn dân bàn luận để định hướng lại đường đi hay không. Chúng ta còn có hy vọng, vì những người cộng sản Việt Nam, vốn rất khôn ngoan và tài năng trong lãnh đạo sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, chẳng lẽ lại đánh mất sự khôn ngoan trong lãnh đạo xây dựng xã hội với mục tiêu cao đẹp chung.
Chỉ cần trên cở sở thiết tha mong muốn cho hạnh phúc ấm no của toàn dân thôi, chúng ta cũng đã có thể đi đến đồng ý với nhau rằng: chưa nên đặt tên trước cho xã hội tốt đẹp mà chúng ta sẽ xây dựng, để có được phương án mở: sẽ có các con đường khác nhau để đặt lên bàn nghị sự cho toàn dân thảo luận và lựa chọn. Trong số các con đường đó, con đường “dựa trên cơ sở nền tảng của Chủ nghĩa Mác-Lê nin”cũng vẫn được tôn trọng như các con đường khác trong việc thảo luận và lựa chọn. Chúng ta nhận thấy rất rõ nguyện vọng của người dân muốn nói với những người cộng sản Việt Nam, là trước mắt hãy để cho những người ngoài đảng cùng tham gia vào việc lãnh đạo đất nước, vì sự hòa hợp dân tộc cũng có nghĩa là hòa hợp được sức mạnh của toàn dân.
Chỉ cần như thế, toàn dân sẽ có cơ hội thực sự (chứ không phải chỉ có cơ hội một cách hình thức) để thảo luận, góp ý kiến cho soạn thảo Hiến pháp mới. Và sau khi toàn dân được tham gia vào cuộc “Trưng cầu dân ý”, được tổ chức thật sự khoa học và văn minh theo thông lệ quốc tế, thì toàn dân sẽ có được Hiến pháp của mình, một Hiến pháp tốt hơn và khả thi hơn theo hướng mở mà không bị khép kín, cho phép xây dựng xã hội theo mục tiêu cao đẹp chung đã đặt ra.
Nhân dân Việt Nam liệu có cơ hội như thế vào lúc này không, hay lại tuột mất cơ hội đó. Rất mong có sự luận bàn rộng rãi.
Thái Bình 13/1/2013
Lưu Hà Sĩ Tâm

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét