“Việt Nam 1945-1995 – Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”
Blog Ba Sàm
01-02-2013
Gần đây, có hai sự kiện khiến dư luận sôi nổi: Đó là bộ “Bên Thắng Cuộc” với hai tập của nhà báo Huy Đức, tức blogger Osin, và việc kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris 1973. Những tranh cãi quanh vấn đề “quốc-cộng”, ôn lại các sự kiện đã qua sẽ chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta rút ra được những bài học và kinh nghiệm cần thiết cho tương lai của đất nước và dân tộc.
Vào năm 2005, đã từng xảy ra một cuộc tranh cãi tương tự, sau khi Giáo sư Lê Xuân Khoa (*) có bài viết về tên gọi cuộc chiến đăng trên trang web của BBC. Bài này bị Biên Tập viên Nguyễn Hòa của báo Nhân Dân phản bác rồi trở thành một cuộc tranh luận kéo dài nhiều tháng trên diễn đàn talawas với sự tham gia của nhiều độc giả ở trong và ngoài nước. Về sau, ông Nguyễn Hoà ngưng bút chiến, khi một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân lên tiếng phản bác ông qua bài “Gửi Nguyễn Hoà, người đồng đội”.
Nhìn chung, gần 40 năm sau khi đất nước thống nhất, những người lãnh đạo Công hòa XHCN Việt Nam, hay “Bên Thắng Cuộc” theo cách gọi của nhà báo Huy Đức, vẫn không đếm xỉa gì tới những bài học lịch sử vì tin là “đã đánh thắng Mỹ thì chuyện gì cũng làm được”. Chưa kể do thiếu kiến thức mà lại không chiụ nghe trí thức, chỉ thực thi một số giáo điều, họ trở thành thiển cận trước những xu hướng và tương quan chính trị, kinh tế toàn cầu. Hậu quả là đất nước không hoàn toàn độc lập và toàn vẹn về chủ quyền, nhân dân thì bị tước đoạt các quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nếu bên trong, tham nhũng đã trở thành quốc nạn hết thuốc chữa thì bên ngoài, sự lệ thuộc vào Trung Quốc càng ngày càng rõ. Trách nhiệm đối với vận mạng của đất nước nay lại trở thành vấn đề khẩn thiết đối với trí thức và người dân Việt Nam.
Qua vài sự kiện vừa dẫn, trước nhu cầu thay đổi cơ chế và chính sách phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và lợi ích của đất nước, chúng tôi tin rằng, ôn lại kinh nghiệm trong bốn cuộc chiến tranh trước và sau ngày thống nhất Bắc-Nam là điều cần thiết. Đó cũng là lý do chúng tôi quyết định giới thiệu cuốn sách “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, tập I, của Giáo sư Lê Xuân Khoa.
Trong “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, tập I, Giáo sư Lê Xuân Khoa giới thiệu những nghiên cứu và nhận định của ông về bốn cuộc chiến tranh liên tiếp, với những thiệt hại chưa từng có về tài sản và sinh mạng cùa người Việt. Ngoài ra, ông còn phân tích khá kỹ lưỡng những sai lầm về chính sách và những cơ hội mà hai chủ thể quốc gia và cộng sản cũng như các cường quốc được coi là đồng minh của mỗi bên đã bỏ lỡ. Theo ông: “Có rất nhiều bài học chính trị, quân sự và ngoại giao cần phải được tìm hiểu và rút ra những kinh nghiệm khôn ngoan để cho dân tộc có thể tồn tại và phát triển, tránh khỏi trở thành nạn nhân của những chính sách cai trị sai lầm hoặc lại trở thành công cụ của những thế lực quốc tế trong những hình thức tranh chấp nóng hay lạnh trong tương lai. Ngạn ngữ Đông, Tây đều dạy rằng trong cái rủi có cái may. Cuộc chiến thảm khốc do mâu thuẫn ý thức hệ đã khiến cho hai triệu người phải bỏ nước ra đi nhưng nay đã trở thành một nguồn tài chánh và trí tuệ quan trọng có khả năng phục hồi sinh lực của dân tộc, giúp cho đất nước sớm trở nên giàu, mạnh và có một vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới”.
Chúng tôi tin rằng, “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, tập I của Giáo sư Lê Xuân Khoa sẽ có ích cho những ai mong mỏi bảo vệ chủ quyền và xây dựng một Việt Nam, giàu, mạnh, dân chủ. Chúng tôi đã đề nghị Giáo sư Khoa tái bản cuốn sách này nhưng ông cho hay, bản CD dùng để in sách đã bị thất lạc khi ông dọn nhà từ Washington D.C đến California. Vì lợi ích chung, ông đã cho phép chúng tôi được phổ biến cuốn sách trên blog Ba Sàm. Chúng tôi đã scan lại toàn bộ cuốn sách và kể từ hôm nay, sẽ bắt đầu giới thiệu “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, tập I, khoảng 600 trang, gồm 10 chương và phụ lục, của Giáo sư Lê Xuân Khoa. Mời độc giả đón đọc.
——-
(*) Vài dòng về tác giả: Trước 1975, Giáo sư Lê Xuân Khoa giảng dạy Triết học Đông phương ở Đại học Văn Khoa và là Phó Viện trưởng Đại học Saigon. Sau 1975, ông là Chủ tịch Trung tâm Tác Vụ Đông Nam Á (Southeast Asia Resource Action Center) và Giáo sư Thỉnh giảng tại trường Cao Học Nghiên cứu Quốc tế (SAIS) và Viện Chính sách Đối ngoại (FPI) thuộc Đại học Johns Hopkins, Washington, DC. Năm 1996, Giáo sư Lê Xuân Khoa về hưu. Hiện cư ngụ tại Irvine, California. Nếu cần trao đổi thêm với tác giả về nội dung liên quan đến cuốn sách “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, độc giả có thể gửi email về: le.khoa@cox.net.
-----
Mời bà con vào đây đọc tiếp phần Mục Lục. BTV sẽ khởi đăng cuốn sách này vào ngày mai:
http://anhbasam.wordpress.com/2013/01/31/viet-nam-1945-1995-chien-tranh-ti-nan-va-bai-hoc-lich-su/ — with Bui Thị Minh Hang and 19 others.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét