Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Teo dần quyền con người trong Hiến pháp


1277712861_luat 020
Trong thời gian qua, nhiều người mong muốn sửa đổiHiến pháp 1992, để bỏ hoặc thay đổi một số quy định, ví dụ như quy định về quyền lãnh đạo (được hiểu là đương nhiên) của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Nhà nước và xã hội (Điều 4), và quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý (Điều 17–18). Tôi không chia sẻ kỳ vọng đó, bởi không tin rằng giới lãnh đạo hiện nay có thể sớm chấp nhận thay đổi những điều mà họ khẳng định là bất di, bất dịch. Ngược lại, tôi thuộc số những người lo rằng việc sửa đổi Hiến pháp có thể bị lợi dụng để hạn chế hơn nữa quyền con người. Và bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã cho thấy nỗi lo đó không phải là vô cớ. Thậm chí, không ngờ họ lại có thể đi xa như vậy…
 Trong Hiến pháp 1992, thuật ngữ “quyền con người” chỉ được nhắc một lần, tại
“Điều 50: Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.”
Tức là “quyền con người” được đồng nghĩa với “quyền công dân”. Vậy thì những người đang tạm thời bị tước “quyền công dân” sẽ không còn được hưởng “quyền con người”. Hơn nữa, sau khi định nghĩa “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam” (Điều 49), thì “quyền con người” sẽ không còn được áp dụng cho những người đang tồn tại trên đất Việt Nam, nhưng không hoặc chưa “có quốc tịch Việt Nam”. Điều này cho thấy cách hiểu về “quyền con người” trong Hiến pháp 1992 phiến diện như thế nào.
 Một thay đổi dễ nhận thấy trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là “quyền con người” được tách ra, được nhắc tới 8 lần, luôn đi cạnh và được đặt trước “quyền công dân”. Ở chế độ mà giới lãnh đạo vốn rất khó chịu khi nghe nhắc đến “nhân quyền” (tức là “quyền con người”), thì đây là một bước tiến, muộn mằn nhưng có vẫn hơn không.
 Một thay đổi nữa, là “quyền công dân” cùng “quyền con người” được đưa từ Chương V (trong Hiến pháp 1992) lên Chương II (trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp). Ở Cộng hòa Liên bang Đức, “quyền con người” được đặt lên vị trí hàng đầu, trong Chương I của Hiến pháp. Ở CHXHCN Việt Nam thì Chương I của Hiến pháp được dành cho “Chế độ chính trị”Chính trịlà một cái gì đó rất thiêng liêng, mà cũng rất bí hiểm, và càng bí hiểm thì càng… hữu dụng. Khi muốn đùn đẩy công việc, thì tuyên bố: “Cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.” Khi muốn làm liều, thì khẳng định: “Với quyết tâm chính trị, chắc chắn sẽ làm được.” Còn khi muốn lẩn tránh trách nhiệm của bản thân, thì chỉ cần tỏ chút áy náy và “nhận trách nhiệm chính trị.
 Hai thay đổi kể trên là theo hướng tiến bộ, đáng được ghi nhận. Song như vậy thì mới thể hiện rằng quyền con người đã được chú ý hơn. Mà chỉ chú ý thì chưa đủ và cũng chưa chắc đã tốt. Chẳng hạn, nếu bạn được công an chú ý, thì điều đó không hẳn là dấu hiệu hay. Để đánh giá chính xác các thay đổi về quyền con người và quyền công dân, thì phải xem xét các quy định cụ thể.
 Bài này không nhằm mục đích đánh giá đầy đủ và toàn diện về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, mà chỉ điểm qua một số ví dụ đáng lưu ý về sự thay đổi tiêu cực hay có thể là tiêu cực, liên quan tới quyền con người và quyền công dân. Hy vọng rằng những nhận xét dưới đây sẽ có ích cho những người đang muốn tham gia góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
 Quyền hư quyền ảo
 Trong “Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, xuất hiện một quyền mới (so với Hiến pháp 1992) là:
Điều 21: Mọi người có quyền sống.”
Nghĩ một cách dân dã, thì thấy điều này có vẻ ngồ ngộ. Quyền sống” còn hiển nhiên hơn cả“quyền ăn ngủ”, bởi muốn “ăn ngủ” thì tất nhiên phải sống”. Vậy mà nếu hiến định rằng“Mọi người có quyền ăn ngủ” thì ai nấy đã thấy ngây ngô.
 Thực ra, câu “Mọi người có quyền sống” cũng xuất hiện trong Hiến pháp của một số nước, chẳng hạn tại Điều 2 của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức (Jeder hat das Recht auf Leben). Điều đó chứa đựng một nội dung rất quan trọng, mà hệ quả trực tiếp của nó là: Không thể có án tử hình, vì tử hình một người là xâm phạm quyền sống” của người đó.
 Chấp nhận án tử hình hay không là một vấn đề nan giải, vẫn còn đang được tranh luận ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều nước vẫn duy trì án tử hình, như Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
 Liệu có thật là nhà cầm quyền Việt Nam muốn hủy bỏ án tử hình hay không? Nếu đúng là họ muốn hủy bỏ án tử hình, thì đây là một thay đổi rất quan trọng. Còn ngược lại, nếu họ vẫn định tiếp tục duy trì án tử hình, thì Điều 21 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa thừa, vừa giả dối, và chỉ chất to thêm đống quyền hữu danh vô thực trong Hiến pháp mà thôi.
 Một quyền mới khác trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp là:
Điều 35: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.”
Điều này được sửa đổi từ Điều 67 của Hiến pháp 1992, quy định rằng:
“Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định.”
“Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc.”
“Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ.”
Nghĩa là:
-       Chỉ đề cập đến một số đối tượng đặc biệt, đó là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước, người già, người tàn tật và trẻ mồ côi;
-       Chỉ hứa hẹn một cách chung chung, là “được hưởng các chính sách ưu đãi”, “được tạo điều kiện”, “được khen thưởng, chăm sóc”, “được Nhà nước và xã hội giúp đỡ”;
-       Chỉ đề cập đến mấy nội dung cụ thể, là “phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định”, và những thứ đó chỉ dành riêng cho đối tượng thương binh.
 Điều 35 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đưa ra những bước đại nhảy vọt so với Điều 67 của Hiến pháp 1992, đó là:
-       Áp dụng cho mọi công dân;
-       Không chỉ là hứa hẹn chung chung, mà nâng lên thành quyền được bảo đảm;
-       Nội dung được bảo đảm không chỉ dừng lại ở mấy nội dung cụ thể, mà bao trùm lêntoàn bộ “an sinh xã hội”.
Đây là một ý tưởng cách mạng vĩ đại, nếu họ thực tâm muốn triển khai. Tiếc rằng, nếu thực tâm thì ngây ngô, và nếu không ngây ngô thì không thể thực tâm.
 Quyền được bảo đảm an sinh xã hội là một thứ quyền vu vơ và hoàn toàn không khả thi. Thời gian qua, mới chỉ tập trung cho một số đối tượng rất chọn lọc và chỉ dừng lại ở mấy chế độ phúc lợi rất khiêm tốn, thế mà còn chưa làm tốt nổi. Vậy thì sao có thể bảo đảm an sinh xã hội cho mọi công dân? Lưu ý rằng chế độ “an sinh xã hội” bao gồm cả chăm sóc về y tế, trợ cấp ốm đau, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, trợ cấp trong trường hợp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, trợ cấp gia đình, trợ cấp thai sản, trợ cấp tàn tật, trợ cấp tiền tuất.Lấy đâu ra tiền của để thực hiện “ý tưởng cách mạng vĩ đại” ấy?
 Công dân có quyền được bảo đảm”, nhưng aicơ quan hay tổ chức nào phải đứng ra “bảo đảm”? Phải chăng cuối cùng họ sẽ phán rằng Dân phải “tự bảo đảm”?
 Trong thời buổi tham nhũng hoành hành từ trên xuống dưới, thì những chính sách viển vông không chỉ vô ích, mà còn rất tai hại, vì giới cầm quyền sẽ “mượn gió bẻ măng”. Điều này đang diễn ra dưới nhiều danh nghĩa, ví dụ như việc xây nhà ở xịn để bán cho người nghèo ở giữađô thị đắt đỏ. Khi đã đẻ ra một chính sách phúc lợi xã hội nào đó thì họ có cớ để vung tiền từ ngân sách, tức là tiền của Dân. Tất nhiên là không đủ để “ngập tràn thiên hạ”. Lúc đó, “nước có quyền chảy vào chỗ trũng”, nghĩa là ưu tiên cho “người thân” (theo nghĩa rộng, bao gồm cả những người quen thân vì tiền), và cũng không quên phần mình. Đối với các quan tham, “từ thiện” không còn là mục tiêu hành động, mà là phương tiện để vơ vét cho bản thân.
 Hơn nữa, khi số tiền của ít ỏi có thể dành cho phúc lợi xã hội bị vung vãi trên diện quá rộng, thì nảy sinh nguy cơ là nhiều người lẽ ra vẫn được hưởng trợ giúp sẽ không còn được hưởng nữa.
 Hai ví dụ kể trên cho thấy rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có thể đem lại cho người dân một số quyền mới nào đó, nhưng có khi lại là những quyền hư ảo, trong khi những quyền bị cắt giảm thì lại rất thật, như sẽ trình bày trong phần tiếp theo. Điều đáng buồn là: Xu hướng giả dối vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển trong việc xây dựng Hiến pháp.
 Quyền thoi quyền thóp
 Trong Điều 71 của Hiến pháp 1992 có quy định rằng:
“Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.” (Điều 71, Đoạn 2)
Điều 71 được sửa thành Điều 22 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng toàn bộ quy định được trích ở trên (nhằm hạn chế việc bắt người tùy tiện và yêu cầu bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật) đã bị xóa. Trong thời gian qua, Hiến pháp đã quy định rõ ràng như vậy mà công an vẫn bắt người và giam giữ rất tùy tiện. Rồi đây, khi quy định ấy đã bị gạch khỏi Hiến pháp, thì số phận người dân sẽ ra sao?
 Trong Điều 74 của Hiến pháp 1992 có quy định rằng:
“Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.” (Điều 74, Đoạn 2)
Điều 74 được sửa thành Điều 31 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng quy định vừa được trích (nhằm ràng buộc về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo) không còn nữa. Vốn dĩ, khiếu nại và tố cáo của công dân hay bị ngâm tôm bất tận. Đến đại công thần của chế độ gửi kiến nghị cũng chẳng được hồi âm. Vậy thì sau này, khi ràng buộc về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo bị xóa khỏi Hiến pháp, Dân sẽ phải chờ đợi bao lâu?
 Đoạn thứ nhất trong Điều 72 của Hiến pháp 1992 viết rằng:
“Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.”
Khi điều khoản trên hóa thân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, 5 chữ và phải chịu hình phạt”bị loại bỏ. Thành thử chỉ còn sót lại như sau:
“Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” (Điều 32, Khoản 1)
Hệ quả kéo theo là: “Khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” thì“không ai bị coi là có tội”, song vẫn có thể phải chịu hình phạt. Ở các nước văn minh thì hiển nhiên không ai phải chịu hình phạt” khi chưa “bị coi là có tội”. Nhưng ở xứ sở bất an, nơi khi được công an “mời vào” đồn thì vẫn còn mạnh khỏe, mà lúc “tiễn ra” có thể đã liêu xiêu, thậm chí có trường hợp trở thành xác không hồn, thì việc triệt tiêu 5 chữ và phải chịu hình phạt sẽ giúp cho công an nhân dân thêm vô tư “luyện võ” với Nhân dân.
 Đoạn thứ hai trong Điều 72 của Hiến pháp 1992 viết rằng:
“Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh.”
Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, quy định này được sửa thành:
“Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.” (Điều 32, Khoản 4)
Nghĩa là: Từ “giam giữ” được thay bằng “tạm giữ, tạm giam”. Hậu quả là: Khi đã kết án tù giam và chuyển từ trạng thái tạm giữ, tạm giam” sang hình thức giam giữ” để chấp hành án, thì người tù không còn được bảo vệ và người coi tù làm trái pháp luật không còn bị xử lýtheo quy định của điều khoản sửa đổi.
 Ba nội dung bị loại bỏ được đề cập ở trên đều có chung một “tội” là: Chúng hay để Dân níu bám, nhằm tố cáo chính quyền vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Có lẽ vì vậy nên phải “kết liễu” chúng, đẩy chúng ra khỏi Hiến pháp, để… giữ gìn uy tín cho chính quyền. Ngoài ra, hai quy định sau đây cũng đã bị loại bỏ khỏi dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
 Điều 64 về hôn nhân và gia đình trong Hiến pháp 1992 được sửa thành Điều 39 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng lại bỏ đi đoạn quy định về trách nhiệm nuôi dạy con của cha mẹ vàtrách nhiệm chăm sóc ông bà, cha mẹ của con cháu. Điều đó cũng có nghĩa là bỏ đi quyền của con cái được cha mẹ nuôi dạy và quyền của ông bà, cha mẹ được con cháu chăm sóc.
 Điều 59 của Hiến pháp 1992 được sửa thành Điều 42 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng bỏ đi quy định:
“Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí.”
Và nó được thay bằng một quy định chung chung trong Điều 66:
“Nhà nước… quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý…”
Vậy là, theo dự thảo sửa đổi Hiến phápbậc tiểu học không còn hiển nhiên được miễn học phí.
 Quyền treo trên lửa
 Loài người từ khi sinh ra đã tồn tại và phát triển nhờ biết lợi dụng. Ban đầu thì sống nhờ săn bắt và hái lượm, tức là lợi dụng rừng và biển. Rồi tiến hành trồng cấy, tức là lợi dụng đất đai và ánh sáng mặt trời. Từ vận chuyển hàng hóa trên sông đến ngăn đập tạo ra thủy điện đều làlợi dụng sức nước. Từ căng buồm ra khơi đến tạo ra phong điện đều là lợi dụng sức gió
 Đảng Cộng sản Đông Dương đã lợi dụng thời cơ, khi phát xít Nhật bị quân đồng minh đánh bại và chính quyền thuộc địa Pháp chưa kịp hồi sinh, để cướp chính quyền. Trong những năm tháng hoạt động bí mật, đảng đã lợi dụng sự cưu mang, giúp đỡ và che chở của những người giàu có, để rồi khi chiếm được chính quyền lại đem bao ân nhân ra đấu tố… trong cải cách ruộng đất. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam cũng đã lợi dụng tính mạng và của cải của Nhân dân cùng với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để giành thắng lợi.
 “Lợi dụng” thuộc vào bản năng sống và hành động của con người. Vậy thì việc “lợi dụng” có gì sai? Lợi dụng điều kiện thuận lợi không thể bị coi là xấu, mà không lợi dụng điều kiện thuận lợi cũng chẳng phải là điều đáng để ngợi ca.
 Trong các nhà nước pháp quyền, hoạt động của toàn xã hội được điều tiết bằng pháp luật. Xã hội càng văn minh, càng đa dạng thì hệ thống pháp luật càng cồng kềnh và phức tạp. Dù cố gắng đến đâu đi nữa, thì vẫn luôn tồn tại những kẽ hở pháp lý và những quy định chồng chéo. Khi có kẽ hở thì công dân có quyền lách qua mà không hề vi phạm pháp luật. Khi tồn tại nhiều điều khoản chồng chéo, với những quy định khác nhau có thể áp dụng cho cùng một vụ việc, thì đương sự có quyền áp dụng điều khoản có lợi nhất cho mình. Vì vậy, ở một số nước phát triển cao vẫn công khai bày bán những cuốn sách về các mẹo tính thuế để giảm thuế. Những hành động như vậy không phải là tội lỗi, mà hoàn toàn hợp pháp.
 Ấy vậy mà ở CHXHCN Việt Nam lại có một loại tội gọi là tội lợi dụng…”. Kỳ khôi nhất là tội lợi dụng sơ hở của pháp luật…”. Nếu cần xử lý, thì trước hết phải xử lý những người đã tiêu tốn tiền của Dân mà tạo ra sơ hở pháp luật, chứ sao lại dồn hết trách nhiệm lên đầu những người lợi dụng sơ hở đó? Kiểu quy tội này cũng “hợp lý” như việc quan phụ mẫu mặc quần thủng… lên công đường, rồi lại phạt dân đen vì tội nhìn vào chỗ thủng.
 Hiến pháp 1992 có hai điều khoản cấm lợi dụng:
“Không ai được… lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.” (Điều 70, Đoạn 3)
“Nghiêm cấm việc… lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.” (Điều 74, Đoạn 4)
 Điều gì đáng nói ở đây? Như đã phân tích ở trên, riêng hành động “lợi dụng” thì không thể coi là tội, và vì vậy không thể cấm. Để mô tả những thứ cần cấm và có thể cấm trong hai điều khoản kể trên, thì chỉ cần viết gọn lại như sau là đã quá đủ:
“Không ai được… làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.”
“Nghiêm cấm việc… vu khống, vu cáo làm hại người khác.”
Nghĩa là bỏ đi hai đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo. Khi vi phạm các điều cấm vừa viết, thì dù “lợi dụng…” hay không cũng chẳng làm cho tội nặng lên hay nhẹ đi. Tức là, xét về mặt lô-gíc thuần túy thì các đoạn “lợi dụng… là hoàn toàn thừa.
 Vậy thì, tại sao nhà cầm quyền vẫn cố tình cài thêm các đoạn “lợi dụng…” vào các điều khoản ấy?
 Phải chăng, đó là thủ đoạn pháp lý, nhằm hạn chế và cản trở những quyền con người và quyền công dân được gán sau từ “lợi dụng”?
 Chắc hẳn,mục tiêu mà họ nhắm tới là ngăn cản việc thực thi các quyền đó, chứ không phải những cái gọi là vi phạm, mà họ bám vào để kết tội. Từ lợi dụng” bị lạm dụnđể bắc cầu, nhằm kết nối các quyền con người với các tội, để kiếm cớ phủ định các quyền chính đáng, rồi trấn áp và trừng trị những người thực thi các quyền đó.
 Ví dụ: Nếu ai đó thực thi “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (được quy định tại đoạn thứ nhất trong Điều 70 của Hiến pháp 1992), mà nhà cầm quyền không ưng, thì họ sẽ gán cho cái nhãnlàm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Rồi dùng từ “lợi dụng” để bắc cầu tín ngưỡng, tôn giáo” với cái vi phạm được ngụy tạo đó. Kết quả thu được là tội “lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Vậy là có thể vận dụng đoạn thứ ba trong Điều 70 của Hiến pháp 1992 và hệ quả của nó trong Bộ luật Hình sự(Điều 258) để trừng trị.
 Điều 70 và Điều 74 của Hiến pháp 1992 được sửa đổi thành Điều 25 và Điều 31 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó vẫn duy trì hai khoản “cấm lợi dụng”:
“Không ai được… lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.” (Điều 25, Khoản 3)
“Nghiêm cấm việc… lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.” (Điều 31, Khoản 3)
 Đi xa hơn nữa, họ còn đưa thêm một điều khoản “cấm lợi dụng” hoàn toàn mới vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp:
“Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.” (Điều 16, Khoản 2)
Với bảo bối vạn năng này, tất cả các quyền con người và quyền công dân đều có thể bị cản trở.Cái nhãn xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”thì quá bao la và có thể dễ dàng ngụy tạo. Trên thực tế, họ cũng chẳng cần phải mất công tìm kiếm hay bày đặt chứng cớ, mà chỉ cần nhắm mắt đưa ra kết luận mang tính quy chụp.
 Những ai đã từng trực tiếp chứng kiến các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối hành động gây hấn của “bạn 16 chữ vàng”, diễn ra tại Hà Nội vào hai mùa hè 2011 và 2012, thì đều có thể nhận thấy rằng: Những người tham gia biểu tình rất ôn hòa và luôn chú ý giữ gìn trật tự công cộng, để công an không có cớ trấn áp. Nếu có hỗn loạn thì lại do chính những người mang danh lực lượng giữ gìn an ninh và trật tự cố ý gây ra. Thế nhưng, nhà cầm quyền vẫn vu cho những người biểu tình tội gây rối trật tự công cộng để đàn áp. Đó là một trong những thủ đoạn đã được áp dụng trên thực tế để cản trở và trấn áp công dân thực thi quyền tự do biểu tình.
 Chưa hài lòng với cái lưới tà ma bao trùm kể trên, họ còn bổ sung một điều khoản cấm lợi dụng” sau đây vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp:
“Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy, mê tín, dị đoan.” (Điều 64, Khoản 4)
Với quy định này, nhà cầm quyền có thêm phương tiện pháp lý để cản trở quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí
 Thủ đoạn lợi dụng… từ “lợi dụng” để biến những hoạt động chính đáng và hợp pháp của công dân thành tội lỗi là như vậy.
 Quyền nằm dưới dao
 Hiến pháp 1992 có một điều rất đặc biệt, đó là:
Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Đặc biệt ở chỗ nào? Nó quy định 6 quyền cơ bản của công dân, nhưng… trên thực tế thì tất cả 6 quyền ấy đều bị nhà cầm quyền cản trở.
 Ví dụ điển hình là quyền biểu tình. Với ràng buộc “theo quy định của pháp luật”, nhà cầm quyền có thể thông qua Quốc hội để ban hành luật, nhằm hạn chế quyền biểu tình trong một khuôn khổ nào đó. Nhưng hàng chục năm trôi qua, vẫn không xuất hiện một luật nào liên quan đến biểu tình. Nhiều người, kể cả giới cầm quyền, nhầm tưởng rằng: Khi chưa có luật về biểu tình thì công dân chưa được phép biểu tình. Nhưng bài “Quyền biểu tình của công dân” đã chỉ ra rằng: Theo Hiến pháp hiện hành thì công dân luôn luôn có quyền biểu tình. Nếu đã có luật về biểu tình thì công dân phải tuân theo ràng buộc của luật đó. Khi chưa có luật về biểu tình thì công dân càng có quyền biểu tình, và quyền ấy không bị hạn chế bởi pháp luật, tức là càng tự do.
 Điều 4 của Hiến pháp 1992 quy định rằng:
“Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Căn cứ vào điều khoản này thì có thể nói rằng: Việc công dân biểu tình khi chưa có luật về biểu tình còn chính đáng và hợp pháp hơn so với việc ĐCSVN hoạt động khi chưa có luật quy định về khuôn khổ hoạt động của đảng. Tại sao lại chính đáng và hợp pháp hơn? Bởì vì “Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép, còn Nhân dân được làm tất cả những điều pháp luật không cấm.” Nhà nước được hiểu là “một tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị, được giai cấp thống trị thành lập nhằm thực hiện quyền lực chính trị của mình”, nên ràng buộc kể trên đối với Nhà nước cũng có hiệu lực cho ĐCSVN. Hơn nữa, như ông Nguyễn Trung đã nhận định, Đảng mới là nhà nước đích thực: Nhà nước đảng trị.”  Rõ ràng, Hiến pháp hiện hành không hề đề cập đến khuôn khổ hoạt động của đảng và cũng chưa có luật nào quy định về khuôn khổ đó, cho nên đảng cũng chưa có được những điều pháp luật cho phép” để mà được làm”, để mà “hoạt động”. Trong khi đó, quyền biểu tình của công dân được minh định trong Hiến pháp hiện hành và chưa có luật nào hạn chế quyền ấy, nên hiển nhiên là công dân có quyền biểu tình không hạn chế.
 Để ngăn cản và đàn áp biểu tình, chính quyền thường viện dẫn Nghị định Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA (hướng dẫn thi hành nghị định đó). Nhưng bài Lực cản Nhà nước pháp quyền đã chỉ ra rằng:
-       Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA vi phạm Hiến pháp và pháp luật;
-       Chính phủ không có quyền ban hành nghị định để hạn chế quyền công dân;
-       Dù bỏ qua hai khía cạnh vừa kể, thì lời văn của hai văn bản ấy cũng không cho phép áp dụng chúng để cản trở biểu tình yêu nước, như những cuộc biểu tình ôn hòa đã diễn ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong hai năm 2011 và 2012.
 Hẳn nhà cầm quyền đã nhận ra rằng: Hiến pháp và pháp luật hiện hành không cho phép họ cản trở quyền biểu tình của công dân. Ban hành luật về biểu tình thì họ hoàn toàn không muốn, vì dù quy định ngặt nghèo đến đâu đi nữa thì vẫn sẽ “lọt lưới” một số cuộc biểu tình. Vậy phải làm thế nào bây giờ?
 Lợi dụng thời cơ sửa đổi Hiến pháp, họ đã sửa Điều 69 của Hiến pháp 1992 như sau:
Điều 26: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Điều gì thay đổi ở đây? Họ đã xóa hai từ có quyền” trước đoạn được thông tin” và trước đoạn “hội họp, lập hội, biểu tình”. Đồng thời, họ dùng chữ “được” (vốn dĩ chỉ là một thành phần của từ được thông tin”) thay cho hai từ “có quyền” ấy.  Để làm gì? Để xóa bỏ những quyền cơ bản đó của công dân. Từ chỗ công dân luôn có quyền” (kể cả khi không có luật hoặc chưa có luật liên quan), bây giờ bị tước “quyền”, và “quyền” bị hạ cấp xuống thành những thứ “được” ban phát. Mà “được… theo quy định của pháp luật” thì cũng có nghĩa làchỉ được… theo quy định của pháp luật”. Tức là công dân “chỉ được” ban phát nếu nhà cầm quyền đã ban hành quy định của pháp luật”. Khi nhà cầm quyền chưa muốn, lờ đi việc ban hành quy định của pháp luật”, thì Dân sẽ không được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.
 Đây là một thủ đoạn pháp lý tinh vi, nhằm tước đoạt quyền được thông tin và các quyền hội họp, lập hội và biểu tình của công dân.
 Một điều khoản khác rất đáng lưu ý trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là:
“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.” (Điều 15, Khoản 2)
Điều khoản này là một sáng tạo pháp lý mới mẻ của các nhà lập hiến CHXHCN Việt Nam. Chữ“chỉ” tạo ra ảo tưởng rằng: Điều khoản này nhằm hạn chế những hoàn cảnh mà quyền con người và quyền công dân có thể bị giới hạn, tức là để bảo vệ các quyền đó. Thế nhưng hậu quả của nó thì ngược lại.
 Vốn dĩ, việc “quyền con người, quyền công dân có thể bị giới hạn” không hề được đề cập đến trong Hiến pháp 1992. Nay điều này được nêu đích danh trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhằm hiến định hóa việc chính quyền có thể giới hạn quyền con người và quyền công dân.
 Danh sách “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” rộng đến mức có thể bao trùm mọi hoàn cảnh thông thường. Cho nên, nhà cầm quyền luôn có thể viện dẫn những lý do đó, nhằm giới hạn quyền con người và quyền công dân, bất cứ lúc nào mà họ muốn. Vì vậy, việc nhét chữ “chỉ” vào điều khoản ấy chẳng hề có tác dụng hạn chế phạm vi hành động của giới cầm quyền, mà chỉ ngụy trang, che đậy mục đích hiến định hóa ấy mà thôi.
 Điều khoản kể trên quy định rằng “quyền con người, quyền công dân… có thể bị giới hạn”, nhưng lại không viết rõ ai và cấp nào có quyền giới hạn. Điều đó mở đường cho bộ máy cầm quyền các cấp có thể can thiệp tùy tiện vào quyền con người và quyền công dân.
 Như vậy, Điều 15, Khoản 2 cũng là một thủ đoạn pháp lý tinh vi, nhằm thu hẹp quyền con người và quyền công dân.
 Hai ví dụ kể trên nhắc nhở mọi người phải hết sức cảnh giác với những bẫy pháp lý đã được cài trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
 Giữ chút quyền Dân
 Trong tham luận trình bày tại phiên họp Quốc hội vào buổi sáng ngày 16/11/2012, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội khóa XIII của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã đề nghị một quan điểm, một nguyên tắc, đó là:
Thành tựu của Hiến pháp 1992 cần được bảo vệ và tiếp tục phát huy, đặc biệt nguyên tắc Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, phát huy các quyền tự do cơ bản của nhân dân trên mọi mặt. Do đó, chỉ nên sửa đổi Hiến pháp 1992 nếu phát huy hơn nữa các quyền tự do, dân chủ, chú trọng đổi mới đồng bộ chính trị và kinh tế, nhờ thế tạo động lực mạnh mẽ hơn cho giai đoạn cách mạng mới. Nếu không làm được như vậy thì không nên sửa lặt vặt.”
Tiếc rằng, đề nghị hợp lý và sáng suốt này chưa được phản ảnh đúng mức trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Không phát huy hơn nữa các quyền tự do, dân chủ”, như Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị, mà ngược lại, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã cắt giảm nghiêm trọng quyền con người và quyền công dân.
 Dân không quan tâm nhiều đến việc ghế lãnh đạo được hoán vị ra sao và quyền lực được chia lại thế nào. Họ đủ thông minh để hiểu rằng: Những tiến bộ được tung hô, như việc bỏ hiến định về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, có thể là một bước tiến trong tư duy của giới lãnh đạo và giới lý luận, nhưng sẽ chẳng tác động mấy đến thực tế cuộc sống. Khi không còn được gán cho vai trò chủ đạo, thì thành phần kinh tế nhà nước sẽ được giũ bớt trách nhiệm đối với nền kinh tế quốc dân, nhưng lại vẫn tiếp tục được hưởng mọi sự o bế và ưu tiên. Đó là lãnh địa lý tưởng cho tham nhũng, là đại lộ thông thoáng để tuồn tài sản toàn dân vào túi các quan tham.
 Dân quan tâm nhất là các quyền lợi thiết thân, trong đó có quyền sở hữu đất đai.
 Như đã trao đổi trong bài “Hai tử huyệt của chế độ”, quy định trong Hiến pháp 1992 về quyền lãnh đạo mặc nhiên của ĐCSVN (Điều 4) và đất đai thuộc sở hữu toàn dân (Điều 17) là hai vấn đề tồn tại then chốt. Chúng phải được khắc phục sớm, vì Dân, vì Nước và cũng vì chính ĐCSVN. Thế nhưng, hai quy định này vẫn được dự thảo sửa đổi Hiến pháp bảo lưu, trong khi quyền con người và quyền công dân lại bị thu hẹp đáng kể.
 Đối với Dân, Hiến pháp kiểu này có thể trở thành bãi mìn pháp lý. Nếu dự thảo như vậy được thông qua, thì Hiến pháp có thể không còn là khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Nhà nước và xã hội, mà trở thành cái gông cùm Nhân dân và Dân tộc.
 Chất lượng dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện cái tâm và tầm của các tác giả, không chỉ bao gồm những người trực tiếp tham gia soạn thảo, mà kể cả những vị ngồi trên cao để chỉ đạo và áp đặt. Nếu chỉ hạn chế về tầm, tức là do trình độ hay do sơ suất, thì Nhân dân có thể góp ý để bù lại. Nhưng những ví dụ được đề cập ở trên cho ta ấn tượng là: Những thay đổi theo hướng tiêu cực trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được tiến hành một cách có chủ ý và được tính toán kỹ lưỡng. Thậm chí, họ đã vận dụng cả những thủ thuật và thủ đoạn pháp lý tinh vi để thực hiện và che đậy mục đích đó. Khi tâm đã như vậy, thì liệu việc góp ý của Nhân dân có đủ để lay chuyển được quyết tâm sắt đá của họ hay không? Thật khó mà tin rằng họ có thể sữa chữa bản dự thảo để đưa ra một Hiến pháp thực sự tử tế với Dân.
 Vì vậy, để bảo vệ quyền con người và quyền công dân, thì nên tạm dừng việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Hãy đợi đến một thời điểm thuận lợi hơn, khtầm đã đủ cao và tâm đã đủ ổn, rồi hãy thay đổi Hiến pháp một cách căn bản, theo chiều hướng tiến bộ, để có được một bảnHiến pháp thể hiện ý nguyện của Dân, do Dân và vì Dân.
  Hà Nội, 15/01/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét