Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

CỐ LÊN PHƯƠNG UYÊN NHÉ!

Bài dự thi "Quyền con người và tôi"
(mã số QCN&T000032)
 Con Đường Việt Nam 



Mình sắp ra trường, ở cái tuổi bước vào đời người ta có rất nhiều ưu tư. Thời buổi khó khăn bây giờ càng khiến sinh viên chúng mình băn khoăn lo lắng, nó làm cho mình thay đổi suy nghĩ rất nhiều.

Trước nay mình và các bạn thường có thói quen nghĩ theo những gì đã sắp sẵn của bố mẹ, của thầy cô, của Đoàn, của Đảng và Nhà nước. Những cái đó giống như chân lý ấy, cứ theo là thể nào cũng tốt, trệch khỏi thế nào cũng xấu, không thể có tương lai tươi sáng mà còn bị trừng trị. Cứ cái gì báo đài nói tốt là nó tốt, nói xấu là nó xấu. Mình chẳng mấy khi bận tâm suy nghĩ vì sao nó xấu, vì sao nó tốt và có thật là xấu hay tốt không. Mà nghĩ thế làm gì cơ chứ, chẳng có lợi gì cả. Có vài lần mình cũng thử làm vậy trước những chuyện mà mình thấy không được đúng lắm nhưng nó khiến mình hoang mang, vì mình không thể đi theo cái đúng được. Mình mà lên tiếng hoặc làm theo đó thì thế nào cũng mang vạ. Mình cứ im lặng hoặc a dua theo điều ngược lại thì yên ổn và được thành tích.

Mình xin kể chỉ một ví dụ trong rất nhiều chuyện thực tế mình đã trải qua. Mình cũng như tất cả các bạn đoàn viên khác phải thường xuyên học, viết, dự thi về học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ. Lúc đầu mình cũng hăng hái tìm hiểu nhưng càng về sau thì chẳng tìm được điều gì mới mà vẫn phải viết thu hoạch. Các bạn mình cũng thế nên mọi người được chỉ đạo cứ chép lại giống nhau của một bạn nào đó may mắn sưu tầm được cái mới, xem như là công trình tập thể. Cứ như vậy từ năm này qua năm khác, không chỉ ở trường mình mà tất cả các trường khác đều thế. Mình nghe người lớn làm trong các cơ quan nhà nước cũng thế. Các cô chú còn bảo rằng có người đánh máy rồi in sẵn ra giống hệt nhau, chỉ cần ký và ghi tên mình vào là được. Các cô chú ấy giải thích là lãng phí giấy tờ còn hơn là phí phạm thời gian vô bổ. Mình và nhiều bạn thấy không ổn, có điều gì đó rất không đúng nên đã có ý không muốn tiếp tục như thế. Nếu mình không chịu nộp bài dù là bài quay cóp (nhưng được phép) thì bị dọa sẽ lãnh nhiều hậu quả. Thế là mình đành bỏ cuộc, nhưng mình lại thấy rất nhiều bạn cho điều đó là bình thường, thậm chí là đúng đắn vì nó giúp cá nhân và tập thể có thành tích. Như vậy là làm việc có ích rồi.

Trong lúc học tập Bác, mình rất ấn tượng câu chuyện kể rằng giữa đêm đông buốt giá Bác chỉ có một chiếc áo ấm nhưng đã cởi ra khoác cho một chú cảnh vệ đang ngủ gật khi đang canh gác cho Bác làm việc. Mình thấy Bác thương người quá. Nhưng có lần trong nhà mình xảy ra một chuyện. Chú mình là một giám đốc công ty tư nhân, giàu có và nổi tiếng là tốt bụng. Nhưng hôm đó chú đuổi việc lái xe của chú là một người bà con thân thiết trong dòng họ. Việc này gây xôn xao trong gia đình và không ít người phản đối chú trong đó có mình. Mình hỏi vì sao chú làm thế. Chú bảo lái xe trách nhiệm trên hết là phải đảm bảo an toàn nhưng cậu ấy đã không ý thức được điều đó dù đã nhiều lần nhắc nhở và chỉ dạy. Mình đem câu chuyện Bác Hồ và chú cảnh vệ ra để kể và nói rằng chú mình đã không thương người, ngay cả với người bà con. Chú mình cười ngất và nói:

- Chú không tin câu chuyện ấy có thật. Mà nếu thật thì nó chỉ nói lên một điều là ông Hồ là một lãnh đạo tồi chỉ biết đề cao những giá trị đạo đức giả và thói vô trách nhiệm

Rồi chú giải thích rằng người cảnh vệ đó rất vô trách nhiệm, ngủ gật thì làm sao bảo đảm an toàn cho người mình bảo vệ. Việc đấy phải bị khiển trách ngay để nó không lây lan. Đằng này Hồ Chí Minh lại khuyến khích thói xấu đó để đề cao đạo đức của mình. Đạo đức như vậy là đạo đức giả. Chú mình còn nói rất nhiều nữa nhưng mình nhớ mãi một câu: 

“Khi nào mình thực sự là một con người thì mình mới có thể sống thật với lòng mình. Chú bây giờ vẫn chưa được như thế vì có lúc chú vẫn phải khom lưng làm điều mình không muốn để chú có thể tồn tại trên thương trường”.

Câu chuyện ấy đã mấy năm trước rồi, dần dà mình cũng quên đi dù lúc đó mình cũng đã nghĩ nhiều về điều chú mình nói. Nhưng nó làm mình hoang mang nên mình đã cố gạt nó qua một bên. Bây giờ mình đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời nên có rất nhiều cái mình phải đối diện, không thể tránh né được nữa. Mình phải quyết định để lựa chọn. Mình sẽ theo sự sắp đặt của bố mẹ để vào làm một cơ quan nhà nước, hay tự tìm chỗ mình thích và cố gắng xin vào cho bằng được bởi năng lực của mình. Chú mình thì khuyên không nên vào Nhà nước vì ở đó lừa lọc nhau rất nhiều, không phù hợp với bản tính của mình. Chú còn bảo sắp tới có khi nhà nước còn phải sa thải hàng loạt. Nhưng công ty chú bây giờ cũng rất chi là khó khăn, nghe nói may mắn lắm chú mới không phải vỡ nợ. Các công ty tư nhân khác thì giờ đổ bể hàng loạt nên tìm được một công việc tốt ở đó không dễ gì vào lúc này cả. Dù kêu mình vào cơ quan nhà nước nhưng dạo này mình thấy bố mẹ than vãn rất nhiều về công việc của họ cũng làm cho nhà nước, thu nhập giảm sút nặng, bất mãn trong công việc lại tăng. Trước đây bố mẹ ít dám nói những chuyện kỵ húy dù là trong nhà nhưng giờ thì gọi thẳng tên bác Thủ tướng mà chửi là tham lam, bất tài. Cả bác Tổng Bí thư cũng bị chế giễu. Mình kể những chuyện này cho chú nghe thì chú cười rất khoái chí. Chú bảo: 

“Bố mẹ cháu giờ mới bất đầu dùng đến quyền con người. Chừng nào hai người dám ra ngoài mà chửi và chế giễu như thế thì mới đúng là làm người. Ha ha ha!"

Rồi chú chỉ cho mình đọc câu chuyện ngụ ngôn con voi của chú Trần Huỳnh Duy Thức mà mình rất thích:

"Từ lúc còn rất nhỏ, voi con bị con người giữ chân bằng dây xích chặt vào cột. Vài lần nó cố giật bứng cái cột đi, nhưng sức bé làm nó thất bại. Từ đó định hình trong đầu nó một giáo điều là nó không thể làm được điều đó. Sức vóc nó lớn nhanh, nhưng đầu óc nó vẫn xơ cứng với giáo điều như vậy. Nó đã lớn đến mức thừa sức hất phăng cây cột giữ chân nó lâu nay, nhưng sự xơ cứng đầu óc đã ngăn cản mọi suy nghĩ thay đổi của nó. Nó vẫn nghĩ mình không đủ sức để có được tự do mà nó hằng ao ước từ bé. Tệ hơn nữa là nó còn hàm ơn những người đã xiềng xích mình vì được cho ăn. Cuối cùng nó chết già và hài lòng với những lời thương tiếc và ca ngợi của chủ."

Chú mình còn khuyên mình hãy năng đọc báo mạng “lề trái” để ít ra còn duy trì được cảm giác làm người. Mình nghe lời chú rồi đem những chuyện đọc được và cả chuyện chú mình cười bố mẹ kể cho hai người nghe. Họ cười ngượng nghịu chứ không lớn tiếng phản bác chú như trước đây mình vẫn thường thấy. Bố nói: 

“Chú mày hơi quá. Vì thế mà ngày xưa bị người ta hất ra khỏi cơ quan Nhà nước”. 

Còn mẹ lại nói thêm: 

“Nhưng nhờ thế mà chú cứng cáp và sống độc lập hơn nhiều người”. 

Có điều lạ nữa là bố mẹ không la chừng mình đọc báo phản động nữa. Mình biết dạo này hai người cũng thường xuyên lên mạng đọc những tin tức như vậy.

Phải nói là mình rất thích câu chuyện ngụ ngôn con voi kể trên. Mình gửi cho mấy đứa bạn tụi nó cũng thích. Nhờ đó mình tiếp tục tìm hiểu và biết được cuộc thi viết “Quyền con người và tôi”. Mình muốn dự thi nhưng thời gian còn lại quá ngắn, chỉ còn 2 tuần nữa là hết hạn. Mà lâu nay mình chưa bao giờ thật sự nghiên cứu về quyền con người nên làm sao kịp tìm hiểu. Mình lại chạy đến chú mình. Chú rất khuyến khích mình tham gia và phân tích là: 

“Quyền con người rất rộng, cái gì tồn tại trong cuộc sống này cũng đều liên quan đến quyền con người cả. Chỉ cần cháu nói thật được suy nghĩ của mình là cháu đã sử dụng quyền con người của mình rồi, mà đó là quyền rất quan trọng để được làm người đàng hoàng. Kể ra những cảm nhận, những thay đổi trong suy nghĩ của cháu sẽ là những giá trị thựctế”. 

Do vậy mình quyết định dự thi bằng bài viết này bằng cách kể lệ lại những điều mà mình thấy là có ý nghĩa trong sự thay đổi suy nghĩ của mình, mà theo chú mình nói là như mình bắt đầu ý thức được quyền con người.

Có lẽ do mình bắt đầu thay đổi nên mình thấy thương yêu và nể phục bạn Phương Uyên lắm. Bạn ấy nhỏ hơn mình đến 3 tuổi. Vào lúc mình bằng tuổi bạn ấy mình chỉ quen nghe theo số đông, theo sự áp đặt, sắp đặt sẵn. Còn bạn ấy đã dám thể hiện suy nghĩ thật, tấm lòng thật của mình. Mình biết hầu hết sinh viên bạn bè mình đều ghét Trung Quốc. Nhưng chỉ nói riêng với nhau, không dám nói ra trong những buổi họp Đoàn chứ đừng nói là bộc lộ cả suy nghĩ và hành động như Phương Uyên. Chú mình bảo Uyên đã dũng cảm sử dụng quyền con người mà lại bị đàn áp. Mình cũng tin như vậy, không còn tin vào những gì mà báo đài nói về bạn ấy nữa, nhưng để làm được như Uyên chắc mình sẽ còn một quãng đường dài. Tuy nhiên điều mình có thể làm được cho bạn ấy là tặng bài viết này cho Phương Uyên và sẽ ra sức bảo vệ sự đúng đắn của Uyên khi tranh luận về Uyên với những bạn bè khác.

Mình muốn nói với Uyên rằng mình sẽ cố gắng như Uyên, mình muốn làm người chứ không muốn làm voi. Cố lên Uyên nhé.

Dieu Hien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét