Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Tường thuật 25/8/1978 về Lê Ðình Chinh


Ảnh tư liệu chụp cảnh dân quân Việt Nam bắt tù binh Trung Quốc ở Cao Bằng ngày 26/2/1979
Dân quân Việt Nam bắt tù binh Trung Quốc ở Cao Bằng ngày 26/2/1979

Hôm 6/1/2013, Việt Nam đã tiến hành lễ an táng hài cốt của anh hùng liệt sĩ Lê Ðình Chinh tại quê hương Thanh Hóa.

Nhưng trên một số trang mạng của người Việt có cáo buộc truyền thông nhà nước “không dám” nhắc đến hai chữ “Trung Quốc”, mặc dù ông Lê Ðình Chinh được xem là người lính đầu tiên hy sinh trong giai đoạn hai nước căng thẳng ở vùng biên giới 1978-79.
Nhân dịp này, BBC xin giới thiệu lại một bài báo trên truyền thông tiếng Anh, viết về biến cố ngày 25/8/1978.

Ðây là bài báo của hãng tin AP, đánh đi từ Bangkok, Thái Lan đúng ngày xảy ra vụ việc:
“Việt Nam và Trung Quốc nói đã xảy ra giao tranh hôm thứ Sáu [25/8] tại một chốt cửa khẩu bên trong lãnh thổ Việt Nam. Cả hai phía nói đã có nhiều người chết và bị thương.
Hà Nội và Bắc Kinh đồng ‎ ý rằng vụ việc xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam, nhưng đưa ra tường thuật khác nhau về những gì đã xảy ra.
Ðài phát thanh Hà Nội, được theo dõi ở đây [Bangkok, Thái Lan], nói nhiều kẻ “côn đồ” (hooligan) và công an biên phòng Trung Quốc đã vượt qua lãnh thổ Việt Nam, giết hai biên phòng Việt Nam và làm bị thương 25 người Việt.

Tân Hoa Xã của Trung Quốc lại nói bốn người Trung Quốc bị giết và hơn chục người bị thương nặng. Họ nói vụ việc xảy ra ở cửa khẩu Hữu Nghị Quan ở về phía Việt Nam tại biên giới Việt – Trung.

Ðài phát thanh Hà Nội nói vụ việc xảy ra sáng thứ Sáu khi biên phòng Việt Nam và các thành viên Mặt trận Tổ quốc đang giúp Hoa kiều, đang bị mắc kẹt ở khu vực biên giới, trở về nhà ở Việt Nam.

Hơn 2.000 người Hoa ở Việt Nam đã bị kẹt tại Hữu Nghị Quan khi Trung Quốc đóng cửa biên giới ngày 12/7, cáo buộc tình báo Việt Nam giả vờ làm người tị nạn để vào Trung Quốc.

Tân Hoa Xã nói chính phủ Trung Quốc đã có lời phản đối mạnh mẽ với Việt Nam về “vụ khiêu khích”. Tân Hoa Xã nói va chạm bắt đầu khi giới chức Việt Nam gửi quân đội và cảnh sát để đàn áp các “nạn nhân” Trung Quốc ở biên giới.

Ảnh của báo Thanh Niên
Lễ an táng hài cốt liệt sĩ Lê Ðình Chính diễn ra ngày 6/1

Công hàm phản đối được Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hải Phong trao cho Ðại sứ Việt Nam Nguyễn Trọng Vĩnh tại Bắc Kinh, theo Tân Hoa Xã.

Vụ trưởng Vụ Trung Quốc Nguyễn Tiến cũng trao công hàm phản đối khẩn cấp cho nhà ngoại giao Trung Quốc Lỗ Minh ở Hà Nội. Ông Tiến mô tả vụ việc là “hành động phá hoại an ninh tại biên giới” và đòi Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt khiêu khích, theo đài phát thanh Hà Nội.

Hà Nội nói người Trung Quốc, có dao, gậy, đá, đã đâm một người lính biên phòng được xác định là ông Lê Ðình Chinh cùng một trợ tá. Theo Việt Nam, bảy người khác cũng bị phía Trung Quốc làm bị thương nặng.

Còn Tân Hoa Xã lại nói khoảng từ 100 đến 200 an ninh Việt Nam đã lật đổ chỗ ở tạm của các Hoa kiều. Theo cơ quan này, phía Việt Nam có lưỡi lê, dao găm, và gậy.

Tân Hoa Xã nói bốn người Trung Quốc bị giết, hơn chục người bị thương và những người còn lại bị đưa đi.

“Vụ việc có suy tính trước này là tội ác mới của giới chức Việt Nam trong cuộc đàn áp đẫm máu và tẩy chay người Hoa,” Tân Hoa Xã nói. “…Vụ này là bước đi nghiêm trọng và bừa bãi của phía Việt Nam” nhằm phá hoại cuộc đàm phán về biên giới.
Tân Hoa Xã nói Thứ trưởng Trung Quốc đã đòi Việt Nam chấm dứt ngược đãi Hoa kiều ở Việt Nam.

Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam ngược đãi số dân Hoa kiều đông đảo ở Việt Nam. Giới chức Trung Quốc nói khoảng 180.000 người Hoa đã từ Việt Nam trở về Trung Quốc.

Trong một buổi phát thanh cuối tuần trước, đài phát thanh Hà Nội kêu gọi đất nước sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn chống lại “phản động quốc tế” – từ mà Việt Nam dùng để ám chỉ người Trung Quốc.

Việt Nam nói cuộc ra đi của người Hoa một phần là vì tin đồn của các “phần tử xấu” nói rằng họ sẽ bị trả thù do xung đột biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, mà Trung Quốc đang ủng hộ Campuchia. Việt Nam được Liên Xô ủng hộ.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét