Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Nguyễn Huệ hay Hoàng đế Quang Trung – người anh hùng dân tộc, đã cầm quân đánh bại 2 vạn quân Xiêm tại Rạch Gầm – Xoài Mút và đại phá 30 vạn quân Thanh phía Bắc. Đó là một tài năng quân sự lỗi lạc của nước ta.
Chiến thắng của quân Tây Sơn đã làm rung chuyển nhà Lê. Lê Chiêu Thống không những không phục Hoàng đế Quang Trung mà tìm cách bán nước hại dân, duy trì ngôi báu của mình.
Cha của vua Lê Chiêu Thống là Lê Duy Vĩ, vì ông là người chính trực, muốn giành lại quyền lực cho nhà Lê nên đã bị Trịnh Sâm giết. Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép lại chuyện này như sau: Lúc chưa làm Chúa, Trịnh Sâm ngồi ăn cơm chung với Lê Duy Vĩ. Lê Duy Vĩ là rể của Trịnh Sâm. Bà Chính Phi mắng: “Sao Chúa lại ngồi ăn cơm chung với Vua” rồi bắt ăn riêng. Tan tiệc, Sâm bảo Thái tử: “Hai người chúng ta sẽ phải có một người sống, một người chết. Vua ấy không đi với chúa này”. Trịnh Sâm lên ngôi, Chúa bèn tìm cách vu cáo Lê Duy Vĩ thông dâm với cung phi của Trịnh Doanh (bố vợ) rồi giết bằng thắt cổ.
Lê Chiêu Thống tên thật là Lê Duy Kỳ – cùng hoàng tộc ép Ngọc Hân công chúa – lúc đó đã trở thành vợ của Nguyễn Huệ – phải nói với Nguyễn Huệ tôn Lê Duy Kỳ lên làm vua – Hiệu là vua Lê Chiêu Thống.
Tháng 8, vua Thái Đức tức Nguyễn Nhạc ra Thăng Long, Lê Chiêu Thống xin mấy quận. Vua Thái Đức nói: “Nếu là đất của họ Trịnh thì họ Trịnh một tấc cũng không tha. Nếu là đất của nhà Lê thì một tấc không dám rờ tới”.
Ngày 17/8, quân Tây Sơn rút về Nam. Vua Lê Chiêu Thống ra lời hiệu triệu, thực chất là chống lại Quang Trung. Lê Đình Hoán ở Nam Đàn, Nghệ An triệt phá quân Tây Sơn ở Huệ Sơn, bị đánh tan. Ở huyện Đông Thành, Nguyễn Như Tiến phục kích ở cầu Tiên Lý cũng bị Tây Sơn tiêu diệt. Nguyễn Tài phục kích ở núi Kỳ Hoa cũng bị Tây Sơn đánh dẹp.
Trịnh Lệ (em Trịnh Sâm), Trịnh Bồng (con chúa Trịnh Giang) chiêu mộ nghĩa quân phục hồi Chúa Trịnh.
Dưới sức ép của Đinh Tích Nhưỡng, Lê Chiêu Thống phong vương cho Trịnh Bồng. Mặt khác, vua Lê lại sai Nguyễn Hữu Chỉnh kéo quân ra Ninh Bình dẹp Trịnh Bồng Nguyễn Soái phải chạy sang Kinh Bắc lánh nạn.
Nguyễn Hữu Chỉnh trở thành loạn thần, đánh dẹp các kẻ thù (bầy tôi cũ) của Lê Chiêu Thống như Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, Trịnh Bồng để giữ ngai vàng cho Vua. Đánh xong, Nguyễn Hữu Chỉnh không còn coi vua Lê Chiêu Thống ra gì.
Chỉnh lập ra Võ thành phủ, quyết đoán nhiều việc không hỏi ý kiến vua. Lê Chiêu Thống đã có ý định trừ khử. Năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh nắm giữ quyền điều hành Bắc Hà và năm 1787, tâu Lê Chiêu Thống mở khoa thi tiến sĩ.
Tháng 4/1787, Võ Văn Nhậm trình với Quang Trung: “Xưa nuôi Chỉnh là nuôi ong tay áo, nay nuôi Duệ là nuôi khỉ dòm nhà, phải lo liệu gấp để khỏi di họa về sau”. Nguyễn Duệ – vốn là người của Nguyễn Nhạc, lưu lại trấn thủ Nghệ An. Thấy Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ mâu thuẫn, Nguyễn Duệ thông tin với Nguyễn Hữu Chỉnh hợp quân vào đánh Phú Xuân, Thủ đô của vua Quang Trung. Nguyễn Hữu Chỉnh vì quá biết tài năng quân sự của vua Quang Trung nên đã không dám theo. Quang Trung cử Võ Văn Nhậm ra trấn thủ Nghệ An. Nguyễn Duệ sợ quá trốn về Bình Định theo Nguyễn Nhạc.
Võ Văn Nhậm đến Nghệ An. Vua Lê Chiêu Thống biết có thể có biến nên ông sai Hoàng Thân Duy Hiên, Ngô Nho và Thuận Hóa đòi lại Nghệ An.
Vua Quang Trung nổi giận, trách Lê Chiêu Thống không biết điều, dung túng cho Nguyễn Hữu Chỉnh. 3 người đi sứ bị vua Quang Trung tống giam vào ngục.
Vua Quang Trung thuyết phục Trần Công Xán đầu hàng. Ông không theo. Quang Trung sai đô đốc Nguyệt đưa đoàn sứ bộ Bắc Hà về bằng đường biển. Giữa đường sai người đánh đắm thuyền.
Tháng 11/1787, Võ Văn Nhậm đánh Thanh Hóa. Nguyễn Duật bỏ chạy về Mỹ Hóa. Võ Văn Nhậm sai Ngô Văn Sở đánh mặt sau. Hai tướng vây lại Nguyễn Duật chết. Nguyễn Hữu Chỉnh sai Nguyễn Như Thái chặn Võ Văn Nhậm, nhưng thất bại. Thăng Long náo loạn. Lê Chiêu Thống gọi Hữu Chỉnh vào ban chiếu: “Chuyến đi này có quan hệ lớn đến an nguy xã tắc. Ông nên sớm báo tin thắng trận cho Trẫm được yên lòng”. Nguyễn Hữu Chỉnh thưa: “Võ Văn Nhậm không phải là đối thủ của thần, thần chỉ ở phía sau đốc chiếm, sai một tùy tướng đối địch với hắn là đủ rồi”.
Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn 3 vạn quân đến bờ sông Thanh Quyết, tỉnh Ninh Bình. Quân Tây Sơn đánh bất ngờ Nguyễn Hữu Chỉnh và tan quân vỡ trận chạy về Thăng Long chỉ còn vài trăm nghìn.
Vua Lê Chiêu Thống chạy lên Sơn Tây qua Bắc Giang chạy về Mục Sơn Yên Thế. Võ Văn Nhậm sai Mỹ Hòa đánh Mục Sơn. Nguyễn Hữu Du (con trai Nguyễn Hữu Chỉnh) tử trận. Nguyễn Hữu Chỉnh bị ngã. Quân Tây Sơn bắt và giải về Thăng Long. Võ Văn Nhậm cho xé xác trước cổng thành.
Lê Chiêu Thống đi Kinh Bắc gặp Nguyễn Cảnh Thước, Nguyễn Cảnh Thước đóng cửa thành, không đón tiếp nhà vua. Vua bỏ đi. “Nguyễn Cảnh Thước tung thủ hạ ra cướp hết của cải do bọn hầu ngự giá mang theo, chúng còn đuổi theo nhà vua và lột cả tấm hoàng bào của nhà vua nữa. Nhà vua đau xót đến rơi cả nước mắt nhưng cũng đành cởi ra để trao cho chúng”.(1)
Lê Chiêu Thống từ Kinh Bắc chạy xuống Đông Chí Linh rồi sang Vị Hoàng Nam Định. Chỉ dụ của Vua Càn Long nêu rõ: “Tôn Sĩ Nghị và Tôn Vĩnh Thanh đều tâu rằng đã nhận được tờ bẩm của viên Tri Phủ Lục Hữu Nhân về việc viên Trấn thủ Mục Mã nước An Nam Nguyễn Huy Túc đưa một số già, trẻ, đàn ông, đàn bà khoảng vài chục người đến cửa ải Đấu Áo vùng Long Châu, đứng bên kia bờ sông cầu cứu. Căn cứ lời khai của viên quan thì thành nhà Lê của nước này bị tên Thổ mục họ Nguyễn đánh phá, Tự tôn (cháu nối dòng) Lê Duy Kỳ (vua Lê Chiêu Thống) trốn ra ngoài. Viên này cùng viên quan Lê Quýnh bảo hộ mẹ và con của Quốc vương trốn tránh tại xã Bác Sơn, bị giặc đánh đuổi, chạy đến bờ sông không có lối thoát, bèn kêu la cầu cứu tại quan ải. Trong khi binh lính giữ sĩ ai đang hỏi sự tình, thì nhìn đằng xa thấy hơn trăm người tiến đến ra vẻ truy cản; khi thấy quân triều đình tập trung tại phía Bắc nên không dám vượt sông, rồi tự rút lui. Bọn quan lại cùng đám đàn ông, đàn bà qua sông; đếm tất cả già trẻ gồm 62 người cho nhập vào quan ải, thu xếp phòng ốc để an nghỉ. Lục Hữu Nhân trực tiếp hỏi han cặn kẽ viên quan An Nam Nguyễn Huy Túc thì được biết nước này có tên Thổ tù Nguyễn Nhạc cậy mạnh đánh chiếm thành nhà Lê, nhưng các phủ tại phía Tây Nam, cùng phía Bắc thành không chịu theo giặc. Trước đây Tự tôn đến các xứ tại Sơn Nam để điều binh chinh thảo, hiện nay không có tin tức. Nguyễn Nhạc là tên hung ác, nhân tâm trong nước vẫn hướng về nhà Lê xưa. Nếu Tự tôn thừa lúc giặc sơ hở mà phát động, một lần dấy lên có thể bắt được bọn Nguyễn Nhạc. Nguyễn Huy Túc đem mẹ và con Tự tôn xin tá túc, nhưng vẫn tình nguyện trở về nước để tìm Tự tôn; đợi khi đánh dẹp bọn Nguyễn Nhạc xong, sẽ đón quyến thuộc của Tự tôn trở về nước.
Nước An Nam thần phục bản triều hết sức cung thuận, Quốc vương nước này là Lê Duy Đoan bị bệnh chết, con trưởng mất sớm, theo lệ Lê Duy Kỳ đáng được thừa tự. Trước đây nước này đánh mất ấn tín, đã gửi văn thư sang xin tái cấp, nhưng chưa đưa Sứ giả sang cáo tang, theo thể chế không hợp cách. Viên Tổng đốc đã gửi văn thư hỏi về việc này, đợi khi nước
này cho Sứ sang thỉnh cầu sẽ chuẩn cấp. Nay Tôn Sỹ Nghị tâu thành nhà Lê đã bị bọn Nguyễn Nhạc chiếm cứ, Lê Duy Kỳ đến các xứ tại Sơn Nam lo điều binh vẫn chưa có tin tức. Riêng mẹ và con của y cơ hồ gần bị giặc bắt, hoảng hốt đến xin tá túc và đều được che chở lưu tâm bảo hộ. Hiện tại quyến thuộc họ Lê cùng tùy tùng được quan lại địa phương cấp phòng ốc, thu xếp yên ổn. Tôn Sĩ Nghị cùng Tôn Vĩnh Thanh trước sau đích thân đến Long Châu thăm hỏi.
Nay truyền viên Tổng đốc nên đến gần để lo liệu, ưu đãi cấp thêm lương ăn, để họ không mất chỗ nương dựa, cùng truyền đạt với mẹ Tự tôn rằng nước họ tuy bị Nguyễn Nhạc đánh phá thành nhà Lê, Tự tôn phải chạy ra ngoài, sợ quyến thuộc bị giặc làm nhục hoặc chém giết nên đưa đến xin tá túc. Nay đã đến nội địa, các quan ải đều có trọng binh phòng thủ, không còn lo sợ bọn giặc xông vào gây tổn thương. Đốc, Phủ đã đem việc này tâu lên đại Hoàng đế, và nhận được chiếu chỉ như sau: “An Nam xưng thần phụng sự Thiên triều hết sức cung thuận, viên Tổng đốc lo thu xếp bảo hộ, ưu đãi cấp dưỡng. Mẹ của Tự Tôn và tùy tùng, hãy tạm trú tại Long Châu, không nên quá buồn phiền. Hiện tại giặc vẫn chưa chiếm hết đất đai nước này, lòng dân ủng hộ còn có thể nương dựa được; tại các quan ải đã truyền hịch động binh để làm thế thanh viện. Con y, Lê Duy Kỳ, lợi dụng cơ hội này chiêu tập nghĩa binh, diệt tan giặc và khôi phục cũng không đến nỗi khó. Đợi khi trong nước yên ổn, sẽ đón y cùng tùy tùng trở về nước”. “Hãy gặp mẹ của Tự tôn truyền chỉ chi tiết rõ ràng, để được an tâm cư trú tại nội địa, tương lai sẽ hộ tống trở về nước, đối đãi hợp với chính sách “nhu viễn” săn sóc vỗ về nước nhỏ.
Lúc hoàng tộc của nước này bị giặc truy đuổi đến cầu xin tá túc, tình thế thực quẫn bách; nếu quan lại địa phương xử sự một cách câu nệ, không chấp nhận cho vào ải ngay, thì những người này đã bị giặc giết hại. Riêng viên Tri phủ Lục Hữu Nhân nghe lời kêu cứu của viên quan bèn đưa người cứu giúp ra lệnh cho vào quan ải, phái binh phòng vệ khiến quyến thuộc được an toàn, không đến nỗi bị giặc cướp lại để giết hại; lại hướng đến viên quan nước này hỏi tình hình một cách cặn kẽ, rồi bẩm với các viên Tổng đốc, tuần phủ để được tấu trình rõ ràng; việc làm tỏ ra đầy khả năng, thực đáng khen. Lục Hữu Nhân đã được thăng chức Tri đạo; khi nào công việc xong Tổng đốc cho viên này lên bộ, để được dẫn đến triều kiến; nhưng trước đó bộ phải bàn định cách tưởng thưởng, rồi ban chỉ dụ thông tri các nơi”
Tháng 7/1788, mẹ Lê Chiêu Thống từ Cao Bằng cùng đoàn tùy tùng Hoàng Ích Hiểu, Lê Quýnh, Nguyễn Quốc Đống đem con trai của Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc làm con tin, cầu Trung Quốc sang Việt Nam giúp Lê Chiêu Thống.
Khâm định Việt sử Thông giám cương mục viết:
Tôn Sỹ Nghị và Tôn Vĩnh Thanh sau khi nhận được lời cáo cấp của Lê Chiêu Thống bẩm báo Càn Long: “Tự hoàng nhà Lê đang phải bôn ba, xét nghĩa lớn thì ta nên cứu. Vả chăng An Nam vốn là đất xưa của Trung Quốc, cho nên khi giúp khôi phục được nhà Lê rồi cũng có thể nhân đó mà đặt đồn binh canh giữ. Vậy là ta vừa làm cho nhà Lê tồn tại, vừa chiếm lại được An Nam. Thật đúng là làm một việc mà được hai điều lợi” (2).
Vua Càn Long nhận được lời tâu trên, đồng ý cho quân sang phò Lê, diệt Tây Sơn.
Lê Chiêu Thống vui mừng, cho quân sang Trung Quốc đón rước Mãn Thanh vào nước ta.
Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chuẩn bị đánh chiếm nước ta.
Năm 1788, Càn Long cho Tôn Sĩ Nghị làm Chinh Man Đại tướng quân, Tổng chỉ huy quân đội xâm chiếm nước ta. Tổng đốc Vân Nam, Quý Châu là Phúc Khang An phụ trách hậu cần.
Quân Thanh chia thành 3 đạo quân tiến vào nước ta:
Ô Đại Kinh chỉ huy đạo quân thứ nhất qua Mã Bạch Quan – Hà Giang tiến xuống Tuyên, băng qua Thái Nguyên về Hà Bắc và tiến xuống Thăng Long.
Sầm Nghi Đống chỉ huy đạo quân thứ 2 tiến vào Cao Bằng. Đạo quân này gồm cả quân của Lê Chiêu Thống lưu vong quay về.
Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đạo quân thứ ba là đạo quân chủ lực tiến vào nước ta qua đường Lạng Sơn.
Càn Long chỉ dụ: Lê Duy Kỳ đến Sơn Nam chiêu tập nghĩa binh nhưng bị giặc bức bách, chỉ còn một vài người tùy tùng, cùng chạy vào núi trốn tránh. Xem ra y là người không có khả năng, khó trông cậy có thể chấn tác khôi phục được. Hiện tại, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thấy Tôn Sĩ Nghị phát hịch văn, nên sợ sệt, trốn tránh. Phan Khải Đức vốn là tâm phúc của Nguyễn Huệ, nhận được hịch văn cũng biết bỏ nghịch theo thuận. Tên này đã được lệnh của Tôn Sĩ Nghị cho thu thập binh mã của 7 châu cùng xưởng dân lập tức khởi hành, chắc sẽ đến thành nhà Lê không đến nỗi khó khăn. Viên Tự tôn hiện ở tại một nơi nào đó phía đông (thành nhà Lê), Tôn Sĩ Nghị đã mộ dân bản xứ đi trước để thám thính, khi các Trấn Mục phía đông nhận được mật trát của Tôn Sĩ Nghị sẽ hộ tống Tự tôn trở về. Sau khi nhận được phù nghiệm của Tự tôn, Tôn Sĩ Nghị ước lượng tình hình, định ngày thích hợp cho quyến thuộc được rời quan ải. Còn bọn Nguyễn Nhạc, thấy được hịch văn của viên Đốc, sợ hãi Thiên triều mang quân thảo phạt nên khiếp sợ trốn tránh xa. Bây giờ nếu nội địa không có hành động gì, bọn giặc cho rằng hịch văn của viên Đốc dọa sẽ điều động đại binh, thực ra chỉ là phô trương thanh thế mà thôi; rồi coi thường không sợ hãi, lại trở về với con đường cũ, mưu đồ soán đoạt. Tôn Sĩ Nghị xin được điều binh phòng bị tại các nơi, cần được liệu biện như vậy. Nhưng khi dùng binh để đánh dẹp, Tôn Sĩ Nghị với chức vụ Tổng đốc Lưỡng Quảng là nhân vật quan trọng, vả lại trong nội địa có nhiều công việc phải lo, không thể đích thân nắm quân tiến trước. Trong tỉnh có Đề đốc Hứa Thế Hanh, các Tổng binh Trương Triều Long, Lý Hóa Long là những người quen chiến trận, có thể đảm đương được. Huống hồ tên Trấn mục đồ đảng của họ Nguyễn mang quân qua châu Văn Uyên bị người trong châu là bọn Hoàng Liêu Đạt đón đánh làm tổn thương rất nhiều; lại có bọn Nguyễn Trọng Khoa tại châu Thất Tuyền tình nguyện mang 700 dân địa phương đi theo đánh giặc. Xem tình hình như vậy cũng không cần mang nhiều quân, lệnh Hứa Thế Hanh cùng với một, hai viên Tổng binh mang vài ngàn quân tiến trước, Tôn Sĩ Nghị lại chuẩn bị thêm một vài ngàn quân đóng tại quan ải, lên tiếng rằng sẽ tiếp tục tiến, chắc bọn giặc Nguyễn không dám ngang ngạnh cậy hiểm mà kháng cự.
Từ con đường Mông Tự tỉnh Vân Nam hướng tới An Nam, tại nơi này những viên Thổ mục được giặc Nguyễn thu dùng, ngấm ngầm đóng tại các nơi quan trọng, ta cũng chưa biết rõ ràng. Nay một mặt truyền hịch kêu gọi, một mặt đem quân trú tại biên giới để làm thế yểm trợ xa cho đạo quân Lưỡng Quảng. Phú Cương nên sai một viên trấn tướng có kinh nghiệm mang quân tới đó trú đóng, tung tin rằng sẽ hợp đồng với Lưỡng Quảng hai mặt tấn công; đợi quân Lưỡng Quảng khởi hành, sẽ cùng ngày đến tiễu trừ; khiến bọn Thổ mục nghe hơi sợ sệt, biết rằng quân Thiên triều tập trung đông nhằm khôi phục họ Lê, nên quay lại tôn phù; như vậy thế giặc họ Nguyễn càng trở nên cô đơn, công việc sẽ được giải quyết mau, không mấy khó khăn.
Bọn xưởng dân nhận được hịch dụ của Tôn Sĩ Nghị, lại nghe tin được ban cấp lương thực nên hân hoan tình nguyện đi trước đánh giặc. Viên Tổng đốc lo rằng xưởng dân rời rạc, không có người thống lãnh, còn bọn Nguyễn Huy Túc thì sợ sệt lưỡng lự không dám ra khỏi quan ải; chúng đều thuộc loại thiếu khả năng, nếu ra lệnh đi trước cũng không được ích gì. Hỏi han đám tùy tùng thì dưới trướng có tên Lâm Tế Thanh, ở trong tổ chức xưởng dân cả năm, mọi người đều phục, giao chức thống lãnh diệt giặc có thể tận tâm phục vụ. Lâm Tế Thanh nghe tin được bổ nhiệm từ viên Thông phán Trần Tùng nên hết sức cố gắng; lại được viên Tổng đốc cấp ấn tín, thưởng hàm Tri huyện, nếu tương lai công việc thành công sẽ được bổ dụng thực thụ. Lâm Tế Thanh chủ trì mọi việc trong tổ chức xưởng dân đã lâu, nay lại được thưởng hàm Tri huyện; mọi người trong tổ chức này thấy Thiên triều chiếu cố thêm cho y, lại gia ân cấp mũ Đỉnh Đái; nên ai cũng phục tùng, hô ứng càng linh nghiệm, thêm đắc lực trong việc diệt giặc. Đến nay xưởng dân theo Lâm Tế Thanh hăng hái khởi hành, còn Phan Khải Đức đốc suất quân lính của 7 châu cũng được Tôn Sĩ Nghị ra lệnh tiến phát.
Theo ý Trẫm lúc này nội địa không thể không cho quan binh tiến một đoạn để làm mạnh thanh thế. Vì rằng bọn Phan Khải Đức, cùng với xưởng dân nghe Thiên triều truyền hịch kể tội định đem quân thảo phạt, nên vùng lên hưởng ứng; nếu quân ta án binh bất động, chỉ dùng sức lực của họ mà thôi, thì bọn này sẽ buông tay trông chờ. Nay lại truyền dụ Tôn Sĩ Nghị hãy ước lượng và quan sát tình hình, chiếu theo chiếu chỉ trước ra lệnh Hứa Thế Hanh mang 3.000 quân tiến trước; nếu như lúc đó bọn Phan Khải Đức đã đến được thành nhà Lê và biết tin tức về Lê Duy Kỳ; Hứa Thế Hanh có thể hộ tống quyến thuộc nhà Lê về nước. Nếu như thành nhà Lê chưa thu phục được, lại chưa biết tin về Lê Duy Kỳ; bọn Hứa Thế Hanh hãy mang quân tiến trước, chờ đến khi nào công việc xong, sẽ hộ tống quyến thuộc về nước sau. Hiện nay, bọn Phan Khải Đức cùng xưởng dân làm nhiệm vụ tiên phong, riêng quan chức châu Bảo Lạc cũng xin chiêu tập hương dõng đánh đuổi những viên ngụy quan do giặc đặt ra tại các địa phương. Một khi đại binh đến, thế mạnh như bẻ củi mục, sấn theo binh uy, một lần mệt nhọc sẽ được mãi mãi thong thả”.
(1) Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục: (Chính biên quyển 47, tờ 17)
(2) Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục: Chính biên quyển 47, tờ 33)
Lê Quang Vinh
(Còn nữa)
Bí mật về Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh và đòi lại Quảng Đông, Quảng Tây
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
Chủ quan, khinh địch, đã dẫn đến sai lầm của Tôn Sĩ Nghị khi bố trí binh lực. Kế hoạch của Nguyễn Huệ dồn đối phương vào thế bị bao vây, tiêu diệt. Đêm ba mươi Tết, Nguyễn Huệ cho đội quân vượt sông Gián Khẩu, rồi từ đó bất ngờ tấn công vào quân của Lê Chiêu Thống. Vừa vào trận, quân của Lê Chiêu Thống đã bỏ chạy, đại bại. Nguyễn Huệ ra lệnh không để cho tên lính nào thoát về Thăng Long cấp báo. Thực ra quân sĩ họ Lê đã quá bất mãn với Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống. Quân do thám của Tôn Sĩ Nghị bị Quang Trung ra lệnh truy đuổi và bắt sống. Quân Nguyễn Huệ tiến đến Phú Xuyên cách kinh thành Thăng Long chưa đầy ba mươi km. Quân họ Tôn – Lê vẫn chưa biết gì. Nguyễn Huệ bất ngờ tập kích Hạ Hồi. Mồng ba Tết Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ ra lệnh tiêu diệt Hạ Hồi. Nguyễn Huệ gọi loa chiêu hàng. Quân Hạ Hồi bị bất ngờ, hồn xiêu phách lạc kéo nhau ra hàng. Nguyễn Huệ tiếp tục bàn kế chiếm Ngọc Hồi-một căn cứ cách Thăng Long hơn mười km. Căn cứ Ngọc Hồi kiên cố, các bãi chông, sắt, địa lôi bố trí xung quanh căn cứ. Chỉ huy ở đây là đô đốc Hứa Thế Thanh. Các tổng binh Thượng Duy Thăng, Tổng binh Khánh Thành, Tổng binh Trương Triều Long, Tổng binh Lý Hóa Long.
Quân Nguyễn Huệ vây hãm quân Thanh suốt hai ngày, mồng ba, mồng bốn Tết Kỷ Dậu. Đúng đến sáng mồng 5 Tết, Nguyễn Huệ mới cho quân tấn công cứ điểm Ngọc Hồi. Hai đạo quân do Nguyễn Huệ chỉ huy, và đô đốc bảo chỉ huy: “Thần tốc, thần tốc”.
Nguyễn Huệ bố trí đại bác trên lưng voi và Tổng binh còn trang bị thêm các vũ khí khác như hỏa hổ, súng tay, giáo mác. Quân Tôn Sĩ Nghị vừa ra nghênh chiến ngựa đã: “hốt hoảng hí lên rồi chạy lồng trở lại, giẫm đạp lên nhau”. Quân Thanh xả đại bác vào quân Tây Sơn. Nhưng thất bại vẫn thất bại. Đợt tấn công thứ hai được Nguyễn Huệ tổ chức ngay sau đó. Voi chiến mở đường cho mỗi tốp ba mươi lính cảm tử tràn lên. Đại binh Tây Sơn đi sau voi chiến tràn vào. Vòng ngoài của Ngọc Hồi bị vỡ. Nguyễn Huệ đánh thẳng vào dinh, Hứa Thế Hanh và Tổng binh Thượng Duy Thăng đều bị giết.
Quân Thanh chạy về Thăng Long, bị Nguyễn Huệ chặn lại tiêu diệt ở Yên Duyên. Quân Thanh chạy về đầm Mực thì bị Đô đốc Bảo mai phục tiêu diệt. Buổi sáng mồng năm – Quân Nguyễn Huệ đã đánh tan quân Thanh ở phía Nam, rồi tiến thẳng vào Thăng Long.
Đồng thời tiến công vào Ngọc Hồi, đô đốc Đặng Tiến Đông đánh thẳng vào Đống Đa do Sầm Nghi Đống chỉ huy. Đặng Tiến Đông dùng Hỏa Long trận vây hãm Đống Đa. Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn. Đống Đa bị thất thủ.
Tôn Sĩ Nghị: “Ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn kị binh của mình bỏ trốn trước, qua cầu phao, nhằm thẳng hướng bắc mà chạy thục mạng”. (1)
Quân Thanh chạy theo. “Chúng tranh nhau qua cầu để sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống nước chết không biết bao nhiêu mà kể” (2)
Tôn Sĩ Nghị sợ Nguyễn Huệ đuổi ra lệnh chặt đứt cầu phao khiến hàng vạn quân binh Mãn Thanh chết đuối: “Nước sông Nhị vì thế mà tắc nghẽn, không chảy được” (3)
Qua cầu sông Hồng, quân Tôn Sĩ Nghị lại bị đô đốc Lộc đuổi theo. Quân Thanh về đến Trung Hoa độ 30-40 tên mà thôi.
Thủy binh của quân Thanh đặt ở Hải Dương cũng bị tiêu diệt. Toán quân do Ô Đại Kinh tiến vào Tây Sơn rất chậm, nghe tin Tôn Sĩ Nghị thất bại, kinh chạy về Trung Quốc. Đại quân này cũng bị quân dân Tuyên Quang đánh cho một trận tan tác.
Hai mươi vạn quân Thanh đã bị đánh bại. Lê Chiêu Thống nghe tin chạy sang lưu vong tại Trung Quốc, thừa nhận Hoàng đế Quang Trung thắng trận.
Nhưng trong các chỉ dụ mà Càn Long đề ra thì lại hoàn toàn khác xa:
Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị tâu: Quốc vương An Nam Lê Duy Kỳ cảm tạ ơn tái tạo to lớn của Hoàng thượng, tình nguyện đích thân đến khấu tạ; Thần nghĩ rằng nước này mới bình định, Lê Duy Kỳ chưa tiện xuất hành, nên bảo y rằng đến mùa Xuân năm (Càn Long) thứ 55 hãy đến chúc mừng vạn thọ, nay cho con hoặc em đến trước để làm lễ chiêm cận. Lại có tên Thổ mục Hoàng Văn Đồng hiện nay một lòng quy thuận, thần sai võ quan mang trát đến Tuyên Quang cùng với Ô Đại Kinh liệu biện.
Nay dụ Quân cơ Đại thần: Trước đây đã có chỉ dụ triều đình An Nam mới lập, chỉ nên cho em hoặc con đến tạ ân, đợi đến lúc Trẫm khánh thọ bát tuần lại ra lệnh Lê Duy Kỳ thân đến triều yết chiêm cận. Nay Tôn Sĩ Nghị tâu cũng giống như ý Trẫm, lo liệu như vậy là rất tốt. Riêng bọn Phú Cương trước đây tâu rằng Hoàng Văn Đồng đã thu phục được đất Tuyên Quang, đợi Quốc vương phái người đến tiếp quản. Tôn Sĩ Nghị cũng không nên lo nghĩ, hiện bây giờ đang tính việc đem quân khải hoàn, lại còn đắn đo việc này để làm gì! Nay truyền Tôn Sĩ Nghị hãy tuân theo chỉ dụ trước, chấn chỉnh quan quân để triệt hồi, cùng thông báo cho Ô Đại Kinh mang quân cùng triệt thoái, đừng để dây dưa ngày tháng.
Theo lời phúc tấu của Phú Cương: Hiện tại vấn đề trù biện tiếp tế vận lương đã có nền nếp, lập tức tuân theo chiếu chỉ rút lui về Đô Long cùng miền duyên biên trú đóng, làm thế thanh viện từ xa cho Ô Đại Kinh.
Quan quân Lưỡng Quảng phái đến dẹp giặc tại An Nam đã nhận được chỉ dụ, lệnh Tôn Sĩ Nghị tức tốc triệt hồi. Số quân Vân Nam triệt hồi đã giao cho Tôn Sĩ Nghị ước lượng nên rút theo con đường Quảng Tây, hoặc vẫn dùng con đường Tuyên Quang để về Vân Nam. Căn cứ lời tâu của Ô Đại Kinh, vào ngày 21 tháng 12 năm ngoái, quan binh tới Tuyên Quang sắp xếp trong một, hai ngày rồi khởi trình đến thành nhà Lê. Đến ngày hôm nay chắc viên Đề đốc đã diện kiến Tôn Sĩ Nghị, hai bên sẽ thảo luận kỹ càng nên triệt binh theo hướng nào, quân Vân Nam không còn phận sự đến Quảng Nam hội tiễu; vùng Đô Long cũng không cần đóng quân để làm thế thanh viện.Vậy Phú Cương không có việc gì nơi biên cảnh, nay ra lệnh viên Tổng đốc rút quân trở về nội địa để lo việc địa phương, không cần trú lâu tại Đô Long nữa. Dụ này được truyền cách 500 dặm.
Tôn Sĩ Nghị tâu rằng lúc đại binh vượt sông Phú Lương (Hồng Hà) có 5 viên võ quan gồm Thủy Sư Tham tướng Hứa Đình Tiến, các Đô ty Phú Tang A, Lô Văn Khôi, Thiên tổng Vương Thành Kiệt, Bả tổng Trương Chấn Tường, người thì hăng hái tranh tiên vượt sông, kẻ thì tại bờ giết giặc rất dũng cảm; lại có phó Tướng Đức Khắc Tinh Nghạch, Du kích Vương Đàn, Quảng Đông Phòng thủ La Định Châu, Nghiêm Thủ Điền, Quảng Tây Tá tạp Cao Đình Khu, Vương Phương Duy làm việc tại quân doanh, lo liệu mọi việc khẩn yếu hết sức cố gắng; Tri Điền châu Sầm Nghi Đống mang quan binh Thổ tiến đánh theo hướng Mục Mã, Cao Bằng để chia thế giặc, ra sức tảo thanh con đường qua tỉnh Thái Nguyên. Danh sách kể trên gồm 10 viên văn, võ; một viên Thổ Tri châu có thể ban thưởng mũ Hoa Linh được chăng?
Chiếu theo điều xin nay ban thưởng mũ Hoa Linh cho Đức Khắc Tinh Ngạch, Hứa Đình Tiến, Vương Đàn, Nghiêm Thủ Điền, Sầm Nghi Đống; ban thưởng mũ Lam Linh cho Phú Tang A, Lô Văn Khôi, Vương Thành Kiệt, Trương Chấn Tường, Cao Đình Khu, Vương Phương Duy. Riêng Vương Thủ Điền, Cao Đình Khu lại được thăng hàm gắn tại mũ, đợi khi việc quân hoàn tất viên Tổng đốc hỏi han chi tiết, làm văn thư gửi lên bộ để được dẫn đến triều kiến.
Lại tâu rằng lúc quan binh đánh giặc tại sông Thị Cầu, gia nhân của Phó tướng Khánh Thành tên là Ma Đồ thấy Khánh Thành hăng say giết giặc; gặp lúc pháo đạn như mưa, sợ chủ nhân bị thương nên liều mình xông trước nghênh địch, chẳng may bị trúng pháo, miểng xuyên từ bụng bay ra phía sau lưng; vết thương bớt dần dần, đến nay có thể ngồi dậy ăn uống được. Trường hợp này, nên hoặc không nên gia ân ban thưởng? Nay xét thành tích của Ma Đồ, hãy chiếu theo lệ về Mã Mẫu Thập, gia nhân của Phổ Nhĩ Phổ trong chiến dịch Đài Loan để ban thưởng chức Hộ Quân Lam Linh trưởng.
Tôn Sĩ Nghị lại khẩn khoản từ chối tước Công, cùng hồng bảo thạch gắn tại đỉnh mũ; Hứa Thế Hanh cũng dâng tấu xin từ chối tước Tử. Xét lần này Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh mang binh xuất quân, lần lượt tuân theo Trẫm chỉ thị, phấn đấu diệt giặc, chưa đầy một tháng đã thu phục được thành nhà Lê, lập Lê Duy Kỳ làm Quốc vương, rồi đón quyến thuộc y trở về, đối với đạo “vỗ về nước nhỏ, nối dòng kế vị đã mất” đã đi đến chỗ tận thiện tận mỹ. Đó là công của Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh, bởi vậy lúc nhận được tấu thư Trẫm lập tức gia ân tấn phong Tôn Sĩ Nghị tước Công, ban thưởng hồng bảo thạch gắn tại đỉnh mũ, lại phong tước Tử cho Hứa Thế Hanh. Viên Tổng đốc còn tâu xin xếp đặt trạm đài chứa lương, khi mọi việc có nền nếp sẽ mang binh phá tan sào huyệt của giặc. Trẫm cho rằng từ thành nhà Lê đến Quảng Nam đường sá xa xôi hiểm trở, cần lương thực và số dân phu tiếp tế rất nhiều; sợ nước An Nam mới hồi phục, chuyển vận nhiều không tiện; nên ra lệnh triệt binh. Đó là ý Trẫm, không phải Tôn Sĩ Nghị hoặc Hứa Thế Hanh sợ khó bỏ nửa chừng. Việc thu phục thành nhà Lê, lo liệu công việc một cách nhanh chóng, không thể không tưởng thưởng đến đền công. Đối với Trẫm sự thưởng công phạt tội cầu sự chính đáng, từ trước tới nay chưa bao giờ tỏ ra thái quá hoặc bất cập; đã từng giáng chỉ răn đừng để ân thưởng quá lạm. Nếu Tôn Sĩ Nghị phá sào huyệt giặc, bắt được tên đầu sỏ, đáng chiếu theo lệ thưởng A Quế, Phúc Khang An, đặc biệt gia ân để làm rạng rỡ sự sủng ái, nay chưa bắt được Nguyễn Huệ nên không được gia ân thêm. Còn tước Công và hồng bảo thạch gắn vào đỉnh mũ, Tôn Sĩ Nghị đáng được hưởng, không có lý do gì từ chối nữa; Hứa Thế Hanh tâu xin từ chối tước Tử cũng không được chấp thuận.
Tôn Sĩ Nghị lại tâu rằng, Lê Duy Kỳ nhờ tấu xin vào tháng 3 năm nay cho em là Lê Duy Chi thay mặt đến kinh đô để bái tạ ơn Thiên tử, đợi việc nước tạm ổn định xin được vào năm Càn Long thứ 55, đích thân đến để khấu chúc vạn thọ, cùng chiêm ngưỡng thiên nhan. Nay Tôn Sĩ Nghị truyền dụ cho Quốc vương hãy nên chấn tác tự cường lo chống cự giặc ngoài, lưu tâm chỉnh đốn để có thể yên tâm đi xa, thì vào năm thứ 55 chuẩn cho đến kinh đô cung chúc vạn thọ, để toại tấm lòng chiêm ngưỡng đội ơn. Dụ này được truyền trong ngoài được biết.
Lê Quang Vinh
Chú thích: 1. Ngô Gia Văn Phái: Hoàng Lê nhất thống chí. (Hồi thứ 14)
2. Ngô Gia Văn Phái: Sách đã dẫn. (Hồi thứ 14)
3. Ngô Gia Văn Phái: Sách đã dẫn. (Hồi thứ 14)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét