Phạm Trần (Danlambao) - Kế hoạch được gọi là “Tổng tấn công và nổi dậy” mùa Xuân năm Mậu Thân 1968 của quân Cộng Sản nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại, nhưng quân Cộng sản đã chiếm được Sài Gòn ngày 30/04/1975 không vì biến cố quân sự ấy mà do Hoa Kỳ không giữ lời hứa trả đũa cuộc xâm lăng của Hà Nội và đồng thời không viện trợ đủ để quân đội Việt Nam Cộng hòa bảo vệ miền Nam Việt Nam.
Hà Nội biết rõ điều đó và không bao giờ dám phủ nhận việc Hoa Kỳ để cho họ được giữ ở miền Nam khoảng 150,000 quân đem từ miền Bắc vào trước ngày ký Hiệp định Paris 1973 là do Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon muốn rút khỏi cuộc chiến Việt Nam bằng mọi giá để được tái đắc cử Tổng thống năm 1972, dù biết rằng miền Nam Việt Nam sẽ khó đứng vững nếu không có sự giúp đỡ của Hoa Thịnh Đốn trong khi quân miền Bắc vẫn tiếp tục vào miền Nam đánh phá để xé bỏ “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Vì vậy lịch sử của cái được gọi là “Đại thắng Mùa Xuân 1975”, hay như bà đạo diễn Lê Phong Lan, Tác giả bộ phim tài liệu “Mậu Thân 1968” hô hoán tự khoe rằng “nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có Hiệp định Paris 1973, từ đó, đi đến kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình và thống nhất đất nước năm 1975” cũng chẳng có gì hay ho lắm đâu.
Nổi dậy trong mơ
Hồi ấy chiến trường đã nghiêng về phía quân Cộng sản từ sau Hiệp định Paris được ký kết ngày 20/01/1973 vì 3 lý do chính:
Quân Cộng sản ở miền Nam tiếp tục nhận được viện trợ súng đạn và lương thực của Trung Cộng và khối Liên Sô (trước thời kỳ đổ vỡ 1991) để xâm chiếm miền Nam.
Lực lượng Cộng sản được tự do tăng viện vào chiến trường miền Nam mà không còn bị Không quân Mỹ đánh phá trên các ngả đường xâm nhập vào Nam, quan trọng nhất là đường mòn Hồ Chí Minh, trên hai lãnh thổ Lào và Cao Miên.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thiếu vũ khí để chống lại các cuộc tấn công của lực lượng Cộng sản và lực lượng Không quân và Hải quân của miền Nam cũng không đủ khả năng oanh tạc các điểm tập trung và đường xâm nhập của quân miền Bắc vào Nam.
Vì vậy dòng chảy của cuộc chiến ở miền Nam đã đi từ kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” bằng cách giảm thiểu tham dự trực tiếp của binh sĩ Hoa Kỳ ở chiến trường để quân đội Việt Nam Cộng hòa tự bảo vệ lãnh thổ nhưng Mỹ vẫn yểm trợ không quân khi được yêu cầu để không cho quân Cộng sản xâm nhập thêm từ miền Bắc vào.
Sự thành công giữ vững lãnh thổ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong mùa hè năm 1972 trên khắp mặt trận đã chứng minh điều đó. Nhưng từ khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh rút khỏi miền Nam theo những điều khoản chỉ có lợi cho phía Cộng sản trong Hiệp định Paris 1973 thì tình hình chiến trường đã dồn quân dội VNCH vào thế bị động vì không còn nhận được sự trợ giúp về hỏa lực của Hoa Kỳ như trước nữa.
Sự mất cân bằng lực lượng ở chiến trường là như thế nên điều được gọi là “chiến thắng” của người Cộng sản cũng chẳng vẻ vang gì như các “sửa gia” miền Bắc tô vẽ lên để làm phim.
Cũng nên biết điểm quan trọng nhất của hai cuộc chiến Mậu thân 1968 và mùa Xuân 1975 là ngoại trừ ở một số nhỏ khu vực lãnh thổ ở miền Nam bị mất vào tay quân Cộng sản, người dân miền Nam đã không hề “nổi dậy” để tiếp tay cho quân Cộng sản “dành lại chính quyền về tay nhân dân” như tuyên truyền của Hà Nội trước đây và bây giờ qua cuốn phim “Mậu Thân 1968” của bà Lê Phong Lan.
Bằng chứng rõ nhất là đã không hề có chuyện “đông đảo nhân dân” được “giải phóng khỏi ách kìm kẹp của Mỹ-Ngụy” như tuyên truyền ngụy tạo của miền Bắc và của tổ chức Mặt trận Giải phóng miền Nam do miền Bắc dựng lên để “miền Nam hóa” cuộc chiến xâm lăng của đảng CSVN đã đề ra từ năm 1960.
Cũng chẳng có một tấc đất nào của VNCH đã do “nhân dân nổi dậy” chiếm lấy để lập “chính quyền nhân dân” trao cho Cộng sản cai trị như mơ ước của người Cộng sản.
Chuyện xảy ra ở chiến trường Thừa Thiên năm 1968 đã chứng minh cho thất bại thành lập chính quyền ở Huế dù quân Cộng sản đã chiếm cố đô 26 ngày trong Tết Mậu Thân 45 năm trước đây.
Hãy nghe lời kể của Tiến sỹ Lê Văn Hảo, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên - Huế với Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia, RFA) về vai trò “bù nhìn” của ông trong vụ Mậu Thân:
“Trong tất cả khi nổ ra Mậu Thân tức là trong 26 ngày đêm Cộng Sản chiếm thành phố Huế thì tôi ngồi trên núi để nghe đài phát thanh suốt ngày, tất cả những gì xảy ra dưới Huế tôi chỉ biết qua đài phát thanh của Hà Nội và đài phát thanh giải phóng.”
Nguyễn An: Tức là ông không biết những cái gì thêm ngoài những điều mà đài phát thanh nói?
Tiến sỹ Lê Văn Hảo: Tôi không thể biết được bởi vì tôi không có mặt ở Huế mà nó đâu có dám để cho tôi về Huế vì anh biết khi nó đề nghị một chức vụ như vậy là cả một sự áp đặt. Nó nói là anh phải nhận, nếu anh không nhận thì anh cũng không còn đường về thì cả một sự đe dọa. Anh có thấy tính chất đe dọa đàng sau lời đề nghị đó không?
Nguyễn An: Đây là một chi tiết rất là mới bởi vì hồi xưa cho đến bây giờ người ta cứ tưởng rằng là những đoàn quân họ chiếm đóng Huế hai mươi mấy ngày đó là Ông về trực tiếp điều hành công việc ở đó, thì hóa ra hoàn toàn không có chuyện này!
Tiến sỹ Lê Văn Hảo: Than ôi! Đó không phải là sự thật lịch sử mà tôi chỉ là một con tin đã bị ở trong thế kẹt phải nhận lấy chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mà mong có ngày về với vợ con thôi! Chớ tôi nói thật với anh vai trò của tôi trong Tết Mậu Thân là vai trò hoàn toàn thụ động, tôi chỉ ngồi trên núi để nghe đài, nghe tin tức.
Nguyễn An: Thưa Ông, như vậy tức là Mậu Thân sau khi họ tấn công Huế thì sau đó họ đưa ông về?
Tiến sĩ Lê Văn Hảo: Không! Tôi không có về lúc đó, lúc đấy là chỉ có mấy anh CS về đánh nhau ở dưới thành phố thôi, chớ còn tôi họ đâu có dám đưa tôi về! Họ biết rằng khi tôi nhận thì tôi cũng miễn cưởng mà nếu đưa tôi về thì tôi chắc cũng chuồn luôn thì họ đâu có dám đưa tôi về.”
(Nguyễn An, RFA, 02-02-2008)
Bằng chứng này có làm cho Hà Nội và bà Lê Phong Lan nhức nhối khi tung ra cuốn phim “Mậu Thân 1968” không, hay nó đã biến thành công cụ phản tuyên truyền? Đó phải chăng cũng là lý do tại sao vào giờ chót miền Bắc đã phải thay đổi kế hoạch được thêu dệt là “khởi nghĩa” trong trận Mậu Thân 1968?
Hãy đọc lời của Bà Lê Phong Lan viết về nội dung cuốn phim:
“Khi soạn thảo kế hoạch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra ba khả năng của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Một là giành thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn, làm cho ý chí xâm lược của Mỹ bị đè bẹp, phải chấp nhận thương lượng, đi đến kết thúc chiến tranh theo mục tiêu, yêu cầu của ta. Hai là giành được thắng lợi quan trọng ở nhiều nơi nhưng phải đối phó với tình huống Mỹ còn lực lượng, dựa vào các căn cứ lớn và tăng thêm lực lượng từ ngoài vào phản công giành lại những vị trí quan trọng và các đô thị lớn - nhất là Sài Gòn. Ba là sau tổng tấn công và nổi dậy, Mỹ tăng cường lực lượng, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, sang Lào và Campuchia, buộc quân giải phóng phải lui về thế thủ hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua về chính trị.
Trong đó Bộ Chính trị quyết tâm cố gắng giành thắng lợi hoàn toàn, tức thực hiện khả năng một.
Đại tá Vũ Ba kể, 13 ngày trước giờ nổ súng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Lê Duẩn gửi điện cho Trung ương Cục miền Nam (ngày 18-1-1968). “Bức điện đó đại ý nói kế hoạch này chỉ nhằm làm lung lay ý chí xâm lược của địch, buộc địch phải chuyển giai đoạn chiến lược chứ không khẳng định mục tiêu giành chính quyền về tay nhân dân” - Đại tá Vũ Ba nói.
Nhưng khi triển khai thực hiện trên thực tế, ba khả năng của kế hoạch này đã được chuyển dần thành mục tiêu thực hiện trận quyết chiến chiến lược, giành chính quyền về tay nhân dân. Đại tá Nguyễn Ngọc Lân nói: “Khi phổ biến ở dưới thì Trung ương Cục chỉ thị cho các địa phương là chỉ phổ biến khả năng một chứ không phổ biến các khả năng khác để khỏi ảnh hưởng đến quyết tâm. Từ chỗ tính toán các khả năng như vậy, chúng ta dồn sức để dứt điểm. Cho nên chúng ta xài xả láng. Tức là có bao nhiêu xài hết”.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng tình báo H63, nhớ lại: “Lúc đó có những đồng chí cán bộ nói đánh trận này thôi chứ sau còn giặc đâu nữa mà đánh. Anh em lại bị hút vào cái khả năng một, tức là khả năng lấy luôn Sài Gòn. Lấy luôn và coi như hết giặc”.(báo Pháp Luật, Tp. HCM,01/02/2013)
Nhưng “giặc” chẳng những không hết mà đã đánh bại quân CS trên khắp mặt trận Mậu Thân 1968 và gây tổn thất nặng nề cho cả quân chính quy miền Bắc và du kích miền Nam, thường được gọi là “Việt Cộng”.
Bằng chứng hụt hẫng
Tại mặt trận Sài Gòn, bà Lê Phong Lan huyênh hoang:
“Trong Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Sài Gòn-Gia Định được xác định là chiến trường trọng điểm của trọng điểm, nơi có các mục tiêu quan trọng mà bằng bất cứ giá nào ta cũng phải đánh, để đánh thẳng vào ý chí xâm lược của kẻ thù. Nhiệm vụ xung kích, tiên phong được giao cho các chiến sĩ lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Cố Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) từng nói: “Đầu tiên là dùng lực lượng xung kích (biệt động) chiếm lĩnh các mục tiêu. Sau biệt động tới thanh niên, sinh viên để hỗ trợ, trang bị súng cho biệt động giữ mục tiêu. Mục tiêu đây là cửa mở, chiếm cửa mở để đại quân (bấy giờ dùng đại quân nhưng sau này không đúng), các tiểu đoàn mũi nhọn tiếp ứng, vào chiếm hẳn mục tiêu”.
Đúng giờ G, các chiến sĩ biệt động đồng loạt tấn công vào năm mục tiêu chiến lược quan trọng. Đội 3 đánh Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn. Đội 4 đánh chiếm đài phát thanh. Đội 5 đánh Dinh Độc Lập. Đội 6 và 9 đánh Bộ Tổng tham mưu. Đội 11 đánh chiếm Tòa Đại sứ Mỹ. Nhiệm vụ chiếm và giữ cửa mở được lực lượng biệt động Sài Gòn hoàn thành, thậm chí hoàn thành vượt mức thời gian được giao. Thế nhưng vào phút chót, đại quân - các tiểu đoàn mũi nhọn đã không thể xuất hiện để tiếp ứng. Khi buộc phải đơn thương độc mã chiến đấu giữa vòng vây kẻ thù đông hơn gấp bội lần thì sự hy sinh của họ dường như là một tất yếu. 88 chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu thì có đến 56 người đã hy sinh, số ít còn lại hầu hết đều rơi vào tay giặc và bị đày ra Côn Đảo.” (báo Pháp Luật, Tp. HCM,03/02/2013)
Đại quân là lực lượng chính quy miền Bắc được ngụy trang dưới cái tên “quân giải phóng” mà theo lời cáo giác của Bà Dương Quỳnh Hoa, nguyên Bộ trưởng Y tế của cái gọi là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (hay Mặt trận Giải phóng miền Nam) đã “chủ ý” đẩy “lính Việt Cộng” miền Nam vào chỗ thiêu thân trong trận Mậu Thân!
Không có tài liệu nào để lại cho biết số thiệt hại của quân miền Nam là bao nhiêu nhưng chắc là nhiều lắm!
Sau đây là lời nhìn nhận của bà Lê Phong Lan căn cứ theo lời kể của những người sống sót:
“Do thời gian hành quân gấp rút, địa hình trắc trở, nhiều đơn vị vừa hành quân vừa đánh địch nên phần lớn không kịp thời gian theo đúng kế hoạch. Thêm vào đó, tuyến phòng thủ của địch ở vùng ven khá mạnh nên dù chiến đấu rất anh dũng nhưng hầu hết các tiểu đoàn mũi nhọn và các đơn vị bộ đội địa phương trên năm mũi tấn công vào Sài Gòn đã không thể thực hiện nhiệm vụ tiếp ứng cho lực lượng biệt động đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong nội thành. Quân số các tiểu đoàn cũng bị thương vong nặng sau mỗi trận đánh, có tiểu đoàn chỉ còn lại 1/5 đến 1/10 quân số.
Đại tá Vũ Ba, nguyên cán bộ tham mưu Miền, kể ngày mùng 5 tết Mậu Thân, tại sở chỉ huy cơ bản đóng ở phía sau, Tư lệnh Hoàng Văn Thái không nhận được báo cáo từ chiến trường gửi về. Biết tình hình chiến trường rất căng thẳng và gay cấn, vị tư lệnh liền phái ông xuống chiến trường gặp tướng Trần Văn Trà để báo cáo nguyên văn rằng: “Dựa vào tin tức của các đài phát thanh phương Tây, như anh đã biết, ta có thể đánh giá là bước đầu cơ bản ta đã giành được thắng lợi. Thắng lợi chiến lược quan trọng. Ý nghĩa thắng lợi to lớn đến đâu, hiện giờ ta chưa có thể hình dung được”. (báo Pháp Luật, Tp. HCM,03/02/2013)
Cuối cùng, bà Lê Phong Lan được phép tiết lộ tổng số thương vong của quân CS trong trận Mậu Thân:
“Để làm nên chiến thắng vô giá của sự kiện Mậu Thân 1968, quân dân ta đã phải gánh chịu những hy sinh, mất mát to lớn. Theo thống kê của Cục Tác chiến, mặt trận đường 9 có gần 4.000 liệt sĩ, mặt trận Trị Thiên có gần 5.000 liệt sĩ. Con số tương ứng ở đồng bằng Khu 5 là gần 11.000 liệt sĩ, Tây Nguyên gần 3.500 liệt sĩ, Khu 6 gần 1.300 liệt sĩ, Khu 10 gần 500 liệt sĩ, Đông Nam Bộ gần 14.200 liệt sĩ, Khu 8 khoảng 2.500 liệt sĩ, Khu 9 hơn 3.500 liệt sĩ.
Tổ quốc và dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, trong đó có gần 45.000 người đã ngã xuống trong Mậu Thân 1968 để Tổ quốc mãi trường sinh.” (báo Pháp Luật, Tp. HCM, 05/02/2013)
Tuy nhiên, theo tin đồng minh của VNCH thì họ ước lượng đã có từ 85,000 đến 100,000 quân Cộng sản bị loại khỏi vòng chiến sau 3 đợt tấn công trừ tháng 01 cho đến tháng 9/1968.
Thương vong của quân đội đồng minh có trên 6,000 tử thương, ngót 30,000 bị thương và trên 1,000 quân bị mất tích.
Tổn thất thường dân trong vụ Mậu Thân không có thống kê chính thức, nhưng riêng ở mặt trận Huế thì đã có từ 5,000 đến 6,000 người chết và mất tích, đa số bị quân Cộng sản thảm sát bằng nhiều hình thức, kể cả chôn sống hay đập đầu cho chết vì muốn tiết kiệm đạn để chiến đấu như đã diễn ra ở khu vực Khe Đá Mài thuộc vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc, quận Nam Hòa.
Phía Cộng sản Việt Nam thì đã liên tiếp phủ nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho bom đạn của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa gây ra như lời bà Lê Phong Lan nói trong cuốn phim.
Nhưng liệu sự dối trá này có bịp được những người dân Huế còn sống sót hay thân nhân của những oan hồn hãy còn vất vưởng đó đây ở 23 địa điểm họ bị hành quyết bởi lính Cộng sản?
(02/013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét