Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Câu chuyện một Ðặc Công hồi chánh


Chưa hề được nói tới trong Tết Mậu Thân 

Vũ Ánh

WESTMINSTER (NV) - Phải thật là khó khăn và qua khá nhiều thủ tục, tôi mới được gặp người bộ đội Biệt Ðộng Thành tên là Mừng, một trong những người thuộc toán biệt động thành có nhiệm vụ đánh chiếm đài phát thanh Saigon, tức đài phát thanh trung ương của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, vào Ðêm Giao Thừa Tết Mậu Thân 1968.

 Lý do là vì lúc đó anh ta đang bị giam giữ tại căn cứ 40, một trong những chi nhánh khai thác các tù binh phiến cộng của Hoa Kỳ tại gần trường đua Phú Thọ vào ngày mồng 3 Tết.
Trụ sở Ðài Phát Thanh Saigon tại số 3 đường Phan Ðình Phùng, góc Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Ðình Phùng, bị sập 2/3 sau đêm giao tranh giữa lực lượng Nhảy Dù và lực lượng Biệt Ðộng Thành do Mừng chỉ huy, chỉ còn lại văn phòng tổng giám đốc và thư viện. Chúng tôi, những phóng viên và biên tập viên cần thiết được di tản lên làm việc tại Trung Tâm Phát Tuyến Quán Tre, nơi có một đài phát thanh phòng hờ khi đài trung ương bị nguy hiểm, do bị sập bởi Việt Cộng tấn công hay đảo chánh.

Lực lượng tấn công Ðài Phát Thanh Saigon là biệt động thành chỉ với một nhiệm vụ: Chiếm đài và cho phát cuốn băng hiệu triệu của Hồ Chí Minh trước khi rút lui. Việt Cộng chỉ gồm một trung đội 21 người trang bị nhẹ. Họ tập trung và mai phục trong khoảng từ 6 đến 8 tháng trước, chỉ cách đài phát thanh Saigon và trụ sở Cục An Ninh Quân Ðội trong khoảng từ hơn 100 thước dưới hầm trong một tiệm may áo dài phụ nữ tên là nhà may Quốc Anh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tổng giám đốc Cục Vô Tuyến Truyền Thanh Quốc Gia giai đoạn đó là Trung Tá Không Quân Vũ Ðức Vinh, một người chỉ huy mà tôi cho rằng tài năng và bản lãnh của ông là có một không hai trong ngành dù ông là một quân nhân. Nay dù Trung Tá Vinh đã ra người thiên cổ, nhưng anh em cựu phóng viên và biên tập viên tin tức Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia vẫn nhớ đến ông như một người chỉ huy kiệt xuất.

Tết Mậu Thân là cái Tết lớn nhất sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1967 và lực lượng Hoa Kỳ có mặt trên chiến trường Việt Nam lên tới con số trên nửa triệu. Ðề nghị hưu chiến để dân chúng vui Tết được cả ba bên chấp thuận VNCH, Việt Cộng và Mỹ.

Theo thống kê, năm 1967 cũng là năm mà con số mặt trận lớn giảm hẳn xuống trong khi chiến dịch bình định được chính phủ VNCH quan tâm hơn. Nhưng có một chỉ dấu khiến Trung Tá Vũ Ðức Vinh lo ngại: Một vài đơn vị VNCH mà ông biết cho lính đi phép Tết quá tỷ lệ bình thường hàng năm. Trong một cuộc họp đặc biệt hai ngày trước Tết với chúng tôi, ông bày tỏ mối lo âu về những tin tức mà người cố vấn Mỹ của ông khuyến cáo phải tăng cường hệ thống an ninh. Kết quả của buổi họp là ông ra lệnh cho kỹ sư Trần Công Thân, chánh sự vụ Sở Kỹ Thuật, phải huy động những cán sự kỹ thuật thử lại hệ thống đài dự phòng ở Quán Tre, Phủ Tổng Thống, dinh số 2 Vũng Tàu một đài dự phòng mới lập ở Núi Bà Ðen, Tây Ninh. Ông Thân là kỹ thuật gia có năng lực và nhiệt tình đã làm việc và trải qua nhiều cuộc đảo chánh ở Saigon và vì thế có thể coi ông là tác giả của hệ thống đài dự phòng và những phương tiện để cắt sóng giữa đài Trung Ương và Trung Tâm Phát Tuyến Quán Tre và Phú Thọ. Ngành phát thanh cổ điển được tổ chức nhiêu khê hơn là ngành kỹ thuật số bây giờ. Tôi không phải là kỹ thuật gia, nhưng chúng tôi trong thời gian được huấn luyện để làm phóng viên vô tuyến truyền thanh cũng phải được cho biết khái niệm kỹ thuật: Ðài phát thanh Saigon là hạ tầng phát sóng với công suất thấp chuyển qua cable riêng và trung tâm phát tuyến được gọi là thượng tầng với những máy phát thanh công suất 50 kilowatts bắt sóng công suất thấp rồi khuếch đại bằng những máy công suất lớn để phủ sóng từ vĩ tuyến 17 xuống đến Mũi Cà Mau. Vì thế chỉ cần cắt sóng và báo động cho Trung Tâm Phát Tuyến Quán Tre, là cả hệ thống “tắt tiếng”. Hệ thống cắt sóng ấy ra sao thì cho tới nay, tôi cũng không hiểu được chi tiết vì đây là điều tối mật vào lúc bấy giờ chỉ có Tổng Giám Ðốc Vũ Ðức Vinh, ông Thân và một vài viên chức chỉ huy ngành kỹ thuật của hệ thống mới biết.

Phóng viên và biên tập viên được chia toán trực Tết cho biết những địa điểm tập trung để trực thăng bốc đưa đi một trong số những đài dự phòng khi có biến. Cho nên, khi toán biệt động thành của Việt Cộng vào được lầu 2 nơi đặt máy phát sóng hạ tầng và các cơ sở quan trọng của “master control,” các phòng vi âm chính vào đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân, chúng đã áp lực nhân viên chạy máy ráp băng vào máy rồi, nhưng người nữ nhân viên này vẫn còn đủ thời giờ để báo cho Trung Tâm Phát Tuyến Quán Tre biết bằng một cái nút nhỏ dưới chân và lập tức sóng phát thanh bị cắt đứt, đài dự phòng lập tức cho chạy nhạc quân hành, một cách loan báo có biến động, nhưng chưa biết là đảo chánh hay bị Việt Cộng tấn công. Tiếp theo đó là một thông cáo Ðài Phát Thanh Saigon bị tấn công, bọn Việt Cộng đã ở trong đài và đang bị lực lượng Nhảy Dù phản công để tái chiếm.

Tôi nhắc lại chi tiết kỹ thuật này để cho thấy những người nào đã làm cho kế hoạch phát băng hiệu triệu của Hồ Chí Minh bị thất bại, điều mà cho tới nay các công dân VNCH trước đây ít được nghe nói tới. Sau Tết Mậu Thân, những huy chương và tưởng thưởng cho những người có công trong việc đánh bại được ân thưởng đông đoài, nhưng những người có công nhất trong việc ngăn chặn kế hoạch phát băng hiệu triệu của Hồ Chí Minh thì không hề được nhắc tới. Mãi về sau này, sau 30 Tháng Tư năm 1975, khi bị đẩy vào trại cải tạo Z-30C ở Hàm Tân, câu chuyện trở nên rõ ràng hơn khi bản thân tôi gặp lại người cựu biệt động thành Việt Cộng tên là Nguyễn Văn Mừng (cái tên anh ta nói với tôi trong cuộc phỏng vấn và sau này tại Z-30C), người sống sót duy nhất trong số 21 biệt động thành Việt Cộng tấn công đài phát thanh Saigon hồi Tết Mậu thân, người mà tôi đã được gặp và phỏng vấn chớp nhoáng sau khi anh bị đưa về Căn Cứ 40.

Năm 1977, tôi bị chuyển đến trại lao cải nói trên, một trại nhốt những thành phần chính trị chống lại chế độ mới mà họ gọi chung là tội “phản động” gồm cả cựu sĩ quan, cựu đảng viên các chính đảng ở miền Nam Việt Nam, các thành viên của các đơn vị Thám Sát Tỉnh (gọi tắt là PRU - Provincial Reconessance Unit), cựu cán bộ Xây Dựng Nông Thôn và những thành phần Việt Cộng xin hưởng qui chế hồi chánh sau khi bị lực lượng an ninh hay quân đội VNCH bắt trước 30 Tháng Tư 1975.

Ðến trại Z-30C khoảng 4 tháng sau thì tôi bị cùm biệt giam vì cái tội “không an tâm cải tạo, hoạt động linh tinh trong trại giam, tuyên truyền chống chế độ” và sau khi ra khỏi biệt giam, tôi bị biên chế vào đội mộc. Tại sao tôi “được” đưa vào đội mộc thì cũng dễ hiểu: Phần lớn các thành viên Việt Cộng hưởng qui chế hồi chánh và cộng tác với ngành an ninh của VNCH sau khi hồi chánh đều bị chế độ mới trừng phạt, một số bị giết, một số bị đưa đi cải tạo lâu dài đã trở thành những điềm chỉ viên cho bọn an ninh trại. Họ có thể thay cán bộ canh chừng tôi. Người đội trưởng của đội mộc lúc đó tên là Tuấn một sĩ quan cảnh sát VNCH được chuyển sang làm việc với đơn vị PRU ở Gò Công đã nói đã khuyến cáo tôi như vậy, vì là chỗ anh em. Ông cho biết tôi bị chuyển về đội này cũng là để cho những ăng ten “trừng trị” tôi. Tuấn nói: “Tôi xếp cho ông nằm bên cạnh thằng Mừng, thằng chiêu hồi này không hại ông đâu. Nó cũng dân PRU cả. Ở đây anh em người ta cũng không đến nỗi, chỉ có mấy thằng cà chớn thôi. Tôi sẽ chỉ cho ông để ông tránh chúng nó”.

Tuy thế, tôi vẫn rất thận trọng ít tiếp xúc với ai trong đội, ngoại trừ Tuấn và một vài anh em thuộc lực lượng võ trang Dân Xã Ðảng của Hòa Hảo. Tôi thừa biết là chỉ ở đội mộc một thời gian rất ngắn để mấy tên an ninh theo dõi thêm xem tôi liên hệ với ai ngoài đội mộc. Họ đâu biết rằng tôi đã chấp nhận phần xấu nhất cho mình rồi nên chỉ không liên hệ với những anh em khác ở đội cũ vì sợ liên lụy đến họ, còn trong đội mộc tôi sống bình thường, vui vẻ và ăn nói vẫn “linh tinh”. Cũng chính vì thế mà tôi điểm mặt những anh nào chiêu hồi gian và anh nào chiêu hồi thật. Mấy lần bị kêu đi làm việc tức bị gọi lên thẩm cung ở ban an ninh trại và qua những lần ấy tôi biết những báo cáo tôi đến từ người nào trong đội.

Khi mới được đưa vào đội mộc để ăng ten kềm kẹp tôi, Mừng không nhận ra tôi, và ngược lại tôi cũng chỉ thấy Mừng trông quen quen, không biết đã gặp ở đâu rồi. Ba tháng sau tôi bị chuyển về đội 41 và một lần do bị thổ tả, tôi được đưa lên bệnh xá. Dịp này tôi gặp lại Mừng vì anh nằm giường bên cạnh tôi và đây chính là dịp chúng tôi nhận ra nhau 8 năm sau ngày tôi phỏng vấn anh ta lần đầu tiên. Tôi không hỏi anh nhiều chi tiết về vụ tấn công vào Ðài Phát Thanh Saigon và lý do tại sao anh và tôi trở thành người đồng cảnh trong khi trước 30 Tháng Tư 1975 tôi là người khác chiến tuyến với anh ta. Mừng kể cho tôi nghe chi tiết vụ tấn công và biết rất rành mạch về đường đi, nước bước và lối kiến trúc trên lầu 2 của Ðài Phát Thanh Saigon: Ði thẳng lên lầu, quẹo trái theo hành lang đến cuối dãy là phòng phát thanh. Thời gian từ 1978 cho đến nay, thời gian đã qua lâu, nhưng tôi vẫn còn nhớ đại khái mẩu đối thoại của tôi với Mừng về lý do anh ta bị chế độ mới bắt:

- Mà tại sao ông lại bị bắt. Lẽ ra họ phải đối đãi với ông như anh hùng sau 30 Tháng Tư chứ?
- Ð.M, tôi xin chiêu hồi với Mỹ và làm cho nó.
- Biệt động thành mà xin chiêu hồi là sao?
- Ấy thế, đánh nhau mãi chán rồi vả lại sau Tết Mậu Thân, bọn tôi cạn láng, mất phương hướng nên khi bị Mỹ dụ, khó cưỡng lại lắm.
- Này, đừng có nói linh tinh để gài tôi nghe - Tôi chặn họng Mừng.
- Ông cứ không tin đi, thời buổi này biết đâu. Nhưng nói thật với ông, nếu tôi không chuồn ra ăn phở trước Viện Pasteur là giờ này tôi ở Mỹ rồi. Những người chiêu hồi cộng tác với Mỹ như tôi được tập trung tại một căn nhà ở trên đường Nguyễn Ðình Chiểu để chuẩn bị di tản. Tôi đếch hiểu chữ chuẩn bị của Mỹ nó nói là phải thường trực có mặt ở đây và không đi đâu cả. Chuồn ra phở Hòa gọi phở, vừa hết tô ra trả tiền là đã nghe tiếng động cơ trực thăng phành phạch. Tôi hiểu là số phận đã an bài và cố gắng chạy bộ trở lại điểm tập trung, nhưng chiếc trực thăng đã cất lên cao và trước cổng dân chúng ùa vào khiến cho CIDG canh phòng đã phải rút vào trong nhà đóng cửa lại và nổ súng xua đuổi bất cứ người nào tìm cách xâm nhập vào căn nhà này. Không đi được, tôi trở lại Tây Ninh, nơi bố mẹ tôi đều làm lớn ở chế độ mới vì ông bà là người hoạt động nội thành ở Tây Ninh rất lâu. Họ khuyên tôi ra trình diện và tôi làm theo. Do ảnh hưởng của bố mẹ tôi nên tôi chỉ bị tập trung cải tạo “vĩnh viễn” dù tôi đã bị tuyên án tử hình.

- Mẹ kiếp, cải tạo mà vĩnh viễn tức là án cao su, là tử hình rồi còn đếch gì nữa. Chúng nó tùng xẻo cậu dần dần, có khi lại còn khổ hơn. Thà bắn cái đòm một phát - Tôi nói.
- Ừ, tôi cũng nghĩ như vậy.

Thời gian ở bệnh xá vài ngày là cơ hội để tôi và Mừng trao đổi với nhau nhiều hơn, tránh được dòm ngó vì lúc đó bác sĩ điều trị tại bệnh xá là BS Lý Trung Dung, người từng là cố vấn của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và sau khi cầu Thị Nghè sập trong Hội Chợ ở Sở Thú khiến một số người bị chết và bị thương nên mất chức. Bác Sĩ Lý Trung Dung bị tù cải tạo vì ông là đảng viên Cần Lao và là người thân tín của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Lên làm bệnh xá được ít lâu vì đối đãi tốt với các bạn đồng tù nên ông lại bị gọi trở về đội lao động như một sự trừng phạt. Trong suốt mấy ngày điều trị tại bệnh xá, tôi có dịp nói chuyện với Mừng kỹ hơn về chuyện làm cách nào mà anh ta thoát ra khỏi vòng vây của lực lượng Nhảy Dù. Mừng nói (tôi còn nhớ được những điểm chính, xin tóm gọn):

- Lực lượng Dù đóng chốt trên sân thượng của đài phát thanh để phòng khi có biến cố, còn lực lượng chính của Trinh Sát Dù đóng bộ chỉ huy bên Cục An Ninh Quân Ðội. Dưới sân thượng là lầu 2 nơi đặt máy phát. Ngày 25 Tết là bọn tôi rút ra khỏi nhà may Quốc Anh và đến điểm tập trung ở một tiệm phở trên đường Yên Ðổ vốn là “căn cứ cách mạng” từ rất lâu. Ðêm giao thừa, chúng tôi xuất phát từ căn nhà này trên một chiếc Dodge 4x4 giả làm quân xa và mọi người trong toán của tôi đều mặc giả đồ trận của bộ binh VNCH có quân cảnh (giả) áp tải. Từ Yên Ðổ chúng tôi theo Trần Quang Khải, rồi Ðinh Tiên Hoàng và tới nút chặn bằng hàng rào thép gai ở giữa ngã tư Ðinh Tiên Hoàng-Phan Ðình Phùng, tôi xuống xe và trình giấy nói với lính canh ở đây là vào tăng cường an ninh cho Ðài Phát Thanh Saigon. Lính canh không nghi ngờ gì và mở hàng rào dây kẽm gai cho chúng tôi lái xe qua. Ðến ngay cổng chính chúng tôi xuống xe và nhân viên an ninh chưa kịp phản ứng, chúng tôi đã nổ súng hạ sát và chạy thẳng lên lầu. Ðích thân tôi rút cuốn băng ra từ chiếc túi rết và dí súng buộc một nữ nhân viên chạy máy mắc cuốn bằng vào máy. Băng vừa chạy, thì cuộc tấn công của các chốt trên sân thượng bắt đầu. Tôi ra lệnh rút ra khỏi đài để thoát thân thì không kịp. Ðại đội Trinh Sát Dù từ bên An Ninh Quân Ðội được đưa qua đánh từ dưới lên. Phần lớn lính tôi đều bị giết chết trên lầu hai, một số leo qua tường chạy qua khu nhà kho phía sau (nhà của Bưu Ðiện trước 1963 do nhà văn Nhất Linh ở) cũng bị thiệt mạng, còn lại tôi len qua phía sau dãy nhà vệ sinh của đài qua cổng cư xá bưu điện phía sau trà trộn vào dân chúng bắt đầu chạy tán loạn tìm đường qua cầu Bùi Hữu Nghĩa, Ða Kao và trốn xuống dưới sàn của một căn nhà sàn. Ngày 3 Tết, một người đã di tản trở về nhà lấy gạo, khi đi ra sau tiểu chắc nhìn thấy tôi trốn dưới sàn nên lẳng lặng ra phía sau báo lực lượng Biệt Ðộng Quân án ngữ cầu Bùi Hữu Nghĩa, Ða Kao nên họ vào bủa vây và bắc loa kêu tôi ra đầu hàng.

- Ông không biết là chúng tôi có hệ thống cắt sóng khi có biến cố à?
- Không, làm đếch gì mà biết những điều bí mật ấy và nếu tôi biết được chuyện này thì đã không thành chuyện. Bên trên còn không biết rõ hết cấu trúc của máy phát thanh nữa là tôi. Cũng như các ông cũng không biết thời gian mai phục, bọn tôi ra ăn mì tại quán Lai Sanh Chành và cơm ruồi (quán cơm bình dân mà chúng tôi thường ra ăn hàng ngày gần tiệm may Quốc Anh bằng tên cơm ruồi, vì vừa ăn vừa phải đuổi ruồi) thấy mặt nhân viên đài phát thanh ra ăn hoài, nhưng đâu có ai để ý.

Tôi cũng chỉ hỏi qua quýt về thời gian cộng tác với Hoa Kỳ sau thời gian anh ta xin hưởng qui chế hồi chánh vì hiểu rằng biết nhiều về chuyện này không có lợi cho tôi và cho cả Mừng. Làm sao biết được lòng người trong khi sự tìm hiểu quá kỹ về chuyện cộng tác với Hoa Kỳ có thể tạo cho tôi cái ách giữa đàng mang vào cổ không chừng. Sau này cứ mỗi khi được thăm nuôi, Mừng lại mang sang cho tôi ít tán đường và gạo rang trộn muối sả. Mừng nói: “Những thứ này gia đình tôi làm theo kiểu biệt động thành ngày xưa đây, gởi ông ăn lấy thảo. Ông đừng ngại, bây giờ mình là đồng cảnh rồi, đồng cảnh của những thằng trước đây khác chiến tuyến”.

Trước khi tôi bị chuyển sang một trại khác, Mừng bị một tai nạn trong trại. Chiếc tủ để dụng cụ tại đội mộc đổ sấp xuống lưng anh ta làm Mừng bị gãy xương sống và bị liệt phải chuyển ra bệnh viện Bình Tuy. Từ đó cho đến những năm sau này, tôi không còn tin tức gì về Mừng nữa. Nhưng qua những năm được may mắn sống ở một đất nước tự do như Hoa Kỳ, mỗi lần nghĩ đến những kỷ niệm về cuộc chiến, về Tết Mậu Thân, Mừng là người làm tôi nhớ rõ nét nhất về những oái oăm của lịch sử cuộc chiến hơn 38 năm trước đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét