Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Chuyện Hiến Pháp



h319Khi trang mạng “Cùng Viết Hiến Pháp” của GS Châu và GS Sơn ra đời, tôi cũng không ý thức được giá trị của trang web này ngay với cá nhân mình. Lúc đầu thì theo thói quen, thấy trang web có giá trị thì hì hụi đi phát tán. Sau thì tranh thủ những lúc trong máu không có cồn (đang tất niên hội hè miên man) đọc các bài viết trên đấy.
Bỗng giật mình nhận ra, lần duy nhất trong đời mà tôi học một thứ gọi là văn bản luật, là cái hôm thi bằng lái xe.
Còn thì không thể nhớ ra dù chỉ một lần được học, hay được giảng, hoặc thậm chí là được giới thiệu về hiến pháp trên lớp học.
Thậm chí, cũng chưa một lần có ý định tự  tìm cái bản hiến pháp của nước mình về rồi tự đọc.
Bỗng ngộ ra rằng, cái gì mà không có thực chất, chỉ là hình thức, thì sự tồn tại của nó có cũng như không.
Bỗng vì lý do gì đó, hiến pháp của nước mình bất ngờ không còn tồn tại, thì mọi thứ vẫn hoạt động bình thường, chả có gì suy chuyển.
Thế thì tức là nếu làm ngược lại, sửa nó cho thật hay, thì cũng chẳng suy chuyển được cái gì.
Chuyện Hiến pháp tự nhiên tréo nghoe ra như vậy, đành phải ôm sách về nhà tự nghiên cứu.
Không rõ từ nguyên chữ Hiến-Pháp trong tiếng Việt là gì, nhưng rất may là sách có nói chữ Constitution, là do chữ Constitutio của chữ Latin, đi qua tiếng Pháp, rồi mà thành. Chữ này có nghĩa là quy tắc (regulations and orders).
Về lý thuyết, ở một số nước, Hiến pháp là bộ luật gốc, từ đó tạo sinh ra nhà nước, mô hình và cách thức vận hành cái nhà nước ấy. Ở những nước này Hiến pháp là tối quan trọng.
Nhưng lại có những nước mà ở đó nhà nước, nếu thích, có thể tự soạn và ban hành hiến pháp bất cứ lúc nào. Tất nhiên là ở những nước như vậy, Hiến pháp không có vai trò gì cho lắm.
Hiến pháp không tự nhiên sinh ra, mà phải có ai đó viết. Hiến Pháp cũng không phải là một văn bản tập hợp các quy tắc gốc vô hồn, mà đằng sau nó phải có tinh thần, có chủ thuyết của những người lập ra hiến pháp. Hay nói theo kiểu Steve Jobs, Hiến Pháp là một sản phẩm mà đằng sau nó có triết lý (philosophy) của người làm ra nó. Philosophy có gốc là hai chữ Hy Lạp: philein và sophian. Chữ philein nghĩa là ước vọng, sophian là cái chân-thiện. Hiến-Pháp tốt đương nhiên phải có đạo lý sâu rộng ở phía sau văn bản ngữ nghĩa.
Bản Hiến pháp được coi là mẫu mực của thế giới, cũng đồng thời là hiến pháp thành văn đầu tiên, là hiến pháp Hoa Kỳ. Đây cũng là bản hiến pháp ngắn gọn nhất thế giới  khi chỉ có 7 điều và 27 tu chính án (7 điều và 27 điểm sửa chữa bổ sung).
Bản Hiến pháp  Hoa Kỳ ra đời năm 1787 và tồn tại đến tận bây giờ.
Chủ thuyết của Hiến pháp Hoa kỳ, như GS Wendy N Duong tóm tắt ở bài viết “Tổng quan về Hiến pháp Hoa Kì” rất đơn giản: (i) phân quyền lực (mối quan hệ giữa ba nhánh của chính phủ), (ii) chủ thuyết liên bang (mối quan hệ giữa chính phủ quốc gia trung ương và chính phủ các tiểu bang), (iii) cơ chế toà án bảo hiến ( cơ chế mà qua đó Hiến pháp được hiểu, áp dụng và tôn trọng), và (iv) Bản Tuyên ngôn Quyền (nói lên mối quan hệ giữa chính phủ và cá nhân).
Về chủ thuyết phân ba nhánh của Hiến Pháp Hoa Kỳ, nếu diễn giải nôm na thì: Lập Pháp là Quốc Hội gồm hai viện Thượng và Hạ không được phép hoạt động đơn phương. Hành pháp là Tổng thống. Tư Pháp là hệ thống tòa án liên bang. Trong đó có Tòa án tối cao liên bang, do chính Hiến Pháp tạo sinh ra để diễn giải và thực hành Hiến Pháp (vai trò như tòa án bảo vệ hiến pháp).
Nhân đây, cũng xin phép nhắc một chút về mốc thời gian: Năm 1787 là năm ở Mỹ bản Hiến pháp Mỹ ra đời, thì ở vùng đất gọi là VN bây giờ, đang là lúc Nguyễn Huệ đang đánh nam dẹp bắc loạn lạc binh đao. Năm 1787 là năm Nguyễn Huệ kéo quân về đánh Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Nước Việt Nam ngày nay, lúc đó chưa hình thành (tiền thân của nước Việt Nam hiện đại, đến năm 1802 mới xuất hiện).
Còn Hiến pháp của Việt Nam đang được góp ý sửa đổi, ra đời năm 1992, chủ thuyết là Nhà nước thống nhất (không phân chia quyền lực). Điều này ghi rõ trong Điều 2 của Hiến pháp.
Mặc dù nước ta có tới mấy ngàn năm văn hiến, nhưng nhìn vào thời điểm Hiến pháp Mỹ ra đời và so với lịch sử cận đại của Việt Nam, lại có thể thấy rằng chúng ta sinh sau đẻ muộn hơn nhiều.
Cho nên việc học hỏi cách người Mỹ làm ra bản Hiến pháp của họ là một việc nên làm và chả có gì phải xấu hổ khi bắt chước họ cái cách làm ra hiến pháp.
Việc bắt chước này, tất nhiên không phải là sự bắt chước máy móc, hoặc nhắm mắt sao chép hiến pháp Hoa kỳ. Bởi chính Alexander Hamilton, một trong những người tham gia kiến tạo bản Hiến Pháp Hoa Kỳ, có nói rằng: “Tôi đồng ý với Montesquieu rằng mỗi chính quyền cần phù hợp với một quốc gia, như mỗi cái áo phù hợp với một cá nhân. Điều kỳ diệu ở Philadelphia có thể sẽ là điều tồi tệ ở Paris và trở nên lố bịch ở Saint Petersburg”.
Montesquieu là cha đẻ của tam quyền phân lập, là chủ thuyết đằng sau Hiến Pháp Mỹ. “Điều kỳ diệu ở Philadelphia” là cách các sử gia Mỹ gọi Hiến pháp Mỹ, do Hội nghị lập hiến diễn ra ở Philadenphia và kết quả của hội nghị này chính là bản Hiến pháp Mỹ.
Nước Mỹ giành độc lập vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. Trong những năm đầu, chính quyền non trẻ của Mỹ hoạt động dựa vào sự hợp tác của các bang đầu tiên tham gia cách mạng, dưới một thỏa ước chung gọi là Articles of Confederation (Các điều khoản hợp bang). Cái “Các điều khoản hợp bang” này chính là hiến pháp đầu tiên của Mỹ (được phê duyệt năm 1781).
Lúc này nước Mỹ rất yếu, nghèo nàn, chính phủ kiệt quệ, không có hành pháp, không tòa án tối cao, không quân đội liên bang mà chỉ có quân đội tiểu bang, uy tín quốc tế bằng số không. Kinh tế suy thoái lao dốc, tiền tệ lạm phát, loạn lạc bên trong, ngoại bang đe dọa bên ngoài.
Nhưng những nhà lãnh đạo nước Mỹ lúc đó không yếu ớt. Năm 1787, khi tình hình đất nước khủng hoảng sâu sắc, một vài trong số họ, vốn là công thần lập quốc, thấy cần phải có một Hiến pháp mới để thay đổi nhà nước Mỹ và thay đổi tương lai của nước Mỹ. Họ đã vận động tổ chức Hội nghị Lập hiến. Từ Hội nghị lập hiến này  đã cho ra đời bản Hiến pháp Mỹ. Bản Hiến pháp Mỹ này đã làm thay đổi nước Mỹ, biến nước Mỹ thành siêu cường, và cũng rõ ràng đã góp  phần làm thay đổi cả thế giới.
Như vậy, sau hơn 200 năm, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1787 đã và vẫn đang là một việc cực kỳ quan trọng đối với vận mệnh của nước Mỹ.
Năm 1787, tức là khá lâu sau khi Mỹ giành độc lập, mới có Hội nghị lập hiến này. Hội nghị diễn ra tập trung. Các đại biểu của các tiểu bang phải tự đi xe ngựa về Philadenphia, tự ăn tự ngủ suốt mấy tháng liền trong thời gian họp.
Có 74 đại biểu được triệu tập nhưng chỉ có 55 người có mặt. Trong số 55 người này chỉ có 39 người cuối cùng ký vào bản Hiến pháp mới.
Để bắt đầu, họ bầu ra một người rất có uy tín làm Chủ tịch hội đồng lập hiến: đó là tướng George Washington, vị tổng tư lệnh trong cuộc chiến với đế quốc Anh để dành độc lập cho Hoa Kỳ hơn 10 năm trước đấy. Bộ óc soạn thảo Hiến pháp Mỹ trong hội nghị lập hiến, và sau đó là các tu chính án (được biết với tên Tuyên ngôn nhân quyền) là của một ngôi sao trẻ 36 tuổi tên là James Madison. Ông này sau cũng làm tổng thống Mỹ (tổng thống thứ 4).
Như vậy, có thể học được một điều, là Hiến pháp cần một hội nghị lập hiến nghiêm túc, có người đứng đầu là một cá nhân có uy tín. Còn bộ óc soạn thảo, trong quá trình làm việc, sẽ tự xuất hiện.
Hội nghị Lập hiến họp kín, có các thư ký, có các chủ tọa, và thực tế là cãi nhau như mổ bò từ suốt 25 tháng 5 đến tận 24 tháng 7 mới đạt được một cái mà sau này gọi là Đại Thỏa Hiệp (Great Compromise): tức là chọn được một phương án chủ đạo từ các phương án (Virginia Plan, New Jersey Plan). Virginia Plan chính là một phiên bản sơ khởi quan trọng để soạn thảo Hiến pháp Mỹ. Đằng sau Virginia Plan là chủ thuyết dựa vào tư tưởng của các triết gia và chính trị gia: Montesquieu, Locke và Coke (hai tác giả đầu đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam).
Điều thứ hai có thể học hỏi ở đây, là rất cần các debate trực diện, mệt mỏi, trí tuệ và tốn thời gian. Đồng thời cũng cần các version khác nhau của Hiến pháp, với các chủ thuyết khác nhau, để các phe tranh cãi dùng để biện luận. Hiến pháp 1992 và dự thảo sửa đổi cũng có thể sẽ là một Plan tốt. Hiến pháp mà nhân dân “cùng viết hiến pháp” đề xuất, cũng cõ thể là một Plan tốt nữa. Đấy là chưa nói đến các bản Hiến pháp 1946 và hai bản Hiến pháp của Việt Nam Cộng Hòa (1956 và 1967).
Điều thứ ba có thể học hỏi, là cuối cùng phải có một cái Đại Thỏa Hiệp, chốt lại các điểm quan trọng nhất, có giá trị vững bền nhất, được đồng thuận cao nhất. Còn nếu ai cũng chỉ thấy mình đúng, cái mình viết ra, cái mình đề xuất là xuất sắc nhất, thì chắc chắn bản Hiến pháp có ra đời thì cũng rất ít giá trị.
Đến ngày 24 tháng 7, một tiểu ban gồm 5 đại biểu được giao cho viết soạn thảo Hiến pháp chi tiết.
Đến mùng 6 tháng 8 năm 1787 thì viết xong. Từ lúc đó đến mùng 10 tháng 9 các vị lại cãi nhau như mổ bò, nhưng lúc này là trên từng điều khoản.
Như vậy việc soạn thảo hiến pháp Mỹ, do các bộ óc lớn, am hiểu sâu sắc về chính trị, triết và luật, rất là gian nan như vậy. Trong đó có James Madison, lúc này mới có 36 tuổi, và trước khi tham gia hội nghị lập hiến đã bỏ vô cùng nhiều thời gian để nghiên cứu các trước tác từ cổ chí kim tính đến lúc đó.
Sau khi có bản Hiến pháp cuối cùng và được hội nghị lập hiến ký kết, bản hiến pháp này còn phải được các tiểu bang thông qua bằng cách bỏ phiếu ở từng tiểu bang. Việc này cũng rất gian nan do bị nhiều thế lực chống đối kịch liệt.
Các ông James Madison, Alexander Hamilton và Jay viết một loạt bài báo, nay được biết với tên Federalist Papers (Luận cương Người liên bang) để bẻ hết các lập luận của phe chống-liên bang. Madison cũng hiểu là cần các tu chính án thêm vào (về nhân quyền) thì các tiểu bang mới chịu thông qua, cho nên ông vận động ác liệt cho 12 tu chính án đầu tiên. Nay 10 trong số 12 tu chính án này được biết đến với tên Bill of Rights (Tuyên ngôn Nhân quyền).
Sau khi Hiến pháp được các tiểu bang thông qua, đến 30 tháng 4 năm 1789 thì Hoa Kỳ có tổng thống đầu tiên do bầu cử, chính là George Washington.
Với Federalist Papers, quá trình soạn thảo Hiến pháp Mỹ đã vô tình đẻ ra một tác phẩm được coi là chủ thuyết của chính quyền liên bang (nhận xét của John Stuart Mill) và là cuốn sách cho mọi chính khách của bất cứ nước nào (nhận xét của Alexis Tocqueville) và ngày nay được coi là cuốn sách lớn ngang với Cộng Hòa (Plato), Chính trị luận (Aristotle) và Leviathan (Hobbles). (Ngoại trừ Leviathan, và Federalist Papers, các cuốn sách được nhắc đến trong paragraph này đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam).
Các cuộc tranh luận cãi vã đều được thư ký hội nghị và đặc biệt là James Madison ngồi ghi chép kỹ lưỡng. Những người tham gia soạn thảo Hiến pháp của các nước khác, sau này đều phải tham khảo các ghi chép này, cũng như đọc Luận cương Liên Bang và bản gốc (chưa sửa đổi) của Hiến pháp Mỹ. Các nhà soạn thảo Hiến pháp của Việt Nam có lẽ cũng không nên làm những người ngoại lệ. Tài liệu về Hội nghị lập hiến Hoa kỳ có rất nhiều. Bản tiếng Việt có thể tham khảo là cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào” của Nguyễn Cảnh Bình. Đây là điều thứ tư cần học hỏi.
Thế rồi, dù có học hỏi đến thế nào, thì câu hỏi cũng vẫn sẽ là“Điều kỳ diệu ở Philadelphia” trở thành “Điều kỳ diệu ở Hà Nội” được không, sẽ tùy thuộc vào tầm nhìn, tư tưởng và sự cởi mở đầu óc của những người tham gia lập hiến.
Về chuyện Đảng. Hiến pháp Mỹ không đề cập gì tới đa nguyên hay đảng phái gì. Các chính đảng ở Hoa Kỳ hiện nay đều sinh sau đẻ muộn so với Hiến pháp Mỹ.
Về chủ thuyết, phải chăng chủ thuyết Nhà nước thống nhất (điều 2) và vai trò của Đảng cầm quyền (điều 4) của Hiến pháp Việt Nam vẫn có thể có Great Compromise với Hiến pháp tam quyền phân lập của Hoa Kỳ?
Phải chăng vẫn có cách để một Hiến pháp do nhà nước tạo ra, mà sau này hiến pháp ấy vẫn có thể tạo sinh vận hành ngược được nhà nước?
+ Hiến pháp sửa đổi sẽ mở ra cách để đưa mô hình Nhà nước vận hành bằng nghị quyết của TW Đảng cầm quyền thành Nhà nước pháp quyền? Sẽ có một giải pháp nào đó  để “nghị viện hóa” hoạt động của TW Đảng: ví dụ biến TW Đảng thành Thượng viện, nơi các Thượng nghị sỹ là TW Ủy viên đến từ địa phương và nội các. Và Tổng bí thư làm chủ tịch thượng viện. Ở đó các Thượng nghị sỹ – TW ủy viên có nhiệm kỳ 6 năm, được bầu 2 năm một lần, một phần ba được bầu lại, hai phần ba lưu nhiệm. Còn Quốc hội hiện nay trở thành Hạ viện, hai năm thay đồng loạt một lần. Sẽ đến lúc nào đó, các thượng nghị sỹ có thể đến từ một đảng bất kỳ, hoặc không từ đảng phái nào, mà hiến pháp sẽ không cần phải sửa đổi. Hay lúc đó chủ tịch thượng viện không nhất thiết phải là tổng bí thư nữa. (Xem Hiến pháp Hoa Kỳ kèm chú thích).
+ Hiến pháp sửa đổi sẽ đón nhận vào trong mình tinh thần chủ nghĩa hợp hiến? Chủ nghĩa hợp hiến (constitutionalism) hay còn gọi là Hiến pháp trị có nghĩa là quyền lực của những người lãnh đạo và của các cơ quan chính quyền phải được hạn chế. Chủ nghĩa hợp hiến, như một chủ thuyết về chính trị hay về luật pháp, nói về một chính quyền mà nhiệm vụ trước hết là nhằm phục vụ cho toàn thể mọi người và bảo vệ quyền cá nhân. Sẽ có giải pháp khả thi nào đó để đặt vào tay Chủ tịch nước quyền lực của tòa án tối cao, trong đó có nhữn thẩm phán tối cao do chính chủ tịch nước đương nhiệm hoặc các chủ tịch nước nhiệm kỳ trước bổ nhiệm, giống như tổng thống mỹ bổ nhiệm thẩm phán tối cao và các vị thẩm phán này không về hưu. Để tòa án tối cao này làm tòa bảo hiến, diễn giải và thực thi hiến pháp. (Xem Hiến pháp Hoa Kỳ kèm chú thích).
Tất cả những điều này không một cá nhân, một nhóm người nào có thể tự nghĩ ra được. Vẫn phải cần một hội nghị lập hiến chính thống, nghiêm túc, mà ở đó những nhà lập hiến ngồi với nhau, tranh luận với nhau và cùng viết. Để bản Hiến pháp mà họ viết ra khôngchỉ là một bản hiến pháp lời hay ý đẹp, mà còn phải viết để làm sao ngay khi nó được thông qua, nó sẽ lập tức đi vào cuộc sống, thực sự vận hành nhà nước và xã hội, và tất nhiên là nó sẽ tồn tại cả vài trăm năm mà rất ít cần sửa đổi.
 5 Xu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét