Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Tài liệu của CIA về cuộc chiến Việt – Trung



Bích chương lồng hình ảnh
Bích chương lồng hình ảnh “chiến thắng chống Trung Quốc xâm lược” với “thằng Mỹ cao cao bước cúi đầu.” Ảnh Bill Herod.
Vũ Quí Hạo Nhiên
Bài này đăng lần đầu trên tuần báo Viet Tide, xuất bản tại Houston và Little Saigon, năm 2009, trong loạt bài dịch các hồ sơ mật CIA đã được công khai hóa.
Tài liệu dưới đây là một bài nghiên cứu (“Research Paper”) mang tựa đề “Tranh chấp biên giới Trung-Việt.” (“The Sino-Vietnamese Border Dispute”).
Tài liệu dài 20 trang này tiết lộ và phân tích nhiều xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam từ năm 1978 – những xung đột mà ngày nay chính quyền cộng sản tại Hà Nội đang tảng lờ như không có.
Cơ quan tác giả hồ sơ này là National Foreign Assessment Center (tạm dịch Trung tâm Quốc gia Đánh giá Ngoại bang). NFAC là tên gọi mới của Cục Tình báo (Directorate of Intelligence) sau 1977, là bộ phận trong CIA chuyên phân tích và tổng hợp thông tin lấy được từ các nguồn tình báo. Đến năm 1981, NFAC lại được đổi lên trở về với tên gọi lúc trước, là Directorate of Intelligence.
Hồ sơ được đóng dấu Tối Mật (“Top Secret”), đề ngày 5 tháng 3, 1979 – tức vài tuần sau khi Trung Quốc xua quân vượt biên giới Việt Nam trong ý định “dạy cho Việt Nam một bài học.” Hồ sơ này được bạch hóa vào tháng 6, 2002.
Hồ sơ này tuy đã được bạch hóa, nhưng vẫn còn nhiều phần bị xóa trắng chưa được công bố hoàn toàn. Trong bản dịch này, những phần còn bị xóa được ghi bằng dấu “#####”. Những lời trong dấu ngoặc vuông [ ... ] là chú thích thêm của dịch giả.
(Bản dịch hồ sơ CIA)
Tranh chấp biên giới Trung-Việt
Thông tin dùng trong báo cáo này được cập nhật đến ngày 5 tháng 3, 1979
.
Các đánh giá chính
Cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào phía bắc Việt Nam có khuynh hướng che lấp sự thật là tranh chấp biên giới Trung-Việt có động lực của riêng nó và đã là vấn đề quan trọng giữa hai nước này từ lâu nay, trước khi mâu thuẫn Việt Nam – Campuchea nổ tung thành chiến tranh công khai. Sự bất đồng ý kiến về một vài đoạn biên giới ngắn (cũng như về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) được giữ trong những đường dây trao đổi kín sau khi chiến tranh chấm dứt tại Đông Dương. Nhưng rồi những cuộc thảo luận kín bị thất bại vào cuối năm 1977 và vấn đề này trở thành một phần trong một cuộc tranh chấp chính trị rộng lớn hơn. (#####)
Ở cả hai bên, những phản ứng theo cảm tính đối với những biến cố mới đã thay thế cho sự tính toán tỉnh táo về thiệt hại cho lợi ích quốc gia trong trường hợp mất bình tĩnh. Đụng độ tại biên giới trở thành yếu tố quyết định khiến những phản ứng thiếu thận trọng này càng leo thang hơn.###
Một vài xung đột nhỏ, không vũ trang (hầu hết là ẩu đả) dọc đường biên giới Trung-Việt trở thành đụng độ quân sự cấp bách sau hai biến cố quan trọng trong năm 1978:
* Những lời cáo buộc về người gốc Hoa bị ngược đãi và muốn từ Việt Nam thoát thân vào Trung Quốc. Vì vậy cuộc giao tranh vũ trang đầu tiên năm 1978 tại vùng biên giới đã diễn ra vì vụ người tỵ nạn muốn vượt biên vào Trung Quốc.
* Những lời cáo buộc về việc Việt Nam xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Cuộc giao tranh vũ trang lần thứ nhì và thứ ba năm 1978 diễn ra khi phía Trung Quốc phá hủy hàng rào, cọc đánh dấu, và bãi mình trên tuyến [phòng thủ] này.
Phía Trung Quốc giận dữ vì Hà Nội đã cả gan thay đổi status quo tại biên giới, và cho rằng nếu im lặng chấp nhận những thay đổi này thì sẽ trở thành tưởng thưởng cho Hà Nội và sẽ dẫn đến nhiều vi phạm khác tại biên giới.###
Cụ thể, hành động của Hà Nội xây dựng tuyến phòng thủ (phía Hà Nội tuyên bố là để bảo vệ chống sự xâm nhập của biên phòng và gián điệp Trung Quốc) làm thay đổi luật chơi của cuộc tranh chấp chính trị. Bằng hành động này, Hà Nội đã đi thêm một bước từ đấu khẩu bằng miệng đến đơn phương đánh mốc gần như tất cả mọi đoạn trên một biên giới mà trước đây tương đối mở và chỉ được đánh mốc sơ sài. Trung Quốc cho rằng việc cấm mốc khiến Việt Nam được lợi thế về đất đai và đằng nào thì cũng không có sự đồng thuận của Trung Quốc. Về phía mình, Việt Nam tức giận khi Trung Quốc phá hủy những hàng rào do họ dựng nên mà, theo họ, nằm “trong lãnh thổ Việt Nam.” Cứ như vậy mà tình trạng đã sẵn sàng để một Trung Quốc vũ trang đối đầu với một Việt Nam vũ trang.###
Hồ sơ “Tranh chấp biên giới Trung Việt” dài 20 trang
Bắc Kinh, là phía lớn hơn và mạnh hơn, leo thang cuộc tranh chấp bằng cách chỉ thị cho biên phòng, vào tháng 12, bắt đầu tuần hành lên phía trước và “nổ súng” vào chốt và nhân sự biên phòng của Việt Nam. Một cuộc leo thang thứ nhì sau đó đã tiếp theo vào giữa tháng 1 khi Bắc Kinh bắt đầu đưa bộ đội chủ lực Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) thay vì lính biên phòng để thăm dò và trinh sát; số người và mức độ thâm nhập vào vùng đất Việt Nam cho là của họ cũng tăng lên. Cùng lúc đó, phía Trung Quốc báo cho Việt Nam biết về bản chất và mức độ của sự gia tăng [quân sự] phía bắc biên giới.###
Mặc dù đối đầu với những cuộc tấn cộng của quân chủ lực PLA ở biên giới và biết về sự tập trung quân đội Trung Quốc gần đó, phía Việt Nam từ chối không chùn bước. Họ giữ vững vị trí của mình và còn đánh trả. Tới giữa tháng 1, phía Trung Quốc dường như đã cho rằng chính sách cảnh cáo và hăm dọa đã không có hiệu lực.###
Tổng cộng vùng đất Việt Nam “chiếm đóng” không phải là lớn – khoảng 60 km vuông. Nhưng việc Việt Nam tự cho là có thể tùy tiện tự nhận bất kỳ một chút đất nào của Trung Quốc là điều phía Trung Quốc không chấp nhận được. Và, mặc dù chỉ có khoảng 300 người Trung Quốc bị chết và bị thương, chính sự thách thức công khai của phía Việt Nam đã khiến bất kỳ một chút tổn thất nào cũng không chấp nhận được [đối với Trung Quốc].###
Bắc Kinh kết luận rằng sự ngạo mạn quân sự của các lãnh tụ Việt Nam nếu để yên sẽ tiếp tục trở thành một sự “kiêu căng” nguy hiểm. Ở một khía cạnh căn bản nào đó, cuộc xâm lăng của Trung Quốc là một cố gắng phá vỡ hình ảnh Hà Nội tự vẽ cho mình là vô địch bất bại.###
Campuchea là yếu tố xúc tác chính trong suy nghĩ của Trung Quốc. Tranh chấp biên giới Hoa-Việt leo thang trong bối cảnh Việt Nam chiếm đóng Campuchia và Trung Quốc đã không có khả năng bảo vệ chư hầu của họ tại đó. Nói tóm lại, hai yếu tố – hành động của Việt Nam chống Campuchia và việc Hà Nội không chịu có thái độ ít thách thức hơn ở biên giới Hoa-Việt – trở thành đưa đẩy hỗ trợ cho nhau, thúc đẩy Bắc Kinh phải cố gắng “trừng phạt” Việt Nam bằng quân sự qua việc tràn vào phía bắc.###
Bắc Kinh đã ra ý rằng quân lực Trung Quốc rồi ra sẽ rút về đường biên giới mà Trung Quốc (chứ không phải Việt Nam) công nhận. Nếu điều này là quyết định tối hậu của Trung Quốc, và nếu Hà Nội từ chối không đàm phán cho một hiệp ước biên giới, tương lai sẽ thấy một thời gian dài có căng thẳng và mâu thuẫn biên giới.###
[Trong tài liệu này, sau phần “Các đánh giá chính” thì đến trang Mục lục như sau]
Mục lục
Các đánh giá chính
Lời mở đầu
I. Những nỗ lực chính trị để tránh gia tăng bất đồng
II. Bất đồng về nạn kiều gia tăng thành bất đồng về lãnh thổ
III. Trung Quốc dọa dẫm Hà Nội: Máy bay do thám
IV. Hà Nội chuẩn bị “chiến tranh”
V. Tuyến phòng thủ biên giới của Việt Nam khiến căng thẳng leo thang
VI. Tiếp tục leo thang: Trung Quốc bắt đầu tháo gỡ hàng rào
VII. Bắc Kinh gia tăng cảnh cáo đối với nạn nhân bị bắn chết
VIII. Trung Quốc bắt đầu “trừng phạt”
IX. Trung Quốc thất bại trong chính sách uy hiếp
######
######
[Sau trang mục lục là nguyên một trang vẫn còn trong vòng bảo mật và bị xóa trắng.]
Lời mở đầu
Hành động quân sự của Trung Quốc chống Việt Nam có khuynh hướng che lấp sự thật là tranh chấp biên giới Trung-Việt có động lực của riêng nó và đã là vấn đề song phương quan trọng giữa hai nước này từ lâu nay, trước khi mâu thuẫn Việt Nam – Campuchea nổ tung thành chiến tranh công khai. Sự tranh giành chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở ngoài khơi là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, nhất là từ khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ trong nay miền Nam Việt Nam năm 1974. Biên giới trên đất liền có vẻ ít nhạy cảm chính trị hơn, nhưng vẫn là nơi xảy ra nhiều đụng độ nhỏ trong hơn 20 năm, ngay cả vào thời gian hai bên là đồng minh trong chiến tranh. Tự nó, cuộc tranh cãi về lãnh thổ rõ ràng đã khiến mối quan hệ hai nước bị lạnh nhạt, và với mối quan hệ ngày càng xấu đi trong các lãnh vực khác, nó [tranh chấp lãnh thổ] trở thành chủ đề chính trong cuộc đụng độ lớn đã xảy ra.###
Sự gia tăng mức độ tranh chấp tại biên giới phải được nhìn qua lăng kính của mối quan hệ ngày càng xuống dốc giữa Trung Quốc và Việt Nam từ sau khi chiến tranh tại Đông Dương kết thúc năm 1975. Một cuộc tranh giành ảnh hưởng ngầm tại Đông Nam Á gần như bảo đảm rằng những vấn đề được dìm đi trong chiến tranh sẽ nổi bật lên và gây căng thẳng trong giai đoạn hậu chiến.###
Đã có giai đoạn [hai bên] hành động bình tĩnh và theo lý trí, mặc dù phía Trung Quốc ngày càng khó chịu với việc Việt Nam thiên về Liên Xô, và phía Việt Nam bất bình với việc Trung Quốc rõ ràng muốn đè bẹp tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực – một mục tiêu thấy rõ trong việc Trung Quốc đỡ đầu cho Campuchia, nước láng giềng độc lập và khó chịu của Việt Nam. Tuy nhiên, mọi sự kiềm chế đã chấm dứt qua cuộc chiến Campuchia, đã khiến cho Việt Nam ngày càng tức giận với việc Trung Quốc ủng hộ cho nhà cầm quyền Phnom Penh. Và Trung Quốc đã rất giận dữ với kiểu đối xử của Việt Nam với cư dân gốc Hoa – những nạn nhân kép, vừa bị kỳ thị lại vừa bị đánh tư sản – và quan trọng hơn nữa là trong cái họ thấy là sự ràng buộc thân thiết giữa Hà Nội với Moscow.###
Có một điều có thể chứng minh được, là cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều không muốn cucộ tranh chấp biên giới vượt quá tình trạng hiện tại. Phía Trung Quốc phải lo tới Liên Xô trong lúc đánh với Việt Nam; phía Việt Nam vừa đánh Trung Quốc vừa phải đánh Campuchia. Trung Quốc đang lo ngại có thể sẽ phải chiến tranh hai mặt; Việt Nam đã phải chiến tranh hai mặt rồi. Nhưng tình cảm quốc gia chủ nghĩa của cả hai bên dâng lên quá cao đế có thể ngăn được một trận chiến biên giới dù không bên nào muốn.###
[Còn tiếp: Trung Quốc Việt Nam có cố ý chủ động leo thang chiến tranh?]
http://vqhn.wordpress.com/2013/02/17/tai-lieu-mat-cia-ve-cuoc-chien-viet-trung/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét