Lê Mai
LỊCH SỬ dần dần hé mở và đến nay thì chúng ta đã rõ, các tác giả chính của cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa Mậu Thân 68 chính là các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng. Tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh, cho đến ngày cuối cùng mới được nghe báo cáo toàn bộ kế hoạch và ông đã cố bình thản để “dấu đi niềm cay đắng”.
Còn ông Trần Bạch Đằng, bấy giờ là Thường vụ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, phụ trách Bộ Tư lệnh Tiền phương Nam, trực tiếp chịu trách nhiệm tiến công ở nội thành Sài Gòn. Trước đó, theo chỉ thị của Trung ương Cục, ông được giao khởi thảo kế hoạch nội thành và đúng vào thời gian ấy, vợ ông – bà Tôn Thị Hưởng (Nguyễn Thị Chơn), bị bắt. Gần cuối năm 1967, bà đã được Mặt trận bí mật trao đổi người với Mỹ. Bà từng tham gia cuộc hòa đàm Pari trong phái đoàn Chính phủ Lâm thời với tư cách Phó Trưởng đoàn. Sài Gòn rất thất vọng do không bắt được Trần Bạch Đằng và ra lệnh, hễ phát hiện ra, nếu không bắt được thì cho quyền bắn hủy diệt xe …
Chúng ta hãy theo dòng Nhật ký. Vào đêm Ba mươi Tết, hai ông Trần Bạch Đằng và Võ Văn Kiệt nghe tiếng pháo nổ đón giao thừa trong lúc di chuyển trên sông Vàm Cỏ Đông. Khi trời sắp sáng, Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), chỉ huy trưởng Biệt động thành đến báo cáo, giữa đêm Huế đã nổ súng. Các ông hết sức ngạc nhiên nhưng không thể đoán được lý do. Té ra, giờ nổ súng quy định là giao thừa âm lịch, nhưng năm đó lịch miền Bắc lại đi trước miền Nam một ngày, cho nên nơi theo lịch cũ, nơi theo lịch mới. Đây là trục trặc đầu tiên của Mậu Thân 68 – một trục trặc “chết người”, một cái “sái” của Mậu Thân 68? Ông Trần Bạch Đằng viết, sau này, lúc tổng kết, “chúng tôi càu nhàu và có đồng chí trách đồng chí Nguyễn Xiển, nhè lúc “ăn thua” mà chỉnh lịch! Thực ra đồng chí Nguyễn Xiển bị trách oan – các nhà khoa học đâu có biết nổ ra đợt Mậu Thân”!
Tiếp tục theo dòng Nhật ký. Ông Trần Bạch Đằng cho biết, cả một lực lượng lớn đang hành quân phơi mình giữa đồng trống trải nhưng máy bay trinh sát của Sài Gòn có vẻ không chú ý. Như vậy, yếu tố bất ngờ vẫn còn, dù đài phát thanh Sài Gòn đang liên tục phát tin chiến sự ác liệt tại Huế. Thời gian gấp đã làm cho một số kế hoạch quan trọng không thể thực hiện, chẳng hạn dự định tổ chức một cuộc tập hợp lớn vài vạn người tại vườn hoa Tao Đàn, khi biệt động nổ súng sẽ tràn qua chiếm Dinh Độc lập và Đài phát thanh; vấn đề hợp đồng của các tiểu đoàn mũi nhọn với lực lượng biệt động trong điều kiện còn cách mục tiêu cả trăm cây số…
Tốc độ hành quân chậm hẳn lại. Hai ông Đằng và Kiệt sốt ruột, vượt lên trên, gặp những con rạch, họ lội ào qua làm cho lính kháo nhau có hai “ông già” thật “hắc xì dầu”. Tới chín giờ đêm, họ đến một căn cứ tiểu đoàn, gặp Tiểu đoàn phó đang say mèm. Nhật ký của ông Trần Bạch Đằng làm ta hiểu thêm sự chuẩn bị của Mậu Thân 68:
Ông Trần Bạch Đằng:
- Tiểu đoàn trưởng và chính trị viên đâu?
- Báo cáo cấp trên, Tiểu đoàn trưởng đi cưới vợ, chính trị viên đi đám cưới…
- Các anh chưa được lịnh hành quân sao?
- Báo cáo chưa?
- Tiểu đoàn anh phụ trách cánh nào?
- Báo cáo, Tổng nha cảnh sát…
Ông Trần Bạch Đằng tiếp tục hỏi về việc qua lộ, anh ta đáp với giọng chưa tỉnh rượu:
- Qua được…mà nếu pháo bắn đổ ruột thì ráng chịu!
Ông Trần Bạch Đằng không dằn được cơn nóng, phê phán gay gắt lãnh đạo địa phương, còn ông Võ Văn Kiệt không nói gì nhưng không kìm nổi bực bội, bỏ ra ngoài. Chúng ta tự hỏi, một tiểu đoàn chủ lực liệu có thể chiến đấu với tình trạng như vậy?
Mồng hai Tết, Đài phát thanh Sài Gòn, kể cả Đài phát thanh của quân đội đều im bặt. Vậy là, có thể Đài phát thanh Sài Gòn đã bị chiếm nhưng không hiểu sao không thấy phát hiệu triệu của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Ông Kiệt nhận định, có thể biệt động đã chiếm đài nhưng không có nhân viên kỹ thuật, cũng có thể đối phương phản kích. Khoảng 10 giờ, Nguyễn Đức Hùng từ nội thành ra báo cáo trong nghẹn ngào: “Tôi có linh cảm là các đồng chí biệt động đã hy sinh…”.
Mồng ba Tết, trực thăng quần đảo trên Sở chỉ huy. Tiếp đó, pháo bắn trên diện rộng, trực thăng xả liên thanh và rốc két. Bầu trời Sài Gòn sôi sục. Suốt ngày, Sở chỉ huy nằm dưới trận mưa hỏa lực các loại của đối phương. Tình hình rất gay go. Chủ lực không thể thọc được vào thành phố. Bộ Tư lệnh điện cho rút lực lượng khỏi sây bay Tân Sơn Nhất.
Ngày mồng bốn Tết, tình hình càng gay go hơn. Sài Gòn đã dò được hướng đặt Sở chỉ huy, liên tục cho pháo kích theo lối hủy diệt từng ô theo bản đồ. Thương binh lên đến con số báo động mà không có nơi chữa chạy. Một số nhà dân chứa hàng chục thương binh trên trần nhà. Phía sau Sở chỉ huy, trong hố bần, các bác sỹ, y tá thực hiện hàng loạt ca mổ dưới làn mưa bom pháo.
Ông Trần Bạch Đằng với một tiểu đội xe đạp “hộ tống”, cấp tốc sang họp với ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt vừa thoát một cơn hiểm nghèo. Một trung đội Mỹ thọc sâu vào Sở chỉ huy cơ bản, để giữ bí mật, bảo vệ không nổ súng và ông Kiệt phải rút xuống hầm bí mật trong khi trung đội Mỹ đóng lại ngôi nhà có chiếc hầm bí mật cả tiếng đồng hồ. Nên duy trì tác chiến trong nội thành hay rút ra, cuộc họp chưa đi đến thống nhất. Họ nhất trí xin chỉ thị của Trung ương Cục.
Ngày mồng sáu Tết, bảo vệ bố trí cho ông Trần Bạch Đằng một căn hầm bằng bao cát, song ông không chịu ở căn hầm đó mà líp ra vườn, nơi có căn hầm cá nhân nhỏ đắp sơ sài trên thân dừa nước. Một trái pháo rơi trúng nhà, chiếc hầm có bao cát nát vụn, bốn người trong hầm đều thiệt mạng.
Gần trưa, đại đội thủy quân lục chiến Mỹ, có xe thiết giáp yểm trợ, đánh thẳng vào Sở chỉ huy. Vòng ngoài, hai tiểu đoàn bộ binh quân đội Sài Gòn làm nhiệm vụ thê đội hai. Trận đánh hết sức ác liệt, kéo dài đến chiều tối, có lúc hai bên đánh giáp lá cà. Đây là trận đánh ác liệt nhất trong đợt 1 Mậu Thân. Sở chỉ huy của ông Trần Bạch Đằng được bảo vệ an toàn nhưng bị thương và hy sinh gần một trung đội.
Ngày mồng Bảy Tết, ngày cuối được ông Trần Bạch Đằng ghi Nhật ký. Bấy giờ, Bộ tư lệnh quyết định rút toàn bộ lực lượng từ nội thành ra vùng ven. Cuộc rút lui phải mất hàng tuần lễ sau đó lực lượng mới ra khỏi thành phố. Đợt 1 Mậu Thân trong nội thành coi như kết thúc từ ngày mồng Bảy Tết. Mậu Thân 68 vẫn còn đợt 2 và đợt 3 nữa, song kết quả không diễn ra như tính toán của Hà Nội.
Ông Trần Bạch Đằng kết thúc Nhật ký ở đây. Chiến sự năm 1968 và 1969 tiếp tục diễn ra ác liệt. Ông Trần Bạch Đằng thay ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư thành ủy Sài Gòn, ông Kiệt được Trung ương Cục phân công làm Bí thư khu 9. Bốn ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ và Trần bạch Đằng thay nhau làm Bí thư thành ủy Sài Gòn trong gần một phần tư thế kỷ.
Nhật ký của ông Trần Bạch Đằng là một cái nhìn gần, trực tiếp của một cán bộ chỉ huy cao cấp mặt trận nội thành Sài Gòn. Do đó, mặc dù chỉ ghi từ ngày mồng Một đến mồng Bảy Tết, song nó nói lên khá nhiều điều về Mậu Thân 68.
Càng suy nghĩ về Mậu Thân 68, chúng ta càng khâm phục những nước cờ quân sự thiên tài của ông Võ Nguyên Giáp trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” – lời Hồ Chí Minh và đó cũng là một đặc điểm nổi bật trong tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét