HUẾ (NV) - Năm nào cũng vậy, cứ đến Mồng Một Tết, cả thành phố Huế nghi ngút khói hương, vàng mã cúng bái oan hồn, tử sĩ trận vong, những “cậu ngoại” chết đường bởi tên rơi đạn lạc, không nơi nương tựa. Có thể nói, không khí ngày đầu năm ở Huế đậm vẻ linh thiêng và ám gợi một nỗi buồn lịch sử khó tả!
Khăn tang và quả phụ của các nạn nhân. Huết, 1968
|
Chiều 20 Tháng Chạp, chúng tôi đến Huế, không khí Tháng Chạp ở Huế buồn chi lạ; chút gì đó âm âm, hanh khô; chút gì đó cô tịch, khác hẳn với Sài Gòn, Ðà Nẵng, hay Hà Nội...
Thay vì thấy những chậu hoa khoe sắc, những nụ cười tươi vui, hân hoan trong dịp Tết, chúng tôi chỉ nhìn thấy rặt cờ đỏ sao vàng, băng rôn, biểu ngữ ca ngợi đảng Cộng Sản, giăng ra khắp lối, mà, khắc dấu nhất, vẫn là những am thờ âm hồn hai bên đường, trong sân nhà, của hầu hết cư dân Huế.
Một người dân Huế cho chúng tôi biết, những am thờ này từng có từ năm 1969, sau Tết Mậu Thân một năm, thờ oan hồn, tử sĩ chết trong chiến tranh và thờ người chết oan trên đường tản cư (gọi là “cậu ngoại”), đến thập niên 1980, thời đại chủ nghĩa vô thần lên ngôi, các am thờ này bị đập phá tơi bời.
Tại đây, chúng tôi tiếp xúc một số cư dân địa phương. Những người này nhắc đến một người đàn ông tên Thủy, từng sống trong một khu vườn trồng toàn hoa hồng trong giai đoạn 1980s. Vì nhà trồng toàn hoa hồng, ông Thủy luôn bị cán bộ, công an đến mắng nhiếc, là trong khi đất nước không có cái để ăn thì ông lại trồng hoa, “vui trên nỗi khổ của dân tộc”. Bất chấp những lời mắng nhiếc, ông Thủy chỉ im lặng mỉm cười.
Người địa phương kể rằng, ngày Mồng Một hàng tháng, ông thường mang hoa hồng ra đặt bên lề đường mà ông từng chứng kiến những cái chết bất đắc kỳ tử trong trận Mậu Thân. Ông là nhân chứng, ông đã thấy cảnh người ta chạy đi tìm sự sống, ông đã thấy người ta chết, những cái chết bất ngờ, không kịp mở mắt nhìn lại quê hương...
Những năm sau này, các nhà tổ chức lễ hội, đêm văn nghệ của nhà nước thường đến đặt mua hoa của ông, ông lắc đầu từ chối, nói thẳng: “Hoa của tôi để tặng cho người chết, không dùng để bán cho kẻ thắng cuộc!” Chính câu nói này đã đày đọa ông cho đến lúc nhắm mắt, ông bị ép chế, mất đất, tan nhà nát cửa.
Câu chuyện về ông được kể sau khi ông qua đời, trong lễ giỗ lần thứ 9 của ông. Và trước lúc mất không lâu, ông kể cho người con gái về những cái chết tức tưởi, kinh rợn, dã man mà ông từng chứng kiến trong thời điểm Mậu Thân 1968.
Cũng tại đây, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Trung, 86 tuổi, thời trẻ làm nghề sửa radio trên đường Nguyễn Du, Huế. Tuy tuổi cao, tai đã hơi nghễnh ngãng, phần tinh thần cụ Trung vẫn còn rất minh mẫn.
Cụ nói: “Thực sự, tui không có đứng về phía nào cả, tui là một thợ sửa radio, sống qua hơn hai chế độ, nếm đủ cay đắng, và tui không bao giờ quên được những cái chết tập thể diễn ra trước mắt mình. Kinh khủng lắm, khó mà tả được!”
“Hồi đó, lính Nghĩa Quân và dân thường bị giết nhiều lắm, chôn sống, đúng hơn là chôn ‘lắt léo,’ nửa sống nửa chết. ‘Họ’ dùng dây điện thoại và dây kẽm gai, dây lạt tre cũng có, trói gô tay vào nhau, đẩy ra bãi vắng. Ở đó, có người từ đằng sau nhào tới, dùng đai cuốc đập vào đầu, đập liên tục từ người này đến người khác cho đến lúc nhào xuống cả đoàn và dùng ngay những cái cuốc đó đào hố chôn. Không một ai sống sót.”
“Tội nghiệp nhất vẫn là những người cuối đoàn, có lẽ lúc đó những kẻ cầm cuốc đã quá mỏi tay, hơn nữa với sức trì của cả đoàn người vào đôi tay bị trói quặt sau lưng, mệt mỏi và khủng hoảng, anh cuối đoàn quị ngã xuống, không cần phải đập đai cuốc, và cứ thế chôn sống...” Cụ Trung kể, rươm rướm nước mắt.
Tạm biệt cụ Trung, chúng tôi ghé đến nhà một nhà thơ khá nổi tiếng bởi từng khổ sở vì một bài thơ yêu nước, vốn là cựu đảng viên Cộng Sản, từng trốn lên rừng hoạt động. Ông này nói rằng trong trận Mậu Thân ông không có mặt ở Huế, ông “đang sống trên rừng”.
Nhưng nói chuyện một lúc, ông khoe Ủy Ban Nhân Dân thành phố Huế có mời ông lên tham dự đại hội kỷ niệm “Tổng tiến công Mậu Thân” vào buổi sáng 1 Tháng Hai, 2013, vì ông “thuộc vào diện hoạt động nội thành”. Nói đến đây, biết mình bị hố, ông ngồi im lặng. Chỉ trước đó vài phút, ông khẳng định là “chết rất nhiều,” thảm sát tàn khốc, và ông cũng đã khẳng định... không có mặt ở Huế trong Tết Mậu Thân.
Rời nơi đây, chúng tôi tiếp tục sang những nhà vốn đã sống lâu năm ở Cồn Hến, Ðập Ðá, Xuân Hội... Ði đến đâu, chúng tôi cũng đều nhận được đúng một câu chuyện kể về cuộc thảm sát cuồng rợ ở Huế vào Tết Mậu Thân, nạn nhân là dân thường và các viên chức, quân nhân, ở địa phương hay các nơi về Huế ăn Tết.
Nhưng khi chúng tôi đi sâu vào vấn đề: Ai giết? Vì sao lại giết dân thường? Thì đều nhận chung một cái lắc đầu và thú thật là có biết nhưng không dám nói. Chúng tôi lại tiếp tục đi tìm những nhân chứng khác và được gặp cụ ông Ðỗ Toản, 89 tuổi, thợ hớt tóc ở Huế trong những năm trước 1975.
Hỏi về chuyện thảm sát Mậu Thân ở Huế, cụ ông Ðỗ Toản buồn rầu: “Tôi có hai người bạn học thời thơ ấu chết trong cuộc thảm sát ở Xuân Ðợi, họ hiền và dễ thương lắm, chẳng đi lính cho bên nào. Nghĩ đến họ, bây giờ tôi còn đau!”
“Chắc chắn là phe Cộng Sản đã giết dân, tôi khẳng định điều này! Nhưng tôi nghi là cuộc thảm sát này do cán bộ Cộng Sản địa phương đem lòng thù hận ra mà đối đãi. Ở những địa phương khác đâu có chuyện này! Kinh hãi lắm!” Nói đến đây, cụ Toản trầm ngâm, nét mặt đăm chiêu.
Có những người Huế “thế hệ Mậu Thân,” bỏ Huế, hay “trốn” Huế mà đi từ năm 1968, bây giờ vẫn không dám trở lại nguyên quán. Trong một lần nói chuyện cách đây vài năm, những người này nói rằng “ở Huế chết nhiều cái chết thê thảm”.
“Gió Nam thì vỗ về gió Nam, gió Nồm thì vỗ về gió Nồm. Ngã mô cũng khổ. Không theo thì chết. Không theo thì chôn...” Một người không nêu tên nhớ lại.
Một người khác, cũng không nêu tên: “Nó xô xuống, nó dập, khổ lắm. Ở Huế đây chết nhiều cái chết thê thảm!”
“Toàn dân không à. Mà họ nói là ác ôn, ri khác. Ai chết thì chết. Tui chừ tui cũng sợ, tui không dám về làng.”
Ðã 45 năm trôi qua, người Huế vẫn không dám nói về những cái chết ở Huế năm 1968, có những người Huế tha phương vẫn “không dám về làng”. Ðây chính là câu trả lời cho câu hỏi: Ai đã giết người dân Huế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét