Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Đạo văn – vấn đề của đạo đức khoa học

Chia sẻ bài viết này


Báo Người đưa tin có hẳn một chuyên mục về những tranh cãi chung quanh cáo buộc đạo văn trong luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. Theo dõi những diễn biến trong vụ này tôi thấy hình như người ta nhầm lẫn giữa đạo đức khoa học và pháp lí. Để biết đầu đuôi câu chuyện tôi tóm lược câu chuyện như sau (trước là để tôi hiểu, sau là lưu làm tư liệu và chia sẻ cùng các bạn đọc):
Ông Hoàng Xuân Quế tốt nghiệp tiến sĩ từ Đại học Kinh tế Quốc dân (nghe nói là một “trường lớn” của Việt Nam) từ năm 2003, nay đã được phong hàm phó giáo sư. Đột nhiên, năm nay có người (Gs Nguyễn Văn Nam) cáo buộc rằng một phần luận án tiến sĩ của ông là cóp từ luận án của ông Mai Thanh Quế (bảo vệ trước ông HXQ 1 năm). Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận rằng quả thật có đạo văn, và Bộ ra quyết định tước bằng tiến sĩ của ông HXQ.
Nhiều người phản ứng quyết định của Bộ một cách dữ dội. Những người hướng dẫn luận án của ông HXQ và Mai Thanh Quế đều cho rằng Bộ GDĐT làm sai, rằng không có dấu hiệu đạo văn, rằng luận án được hội đồng chấm 7/7 (xuất sắc), hội đồng gồm những chuyên gia “đầu ngành” thì làm sao sai được, v.v. Nhưng những người phản đối đều không chịu nhìn vào sự thật: khoảng 34% nội dung luận án của ông HXQ trùng hợp với luận án của ông MXQ trước đó! Đã có người làm thống kê so sánh hai luận án một cách công phu và con số phần trăm trùng hợp rất gần với kết luận của Bộ GDĐT.
Nhưng nay câu chuyện có một cái “twist” mới về pháp lí. Báo Người đưa tin phỏng vấn một luật sư ở Hà Nội về vấn đề này, và ông luật sư nói rằng “Kết luận của Bộ Giáo dục vi phạm nghiêm trọng pháp luật”. Thật ngạc nhiên! Tôi phải cố công đọc hết bài phỏng vấn để biết Bộ GDĐT vi phạm luật gì. Đọc xong bài này tôi phải nói là tình trạng học thuật ở bên nhà quả là một câu chuyện buồn. Những người có học như thế mà còn không biết đạo văn là gì thì làm sao giảng dạy cho ai. Là người quan tâm đến vấn đề này nhiều năm qua, và đã từng viết nhiều bài, nên tôi muốn nhân bài phỏng vấn để bàn qua 3 điểm liên quan đến thế nào là đạo văn, dung lượng luận án, và vai trò của người bình duyệt luận án.
Nhưng trước hết tôi muốn nhấn mạnh rằng đạo văn (và vài hành vi khác) trong học thuật là thuộc về đạo đức khoa học chứ không phải luật pháp. Chuẩn mực đạo đức không phải là luật pháp, mà là những qui ước hay điều lệ về hành xử được các thành viên trong ngành nghề chuyên môn chấp nhận như là những kim chỉ nam cho việc hành nghề. Trong hoạt động khoa học, hai chữ “hành xử” ở đây bao gồm các lĩnh vực chuyên biệt như thí nghiệm, xét nghiệm, giảng dạy và huấn luyện, phân tích dữ liệu, quản lí dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, xuất bản ấn phẩm, trình bày công trình nghiên cứu trước công chúng, và quản lí tài chính. Nếu thành viên trong ngành nghề vi phạm những chuẩn mực đạo đức khoa học thì sẽ bị trừng phạt (chứ không đi tù). Chẳng hạn như ông cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg đạo văn trong luận án tiến sĩ của ông, và hệ quả là ông bị trường rút lại bằng tiến sĩ. Cũng có lẽ vì xấu hổ nên ông tự xin từ chức bộ trưởng. Do đó, nói rằng không có qui định pháp luật về đạo văn nên không thể kết luận gì về đạo văn là … nguỵ biện.
Thế thì câu hỏi đặt ra: đạo văn là gì? Câu hỏi này cần bàn ở đây vì khi bàn về luận án của ông Hoàng Xuân Quế, ông luật sư viết: “Đặc biệt là về bản chất vụ việc, nếu ông Hoàng Xuân Quế có ‘chép’ tài liệu của người khác, thì cũng là hành vi trích dẫn. Không có quy định của pháp luật về việc thế nào là ‘đạo văn’ và phải trích dẫn thế nào trong Luận án, nên không có cơ sở kết luận ông Hoàng Xuân Quế trích dẫn hay sao chép ‘không hợp pháp’.” Tôi thấy câu này có vài điều cần bàn thêm. Theo tôi biết chẳng có luật pháp nước nào qui định thế nào là đạo văn cả, vì như đề cập trên, đây là vấn đề đạo đức học thuật. Nhưng bất cứ ai làm trong khoa học đều biết thế nào là đạo văn hay có vài ý niệm căn bản về đạo văn.
Một luận án, luận văn, hay bài báo khoa học là một tác phẩm / công trình học thuật. Đứng tên tác giả công trình đó có nghĩa là chịu trách nhiệm về nội dung trong công trình, và nội dung bao gồm những dữ liệu hay diễn giải của tác giả. Luận án không chỉ đơn thuần là sao chép từ nguồn khác được.
Đạo văn được định nghĩa là sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác một cách không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày những ý tưởng và từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng và từ ngữ của chính mình. Ở đây, “Ý tưởng và từ ngữ của người khác” có nghĩa là: sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ, và lấy những thông tin chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc.
Có thể lấy thêm một ví dụ để hiểu rõ vấn đề trích dẫn và đạo văn. Giả dụ rằng chị Thanh Hương phát hiện gen ABC có liên quan đến bệnh còi xương, và nghiên cứu sinh muốn trích dẫn công trình này. Nếu nghiên cứu sinh viết rằng “Nghiên cứu trên 150 bệnh nhân gốc Việt cho thấy gen ABC là một trong những yếu tố tăng nguy cơ bệnh còi xương” thì được xem là vi phạm đạo đức học thuật. Nhưng nếu nghiên cứu đó viết “Nghiên cứu trên 150 bệnh nhân gốc Việt cho thấy gen ABC là một trong những yếu tố tăng nguy cơ bệnh còi xương (Thanh Hương 2007)” thì không vi phạm đạo đức học thuật. Cái khác biệt giữa 2 câu văn là trích dẫn nguồn. Dùng ý tưởng hay thông tin của người khác thì phải trích dẫn nguồn; không trích dẫn là vi phạm đạo đức khoa học và được xem là đạo văn vì nó cho người đọc cảm nhận [sai] rằng người viết là tác giả của thông tin đó.
Có thể xem qua vài đoạn trong luận án của hai ông Hoàng Xuân Quế (HXQ) và Mai Thanh Quế (MTQ) rất giống nhau về cấu trúc:
Tên tiêu đề:
HXQ: Học thuyết Karl Marx về tiền tệ.
MTQ: Học thuyết Karl Marx về tiền tệ.
Thống kê: 19/24 câu trong luận án của ông HXQ trùng hợp với luận án của ông MTQ.
HXQ: Học thuyết số lượng tiền tệ cổ điển.
MTQ: Học thuyết số lượng tiền tệ cổ điển.
Thống kê: 16/18 câu trong luận án của ông HXQ trùng hợp với MTQ.
Và rất nhiều đoạn như thế. Chú ý là ngay cả tiêu đề mà cũng trùng hợp nhau!
Các bạn quan tâm có thể tham khảo luận án của ông Mai Thanh Quế:
https://docs.google.com/file/d/0B_5Y8N3xZy_LN1AzTDJPSXZfUlE/edit
và luận án của ông Hoàng Xuân Quế ở đây:
https://docs.google.com/file/d/0B_5Y8N3xZy_LOHRwTnl5ZEYwMXc/edit
Trích dẫn mà không ghi nguồn là một hình thức đạo văn. Người đi sau đứng trên vai của người đi trước. Một luận án dĩ nhiên phải có trích dẫn từ nhiều nguồn đã được lưu trữ trước đây. Nhưng trích dẫn phải tuân thủ theo những qui ước khoa học. Qui ước này bao gồm cách trích dẫn tài liệu, cách viết hay diễn giải, cách ghi nguồn, v.v. Ở nước ngoài, học trò trung học và sinh viên đại học đều phải biết những qui ước rất cơ bản này. Ở Việt Nam cũng có sách vở và tài liệu về những qui ước trích dẫn tài liệu khoa học. Chẳng hạn như có một qui ước đơn giản là khi dùng hay sao chép hơn 3 hay 4 từ liên tục từ một nguồn thì cần phải để trong ngoặc kép hoặc đề nguồn. Trích dẫn mà không ghi nguồn là đạo văn. Ở đây, có đến 34% câu chữ trong luận án của ông HXQ trùng hợp với luận án của ông MTQ thì tôi nghĩ rất khó thuyết phục rằng sự trùng hợp đó không phải là đạo văn.
Thứ hai là vấn đề đạo văn có liên quan gì đến dung lượng luận án? Ông luật sư còn lí giải rằng Bộ GDĐT có qui định “Luận án tiến sĩ có khối lượng khoảng 100 trang A4, trong đó trên 50% là trình bày các kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh. Như vậy, thì đương nhiên phải hiểu rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép nghiên cứu sinh được đưa vào Luận án dưới 50% nội dung không phải là của mình?” Trước hết, tôi rất ngạc nhiên là Bộ GDĐT lại đề ra những qui định thuộc về học thuật như thế này! Đáng lẽ đây là việc làm của đại học, chứ không phải của Bộ.
Nhưng vấn đề ở đây là “nội dung” gì. Nội dung là thông tin hay từ ngữ? Dùng thông tin của người khác mà không trích dẫn là phạm tội đạo văn. Dùng từ ngữ của người khác mà không để trong ngoặc kép cũng là đạo văn. Do đó, không thể biện minh rằng nghiên cứu sinh có thể dùng 50% thông tin hay câu văn của người khác là chấp nhận được. Dùng thông tin của người khác nhưng được viết lại bằng từ ngữ của mình và có trích dẫn thì mới đúng qui ước khoa học.
Dù gì đi nữa thì tôi e rằng lí giải này cũng là một nguỵ biện. Một luận án, cho dù 100 hay 500 trang, thì vẫn phải có 4 phần chính: dẫn nhập, phương pháp, kết quả, và định hướng tương lai. Phần dẫn nhập, tác giả làm một tổng quan về đề tài nghiên cứu, và dĩ nhiên phải trích dẫn từ nguồn khác. Phần này thường chiếm 1/5 luận án (về số trang). Tổng quan xong, tác giả phải nhận ra khoảng trống tri thức và đề ra mục tiêu nghiên cứu để lấp vào những khoảng trống tri thức đó. Phần này chẳng có dữ liệu nào là của tác giả, nhưng chữ nghĩa PHẢI LÀ của tác giả. Phần kết quả thì bắt buộc 100% phải là của tác giả. Phần kết quả là “trái tim” của luận án, nên nếu trái tim này của người khác thì làm sao chấp nhận được. Phần định hướng tương lai có thể trích dẫn từ nguồn khác, nhưng chữ nghĩa PHẢI LÀ của tác giả. Do đó, không nên có những qui định kì quặc với những con số lạ lùng và phi khoa học như 50%.

Thứ ba là vai trò của người duyệt luận án và đạo văn
. Ông luật sư biện minh rằng luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã được hội đồng chấm Luận án cấp nhà nước thông qua và cho điểm 7/7. Ông lí giải rằng nếu luận án có đạo văn thì “sai phạm của ông Quế chỉ là phụ, mà sai phạm chính phải là của những người phản biện và các thành viên Hội đồng vì đã vi phạm các quy định tại Điều 26 Quy chế.” Ở đây, vấn đề bị đánh tráo sang hội đồng chấm luận án! Đúng là Hội đồng cũng có trách nhiệm một phần về chất lượng luận án, nhưng Hội đồng không có nhiệm vụ thẩm định đạo văn.
Tôi nghĩ có lẽ ông luật sư vì chưa am hiểu hoạt động nghiên cứu khoa học nên phát biểu hơi lệch. Chuyên gia bình duyệt có nhiệm vụ chính là thẩm định luận án về mặt ý tưởng và phương pháp, chứ họ không có nhiệm vụ kiểm tra đạo văn. Rất hiếm ai có thể phát hiện đạo văn trong một luận án dài cả vài trăm trang. Mỗi chuyên gia tập trung vào vài khía cạnh trong luận án mà họ quan tâm, và do đó, không thể kì vọng họ phát hiện đạo văn trong các phần khác của luận án. Trong thực tế có người phát hiện đạo văn một cách tình cờ (và tôi có kinh nghiệm cá nhân về phát hiện đạo văn) chứ rất khó làm một cách có hệ thống.
Nói cho công bằng, khi sự việc tiêu cực xảy ra thì 2 người chịu trách nhiệm chính là nghiên cứu sinh và người thầy/cô hướng dẫn. Nếu thầy cô hướng dẫn tốt thì nạn đạo văn rất khó xảy ra. Ở nước ngoài, thầy trò gặp nhau hàng tháng, thậm chí hàng tuần. Hết họp nhóm, họp lab, đến họp toàn khoa, và mỗi lần kết quả được trình bày thì ai cũng soi mói kĩ, rất khó có chuyện nguỵ tạo dữ liệu. Thầy cô khi sửa bài cho nghiên cứu sinh cũng phải đọc kĩ, sửa từng bước, thì rất khó có nạn đạo văn xảy ra. Nhưng tôi thấy rất nhiều thầy cô hướng dẫn ở Việt Nam chưa làm đúng vai trò của người hướng dẫn, họ để cho nghiên cứu sinh “tự bơi” là chính. Đó cũng là một trong những lí do tại sao nạn đạo văn ở VN khá phổ biến so với nước ngoài.
Nhưng tôi cũng nghĩ không nên qui kết "tội" cho ông Hoàng Xuân Quế, vì đây là vấn đề hệ thống và "hệ thống" phải chịu trách nhiệm một phần. Hệ thống ở đây là các đại học chưa có những qui chế, hướng dẫn cụ thể thế nào là đạo văn, và chưa có cơ chế xử lí vấn đề. Ở nước ngoài, khi nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu, họ được trang bị những kiến thức về đạo đức khoa học (kể cả đạo văn), và cảnh báo rằng "luật chơi" học thuật là nếu nghiên cứu sinh vi phạm thì sẽ bị tước bằng. Trong thực tế ở nước ngoài cũng xảy ra vài vụ đạo văn, và việc tước bằng rất hiếm khi xảy ra vì người ta cho nghiên cứu sinh cơ hội để chỉnh sửa. Tôi nghĩ trong trường hợp này (ông Hoàng Xuân Quế), cách giải quyết tốt nhất là cho ông cơ hội viết lại luận án, và nếu cần, cho một hội đồng độc lập đánh giá. Quyết định tước lấy bằng cấp của một cá nhân trong khi các thầy cô hướng dẫn phản đối là một quyết định cần phải xem xét lại.
Trường hợp này không phải là đầu tiên, và chắc chắn không phải là lần sau cùng. Trong môi trường học thuật còn nhiều bất cập như hiện nay (và trong quá khứ), tôi đoán rằng có nhiều luận án nếu soi xét kĩ thế nào cũng phát hiện đạo văn. Có lẽ cái khác biệt là bị phát hiện và chưa phát hiện mà thôi.
Cá nhân tôi rất ngạc nhiên là luận án tiến sĩ kinh tế ở Việt Nam sao quá đơn giản! Nhìn chung, cả hai luận án đều khá đơn giản và giống như luận án cử nhân hay masters (cao học) ở nước ngoài hơn là một luận án tiến sĩ. Cả hai luận án chỉ có 3 chương, và dài độ 180 trang (tính luôn cả phần tài liệu tham khảo và phụ lục). Một luận án cao học hay cử nhân hạng danh dự ngoài này cũng cỡ 150-200 trang. Cách viết tài liệu tham khảo của hai luận án vừa đề cập cũng chẳng đâu vào đâu, và chẳng tuân thủ theo qui ước viết tài liệu tham khảo của các tập san quốc tế. Tôi nghĩ nếu chỉ nhìn qua hai luận án này thì tiêu chuẩn học thuật cho một tiến sĩ ở VN còn rất khác xa so với chuẩn mực của các đại học nước ngoài.
Tôi nghĩ sự việc xảy ra một lần nữa nhấn mạnh đến ý nghĩa của công bố quốc tế. Thông thường, một luận án tiến sĩ bao gồm 2-3 bài báo đã công bố trên các tập san chuyên ngành có bình duyệt (peer reviewed journals). Vì có bình duyệt và công bố quốc tế, mức độ exposure rất lớn, nên nếu có đạo văn hay có vấn đề gì thì đồng nghiệp quốc tế sẽ phát hiện. Thỉnh thoảng, một số bài báo được phát hiện đạo văn và phải rút lại ngay. Một số tập san ngày nay có công cụ để dò xét bài báo có đạo văn hay không. Công bố quốc tế do đó là một hình thức “thử acid” và tối thiểu hoá vấn nạn đạo văn.
Ở VN qui định công bố quốc tế chưa được áp dụng nghiêm chỉnh hay chưa áp dụng nên rất khó biết luận án có xứng đáng luận án tiến sĩ hay không hay có đạo văn hay không. Để đến khi phát hiện thì sự việc xem như “đã rồi”, làm phiền phức cho đương sự và gây “ô nhiễm” học thuật cho cả một cộng đồng. Tôi nghĩ qua vụ việc này, các đại học Việt Nam nên có qui chế về đạo đức khoa học, và đưa công bố quốc tế thành một trong những tiêu chuẩn để cấp bằng tiến sĩ.

Về bài thơ: "Sống với nhau như thế nào?"

Chia sẻ bài viết này
Hôm nay tình cờ mình đọc thấy bài thơ: "SỐNG VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO?" bên nhà bạn Xuka Hiền hậu.
SỐNG VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO?
Tôi hỏi đất: Đất sống với nhau thế nào?
Đất trả lời: chúng tôi làm nền móng cho nhau
Tôi hỏi nước: Nước sống với nhau thế nào?
Nước trả lời: chúng tôi hoà lẫn vào nhau
Tôi hỏi gió: Gió sống với nhau thế nào?
Gió trả lời: chúng tôi nâng cánh cho nhau
Tôi hỏi mây: Mây sống với nhau thế nào?
Mây trả lời: chúng tôi tan biến vào nhau
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với nhau thế nào?
Cỏ trả lời: chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau
Tôi hỏi cây: Cây sống với nhau thế nào?
Cây trả lời: chúng tôi che chở và leo quấn cho nhau
Tôi hỏi người: Người sống với nhau thế nào?
Không ai trả lời
Không ai trả lời
Không ai nói gì cả
Vì người còn đang bận giận hờn và chà đạp lên nhau
Vì người còn chôn chặt nụ cười và không cùng chia sẻ
Vì người còn nghi kị và mưu chước lẫn nhau
Vì người còn nặng nỗi thương đau
Vì người còn quên cách yêu nhau
Vì người còn chưa biết được rằng sự sống vốn rất mau... tàn lụi...
Dành thời gian tìm hiểu một chút thì thấy bài thơ đã lấy theo ý từ bản thơ gốc là bài "HỎI" của nhà thơ Hữu Thỉnh làm năm 1992 trong tập thơ "Thư Mùa Đông". Bài thơ cũng được chọn làm bài đọc thêm của SGK phổ thông.
HỎI
(Hữu Thỉnh, 1992)
Tôi hỏi đất: đất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau
Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời
Tôi hỏi người:
- Người sống với người thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người thế nào?
Được biết, trước đó, nữ thi sĩ Đức Christa Reining sinh năm 1926 đã viết bài thơ "THƯỢNG ĐẾ SINH RA MẶT TRỜI", trong một tập thơ bà đoạt giải thương Văn chương Bremen 1964. Bài thơ đã được dịch ra tiếng Việt như sau:
THƯỢNG ĐẾ SINH RA MẶT TRỜI
Tôi hỏi gió
Gió với em thế nào?
- Gió luôn ở bên em.
Tôi hỏi mặt trời
Mặt trời với em thế nào?
- Mặt trời luôn ở bên em.
Tôi hỏi các vì sao
Các vì sao với em thế nào?
- Các vì sao luôn ở bên em.
Tôi hỏi con người
Con người với em thế nào?
- Con người im lặng không ai trả lời tôi.
Các bài thơ đều giống nhau về hành văn, phong cách, nội dung. Bài thơ của Hữu Thỉnh và bà Christa Reining đều dừng lại ở câu hỏi quan trọng nhất (nhắc đi nhắc lại - không trả lời): Con người sống với nhau như thế nào?
Đi sâu vào ngẫm nghĩ câu trả lời có thể nhận ra đương nhiên là:
- Người với người sống để yêu nhau!
- Người với người sống Tự do - Bình đẳng - Bác ái!
- Người với người sống bằng Trái tim, quý nhau bởi Tấm lòng. Người với người sống trong Nghĩa và Tình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét