Nhượng Tống là bút danh của Hoàng Phạm Trân (1904 – 1949), ông là nhà văn, nhà báo nhưng được biết đến nhiều hơn với vai trò một trong những yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng thời kỳ đầu. Nhượng Tống trước nhất là bạn đồng chí, sau là người đã chứng kiến cuộc đời tráng liệt của Nguyễn Thái Học – vị anh hùng hiếm có đã vượt trên được những tranh cãi ý thức hệ. Cuốn sách Nguyễn Thái Học (1902 – 1930) được viết dưới dạng tiểu sử, bao gồm 43 chương, xuất bản năm 1945 tại Hà Nội và trước 1975 có ba lần tái bản tại Sài Gòn. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách hiện nay được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France). Thông qua nội dung cuốn sách, độc giả hẳn sẽ thấy một Nguyễn Thái Học thực gần gũi với mình – ông không phải thiên thần và cũng không giống như thần trụ trời có thể dời núi ngăn sông chớp nhoáng, một thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn và cũng đắm say trong mối tình thơ như bao học trò khác ; nhưng cũng qua cuốn sách, chúng ta có thể tìm ra lời đáp cho một câu hỏi : Vì đâu mà Nguyễn Thái Học dám từ bỏ lối sống vô lo thường nhật để dấn thân vào cuộc đời sóng gió ?… Trân trọng giới thiệu với quý độc giả !
BÀI LIÊN QUAN:
Trang bìa ấn bản đầu tiên, in năm 1945 tại Hà Nội. Thời điểm này, cao trào cách mạng đang dậy sóng khắp nước sau sự kiện hoàng đế Bảo Đại đọc tuyên bố Việt Nam độc lập (11 tháng 3 năm 1945), gương liệt sĩ thuở trước trở thành niềm khích lệ to lớn đối với mọi tầng lớp xã hội. Hai tổ chức chính trị lớn khi đó là Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội) và Việt Quốc (Mặt trận Quốc dân Việt Nam) liên tục tổ chức những sinh hoạt hoặc ra văn hóa phẩm khơi dậy nhiệt huyết ái quốc. Cuốn sách Nguyễn Thái Học (1902 – 1930) ở trong số đó.
Các Bạn,
Dù sao thì ba chữ Nguyễn Thái Học tới nay cũng đã là một cái tên trên lịch sử.
Không phải trên lịch sử của dân tộc Việt Nam bị xiềng xích ! Mà là trên lịch sử của cả nhân loại, hiện nay còn quằn quại đau thương ! Đó không phải là ý riêng tôi, một bạn cùng thề với Anh nhưng là ý chung hết thảy những kẻ hữu tâm ở thế gian này, chẳng hạn như những nhà văn Nhật Bản, khi họ viết cuốn “An Nam lê minh ký” hay “Nam phương dân tộc vận động sử”. Trong các cuốn sách ấy, người ta đã vì công lý, vì nhân đạo mà nói nhiều về Nguyễn Thái Học. Vậy mà Quốc Dân ta, các đồng bào Anh, đối với thân thế Anh, nhiều người mong được biết qua loa mà không thể được !
- Bao nhiêu là đợi trông !
- Bao nhiêu là tủi nhục !
Cho nên trong lúc này, là lúc có thể được, tôi cần phải viết ngay cho Anh một cuốn tiểu sử. Tôi tự nhận đó là một nghĩa vụ.
Nghĩa vụ đối với Quốc Gia, vì thân thế Anh chính là tấm gương phấn đấu, hy sinh, cần phải được nêu ra để khích lệ tất cả mọi người trong nước. Nghĩa vụ đối với văn hóa, vì thân thế Anh chính là một kết tinh phẩm của hai giáo lý Phật và Khổng, nó đã cho phương Đông ta nảy ra một ánh sáng riêng.
Sau hết, nghĩa vụ đối với khoa lịch sử học, vì tôi với Anh chẳng những là người đồng thời, còn là bạn đồng chí. Có lẽ trong các cây bút ở đây khó có ai hiểu biết về Anh hơn tôi nữa. Bởi vậy, tôi đã cố lục lọi sách, báo, cùng trí nhớ, để viết nên cuốn sách nhỏ này.
Tôi rất mừng rỡ đã cho xuất bản kịp trước ngày 17 tháng 6.
Ngày mà tỉnh Đảng bộ Yên Báy đã xây xong mộ Anh và lập cho Anh cùng các đồng chí hy sinh vì Đảng một đài kỷ niệm. Ngày mà các đồng bào đã công khai làm lễ truy điệu Anh ở khắp mọi nơi.
Anh Học !
Hãy đem tinh thần bất tử mà lãnh đạo cho Quốc Dân trên con đường tranh đấu lấy một địa vị ở dưới ánh sáng mặt trời !
Các anh em !
Hãy giúp thêm tôi về tài liệu để những lần xuất bản sau, cuốn tiểu sử này có thể thêm đầy đủ.
Ngày 28 tháng 5 năm đầu Độc Lập.
Ấn bản năm 1973 tại Sài Gòn. Lần tái bản thứ ba của cuốn sách.
Chương I : Đời học sinh
Dưới chế độ thực dân, người Pháp chẳng bao giờ muốn mở mang việc học ở xứ này. Họ tìm hết cách giam hãm dân ta trong vòng ngu tối. Trong các cách ấy thì có một cách tàn tệ nhất là hạn tuổi học. Quá hạn ấy thì không được vào các trường công nữa! Muốn trốn thoát cái lưới đê tiện ấy, các người làm cha, mẹ thường rút tuổi con trong giấy chứng nhận ngày sinh.
Cũng vì lẽ đó mà theo giấy tờ của nhà trường thì anh Nguyễn Thái Học sinh ngày mồng 1 tháng 12 năm 1904. Kỳ thực thì anh tuổi Quí Mão (1902). Ngày sinh tháng đẻ hiện còn chưa hỏi được rõ.
Quê anh là làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩng Tường, tỉng Vĩnh Yên. Ông thân sinh là Nguyễn Văn Hách, một nhà tiểu nông. Thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Quỳnh, thường làm nghề buôn vải. Tư cơ ông bà có mấy nếp nhà tranh và ngót ba mẫu ruộng. Hiện nay ông đã mất, nhưng bà còn mạnh. Hôm mới đây, chúng tôi lên thăm thì bà còn đi chợ bán vải chưa về. Nói tóm lại, thì đó là một nhà thanh bần, lúc nào cũng sống trong sự siêng năng và kiệm phát.
Ông, bà sinh hạ được nhiều con. Trong số đó thì có bốn trai và anh Học là trưởng. Trong bốn trai ấy thì Quốc Dân Đảng và Tổ Quốc rẽ mất một nữa; anh Nho, em Anh cũng là một liệt sĩ thực hành sự hy sinh bằng tính mệnh! Hai em nữa là Lâm và Nỷ, hiện nay làm ruộng ở quê nhà.
Anh người tầm thước, cao độ một công xích sáu mươi phân. Trán hói; tóc thưa; đôi mắt thông minh, một nhìn đủ khiến ta đem lòng tin mến. Da ngăm đen, thuộc dòng huyết tính. Môi dày; hàm răng vồ; miệng lúc nào cũng tươi. Cằm nở, tỏ ra người quả quyết thực hành. Đặt lưng nằm là ngủ được ngay, đủ rõ trong tâm lúc nào cũng bình tĩnh. Ngủ bao giờ cũng nằm sấp, và hai bàn chân quặp lai trên mông. Cách ăn vận không hề chú ý đến bao giờ. Một áo ngoài, một đôi giầy, hỏng mới thay bộ khác. Có tiền, chúng bạn tiêu không tiếc. Hết tiền, xin các người thân với vẻ mặt rất tự nhiên. Ăn trầu, hút thuốc lào, nhưng không nghiện món nào cả. Nói thường ngọng vần L. Cái lá, cây lim, không bao giờ nói đúng. Tư đức tốt ; học hành chăm chỉ ; nhưng ở nhà trường chỉ là một học sinh hạng trung bình.
Ban đầu anh học chữ Hán. Sau ra học chữ Pháp ở trường tỉnh Vĩnh Yên. Tốt nghiệp rồi, ra học trường sư phạm ở Hà thành. Sau lại học trường Cao Đẳng Thương Mại. Trong đời học sinh, người bạn thân nhất của anh là đồng chí Hồ Văn Mịch. (Anh này cũng là một trong những người sáng lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1929, bị bắt và bị đày, mất ở Côn Lôn. Ở đấy, anh em có dựng trên mộ một cái bia bằng xi măng, khắc mấy chữ “Hồ Văn Mịch, 1930” để làm kỷ niệm).
Cứ lời anh Mịch nói với tôi thì anh Học là người ngoài tuy nóng nảy nhưng trong lòng thường điềm tĩnh ; đãi người rất chân thành nhưng liệu việc rất nhiều trí mưu.
Theo cuốn Việt Nam Quốc dân Đảng trong lịch sử cách mạng Việt Nam (tác giả Nguyễn Văn Khánh – Nhà xuất bản Thế Giới, 2005), Chánh mật thám Louis Marty từng nhận xét : “Nguyễn Thái Học là một học sinh bướng bỉnh, hay cãi lại thầy giáo”.
Chương II : Tư tưởng cách mạng
Có lần tôi hỏi anh Học :
- Tư tưởng cách mệnh của mày nẩy ra từ hồi nào ?
Anh đáp:
- Từ năm tao lên mười tuổi ! Hồi ấy tao còn học chữ Nho ở nhà quê. Xong buổi học lại đi chăn trâu, và nhiều hôm chăn sang đến đồng làng bên cạnh. Làng ấy (?) là quê ông Đội Cấn. Ông Cấn chết đi, còn để lại mẹ già. Bà cụ thương con quá, hóa như kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao là bà cụ lại ôm choàng lấy, vứa khóc vừa nói : “Các cậu ! Các cậu ! Làm thế nào báo được thù cho con tôi !”. Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ là lòng lại bồi hồi! Rồi nghĩ, chỉ có đạp đổ chế độ thực dân mới trả hộ được thù cho con bà cụ! Ấy, tư tưởng cách mạng nẩy ra trong óc tao từ đấy!
Thì ra một bà cụ dở người mà đã đúc được hai đứa con anh hùng sắt máu! Một đứa con ruột thịt là nhà chỉ huy việc đánh Thái Nguyên! Một đứa con tinh thần là người tạo nhân cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Trước sau hơn mười năm, hai đứa con bà đã làm vẻ vang cho cả một dân tộc! Nghĩ đến bà, lòng ta cảm khái bao nhiêu ?
Tuy vậy, năm mười tuổi, anh mới được bà gieo vào óc cái hạt giống tự do đó mà thôi. Hạt giống ấy, còn phải vun tưới ròng rã trên mười năm nữa, bằng những máu nóng, lệ nóng của đồng bào, bằng những gió dập, mưa dồn chung quanh Tổ quốc, nó mới đến lúc khai hoa kết quả.
Ấy là năm 1926…
Ông Đội Cấn (1881 – 1918) và cuộc binh biến Thái Nguyên.
Chương III : 1926
Trong hồi Âu chiến trước, nhà cầm quyền Pháp dụng tâm ru ngủ tinh thần dân tộc của ta bằng câu chuyện “Pháp Việt đề huề!”. Nhưng… như một câu nói chua của tôi hồi bấy giờ, “tay phải giơ ra nói đề huề, để tay trái luồn xuống lần lưng móc túi”.
Ở Bắc Việt, họ mở ra báo Nam Phong ; lại lập ra hội Khai Trí Tiến Đức, để làm hai cơ quan cho chính sách ngu dân ấy!
Dân ta trúng kế! Hơn mười năm, bọn thực dân được cao gối ngủ yên trên xương máu của đồng bào ta!
Giấc ngủ ấy, ngon lành mãi đến năm 1925, chúng mới giật mình!… Giật mình vì tiếng của liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném bom Toàn quyền Merlin khi qua Sa Điện.
Các bạn thứ cho tôi, ở đây không phải chỗ kể đầu đuôi câu chuyện ấy. Chỉ biết rằng, vì việc đó mà chúng phải cố lùng bắt cho được nhà chí sĩ Phan Bội Châu ở ngoại quốc về. Rồi chúng phái Toàn quyền Varenne sang. Varenne là một lãnh tụ của đảng Xã Hội Đệ Nhị Quốc Tế nước Pháp. Ông tự xưng là tín đồ trung thành của Các-mác với Đô-rét! Rồi cái bài kèn đề huề đã hồ tịt lít kia lại được bọn chiếm nước và bản nước phùng mang thổi lên cực kỳ náo nhiệt!
Tin vào chủ nghĩa xã hội, tin vào các đảng Quốc Tế, nhà lãnh tụ còn trẻ người non dạ của chúng ta mắc lõm! Năm 1926, anh Học khi ấy còn học trường Cao Đẳng, xin vào yết kiến và đưa một chương trình yêu cầu cải cách lên Varenne. Khi vào tiếp kiến, quan Toàn quyền sồm râu làm ra trò niềm nở ân cần! Nhưng khi ra, Anh được tụi mật thám xúm lại khám mình và dọa nạt! Anh chưa thất vọng, còn gửi cho Varenne một bức thư điều trần nữa! Lần này thì bức thư không được trả lời. Và sau một hồi vơ vét cho nặng túi, sau khi ký thêm cho dân Bảo Hộ mấy đạo nghị định thắt cổ, nào là cấm bán những vị cần dùng cho thuốc Bắc, nào là rút cho thêm hẹp quyền ngôn luận, ông Va-ren liền cuốn gói về Tây.
Varenne cút! Pasquier sang! Anh còn chưa nản chí hoàn toàn! Hồi tháng 6 năm sau (1927), Anh còn xin phép Thống Sứ ra một tập tạp chí nửa tháng, lấy tên là Nam Thanh. Mục đích tạp chí là nâng cao trình độ trí, đức, thể dục cho nhân dân, khuyến khích họ bỏ lối thích danh hão, thích làm quan, mà chú trọng về nông, công, thương nghiệp.
Một cơ quan dạy khôn nhau như thế, lại chủ trương do một tay có chí khí, có nhiệt tâm, đời nào họ cho phép!
Thích làm quan, thích ông nọ, bà kia, chính là cái dây xích, dây thừng, để chúng xỏ vào mũi, khoác vào cổ những dân trí thức xứ này, đặng sai họ làm ngựa, làm trâu, nếu không phải làm trành, làm chó! Còn, nếu đồng bào ta lại biết hiệp lực nhau mà mở mang thực nghiệp, thì tụi tư bản Pháp còn hòng gì chiếm lĩnh được kinh tế, lũng đoạn được lợi quyền? Tuy nhiên, cái thâm ý ấy khi nào chúng chịu nói ra! Chúng không cho Anh mở báo, lấy cớ rằng Anh đã gian trá trong sự để chỗ ở. Trong giấy, Anh đề là 56 phố Hàng Quạt. Nhưng thực thì anh ở chung với nhóm Nam Đồng Thư Xã, một nhóm có tư tưởng bài xích chế độ thực dân.
Nhưng đâu có phải thế! Hồi ấy Anh ở Hàng Quạt thật! Chẳng qua Anh hay đi lại với tụi tôi, thế thôi!
Toàn quyền Alexandre Varenne (đội mũ) được biết đến là một chính khách cấp tiến. Trong thời gian cầm quyền tại Đông Dương, ông đã khởi xướng nhiều chính sách an sinh hướng đến đối tượng nông dân (chiếm 95% xã hội đương thời) và ân xá cho nhiều tù nhân chính trị – trong đó có Phan Bội Châu. Vì những chính sách rộng rãi này, Alexandre Varenne bị chính phủ Pháp cách chức và triệu hồi.
Chương IV : Nam Đồng thư xã
Thư xã ở số 6 đường 96, bờ hồ Trúc Bạch, gần đối diện với chùa Châu Long. Nó là một nhà xuất bản do tôi và hai anh Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên) lập nên vào cuối năm 1926. Nguyên hồi ấy, phong trào chính trị đương bùng bộc. Tuy vậy, trình độ trí thức của dân mình còn thấp kém! Đại đa số người dân không có một chút gì là công dân giáo dục. Chúng tôi lập ra thư xã là mong làm việc ấy. Nghĩa là dạy cho người ta biết thương đồng bào, biết yêu Tổ Quốc, biết thế nào là nghĩa vụ và quyền lợi của một người công dân. Sau nữa, giúp cho ai nấy có đôi chút thường thức về các khoa chính trị, như kinh tế học, xã hội học, các hiến pháp, các chủ nghĩa. Tất cả công việc ấy sẽ làm bằng cách xuất bản và phát hành các sách. Sách chúng tôi bán rất rẻ, chỉ mỗi cuốn một, hai hào mà thôi! Sách hồi ấy còn được xuất bản tự do, không phải kiểm duyệt trước như các báo. Những bài bị xóa ở các báo, có thể đem in thành sách. Cố nhiên là có thể bị cấm. Nhưng, với cái gọi là “chậm trễ hành chính” của nhà cầm quyền Pháp, khi họ ra được cái nghị định cấm thì sách mình đã bán hết rồi!
Thế nhưng “đạo cao năm thước, thì ma cao một trượng!” Thấy sách chúng tôi vẫn bị cấm mà vẫn ra, bọn mật thám liền bắt buộc các chủ nhà in, bao nhiêu sách xuất bản phải đưa chúng xem trước! Vì thế, có cuốn sách sớm vừa ở nhà in lấy ra thì chiều đã có nghị định cấm, và có người đi thu sách, tịch biên sách! Rồi, hơn năm sau, Toàn Quyền ra nghị định bắt buộc các sách cũng phải đưa kiểm duyệt trước như các báo! Thế là ô hô, đi đời cái quyền ngôn luận của dân ta!
Anh Học khi ấy học trong trường Cao Đẳng Thương Mại. Với các anh em Cao Đẳng, bọn “Nam Đồng Thư Xã” chúng tôi thường liên lạc để làm các việc tuyên truyền, hợp với mục đích của chúng tôi. Ví dụ như truy điệu cụ Phan Tây Hồ, truy điệu cụ Lương Văn Can, mở các lớp dạy cho anh em lao động học biết chữ Quốc Ngữ(1). Vì thế chúng tôi quen với anh Học, và sự đi lại mỗi ngày một thêm thân. Đến cuối năm 1927, thì Anh cùng anh Mịch lên ở hẳn với chúng tôi. Chúng tôi đã trở nên những người bạn “đồng xu cuối cùng”. Nghĩa là “còn cùng ăn, hết cùng nhịn!”.
————-
(1) Các lớp dạy này, mở tại các trường tư trong các đô hội như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Học sinh được phụ cấp bút, giấy. Sau bị nhà cầm quyền Pháp cấm chỉ.
(1) Các lớp dạy này, mở tại các trường tư trong các đô hội như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Học sinh được phụ cấp bút, giấy. Sau bị nhà cầm quyền Pháp cấm chỉ.
Nhóm Nam Đồng thư xã – ảnh chụp trong buổi khai trương. Người đứng thứ hai từ trái sang là Nguyễn Thái Học, lúc ấy ông để tóc dài và rẽ giữa.
Chương V : Hòa bình cách mệnh
Thấy nhóm thực dân không thể nào hợp tác được rồi, chúng tôi, vào khoảng giữa năm 1927, đã quả quyết đi vào con đường cách mệnh!
Nhưng tôi, một kẻ thư sinh, muốn cách mệnh một cách hợp pháp!
Nguyên ở đây, việc lập các quỹ trừ súc và các hợp tác xã không cần phải xin phép. Chỉ cần đem điều lệ trình các người đương cục. Tôi liền bảo Anh Học, một người thuộc thương luật thảo điều lệ các hội ấy và đem đi cổ động ở khắp mọi nơi. Những hội ấy sẽ lập lên ở giữa các bồi bếp, các công chức, các binh lính, các thợ thuyền, nói tóm lại, ở giữa những người cộng tác với người Pháp. Những hội ấy sẽ do những người có tâm huyết cầm đầu, và trong khi trò chuyện với anh em, sẽ tìm cách làm phổ thông những thường thức về công dân giáo dục. Cái chương trình ấy, tôi gọi là “chương trình sáu năm”. Tôi mong các hội viên buôn bán và tiết kiệm, để dành tiền trong sáu năm… Và sau sáu năm, sẽ đủ tiền nuôi mình và gia đình trong sáu tháng… Rồi, nhân một dịp tiện lợi, chúng tôi sẽ yêu cầu người Pháp cho tự trị… Cố nhiên là họ không cho! Khi ấy, tất cả anh em sẽ tổng bãi công trong sáu tháng để làm hậu thuẫn cho chúng tôi. Sáu tháng bất hợp tác! Sáu tháng nghĩ việc của tất cả các viên chức, các sở công, sở tư! Tình hình chính trị và kinh tế ở xứ này rối loạn đến mức nào! Khi ấy sẽ cổ động cả sự “bất tuân thượng lệnh” ở giữa anh em binh lính! Nhười Pháp tất phải nhượng bộ và ít nhất là cho ta được tự trị!
Chúng tôi cổ động. Anh em hưởng ứng. Những hội đầu tiên đã thành lập là nhà dây thép Hà Nội, nhà máy sợi Nam Định.
Thế nhưng có một hôm, cả ba anh Tài, Học và Mịch, cùng xúm lại bảo cho tôi biết : chương trình của tôi chỉ hoàn toàn thuộc về tương lai mà thôi!
Thủ bút của Nguyễn Thái Học.
Chương VI : Phải sắt và phải máu
“Mày nghe lời cái lão già Cam Địa, chực hòa bình cách mạng! Nhưng thử hỏi cái lão già ấy đã làm được việc gì cho Ấn Độ chưa ?”.
Đó là lời Anh Học bảo tôi. Rồi tài và Mịch phụ họa thêm vào. Tôi đã bàn cãi với họ luôn hai đêm. Sau cùng, tôi nghĩ, mình còn nhỏ tuổi hơn cả, mà anh em lại đồng thanh bác cái lý của mình, như vậy, có lẽ mình là đứa lạc lõng trong không tưởng thật!
“Mày là đứa chỉ sống trong mộng và trong sách, đã biết đời là cái quái gì! Phải theo chúng tao! Nghĩa vụ một đứa em nhỏ là phải thế!”.
Anh Tài vỗ vai tôi, quyết định tôi một lần nữa.
Chúng tôi liền định lập một đảng bí mật, theo hẳn chủ trương thiết huyết cách mạng. Anh Học đi rủ anh em quen biết ở Hà Nội, được hơn mười người, liền tổ chức nên đệ nhất chi bộ.
Phạm Tuấn Tài (1905 – 1937).
Chương VII : Việt Nam Quốc dân Đảng
Trong kỳ “Toàn Kỳ Đại Biểu Hội Nghị” ấy, mỗi đại biểu đều đem đem tỏ bày một bản dự thảo riêng của nhóm mình về chương trình, điều lệ của Đảng. Chúng tôi đã phải làm việc suốt hai đêm ròng rã. Kết quả, những ý kiến riêng đã hun đúc lại thành một kỷ cương chung. Trước kia, Đảng chỉ mới là một ý định mơ hồ. Đến bây giờ, mới có đủ một hình thức, một tinh thần rõ rệt.
Đảng lấy tên là “Việt Nam Quốc Dân Đảng” theo đề nghị của anh em Hà Nội. Người vào đảng phải làm lễ phát thệ, theo đề nghị của anh em Thanh Hóa…
Mục đích là liên lạc tất cả các anh em đồng chí, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dùng võ lực để lấy lại quyền Độc Lập cho nước Việt Nam.
Cách tổ chức thì mỗi chi bộ gồm nhiều nhất là mười chín người. Vì theo pháp luật hiện hành, sự hội họp quá mười chín người phải xin phép trước. Mỗi chi bộ chia làm bốn ban : ban Tài Chính, ban Tuyên Truyền, ban Trinh Thám và ban Tổ Chức. Rồi bầu lấy một người chi bộ trưởng và một người đại biểu lên tỉnh bộ. Người trong tỉnh bộ gồm có các đại biểu của chi bộ. Cũng chia bốn ban. Cũng bầu bộ trưởng. Và cũng một người thay mặt cho anh em để dự vào đảng bộ cấp trên. Cấp trên là kỳ bộ, nguyên tắc tổ chức cũng như ở dưới. Rồi mỗi kỳ bộ sẽ cử lên một số đại biểu để họp thành Tổng Bộ. Tổng Bộ, cơ quan tối cao của Đảng, so với các đảng bộ dưới, có thêm ra bốn ban : ban Binh Vụ, ban Ngoại Giao, ban Giám Sát và ban Ám Sát.
Suốt trong thời kỳ Anh Học còn, vì sự tuyên truyền chưa lan được khắp Trung, Nam, nên Tổng Bộ chỉ là Kỳ Bộ miền Bắc tạm quyền công việc. Đã một hồi tại Sài Gòn và mấy tỉnh đường trong, có lập được ít nhiều chi bộ. Nhưng Kỳ Bộ miền Nam chưa hề có cử người về Tổng Bộ. Hai nơi chỉ là cùng nhau liên lạc mà thôi. Tổ chức thì thế, còn chương trình hoạt động thì chia làm ba thời kỳ :
- Thời kỳ thứ nhất là phôi thai, làm trong vòng bí mật.
- Thời kỳ thứ hai là dự bị, làm trong vòng bí mật.
- Thời kỳ thứ ba là phá hoại, tức là đánh đổ đối phương.
- Thời kỳ thứ hai là dự bị, làm trong vòng bí mật.
- Thời kỳ thứ ba là phá hoại, tức là đánh đổ đối phương.
Xét ra thì cách tổ chức của Đảng lúc ban đầu hoàn toàn theo lối dân chủ đại nghị. Nó rất giống với cách tổ chức của đảng Tân Việt Cách Mệnh. Kỳ thực thì cả điều lệ lẫn chương trình, phần nhiều là châm chước theo đề nghị của anh Hoàng Văn Tùng(1), đại biểu Thanh Hóa. Anh Tùng vốn là bạn thân của anh Tôn Quang Phiệt, người bên Tân Việt… Hoặc giả đề nghị của anh đã dựa theo đảng cương bên Tân Việt, cũng chưa biết chừng! Cho cả đến lễ phát thệ, anh em “đường ngoài” lúc trước cũng chưa hề nghĩ đến bao giờ.
“Trước giang sơn Tổ quốc, trước mặt anh em đồng chí, tên tôi là (mỗ), (bao nhiêu) tuổi, thề hy sinh cho Đảng, xin giữ bí mật của Đảng, xin phục tùng mệnh lệnh của Đảng, không được tự do li Đảng. Nếu sai lời xin chịu tử hình !”.
Lời thề ấy đã làm tim tôi bao nhiêu lần hồi hộp, mỗi khi đi chứng kiến sự thành lập một chi bộ gồm có các đồng chí sáu, bảy chục tuổi, đầu tóc bạc phơ! Hay một chi bộ nhà binh, thường là các hạ sĩ quan, trên vai đóng ngà vàng lấp lánh. Bởi vì là một đảng bí mật, nên chúng tôi hết sức tránh việc giấy tờ. Đảng viên không có danh sách. Các kỳ họp cũng không có lập biên bản. Chương trình nghị sự, xong buổi họp rồi đốt đi. Có ai ngờ kín đáo như vậy, mà ngay từ khi đảng chưa thành hình, Ty Mật Thám đã mong manh biết. Kẻ tố cáo đầu tiên, than ôi, lại là một trong những thanh niên trí thức : Nguyễn Quốc Túy tiên sinh !
————-
(1) Anh Tùng bị bắt năm 1929, mất trong Hỏa Lò.
(1) Anh Tùng bị bắt năm 1929, mất trong Hỏa Lò.
Tuần báo Cộng Hòa số 1&2 ra mắt ngày 27 tháng 9 năm 1964 tại Sài Gòn, chủ đề đặc biệt về sự kiện thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng và cuộc Khởi nghĩa Yên Bái. Lúc này, nền Đệ Nhất Cộng hòa vừa sụp đổ và luật kiểm duyệt báo chí bị bãi bỏ.
Chương VIII : Nguyễn Quốc Túy
Như trên đã nói, hồi ấy, các sinh viên Cao Đẳng thường cùng chúng tôi làm chung nhau mọi việc vận động có màu sắc chính trị. Trong các anh ấy, có một nhóm lấy cụ Nghè Ngô Đức Kế làm lãnh tụ. Trong đám đồ đệ của cụ, có ba anh tỏ ra vẻ sốt sắng nhất : Trần Tiến Vỹ, Nguyễn Quốc Túy, và anh Nguyễn Văn Phùng. Trừ anh Phùng ra, người ta nói bọn kia thường mượn màu ái quốc để mưu đồ cả lợi lẫn danh. Tuy lúc nào cũng bô bô là đi với anh em lao động, nhưng họ đã sống một cuộc đời thật trưởng giả! Đi tất ô tô! Ngủ tất nhà ả đào hay phòng khách sạn! Và ăn thường là ở cao lâu khách hay hàng cơm tây! Ấy là mỗi khi họ đi công căn một tỉnh nào! Tiền đâu mà họ ăn xài lớn vậy? Vì họ không phải con nhà giàu. Họ đã lạm dụng lòng tin, lòng tốt của mọi người. Họ đã ăn chơi bằng những tiền họ đi quyên. Lúc thì quyên giúp anh em trường Bưởi bãi khóa! Lúc thì quyên giúp anh em trường Bách Nghệ đình công. Lúc thì quyên giúp anh Phạm Tất Đắc ở tù vì tội viết và xuất bản cuốn Chiêu hồn nước. Nhưng người ta không ngờ đến rằng trong đó lại có kẻ hạ mình quá thấp đến địa vị trành, chó!
Tôi còn nhớ trong hồi xảy ra vụ Bắc Ninh, Nguyễn Văn Phùng thình lình bị bắt. Sau khi được tha, Phùng lên thăm chúng tôi ở Nam Đồng Thư Xã. Khi ra về, Phùng buồn rầu mà nói:
- Các anh phải coi chừng! Mật thám ở ngay bên mình chúng ta đó! Không vào “trong ấy”, không ai có thể tưởng tượng được mực đê tiện của giống người!
Tôi hỏi:
- Ai vậy?
Phùng đáp:
- Nói ra không tiện! Nhưng anh cứ yên lòng, vì không phải ở trong đám các anh.
Lời Phùng nói làm tôi nặng một mối ngờ. Cho mãi đến năm 1929, một hôm ở trong Hỏa Lò, người ta đã gọi lên cho dở coi hồ sơ của mình để mà viết bài tự bênh vực, tôi mới biết rõ ý nghĩa của câu Phùng nói.
Trong hồ sơ, tôi thấy kèm có hai tờ khai của Túy trong năm 1927. Mới đầu năm với cuối năm, mà Túy đổi khác như hai người.
Đầu năm ấy, nhân dân đất Bắc định đón cụ Phan Bội Châu ra chơi. Túy cùng mấy anh em nữa, đưa ô tô vào mời cụ. Ra đến Vinh, mật thám rước cụ quay về và giữ Túy lại hỏi.
Đại khái Túy đáp:
- Ông cử Can dựng lên “Đông Kinh Nghĩa Thục” thật, nhưng bây giờ ông ấy già rồi, vừa nhút nhát, vừa gàn dở! Ông Hoàng Tăng Bí thì có gì! Khi xưa vào nghĩa thục cũng là bị lôi cuốn theo phong trào! Còn bây giờ thì chỉ muốn yên thân! Lại làm thuê cho lão Nguyễn Văn Vĩnh, là người đối với quốc dân mất hết tín nhiệm! Riêng cụ Ngô Đức Kế là tay cách mệnh sáng suốt, lúc nào cũng cương quyết, vững bền, không dễ lấy tiền mà mua chuộc được! Vì vậy chúng tôi năng lui tới nhà cụ, để nghe lời chỉ bảo. Còn các tay chí sĩ khác ở các miền nhà quê, thường vẫn giúp tiền chúng tôi. Các thanh niên đi lại với chúng tôi, đều bị liệt tên vào sổ đen. Thế nhưng nào có chuyện gì! Ngoài sự tập võ Tàu, võ Nam ra, toàn là chuyện phiếm cả!… Tôi không thân với Cơ-lê-măng-ty, vì tôi cho hắn là kẻ muốn lợi dụng lòng ái quốc của chúng tôi để kiếm chác! Còn bọn Nam Đồng Thư Xã cũng chẳng hơn gì!…”
Hùng hồn thay! Trong khi đối đáp ấy, Túy thực đã “mắt xanh chẳng để ai vào!” thực đã “mục không nhất thế!”
Thế mà đến hồi tháng 9, khi bị trục xuất khỏi Bắc Việt, vì cớ hay nhúng tay vào các việc chính trị – nhúng tay trước để mút tay sau! – Túy đã nằn nì với R. mật thám:
- Xin ông cho tôi ở lại! Tôi sẽ xin báo cho ông biết những tin quan trọng lắm kia!
R. cười khẩy, đáp bằng một giọng mỉa mai:
- Quan trọng à? Về qua Vinh anh sẽ khai với quan chánh mật thám Vinh. Ngài còn nhớ anh đấy!
Ấy thế mà khi qua Vinh, Túy cũng khai nữa! Trong các điều quan trọng mà Túy khai, tôi nhớ có câu này: “… Hôm trước đây, người bạn đồng song của tôi là Nguyễn Thái Học, có đến rủ tôi vào một hội kín mà mục đích là dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân. Trong hội kín ấy có cả Nhượng Tống và Phạm Tuấn Tài…”
Về Phùng, chắc Túy cũng không tha! Cho nên Phùng mới phàn nàn với chúng tôi.
Dưới tờ khai của Túy, sở mật thám có chua mấy câu: “Tên Túy này là một tay cáo mật chuyên môn! Mỗi lần ra sở mật thám là một dịp hắn tâu nạp tấn công. Hôm trước bị bắt về việc Hải Phòng, Túy đã cho chúng ta nhiều tin. Và hứa mổi khi biết chuyện gì nữa sẽ có thư trình sau. Thư ấy sẽ không ký tên, và đánh một chữ “thập” làm dấu.
Cho hay những hạng đê hạ ở đời, dù được việc cho người ta, mà người ta vẫn coi thường, coi rẻ! Cái ấy, tục gọi là “thiên lý tại nhân tâm”.
Ngô Đức Kế (1878 – 1929).
Chương IX : Việc Hải Phòng
Tôi vừa nói đến việc Hải Phòng.
Vào khoảng tháng 8 năm 1927, ở Hải Phòng không hiểu tại vì sao, xảy ra việc Việt – Hoa xung đột. Người ta kéo bè đánh người Tàu ở ngoài phố, rồi đến sấn vào phá phách các cửa hàng.
Có người cho đó là thủ đoạn của nhóm thực dân Pháp. Họ bỏ tiền ra thuê bọn du côn gây sự lôi thôi. Nếu người mình giết kiều dân Tàu ở bên này, thì chính phủ Tàu hoài hơi đâu mà giúp đỡ cho bọn cách mệnh Việt Nam ở bên ấy! Biết cái mưu cay độc ấy, anh em Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí mà Tổng Bộ đặt ở Quảng Châu, liền rải truyền đơn vào đêm 22 tháng 8. Trong truyền đơn nói rõ các tình tệ, cuối cùng khuyên người mình, người Tàu, cùng giống da vàng, không nên mắc mưu mà làm những việc vô ý thức như thế! Trái lại, nên đồng tâm hiệp lực mà tẩy uế chế độ thực dân là mối hại chung! Truyền đơn ấy rải ra, người Hải Phòng bị bắt lung tung. Ng. M. B., một văn sĩ kiêm y sĩ, liền tâu với sở mật thám là có lẽ do anh Phạm Tuấn Tài rải…
Nguyên chúng tôi khi ấy thấy việc Việt, Hoa xung đột cũng sốt ruột. Sợ nó lan lên đến Hà Nội, liền phải tìm phương đối phó. Một mặt, nhờ các anh em du côn lảng vảng canh các phố Khách, nhất là các hiệu ăn. Nếu kẻ nào đến tìm cách sinh sự với người khách, anh em sẽ thẳng tay trừng trị ngay. Một mặt, đến bảo các ông Bang trưởng thông tri cho các người Tàu: “ Nếu gặp người Việt Nam nào sinh sự thì đừng đối đáp lại một cách nóng nảy quá! Tự nhiên sẽ có đồng bào chúng tôi đến can thiệp và hòa giải”. Nhưng còn muốn điều tra cho thật rõ nguyên nhân, chúng tôi liền cắt anh Học và Tài xuống Cảng xem xét tận chỗ. Nhân thể đi tuyên truyền hai hạt Hải Phòng, Hải Dương. Các anh đi hôm 24, về hôm 26. Đến 28 thì mật thám đến khám Nam Đồng Thư Xã và bắt anh Tài đem đi. Đó là kết quả về lời trình của B. B. chỉ quen có Tài, nên không tâu gì về Học. Nếu không, Học cũng bị bắt rồi, còn chi! Nhưng khi giải đến Cảng hỏi, thì họ biết là truyền đơn chẳng rải tự tay Tài. Việc đã xảy ra từ ngày 22, nghĩa là hai ngày trước khi tài có mặt ở đây. Vả lại khi khám Thư Xã cũng không bắt được tang vật gì khả nghi cả. Họ liền tha anh Tài về. Tuy vậy, từ đấy anh cũng bị chú ý nhiều hơn trước. Họ cho việc để anh dạy học ở trường Đỗ Hữu Vị, một trường tập sự của các viên giáo tập, là khá bề lợi hại! Họ rắp tâm đổi anh đi xa hẳn đất Thăng Long.
Hải Phòng khoảng thập niên 1920. Trong ảnh là phố Paul Bert, nay được gọi phố Điện Biên Phủ.
Chương X : Việc Bắc Ninh
Ngoài việc Hải Phòng, hồi ấy còn có một việc nữa là việc Bắc Ninh.
Muốn cho hạ cái khí bất bình của cả một dân tộc đã chứa chất lại bao năm, một số anh em thảo dã, anh hùng ở Bắc Ninh, mưu tính làm một việc khởi nghĩa. Đứng đầu việc ấy là ông Quản Trạc, và giúp sức vào có cả các dư đảng của Hoàng Hoa Thám khi xưa. Anh em chế bom; anh em rèn gươm, dao. Anh em định lấy hai điểm : Bắc Ninh và Đáp Cầu. Nghe chúng tôi ở Hà Nội có ít nhiều đồng chí, anh em liền phái người sang nhờ chúng tôi giúp sức.
Gặp nhau trên gác Nam Đồng, tôi bảo người sứ giả:
- Dù cho lấy được hai nơi ấy nữa, chỉ trong ba hôm, chúng ta sẽ bị đè bẹp: Gần Hà Nội quá!
Sứ giả đáp:
- Phần thua thì cầm chắc, nhưng ít ra nó cũng ảnh hưởng được bằng việc Thái Nguyên.
Tôi nói:
- Dân ta còn yếu lắm! Yếu vì thiếu tổ chức. Hiện nay các đồng chí xa gần đương bắt đầu tổ chức. Đó là một hy vọng. Nếu việc các ông làm mà hỏng, nhóm thực dân tất hạ độc thủ với các nhóm bí mật. Một khi tan rữa, các nhóm ấy gây dựng bao giờ cho lại? Thời chưa đến. Việc các ông làm thấy lợi ít mà hại nhiều.
Sứ giả cười:
- Ông còn trẻ, ông có thể đợi thời! Anh em chúng tôi phần nhiều đứng tuổi cả rồi, không làm ngay, sợ xương mục cũng như cây cỏ!
Biết thế trận gay go, tôi xoay mặt khác:
- Thôi, cũng phải! Thế nhưng việc Thái Nguyên là làm ra từ tay quân đội sẵn súng. Muốn làm được thế, các ông đã tuyên truyền được binh sĩ làm nội ứng chưa?
Sứ giả đáp:
- Ở Bắc Ninh đã được vài ông Đội. Ở Đáp Cầu thì phần nhiều là lính Tây với lính Lê Dương cả. nhưng anh em cũng đã có ít người.
- Vậy phương lược tiến công các ông định ra sao?
- Chúng tôi định đánh ở ngoài vào. Nửa đêm anh em sẽ đem bom ném vào các trại. Và nhân lúc chúng rối loạn không đề phòng, ta sẽ ra tay. Sáng ngày sẽ lấy súng, đạn, đánh Hà Nội!
Tôi mỉm cười.
- Tôi thì không tin như thế. Tôi cho rằngđồn nào nó cũng có lính gác, và có tường, có rào cẩn yhận. Trong lúc anh em tiến vào, lính gác sẽ hô: “Muốn sống thì dừng lại!” Không dừng…, chúng bắn. và chúng hô thêm người bắn. Gươm, dao, đòn đoản, chống đòn trường sao được! Anh em sẽ có kẻ quăng cả dao mà chạy! Sáng hôm sau, các báo sẽ đăng là: “Đêm qua hai đồn 15 lính Bắc Ninh và Đáp Cầu suýt mất trộm. May lính gác không ngủ, bắn súng ra thì kẻ trộm ù chạy, quăng lại mấy con dao bây!” Ấy thế! Làm gì có tiếng tăm được bằng việc Thái Nguyên!
Giọng nói hài hước ấy đã làm cho sứ giả mặt nẩy hồng quang! Và cũng làm cho tôi suýt nữa mất đầu! Số là đến khi anh em họp bàn thì đa số quyết nghị là nên đem toàn lực ra giúp anh em bên kia. Tôi và anh Vũ Hiển viện bao nhiêu lý do ra đều vô công hiệu.
Câu hỏi cuối cùng của tôi :
- Cố nhiên là chúng ta không sợ chết rồi, nhưng xin hỏi các anh: chúng ta làm việc cốt được việc hay cốt lấy chết?
Một anh trả lời tôi:
- Chúng ta hãy làm lấy chết đã! Sẽ có những người tiến sau ta làm lấy được việc!
Sau một tràng pháo tay, đến một hồi bốn tường im phắc. Tôi và anh Hiển thở dài cúi đầu để anh em cắt việc. Việc của tôi là phải thảo một tờ hịch. Thảo xong, giao xong, tôi nằm trên gác Nam Đồng mà chờ chết!
Nhưng cái chết đã không tới. Vì cái mưu của anh em bên Bắc bị bại lộ, và khắp nơi xảy ra những việc khám nhà, bắt người!
Mấy hôm sau, anh Hiển bảo tôi:
- Anh có biết không? Anh em bên Bắc yêu cầu giết anh với tôi trước khi khởi sự ở Hà Nội.
Từ đấy, anh Hiển không làm việc với chúng tôi nữa. Có lẽ vì thấy anh em nóng nảy quá, có thể gây cho anh cái chết chẳng đành lòng.
Về việc này, một tên thám tử chơi với Anh Học – tên nào ? – có hót với chủ rằng : “Việc Bắc Ninh, nếu không có Học ngăn lại, thì đã xảy ra rồi!”
Câu ấy đã hoàn toàn không đúng với sự thực.
Bắc Ninh.
Chương XI : Tổng bộ đầu tiên
Những việc tôi vừa nhắc lại, toàn là những việc xảy ra khi Việt Nam Quốc dân Đảng chưa ra đời, mà chúng tôi mới chỉ là một nhóm anh em đồng chí.
Trên, tôi đã nói đến cuộc hội đồng cuối năm 1927. Kỳ ấy, nay tôi nhớ lại, tất cả mọi người trong đệ nhất chi bộ chúng tôi đều xuất tịch. Trái lại, ở các nơi, mỗi tỉnh cử về có một người. Một cuộc hội họp ngót bốn chục người mà cơ hồ nghe rõ cả từng con muỗi bay. Chúng tôi nói nhỏ mà anh em cũng đủ nghe. Anh Học làm chủ tịch, còn anh Đạt đứng giữ trật tự. Vẻ im lặng tôn nghiêm làm cho người ta nghĩ đến những việc thiêng liêng, cao cả. Tôi tưởng đâu như hết thảy các vị anh hùng cứu quốc đương đứng ở trên đầu trên cổ mà chứng giám chúng tôi.
Do kỳ hội nghị ấy, bầu nên một Tổng Bộ lâm thời. Tổng Bộ gồm có mười lăm người: Anh Học làm chủ tịch, anh Nghiệp làm phó chủ tịch. Ban Tuyên Truyền thì tôi làm trưởng ban, anh Cử nhân Lê Xuân Hy làm phó. Ngoại Giao : anh Nguyễn Ngọc Sơn, anh Hồ Văn Mịch. Giám Sát: anh Nguyễn Hữu Đạt, anh Hoàng Trác. Tài Chính: anh Đặng Đình Điển, anh Đoàn Mạnh Chế. Ám Sát : anh Hoàng Văn Tùng. Tổ Chức : anh Phó Đức Chính, anh Lê Văn Phúc. Ban Binh Vụ bấy giờ chưa đặt. Còn anh Phạm Tiềm, anh Tưởng Bảo Dân, nay tôi quên không rõ thuộc ban nào.
Anh Phạm Tuấn Tài sở dĩ không ở Tổng Bộ là vì khi anh đã phải đổi đi dạy học ở Tuyên Quang.
Tổng Bộ đầu tiên ấy đã làm việc trong sáu tháng đầu. Dưới đây xin lần lượt kể công việc đã làm trong thời kỳ ấy.
Phó Đức Chính (1907 – 1930).
Chương XII : Việc liên lạc nhà binh và các nơi trong nước
Sau khi anh Tài đổi đi Tuyên Quang, vào khoảng đầu năm 1928, Nam Đồng Thư Xã đã tự đóng cửa, vì không còn xuất bản được cuốn sách nào nữa. Tên chánh mật thám Hà Nội đã bảo tôi:
- Anh đừng ra sách nữa. Ra cuốn nào, chúng tôi sẽ tịch thu cuốn ấy. Anh hẳn những mất công viết, còn mất cả tiền in!
Vậy Thư Xã chỉ còn là chỗ ở của Anh Học, để anh em các nơi về tạm trú hay họp hội đồng.
Ban Binh Vụ khi ấy chưa đặt. Tuy vậy, anh Học, đã bắt đầu chú ý đến anh em võ trang, nhất là các hạ sĩ quan trẻ tuổi. Các chi bộ nhà binh ở Hà Nội, ở chùa Thông, ở Sơn tây, ở Hải Phòng, ở Yên Viên và ở các nơi khác, kế tiếp nhau thành lập. Và nhờ các đồng chí ở trong quân đội, anh đã lấy được những địa đồ quân sự, những phương lược động binh và cấp báo của các bộ Tham Mưu.
Còn các chi bộ khác thì có hồ khắp các tỉnh Bắc Việt, cho đến những nơi xa lánh như Lạng Sơn, Hàng Mỏ, Lao Kay, đâu đâu cũng có anh em đồng chí cả.
Ở Trung Việt, từ Vinh trở vào, không hề có Quốc Dân Đảng, trừ ra có cụ Phan Bội Châu vui lòng nhận chức danh dự chủ tịch. Ngoài ra, người ta vào cả Tân Việt hoặc Thanh Niên.
Việc hợp nhất với hai đảng ấy giao thiệp mãi không thành. Không phải vì chủ trương hay qui tắc khác nhau. Mà chỉ là : Tân Việt thì cho chúng tôi làm việc trống trải quá. Thanh Niên thì khăng khăng đòi đặt Tổng bộ ở ngoài nước. Ở Nam Việt, sau khi anh Sơn, anh Mịch vào tuyên truyền (Hè 1928) Quốc Dân Đảng thì có thành lập được một tỉnh bộ và mấy chi bộ. Đảng viên ở đấy tuy ít nhưng bền vững. Bởi thế anh em còn kế tục phấn đấu cho mãi đến ngày nay.
Nhân nói đến Ban Binh Vụ, tôi tưởng nên nhắc đến việc binh khí ở đây. Anh Học đi đâu thường mang súng ngắn trong người. Một hôm vào chỗ tôi trú, tôi thấy Anh bỏ cặp nặng quá, mở ra coi thì ba khẩu súng tay! Anh vẫn xách cái cặp ấy đi ngang nhiên ở giữa phố ban ngày! Mà không phải một lần như thế.
Hà Nội năm 1928. Trong ảnh là khu vực hồ Gươm, nay được gọi là hồ Hoàn Kiếm.
Chương XIII : Việc đi Xiêm
Các bạn đã biết chúng tôi có việc điều đình hợp nhất với anh em Thanh Niên, nghĩa là Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội.
Các bạn cũng đã biết việc ấy không thành, vì có anh em Thanh Niên nhất định muốn để Tổng Bộ ở ngoài. Cố nhiên như vậy thì có một cái lợi: Tổng Bộ không bao giờ bị đối phương động chạm đến. Dù chúng tìm hết cách đàn áp nữa, lúc nào cũng có một sức trung kiên để chỉ huy công tác của anh em.
Nhưng chúng tôi thì cho rằng như thế có nhiều việc bất tiện lôi thôi!
Việc bất tiện nhất là sống xa dân chúng ở quê hương, các lãnh tụ khó lòng biết cách chỉ huy cho đúng hoàn cảnh.
Vả chăng, sự liên lạc của ngoài với trong chỉ bằng cứ vào một số người giao thông rất ít. Những người ấy có thể lạm quyền, có thể bán anh em, một khi họ là những người xấu. Mà dù họ là những người tốt nữa, nếu họ bị bắt, bị tra tấn, cũng gây cho toàn đảng vô cùng nguy hiểm. Mà việc họ bị bắt là việc lúc nào cũng có thể xảy đến.
Nói rút lại, chúng tôi thì chủ trương phải để Tổng Bộ ở trong nước.
Ý kiến đã xung đột, điều đình đã không xong, mà việc bàn luận có nhiều khi trở nên quá khích. Có lần: anh Lê Văn Phúc, đại biểu cho chúng tôi, trước mặt các anh em Thanh Niên, đã lớn tiếng mà thét:
- Đã chắc gì Nguyễn Ái Quốc cách mệnh hơn Nguyễn Thái Học? Mà nếu không chắc thế, lấy cớ gì mà các anh bảo cái đa số bên trong lại phải nhắm mắt mà theo cái thiểu số bên ngoài?
Trước sự tức giận của anh Phúc, đại biểu bên Thanh Niên đấu dịu ngay. Anh này không dám bênh vực chủ trương của mình nữa, chỉ nói là mình không đủ quyền để bàn đến một vấn đề như rhế. Muốn giải quyết chuyện ấy, anh yêu cầu chúng tôi phái người sang Xiêm, đúng ngày kỷ niệm Phạm Hồng Thái. Tổng Bộ các anh, giữa hôm ấy cũng phái người về Udon, để gặp nhau mà bàn việc hợp nhất. Vì thế mà ngày 22 tháng 5 năm 1928, Tổng Bộ họp ở Nam Đồng Thư Xã, đã quyết nghị phái ba đại biểu sang Xiêm : Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Phạm Tiềm.
Mồng 2 tháng 6, phái bộ đi xe lửa từ Thanh Hóa vào Đông Hà. Sớm hôm sau, đáp ô-tô qua Sa-van-na-khét rồi xuống tàu thủy lên Viên-chiên. Ở đây, anh Tiềm có quen một người bên Thanh Niên, chủ một cửa hàng thợ may. Ông bạn ấy đã đón tiếp anh em, và thuê thuyền đưa các đồng chí qua Cửu Long Giang vào một buổi trời vừa sẫm tối. Bên kia sông Cửu Long là Nong-khay. Do đưa tin sang trước, phái bộ vừa lên bến đã có được người hướng dẫn. Trong bóng tối dày đặc của một đêm hè về cuối tháng, người ấy đưa anh em lặng lẽ đi trên một con đường vắng. Rồi… lại vào trong một hiệu thợ may! Thật là gặp những may là may! Có ai ngờ là kết quả nó lại không may chút nào!… Sớm hôm sau, nhóm anh Mịch đi U-đôn. Ở đó ba ngày mới đến ngày mồng 2 tháng 5 (19 tháng 6 Dương lịch) là ngày các kiều bào kỷ niệm nhà liệt sĩ của chúng ta ở Sa Điện. Thay mặt cho người trong nước ra, Phạm Tiềm đã làm văn tế và Sơn, Mịch có lên đàn diễn thuyết. Các kiều bào ở Xiêm, những kẻ nhiệt tâm, đều đã vào hội Thanh Niên cả. Phái bộ có ý đợi các đại biểu của Tổng Bộ Quảng Đông cử về, nhưng ngày một, ngày hai, bắt không tin tức. Mấy ngày sau, anh em đành trở lại Viên-chiên, lấy đường về Hà Nội. Do việc “đi không lại về không” ấy, anh Phúc đã cự anh em Thanh Niên một trận rất kịch liệt. Chúng tôi thấy họ không thực lòng muốn hợp nhất! Từ đó, thôi hết thẩy mọi cuộc điều đình.
Ngoài việc liên lạc các đảng, chúng tôi còn gắng sức liên lạc với các nhà ái quốc trong giới trí thức, như Nguyễn An Ninh ở Nam, anh em Nguyễn Thế Truyền ở Bắc. Nhưng không được việc gì cả. Họ văn nhược quá! Họ không biểu đồng tình với lối cách mệnh gậy gạch của chúng tôi!
Thành phố Bangkok năm 1920.
Chương XIV : Hồn Cách Mệnh và Việt Nam khách sạn
Trong năm 1928, mọi phương diện đều tiến hành một cách rất lạc quan. Sở dĩ được thế, cố nhiên là nhờ ở công sức của hết thẩy các đồng chí xa gần. Nhưng phần lớn cũng là nhờ ở sự tận tâm không bờ bến của Anh Học.
Thật vậy, Anh Học đã làm việc cho Đảng quên cả đêm, quên cả ngày, quên cả ăn, chỉ có không quên cái… ngủ! Không! Ta có thể bắt Anh nhịn đói, bắt Anh đi bộ vẹt cả gót giày, bắt Anh đủ mọi cái thiếu thốn về vật chất, nhưng đến lúc Anh buồn ngủ thì phải để cho Anh ngủ! Một lần có một tin gì, nghe ra khá nguy cấp, tôi lên Thư Xã tìm Anh. Tới nơi thì thấy Anh đương nằm chổng chân lên mà ngáy khò khò! Tôi lật ngữa Anh lại mà bảo:
- Học! Học! Mày có biết chuyện gì không!
Anh, mắt vẫn nhắm, miệng thì cười đáp tôi:
- Có! Có!
- Thế mà mày nằm đây được à?
- Thì cũng phải để cho tao ngủ chứ! Không ngủ, chết mất mạng, còn làm sao được việc đời!
Nói xong Anh khì khì cười, rồi lại nằm sấp mặt lại mà ngủ!
Sự tận tâm của Anh, các đồng chí ai cũng phải công nhận, coi Anh khác nào linh hồn của Đảng. Vì vậy, hồi tháng 7 năm 1928, Tổng Bộ hết hạn bầu lại. Anh lại được cử làm chủ tịch. Anh Nghiệp và tôi đều rớt ra ngoài Tổng Bộ, sau cuộc tuyển cử này.
Công việc hồi cuối năm ấy, tiến hành đều đều. Các thư ký, các giáo học, các nhà công thương xin vào đảng khá nhiều. Đáng chú ý nhất là trong quân ngũ, anh em rất tán thành chủ trương của Đảng. Ở Nam Việt, chúng tôi có đến 256 võ trang đồng chí. Ở Bắc Việt, cũng có đến ngót 400. Cho nên đến năm sau, khi việc Đảng phát lộ, nhà thực dân Pháp phải hoảng hồn! Trong lời buộc tội chúng tôi của quan chánh Hội Đồng Đề Hình, có câu:
“… Các giáo viên, các binh sĩ là hai cây cột chống đỡ mái nhà Đông Dương. Việt Nam Quốc Dân Đảng đã làm lay chuyển hai cây cột ấy!… Nguy hiểm nữa là những kẻ được họ rủ rê, vào thì vào, không vào cũng không một ai đi tố cáo các nhà đương cục (trừ Nguyễn Quốc Túy) ! Sự im lặng đó, khác nào đồng mưu!…”
Tôi đã vui miệng kể lạc xa quá đề mục rồi! Tôi phải trở lại câu chuyện Hồn Cách Mệnh đã.
Đó là tên tờ báo, cơ quan của Đảng tôi, in bằng thạch và phát hành ngầm trong các đồng chí. Tòa báo ở đường Sơn Tây, do đoàn Học Sinh mà anh Đoàn Trần Nghiệp, tục gọi là Ký Con, coi việc ấn loát. Bài vở thì do Anh Học làm chủ bút. Giữ theo nguyên tắc, hết sức tránh các giấy tờ, tôi chẳng bao giờ biểu đồng tình với việc ấy. Tuy vậy, theo mệnh lệnh của Đảng, tôi cũng phải viết bài cho báo. Và còn viết cả cuốn sách, đề là “Cách Mệnh Tiện Thanh”, kể tội bọn thực dân gần mấy chục điều! Một cuốn sách như vậy, cố nhiên là cũng phải in lậu và phát hành trong bóng tối!
Tôi kể lại đây cái kỷ niệm một đêm ở tòa báo Hồn Cách Mệnh.
Tòa báo không có một ai, trừ ông chủ nhà in đó là anh Đoàn Trần Nghiệp! Nói là nhà in, nhưng chẳng máy móc gì cả! Mà không có cả đến giường, ghế, chỉ có một cái bàn, ngày là bàn viết, đêm biến thành cái bàn… nằm! Tôi đã nằm đó mà đọc cho anh Nghiệp viết mấy bài báo cho kỳ sắp ra! Rồi khuya khuya, bụng tôi thấy đói, tôi bảo anh Nghiệp:
- Tôi còn ba hào đây! Anh tìm cái gì ăn?
Anh Nghiệp cười:
- Đường này vắng, chẳng có hàng bán rong đâu. Chỉ góc đường đàng kia, có hai hàng bán thịt chó!
Thế rồi hai chúng tôi ăn vã thịt chó chấm nước mắm! Mà ăn bốc, vì chúng tôi không có bát, đũa gì.
Ăn xong, chúng tôi uống mấy ngụm nước máy rồi ôm nhau mà nằm. Suốt đêm, anh Nghiệp không nói câu gì. Đó là một thói quen của anh. Vì thế tôi thường vẫn gọi là “con người biết cười chứ không biết nói”! Tôi không ngờ con người ấy mà về sau đã làm nên những sự nghiệp kinh thần, khốc quỷ ở đời!
Giờ, xin kể đến chuyện khách sạn Việt Nam. Việc ấy quyết định vào kỳ Hội Đồng Tổng Bộ ngày mồng 7 tháng 8. Đảng dùng nó làm cơ quan kinh tế, nghĩa là buôn bán để lấy lời giúp Đảng. Tiền vốn thì quyên trong anh em, người cho nhiều nhất là Hoàng Trạc và Đặng Đình Điển, người năm trăm, người một nghìn đồng. Ngày 30 tháng 9, khách sạn mở cửa, người làm chủ đến bồi bếp, toàn là đảng viên.
Những tên mật thám nhìn chúng tôi bằng con mắt hằn học, bảo chúng tôi thường dùng đó làm nơi hành lạc và họp hội đồng. Kỳ thực thì ngay trong các buồng khách sạn, họ đã phái người đến thuê để dò dẫm chúng tôi. Có bao giờ chúng tôi khờ dại mà họp hội đồng ở đó. Ban đầu, khách ăn rất là đông đảo. Vì cơm Tây, cơm Tàu, cơm Ta, ở đây đều làm khá ngon và bán giá hạ. Nhưng kẻ địch đã cho người phao tin, làm cho nhiều người sợ liên lụy không dám đến đó ăn nữa. Cho nên đến khi chúng tôi bị bắt, khách sạn đã lỗ đến cơ hồ hết cả vốn! Nghĩ ra, việc kinh doanh ấy thật là một việc thất sách của chúng tôi.
Hải Phòng nhật báo số đặc biệt về Việt Nam Quốc dân Đảng và sự kiện Khởi nghĩa Yên Bái, phát hành ngày 17 tháng 6 năm 1945.
Chương XV : Những việc tống tiền
Cho được có tiền làm việc nước, các văn thân ta hồi xưa, nhiều khi đã dùng tới thủ đoạn ăn cướp, hoặc gọi là tống tiền.
Nghĩ ra, đối với những hạng cho vay hút máu của dân chúng, những hạng làm giàu bằng mọi lối tham ô, nhũng lạm, đối với họ dù có phá cái túi tham tàn, lấy đồng tiền tanh tưởi. để phụng sự một duyên cớ thiêng liêng, to tát cũng chẳng làm sao!
Thế nhưng Đảng tôi thì cấm chỉ việc ấy. Chỉ nghĩ rằng những việc ấy làm ra tất phải dùng đến tụi kẻ cướp. Mà tụi kẻ cướp thì có thể có những chuyện tàn bạo và lạm dụng. Cái đó sẽ mang tiếng lây đến Đảng. Một mặt thì những việc ấy tất phải có đồng chí chỉ huy. Nếu khi việc vỡ, thì người đồng chí ấy phải mất hết tất cả danh dự với con mắt quần chúng. Hy sinh tài sản, hy sinh tính mệnh, được! Thế nhưng bắt hy sinh đến danh dự, cái đó cũng thấy cực lòng cho các anh em.
Tuy Đảng có lệnh cấm, nhưng hình như trong vòng bí mật, Anh Học vẫn làm. Một là để làm tiền. Hai là tập cho đồng chí tinh thần phấn đấu, tinh thần mạo hiểm. Chứng cớ là một hôm anh sai tôi phải tìm nơi giấu một đồng chí vừa mới can vào một vụ cướp ở Ninh Bình.
Anh bảo tôi:
- Gởi anh ra khách sạn Nam Lai, buồng số 4, gõ cửa rồi lấy ngón tay trỏ đặt trước miệng làm hiệu. Anh dặn người ấy ở yên đấy, và sớm mai đi với anh lên Hòa Bình bằng ô tô hàng. Đến nơi, anh đem anh ta sang ngồi ở một cái hàng nước ở chợ Phương Lâm bên kia sông. Rồi anh lộn sang dinh Tuần Phủ Hòa Bình, nhờ ông ta che chở hộ cho đồng chí ấy.
Tôi đáp:
- Nhưng tôi không quen ông Tuần Phủ ấy. Họ lại trói cổ cả hai đứa lại thì chết cha!
Anh Học cười:
- Ông ta là người tốt, và biết tiếng anh qua các sách báo. Tôi đã cho điều tra, biết ông ta rất mến anh và ao ước được biết mặt anh. Vì thế mà tôi phải sai anh việc này. Anh liệu đó mà tùy cơ ứng biến.
Tôi đã làm theo lời Anh, vì đó là một mệnh lệnh mà tôi phải phục tòng tuyệt đối!
Dọc đường lên Hòa Bình, chúng tôi không nói với nhau câu nào cả. Tôi ngắm phong cảnh miền chung quanh: bãi cát trắng; dòng sông xanh; những hàng cây chênh chếch trên sườn núi; những túp nhà nho nhỏ chen trong các đám lá rừng; tất cả như một bức tranh Tàu dưới một ngọn bút tài tình của một danh thủ.
Khi đến trước dinh Tuần Phủ, tôi nghĩ: nếu lễ phép với người lính canh cửa, có lẽ không được việc. Tôi dùng một thủ đoạn nhỏ: ngồi trên xe, tôi vênh mặt nhìn trời, và cắp cái danh thiếp vào hai ngón tay mà vẫy người lính.
- Này bác! Cầm cái này đưa vào cụ, nói có tôi ở Hà Nội lên chơi!
Trúng kế, người lính khúm núm, hai tay đỡ danh thiếp đưa vào. Ba phút sau, ông Tuần Phủ Quách Vy hớn hở chạy ra. Ông kéo tôi ở trên xe xuống, khoác tay tôi dắt vào công đường.
Tôi vội vàng nói với ông:
- Chúng tôi có việc cần kíp, xin cho vào buồng riêng để tiện thưa chuyện.
Vào buồng riêng rồi, ông ngơ ngác hỏi tôi:
- Việc gì? Ông cứ dạy.
Tôi đáp:
- Thưa cụ, chúng tôi có người anh em, hiện bị chính phủ truy nã rất gấp. Giờ đem lên nhờ cụ che chở hộ.
Ông Quách trầm ngâm rồi hỏi:
- Thế ông bạn ở đâu?
- Ở bên chợ Phương Lâm.
Ông bèn gọi một người lính Mường, nói với họ một hồi tiếng Mường. Rồi quay lại bảo tôi:
- Ông sang bên chợ, bảo ông bạn đi theo tên lính này. Nhưng đi cách xa nhau chừng vài trăm thước. Tôi đã dặn nó dừng lại chờ ở một quãng vắng, đưa ông bạn vào trong đồn điền tôi. Ở đấy, có thể yên tâm không lo ngại gì! Xong việc, ông về đây chơi với tôi…
Tôi vâng lời, vội vàng quay ra. Rồi lại vội vàng quay về. Đêm hôm ấy, ông Quách đã phát thệ trước mặt tôi, vào Việt Nam Quốc dân Đảng.
Và năm sau, gặp nhau ở Côn Đảo, tôi mới biết người đồng chí mà tôi đem gửi ông Quách, tên là Ba Phang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét