Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Sức mạnh con gái

News Oct 21, 2013 at 7:50 pm
fazi0913
Nguyễn đạt Thịnh
Người con gái nói với vài trăm nhân viên làm việc tại Ngân Hàng Thế Giới, Hoa Thịnh Đốn, “Tôi rất hãnh diện được là một người con gái, vì tôi ý thức được những người con gái chúng tôi đủ mạnh để thay đổi cuộc diện thế giới;” câu nói khiến cử tọa sững sờ, bất ngờ trước lập luận đơn giản mà vô cùng mạnh, họ lặng đi, rồi la òa lên, vỗ tay tán thưởng. Chuyện xẩy ra tuần vừa rồi, hôm thứ Sáu 11 tháng Mười.
Người con gái đó tên là Malala Yousafzai; tháng Mười năm ngoái cô bị bắn trong giờ cô tan trường về; một tên khủng bố Taliban leo lên chiếc school bus đậu trong sân trường, đang chờ cho đủ số học trò đưa đón hàng ngày, rối mới chuyển bánh; hắn bắn vào đầu cô để thi hành bản án tử hình mà một phiên tòa Taliban đã xử cô. Họ giết cô vì cô phạm tội “cắp sách đến trường”, việc làm đi ngược lại giáo điều của đạo Hồi, và đang khiến nhiều thiếu nữ Pakistan khác làm theo.
Ký giả Haq Nawaz Khan viết, “Nếu trước phút hành quyết người Taliban cho tử tội được nói câu cuối cùng, có lẽ Malala đã nói, ‘các ông cứ giết tôi đi, nhưng các ông cũng phải biết, tôi chỉ muốn con trai, con gái của các ông được cắp sách tới trường.’”
Bác sĩ Jim Yong Kim, giám đốc World Bank -Ngân Hàng Thế Giới- kể lại câu chuyện trao đổi giữa ông và Malala; ông hỏi Malala sao không học nghề thuốc như ông, mà lại lăn vào làm chính trị ở cái tuổi mà cô còn phải ngồi trên ghế trường trung học.
Malala trả lời, “làm bác sĩ ông chỉ cứu sống được một cô gái bị khủng bố bắn như tôi; tôi muốn làm cho khủng bố không còn bắn ai được nữa.”
Cô nói với cử tọa, “Nếu giáo điều khủng bố có khả năng thuyết phục con người chấp nhận đến cả cái chết để lái xe bom, thì giáo dục cũng đủ hùng biện để thuyết phục con người yêu thương nhau trong hòa bình.”
Tin tưởng mãnh liệt này chỉ có thể đến từ một thiếu nữ Ả Rập; cô biết rõ giáo điều Hồi Giáo như cô biết giáo điều của đạo Yêu Thương, mà cô học được trong sách vở. Việc cô yêu thương sách, thích đọc sách không còn là một bí mật đối với bất cứ một ai.
Diễn đàn cô được mời thuyết trình là World Bank -một cơ cấu Liên Hiệp Quốc; và Liên Hiệp Quốc cũng đang chủ trương phong trào Girl Up -Thiếu Nữ Đứng Lên- khuyến khích thiếu nữ thế giới đứng lên nhận lãnh cả trách nhiệm lẫn vận hội lãnh đạo mọi sinh hoạt của thế giới.
Một thành viên của phong trào Girl Up, cô Ingrid Braun, 16 tuổi, nữ sinh trường Madeira School, bang Virginia, nói, “con gái Mỹ chúng tôi quen sống với nhiều tiện nghi, nhiều vận hội; chẳng bao giờ tôi hình dung được nỗi nguy hiểm bị giết, chỉ vì đi học.” Nữ sinh trường Madeira viết thiệp chúc lành gửi Malala ngày cô còn nằm bệnh viện trị vết thương hành quyết. “Dĩ nhiên tôi không bao giờ can đảm được như Malala,” Braun nói.
Nữ sinh Elizabeth Macrides, 17 tuổi, trường Georgetown Visitation School, nhận định, “Taliban tìm cách giết Malala, mà Malala có đi trốn đâu.” Ý cô nữ sinh 17 này muốn so sánh thái độ tiếp tục đấu tranh của Malala với cuộc đi trốn của nhà văn Salman Rushdie năm 1988, khi ông viết tác phẩm The Satanic Verses, đụng chạm đến thánh Muhammad của Hồi Giáo, bị lên án tử hình, và đi trốn để không bị ám sát.
Malala không trốn; cô còn viết sách -viết quyển “I Am Malala”- và cô đến Hoa Kỳ để giới thiệu tác phẩm của cô với độc giả Mỹ.
Quyển sách cô viết khiến cô vừa nhận được bản án tử hình thứ nhì; quân Taliban cũng cảnh cáo mọi tiệm sách là họ sẽ phá nổ bất cứ tiệm nào bầy bán quyển “I Am Malala”. Lời đe dọa nghiêm trọng đến mức World Bank phải áp dụng nhiều biện pháp an ninh, kể cả việc sử dụng chó ngửi thuốc nổ, trong buổi họ mời Malala đến thuyết trình.
Hôm thứ Sáu 11 tháng Mười, cô chiến sĩ văn hóa 16 tuổi, không chỉ diễn thuyết tại World Bank thôi, tối hôm đó tổ chức Politics & Prose bookstore, mời cô đến thuyết trình tại trường Sidwell Friends School.
Cũng vẫn ngày hôm đó, Malala còn được mời vào Bạch Cung gặp gia đình tổng thống Obama; đệ nhất phu nhân Michelle, và trưởng nữ Malia đến phòng Bầu Dục tiếp Malala.
Trong bản thông báo sau đó, Bạch Cung viết cảm ơn cô đã nêu gương bất khuất trong cuộc chiến đấu văn hóa tại Pakistan.
Truyền thông toàn cầu gán cho cô cái biệt danh the bravest girl in the world -người thiếu nữ can đảm nhất thế giới. Cô được đề nghị lãnh giải Hòa Bình Nobel, nhưng ban tổ chức giải Nobel đã trao giải này cho toán chuyên viên đang hoạt động tại Syria để giải giới những vũ khí hóa học của quân đội nước này.
Phát ngôn viên Shahidullah Shahid của lực lượng Taliban ca tụng quyết định không trao giải Hòa Bình cho Malala là “very good news” -một bản tin rất tốt- vì “ban tổ chức đã sáng suốt không trao giải cho một đứa trẻ chưa trưởng thành.”
Obama nhận định, “Rồi sẽ đến ngày mà những thiếu nữ trẻ hôm nay, đứng lên nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo xứ sở họ. Họ sẽ đem lại những thay đổi mà giờ này chúng ta mới chỉ mơ ước. Nhưng ngay bây giờ chúng ta cần bảo vệ quyền tự do mơ ước của họ.”
Bác sĩ Kim khuyến khích thanh niên, thiếu nữ gửi thư đặt câu hỏi để Malala trả lời; một cậu học sinh hỏi, “có bao giờ cô mơ ước được là một cậu con trai, để ít bị ràng buộc hơn, không?” Malala đáp, “Là con gái, tôi có bị ràng buộc gì đâu; tôi không xin những tiện nghi sang trọng cho các cô gái đang sống trong đại gia đình với cha, mẹ; tôi chỉ xin quý vị phụ, huynh đừng cắt cánh ước mơ của đứa con gái. Xin để mặc chúng tôi mơ ước như những người anh, những đứa em trai của chúng tôi được tự do mơ ước. Là con gái, chúng tôi cũng vẫn là con người.”
Phê bình quyển I AM MALALA, tờ Washington Post viết, “quyển sách không chỉ lôi cuốn người đọc bằng tấn thảm kịch sống tác giả đã oai hùng trải qua, mà còn làm người đọc say mê với giấc mơ thật đẹp mà cũng thật vĩ đại của tác giả.”
Houston, thành phố tôi đang sống, cũng có vô số Malala Việt Nam; thành tích của họ còn oai hùng hơn cuộc đấu tranh của cô gái Pakistan. Nhiều cô bác sĩ, hai chục năm trước, ngày còn trong tuổi Malala, đã từng ngồi khóc bên bờ Biển Đông, buồn, giận vì vượt biển hàng chục lần, lần nào cũng bị Việt Cộng đón bắt; nhưng khóc xong, các cô lại đứng vùng dậy, gạt nước mắt bước xuống biển lần thứ 11.
Quân khủng bố Taliban chỉ bắn Malala có một lần, trong lúc quân khủng bố Việt Cộng bắt nhốt những Malala Việt Nam hàng chục lần. Nhưng các cô vẫn bất khuất, vẫn đến được xứ sở của tự do học hỏi, để thành tài và để tiếp tục tranh đấu giúp thế hệ đàn em hiện đang vượt thoát, đang tiếp tục thực hiện cuộc bỏ phiếu bằng chân kéo dài đã 38 năm để tố cáo chế độ đười ươi Hà Nội.
Nguyễn đạt Thịnh
- See more at: http://thoibao.com/2013/10/21/suc-manh-con-gai/#sthash.7UzE5cqj.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét