Khoảng năm 1985, khi nhà văn Ðỗ Tấn bị bạo bệnh qua đời tại Sài Gòn, tôi là người có nhiệm vụ đi đăng cáo phó cho anh. Lúc bấy giờ trong thành phố đã đổi tên chỉ có một tờ nhật báo của chế độ mới, đó là tờ “Sài Gòn Giải Phóng.” Sau khi xem qua bản cáo phó viết tay của tôi mang đến, chắc là thấy cái tên người chết có vẻ lạ, nhân viên tòa báo trả lại tờ giấy cho tôi và nói:
-Ông này có ở trong Hội Nhà Văn không và nếu có, cho tôi xem giấy chứng nhận, tôi mới đăng được!
(Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Tôi đành mang tờ cáo phó ra về. Trong chế độ này tất cả những thứ như nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo nhân dân, thậm chí là anh hùng cũng phải được “Nhà Nước” phong tặng, có văn bản đàng hoàng, nói chung là Ðảng và nhà nước giành quyền ấn định danh xưng cho nhân dân.
Trong chế độ này, muốn trở thành nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ phải mang giấy chứng nhận có con dấu của đảng, duy chỉ có một cái giấy chứng nhận cần thiết không nghe ai nói đến là giấy chứng nhận làm người.
Chẳng bù với đời sống ở hải ngoại này, ai muốn có danh xưng nào tùy thích chọn lựa, không hề bị ai hạch hỏi. Một người không biết nói, biết hát, biết đàn, biết vẽ, biết làm thơ viết văn... có thể tự nhận mình là... nghệ sĩ.
Có lần, tôi được giới thiệu với một vị cao niên tình cờ gặp trong quán cà phê, vị này nhoài mình về phía tôi và đưa tay bắt, tự giới thiệu:
- Tôi là nhà thơ XYZ.
Ở trong cái thành phố nhỏ “đi dăm phút đã về chốn cũ,” bằng cái lỗ mũi này cái tên nhà thơ này thật tình tôi chưa hề nghe. Nghe nói năm ngoái ông có in một tập thơ, tôi nghĩ như vậy tác phẩm, ở hải ngoại này có thể thay giấy chứng nhận của đảng. Ông cũng có tên trong tác phẩm thi ca “1,000 thi sĩ ở Hoa Kỳ” mà mỗi thi sĩ tự đóng tiền, góp ấn phí, để đem về 50 tập thơ bằng tiếng Anh tặng cho bạn bè.
Trong các loại danh xưng, bác sĩ được xếp loại cao nhất, vì vậy không ai thích gọi mình là dược sĩ, nha sĩ mà muốn gọi là bác sĩ nha khoa, bác sĩ dược khoa, bác sĩ y khoa, thậm chí ngành “Vision Optometry” hay Optician (chuyên viên quang học - đo mắt và cho độ làm kính) cũng được gọi là bác sĩ mắt thay vì Ophthalmologist mới được gọi là bác sĩ nhãn khoa có thể chữa hay giải phẫu các bệnh về mắt.
Danh xưng bác sĩ phải ghi trước tên là Dr. và sau là MD như “Dr. Trần Văn A, MD.” cũng như trong trường hợp “Bác Sĩ Nguyễn Văn B, MD.”
Nhiều vị bác sĩ dùng tước vị như là một danh xưng ở ngôi thứ nhất. Trong nhiều chương trình quảng cáo cho các phòng mạch y khoa hay sản phụ khoa, chúng ta thường nghe nhiều vị bác sĩ thường dùng tiếng “Bác Sĩ” thay cho tiếng “Tôi” ở ngôi thứ nhất số ít như “Bác sĩ nói cho em nghe... Bác sĩ khuyên bà nên dùng...” Gọi bệnh nhân gọi vào chương trình hội thoại bằng “em” đã khó nghe, dùng danh xưng bác sĩ thay cho “tôi” hay “chúng tôi” là điều chỉ thấy trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại.
Trong các tiệm ăn ở gần các bệnh viện, thỉnh thoảng chúng ta thấy nhiều vị bác sĩ, y tá, hoặc nhân viên y tế, mặc đồng phục của bệnh viện ra ăn trưa, nhiều vị bác sĩ còn mang cả ống nghe trên cổ, nghề y quả bận rộn, vất vả!
Danh xưng giáo sư nhiều người cho rằng chỉ dùng cho giáo sư đại học, nhưng thời VNCH, dạy trung học đã được gọi là giáo sư, vì có ngạch trật là giáo sư trung học. Hiện nay người ta dùng danh xưng giáo sư quá nhiều, nên rất khó phân biệt là giáo sư trung học (có bằng Tú Tài II, tốt nghiệp Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội, Ðại Học Sư Phạm 3 năm, hay ÐHSP Cấp Tốc 1 năm hay GS Ðại học có bằng thạc sĩ, tiến sĩ trở lên, có vài ngành chỉ cần có cử nhân.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, có nhiều nghề được quý trọng và nhân gian thường gọi bằng thầy như thầy địa, thầy bói, thầy tử vi, thầy bói dịch, thầy tu, thầy tụng, thầy cúng, thầy chùa, thầy dùi, thầy dạy nhảy... nhưng nếu diễn nghĩa chữ “thầy” ra “giáo sư” như một vài trường hợp chúng ta thường gặp trên báo chí như giáo sư khiêu vũ, giáo sư phong thủy, giáo sư cố vấn, giáo sư bói toán nghe khá chướng tai.
Trong các chương trình talk show trên TV, chúng ta thường thấy các danh xưng có vẻ kiêm nhiệm: “giáo sư-nhà văn.” Hai danh xưng này cái gì quý hay lớn hơn cái kia. Nếu chỉ là một chương trình hội thoại về văn chương, thì nghề giáo sư dạy toán ở trung học không cần thiết phải đưa lên màn ảnh TV hay nhờ xướng ngôn viên giới thiệu về mình. Một bài biên khảo về y học được ký dưới tên một bác sĩ là đúng, nhưng một bài thơ hay một truyện ngắn, mà tác giả cố đem vào trước tên mình cái danh xưng giáo sư hay bác sĩ là không cần thiết.
Danh từ Viện trong tiếng Hán Viện dùng để chỉ một nơi có tường thành bao bọc như tu viện, viện Hán Học, kỹ viện, nhưng ngày nay người ta lạm dụng tiếng viện dành cho một tiệm uốn tóc chỉ có vài ba người thợ, gọi là thẩm mỹ viện hay viện uốn tóc thật không ổn. Mong rằng rồi đây sẽ không bao giờ có những viện sửa xe hơi, viện dry clean, viện food to go... ra đời.
Về các cấp bậc trong quân đội trước năm 1975 ở miền Nam, nhiều câu nói khôi hài cho rằng, chúng ta tan hàng nhưng phòng thăng thưởng nhân viên là vẫn còn tồn tại. Bằng chứng là nhiều vị vào lúc tan hàng chỉ mang cấp bậc đại úy, nay ra hải ngoại không còn quân đội đã 38 năm mà nay được gọi là thiếu tá. Nhiều người chỉ có cấp bậc trung tá ngày trước, được thuộc cấp hay bạn bè nịnh hót gọi đại tá, lâu ngày nghe quen tai, thay vì một lời cải chính, thì lại “im lặng là nhận lời,” đôi khi tưởng mình là đại tá thật.
Nhiều vị lại quá “khiêm nhường” chỉ mới đại úy nhưng cho mình xứng đang mang cấp bậc thiếu tá trong các buổi lễ hay tự xưng, với lý do cùng giống nhau là đã có giấy tờ (ai chứng minh) vào những ngày cuối tháng 4-1975 nhưng “chưa kịp gắn lon,” cho nên bây giờ tôi “khiêm tốn” tự gắn cấp bậc mới cho mình.
Ðó là chưa nói đến chuyện nhiều vị vẫn thích mặc đồng phục, mang cấp bậc thiếu tướng, đại tá của một đơn vị không có trong tổ chức của Quân Ðội Mỹ cũng như Quân Ðội VNCH, kể cả gắn sao lên xe hơi của mình. Ðây thật sự là xứ tự do!
Dù là một Phật Tử, thú nhận tôi cũng chưa rành về các danh xưng của quý thầy, nên hồi ở TTHL Quang trung, tôi bị ông Thượg Tọa Trưởng Phòng Tuyên Úy Phật Giáo “cự” vì nhân viên biên tập đã ghi nhầm danh vị của ông là Ðại Ðức thay vì đúng là Thượng Tọa. Cách đây gần 10 năm, khi viết loạt bài “Chân Dung Một H.O.” cũng vì tưởng lầm Thượng Tọa là danh vị cao nhất (ngồi trên) tôi đã bị Hòa Thượng Hạnh Ðạo “mắng yêu:” - “Ông Huy Phương, ông hạ chức của Thầy rồi!”
Nhiều danh xưng thiếu tự trọng và thiếu đức khiêm cung mà chúng ta vẫn thường nghe quảng cáo như “Ðệ Nhất MC,” hay “Lương Y Nguyễn Văn X., chuyên chẩn bệnh, bốc thuốc”... Người đi hát có thể gọi là ca sĩ, nhưng không thể tùy tiện nhận mình là danh ca.
Ở tiệm bán đồ lưu niệm và khắc chữ “Things Remembered” công khắc phải đếm, tính từng chữ một.
Ở bia mộ khi chúng ta qua đời, cũng vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét