Có khi "khôi hài" đến mức, như ngành y tế (Bắc Ninh) có 'thầy thuốc ưu tú' bị phạt tù, vì vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Câu chuyện y đức vốn đã nóng từ suốt đầu năm nay, đặc biệt mỗi kỳ họp QH. Nhưng mỗi vụ việc xảy ra có nên chỉ xem là một "lát cắt" hay chính là sự chắp nối, phát triển tất yếu của vấn đề y đức suy thoái chưa có lời giải.
Ai chọn ai?
Đạo hạnh là sự hài hòa giữa đạo đức và hành vi - là việc làm đúng xuất phát từ cái lương tâm trong sáng của con người. Một người 'đạo hạnh' cũng có thể coi như đã tu thành 'chính quả' trong cuộc đấu tranh, lựa chọn giữa đúng- sai, thiện - ác trong 'thế tục bụi trần'.
Đạo đức, luôn là một đặc trưng về nhân cách của con người, là kết quả tiếp thu giáo dục và tự điều chỉnh, bằng sự gương mẫu của cha mẹ (gia đình) thầy cô giáo (nhà trường) luật pháp (thể chế chính trị), dư luận (xã hội) và đời sống 'tâm linh' (truyền thống dân tộc). Đạo đức cũng cần được nuôi dưỡng, trong môi trường làm việc 'sạch sẽ', còn 'rao giảng' về đạo đức, chỉ có thể làm thay đổi hành vi của con người, trong chừng mực nhất định.
Sự hài hòa giữa đạo đức và hành vi, của mỗi cá nhân (đạo hạnh), luôn được đề cao trong mọi nghề nghiệp. Nhưng, đối với những nghề nghiệp đặc biệt, liên quan trực tiếp tới việc hình thành, phát triển về nhân cách, đạo đức và sức khỏe, sinh mạng của con người, thì 'đạo hạnh' trở thành một 'đòi hỏi' của dân chúng.
Ảnh minh họa |
Y đức cũng là sự hài hòa, giữa đạo đức và y thuật, là 'đạo hạnh' của người thầy thuốc, trong hành nghề trị bệnh cứu người. Ngay từ thời Khổng Tử, y đức cũng đã được xem như là một chuẩn mực của đạo đức xã hội. Đây là những tiêu chuẩn về đạo đức cho việc hành nghề y, được các thành viên tự nguyện chấp nhận.
Mỗi người đi vào nghề y với những lý do khác nhau. Ngày xưa, việc truyền nghề cho ai là do người thầy lựa chọn, cũng như việc chọn ai làm thầy cũng là của các trò. 'Tầm sư học đạo', học trò theo thầy học y thuật, cũng học ở thầy đức độ. Đạo hạnh là cái 'căn' của người làm nghề y.
Học y để làm... kinh tế?
Đã có nhiều lý giải khác nhau, về nguyên nhân của đạo đức xã hội suy vi, trong đó có y đức suy thoái. Các thầy thuốc cũng là một trong nhiều sản phẩm, của một 'nền giáo dục'. Trước khi trở thành những sinh viên trường y, rồi trở thành những thầy thuốc, từ bậc học phổ thông, thời thơ ấu, 'đạo hạnh' của thầy cô giáo luôn là 'mẫu mực' cho sự hình thành, phát triển nhân cách, đạo đức của học trò, trong đó có các thầy thuốc.
Mỗi một ngành nghề, đều đòi hỏi con người những tố chất nhất định, phù hợp với những đặc trưng của nghề nghiệp. GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; đã nói về vấn đề 'tố chất' và suy thoái y đức cũng như việc tuyển chọn sinh viên y như sau:
"Việc suy thoái y đức là vì một bộ phận thầy thuốc không xác định được những tố chất cần có của người thầy thuốc và phải rèn luyện theo những tố chất đó. Trong đó tố chất quan trọng nhất khi đã xác định bước vào ngành y phải đặt tính mạng, sức khỏe của người bệnh lên trên quyền lợi của mình"...
Cùng đó, việc tuyển chọn người vào học ngành y cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có nơi làm ào ào. Ngày trước, vào thời của chúng tôi, để tuyển được vào học ngành y, chúng tôi phải tới tận nhà thanh niên đó xem họ đối xử như thế nào với cha mẹ, cũng như với mọi người xung quanh và phải được thầy giáo nhận xét công nhận có đạo đức tốt mới tuyển. Và mỗi cán bộ được phân công về địa phương chỉ tuyển hai ba chục cháu và phải xác nhận vào lý lịch của học sinh trước khi tuyển".
Mới đây trong kỳ thi tuyển sinh, thủ khoa của một trường đại học y danh tiếng bậc nhất nước nước ta, không muốn thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, với nguyện vọng được học để ra trường có điều kiện làm kinh tế giúp đỡ gia đình. Dù đây là nguyện vọng rất chính đáng, nhưng việc vào học nghề y với mục đích rất rõ ràng, là làm kinh tế thì cũng là vấn đề rất phải suy nghĩ về động cơ của người thầy thuốc.
Nhưng hiện nay, có vô vàn các kiểu ăn của ngành y mà diễn đàn Quốc hội đã mổ xẻ.
Giáo dục về y đức
Giáo sư Phạm Mạnh Hùng,cũng nói về việc giáo dục y đức hiện nay như sau:"Hiện nay, việc giáo dục y đức cho y bác sĩ ngay từ lúc còn ngồi ghế nhà trường đã bị lơ là. Cách giáo dục mang tính khô khan, lý thuyết, thiếu hấp dẫn. Cùng với đó việc thực hành cũng không gương mẫu, thầy làm thế nào trò theo như vậy".
Còn trong thực tiễn, có khi "khôi hài" đến mức, như ngành y tế (Bắc Ninh) có 'thầy thuốc ưu tú' bị phạt tù, vì vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Nếu thời gian tới đây, ngành y làm tốt hơn công tác chống tham nhũng, có lẽ lại có nhiều... 'thầy thuốc ưu tú' cũng như vậy.
Ở tỉnh Bắc Giang, có 'thầy thuốc ưu tú' là bác sĩ, chuyên khoa Vệ sinh, phòng dịch, nhưng các đề tài nghiên cứu khoa học trải khắp các chuyên khoa: từ Mắt, Tai- Mũi- Họng, Răng- Hàm- Mặt, Hô hấp, Nội tiết, đến Sản phụ khoa. Trong quản lý, vi phạm hầu hết các văn bản pháp luật do chính Bộ Y tế ban hành, qui định về tổ chức, cũng như hoạt động của bệnh viện công lập.
Những sai phạm này diễn ra trong thời gian dài, nhưng vị 'Thầy thuốc ưu tú' này vẫn còn "rinh được" cả danh hiệu 'Cá nhân điển hình tiên tiến, học tập, và làm theo, tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh', mà không cần bất kỳ một tập thể nào bầu chọn và đề nghị. Sự việc trên đây, vẫn đang được một số quần chúng, đảng viên, ở đơn vị này tiếp tục gửi đơn thư tới các cơ quan đảng, chính quyền, yêu cầu làm rõ và xử lý nghiêm.
Y đức suy thoái là một sự thật, nguyên nhân thì nhiều, vì vậy lại trở thành... không rõ? Mới đây, Bộ trưởng Y tế vẫn cho rằng 'phong bì' chỉ là 'con sâu bỏ rầu nồi canh', và ranh giới mong manh giữa cám ơn do mang ơn, hay đó là nhũng nhiễu (y đức) như đã được Bộ trưởng Y tế "phân định" -'phong bì giản nghĩa', chỉ càng làm cho hình ảnh ngành y tế, trong ánh mắt người dân thêm 'biến dạng', 'méo mó'.
Vụ việc bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai chủ cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường đang gây cơn 'địa chấn' trong dư luận về y đức, lần đầu tiên Bộ Y tế đã có lời xin lỗi nhân dân. Nhưng xin lỗi để làm gì và xin lỗi về vấn đề gì, đạo đức của riêng cá nhân bác sĩ hay trách nhiệm quản lý ngành y tế?
Nhắc lại số phận của con tàu Titanic. Nó đã bị gãy làm đôi và chìm trong một đêm tối giá buốt giữa Đại Tây Dương. Tai nạn khủng khiếp xảy ra, không phải do nó bị quá tải trọng với những gì mang theo so với thiết kế, mà là một sự quá tải khác- quá tải với chính kiến thức, trình độ và kinh nghiệm của người thuyền trưởng.
Bản lĩnh tài năng trách nhiệm của người đứng đầu vẫn mãi là câu chuyện thời sự.
Bác sĩ Nguyễn Văn Soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét