Tqvn2004
Trong thời đại Internet, bạn không cần phải nhớ hết mọi thứ: Đó chính là ý tưởng phía sau câu ca dao hiện đại “Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra Guc' gồ”. Biết cách tìm kiếm hiệu quả trên Google chính là chìa khóa thành công của bạn. Mười điều cần biết sau đây sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức khi dùng Google:
1. Hãy tận dụng dấu ngoặc kép: Khi bạn bao một nhóm từ bằng dấu đóng mở ngoặc kép, Google sẽ tìm các văn bản chứa chính xác nhóm từ đó. Với dấu ngoặc kép, bạn sẽ loại bỏ được nhiều kết quả không mong muốn. Ví dụ, bạn muốn tìm bài viết mà bạn nhớ có cụm từ “phong cách sống rất hiện đại”, hãy gõ vào Google [“phong cách sống rất hiện đại”] (trả về 5 kết quả) thay vì [phong cách sống rất hiện đại] (trả về hơn 5 triệu kết quả).
2. Tìm kiếm trong một trang web nhất định: Thêm vào từ khóa “site:” sẽ khiến Google chỉ tìm kiếm trong trang web đó. Ví dụ, gõ vào Google [“tham nhũng” PMU18 site:danluan.org], bạn sẽ tìm thấy tất cả các bài viết liên quan đến tham nhũng tại PMU18 ở trang Dân Luận.
3. Ký tự ‘*’: Nếu bạn chỉ nhớ láng máng lời một bài hát, bạn có thể dùng ký tự ‘*’ thay thế cho đoạn bạn quên. Ví dụ, gõ vào Google [“tình * côi”], bạn sẽ tìm thấy “tình đơn côi”, “tình mồ côi” hay “tình hoa mận côi” v.v…
Bạn cũng có thể dùng ký tự ‘*’ để hạn chế kết quả tìm kiếm. Ví dụ, bạn muốn tìm thông tin về học bổng, vậy hãy chỉ tìm các bài có chữ “scholarship” trên các trang web có đuôi là .edu: [scholarship site:*.edu]
4. Tìm kiếm kết hợp: Google luôn tìm trang có chứa tất cả các chữ mà bạn gõ vào ô tìm kiếm. Nếu muốn tìm trang có chứa từ này hoặc từ kia hoặc cả hai, hãy dùng từ khóa “or” (hoặc viết tắt bằng dấu “|”). Ví dụ, gõ vào Google [“Việt Nam” | “Đại Cồ Việt”] sẽ trả về các trang có chứa “Việt Nam”, “Đại Cồ Việt”, hoặc cả hai.
5. Tìm kiếm loại trừ: Nếu bạn muốn loại bớt “nhiễu” từ kết quả tìm kiếm, bạn có thể dùng từ khóa ‘-‘. Ví dụ, gõ vào Google [“Việt Nam” –“Đại Cồ Việt”], kết quả trả về sẽ chỉ chứa các trang web có từ ghép “Việt Nam” mà không chứa “Đại Cồ Việt”.
6. Tìm ngược liên kết: Từ khóa "link:" sẽ cho bạn tìm hiểu những trang web nào liên kết tới một địa chỉ bạn quan tâm. Ví dụ, gõ vào Google [link:danluan.org], bạn sẽ biết có bao nhiêu trang liên kết tới Dân Luận.
7. Tìm các dạng tập tin khác nhau: Bạn muốn tìm một tài liệu về “Hồ Chí Minh” mà bạn biết chắc chắn nó nằm trong một tệp tin Word, hãy gõ vào Google [“Hồ Chí Minh” filetype:doc]. Sự có mặt của từ khóa “filetype:” sẽ lọc tất cả các loại tập tin không mong muốn. “filetype:pdf” trả về tập tin pdf, “filetype:doc” trả về tập tin Word, “filetype:xls” trả về tập tin Excel v.v…
8. Xem trang web từ cache của Google: Khi Google viếng thăm các trang web để tạo cơ sở dữ liệu tìm kiếm, nó cũng đưa các trang vào bộ nhớ của mình. Để xem trang web trong bộ nhớ Google, hãy dùng từ khóa “cache:”. Ví dụ, gõ vào Google [cache:danluan.org] sẽ thấy nội dung trang Dân Luận được ghi nhớ lại bởi Google.
9. Tìm kiếm theo vị trí trên trang web: Một trang web luôn có địa chỉ (url), tiêu đề (title) và nội dung (text). Nếu bạn biết từ cần tìm nằm ở địa chỉ hoặc tiêu đề, hãy dùng các từ khóa “inurl:” hoặc “intitle:” để yêu cầu Google chỉ tìm trong địa chỉ hoặc tiêu đề. Tương tự, “intext:” chỉ tìm trong nội dung trang mà không tìm trong địa chỉ và tiêu đề.
10. Làm toán với Google: Bạn cần làm một phép toán nhân chia, hoặc muốn chuyển đổi giữa các đơn vị? Hãy dùng Google: gõ vào [2*3=] để biết kết quả phép 2 nhân với 3, hoặc [300 feet = ? meter] để chuyển đổi giữa feet và mét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét