Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Sách “Nguyễn Thái Học (1902 – 1930)” của Nhượng Tống (kỳ 2)

Nhượng Tống là bút danh của Hoàng Phạm Trân (1904 – 1949), ông là nhà văn, nhà báo nhưng được biết đến nhiều hơn với vai trò một trong những yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng thời kỳ đầu. Nhượng Tống trước nhất là bạn đồng chí, sau là người đã chứng kiến cuộc đời tráng liệt của Nguyễn Thái Học – vị anh hùng hiếm có đã vượt trên được những tranh cãi ý thức hệ. Cuốn sách Nguyễn Thái Học (1902 – 1930) được viết dưới dạng tiểu sử, bao gồm 43 chương, xuất bản năm 1945 tại Hà Nội và trước 1975 có ba lần tái bản tại Sài Gòn. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách hiện nay được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France). Thông qua nội dung cuốn sách, độc giả hẳn sẽ thấy một Nguyễn Thái Học thực gần gũi với mình – ông không phải thiên thần và cũng không giống như thần trụ trời có thể dời núi ngăn sông chớp nhoáng, một thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn và cũng đắm say trong mối tình thơ như bao học trò khác ; nhưng cũng qua cuốn sách, chúng ta có thể tìm ra lời đáp cho một câu hỏi : Vì đâu mà Nguyễn Thái Học dám từ bỏ lối sống vô lo thường nhật để dấn thân vào cuộc đời sóng gió ?… BBT TTXVA trân trọng giới thiệu với quý độc giả !

BÀI LIÊN QUAN:

NTH&VNQDD1
NTH&VNQDD2
Sách Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân Đảng của tác giả Bạch Diện, in năm 1950 tại Hà Nội.

Chương XVI : Cụ Phan Bội Châu

Có nhiều người tưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng của chúng tôi là một ngành của Việt Nam Quốc Dân Đảng do cụ Phan Bội Châu lập lên khi cụ còn ở Tàu.

Kỳ thực thì khi ở Tàu, cụ Phan mới có cái chương trình lập lên Việt Nam Quốc Dân Đảng mà thôi. Còn sự thành lập của Đảng chúng tôi, thì như trên tôi đã kể.

Tuy vậy, bảo Đảng chúng tôi là con đẻ tinh thần của cụ cũng chẳng có sao!

Và chẳng những thế, chúng tôi còn tặng cụ cái tên danh dự chủ tịch, và mong cụ giúp đỡ hai việc :
- Một là nhờ cụ đứng ra, đem oai quyền đạo đức mà thống nhất các Đảng lại.
- Hai là nhờ về phương diện ngoại giao, vì cụ quen thân với các yếu nhân ngoại quốc: Khuyển Dưỡng Nghị, Cung Ky Di Tàng ở Nhật, Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ ở Tàu.

Vì vậy, hôm mồng 2 tháng 10 năm 1928 , Tổng Bộ đã cử ông Đặng Đình Điển vào Huế, để đạo đạt ý kiến anh em với cụ.

Hai ông già gặp nhau, rất là vui vẻ. Cụ Phan xin nhận là đảng viên của Đảng và nói: “Tôi già yếu thật, nhưng nếu còn có thể giúp ích được việc gì cho Tổ quốc, thì tôi xin hết sức phục tòng mệnh lệnh của anh em!”. Cuối cùng cụ giao cho ông Đặng tấm danh thiếp, phía sau đề bốn chữ “Khả dĩ đoạn kim”, phòng khi Đảng có phái người vào cụ thì cầm tấm thiếp ấy làm tin.

Đến cuối năm, ngày mồng 9 tháng 12, trong kỳ hội nghị bầu Tổng Bộ mới, nhân có việc định cử phái bộ ngoại giao sang Nhật và sang Tàu, Đảng liền cắt anh Học và tôi vào xin cụ viết cho mấy bức thư giới thiệu.

Tổng Bộ lần này là Tổng Bộ thứ ba, tổ chức theo điều lệ mới, gồm có hai ủy viên hội: Lập Pháp và Chấp Hành. Bên Lập Pháp, anh Nguyễn Khắc Nhu, hiệu Song Khê và tục gọi là Xứ Nhu làm chủ tịch. Anh Học làm phó chủ tịch. Bên Chấp Hành thì anh Nguyễn Thế Nghiệp đứng đầu. Về chương trình hành động, thêm ra một thời kỳ thứ tư là thời kỳ kiến thiết. Sau khi cách mệnh thành công, Đảng sẽ tổ chức một chính phủ cộng hòa, theo chủ nghĩa dân chủ xã hội.

Nhưng tôi hãy nói tiếp theo về việc cụ Phan Bội Châu.

Được lệnh anh em cử, tôi hẹn với anh Học mồng bốn Tết năm Kỷ Tỵ (1929) sẽ gặp nhau ở Hà Nội, rồi sẽ vào Huế.

Khi tới Hà Nội, tôi được tin tên Ba-gianh bị giết. Tôi đi tìm anh Học, mới biết đó là thủ đoạn của anh em trong Ám Sát Đoàn. Tôi bảo anh Học:
- Nếu vậy thì một mình tôi đi Huế thôi. Mệnh lệnh Đảng, cố nhiên phải phục tòng. Thế nhưng tôi bị bắt thì được, chứ Anh bị bắt thì không được! Đảng cần đến Anh hơn tôi.

Anh Học cho là phải. Chúng tôi liền uống với nhau một bữa rượu tiễn hành. “Ai hay vĩnh quyết là ngày sinh ly”.

Đêm hôm ấy, hai tôi đã cùng nhau chuyện trò, cười, khóc suốt đêm. Và từ đấy, tôi không được gặp anh Học ở trong đời nữa!

Khi tôi vào Huế, tìm vào đến nhà cụ Phan thì người nhà cho biết cụ ra chơi Cửa Thuận. Tôi vơ vẩn ở bờ sông Hương, ngóng thuyền cụ trở về. Ánh trăng soi sáng những bông lau, bông sậy nở dọc hai bờ sông, cho tôi một cảm giác mơ hồ… Tôi làm một bài thơ đề là “Qua Huế, thăm cụ Phan Sào Nam, không gặp, có cảm”. Hôm sau tôi đã đem bài thơ ấy đưa trình cụ. Nguyên văn bài thơ :

Diễn âm:
Trục trục trường đồ phú viễn chinh,
Thương tâm khiếp kiến cựu đô thành!
Nhân lòng túy mộng trung sinh tử!
Địa lịch tang thương kiếp biến canh!
Bích thủy nạn tiêu vong quốc hận!
Thương tùng trường tác bất bình minh!
Mỹ nhân thiên mạt tri hà xứ?
Minh nguyệt, lô hoa, vô hạng tình!
Dịch nghĩa:
Tất cả đường trường dám quản công!
Thành xưa nhìn lại giục đau lòng!
Sống hay, chết mộng người bao kiếp?
Biến đổi, dâu thay đất mấy vòng?
Nhục rửa sạch đâu, sông lộn sóng?
Uất còn chứa mãi gió gào thông!
Cuối trời đâu tá con người đẹp?
Thổn thức ngàn lau ánh nguyệt lồng.

Cụ gặp tôi, tỏ vẻ rất vui mừng.
Trò chuyện suốt một buổi trời, đức độ của cụ khiến lòng tôi chứa chan cảm động. Cảm động nhất là đến bữa ăn, trên mâm chỉ có một dĩa lòng lợn, một bát canh rau, và một phạng gạo bầu, đỏ ối! Tôi cùng ngồi ăn với cụ để được nhiều thì giờ mà nói chuyện. Nói đến chuyện chia rẽ của các đảng trong nước, tôi thở dài:
- Khổ nhất là người ốm nằm đó mà các thầy lang cứ cãi nhau mãi về y án!…
Cụ khen câu nói hay và hứa sẽ điều đình cho các đảng được mau hợp nhất. Về việc ngoại giao, cụ hẹn hôm sau đến, cụ sẽ giao cho những bức thư cần cụ viết. Tiếng cụ to, sang sảng như vàng đá. Và mỗi khi đắc ý, cụ lại tự xưng tên và nói một câu bằng chữ Nho…
Trời đã muộn, tôi cáo từ lui chân. Cụ tặng tôi cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ viết bằng Hán văn, và vỗ vai tôi khi ra đến cổng ngoài:
- Thầy tỏ ra người làm được việc. Châu kỳ vọng ở thầy nhiều lắm!
Cố nhiên đó là một câu nói khuyến khích. Nhưng tội nghiệp! Tôi biết làm thế nào cho khỏi phụ những tấm lòng cha, anh, thầy, bạn mong chờ ở tôi?

Hôm sau tôi không được trở lại hầu cụ nữa, vì sở mật thám Huế đã đón tôi về Bắc rồi!

Tôi kể thêm ra đây câu chuyện một năm sau, anh em trong Đảng định đánh tháo đem cụ trốn ra ngoại quốc. Ấy là năm 1930. Anh Song Khê đã viết thư cho người đem vào trình cụ. Nguyên hồi xưa, cụ là bạn thân với cụ Cử Nội Duệ, thầy học anh Song Khê. Cái chí lớn của anh đã được lòng yêu của thầy và của cả bạn thầy. Cho nên được thư là cụ nhận ra ngay. Cụ rất mừng và rất vui lòng lại ra ngoại quốc để giúp việc ngoại giao cho Đảng. Về phần Đảng định dùng năm chiếc ô tô để đón cụ từ Huế qua Nam Quan! Đi đến đâu, sẽ sắp người cắt đứt dây thép, dây nói, và chặt cây, xếp đá ngang các ngã đường phía sau. Như vậy, quân địch dù có dùng ô tô để đuổi theo cũng không kịp.

Nhưng mưu đó đã không thành sự thực!
Và cụ đành ôm tấm lòng vì Đảng, vì nước, uất ức ở dưới Suối Vàng!

PhanBoiChau-OnggiaBenNgu
Cụ Phan Bội Châu (1867 – 1940) trong những năm bị giam lỏng tại Huế.

Chương XVII : Việc Ba-gianh

Ba-gianh là tên một nhà buôn Pháp.
Hắn buôn… Hắn buôn người mình sang làm phu bên Tân Thế Giới ! Sở mộ phu của hắn mở ở đường Chợ Hôm, Hà Nội. Chiều tối hôm ba mươi Tết Kỷ Tỵ (tháng Hai, 1929) khi hắn đi ô tô về đến trước cửa sở, thì có một thanh niên vận âu phục màu xám, đưa cho hắn một bức thư.
Kỳ thực thì đó là một bản cáo trạng mà tòa án cách mệnh kể tội hắn, và khép hắn vào tử hình. Trong khi hắn cầm lấy thư xem thì người ấy cầm súng sáu bắn hắn chết lăn xuống bên đường. Tiếng súng nổ lẫn với tiếng pháo nên chung quanh chẳng ai biết gì! Nhà hiệp sĩ làm việc xong, ung dung lên xe đạp phóng đi. Người tài xế của hắn thấy có sự không đẹp, phải nằm nép xuống bên xe! Đợi bóng kiếm đã bay xa mới dám mở mồm hô hoán.

Việc ấy làm dân các thành phố ăn Tết mất ngon, vì bắt bớ lung tung cả! Các cơ quan, các đồng chí của Đảng cũng bắt đầu bị khám xét, bị truy nã. Vậy ai là người hiệp khách đã ra tay xử tử Ba-gianh? Cái án ấy tới nay vẫn là một cái án ngờ, mà chính tôi cũng không biết rõ.

Cố nhiên anh Học bảo với tôi là người ở Ám Sát Đoàn. Chẳng những thế, hơn tháng trước, trong một buổi họp Ban Trị Sự ở đệ nhất chi bộ, anh Nguyễn Văn Viên có nói với các bạn, xin thông cáo hộ với Ám Sát Đoàn của Đảng, yêu cầu giúp cho Công Nhân Đoàn của anh coi, một khẩu súng lục. – Nguyên Đảng có tổ chức những đoàn phụ nữ, học sinh, công nhân, nông dân và binh sĩ, để làm hậu thuẫn cho Đảng. Việc trông coi các đoàn ấy do một đảng viên phụ trách. Số đoàn viên hội ấy nhiều gấp mấy đảng viên. Tôi hỏi về mục đích dùng khẩu súng ấy, thì anh nói để giết Ba-gianh. Anh Học có mặt ở buổi họp ấy, tôi liền bảo anh Viên nói riêng với anh Học. Vì anh Học là chủ tịch Trung Ương mới có quyền biết, mới có quyền chỉ huy. Chúng tôi chẳng những không được phép tò mò, mà cũng không được phép bàn luận nữa. Vậy tôi chỉ biết là anh Học, anh Viên có rõ việc ấy, nhưng thực không rõ người hạ thủ là ai? Anh Viên sau bị bắt, Thắt cổ chết trong Hỏa Lò. Có người trông thấy tụi ngục tốt vác xác anh mà quật mãi ở ngoài sân ngục! Sao mà chúng thâm thù anh như vậy? Họ bảo: Tại anh đã nhận chính mình hạ thủ, bắn Ba-gianh.

Dù vậy nữa, lời anh nhận cũng chả đủ làm bằng! Thì Lê-ông Sanh hồi trước cũng đã nhận liều là chính mình giết Ba-gianh! Anh Viên cũng có thể nhận liều như thế, hoặc vì sự tra tấn tàn khốc, hoặc vì anh định chết thay người khác. Lại có người bảo tôi là anh Lung, lại nói thêm rằng: “Ngay đêm ấy anh Lung đã về Việt Nam khách sạn, mà đốt bộ quần áo rấy máu”. Anh Lung sau bị đày ra Côn Lôn, và tha về được ít lâu thì mất. Còn chính anh Học thì cho tôi hay là: chính anh là người cho tiền người anh em ấy, để đi một nơi thật xa vắng! Vậy người anh em ấy là ai ?


Chương XVIII : Sau ngày bại lộ

Vì việc Ba-gianh, các đồng chí của Đảng ở khắp nơi bị bắt. Việc bắt bớ ấy khởi đầu từ 17 tháng 2 năm 1929. Kỳ thực thì mật thám biết có Đảng từ lâu. Nhưng theo một câu chân ngôn của tụi chúng: “để cho lan rộng, đăng đàn áp cho hay (laisser développer pour mieux réprimer)”, nên chúng cứ để ý dò xét, chứ không bắt vội. Có như thế, chúng mới được công trạng lớn! Chứ bắt một số ít người, làm vài cái án nhẹ, tụi chúng còn xơ múi gì! Nhưng đến khi ấy thì chúng không dám để nữa, vì để nữa thì có khi chúng đàn áp không nổi nữa. Tuy rằng đối với các yếu nhân trong Đảng tôi, chúng cho người canh cả đêm, dò từng bước, nhưng thực thì có thể nói rằng chúng chả biết gì cả! Có giở đến hồ sơ mình mà coi, mới biết những tờ trình của tụi thám tử tâng công phần nhiều là bịa đặt suốt từ đầu đến cuối! Không có các tay nội công, không bao giờ phá nổi một đảng cách mệnh. Mà Đảng tôi, cho mãi đến năm 1929, quả tình không có một tay nội công nào. Bảo các đảng viên chúng tôi hồi ấy có lẫn nhiều mật thám, hoàn toàn là một chuyện của kẻ xấu bụng đặt điều nói láo. Thế nhưng sau khi bị bắt rồi, thì có nhiều kẻ hoặc mong gỡ tội, hoặc sợ đau đòn, cam tâm làm những việc phản Đảng, nghĩa là tiết lộ bí mật của Đảng. Trong số đó phải chia ra ba hạng. Một là hạng nhận cho xong chuyện. Họ tuy nhận song vẫn cố sức giữ gìn cho đồng chí. Ví dụ: chi bộ mười người thì nói có ba. Trong ba người thì khai rõ có một, còn hai thì không rõ tên that và không biết rõ chổ ở. Hai là hạng nhận đúng sự that. Ấy là hạng mắc mưu mật thám, tưởng chúng đã biết hết cả, nên hỏi đâu nói đấy. Tuy vậy, họ còn có lương tâm là sẵn lòng chối những cái có thể chối được. Ví dụ, như anh Phạm Tiềm, khi chúng hỏi “Nhượng Tống có chân trong Đảng không?”. Thì anh đáp: “Tôi không biết”. Kỳ thực thì có phải Tiềm không biết thật đâu! Khốn nạn nhất là hạng thứ ba, ấy là hạng nhận cho kỳ hết, chẳng những mong cho khỏi tội, mà còn muốn tâng công! Hạng ấy, trong anh em bị bắt khi ấy chỉ có một đứa là Bùi Tiến Mai tức Thừa Mai. Ấy vậy mà chỉ một mình nó đã đủ làm hại cả Tổng Bộ và toàn hạt Thái Bình, vì hắn lại là đại biểu của Thái Bình cử lên Tổng Bộ. Xét ra hễ nơi nào có huấn luyện kém là nơi ấy thất bại dữ. Số bị bắt khi ấy hơn nghìn, cơ hồ toàn là đảng viên mấy tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Ninh cả. Các nơi khác: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Hà Đông, Quảng Yên, Kiến An, Thanh Hóa, vân vân, vì các đại biểu đã cố sức chịu đòn, không chịu nhận, khai gì cả, nên chúng không lần ra mối, anh em giữ được trọn vẹn. Mỗi tỉnh ấy chỉ bị bắt ít người do Thừa Mai khai ra, hay ngày thường mật thám đã chú ý đến lắm mà thôi.

Trong khi anh em bị bắt lung tung đó, thì anh Học cải trang mà trốn thoát, lúc thì Anh ăn vận lối thợ thuyền, lúc thì Anh ăn vận lối nhà quê. Có lúc đeo râu giả, dùng thẻ giả. Có lúc Anh lại đội khăn, mặc yếm, đóng bộ tịch đàn bà. Nhưng đi trốn như vậy, không phải mong yên thân khỏi tội đâu! Nếu Anh đảo qua về Hà Nội, là để nghe ngóng tin tức, sắp đặt công việc, và săn sóc anh em trong Hỏa Lò. Nếu Anh đi các tỉnh, là để lập thêm chi bộ, thu thêm đồng chí. Hay triệu tập Hội Đồng Tổng Bộ để bàn định phương châm, tiến hành công việc Đảng. Kỳ Hội Đồng Tổng Bộ thứ nhất sau khi bại lộ là do Anh và anh Song Khê triệu tập ở Lạc Đạo. Trừ mấy tỉnh đảng viên bị bắt hết ra, còn các nơi đều phái đại biểu về họp cả. Trong kỳ họp ấy, đại ý Anh nói:

- Hiện nay ở vài ba tỉnh số đồng chí đã bị bắt hết. Thế nhưng ở các tỉnh to, nhờ sự nhẫn nhục của anh em trong tù, anh em ở ngoài đều an toàn cả. Tinh thần của Đảng thế là vững vàng. Gan dạ như anh em thế là tỏ rõ. Lúc này là lúc ta cần phải bước vào thời kỳ phá hoại. Ngay trong năm nay, ta phải đạp đổ quyền hành của thực dân. Ở khắp mọi nơi, các binh đoàn, các chi bộ nhà binh mỗi ngày một thêm nhiều người mới. Ta có đủ sức đánh! Và ta phải đánh gấp! “Binh quý thần tốc”. Để lâu ra, bọn tướng lĩnh chúng nó để ý đến các võ trang đồng chí của ta thì việc càng thêm khó. Vậy, ngay từ giờ, trong nhà binh, anh em phải chú ý đến các phương pháp tấn công, các địa điểm lợi hại, để đợi ngày khởi sự. Anh em nghĩ thế nào?

Anh em nghĩ thế nào? Đa số đều nghĩ lời Anh là phải, và giơ tay tán thành. Còn thiểu số thì cho là chưa đủ lực lượng và phải đợi thời cơ. Phái thiểu số thì cho là chưa đủ lực lượng và phải đợi thời cơ. Phái thiểu số ấy sau này tách riêng ra gọi là phái trung lập, hay là phái cải tổ. Mãi cho đến sau cuộc thất bại Yên Báy, sự chia rẽ ấy mới không còn nữa.

Ngoài việc dự bị nói trên, Đảng lại bàn lại việc cử người ra ngoài để cầu cứu với Tưởng Giới Thạch hiện đang cầm quyền ở Tàu, và Khuyển Dưỡng Nghị, một nhà có thế lực trong chính giới Nhật. Việc ấy không hề thực hiện vì không tìm được nhân tài ngoại giao.

Nói tóm lại, thì tuy bị đàn áp, nhưng sự sợ sệt không hề tràn tới tâm não của anh em. Sau ngày 17 tháng 2, một đảng viên ở Hà Nội còn nói câu này với một giọng rất tự nhiên:
- Hoài của! Hôm cất đám thằng Ba-gianh, trong tay mình không có một quả bom! Giá sẵn có, ít nhất mình cũng ném chết được Toàn Quyền với Thống Sứ cho chúng nó cất đám nhau nhân thể!


Chương XIX : Dân khí năm 1929

Chẳng những tinh thần của Đảng không nao núng mà thôi, dân khí trong nước hồi ấy cũng nổi lên bồng bột lắm. Đối với những anh em trong tù, quốc dân đều đem lòng thương mến. Một đoàn nữ học sinh đã rủ nhau bỏ tiền, may quần áo, sắm quà, bánh rồi nhận chằng là em gái, là vị hôn thê, để hàng tuần vào thăm những người bị bắt không có gia đình ở Hà Nội! Trong trường Cao Đẳng Y Học, các sinh viên góp nhau mỗi người hai đồng để giúp cho các anh em trong vòng xiềng, xích. Tiếc thay, giống mặt người dạ thú ở chỗ nào cũng có! Cũng tiếng sinh viên, cũng nay mai bác sĩ, mà tên Ph. Ng.T. lại nỡ đem việc ấy làm mồi tâng công! Hắn tâu nộp việc đó với mật thám, rồi còn xin “nhà nước” trừng trị rất nghiêm những kẻ góp tiền, để phong trào cách mệnh khỏi lan rộng trong các trường Cao Đẳng! Ôi! Trí thức!

Ở tỉnh thành đã vậy, ở thôn ổ càng thêm nao nức! Xưa kia các thanh niên đồng ruộng chưa hề biết có Đảng. Nay nhân việc bắt bớ đăng trên báo chương, họ vui mừng phấn khởi, rồi cố lần mò tìm cho thấy Đảng mà xin vào. Trong số đó, các tay hào trưởng cũng nhiều. Suốt một tổng Kha Lâm ở Kiến An, các hương chức toàn là đảng viên. Làng Cổ Am ở Hải Dương, làng Võng La ở Phú Thọ, hội đồng chi bộ họp ở giữa đình làng. Trương tuần, phó lý thì ra ngoài đường cái để canh gác nhà chức trách! Các cụ già, đàn bà, con trẻ thì xúm quanh dự thích. Cho nên nhóm thực dân đã in ra hàng vạn tấm ảnh Anh Thái Học, anh Song Khê phát đi các làng, lại treo giải thưởng hàng năm nghìn đồng, mà không bắt được! Họ bảo nhau: “Bắt làm gì các ông ấy! Các ông ấy cho một phát súng thì mất mạng, còn đâu mà ăn cái thưởng năm nghìn.” Nhiều làng thấy các anh đến, các huynh thứ lại góp tiền tiễn chân! Kẻ nào nhút nhát quá, sợ liên lụy, thì đến mời các anh đi ở làng khác, chứ cũng không hề có ai đi báo mật thám. Nói tóm lại, thì đại đa số dân chúng hồi ấy đều ủng hộ cách mệnh. Cho nên các anh dù trốn mà vẫn tiến hành được mọi việc dự bị về việc quân. Sau nữa, ở đời nhiều khi cũng có những cái may mắn lạ lùng. Một hôm, không rõ ở làng nào, bọn mật thám đương khám nhà một người đồng chí, thì Anh ở đâu xách cái cặp về. May người thư ký làng ấy đi vắng. Khi Anh về chúng tưởng Anh là người thư ký đi vắng về, nghe tin khám xét nên cắp cặp đến. Chúng bảo Anh làm cái biên bản. Chữ Anh vốn xấu, lại càng ra vẻ một ông thư ký nhà quê lắm! Thành thử ra Anh ngồi trước mặt mà chúng không biết. Sau khi bọn mật thám đi rồi, cả làng phải lấy việc đó làm quái lạ. Cũng vì thế mà dân gian đã đồn Anh có phép “tàng hình”.

VNQDDTLSCMVN1

Trang bìa cuốn Việt Nam Quốc dân Đảng trong lịch sử cách mạng Việt Nam – tác giả Nguyễn Văn Khánh, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2005.

VNQDDTLSCMVN2
VNQDDTLSCMVN3
Điều lệ và chương trình hành động sửa đổi của Việt Nam Quốc dân Đảng thời tiền khởi nghĩa (1928).


Chương XX : Một bức thư

Hồi tháng Tư năm ấy, Anh ở nhà các đồng chí tỉnh Ninh Bình. Rồi đi lối Nho Quan lên Hòa Bình, ở trong đồn điền của ông đồng chí già là Quách Vy.

Hồi tháng 5, Anh lên giám sát tỉnh Sơn Tây, rồi qua Hưng Hóa, lập thên hai bộ: Bảo Vệ và Võng La.

Anh vẫn luôn luôn hoạt động ở trong nước, nhưng muốn đánh lừa mật thám, cho họ đỡ chú ý, Anh cho người phao tin là Anh đã trốn sang Tàu. Nhân thể Anh sai Nguyễn Văn Kinh trước làm ở Việt Nam khách sạn, lên dò xét các đồn ải ở Lang Sơn, Cao Bằng, tiện dịp liên lạc với các anh em nhà binh ở Hà Nội vừa mới bị tình nghi đổi lên các miền biên giới. Anh liền giao cho Kinh một bức thư để thực hành cái kế phản gián ấy. Bức thư đánh máy, viết theo lối chữ Quốc Ngữ mới mà anh em Việt Kiều ở ngoại quốc thường dùng. Và giả như là của một đồng chí ở ngoài gửi tay về cho Ngọc Kinh, một người tài xế ở Móng Cái. Kinh phải mạo hiểm làm cái gì khả nghi để cho họ bắt. Họ sẽ khám trong mình Kinh mà thấy bức thư ấy. Như vậy, họ sẽ có thể tin là Anh Học đã ra ngoài thật. Vì bức thư như sau này:

Quảng Châu, ngày 25 tháng 4, năm 1929.
Ngọc Kinh,
Thái Học đồng chí nghe thấy tin khác nào như sét đánh bên tai! Mấy phen toan trèo non, vượt bể về thành sầu khổ. Trước là mưu tìm cách giúp ích cho đồng chí. Sau là xem mặt những lũ vô nhân loại bán nước buôn dân. Nhưng chưa có dịp về được. Lại phải đợi đến Fete de Jeanne d’Arc vậy! Đồng chí Thái Học nay nói cho thanh niên đồng chí biết, cách hậu trình đi xuyên sơn hoặc đi thuyền không biết chừng. Sau này xin đồng chí chớ nên nản long. Xem như đồng chí Thái Học biết bao năm góc biển chân trời, lao tâm, khổ tư, ấy cũng chỉ vì trông thấy cái chế độ cường quyền áp chế đồng bào Việt Nam mình! Nếu đồng chí nay phải ly biệt gia đình ra, ấy cũng bởi vấn đề khôi phục giang sơn mong có ngày hai mươi nhăm triệu đồng bào, thoát khỏi vòng nô lệ. Đồng chí nghĩ sao?
Thư riêng cho Kinh và em của Trác, nhưng phải cẩn thận (Xem xong đốt đi)”.

Thế nhưng Nguyễn Văn Kinh chẳng phải là người đáng cho Anh sai. Khi bị bắt ở mạn ngược, giải về Hà Nội, bị tên Bời-rít dọa nạt, dỗ dành, liền thú thực hết cả câu chuyện. Muốn tâng công, hắn còn mách cả đến những nơi Anh hiện năng đi lại. Vì thế, ngày 13 tháng 6, Anh xuýt bị bắt ở nhà phó lý Dương Quang (Bắc Ninh). Rồi hôm 16, nhà phó lý Quan Khê (cùng tỉnh) lại bị khám.
Khám không thấy Anh ở đấy, những tay chân mật thám lại lội ngay về Gia Lâm, tìm Anh ở nhà chị Nguyễn Ngọc Sơn, may mà Anh và cô Giang cùng ba đồng chí nữa lại vừa ở đấy đi xong. Nguyên Anh thường vẫn đến đấy, bảo chị Sơn lấy cớ vào thăm anh Sơn mà thông tin tức với anh em trong Hỏa Lò. Một mình tên Kinh đã phá hại cả cơ quan trong một lúc. Tuy ở vào cảnh nguy nan, mà Anh vẫn thản nhiên với một tinh thần mạo hiểm đến mức táo bạo! Hồi chín giờ sáng hôm ấy, Anh lững thong đến trước mặt viên xếp ga Gia lâm, gọi nhờ dây nói về Hà Nội, nói là có việc cần kíp lắm. Xếp ga tưởng Anh là nhân viên mật thám, vui vẻ giúp việc. Chiều có bọn mật thám thật tới nơi, tả hình dáng Anh, xếp ga mới ngã ngữa ra là mắc lỡm. Nhưng mà Anh đi đã xa rồi!

Thế là miền Bắc Ninh bị động, Anh liền lần sang Tuyên Quang. Anh ở các nhà đồng chí ở Đầm Hồng, ở Sông Gầm, thường khi bận áo vải, quần nâu để tuyên truyền trong đám các anh em lao động.

Dần dà đã đến mồng 2 tháng 7, ngày mà chúng tôi, những kẻ không chịu thú nhận, đã phải giam kín mỗi đứa một buồng ròng rã hơn bốn tháng trời, được nhân dịp ra tòa mà thở ít khí trời quang đãng. Ngày mà Hội Đồng Đề Hình đã tặng hai anh chủ tịch của Đảng cái án vắng mặt cấm cố hai mươi năm!


Chương XXI : Thị Nhu, Thị Uyển

Các bạn coi đó đủ rõ hồi ấy họ truy nã Anh Học gắt gao chừng nào!
Cũng vì thế mà xảy ra cái án Thị Nhu, Thị Uyển.

Hai cô này họ Trần, là đôi chị em ruột. Cùng một người em trai nữa, đều là người bên Hội Thanh Niên. cả ba bị bắt vào sở mật thám, rồi giải sang Hội Đồng Đề Hình. Muốn gỡ tội cho em, muốn gỡ tội cho mình, hai nhà nữ chí sĩ ta mới xin với Bờ-rít tha ra, để sẽ tìm bắt cho được Nguyễn Thái Học.

Sau khi ra khỏi Hỏa Lò, họ liền xuống Thái Hà Ấp đến thăm một người vừa là đồng chí, vừa là anh họ, là anh Mai Văn Thiệu, tục gọi là Cả Sâm! Hàn huyên xong, Nhu và Uyển kể lể sự tình. Rồi… nhờ Sâm chỉ cho biết chỗ ở của Nguyễn Thái Học. Sâm hứa sẽ điều tra hộ. Và hôm sau, 30 tháng 5, 1929, nhân có Dương Hạc Đính đến thăm, Sâm liền cho Đính biết chuyện, Đính cười:

- Được! Anh để mặc tôi! Tôi sẽ liệu cho chúng nó…
Sớm ngày 31, Đính cho một người đưa hai nữ đồng chí, đi ô tô xuống Hải Phòng lùng bắt nhà lãnh tụ Quốc Dân Đảng! Tới nơi thì đã có người đón. Người trước liền quay về, để người sau điềm chỉ hộ hai cô! Ba người đi xe tay qua cầu Bô-na. Ở đấy một người thứ ba nữa đương giắt xe đạp đứng chờ. Người hướng đạo liền xuống ngựa ngồi lên ngựa sắt và bảo hai cô:
- Giờ trời còn sớm quá, chưa chắc hắn đã ở nhà. Bảy giờ rưỡi tối, tôi hãy đưa các chị đi. Tôi chờ các chị ở ngã ba đầu Ngõ Nghè, rẽ sang đường Cát-cụt! Nói rồi, phóng xe đi thẳng. Hai nhà nữ cách mệnh ta liền đến thăm người cha, tu ở một cảnh chùa tại bến Hải Phòng. Chuyện trò một lát, họ ra hàng dùng cơm. Cơm nước xong, đúng giờ hẹn, tìm ra nơi hẹn.
Dưới ánh điện hoe đỏ, và lờ mờ vì cột đèn thưa quá, hai cô theo người hướng dẫn bước vào Ngõ Nghè. Vừa đi được mấy chục bước thì một bóng người từ trong xó tối nhô ra, chỉa súng lục tặng cho mỗi cô một phát! Cô Uyển đạn trúng ngực chết tươi! Cô Nhu què chân nằm quằn quại trên vũng máu! Cả người bạn cùng người hướng dẫn thíat biến đi đâu mất! Người ta nhặt được ở bên mình hai cô một tờ giấy đề ngày 28 tháng 5. Ấy là bản án của Toà Án Cách Mệnh, khép hai tên Việt gian vào tội tử hình. Cũng như cái án Ba-gianh, người ta đến giờ vẫn chưa rõ chính ai là người đã bắn Thị Nhu, Thị Uyển.


Chương XXII : Những kẻ khốn nạn

Nếu đồng bào hồi ấy phần đông ủng hộ cách mệnh thì cũng không khỏi có những kẻ khốn nạn, muốn lợi dụng cơ hội, vu hãm người khác để mong trả thù riêng!
Ví dụ như tên Đỗ Hiệp, Lý trưởng xã Đồng Duyên, Thanh Liêm, Hà Nam, vu cáo cho người làng có giao thiệp với Nhượng Tống và thường gởi tiền cho Học. Và tên Phụng ở làng Đông Chữ, Nam Xang, cũng cùng tỉnh ấy vu cáo cho Lý trưởng có chứa chấp Học và các đồng chí ở trong nhà!
Tức cười nhất là tên Phụng lại còn vờ vịt trong tờ trình: “Tôi cũng biết làm thế này là đắc tội với Tổ quốc, với đồng bào! Nhưng sợ liên lụy đến dân làng nên buộc lòng phải đi báo!”.
Rõ khéo dở trò con khỉ! Bao giờ cho trong nước chết hết hạng đê tiện ấy? Mà cả hai việc đều do người trong tỉnh Hà Nam cả. Đủ rõ phần đông dân trong tỉnh ấy hèn đốn và điêu bạc đến mức nào!

Nhượng_Tống
Nhượng Tống (1904 – 1949).


Chương XXIII : Việc xử tử Thừa Mai


Trên kia tôi đã kể đến chuyện Thừa Mai. Vì tội phản Đảng, tòa án của Đảng đã khép mai vào tội tử hình. Cho được thực hành bản án ấy, Đảng đã sai anh Trịnh Tam Tỉnh, một người trong đoàn ám sát. Bấy giờ là trung tuần tháng Bảy. Anh trưởng đoàn đến nhà anh Tỉnh ở Cống Vọng, truyền cho biết lệnh của Đảng và giao cho một khẩu súng lục đầy đạn. Lại đưa cho một bản đồ tỉnh Thái Bình, đ1nh dấu nhà Thừa Mai bằng một chữ thập và dặn:
- Phố nó ở đã đông, mà nhà nó người cũng lại đông nữa! Anh phải đợi khoảng năm giờ chiều, là đi làm ở dinh Tổng Đốc về thì mới dễ hạ thủ! Giết xong, anh sẽ đi xe đạp qua bến Tân Đệ mà về!

Mới hai mươi tuổi đầu, anh Tỉnh tự coi mệnh lệnh của Đảng đối với mình là một vinh dự. Còn gì vinh dự cho một người cách mệnh bằng được chính tay mình xử tử một tên phản Đảng, phản Nước? Thu xếp việc nhà xong, anh liền xuống tàu thủy đi Thái Bình. Dưới tàu, anh gặp anh Phạm Đức Huân, một người bạn bên học sinh đoàn. Anh Huân đòi anh Tỉnh cho đi theo. Chừng 2 giờ chiều hôm mồng 3 tháng 8, hai anh xuống bến Tân Đệ. Anh Tỉnh có người quen ở Bùng, nhân về chơi qua làng Bùng để thăm người ấy. Các anh định hôm sau mới qua Thái Bình. Chiều hôm vô sự, hai anh đi rong trên đê Bùng. Khi đến quãng có lối rẽ gần làng Thanh Ban, thì vì lẽ cần tự nhiên, anh Tỉnh đưa súng cho anh Huân để đi xuống ruộng. Chưa xuống đến nơi thì nghe tiếng súng nổ: anh Huân táy máy nghịch súng, vô ý đã để cho đạn bắn vào cạnh sườn. Anh Tỉnh vội vàng chạy lên ôm lấy anh Huân, máu vấy đầy cả quần áo. Anh Tỉnh kêu:
- Khổ quá! Thế này người ta sẽ bảo là tôi giết anh!
Anh Huân kêu đau và nói:
- Anh đem tôi lên Huyện, tôi sẽ khai!
Bấy giờ độ bốn giờ chiều. Hai người lúng túng nhìn nhau không biết làm ra thế nào! Quãng đường thì vắng. Một lúc sau mới thấy một bóng người đi lại. Anh Tỉnh cho hắn hai hào để hắn gọi xe hộ… Nhưng đường nhà quê nào có sẵn xe! Trong khi chờ đợi thì bọn tuần ở trong làng đổ ra. Họ xúm lại mà đánh trói anh Tỉnh. Nhưng người Phó lý đến nơi, ngăn bọn tuần đừng đánh, và hỏi anh Huân. Anh Huân nói:
- Tôi vì bực mình với vợ, nên đến đây tự tử! Còn anh này thấy tôi tự tử nên chạy lại giằng lấy súng của tôi. Vì thế máu dây ta áo quần. Tôi chết là tự tôi, không quan hệ đến anh này cả!

Họ liền khiêng anh Huân và trói anh Tỉnh giải lên Huyện. Vài giờ sau thì anh Huân tắt nghỉ. Lời anh khai, không đủ làm tin cho bọn chức trách: tự tử gì lại bắn súng vào cạnh sườn?
Họ cho giữa anh và anh Tỉnh tất có tình tiết gì khả nghi! Họï liền khám mình anh Tỉnh thì bắt được bản địa đồ. Giải về Hà Nội, tra tấn hơn hai chục ngày, anh Tỉnh vẫn khăng khăng một mực không khai, vì cho đó là một điều bí mật cần phải giữ cho Đảng. Trong khi ấy thì có thư nặc danh, nói là anh đã vâng lệnh Đảng đi giết Toàn Quyền Pasquier, khi hắn qua Tân Đệ. Vì hồi ấy hắn có về kinh lý Thái Bình, lời kẻ ném đất giấu tay kia cũng có lý đáng tin, nên bọn mật thám càng đánh anh dữ.

Người bà con anh ở Bùng, vì anh có nói chuyện cho biết, sợ anh bị chúng đánh đến chết, liền đem việc khai thực với mật thám. Mãi khi ấy anh mới chịu nhận. Thế nhưng khi họ hỏi anh đoàn ám sát của Đảng có những ai, thì anh khai là: Anh và anh Huân, chỉ là hai người trong học sinh đoàn, chứ không phải trong đoàn ám sát. Chỉ vì Đảng hết cả người nên bất đắc dĩ anh Học phải dùng anh!
Cố nhiên lời khai của anh là một lối khai man có dụng ý không muốn cho chúng nhìn rõ thế lực của Đảng.
Rồi, tòa án đệ nhị cấp Thái Bình họp ngày 22 tháng 10 năm ấy, đã khép anh Tỉnh 10 năm, anh Học và anh Xuyến (trưởng ban Ám Sát) chung thân. Kỳ thực thì Anh Học với anh Xuyến chỉ là một người…(1)
————-
(1) Xuyến là tên một người con gái ở phố Hàng Bút. Cái nhan sắc của cô đã làm cho nhiều cậu học trò Cao Đẳng hỏng thi! Anh Học vẫn đùa nhận là vợ Anh! Nên các bạn cũng thường gọi đùa Anh là anh Xuyến.


Chương XXIV : Cơ quan Thanh Giám

Sau khi báo bắt mấy chỗ ổ Bắc Ninh, tên Kinh sợ anh em biết chuyện và nghi mình, nên về nhà nằm một dạo. Nhưng mà Anh Học còn ở ngoài thì ty mật thám chính trị ở đây còn lo ngại. Mà muốn dò Anh Học, họ thật chưa tìm được tay nào có thể đủ tư cách làm kẻ nội công. Vì vậy, họ lại cho bắt Kinh, rồi sai đi dò Anh Học. Khi ấy các yếu nhân trong Đảng chia ra ở hai nơi. Bọn Anh Học thì về miền Phú Thọ. Nhóm các anh Nguyễn Văn Viên, Đoàn Trần Nghiệp, thì theo anh Song Khê (Xứ Nhu) ở miền Bắc Ninh, trong làng Cổ Pháp. Việc dự bị khởi nghĩa đương tiến hành gấp. Anh Học đã thảo xong tờ hịch động binh, và anh em các nơi đâu đấy đều chú toàn lực đúc bom, rèn giáo, mác. Kinh ở trong ngục ra, hỏi thăm các đồng chí, mới rõ Anh Học mới rõ Anh Học ở Phú Thọ về nhà anh Khóa Nguyên ở Lạc Đạo, Kinh tìm tới nơi, cũng nói rõ chuyện mình vừa bị bắt. Khi ấy đương hồi lôi thôi. việc bắt vào, tha ra rất thường. Chính anh Phó Đức Chính cũng bị bắt hai lần rồi lại được tha ra. Cho nên đối với Kinh, Anh Học chẳng những không nghi, mà còn khen là người sốt sắng! Hôm ấy là 20 tháng Sáu. Từ đó Kinh lại cùng đi làm việc với anh em…

Làm việc với anh em thì ít, nhưng làm việc cho mật thám thì nhiều! Chẳng những Kinh dám nhặt những tin lặt vặt để bán lấy tiền tiêu, ngày 24 tháng Tám, Kinh đã dám cả gan báo bắt một cơ quan trọng yếu của anh em, đặt ở số 9 đường Thanh Giám, Hà Nội. Đó là một nơi để dò biết những tin tức về chính trị, về binh bị của quân địch. Các yếu trong Đảng khi về Hà Nội, thường lấy đó làm nơi bàn việc và trú chân. Việc phá vỡ cơ quan ấy đã tai hại vô ngần. Chúng bắt được anh Viên, anh Viển, anh giáo Lai và anh Phó Đức Chính. Ngoài ít giấy tờ lặt vặt ra, chúng lấy mất 500 đồng ở trong túi anh Lai, và trăm rưởi đồng trong bao tượng của chị Nguyễn Thị Thuyết. Chị này không biết cơ quan đã bại lộ, nên buổi chiều hôm ấy còn lò rò tìm đến. Đương ngơ ngác trong vào căn nhà vô chủ thì bị tên thám tử đứng gác ra bắt giải đi. May mà anh Học, anh Song Khê, cô Giang cùng một nữ đồng chí nửa hôm trước vừa mới đi Na Sầm xong. Chậm một ngày có thể mắc lưới cả! Mà chỉ vì một bàn tay phản trắc! Cũng do bàn tay ấy mà chiều ngày 16 tháng 9, có việc khám nhà anh Nguyễn Tấn Lộc ở Cổ Pháp. Nhưng anh Lộc đã cùng Anh Học xuôi từ buổi sớm. Ngày 18, hai anh đã ở Phát Diệm rồi!


Chương XXV : Việc giết Kinh

Lần này Kinh không còn trốn được con mắt của anh em trong ban điều tra nữa. Và, cho được tỏ rõ kỷ luật của Đảng, anh Song Khê liền hạ lệnh cho xử tử Kinh. Lệnh ấy giao cho anh Doãn, tức Ký Con, tức Đoàn Trần Nghiệp thi hành. Muốn tập cho một đồng chí mới có tinh thần mạo hiểm, hy sinh, Doãn liền bảo Kinh về Bắc Giang tìm Trần Đức Chính. Chính năm ấy mười chín tuổi, vẫn giúp việc và thường ở nhà anh Sáu, một đồng chí rất hoạt động.

Được tin Doãn gọi, Chính lật đật theo Kinh về Hà Nội. Chờ Kinh đi khỏi, Doãn cho Chính biết Kinh là đứa phản Đảng. Trong khi Chính dương cặp mắt ngạc nhiên hoảng hốt, thì Doãn đưa cho Chính một con dao nhọn mà bảo:

- Chiều nay, anh bảo Kinh rằng tôi mời nó đi coi hát! Rồi anh dắt nó ra chờ tôi ở vườn Bách Thảo. Hễ tôi bắn nó lăn ra rồi, thì anh cầm lưỡi dao này, anh đâm vào cổ nó. Nhớ lót giấy vào chuôi dao. Đâm xong, cầm giấy đi mà để dao lại. Làm thế, bọn chuyên môn cũng không khám ra vết tay mình in ở chuôi dao!

Chính vâng lời và nhận lấy dao. Hôm ấy là mồng 5 tháng Mười. Kinh nghe bạn rủ đi xem hát thì sướng mê! Chập tối đến, theo Chính đi lên chỗ hẹn. Trong ánh sáng lờ mờ, dưới tàn cây rợp mát, giữa bầu không khí âm thầm mà trong sạch, đôi bạn ngồi vào một chiếc ghế dài, đặt cho du khách ở vườn Bách Thảo, rồi cùng nhau tán chuyện trăng hoa! Doãn sịch đến, từ phía sau, chĩa súng bắn Kinh. Vai bị đạn, Kinh nằm vật trên tấm ghế dài! Chính cầm dao luống cuống, định đâm vào cổ, thành ra lại cắm vào sườn! Lưỡi dao cắm suốt gan và thủng suốt dạ dày, máu vọt lên như tia nước mạch! Hoảng hốt, Chính ù té chạy, cũng chẳng kịp lấy lại tờ giấy lót chuôi dao nữa! Còn Doãn, ung dung rút ví Kinh ra mà đặt vào đó một mảnh giấy. Bản án xử tử ấy chỉ biên có bốn chữ “không giữ lời thề!” Xong trả lại ví vào trong túi, và thản nhiên lên xe đạp mà đi! Kính chết, sở mật thám lùng Doãn và Lung rất gấp. Vì Kính trước đã tâu nộp hai người ấy là hai tay đắc lực trong Ám Sát Đoàn. Họ bắt được anh Lung. Hỏi đến anh ở đâu và làm gì trong đêm trước, anh lúng túng cắt nghĩa không rõ ràng. Chị vợ lại khai thực là anh Doãn thường khi vẫn đến chơi nhà. Thế là trăm miệng anh Lung cũng không thể giữ sạch cái trách nhiệm về việc giết Kinh nữa! Họ còn nghi luôn cho anh giết Thị Nhu, Thị Uyển ở Hải Phòng! Vì, trong bản án xử tử hai con hoạt đầu đó, dưới tuy có ký “Bắc Kỳ Ám Sát Đoàn”, nhưng cái tên ấy là một tên chung, không hẳn là của Thanh Niên, hay của Quốc Dân Đảng! Vậy mà từ đó về sau, bao nhiêu cuộc ám sát, người ta chỉ thấy yòan là bàn tay của Quốc Dân Đảng mà thôi…
Cái oan ngục ấy, mãi khi anh Doãn, anh Chính bị bắt, các anh mới biện bạch và chết thay cho anh Lung.

Và… sau khi Kinh bị giết hai ngày, anh Ngô Đức Thụ, công nhân ở Hải Phòng, cũng bị bắt về tội đem giấy bạc giả ở Tàu về, giúp cho Anh Học!


Chương XXVI : Mỹ Điền…

Ngày 31 tháng 9 năm 1929, tại nhà anh Lương Văn Trạm, làng Mỹ Điền, tỉnh Bắc Giang chợt nghe tiếng nổ dậy trời!

Tiếng ấy từ một gian buồng kín phát ra… Một bức tường đổ… Một mái nhà bật tung… Chủ nhà lật đật chạy vào, thì thấy ba đồng chí coi việc chế bom, thịt xương dập nát, mặt mũi xám đen, máu me chan hòa: cả ba đã nói không thành tiếng.

Anh Trạm vội vàng vực các bạn lên phản. Bao nhiêu quần áo, giấy tờ của họ xếp cả vào một đống châm lửa đốt! Đốt chưa xong thì bọn tuần phiên đổ đến, bắt trói anh Trạm. Trong phòng, nào mạt gang, nào dây đồng, nào mảnh thủy tinh, nào các hóa chất, bỏ tung bừa bãi. Lạ nhất là dưới đất có hơn bốn chục cái lỗ… Có lẽ là những lỗ để đặt bom!

Họ giải Trạm lên tỉnh. Sở mật thám đã tra tấn anh rất tàn nhẫn mà vẫn không sao biết được tên ba người hy sinh vì nghĩa vụ là ai. Họ bèn cho bắt đến người anh là chánh hội Mỹ Điền, thì anh này đã trốn biệt! Các người hay lui tới nhà anh lục tục bị bắt: Phạm Công Tạo, Trần Ngọc Liên, Vũ Văn Dương, Đỗ Đức Hoạt, Cả Cai, Khoa Yến… Kỳ thực thì đó toàn là đảng viên Quốc dân Đảng. Đảng sắp động binh. Các đảng viên ở Bắc Giang cũng như ở mọi nơi, phải địa phương nào công việc nấy! Bởi vậy nên một mặt anh em phải giao thông với quân nhân, đánh tráo lấy địa đồ quân sự; một mặt phải chế tạo khí giới để đợi ngày tấn công. Trong tỉnh Bắc Giang, quân lính đều đã theo Đảng. Đồng chí mới xin vào cũng mỗi ngày một thêm đông. Các nhà cửa cùng đường lối trong trại binh, đều đã ở trong túi anh Khoa Yến rồi! Duy có bom là kém mọi nơi: bên Bắc Ninh, nguyên huyện Gia Bình họ cũng đúc được bốn, năm trăm quả!…
Việc đó sau xử ở Bắc Giang, vì Hội Đồng Đề Hình đã giải tán rồi.


Chương XXVII : Phương lược

Việc khởi nghĩa chỉ còn là câu chuyện ngày tháng. Và theo ý anh em cắt cứ, Anh sẽ phải phụ trách về việc đánh Hải Dương, Bắc Ninh. Bởi vậy, Anh phải luôn luôn hoạt động trong hai tỉnh ấy. Khi thì ở nhà anh Bang Lịch, làng Đập Khê, huyện Chí Linh, khi thì ở nhà anh Lý Thống, làng Cao Thụ, huyện Gia Bình, khi thì ở trên một chiếc thuyền trên sông Lai Hà, huyện Lang Tài, khi thì lại ở trên chùa Yên Tử, không phải để lắng kệ nghe kinh, mà là để tính việc cứu khổ non sông, chiêu hồn chủng tộc… Vì thân Anh không còn phải của Anh, mà là một món quan hệ cho Đảng, cho Nước, cho nên các anh em, có cắt hơn hai chục người thân binh, lúc nào cũng đeo súng mang gươm, để Anh đi đâu thì hộ vệ. Ngày mồng 1 tháng 11, Anh ở một làng bên Bắc Ninh, quê cũ của Đồ Kiều, cho mời Đội Dương sang bàn việc. Khi Dương tới nơi, thấy Anh đương ký cái án xử tử một tên phản Đảng, và một đồng chí đưa trình bản địa đồ trường bay Bạch Mai. Anh đưa cho Dương xem một trái bom, và cho biết mỗi ngày có thể chế tạo được bốn chục trái. Anh vận lối nhà quê và để râu dài! Hôm sau Dương sang Đáp Cầu gặp anh Đội Sáp, và ngày mồng 3 lại về bên Anh Học. Anh bảo Dương định phương lược đánh trường bay Bạch Mai, để lát nữa trình Toàn Quốc Hội Nghị xét. Hội Nghị ấy sẽ gồm có ủy viên của các tỉnh đưa trình phương lược tiến công về từng tỉnh một. Hội Nghị xét xong sẽ trình bộ tham mưu quyết định.

Cuối cùng Anh Học bảo cho anh Dương yên dạ:
- Chỉ cốt sao chúng ta chống giữ được năm, sáu hôm. Rồi thì sẽ có các tướng ở Tàu về giữ việc chỉ huy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét