Hình 1: Thiếu phụ ngoài hai mươi
Mặc Lý
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
(Vũ Đình Liên)
Chưa bao giờ trong lịch sử con người lại có nhiều thay đổi như trong thời đại ngày nay. Bố có cảm tưởng con người trải cả trăm năm chỉ trong chục năm. Thời bố mới lớn, máy tính là một cái gì cao siêu, nay thì ở trong mỗi gia đình. Những internet, laptop, tablet, GPS quá sức phổ thông ngày nay là những cái bố chưa bao giờ tưởng tượng ra được khi bố mới đến Canada gần ba mươi năm trước. Có những cái rất xa rất xưa nhờ máy tính, nhờ mạng, đã được mang lại ngay trước mắt. Nhưng ngược lại, khi con người thay đổi để thích nghi với môi trường biến động nhanh chóng ở chung quanh, có những điều quen thuộc trong vài chục năm trước đã trở thành xa lạ với ngày nay. Một trong những cái đó là những giá trị mà trước kia được coi là mẫu mực của người đàn bà trong xã hội Việt Nam. Bố kể lại cho các con cuộc đời của bà nội, một người đàn bà tiêu biểu của thế kỷ trước. Một số điều bố biết qua lời kể của bà, một số điều từ người thân như những bà chị của bà vào Sài gòn thăm sau 1975, nhưng phần lớn thì bố lấy ra từ ngay trí nhớ của bố.
Ông bà cố, bố mẹ của bà nội, thuộc tầng lớp tương đối khá giả ở nông thôn miền Bắc. Ông bà cố có độ dăm mẫu ruộng, vừa có tá điền vừa làm ruộng lấy. Ông cố có mua một hàm Chánh Hội trong làng, gọi là có chút phẩm hàm trong làng. Tuy tương đối khá giả, nhưng ông bà cố vốn tính cần kiệm của miền Bắc quanh năm lụt lội hạn hán mất mùa đói khổ, nhà thường ăn cơm chấp quanh năm, nghĩa là cơm độn, độn ngô hay độn khoai lang. Ông bà cố các con lại theo thói xưa không cho con gái đi học, nghĩ rằng con gái đi học thì chỉ viết thư cho trai nên nhà có bốn người con gái không ai được đi học cả. Con gái đến tuổi lớn là bước lên khung cửi dệt vải. Chỉ có bà nội các con, thèm biết chữ vì thấy nhiều người khác đọc sách được nên dùng tiền bòn nhặt những dịp lể Tết, hội hè, buối tối sau khi xong việc dệt vải, bước xuống khung cửi, mượn một tá điền một tối hai xu dạy cho biết đọc biết viết. Chỉ sau vài tháng là bà nội con biết đọc biết viết kha khá rồi sau đó học một mình. Bà cố cũng ngạc nhiên, bảo ông cố “Quái, con T. này học bao giờ mà biết đọc vanh vách vậy nhỉ?”
Đến tuổi lấy chồng, đầu tiên ông bà cố tính gả bà nội các con cho một người gia đình khá giả trong làng nhưng bà nội cương quyết không chịu, vì chê anh này không có học. Ông bà cố ép không được đành chịu. Sau có một bà mai giới thiệu ông nội các con ở làng bên. Theo lời bà mai thì ông nội tuy nhà nghèo nhưng có tiếng học giỏi. Lúc đó ông nội mới học đệ tam niên ban Thành Chung, tức tương đương lớp tám bây giờ. Các con đừng cười, vì thời xưa ông nội các con đi học trễ, tuy học lớp tám nhưng lúc đó cũng đã trên mười tám tuổi chứ không còn nhỏ nữa. Mẹ của ông nội là người hiền, ông cố bố của ông nội chết khi ông nội các con, người con út, mới lên ba tuổi. Bà cố ở vậy, buôn bán nuôi mẹ chồng và ba con trai. Khi bà nội lấy ông nội, mãi đến khi động phòng, bà nội mới biết mặt ông nội. Chuyện này thời đó cũng thông thường, nhưng chắc chắn các con ngày nay không tưởng tượng ra được. Đại gia đình bà cố gồm cả ba con trai đã lập gia đình nên nhà cửa chật chội, sau một năm lấy nhau thì ông bà nội các con ra ở riêng.
Bà nội là người tháo vát, sau khi ông nội đậu Thành Chung, tức tốt nghiêp lớp chín, ngỏ ý muốn tiếp tục học thêm thay vì đi làm, bà đã tìm cách buôn bán nuôi chồng ăn học. Bà buôn hàng gánh, gánh những mặt hàng từ vùng Việt Minh kiểm soát, chính yếu là vải vóc dệt tay, sang vùng tề (vùng Pháp kiểm soát) và ngược lại từ vùng tề sang vùng Việt Minh những mặt hàng như thuốc tây, đá lửa…. Mỗi chuyến hàng gánh là gánh trên hai chục cây số, cả đêm, tránh đồn bót vùng tề lẫn trạm kiểm soát vùng Việt Minh. Bị bắt thì nhẹ ra hàng bị tịch thu mà nặng thì tù tội có khi mất mạng. Vì thế, gánh hàng chỉ gánh đi ban đêm, đến sáng mới đến được nhà người quen giao hàng rồi lại đi sắm hàng để đến tối lại gánh chuyến hàng trở về. Đầu tiên thì gánh thuê, nghĩa là vốn người khác bỏ ra, bà nội chỉ lấy công. Một thời gian sau bà mới có đủ vốn để sắm gánh hàng buôn riêng. Có lần bà gánh hàng, về đến nhà thì ngày hôm sau là nằm ổ, nghĩa là sinh bác N. chị lớn nhất của bố. Sinh xong bà mượn vú nuôi, ba ngày sau bà nội thắt bụng lại rồi tiếp tục đi buôn. Cảnh này gọi là:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non
Phải có một ý chí rất mạnh mới làm được những điều đó. Lúc vượt cạn bà chỉ một mình xoay xở là chính, vì ông nội đi học nơi xa, không gần nhà. Mãi đến khi ông nội đậu Tú Tài rồi động viên vào quân trường Thủ Đức trong Nam thì bà mới lên Hà Nội, gọi là biết chút văn minh tỉnh thành. Rồi chẳng bao lâu, hoàn cảnh đất nước chia đôi, ông bà nội các con di cư vào Nam, bỏ lại quê hương miền Bắc chôn nhau cắt rốn và hầu như toàn bộ đại gia đình hai bên. Ở lại miền Bắc, ông bà cố thời gian Cải Cách Ruộng Đất bị đấu tố là địa chủ, đến cả người thân cũng không dám giúp đỡ, sau may mắn được hạ xuống hàng phú nông, sống hơn chục năm sau rồi mất. Sau 1975, bà nội vẫn ngậm ngùi không có dịp đền đáp công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành, nhưng biết sao được.
Vào trong miền Nam, trong thời gian đầu của đệ nhất Cộng Hòa, ông nội trong quân đội nhưng làm việc hành chánh ở Vũng Tàu nên có thời gian học thêm buổi tối cho đến khi đậu được cử nhân Luật. Trong thời gian đó, bà tuy có năm con vẫn tìm cách làm việc thêm kiếm tiền. Bà mướn một người giúp việc nhà, rồi làm mắm cua, mắm cáy hàng tháng từ Vũng Tàu mang về Sài gòn bán cho những người quen. Chắc chắn là mắm của bà nội không có tiếng như mắm Bà Giáo Thảo, nhưng đó là một ngưồn thu nhập đáng kể trong thời gian gia đình ông bà nội ở Vũng Tầu.
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non
Phải có một ý chí rất mạnh mới làm được những điều đó. Lúc vượt cạn bà chỉ một mình xoay xở là chính, vì ông nội đi học nơi xa, không gần nhà. Mãi đến khi ông nội đậu Tú Tài rồi động viên vào quân trường Thủ Đức trong Nam thì bà mới lên Hà Nội, gọi là biết chút văn minh tỉnh thành. Rồi chẳng bao lâu, hoàn cảnh đất nước chia đôi, ông bà nội các con di cư vào Nam, bỏ lại quê hương miền Bắc chôn nhau cắt rốn và hầu như toàn bộ đại gia đình hai bên. Ở lại miền Bắc, ông bà cố thời gian Cải Cách Ruộng Đất bị đấu tố là địa chủ, đến cả người thân cũng không dám giúp đỡ, sau may mắn được hạ xuống hàng phú nông, sống hơn chục năm sau rồi mất. Sau 1975, bà nội vẫn ngậm ngùi không có dịp đền đáp công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành, nhưng biết sao được.
Vào trong miền Nam, trong thời gian đầu của đệ nhất Cộng Hòa, ông nội trong quân đội nhưng làm việc hành chánh ở Vũng Tàu nên có thời gian học thêm buổi tối cho đến khi đậu được cử nhân Luật. Trong thời gian đó, bà tuy có năm con vẫn tìm cách làm việc thêm kiếm tiền. Bà mướn một người giúp việc nhà, rồi làm mắm cua, mắm cáy hàng tháng từ Vũng Tàu mang về Sài gòn bán cho những người quen. Chắc chắn là mắm của bà nội không có tiếng như mắm Bà Giáo Thảo, nhưng đó là một ngưồn thu nhập đáng kể trong thời gian gia đình ông bà nội ở Vũng Tầu.
Hình 2: Thiếu phụ ngoài ba mươi
Sau 1963, cả nhà dọn về Sài Gòn rồi một hai năm sau đó, ông nội chuyển ngành và dọn trước ra Nha Trang làm việc. Bà nội các con và các anh chị em của bố vẫn ở lại Sài Gòn một thời gian. Bà lấy tiền dành dụm, chạy đầu này đầu kia mua sắt thép xi măng xây nhà. Một thiếu phụ chưa đi học, đứng ra mướn thầu khoán, chỉ huy thợ thuyền xây một căn nhà ba tầng thì không phải dễ. Cái nào bà không biết thì hỏi những người có kinh nghiệm. Nhà nào cũng vậy, xây ở chưa dược dăm tháng, bà thấy thì có lời lại bán lại. Gặp thời buổi chiến tranh sôi động, nhà cửa tại Sài Gòn lên giá nhanh chóng, bà xây nhà hai lần như vậy thì kiếm được một số vốn khá lớn thời đó.
Khi cả nhà di chuyển ra Nha Trang, ông bà nội các con có sang lại một nhà trong cư xá quân đội, dĩ nhiên giá cả rẻ hơn nhiều so với bên ngoài. Lúc này người giúp việc đã nghỉ vì vật giá leo thang, bà không kham nổi. Hơn nữa các bác các chú đã lớn có thể phụ đỡ đần việc nhà. Ngoài việc nội trợ, bà còn mua nhà mua đất ở Nha Trang và cả ở Cam Ranh để đầu tư, nhưng không sinh lời được như giai đoạn ở Sài Gòn. Lúc này lương ông nội không còn đủ để chi phí trong gia đình nên bà phải lấy tiền để dành từ trước ra phụ thêm. Bố còn nhớ trong suốt bẩy năm sống tại Nha Trang, những lần cả gia đình đi ăn tiệm có thể đếm trên đầu ngón tay, và những dịp như vậy cũng thường là chỉ đến tiệm phở khi có gia đình ông bà L. là chị họ ông nội từ Sài Gòn ra chơi. Sau này bà thỉnh thoảng lại ân hận để con cái khổ cực, nhưng bố hiểu cái ưu tư lớn nhất đeo đẳng hầu như suốt đời của bà là có đủ tiền lo cho các bác các cô chú và bố học hành đến nơi đến chốn, không phải thất học như bà.
Hình 3: Thiếu phụ ngoài bốn mươi
Bố không muốn nhắc lại những lỗi lầm tả khuynh ấu trĩ của nhà cầm quyền lúc đó, nhưng thực sự những người bên phe thua cuộc bị coi như một loại công dân hạng hai, nếu không có lý do ở lại thành phố thì bị liệt vào thành phần ăn bám xã hội, sẽ bị cưỡng ép đưa đi vùng kinh tế mới. Với các con sinh đẻ bên Canada, danh từ vùng kinh tế mới xa lạ với các con lắm. Đây là một vùng đất hoang, khô cằn, dĩ nhiên cần bàn tay người khai phá. Tuy nhiên các con ở bên này, bạn bè con mỗi người một cá tính một khả năng, các con chọn hướng học, chọn nghề nghiệp theo năng khiếu của mình. Nhà cầm quyền lúc đó không nghĩ vậy, thái độ trịch thượng với phe thua cuộc và trí óc hẹp hòi của họ cho rằng chỉ có cày ruộng hay làm việc trong nhà máy mới là sản xuất, còn không là ăn bám xã hội tất.
Trở lại chuyện lo toan xoay xở của những người ngoài vòng tù tội để sống còn, lúc đó mới lại thấy tài tháo vát của bà nội các con. Chỉ một hai tháng sau khi ông nội đi vào trại tù, bà và bác T. anh của bố, đã lên Hóc Môn, tìm những người quen học nghề dệt chiếu. Ý bà là muốn tạo một lý do để gia đình ở lại Sài Gòn vì ở thành phố lớn dù sao cũng đỡ bị đàn áp và dễ kiếm sống hơn. Học nghề xong, bà đặt giàn dệt chiếu ở nhà. Phòng khách dưới nhà của ông bà nội, sofa bàn ghế thì đem bán hết, còn lại đục lỗ trên nền gạch làm chỗ dệt chiếu. Thật sự dụng cụ dệt chiếu cũng đơn giản, chỉ cần một ghế dài, một go dệt và bốn cọc sắt bốn góc để căng go chiếu là xong. Bác T. sau khi lập giàn dệt chiếu tại nhà thì đi quanh xóm đễ lập giàn dệt chiếu cho những người trong phường cùng hoàn cảnh như gia đình bà nội các con, muốn tìm một chỗ bám víu vào thành phố khỏi bị đẩy đi kinh tế mới. Một giàn dệt chiếu như vậy, vừa dựng vừa chỉ cách dệt, làm độ một ngày là xong, bác T. lấy công khoảng mươi dồng. Lúc đó lương tháng của một công nhân trung bình khoảng 60 đồng. Bà nội còn được bầu làm tổ trưởng tổ dệt chiếu của phường vì là người tiên phong mang nghề dệt chiếu về phường. Vậy là các con của bà, nếu không học đại học hay đi làm, với nghề dệt chiếu được coi như nghề lao động không ăn bám xã hội, có lý do để sống tại thành phố. Mỗi đứa con được cắt giờ dệt chiếu tại nhà, sao cho từ sáng đến tối lúc nào công an đi qua lại trước nhà cũng thấy có người đang dệt chiếu, nghĩa là đang lao động. Còn phần bà thì lại đi phe, nghĩa là đi ra chợ xa nhà một chút, mua qua bán lại, mua đủ loại, thường là quần áo cũ, mua xong bán lại kiếm lời. Các con có trong thời buổi ấy mới thấy bà nội như một gà mẹ, thấp thoáng bóng diều hâu lượn thì vươn cánh ra che chở cho gà con.
Chút vốn liếng dành dụm cả đời, đến thời phong trào vượt biên nổi lên, bà nội đã dùng nó để gửi lần lượt từng đứa con ra đi tìm tự do. Mỗi lần tiễn con đi là mỗi lần đứt ruột, vì với bao hiểm nguy chờ đón trước mắt, không biết có còn gặp lại nhau nữa không. Đến khi bố là người con vượt biên sau cùng thì coi như bà nội gần như trắng tay. Cũng may lúc đó bác T. và bác O. đã đi làm được, gửi tiền về nuôi ông bà nội và cô út. Và bà nội cũng chỉ nhận tiền tối thiểu, đủ cho những sinh hoạt căn bản nhất trong nhà. Tiền còn dư thì bà nội lại theo các thầy các ni trong chùa Kim Cương gần nhà, đi mọi nơi tặng quà, làm việc từ thiện. Bà nội vẫn thường bảo đó là một trong những giai đoạn đẹp nhất đời bà nội vì bà nội không còn phải lo âu, không còn phải ký cóp dành dụm cho tương lai con cái nữa.
Khi sang đến Canada, như các con cũng thấy, bà nội hầu như chỉ quanh quẩn trong nhà tối ngày. Cuối tuần rảnh rỗi bố mới chở bà nội lên chùa. Giao tiếp khó khăn, tiếng Anh không biết, cuộc sống ở đây dù đã trên hai mươi năm với ông bà nội cũng chẳng phải là chốn quen thuộc, nơi chôn nhau cắt rốn cho được. Biết làm sao được? Sống ở đây thì cảm thấy xa lạ, sống ở Việt Nam thì suốt ngày thương con nhớ cháu. Cũng coi như sự đau khỗ của ông bà nội là một phần đau khổ của dân tộc Việt Nam.
Hình 4: Bà nội khi gần cuối đời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét