Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Sách “Nguyễn Thái Học (1902 – 1930)” của Nhượng Tống (kỳ 3)

Nhượng Tống là bút danh của Hoàng Phạm Trân (1904 – 1949), ông là nhà văn, nhà báo nhưng được biết đến nhiều hơn với vai trò một trong những yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng thời kỳ đầu. Nhượng Tống trước nhất là bạn đồng chí, sau là người đã chứng kiến cuộc đời tráng liệt của Nguyễn Thái Học – vị anh hùng hiếm có đã vượt trên được những tranh cãi ý thức hệ. Cuốn sách Nguyễn Thái Học (1902 – 1930) được viết dưới dạng tiểu sử, bao gồm 43 chương, xuất bản năm 1945 tại Hà Nội và trước 1975 có ba lần tái bản tại Sài Gòn. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách hiện nay được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France). Thông qua nội dung cuốn sách, độc giả hẳn sẽ thấy một Nguyễn Thái Học thực gần gũi với mình – ông không phải thiên thần và cũng không giống như thần trụ trời có thể dời núi ngăn sông chớp nhoáng, một thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn và cũng đắm say trong mối tình thơ như bao học trò khác ; nhưng cũng qua cuốn sách, chúng ta có thể tìm ra lời đáp cho một câu hỏi : Vì đâu mà Nguyễn Thái Học dám từ bỏ lối sống vô lo thường nhật để dấn thân vào cuộc đời sóng gió ?… BBT TTXVA trân trọng giới thiệu với quý độc giả !

BÀI LIÊN QUAN:

NVN-NTH-NTG
Ảnh thờ ông Nguyễn Văn Nho (em út của Nguyễn Thái Học), ông Nguyễn Thái Học, bà Nguyễn Thị Giang (hôn thê của Nguyễn Thái Học) tại từ đường họ Nguyễn – thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây cũng là quê hương của ông Vũ Hồng Khanh (1898 – 1993), giữ vai trò Đảng trưởng Việt Nam Quốc dân Đảng từ 1930 đến 1975. Nguồn ảnh :sachxua.net.
Chương XXVIII : Phao Tân và Nội Viên
Các khí giới chế tạo trong thời ấy, ngoài dao, kiếm ra, Anh Học chú ý nhất đến bom và lựu đạn. Hai món này chế xong rồi, vì cớ chưa dùng ngay, lại phải đem chôn dấu một nơi để nhà chức trách không sao khám xét nổi. Tuy vậy, những nơi ấy nhiều khi đã bại lộ, chỉ vì một cớ ngẫu nhiên.
Trên kia ta biết bom nổ ở Mỹ Điền.
Rồi ngày 20 tháng 11, ở Phao Tân, chẳng rõ tại sao, người ta lại vớ được một chum bom trong đựng 67 quả.
Và ngày 23 tháng Chạp, tại ấp Nội Viên của ông Đô Thống Thuật, thuộc huyện Tiên Du, tỉng Bắc Ninh, bom của Đảng lại bị đào lên hai chum nữa! Hai chum này chôn ở một cái gò giữa đồng. Chỉ vì vết đất mới, nên bị lũ trẻ tò mò bới ra, rồi quan ấp bất đắc dĩ phải đi trình huyện. Huyện về khám, đếm cả hai chum được 84 quả! Dân ấp có vài chục nhà, phần nhiều là cách mệnh, sợ liên lụy, vội vàng trốn sạch, thế là cái ấp ấy bỏ không. Khám trong ấp, họ còn bắt được mảnh gang, dây thép, những tài liệu chế bom. Người ta đồn rằng chính Anh Học hồi tháng 9 đã về đó mấy ngày, để dạy anh em việc ấy.
Nhân tiện tôi kể việc dấu bom ở Kha Lâm, một làng gần bể. Bom ấy đúc trong nhà anh Phó tổng, rồi đựng vào từng thúng một. Hễ nhà chức trách đến khám là đồng chí gánh bom chạy. Chúng thường khám ở những nhà đầu làng trước. Bom chạy đi, chỉ chạy cách độ vài nhà một. Rồi quanh quẩn anh em sẽ gánh nó mà để vào những nhà mà họ đã vừa mới khám. Thế mà mấy lần khám không bắt được quả nào lấy có! Bực mình , họ buông lửa đốt cả làng! Nhưng mấy cái nhà Tây của anh Phó tổng, là cái ổ đúc bom, lại không cháy! Hôm sau, họ dùng cốt mìn mà bắn đổ tất cả một loạt! Họ còn tham lam cho xe đến chở về sở lục lộ tất cả những kèo, những hoành, những sàn gác bằng lim!
Chương XXIX : Đội Dương phản Đảng
Đội Dương nguyên trước là học trò trường thuốc. Tốt nghiệp ra, sao chẳng xin bổ làm y sĩ, mà lại đâm đầu làm lính mộ? Chỗ đó tất có một thâm ý thế nào! Cho nên chúng tôi vẫn trọng hắn là một kẻ có chí khí lớn lao. Khi Đảng mới lập thì Dương đóng đội ở chùa Thông. Anh Học lên tuyên truyền ở Thông, được hắn lấy làm mừng lắm. Qua hai năm 1928, 1929, mặc những đứa nào phi pháp, hắn vẫn là một đồng chí trung trực. Từ Thông đổi về trường bay Bạch Mai, hắn được anh em cử làm trưởng ban Binh Vụ. Và bao nhiêu binh đoàn cùng chi bộ nhà binh đều do một mình hắn trông coi. Theo nguyên tắc, các hạ sĩ quan mới nhận làm đảng viên, còn binh lính chỉ tổ chức thành binh đoàn.
Hắn cũng thờ Đảng hết lòng, mà cổ động được rất nhiều võ trang đồng chí. Vậy mà sao đến tháng 1 năm 1929, Dương lại thình lình phản Đảng, tôi chắc bên trong phải có một uẩn khúc thế nào? Dương hiện còn sống, có thể nói để cho người đời cùng biết được chăng?
Tuy đã phản, Dương cũng chưa làm việc gì hiển nhiên. Mại đến hạ tuần tháng Chạp, Dương mới bắt đầu hạ bàn tay độc ác là dẫn bắt cơ quan chế bom ở số 7 phố Vĩnh Hồ. Anh Cao coi cơ quan ấy, may mà trốn thoát. Hắn lại dẫn đào lên bảy trăm quả bom ở quanh Bạch Mai, món mà Đảng dự bị để đánh vào trường bay!
Nhưng Đảng giận nhất là việc Dương dẫn người lên bắt anh em ở Võng La, thuộc Hạ Bì, Thanh Thủy, Phú Thọ. Nguyên Dương không biết có làng này. Dương sở dĩ biết là vì giáo Phú. Phú cho Dương hay: Võng La là một làng cách mệnh, ngày đêm quanh làng có người gác. Chỉ có lối ra bờ sông là không có. Vậy khi lên bắt nên theo lối ấy vào. Ngày 25 tháng Chạp, Dương đem một toán lính mật thám lên. Theo lời Phú đi theo lối bờ sông vào, quả nhiên anh em không kịp đề phòng, giữa một gian nhà ngói đàng hoàng, Dương xa trông thấy đủ cả bộ ba: anh Nhu, Anh Học và anh Chính. Tim hắn hồi hộp, chân, tay hắn bủn rủn, khi các anh bàng hoàng chạy trốn. Cả bọn cùng xô đuổi. Dương, tay dắt xe, tay cầm súng, bắn theo luôn mấy phát. Các anh tuy bị thương nhưng đều chạy thoát. Nặng hơn cả là vết thương của anh Chính. Đạn xuyên ngang miền dưới vú, lận vào thịt không sao lấy ra được. Nó thành ra một cái tật, sờ vào lục cục, trong suốt đời anh!
Ngoài việc trên này, Dương còn báo bắt cả món bom ở Thái Hà Ấp.
Và các cai, đội, quan, bấy lâu do Dương lãnh đạo, kẻ lột lon, người bị bắt, ở khắp cả Bắc Việt, một ngày ngót bốn trăm người!
Các võ trang đồng chí mhất đán bị ông trưởng ban Binh Vụ “xơi” hết cả rồi, việc khởi nghĩa năm 1930, sở dĩ thất bại mau lẹ quá, chính vì ta mất cái lực lượng trung kiên ấy!
Chính vì thế mà giáo Phú (Vũ Đình Phú, người Hải Dương) đã bị anh em xử tử ngay hồi cử sự.
Chính vì thế mà Nguyễn Huy Dương (Đội Dương) đã bị thủng hai khúc ruột vì hai viên đạn của anh em trong Ám Sát đoàn.
Chương XXX : Ngã đường quyết liệt
Từ hôm bị bắt hụt ở Võng La, từ hôm nghe tin các anh em nhà binh bị Đội Dương “một chài vét hết”, Anh Học, anh Chính và anh Song Khê đều trở nên buồn rầu, lo nghĩ. Cái công trình tuyên truyền, tổ chức bấy lâu, già nửa đã phó cho dòng nước chảy!
“MUÔN NGHÌN NGƯỜI GẮNG SỨC CHƯA XONG,
MỘT VÀI KẺ ĐỔI LÒNG ĐỦ VỠ…”
Cái công cuộc cách mệnh là công cuộc như thế!
Nhưng:
“Nào ai có liệu được đâu cơ trời!”
Ngoảnh lại trong vòng mấy tháng, Đảng đã từng gặp những điều bất lợi luônluôn! Tháng Mười, tự nhiên vỡ việc bom Mỹ Điền! Tháng Một việc bom Phao Tân! Tháng Chạp, việc bom Nội Viên và Thái Hà! Tháng Giêng, việc bom Kiến An và lại Nội Viên lần nữa! Rồi thì nào hịch in ở Lục Nam bị khám phá; nào các làng quanh Võng La bị triệt hạ; nào dao, nào kiếm ở Vĩnh Yên bị lùng bắt; nào những kho chứa gươm, chứa giáo, chứa lựu đạn, chứa quần áo ở Hải Phòng, Kiến An bị chúng tịch thu. Thế nhưng thực chưa lần nào đau đớn bằng lần này… Chúng ta cách mệnh bằng sắt máu, bao giờ cũng lấy quân đội làm phần chủ lực. Chủ lực tan rữa rồi, lấy ít bom xoàng, dao nhụt, với những đội tiện y ô hợp, liệu có cầm cự nổi được với những quân tổ chức sẵn, khí giới sẵn hay không? Người ta bảo: “Cần phải đứng trước ở chỗ không thua”… Thế nhưng mình thì “đứng trước ở chỗ thua” mất rồi! Thế nhưng liệu không đánh, liệu lại tổ chức lại rồi sẽ đánh có được không? Không thể được! Cuộc đời là một canh bạc! Những canh bạc đen, người ta có thể thua hết vốn! Gặp thời thế không chìu mình, Đảng có thể tiêu mòn hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã chen vào trong óc quần chúng, khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội như tro! Rồi của sẽ không tiếp! Rồi người sẽ bị bắt dần! Dữ kỳ đày anh em vào cái chết lạnh lùng, mòn mỏi ở trong các nơi buồng ngục nhà giam, thà rằng xô anh em vào cái chết oanh liệt, nồng nàn ở nơi chiến địa! Chết đi để thế giới biết đến cái tinh thần dân tộc này còn sống! Chết đi để lại cái gương hy sinh, phấn đấu cho người nối bước!
Không thành công, thôi thì thành nhân !
Đó là cái ý nghĩa chua cay nhưng quả quyết của các nhà lãnh đạo hồi bấy giờ. Nhặt nhạnh các tàn lực để làm nên cuộc khởi nghĩa năm 1930, tin ở quá khứ, tin ở tương lai, tin ở các anh sống sót sẽ nối được chí, nối được việc của mình, các anh với cặp mắt đổ lửa, với trái tim bốc lửa, với cái hoàn cảnh lửa đốt dầu, đã quyết đem tính mệnh mà đền ơn Đảng, đền ơn Nước, đền ơn tri ngộ của Quốc Dân. Nói rút lại, các anh đã chọn lấy cái chết của con Người. Ấy, tinh thần trách nhiệm ở phương Đông là thế!
Thế rồi các anh chia nhau công việc. Anh Chính coi việc đánh mạn Yên Báy. Anh Song Khê, Sơn Tây, Phú Thọ, Hưng Hóa. Anh Học, Bắc Ninh, Hải Phòng, Kiến An. Riêng Hà Nội là thủ đô thì buồn thay, không còn một lực lượng gì! Đành lẽ cho ít anh em trong Ám Sát Đoàn ném mấy chục quả bom, để thức tỉnh đồng bào trong giây lát! Các anh định đồng thời cử sự. Ngày ấy định là ngày 10 tháng Hai 1930. Sau đó, vì muốn cho đạo quân của anh Nghiệp ở Vân Nam, Lao Kay về kịp, anh Học có đưa thư định hoãn lại đến ngày rằm. Nhưng anh Song Khê thì cho việc hoãn lại như thế có thể xảy ra những trở ngại không ngờ, nên nhất quyết cứ theo cũ(1). Thành thử ra việc đánh ở mạn ngược và miền xuôi không đi đôi với nhau. Đó là một điều đáng tiếc. Đáng tiếc hơn nữa lá anh Quản Cầm, đáng lẽ chỉ huy việc đánh Yên Báy, thì gần đến kỳ, bỗng mắc chứng đau tim, phải về điều trị tại Hà Nội. Khi nghe tin việc Yên Báy thất bại, anh đã hộc máu ra mà chết ở nhà thong La-nét-xăng (Lanessan).
————-
(1) Chiều ngày 8 tháng 2, anh Chính ở nhà Quản Trang, làng Nam An, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây tiếp được lệnh Anh Học bảo hoãn đến rằm. Anh sai anh Lý Sự, làng La Hao sang Sơn Dương báo với anh Song Khê, anh Song Khê không chịu hoãn. Đồng thời cô Giang đưa phái viên của anh Nghiệp về, xin đưa lên cho bộ Lao Kay 40 trái bom nhưng không kịp.
Khởi_nghĩa_Yên_Bái_(1930)
Tổng khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ ngày 10 tháng 2 năm 1930.
Chương XXXI : Việc Yên Báy
Hồi trước, hình như anh em chưa hề chú ý đến địa điểm Yên Báy.
Sau, vì muốn mở một lối cho các quân đội ở bên trong có thể liên lạc được với các đội quân ở Lao Kay, ở Vân Nam của anh Nghiệp, nên Đảng phải cho tuyên truyền cấp bách ở đấy để tìm lấy đồng chí. Cũng vì anh em nhà binh ở Yên Báy gia nhập muộn, nên chưa đặt dưới quyền giám sát của Đội Dương. Cũng nhờ thế mới bảo toàn được lực lượng sau khi tên này phản Đảng.
Việc tuyên truyền ấy phần nhiều là do công hai chị em cô Giang, cô Bắc. Trước khi cử sự, anh em nhà binh luôn luôn có cuộc họp ở nhà anh Quản Cầm. Dự nghị có bốn anh: Cai Thinh, Nguyên, Thuyết và Ngô Hải Hoàng. Đó là bộ tham mưu ở địa phương. Nhưng mấy hôm trước nhật kỳ, thì anh Cầm đã vì bệnh đau tim mà về nằm ở Hà Nội. Anh em liền cử anh Hoàng thay anh Cầm làm tổng chỉ huy đánh Yên Báy. Sớm ngày mồng 9 tháng 2, các đồng chí ở các nơi, toán thì đi bộ, toán thì đi xe lửa, lục tục kéo về Yên Báy, dưới quyền lãnh đạo của mấy anh Đặng Văn Hợp, Bùi Tử Toàn, vân vân. Bom và dao thì do các chị em đồng chí giấu xuống dưới những mớ rau, mớ cám mà gánh về để ở quanh trại con gái. Các chị em toàn là người làng Xuân Lũng. Những băng đeo, những cờ hiệu dùng trong đêm ấy, cũng là do chị em sắm sửa cả. Tất cả các đồng chí, chia nhau họp ở trong rừng sơn, cạnh tỉnh lỵ. Anh Phó Đức Chính, mặc binh phục, đứng ra diễn thuyết và phân phát khí giới cho các đội tiện y.
Bảy giờ chiều, một tên gián điệp vào báo với viên đội Quy-nê-ô. Tên này đưa nó vào trình Lơ-ta-công, chỉ huy quan, coi các đạo binh Yên Báy. Lơ-ta-công đi tuần, dòm vào trong trại con gái, nơi lính ta ở, thấy bóng người vắng tanh, cho là họ đã họp nhau ở một chỗ nào mà đánh bạc! Họ vốn coi khinh người mình, nên không hề để ý đề phòng.
Một giờ sáng, anh em trong hai cơ binh thứ năm, thứ sáu đóng ở dưới đồi, đã họp sức với các anh em các đội tiện y ở ngoài mà chiếm lấy trại.
Các đồng chí đã dùng dao, dùng súng tay mà tấn công.
Kho súng mở… Các khí giới phân phát… ngọn cờ “máu đỏ da vàng” của Đảng phất phới bay cao trên trại… Các binh sĩ cũng như các người trong đội tiện y tay đều đeo băng “cách mệnh quân”. Sắp quân xong, anh em dàn súng liên thinh mà bắn lên trại đối phương đóng ở trên đồi. Giữ thế tranh sơn, đối phương từ trên cao bắn xuống cản đường quân cách mệnh không sao tiến nổi. Năm giờ rưỡi sáng, đối phương bắt đầu phản công kịch liệt. Quân ta cơ hồ bị vây kín ở trong trại. Thấy thế núng, ban chỉ huy liền đem các đồng chí xông qua vòng đạn lửa mà kéo vào rừng…
Xét ra việc thất bại mau lẹ ở Yên Báy chỉ là vì tổ chức chưa kỹ càng. Trong bốn cơ Khố Đỏ ở đấy, thì phong trào cách mệnh mới chiếm được hai cơ. Mà lại là hai cơ đóng ở dưới đồi! Theo địa thế, đã đủ là bất lợi. Bên trại Khố Xanh, ta lại không tuyên truyền gì cả. Trong cơn quân đối phương vây đánh quân ta, đội quân Khố Xanh vẫn ở trong trại, không hề nhúc nhích! Biết đâu các sĩ quan ở đấy chả có cái thâm tâm ủng hộ cách mệnh? Đáng tiếc là Đảng chưa kịp huy động đến họ mà thôi.
Thế nhưng có cứ gì ở Yên Báy. Sự thiếu tổ chức là khuyết điểm chung trong công cuộc bấy giờ. Không phải các nhà lãnh đạo của ta không biết đến đâu? Các anh muốn tổ chức cho chu đáo nhưng thời thế đã không cho các anh có thì giờ làm: thời thế đã đẩy các anh vào chỗ không thể đợi chờ được nữa!
VNCMQ
Lực lượng vũ trang của Việt Nam Quốc dân Đảng được gọi là VIỆT NAM CÁCH MẠNG QUÂN (sau Khởi nghĩa Yên Bái thì đổi tên là Việt Nam Quốc dân quân), tồn tại cho đến năm 1946 mới giải thể. Màu Đỏ (#EF4135) thể hiện cuộc tranh đấu cách mạng ; màu Vàng (#FFFF00) tượng trưng cho quốc gia – con người Việt Nam. Chiến sĩ mặc quân phục kaki vàng, đội mũ lưỡi trai, đi giày cao su và tay phải đeo băng vàng có dòng chữ “Việt Nam Cách mạng quân” màu đỏ.
Chương XXXII : Việc Hưng Hóa và Lâm Thao
Chỉ huy việc đánh Hưng Hóa, Lâm Thao là anh Song Khê, tức Xứ Nhu, phó chủ tịch ở Trung Ương đảng bộ hồi ấy. Việc này, viên Đại Lý coi Hưng Hóa có đề phòng trước, nên thất bại còn thảm khốc hơn.
Ngày mồng 9 tháng Hai, anh Song Khê sai người đem thuyền đến bên sông cạnh làng Võng La, đào lấy các hòm khí giới chôn ngầm ở đấy. Bốn giờ sáng ngày mồng 10, anh đem chừng 50 đồng chí, soi đèn bấm và mang gươm, dao, lựu đạn đến trước trại lính. Anh diễn thuyết cho bọn lính nghe về chủ nghĩa và công việc của Đảng, khuyên bọn họ bỏ trại mà đi theo quân cách mệnh. Họ không nghe, dàn súng bắn ra. Quân ta ném lựu đạn để đánh vào, nhưng kết quả không sao hạ được trại. Lựu đạn hết, anh em đành phải lui ra phía bờ sông để chờ lấy thêm chiến cụ.
Chiến cụ ở Xuân Lũng đã cho thêm tới nơi. Anh đem quân đánh xuống Lâm Thao. Tên tri phủ Đỗ Kim Ngọc bỏ trốn. Bọn lính cơ trốn theo. Quân ta chiếm lấy phủ, cướp lấy súng đạn, vào đem cờ Đảng treo ở cổng phủ đường. Anh Song Khê vừa diễn thuyết cho dân chúng nghe xong, thì truy binh đã đến. Anh dàn quân ra nghênh chiến, nhưng thế cô không chống nổi. Anh bị thương nặng ở chân, liền đặt 2 trái lựu đạn xuống đất, rồi vật mình lên trên mà tự tử! Đạn nổ… Ngực vỡ, bụng vỡ, trông thấy cả gan, ruột… Nhưng anh không chết! Chúng bắt anh, băng bó lại mà khiêng đi. Dọc đường, anh nhảy xuống sông nhưng chúng vớt được! Mãi đêm hôm 11, trong buồng giam, tay bị cùm, chân bị xích, anh phải tự đập vỡ đầu ra mới chết được thoát thân!
Các đồng chí có mười người chết ngay tại trận, còn thì đều bị bắt vào tay quân Pháp. Trốn thoát chỉ là một số rất ít.
NTH-NKN
Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu (Xứ Nhu).
Chương XXXIII : Việc đánh miền xuôi
Chỉ huy đánh các tỉnh miền xuôi, là nhiệm vụ Anh Học. Vì việc ấy, anh đã triệu tập một cuộc hội nghị địa phương ở Đông Triều để cùng bàn định phương lược. Anh em đều cho cái hẹn mồng 10 gấp quá, không sao tổ chức cho kịp đánh được. Thế rồi quyết nghị hoãn lại nhật kỳ như trên ta đã biết.
Nhưng mạn trên đã không theo lệnh mà đánh trước. Sự đánh sớm ấy gây ra hai kết quả có hại :
- Một là việc thất bại ở Hưng Hóa, Yên Báy, Lâm Thao gieo vào lòng người sự ngờ vực lực lượng cách mệnh.
- Hai là nhà cầm quyền Pháp ở các địa phương biết chuyện khởi nghĩa chẳng phải là tin đồn hão, sẽ hết sức đề phòng.
Do sự đề phòng ấy mà ngày 11 tháng 2, tên công sứ Hải Dương đến khám làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách vì có tin báo Anh Học ở đấy. Trong cuộc khám ấy, họ đã bắt được Vương Đình Hội, Nguyễn Khắc Thông và một mớ khí giới. Đến ngày 12, họ lại vây làng Hưng Thăng cùng hạt. Anh Học xuýt bị bắt, phải lội xuống ao, lủi trong bụi, sau cùng mới lên được thuyền trốn ra ngoài.
Kỳ thực thì về miền Đông Bắc, chỉ có hai điểm quan trọng là Đáp Cầu và Phả Lại. Cả hai nơi, Đảng đều tổ chức đã lâu. Cả hai nơi, các võ trang đồng chí đều khá nhiều. Thế nhưng những anh em đấy đã vì sự phản bạn của trên Dương mà bị bắt cả rồi! Còn nguyên các đảng viên thường, Anh tính đem toàn lực mà đánh dồn cả vào một nơi, họa chăng có được! Nơi ấy tức Phả Lại. Một mặt Anh hẹn với anh em ở Lương Tài, Bắc Ninh, một mặc Anh hẹn với anh em ở Gia Bình, Nam Sách tất cả chia năm đạo mà đánh vào. Hẹn đánh là ngày 12. Nhưng đến giờ hẹn, nơi hẹn thì các bạn chẳng thấy anh đâu cả! Đồng chí kinh ngạc kéo về, hôm sau mới hay tin là Anh bị chúng vây ở Hưng Thăng, nên không đúng hẹn được. Việc đánh hoãn lại ngày 14. Nhưng khi các anh em, nào thủy, nào bộ, đã tề tựu, các chỉ huy đã họp lại một nơi để chờ nghe huấn lệnh, thì Anh Học đi thuyền đến… Ngồi trên mũi thuyền, Anh nói:
- Thôi! Anh em hãy giải tán! Nhà cầm quyền vừa mới cho thêm 300 lính Lê Dương đến, và canh phòng riết lắm. Bom, dao, đòn ngắn cả, vào không lọt với súng liên thinh, chúng đã đặt ở chung quanh trại cả rồi!
Không đánh nổi các đồn lớn, Anh liền ra lệnh cho anh em được tùy tiện đánh các phủ, huyện, quanh miền. Đánh như vậy rồi kết quả ra sao? Cái đó chỉ có Trời biết! Dù sao thì cũng làm được một việc có ích là cảnh tỉnh cho bọn tham quan, ô lại! Cũng vì vậy, mà đến hôm rằm, anh em ở Phụ Dực, mặc binh phục và mang bom, dao, cùng ít khẩu súng dài, súng ngắn, tất cả chừng một trăm người, sấn vào vây huyện và chiếm lấy khí giới. Xong đó, anh em kéo sang Vĩnh Bảo, cách đó mười lăm cây số. Nhưng đến nơi thì các bạn ở địa phương đã chiếm được huyện rồi.
- “Việc đánh Vĩnh Bảo là do anh Trần Quang Riệu chỉ huy. Chiều hôm 16, anh giả vờ hốt hoảng vào báo với lão Hoàng Gia Mô, tri huyện ở đó rằng: “Bẩm quan lớn! Tôi nghe tin bọn cách mệnh đêm nay chúng định lấy huyện!”.
Hoảng hốt tên Mô gọi tài xế sắp ô tô, đem theo bốn tên lính hộ thân, sang đồn Ninh Giang để cầu cứu. Lão Đồn trả lời rằng lính đồn còn phải coi đồn, không thể giúp gì được. Nói rồi lại giục tên Mô mau về mà coi huyện. Thất vọng, tên Mô luống cuống! Rồi nhanh trí nó bảo tên người nhà cởi bộ quần áo nâu cho nó mặc. Xong, chết trong lòng đành phải lên ô tô mà tìm lối quay về. Về đến đầu chiếc cầu xi măng gần huyện thì vang trời hai, ba tiếng nổ! Ô tô bị bom đã hỏng máy, nằm quỵ bên đường! Nguyên khi nó đi sang Ninh Giang thì anh em đã vào chiếm lấy huyện. Tôi bấy giờ bị giam trong lô cốt, nghe tiếng bom hiệu ở ngoài, trong lòng đã khấp khởi. Khi được thả ra, trông bóng cờ vàng phất phới ở trong làn khói pháo của dân phố đốt mừng quân cách mạng, thật từ thuở mẹ đẻ, tôi chưa thấy sướng như thế bao giờ! Khi thấy ô tô đã nằm bẹp, anh em cầm chắc đã bắt được tên Mô! Nhưng quái lạ! Khi bấm đèn “pin” soi vào thì chả thấy nó đâu cả! Hỏi tài xế thì ra, lanh trí khôn, nó đã trốn chạy vào trong bóng tối! Anh em vội sục tìm các ngã, thì bắt được nó ở trong một nhà hàng nước, nằm ép vào xó chiếc ổ rơm! Đem nó về giam vào lô cốt, nó van van lạy lạy: “Nào là xin thương cho, mẹ nó chỉ có một mình nó! Nào là việc bán dân, bán nước là tự ông, cha nó, chứ nó chẳng biết gì!…” Vợ nó lại đem vàng, bạc ra định đút lót để xin tha cho chồng! Nó tưởng quân cách mệnh cũng tham tiền, thích gái như ông, cha nhà chúng nó! Anh em khi ấy chỉ lục đốt giấy má có quan hệ đến các chính trị phạm, còn thì tiền của nó, vợ con nó, không hề xâm phạm mảy may. Sớm mai, chúng tôi cho họp dân phố lại, rồi lập tòa án cách mệnh mà xử tội tên Mô. Nó chẳng những là đứa tàn nhẫn, đối với người cách mệnh, tra tấn đủ mọi cực hình, mà còn là đứa tham ô, tìm hết cách để khoét dân, hạt hạ! Vì vậy, khi anh chủ tịch hỏi ý kiến dân, cả hai dãy phố huyện, ai nấy đều đồng thanh xin giết! Rồi, chưa kịp đem ra hành hình, bọn phu tuần đứng quanh đã lấy giáo mà đâm vào mình nó be bét! Máu chảy chan hòa! Tiếng kêu thảm thiết!
“Cùng đồng bào cả! Sao đến nỗi phải đối đãi nhau như vậy”.
Tôi nghĩ vẩn vơ, bất giác phải trào nước mắt! Bây giờ thì không thấy nó kêu, nó giẫy như trước nữa! Chắc nó chết, chúng tôi bảo bọn tuần khiêng xác nó mà quẳng xuống sông! Nhưng mà nó đã chết đâu! Xuống sông rồi, giẫy bật dây trói ra, nó cố sức bơi sang bờ bên kia, mong tẩu thoát! Anh Riệu nóng máu, cầm súng trường bắn luôn hai phát! Cái xác tên khốn nạn liền theo tiếng súng mà chìm. Quay về, chúng tôi đón anh em ở Phụ Dực kéo sang. Dân các làng chung quanh, làm cỗ, thổi cơm gánh đến để thết quân cách mệnh! Trong đời tôi thật chưa được ăn bữa cơm nào vui như thế! Nhưng đương ăn thì máy bay của quân Pháp đã vù vù đến thám thính. Chiều hôm ấy, anh em thu lấy súng đạn rồi kéo về Cổ Am! Ngày 16 tháng 2, chúng tôi nghe tin chúng nó cho lính Khố Xanh đóng ở Phụ Dực, Vĩnh Bảo và sắp sửa truy tầm đến nơi. Buổi trưa, máy bay lại đến thám thính. Nó bay thấp quá! Đàn bà, con trẻ trong làng đền hoảng sợ! Chúng tôi bắn lên một loạt súng mà không trúng! Chúng nó bay về! Rồi một lúc kéo đến hơn chục chiếc, cũng bay thật thấp và dội bom xuống làng…
Chẳng những dội bom xuống làng mà thôi, chúng còn bắt chặt hết tre, rồi buông lửa đốt cháy cả làng. Áo, quần, thóc, gạo, gà, lợn, trâu, bò và các đồ vật, có làng thì chúng cho chạy ra, còn có làng thì chúng bắt bỏ lại để cháy cho kỳ hết!
Đó là số phận những làng ủng hộ cách mệnh như La Hào, Võng La, Cổ Am, Xuân Lũng, Kha Lâm, Sơn Dương, Khúc Thủy, vân vân và vân vân!
Các đạo quân cách mệnh ấy, mấy hôm sau vì chúng truy nã ráo riết, anh em chết dần và bị bắt dần!
Và ngay ngày 17, tên Vi Văn Định, Tổng Đốc Thái Bình, đã về Phụ Dực, khám bên bờ sông, tìm ra một mớ khí giới và bắt mười người. Còn Vĩnh Bảo, vào tay tên công sứ Hải Dương, thoạt đầu đã có đến 30 người bị bắt !
VVD
Ông Vi Văn Định (1878 – 1975) , Tổng đốc Thái Bình.
Chương XXXIV : Việc ném bom ở Hà Nội
Hà Nội chẳng những là thủ phủ Bắc Việt, mà còn là thủ phủ cả Đông Dương. Vậy, muốn cách mệnh ở xứ này, trước hết tất phải đánh Hà Nội. Ta có thể nói rằng: “Lấy được Hà Nội là lấy được tất cả!”. Cho nên ngay từ lúc mới lập Đảng, chúng tôi đã phải chú ý đặc biệt các địa điểm chiếc lược, và phải cố công tuyên truyền vào đám các hạ sĩ quan ở trong thành cũ của vua Lê rồi. Thế lực của Đảng, ở Hà Nội, nhất là ở trong quân ngũ, có thể nói là hùng hậu gấp mấy chục lần ở mọi nơi. Nguyên chi bộ Tàu Bay, do anh Đội Môn (Trần Văn Môn) làm chi bộ trưởng, vừa cai, vừa đội, có đến 22 người! Còn ở hai trại thứ chin, thứ tư trong thành, cùng ở trại Khố Xanh, Đồn Thủy, không kể các binh đoàn, chỉ kể nguyên cai, đội, quản, chúng tôi đã có hơn trăm người là đồng chí. Nhưng sau việc mưu phản của Đội Dương, thì các đồng chí ấy, nếu không bị khép bắt tù thì cũng bị bóc lon, cách chức, đưa lên các đồn lẻ ở Thượng Du làm lính cả!
Còn các đảng viên thường, như thư ký, tham tá, giám học, giáo sư, các nhà buôn, các nhà kỹ nghệ, ít anh em thợ thuyền nữa, nếu thiếu các anh em gươm, súng, thì trong một cuộc cách mệnh sắc máu, nào làm được việc gì!
Cho nên, kể là lực lượng chân chính của cách mệnh sau ngày anh Học bị bắt hụt ở Võng La, sau ngày mấy nghìn bom ở Bạch Mai, ở Thái Hà bị móc mói, ở Hà Nội, Đảng chỉ còn có Đoàn Ám Sát là đáng kể, thế thôi!
Đoàn ấy, tuy chỉ huy là anh Song Khê, song lãnh đạo chính là anh Đoàn Trần Nghiệp.
Anh Nghiệp năm ấy 19 tuổi, quê quán làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Ông thân sinh anh là Đoàn Văn Ba, bà là Đinh Thị Thuận, làm nghề hàng bạc, và nhà ngày ấy ở số 56 phố hàng Bạc.
Hồi 1928, anh làm thuê ở hiệu buôn Gô-đa, và vào học sinh đoàn của Đảng. Giúp tôi, anh vẫn viết các sách vở tuyên truyền và in tờ báo “Hồn Cách Mệnh”. Khi Đảng mở Việt Nam Khách Sạn, thì anh về làm thư ký coi kho ở đấy. Vì còn nhỏ nên mọi người gọi đùa anh là “cậu Ký con”. Cái tên Doãn, là tên trong Đảng của anh. Anh còn cái biệt hiệu nữa là Sĩ Hiệp, đặt ra từ lúc sung vào Đoàn Ám Sát. Người anh dỏng cao, da trắng xanh, miệng luôn luôn như cười, và hai môi đỏ như son. Mắt sáng và nhanh, có vẻ hiền lành hơn là dữ tợn. Trong các kỳ Hội Đồng, tôi chưa từng thấy anh nói. Con người ấy sống bên trong nhiều hơn là sống bên ngoài. Xin chớ ai lầm nhà hiệp sĩ của chúng ta là một kẻ “ăn thịt người không tanh”. Đó là một người ôm một lý tưởng cao siêu, không chịu nổi ở đời những cái gì nhỏ nhen, là nhơ bẩn, là đê hèn, khốn nạn!
Sau khi khách sạn đóng cửa, anh bị bắt nhưng được tha ra ngay, vì những kẻ phản đảng không biết có anh là đồng chí. Tha ra rồi, anh cùng anh Viển, anh Viên, thường theo anh Học, anh Song Khê mà làm việc cho Đảng. Trước làm giao thông, sau sung vào làm Ám Sát Đoàn, và làm trưởng Đoàn Ám Sát. Cái đoàn của anh chỉ huy, kể ra nhiều lắm. Tuy vậy, nó là một cơ quan bí mật, trừ đoàn trưởng ra chẳng những người ngoài đoàn, mà đến người trong đoàn cũng không biết ai là ai nữa. Chúng ta chỉ có thể biết được tên các anh nghĩa hiệp ấy khi chẳng may bị bắt, và bị giết! Nhưng trong đó đã lẩn quất biết bao nhiêu bậc chí nhân, thánh nhân như lời Trang Tử dạy “không cầu công, không cầu danh, vì không biết có mình !”(1).
Sau khi Tổng Bộ đã định kỳ khởi sự, Doãn được lệnh đúng ngày ấy Đoàn Ám Sát phải cắt đứt hết các dây thép, dây nói, và ném bom vào sở Mật Thám, sở Cảnh Sát, sở Sen Đầm. Cơ quan của Doãn khi ấy đặt ở 24 phố hàng Giấy, tức là nhà ông Đào Tiến Tường. Đôi vợ chồng già này, tuy không vào Đảng song ủng hộ Đảng rất nhiệt tâm. Nào bom, nào súng sáu, nào dao găm, bao nhiêu những của giết người ấy, bà cùng các cô con gái bà vẫn giấu diếm và coi giữ hộ các anh em chiến sĩ…
Sớm ngày mồng 10 tháng Hai, vì việc ném bom, Anh cho gọi tất cả năm người trong đoàn đến. Cả năm anh đều là học trò trường Bách Nghệ: Nguyễn Văn Liêm, Nguyễn Duy Xứng, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Quang Triệu và Nguyễn Bá Tâm. Lần lượt, lần lượt, Anh giao cho mỗi người bốn trái bom bọc gang, và dặn mỗi anh một nơi, đúng tám giờ tối, phải ném vào sở Sen Đầm, sở Mật Thám và hai sở Cảnh Sát, bót hàng Trống và bót hàng Đậu. Ném xong, về trình diện Anh biết.
Anh em vâng lời và mọi việc đã làm đúng theo mệnh lệnh. Chín giờ, anh Doãn cùng bọn đi cắt dây nói, dây thép về đầu tiên, rồi lục đục đến các anh ném bom về trả lệnh. Ông bà Đào Tiến Tường mừng quýnh, người lau cốc, người mở sâm banh, rót ra để khao cho các chiến sĩ, và để mừng cho “Việt Nam cách mệnh thành công!”.
Trong khi tiếng cốc chạm, tiếng cười vang, mọi người chợt nhớ ra: “Quái lạ! Anh Nguyễn Bá Tâm đâu không thấy?”
Anh Tâm, khi ấy 18 tuổi, quê ở Phú Thọ, đã vì sự tình cờ mà bị thương và bị bắt. Sau anh ra Côn Lôn, có lần tôi gặp anh quét sân ở bean “Banh cũ” (Trại giam số một). Anh kể cho tôi nghe câu chuyện của anh như sau này:
“… Chắc anh cũng biết, đó chỉ là một chuyện nghi binh. Chúng tôi mong làm thế để cho dân chúng nôn nao, và may ra chúng nó sợ Hà Nội có biến, không dám đem quân đi đánh các tỉnh… Buổi chiều hôm mồng 10, tôi còn đi học. Hai quả bom gang, tôi vẫn bỏ chơi trong túi. Tám giờ tối mới đến trước bót hàng Đậu, thấy một người vào gõ cửa, tôi ném luôn ngay vào chân nó. Thế nào bom nổ mà nó lại chạy thoát. Tôi định ném luôn quả nữa, thì một đứa ở đâu chạy lại. Nó chạy mau quá thành ra đập vào tay tôi, làm cho bom nổ trong tay! Bàn tay tôi băng đi mất! Tôi cố nhịn đau, chạy lên nằm ở trên cầu. Nghĩ thế nào cũng chết, tôi rút dao ra tự tử, nhưng dao cùn quá, đâm mãi cũng không thủng cổ! Đau quá! Bấy giờ tôi nằm không yên nữa, đành phải gọi xe đem tôi vào nhà thương. Chúng nó cắt cụt tay tôi, chữa cho tôi lành. Lành, rồi chúng nó tra tấn cực kỳ là chó! Nghĩ chối mãi, nó đánh cũng chết, tôi đành nhận là thủ hạ của anh Doãn. Nó hỏi anh Doãn ở đâu? Tôi khai anh thường nằm ô-ten, không chỗ ở nhất định. Nó hỏi ban ám sát có những ai? Tôi khai, trừ anh Doãn ra, tôi chỉ quen anh Học, anh Chính thôi, chứ chẳng biết ai, và cũng chẳng vào chi bộ nào cả…”.
————-
(1) Xem “Trang Tử : Nam Hoa Kinh”, Nhượng Tống dịch.
Tôi nhắc mẫu chuyện ấy ra đây, để anh em sống sót nhớ đến một người đồng chí. Vì người đồng chí ấy là người mà ta nên nhớ. Vì người đồng chí ấy là người trai mười mấy năm trường lặn lội mãi trong đám bùn đời mà vẫn giữ được cái bản sắc là một người trong đoàn ám sát; năm ngoái đây, chỉ một tay, anh đã băm chết tên tri huyện sở tại là một tên có tiếng tham tàn. Băm xong, anh tươi cười để lính trói anh, và tươi cười bước lên máy chém.
Những anh ném bom với anh đêm ấy, cho đến cả anh Doãn, sau đều lục tục bị bắt, và hy sinh vì nghĩa trước anh.
Chương XXXV : Anh Chánh Tôn
Được tin các tỉnh mạn ngược đã khởi nghĩa, quân Pháp ở Hà Nội canh phònh rất nghiêm mật. Họ đặt thêm ra một cái bót gác ở đầu cầu sông Cái, để khám xét các người qua lại trên cầu. Chưa thấy anh em mạn xuôi khởi sự, anh Lương Ngọc Tôn, tức Chánh Tôn (vì anh là chánh hội làng Hữu Bùi, huyện Gia Bình) lấy làm sốt ruột, liền đi ô tô hàng để sang Bắc, định xem công việc ở hạt mình thu xếp ra sao. Ô tô đến đầu cầu, tên đội Xanh giơ ni ngăn lại để khám hành khách trên xe. Anh không thể để cho chúng khám được, vì lúc nào anh cũng mang khí giới trong mình. Sẵn súng sáu trong tay, anh liền ban cho tên đội này hai phát. Tên đội ngã lăn ra! Anh bước lên cầu cắm cổ chạy! Bọn cảnh sát hô hoán! Bọn người trong phố Ngọc Lâm xô nhau ra đuổi! Anh vừa chạy, vừa rắc giấy bạc ra đường cho chúng nhặt để chúng khỏi chạy theo làm rắc rối! Rồi anh chạy xuống ven sông… Anh phải tỳ súng vào mang tai, tên lái đò mới chịu chở. Qua sông, anh lại bị lũ thợ làm ở lò bát Thanh Trì đón bắt. Bực mình, anh quay lại cầm súng bắn chết luôn ba đứa! Nhưng đạn hết, anh đành phải nộp mình cho quân Pháp, vì cớ ngu si đê tiện của lũ nhà quê.
Chương XXXVI : Phó Đức Chính bị bắt
Anh Phó Đức Chính quê ở Đa Ngưu. Tốt nghiệp Công Chánh ra, anh được bổ sang Lào. Năm 1929, việc Đảng bị tiết lộ, anh bị bắt ở Lào về. Anh kém anh Học bảy tuổi, năm ấy mới vừa đúng 20. Coi là trẻ con, Bờ-rít tha cho miễn nghị. Được tha rồi, anh trả hết những món kỷ niệm cho người hôn thê là cô Thắm ở Thanh Hóa. Một lần sau, anh lại bị bắt ở một cơ quan với các đồng chí, nhưng rồi lại được tha. Anh đã nói dối là ở nhà quê, về Hà Nội cân thuốc, ngẫu nhiên gặp bạn cũ mới vào chơi, chứ không có chuyện gì cả. Kỳ thực là từ khi ở Lào về, anh làm việc cho Đảng rất hăng hái. Không mấy khi là anh không ở bên cạnh anh Học hay anh Song Khê. Chúng ta đã rõ anh với việc khởi nghĩa Yên Bái là thế nào. Cố nhiên những chỉ huy trong lúc đánh là mấy anh cai Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoàng là mấy anh Đồ Thúy, Giáo Liên, Nguyễn Văn Khôi… thế nhưng tất cả những anh ấy đều thuộc dưới quyền anh tiết chế.
Việc Yên Báy thất bại rồi, cái hùng tâm của Anh chưa chịu chết! Anh cùng các đồng chí ở Yên Báy thoát vòng vây ra được, lập tức lại đi liên lạc các anh em, tìm tòi lấy thực lực, định hạ thành Sơn Tây. Thế nhưng “tính việc ở người, thành việc ở Trời”. Ngày 13, bao nhiêu bom dao để ở Quảng Húc đều bị quân địch khám bắt đem đi. Rồi chiều ngày 15, anh cùng Cai Tân, Nguyễn Văn Khôi đương bàn việc ở nhà anh Quản Thanh tại làng Nam An, tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện thì bị chúng bắt trói, giải về Hà Nội…
Khi tòa án của quân địch đã khép vào tội tử hình rồi, tên chủ tịch Đề Hình hỏi Anh có xin chống án không? Thì Anh cười và đáp:
- Đời con người ta làm có một việc, hỏng cả một việc, sống nữa làm chi?
Tính ra Anh ở đời khoảng chừng hai mươi mốt năm thôi. Thế nhưng tôi tin rằng linh hồn Anh đã hòa hợp với Quốc hồn mà cùng với non sông cùng thọ.
PDC-NTG
Di ảnh ông Phó Đức Chính và bà Nguyễn Thị Giang trong hồ sơ lưu trữ của mật vụ Pháp.
Chương XXXVII : Tấm lòng trách nhiệm
Anh Song Khê tự tử rồi!
Anh Phó Đức Chính bị bắt rồi!
Đối phương hả lòng bắt bớ, giết chóc, tàn phá rồi! Nhưng một ngày mà Anh Nguyễn Thái Học còn được tự do, thì một ngày họ còn bận lòng rộn trí!
Ngoài những hạng thám tử gà mồi tung ra tứ phía, họ in hơn bốn nghìn bức ảnh cho dán đi khắp ngã, treo cái giải thưởng năm nghìn đồng cho kẻ nào bắt hay giết được Anh Học, và phái hai trăm lính Khố Xanh, lập thành một đạo quân lưu động, để ngày đêm truy nã tìm tòi!
Một mặt thì các đồng chí có trực tiếp dự vào các cuộc đánh phá, không mấy ai còn thoát thân!
Số bị bắt, ở Yên Báy, 21 người binh sĩ, 62 người thuộc đội tiện y; ở Phú Thọ, hai trăm; ở Hà Nội, anh Nho, anh Tôn cùng 5 anh ném bom, tất cả đều thuộc về Đoàn Ám Sát; ở Bắc Ninh, Hải Dương, 56 người trong đạo quân Phụ Dực, Vĩnh Bảo; ở Hải Phòng, Kiến An, cơ mưu bại lộ, cũng góp vào sổ danh dự ngót hai chục anh.
Mà còn nữa, còn nữa! Vì tổng cộng lại, vừa bị đày, vừa bị giết, vừa đảng viên, vừa đoàn viên, tính đến cuối năm có ngót đến ba nghìn!
Vì các lẽ khó khăn ấy, Anh không dám ở đâu một chỗ đến luôn ba hôm. Tung tích Anh cần phải giữ sao cho thật nhiêu khê. Lúc thì trên một con thuyền lơ lửng mặt sông! Lúc thì trong một phòng tăng trên sườn non Yên Tử! Lúc thì sang Đông, lai vãng trong hai hạt Chí Linh, Nam Sách. Lúc thì về Bắc, lẩn quất trong hai huyện Lương Tài, Tiên Du…
Các anh em không biểu đồng tình với Anh về việc khởi nghĩa, vì họ cho là thời cơ chưa đến. Các anh em về phái trung lập đó, hồi trước biệt lập, khi ấy lại hòa hảo với Anh. Cái cớ làm cho ý kiến xung đột đã mất rồi, còn cái gì có thể chia rẽ nhau được nữa? Cho nên đối với Anh, chẳng những các đồng chí hết lòng hộ vệ, mà khắp cả mọi nơi, còn đua nhau gửi tiền cho Anh nữa. Trong số đó thì có ông Quách Vỵ, gửi đến năm trăm đồng.
Nói cho thực, thì trong Đảng hồi ấy, phái chủ chiến đã tan nát cả rồi, còn phái trung lập thì cho rằng Anh nên ra ngoại quốc, để tạm lánh sự rình mò của nhà đương cuộc. Cái tên Anh đã vang khắp trong ngoài nước, Anh ra ngoài có lợi cho việc ngoại giao nhiều lắm. Một mặt thì Quốc Dân coi Anh như linh hồn của Đảng. Anh ở ngoài, có thể làm cái trụ cột chắc chắn, để anh em nương tựa mà theo đuổi công việc cải tổ ở bên trong.
Cái ý ấy, anh Lê Hữu Cảnh, trưởng Ban Ám Sát sau khi anh Doãn bị bắt, thay mặt anh em mà nói với Anh, một hôm Anh ở Tiên Du. Nhưng Anh cười: “Không thể được! Không thể được!”
Rồi anh Đoàn Kiểm Điểm, thay mặt các nhà cách mệnh ta ở Tàu, khi ấy cũng thành lập một đảng ở hải ngoại, mà cũng lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng, từ Quảng Châu về, ngỏ ý các cụ cho về mời Anh sang, nhưng anh cũng từ chối. Anh Điểm về mời Anh đến lượt ấy là hai lượt. Lượt thứ ba thì bị bắt ở Lạng Sơn, và bị đày ra Côn Lôn.
Sao anh Học lại không chịu ra ngoài? Anh cho rằng việc thất bại vừa rồi là trách nhiệm tự Anh. Tự Anh mà bao nhiêu đồng chí bị giết, bị tù; bao nhiêu gia đình tan nát; bao nhiêu làng bị đốt phá, bị triệt hạ… Anh cần phải ở lại trong nước, để cùng với các anh em cải tổ lại Đảng giữa một cơn khủng hoảng, giữa một hồi khủng bố. Anh cần phải chịu hết mọi sự nguy hiểm, khó khăn, không thể từ chối được.
Nói tóm lại, một là Anh có thể phụng sự Đảng cho đến lúc thành công, để đền nợ nước, để báo thù cho các đồng chí. Hai là Anh phải phấn đấu đến chết để tạ lại lòng tín nhiệm, trong của các anh em, ngoài của cả Quốc Dân. Chứ bỏ mọi người ở trong vòng gian nan, khốn khổ, rồi nhảy tót ra mà sống cái đời yên hàn chắc chắn ở nước ngoài, dù sao nữa “Học cũng không thể vâng lời được!” Thực ra thì chỉ một tay lãnh tụ mới có thể bắt buộc mọi người hy sinh cho mình nhiều quá như thế! Nhưng Anh, Anh không bao giờ dám coi mình là một tay lãnh tụ cả. Anh không có óc lãnh tụ, Anh chỉ có tấm lòng trách nhiệm mà thôi.
Thế rồi, Anh lại theo đuổi các công việc thường ngày, tổ chức lại, tuyên truyền thêm, để có một ngày Đảng lại đủ thế lực mà mưu đồ việc lớn.
Chương XXXVIII : Anh Ngô Hải Hoàng
Anh Ngô Hải Hoàng quê ở Nghệ An, vào đảng từ năm 1928, ở chi bộ Tuyên Quang. Từ khi đổi sang Yên Báy, anh lại theo anh em ở đấy mà làm việc, và chính anh được thay anh Quản Cầm chỉ huy anh em võ trang trong việc Đảng đánh Yên Báy. Tôi thuật lại lời đối đáp của anh với tên chánh Hội Đồng Đề Hình Yên Báy, họp ngày 28 tháng Ba.
Tên chánh Hội Đồng hỏi:
- Sao anh lại đánh Yên Báy?
Anh đáp:
- Không phải tôi đánh mà là Trung Ương Đảng bộ hạ lệnh tôi đánh. Các ông còn lạ gì kỷ luật Đảng tôi; không phục tòng mệnh lệnh, Đảng xử tử! Đánh với các ông thua ra nữa, cũng đến xử tử là cùng!
Hỏi: Anh thật là người vô ơn! Ông quan ba Dua-đanh là quan thầy tử tế với anh, vậy mà đêm ấy, anh bắn chết ông ta trước nhất.
Anh đáp: Ông Dua-đanh tử tế với tôi thật, nhưng đó là tình riêng. Còn tôi giết ông ta là bổn phận đối với Đảng, với Nước. Người Việt Nam chúng tôi, thì bao giờ cũng đặt nghĩa công lên trên tình riêng.
Hỏi: Anh thật là hạng người tàn ác. Một mình anh đêm ấy đã giết chết sáu người Tây.
Anh đáp: Tôi làm gì giết được nhiều như thế! Anh em tôi giết nữa chứ! Thế nhưng cả Đảng chúng tôi, chỉ là một người, anh em tôi giết cũng chính là tôi giết. Tôi sẵn lòng chịu hoàn toàn trách nhiệm!…
Vâng! Anh đã được cái vinh dự thay Đảng mà chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đánh Yên Báy, cùng với 39 anh nữa, cùng bị chúng xử tử.
Ấy là những người đã đem tính mệnh mà hy sinh cho Đảng đầu tiên…
Chương XXXIX : Ấp Cổ Vịt
Khi ấy, các nơi hương thôn đều phải lập điếm canh nhật, dạ để kiểm soát những người lạ mặt qua lại trong làng.
Vậy, ấp Cổ Vịt, thuộc về tên Cờ-lê-be, gần đồn Chi Ngại, tỉnh Hải Dương, cũng phải lập điếm canh. Và nhờ thế lực tên chủ Tây, bọn phu tuần ở đấy lại được tên chủ đồn Chi Ngại phát cho hai khẩu súng và mấy chục viên đạn!
Hồi tám giờ rưỡi sáng ngày 20 tháng Hai, năm tên phu tuần đương ngồi chơi ở điếm. Chợt thấy nhóm sáu người, ăn vận lối phu mỏ, vai khoác tay thông đi tới. Chúng liền ngăn lại hỏi thẻ. Bốn người đứng lại đưa thẻ cho chúng coi, còn hai người kia nghiễm nhiên đi thẳng. Chúng vừa hô hoán vừa đuổi theo. Hai người cầm bom ném lại. Quả bom thứ ba không nổ, nhưng hai quả đầu tiên đã lộn đất trũng bằng cái thúng! Bọn tuần thấy thế nguy, giương súng bắn. Hai người khách lạ trúng đạn, ngã lăn ra mặt đất. Chúng xúm lại, kẻ đâm bằng giáo, người đánh bằng gậy! Chán tay rồi chúng mới bắt trói. Trong khi ấy thì bốn người kia đã vừa ném bom lại, vừa tìm lối tẩu thoát! Những bom ấy, họ đã chứa trong tay thông mà họ khoác trên vai!
Hai người mà chúng bắt được, một người tức là anh Học, một người thì là anh Sư Trạch, một nhà tu hành giỏi võ, thường đi theo hộ vệ cho Anh. Anh Học bị chúng đánh gãy tay! Anh Sư Trạch thì bị chúng bắn què chân(1). Hỏi biết lý lịch rồi, chúng mừng rơn! Tuy vậy, chúng còn nhân nghĩa vờ:
- Khổ quá! Sao ông không nói ngay? Nếu chúng tôi biết ông là Nguyễn Thái Học thì chúng tôi mặc ông đi tự nhiên! Bây giờ đã trót lỡ rồi, làm thế nào cho được!
Anh Học cười:
- Ồ! Thôi cứ việc khiêng ta nộp với Tây mà lãnh thưởng!
Ở đời, những sự bất nhẫn con con, có khi làm lỡ việc lớn. Trong túi Anh còn mang súng lục. Nếu anh bắn lũ tuần ngay khi chúng hỏi thẻ, và ném bom ngay bấy giờ, thì chắc là đi thoát! Bởi lòng thương người của Anh quá ư cẩn thận, không muốn giết thêm mấy người đồng bào vô tội, vì những người đồng bào vô tội của ta đã bị hãm hại nhiều lắm, nên Anh chỉ muốn ném bom dọa cho chúng sợ! Có ngờ đâu “thương người mà khốn đến thân!”.
Chúng vội vàng báo với tên chủ Tây, khiêng hai anh lên đồn Chi Ngại. Chúng đã bỏ mỗi anh vào một cái thúng mà khiêng, có tên chủ Tây cưỡi ngựa đi kèm! Suốt hôm ấy, hai anh bị giải từ Chi Ngại lên Hải Dương, từ Hải Dương lên Hà Nội ngay! Nực cười nhất là tên chủ Tây lại tự nhận lấy làm công mình, định tranh với lũ phu tuần năm nghìn đồng bạc thưởng! Nhưng tên Đốc Lý Hải Phòng lại cố sức bênh bọn phu tuần.
Anh bị giam ở Hà Nội, đến ngày mồng Hai tháng Ba thì người ta cho tất cả gia quyến vào thăm Anh.
Bà Bá thấy Anh, cố nín lệ mà ôm lấy con. Anh được lạy tạ bà, vì Anh đã “đắc trung thất hiếu”…
————-
(1) Anh Trạch sau bị đày sang I-ny-ny, và tự sát ở đấy.
NTB-aCV
Di ảnh bà Nguyễn Thị Bắc và địa điểm ấp Cổ Vịt.
Chương XXXX : Cơ quan Hàng Bột
Tôi muốn nhắc lại chuyện cơ quan Hàng Bột ra đây để đánh dấu cái tinh thần cách mệnh ở phụ nữ nước nhà hồi ấy.
Đó là cơ quan của Ám Sát Đoàn, do anh Độ chủ trương.
Anh Độ, một công nhân, đảng viên ở Hải Phòng, sau sang làm thợ bên Lào. Nghe tin Đảng sắp tổng động binh, trong túi không có sẵn một đồng tiền, anh đã chứa một đãy gạo rang, rồi đi xuyên sơn mà về Bắc. Anh đi trong rừng, nhiều chỗ không có đường lối. Anh cứ theo ánh mặt trời, thẳng hướng Đông mà đi mãi. Mấy ngày sau gạo hết, anh tìm ăn các trái cây, các thứ củ trong rừng. Ăn no bụng rồi lại đi… Đêm thì trèo lên các ngọn cây mà ngủ! Ròng rã mười bảy ngày như thế, anh mới về đến Hòa Bình!
Khi anh về đến Bắc, thì việc Yên Báy đã thất bại rồi! “Dậu đổ bìm leo”… Bảo vệ cho Đảng, giữ vững tinh thần trong anh em, lúc bấy giờ phải có một Ám Sát Đoàn thật mạnh! Anh liền tình nguyện với anh em, cho sung vào Ám Sát Đoàn. Được anh Học và anh trưởng đồn công nhận rồi, anh liền tổ chức nên cơ quan Hàng Bột.
Chiều hôm mồng hai tháng Ba, Mật thám đến vây cơ quan. Trong cơ quan lúc ấy có 5 người, 3 người con trai và 2 người con gái. Thấy họ ập vào, các đồng chí ném bom và bắn súng chống lại. Hai tên thám tử Việt Nam bị chị Tâm bắn chết! Trong khi ấy họ cũng rút súng bắn trả. Hai anh đồng chí đã bị giết. Còn thì bị bắt cả. Bao nhiêu bom, dao, súng đạn còn lại, đều bị bắt theo. Chị Tâm bị chúng lôi ra đánh rất tàn nhẫn. Chúng lột trần truồng chị, rồi nắm tóc mà quật vào tường, như chúng ta vật con chuột! Chán rồi, chúng xích tay chị lại, và cùm xuống buồng giam. Đêm ấy, chị đã nuốt cái giải yếm cho tắt hơi mà về dưới dạ đài. Lúc chúng rút giải yếm ở mồm chị ra, thấy họng đầy những máu! Năm ấy chị 18 tuổi, quê quán ở Dư Hàng, cạnh Hải Phòng. Tên ở nhà trường của chị là Lan. Vốn là con một nhà cách mệnh bị giết về tay cường quyền, vào Đảng, chị mong đạt được cả hai mục đích: trả thù nhà, đền nợ Nước.
Người đồng bạn của chị là Nguyễn Thị Vân, 16 tuổi, quê quán làng Hạ Câu, huyện An Lão, tỉnh Kiến An. Cũng như chị Tâm, trước mới vào Đoàn Học Sinh, sau mới đổi sang Đoàn Ám Sát. Chị đã trả lời với Mật thám rất cứng cáp:
Hỏi: “Mày vào Đảng để làm gì?”
Chị đáp: “Để lấy lại quyền Độc Lập cho Tổ Quốc!”
Hỏi: “Mày đã làm gì trong Đảng?”
Chị đáp: “Hồi trước thì may cờ, khâu binh phục cho các đồng chí. Bây giờ thì tập bắn súng, học chế bom, để giết quân phản Đảng mà cứu lấy đồng bào!”
Hỏi: “Ai rủ mày vào? Chi bộ mày có những ai?”
Chị đáp: “Chị Tâm rủ tao vào. Chi bộ tao có bốn người thì chúng mày đã giết hết ba rồi đấy!”
Hỏi xong chị Vân rồi, họ hỏi đến anh Độ. Tha hồ đánh, anh không nói nửa lời! Vì thế, chúng không biết tên anh là gì! Đem anh ra đối chất với tất cả các chính trị phạm, nhưng không ai chịu nhận anh. Bất đắc dĩ chúng hỏi bọn tù thường. Một tên kẻ cắp nói rằng: “Khi xưa anh này ở Hải Phòng, vẫn thấy gọi là anh Độ!” Thế rồi chúng biên tên anh là anh Độ… (Anh Trịnh Văn Yên! Anh hãy bảo tôi biết tên thật của anh Độ, để lần tái bản sau tôi sẽ thêm vào!). Anh Độ sau bị xử khổ sai chung thân. Ở trong ngục anh còn tỏ cho mọi người biết cái can đảm lạ thường trong việc nhịn ăn. Có lần anh nhịn đến 22 ngày, người chỉ còn da bọc xương! Các đồng chí van lạy mãi, anh mới ăn lại. Mà quái lạ! Khi anh đã ăn lại rồi, thì nước da đổi hẳn, trông hồng hào và mịn màng như da đứa trẻ bụ sữa! Nhưng hồi tôi ở Côn Lôn về thì anh đang mắc “bệnh rò”, tức là triệu chứng của bệnh lao xương. Thương anh, các đồng chí vẫn thường gởi tiền, gởi thuốc cho anh. Nhưng vài năm nay không được tin tức gì, có lẽ anh đã thành người thiên cổ!
Chị Vân, vì cớ nhỏ tuổi, được xử 10 năm trừng giới.
Hai người bị bắn chết đến nay vẫn giữ được là hai người liệt sĩ vô danh!
Theo lệ thường, sau khi khám bắt, họ còn cho kẻ canh nhà để rình bắt thêm người. Cũng vì thế, sớm hôm sau họ bắt thêm được một bà già, tay cắp cặp, đậu xe xuống trước cơ quan. Trong cặp có ba khẩu súng lục và hơn tám trăm đồng, hai món quà của bà đem tặng cho đoàn ám sát! Bà già ấy tức là bà Chánh Toại. Một bà mà sau đó ở tù, bọn tù đàn bà đều gọi là mẹ! Một bà mà thân thế đã làm vẻ vang cho phụ nữ tỉnh Bắc. Bà đã làm giàu bằng nghề buôn súng lậu! Và từ khi có đảng, bà đã dùng cái nghề buôn cùng cái gia tài của bà mà giúp một cách đắc lực, một cách tận tâm cho các anh em trong ám sát đoàn.
PHB
Phố Hàng Bột (nay là đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa – Hà Nội).
Chương XXXXI : Bảng danh dự
Hội Đồng Đề Hình của quân địch họp ở Yên Báy kỳ thứ nhất vào ngày 28 tháng Ba. Chúng khép mười người khổ sai có hạn; 34 người khổ sai chung thân ; 50 người đi đày và 40 người tử hình!
Khi bắt đầu việc biện hộ, anh Học đứng lên, đòi nhận hết trách nhiệm, và toan phân trần về các lý do chính trị của việc khởi nghĩa. Nhưng tên chủ tịch ngăn lại. Anh cười nhạt:
- Nếu vậy thì cái Tòa án này là chỗ đem cường quyền mà đè nén công lý! Đã thế, ta cố nói làm chi nữa! Không để cho ta cãi được! Nhưng ta cũng không ưng cho trạng sư nào cãi hộ ta đâu!
Lúc hỏi chị Bắc, chị chỉ thét:
- Chúng mày về nước Pháp mà kéo đổ tượng Gian-đạc (Jeanne d’Arc) đi thôi!…
Và anh Ngô Hải Hoàng đối đáp như một chương trên đã thuật.
Có nhiều đồng chí không thèm cãi, không thèm trả lời. Và giữa các ghế bị cáo, tiếng cười, tiếng nói lao xao, không còn có vẻ tôn nghiêm của pháp viện! Anh em, chị em đã trêu cho bọn Hội Đồng mất cả can đảm; chúng trở nên cáu kỉnh, hung hăng, coi rất là đê tiện! Kể dưới đây họ, tên các bạn đã được quân thù khoác lên đầu vòng hào quang hiệp liệt, rực rỡ nghìn thu:
Các anh :
Nguyễn Thái Học
Phó Đức Chính
Bùi Tử Toàn
Nguyễn Hát Thân (?)
Bùi Văn Chuẩn
Vũ Thích
Nguyễn An
Lê Văn Tư
Nguyễn Đình Hiên
Nguyễn Ngọc Tập
Nguyễn Tư Giật
Nguyễn Văn Tín
Hà Văn Lạo
Đào Văn Nhít
Đặng Hữu Hiến
Nguyễn Văn Ty
Nguyễn Văn Ông
Lê Văn Tự
Bùi Văn Du
Bùi Văn Tuyết
Cao Văn Chính
Mai Viết Chinh
Hoàng Văn Vọng
Ngô Văn Du
Lê Văn Khôi (Thanh Giang)
Hà Cập
Nguyễn Văn Tỉnh
Nguyễn Văn Tiềm
Đỗ Văn Tư
Nguyễn Văn Kiêm
Lê Xuân Huy
Nguyễn Văn Toàn
Nguyễn Đắc Bằng
Nguyễn Văn Chu
Nguyễn Như Thông
Nguyễn Như Liên (Ngọc Tĩnh)
Vũ Xuân Kiểm
Trần Đức Tài
Hoàng Công Tiển
Bùi Xuân Mai
Ngô Thanh Thuyết
Ngô Hải Hoàng
Nguyễn Văn Thinh
Nguyễn Đức Liên
13dangvienVNQDD
Danh sách 13 liệt sĩ Yên Báy và bản di chúc của Phạm Tuấn Tài (đề ngày 30 tháng 11 năm 1936, do Trần Huy Liệu lưu giữ).
Chương XXXXII : Con số 13
Tuy anh Học bị bắt, nhưng các đồng chí của Anh ở trong nước còn nhiều. Trước hồi Yên Báy, kể cả đảng viên, đoàn viên, nguyên ở Bắc Việt đến bảy vạn người. Sau hồi Yên Báy, bị bắt kể đến hơn ba nghìn. Con số ba nghìn dầu to, song chỉ mới là gần một phần hai mươi của tổng số. Cố nhiên trong đó có nhiều kẻ a dua, một lần thất bại thì kinh hãi nằm yên, hay chạy theo đảng khác. Thế nhưng đó chỉ là một dịp tốt để lựa lọc đồng chí. Những anh em trong Đảng sau cuộc cải tổ hồi ấy, lại có vẻ hăng hái và bền bỉ hơn xưa. Chứng cớ là sau khi anh Học bị bắt, ám sát đoàn vẫn hoạt động như thường. Và công việc lại ghê gớm, tung tích lại bí mật có phần hơn trước nữa. Nói tóm lại, việc anh Học bị bắt đối với Đảng là một vết thương song không phải vết thương trí mạng! Mật thám cũng biết rõ anh Học chỉ là một người trong Trung Ương Đảng Bộ mới. Chúng muốn dò Anh để bắt những người trong đó, nhờ thủ đoạn một tên lính Lê Dương. Tên lính này vào coi ngục, tìm cách vin truyện với Anh. Lại tự xưng mình là người đảng Cộng Sản Ăng-lê. Đối với Anh, hắn rất đem lòng ái ngại. Rồi ngày một, ngày hai, hắn gạ đưa thư giùm cho các đồng chí bên ngoài. Rảnh rảnh, Anh thử viết thư gởi cho một vài Đảng viên cũ, khi bị bắt đã nạp anh em để gỡ tội xem sao! Thì chỉ mấy hôm sau, những kẻ đó đã bị bắt đem về Hỏa Lò! Anh vờ đem việc đó mà trách nó, rồi nhờ nó gởi hộ một bài Anh viết để đăng sang một tờ báo Ăng-lê nào đó xuất bản ở Nhật hay ở Tàu. Bài báo ấy chẳng hiểu tại sao lại đăng trên một vài tờ báo xuất bản ở bên Pháp hồi ấy. Anh lại xin giấy bút để viết cho tên Toàn quyền Đông Dương và các Nghị viên trong Hạ Nghị viện bên Pháp. Hai bức thư ấy báo Pháp cũng có đăng.
Đến bức thư Anh gởi cho tên hội trưởng hộâi “Nhân quyền”, nghe nói rằng có, song tôi tìm mãi chưa thấy đâu. (Những tài liệu ấy sẽ chép trong phần phụ lục). Ở Hỏa Lò bấy giờ cừa Quốdc Dân vừa Cộng Sản, số người chật lên. Để huấn luyện và làm khuây cho anh em, các bạn có xuất bản (!) một tờ báo viết tay, gọi là “Tù Nhanâ Báo”. Tôi chưa tìm được bài nào của Anh viết trong tờ báo quý hóa ấy!
Anh bị giam hơn ba tháng trời. Chiều ngày 16 tháng 6, Anh và các đồng chí trong số án chém, tất cả 13 người bị giải đi Yên Báy. Từ trong buồng giam kín bước ra qua trại giam ngoài, anh chào anh em nghỉ lại.
Anh vừa đi vừa nói:
- Chúng tôi chắc đi chết đây! Các anh sống lại, cứ công nào việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa! Nhiều nữa! Rồi thế nào cách mệnh cũng có ngày thành công!
Anh em chào tiễn các anh. Và buổi sáng hôm sau, suốt cả Hỏa Lò, thường phạm cũng như quốc sự phạm đều bỏ cơm không ăn, để tỏ tình liên lạc. Anh và 12 đồng chí với đội lính Khố Xanh, đi chuyến tàu đêm lên Yên Báy. Theo sau là bọn mật thám và hai cố đạo. Trên tàu, các anh vẫn cùng nhau nói chuyện phiếm.
Anh Chính cười:
- Đến Yên Báy, chúng ta sẽ được đón tiếp long trọng lắm! Thế nào bốn anh Thinh, Hoàng, Thuần Thuyết chẳng đứng chực sẵn chúng ta ở sân ga! (Bốn anh này đã bị chúng giết ở Yên Báy cũng một ngày trước các anh)
Anh Học thì cãi lý với Cố Ân:
- Việc gì chúng tôi phải ăn năn? Chúng tôi chỉ là kẻ thất bại, chứ đâu phải là kẻ có tội! Rồi Anh đọc mấy câu thơ tiếng Pháp, dịch nghĩa là:
Chết vì Tổ Quốc,
Cái chết vinh quang!
Lòng ta sung sướng!
Trí ta nhẹ nhàng!…
Khi đến Yên Báy, chúng giam các anh vào nhà pha. Rồi bắt đầu từ 5 giờ rưỡi sáng hôm 17 tháng 6, các anh đã lần lượt bước lên đài vinh dự.
Đó là một khoảng đất ở gần trại Khố Xanh, chung quanh có lính ta, lính Lê Dương vác súng đứng vòng tròn. Các anh, từng người một, do lính lê Dương dẫn từ trong ngục thất Yên Báy bước ra. Trước khi ra, chúng đưa rượu cho Anh uống. Nhưng Anh từ chối, chỉ đòi hút điếu thuốc lào. Người chết trước nhất là Nguyễn Như Liên, đến người thứ mười một là Nguyễn Văn Chuân, chỉ hô được hai tiếng “Việt Nam…” thì tên lính Lê Dương đứng cạnh đã bịt mồm không hô ra tiếng nữa! Anh Phó Đức Chính thứ mười hai, đòi đặt anh nằm ngữa để xem lưỡi máy chém nó xuống như thế nào! Anh hô được đủ bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế!” Anh Học lên cuối cùng, tỏ ra vẻ cực kỳ bình thản. Anh mỉm miệng cười, đưa mắt nhìn công chúng, nhìn quân lính, nhìn máy chém, rồi cất giọng đỉnh đạc, trầm hùng mà hô thật lớn bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế!”… Nhưng không biết trong khi nhìn quanh ấy, tia mắt Anh có gặp tia mắt một người… không ?
2lathu
Trước khi lên đoạn đầu đài, Nguyễn Thái Học viết liền hai bức thư – một gửi Hạ nghị viện Pháp, một gửi Toàn quyền Pierre Pasquier.
LetuongniemNTH-PHT1946
Lễ tưởng niệm hai liệt sĩ Nguyễn Thái Học (Việt Quốc) và Phạm Hồng Thái (Việt Minh) được tổ chức tại Nhà Đấu Xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội), ngày 18 tháng 6 năm 1946. Bức ảnh hiếm hoi thể hiện tình đoàn kết vì lợi ích quốc gia của hai tổ chức chính trị lớn nhất Việt Nam buổi đầu độc lập.

Chương XXXXIII : Chị Giang

Một người ấy, tôi muốn nói chị Giang, một đảng viên mà nhà đương cuộc cho là còn có công tuyên truyền cho Đảng hơn là anh Học.

Anh Học lúc còn trẻ, ông, bà có cưới cho một chị vợ là Nguyễn Thị Cửu. Năm 1927, khi sắp lập Đảng, anh có nói với tôi là đã ly hôn với vợ. Bấy giờ nhiều người như thế lắm: anh Nho, anh Chính, đều từ hôn hay cho vợ về cả. Các anh không muốn đem cuộc đời sóng gió của mình mà làm phiền lụy đến một người đàn bà.

Aáy vậy mà có một ngày Anh tuyên bố với các bạn là Anh xin phép để được kết hôn cùng cô Giang.

Cô Giang, người ở tỉnh Bắc Giang, nên cả ba chị em cô, có tên là Bắc, Giang và Tỉnh. Cô tỉnh khi ấy còn nhỏ. Còn hai chị thì đều vào Đảng cách mệnh của anh Song Khê. Việt Nam Quốc Dân Đảng nguyên không thu đàn bà làm đảng viên. Các chị em đồng chí chỉ tổ chức vào Phụ Nữ Đoàn. Vậy mà riêng tỉnh bộ Bắc Giang có mấy nữ đảng viên.

Là vì đó nguyên là đảng của anh Song Khê. Sau khi Đảng ấy hợp với VNQDĐ rồi, đành lẽ cứ để cho như cũ vậy… Đó là một điều ngoại lệ, dành riêng cho mấy chị ở Bắc Giang. Song chị Giang và các chị ở đó thực đã xứng đáng với cái đặc điểm ấy. Làm giao thông, làm tuyên truyền, chị tỏ ra một người đồng chí có tài và đắc lực. Nhưng quý hơn hết là sự tận trung với Đảng: trừ việc Đảng, chị không còn thì giờ để làm cái gì cho đời sống riêng mình. Sau hồi 1929, chị làm việc giao thông cho Tổng Bộ với các nơi, luôn luôn phải gặp gỡ và cùng đi với anh Học.

Lạ chi thanh, khi lẽ hằng,
Một dây, một buộc ai giằng cho ra

Sự thương yêu nhau của một đôi đồng chí tài sắc ngang nhau, trạc tuổi gần nhau, đâu phải là chuyện khiến chúng ta khó hiểu. Rồi, một buổi sớm tốt lành kia, nhân đi gần đền Hùng Vương, hai người đã đem nhau vào đền mà thề nguyền. Trong buổi định tình ấy, chị cố xin Anh giao cho một khẩu súng sáu, và hứa “nếu Học chẳng may chết vì nước, thì Giang cũng xin lấy khí giới này mà chết theo chồng!”

Từ khi anh Học bị bắt, nhớ đến lời thề sơn hải, tinh thần chị gặp một khủng hoảng to! Bỗng dưng cười, bỗng dưng khóc, chị trở nên gần như một kẻ mất trí khôn! Và anh em phải tốn rất nhiều công bảo vệ cho chị có thể ở yên tại Hà Nội, mà gián tiếp thăm anh Học. Chiều hôm ấy, nghe tin anh Học bị giải lên Yên Báy, chị cũng đáp xe lửa đi theo hút! Chị mang theo một khẩu súng, một quả bom, định vào phá pháp trường. Nhưng bọn lính canh đã ngăn không cho chị tới gần. Đứng đàng xa, với một sức tự trị phi thường, chị đã đem nụ cười mà đáp lại nụ cười của anh Học khi sắp bước lên mát chém. Nấp trong đám người đứng xem, chị đã không lộ mảy may nỗi đau xót cho người ngoài biết. Xem chém xong, chị quay về nhà trọ và viết hai bức thư tuyệt mạng. Hai bức thư ấy viết trên ba trang giấy khổ hẹp, bằng nét bút chì xanh. Rồi ra chợ, chị mua mấy vuông vải trắng, làm khăn để tang chồng. Buổi chiều, chị đi xe lửa sang Vĩnh Yên. Và sớm hôm sau, chị về địa hạt Đồng Vệ, cạnh làng Thổ Tang, vào thăm lại cái quán giữa đồng mà đôi vợ chồng son đã có lần cùng ngồi trò chuyện. Nghĩ đến chồng, nghĩ đến Đảng, nghĩ đến Nước, cái thiên tính muốn sống với cái ý định phải chết đã giao tranh kịch liệt! Sự giao tranh ấy đã làm cho chị bơ phờ mỏi mệt. Cái quyết tâm đến với cái mỏi mệt ấy, bước ra ngoài quán, chị cầm súng tự bắn vào thái dương bên phải một phát, rồi ngã vật xuống, súng quăng ra một bên.

Khi ấy chị đã có mang mấy tháng. Tên tri phủ Vĩnh Tường trình tỉnh khám qua, rồi báo về Hà Nội cho mật thám đem thầy thuốc lên khám lại. Do cái tên ký “Nguyễn Thái Học phu nhân”, chúng biết là chị. Vì bởi biết là chị, nên chúng tìm cách trả thù ở cái xác chết : sau khi lột quần áo ra khám rồi, chúng không hề mặc trả lại. Và còn để thi hài bộc lộ dưới ánh nắng, dưới nước mưa, dưới sự bâu hút của ruồi, nhặng, đến hai, ba hôm, rồi mới cho mai táng !
Hai bức thư của chị như sau này :

Bức thư thứ nhất.
Ngày 17 tháng 6, 1930
Thưa Thầy Mẹ,
Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc con: không báo thù được cho nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con!
Đứa con dâu thất hiếu kính lạy.

Bức thư thứ hai.
Anh đã là người yêu nước!
Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước, Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng!
Phải chịu đựng nhục nhã, mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ!

Thơ :
Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên!
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!
Quốc kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng nhỡ bước sa cơ!
Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa!
Thế ru? Đời thế ru mà?
Đời mà ai biết? Người mà ai hay?

Đọc bức thư thứ hai, đủ rõ tâm trạng chị Giang khi ấy như thế nào ? Chết theo nước ? Chết theo chồng ? Ở trong cái trí nghĩ mê man vì đau đớn bấy giờ, các sự vật có lẽ đều biến chuyển, mê ly, không còn có giới hạn rõ ràng nữa. Dù vậy, cho đến phút cuối cùng, lòng chị vẫn không nhãng quên cái bổn phận làm dân đối với đồng bào, làm con đối với cha, mẹ! Và vẫn kỳ vọng ở các đồng chí chết sau vì chị mà trả hộ thù nhà, rửa xong nhục nước ! Tấm lòng trách nhiệm ấy là một các đặc sắc chung của người phương Đông chúng ta, bất cứ ở địa vị nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét