Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Cầu nguyện bên phần mộ cố tổng thống Ngô Đình Diệm

Bi kịch liên đới tới cố Tổng thống Ngô Đình Diệm - A tragedy related to late President Ngo Dinh Diem

(Bilingual)

Phạm Hồng Sơn - Đánh giá cố Tổng thống Ngô Đình Diệm (3/1/1901-02/11/1963) là một việc khó không chỉ vì ông là một nhân vật lịch sử mà còn vì vẫn có những cấm cản trong việc tìm hiểu, trao đổi về ông. Nhưng, trong bối cảnh hiện tại của thế giới và Việt Nam, không ai có thể phủ nhận tầm nhìn chiến lược của cố Tổng thống Ngô: nhất quyết chống bành trướng Cộng sản, gồm cả tham vọng bành trướng của Trung Quốc, và quyết tâm xây dựng liên minh với khối các nước lấy kinh tế thị trường làm nền, đứng đầu là Mỹ và Tây Âu. 

Ngoài ra, thực tế lịch sử, và cả những tư liệu mới công bố, đã chứng tỏ cố Tổng thống Ngô Đình Diệm là người có phẩm cách độc lập và hết sức gìn giữ giang sơn gấm vóc do cha ông để lại trước sức cám dỗ của viện trợ hay những áp lực từ đồng minh nước ngoài.

Đáng tiếc, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối thủ chính trị của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, không bao giờ có được những tầm nhìn và sự đáng kính như vậy. Nhưng chính thể của Hồ Chí Minh đã đánh tan chính thể của Ngô Đình Diệm, chỉ 12 năm sau ngày Tổng thống họ Ngô bị giết trong một cuộc đảo chính bởi chính những tướng lĩnh thân tín của ông và, được cho rằng, với sự hậu thuẫn của Mỹ.

Nhưng tất cả những điều đó chưa hẳn đã là bi kịch xót xa nhất. 

Bi kịch đau xót nhất có lẽ là: rất nhiều người Việt Nam đang lớn tiếng kêu gọi bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, cổ xúy cho một nền kinh tế thị trường (thực thụ) vẫn tụng ca Hồ Chí Minh là người yêu nước, lãnh tụ vĩ đại, nhưng lại coi Ngô Đình Diệm là kẻ bán nước, tổng thống ngụy quyền.○

Nguồn/source: Facebook Pham Hong Son


Giáo dân ở VN viếng ông Ngô Đình Diệm


Lễ viếng Tổng thống Ngô Đình Diệm tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngày 1/11

BBC - Ngày 1/11, hàng chục người đã công khai đến viếng mộ cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm nhân 50 năm ngày mất của ông tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Lái Thiêu, Bình Dương.

Thông tin từ trang chuacuuthe.com cho biết buổi lễ có sự góp mặt của các giáo dân ở miền Nam và do cha Antôn Lê Ngọc Thanh chủ trì.

Blogger Nguyễn Hoàng Vi, người đi dự buổi lễ, nói với BBC trước đó đã nhận được thông báo về thời gian và địa điểm tổ chức lễ viếng từ linh mục Thanh.

Lực lượng an ninh đã có mặt để theo dõi và giám sát, nhưng không gây khó dễ gì cho khoảng 50-60 người đến dự, blogger này cho biết thêm.

Hình ảnh được đăng tải trên tài khoản Youtube của Dòng chúa Cứu thế Việt Nam cho thấy nhiều giáo dân và các cha xứ đứng chắp tay và mang theo hoa, vây quanh phần mộ của ông Ngô Đình Diệm và em trai ông, Ngô Đình Nhu.

Trong bài phát biểu được ghi hình, linh mục Thanh cũng lên tiếng phản đối cách nhìn về Tổng thống Diệm trong chương trình lịch sử của Việt Nam ngày nay.

"Hiện nay, trong chương trình môn sử thuộc bậc đại học cũng như trung học, khi nhắc đến ông Diệm, họ vẫn lên án ông là một người độc ác và phản quốc," ông nói.

"Tuy nhiên, cả các học sinh cũng lười biếng nghiên cứu, tìm hiểu, cuối cùng làm cho xã hội nối tiếp nhau cả một sự gian dối".

"Khi nhà cầm quyền không dám đối diện và trung thực với sự thật lịch sử thì sẽ làm cho đất nước Việt Nam ngày càng trở nên gian dối và băng hoại nhân cách con người, vì nhân cách con người không thể xây dựng khi không có nền móng.”

'Chấp nhận cái chết'

Linh mục Thanh cũng nói Tổng thống Diệm đã chống lại lời khuyên đánh phủ đầu các tướng lĩnh muốn đảo chính và chấp nhận cái chết của mình.

"Biến cố chúng ta kỷ niệm ngày hôm nay là ngày ông Ngô Đình Diệm, và cố vấn Ngô Đình Nhu bị sát hại vì chủ trương tuyệt đối không cho một quân ngoại bang nào được quyền chi phối đất nước Việt Nam," ông nói.

"Bối cảnh khi đó là người Mỹ muốn đưa quân vào, nhưng ông Diệm nói rõ là chúng tôi rất cần những người cố vấn, nhưng để lo liệu cho đất nước chúng tôi thì phải là người Việt."

"Vài ngày trước khi Tổng thống bị sát hại, ông Vỹ, một người thân cận với Tổng thống, đã xin lệnh đánh phủ đầu những nhóm [muốn đảo chính]".

"Tổng thống trả lời tại sao lại lấy quân Việt Nam đi đánh quân Việt Nam?"

"Chết thì đã sao, không thể vì mình mà để huynh đệ tương tàn, quân đội náo loạn, quốc gia ngày càng suy kiệt."

Đi tìm sự thật

"Là một người sinh sau năm 75, tôi học lịch sử về Tổng thống thì không có một ấn tượng gì tốt về ông hết. Có những sự thật về Tổng thống không như những người trẻ được học từ sách sử của mái trường xã hội chủ nghĩa."

Blogger Nguyễn Hoàng Vi

Blogger Nguyễn Hoàng Vi nói lý do cô dự lễ viếng vì muốn "đi tìm sự thật" về Tổng thống Ngô Đình Diệm.

"Là một người sinh sau năm 75, tôi học lịch sử về Tổng thống thì không có một ấn tượng gì tốt về ông hết," cô Vi nói.

"Có những sự thật về Tổng thống không như những người trẻ được học từ sách sử của mái trường xã hội chủ nghĩa."

Blogger cho biết nhóm của cô bắt gặp tại lễ viếng một cụ già 90 tuổi, người năm nào cũng đi từ Biên Hòa xuống viếng mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm nhân ngày giỗ của ông.

"Ông nói là ông biết ơn Tổng thống", blogger này thuật lại. "Chắc chắn rằng k‎‎ý ức của ông cụ đó về Tổng thống Diệm phải rất tốt đẹp, ông mới không ngại đường xa và tuổi tác để đến viếng như thế."

"Tôi nghĩ rằng lớp trẻ nên đi tìm hiểu sự thật ngoài những gì mình được học, được đọc, qua những nhân chứng còn sống tới bây giờ như cụ già mà tôi gặp trong buổi lễ ngày hôm qua."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/11/131102_remembering_president_diem_vietnam.shtml

Cầu nguyện bên phần mộ cố tổng thống Ngô Đình Diệm


VRNs (02.11.2013) – Sài Gòn – Sáng 01.11.2013, hơn 50 người từ Bắc, Trung, Nam trên đất nước VN đến nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Lái Thiêu, Bình Dương dâng lễ kỷ niệm 50 năm ngày cố tổng thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và Cố vấn Giacôbê Ngô Đình Nhu bị sát hại tại Chợ Lớn, Sài Gòn (02.11.1963)

50 năm qua, những người sống ở Miền Nam chỉ âm thầm, lén lút cầu nguyện cho các cụ, nhưng hôm nay, một số người đã công khai diễn tả tâm tình bên trong cũng như bên ngoài để tôn vinh Thiên Chúa và tri ân các cụ là những người đã thực sự hy sinh vì tổ quốc và vì quê hương Việt Nam.

Thánh lễ do cha Antôn Lê Ngọc Thanh, CSsR chủ tế và giảng thuyết. Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, cha Đaminh Nguyễn Văn Phương, CSsR và cha Phanxicô X. Nguyễn Văn Nhứt, OP đồng tế. Ngoài ra, còn có một số quý cha dòng Đaminh, Phaxicô cùng với hơn 50 người Công giáo cũng như lương dân tham dự.

Dựa vào bài Tin Mừng nói về Tám Mối Phúc trong ngày Lễ các Thánh, cha Antôn Thanh cho thấy: xưa các Thánh đã sống các Mối phúc ấy như thế nào và đời sống của mỗi vị Thánh đã làm bật lên mỗi Mối phúc. Thánh Phanxicô Assisi đã rũ bỏ sự giàu sang phú quý của gia đình để sống cuộc đời nghèo khó; Hình ảnh bà Thánh Mônica, thân mẫu của Thánh Augustinô cả đời đau khổ, khóc vì chồng vì con. Nhờ tiếng khóc của bà đã làm cho ân huệ của Chúa ủi an bà và an ủi con của bà được trở nên Thánh...

Trong bài giảng, cha Thanh nhắc đến cuộc đời cụ Diệm. Cha Thanh nói: “Cuộc đời của cụ tổng thống Ngô Đình Diệm là một người khao khát cho sự thật, khao khát cống hiến cho quê hương dân tộc VN và sẵn sàng bước trong đau khổ u buồn của những sự đối xử bất công của các phe phái và sự loại trừ của những kẻ hèn nhát.

Thế nhưng, hiện nay, trong chương trình môn sử thuộc bậc Đại học cũng như Trung học, khi nhắc đến cụ Diệm, nhà cầm quyền vẫn cho cụ Diệm là một người độc ác và phản quốc... ví dụ như nhà cầm quyền nói rằng dưới thời VNCH, cụ Diệm đã cho lê máy chém khắp Miền Nam, để chặt đầu những người bất đồng chính kiến, nhưng thực sự máy chém đó nặng vài chục tấn và mỗi lần muốn đưa máy chém này đi đâu thì cần phải có cần cẩu đưa đi, và máy chém này chỉ chém duy nhất 1 người ở trại giam Chí Hòa. Sự thật này không được nhà cầm quyền csVN công bố. Tuy nhiên, cả một thế hệ học sinh lười biếng nghiên cứu, tìm hiểu về sự thật lịch sử, cuối cùng làm cho xã hội nối tiếp nhau cả một sự gian dối về lịch sử của dân tộc VN.

Khi nhà cầm quyền không dám đối diện và trung thực với sự thật lịch sử thì sẽ làm cho đất nước VN ngày càng trở nên gian dối và băng hoại nhân cách con người, vì nhân cách con người không thể xây dựng khi không có nền móng.”
Những người đến viếng, cầu nguyện cho cố tổng thống Diệm, nhân 50 năm ông qua đời


Một người dân đứng bên phần mộ ông Ngô Đình Nhu

Mọi người cùng dâng thánh lễ ngay tại mộ cụ Diệm. Bên cạnh mộ cụ Diệm là mộ cụ bà Luxia, thân mẫu của các cụ và Đức cha Ngô Đình Thục. Kế bên mộ cụ bà Luxia là mộ cụ cố vấn Giacôbê Nhu. Cách đó khoảng 20m, có phần mộ của cụ Cẩn, em trai của cụ Diệm và cụ Nhu được cải táng từ nghĩa trang Chùa Phổ Quang. Nhìn các tấm bia của cụ Diệm và cụ Nhu không hình không tên mà chỉ vỏn vẹn hàng chữ “Gioan Baotixita Huynh” và “Giacobe Đệ”, nhằm dụ ý tên cụ Diệm và cụ Nhu. Người đã quá cố nhưng vẫn bị nhà cầm quyền cs VN hắt hủi và bêu xấu!

Những người đến tham dự thánh lễ cầu nguyện đặc biệt dành riêng cho gia đình cụ Diệm đa số là những người sinh sau đẻ muộn, chưa một lần nhìn thấy Cụ mà chỉ được nghe bố mẹ kể lại về Cụ, hay tự tìm hiểu sự thật về các cụ qua các trang mạng xã hội.

Anh Cao Hà Trực chia sẻ: “Tôi được nghe bố mẹ tôi kể lại rằng, cụ Diệm là người lãnh đạo có tâm với đất nước trong suốt cuộc đời của cụ, nên cụ đã bị các phe phái khác sát hại. Chính vì thế, tôi đến đây cùng với mọi người dâng thánh lễ để cám ơn cụ Tổng thống Diệm đã lo cho dân, cho đất nước trong lúc cụ sinh thời. Với thời tôi sống [trong chế độ cs VN] tôi chưa từng thấy một người lãnh đạo nào lại biết lo cho dân và thương dân như cụ Diệm. Đây là lần thứ hai tôi đến tham dự lễ cầu nguyện cho cụ Diệm.”

Anh Lê Thanh Tùng bộc bạch: “Tôi không biết gì về cụ Diệm, bởi vì tôi là thuộc thế hệ sau, nhưng tôi đã tìm hiểu thông tin trên mạng về cụ nên tôi khẳng định cụ Diệm là một vị anh hùng của đất nước VN. Cụ Diệm đã dày công gầy dựng nên nền Đệ Nhất Cộng Hòa, có tự do dân chủ thực sự cho Quê hương VN trong một giai đoạn lịch sử. Cho nên tôi đến đây, trước hết tham dự thánh lễ cầu nguyện cho các Thánh và cùng dâng hiệp ý cầu nguyện cho cụ Diệm cũng như cho thân nhân gia đình cụ đang yên nghỉ nơi đây.”

Sơ Tuyết nghẹn ngào nói: “Đây là lần đầu tiên sơ tham dự thánh lễ cầu nguyện cho cụ tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong giai đoạn vận mệnh đất nước [đang bị lâm nguy] thì ai cũng thấy rõ phải khơi lại hồn Việt và yêu quê hương Đất nước cho thế hệ trẻ để các bạn nhìn lại quê hương và sống cho quê hương đất nước.”

Theo tài liệu “lề trái”, nguyên nhân chính khiến cụ tổng thống Ngô Đình Diệm và cụ Ngô Đình Nhu bị lật đổ và sát hại, bởi hai cụ đã nhất quyết và dứt khoát không theo Mỹ, không cho bất kỳ một quân ngoại bang nào được quyền chi phối đất nước VN, trong bối cảnh Mỹ đưa quân vào VN.



Người trẻ Việt Nam cần biết sự thật về cố tổng thống Ngô Đình Diệm và thời Đệ Nhất Cộng Hòa tại Miền Nam

HT.VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét