Hoàng Ngọc-Tuấn (02.11.2013)
Mấy tuần trước, đọc báo trên internet, tôi tình cờ thấy bản tin “Hàng trăm trẻ em khóc trước bàn thờ Đại tướng tại Bình Dương” kèm 12 tấm hình.
Trong số 12 tấm hình đó, có 5 tấm hình chụp cảnh những trẻ em mồ côi của Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương (Bình Dương). Trong 5 tấm hình đó, thì hết 4 tấm chỉ có cảnh trẻ em đứng xếp hàng bước về phía bàn thờ, rồi đứng trước bàn thờ và chắp tay lại, nhưng không thấy đứa nào khóc. Chỉ có 1 tấm hình chụp một nhóm trẻ em ở lứa 5 - 6 tuổi đứng chắp tay, trong đó có một bé gái đang dụi mắt, một bé gái khác đang cúi lạy với vẻ mặt như đang khóc, và một đứa bé khác (không rõ gái hay trai) khuất phía sau, đang dùng cánh tay che mặt, không rõ có phải đang khóc hay không, và bên cạnh đó có năm đứa bé trai (trông khá rõ mặt) đang chắp tay hoặc đứng thẳng, như đang ngó về phía bàn thờ, nhưng không đứa bé trai nào khóc.
Tóm lại, quan sát tất cả những tấm hình ấy, độc giả chỉ có thể thấy hai hoặc ba đứa bé gái dụi mắt hoặc khóc. Thế nhưng nhan đề của bài báo là “Hàng trăm trẻ em khóc trước bàn thờ Đại tướng tại Bình Dương”! Bài báo còn viết: “Chứng kiến cảnh hàng trăm trẻ em tại trung tâm nhân đạo Quê Hương khóc nức nở trước bàn thờ Đại tướng khiến ai nấy đều rưng rưng nước mắt.”
Thế là thế nào?
Đọc xong bản tin ấy và quan sát kỹ các tấm hình, tôi bỗng có một vài suy nghĩ:
1/ Phải chăng bài báo ấy cố tình phóng đại sự kiện vài đứa trẻ khóc thành “hàng trăm trẻ em khóc trước bàn thờ Đại tướng” để tuyên truyền về sự... “vĩ đại” của ông đại tướng?
2/ Phải chăng ban tổ chức buổi tưởng niệm ấy đã đút lót cho nhà báo viết bài phóng đại như thế để... lập công?
3/ Phải chăng sự kiện “hàng trăm trẻ em khóc trước bàn thờ Đại tướng” là có thật, nhưng, rủi thay, “hàng trăm trẻ em” ấy khóc lẹ quá, phóng viên... chụp hình không kịp?
Thế rồi, tôi nghĩ: liệu bài báo ấy có tác dụng gì đến độc giả ở Việt Nam? Nhìn ở đầu bài báo, tôi thấy có 4.042 người sử dụng Facebook đã bấm “Thích”. Như vậy thì số lượng người bấm “Thích” không nhiều. Dưới bài báo ấy, ở phần bình luận, cho đến nay chỉ có 3 bình luận, trong đó lời bình luận cuối cùng thì như thế này:
Việt Hà - 23h48, ngày 07-10-2013 - Hà Nội
Lôi trẻ con ra làm trò. Những đứa bé tuổi này thì nhận thức đc những gì, hiểu Đại tướng là ai mà khóc. Đừng biến Việt Nam thành Triều Tiên.
Như thế thì có vẻ như bài báo này chẳng có tác dụng gì mấy đối với độc giả ở Việt Nam. Nói cách khác, có lẽ chẳng mấy ai tin rằng sự kiện “hàng trăm trẻ em khóc trước bàn thờ Đại tướng” là có thật. Thậm chí, một bản tin như thế lại có thể khiến nhiều người liên tưởng ngay đến những màn trẻ con khóc lóc trong đám tang “Đại Lãnh Tụ Kính Yêu Kim Jong-Un” ở Bắc Hàn hồi tháng 1 năm 2012.
Thật ra, “trẻ em khóc lãnh tụ” không phải là một tiết mục mới mẻ. Ngày 9 tháng 9 năm 1976, ngay sau khi Mao Trạch Đông chết, báo chí Trung Quốc đã tung ra ngay những hình ảnh các học sinh cùng nhau ôm chân dung của Mao mà khóc quằn quại. Trước đó, ngày 4 tháng 9 năm 1969, tiết mục “trẻ em khóc lãnh tụ” đã diễn ra trong đám tang của Hồ Chí Minh; và mấy mươi năm trước đó nữa, khi Joseph Stalin chết (ngày 5 tháng 3 năm 1953), thì ở Liên Xô cũng đã có tiết mục “trẻ em khóc lãnh tụ” rồi.
Trẻ em ở các nước cộng sản như Liên-Xô, Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn có thể đã khóc lãnh tụ vì một trong những lý do như sau:
1/ Chúng đã bị tẩy não từ sớm. Chẳng hạn, bà Valentina Shiskina kể lại rằng năm 1953 thì bà mới có 12 tuổi, nhưng khi nghe radio loan tin Stalin chết thì“Mọi người đều khóc — mẹ tôi, chị tôi và tôi. Lãnh tụ của chúng tôi, người mà chúng tôi đã yêu nhiều hơn cả cha mẹ chúng tôi — người là thượng đế của chúng tôi — đã chết.”
2/ Chúng khóc vì bị tác động tâm lý bởi một trận khóc quá lớn của hàng trăm hay hàng ngàn người lớn ở chung quanh (mà giới chuyên môn về tâm lý học gọi là “emotional contagion” [sự lây nhiễm của xúc cảm] hay “collective emotions” [xúc cảm tập thể]).
3/ Chúng bị người lớn bắt phải khóc để chứng tỏ lòng trung thành với lãnh tụ.
Thế nhưng, cái tiết mục “Hàng trăm trẻ em khóc trước bàn thờ Đại tướng tại Bình Dương” thì khác, vì Võ Nguyên Giáp không phải là một lãnh tụ tuyệt đối như Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh hay Kim Jong-Un, và, hiển nhiên hơn nữa, trẻ em ở Việt Nam ở lứa 5 - 6 tuổi thì chắc chắn không hề biết Võ Nguyên Giáp là ai để mà... khóc!
Vậy thì tại sao trong tấm hình minh hoạ cho tiết mục “Hàng trăm trẻ em khóc trước bàn thờ Đại tướng tại Bình Dương” có mấy đứa bé gái khoảng 5 - 6 tuổi đang dụi mắt hay đang cúi mặt giống như đang khóc? Phải chăng chúng đã bị tác động tâm lý bởi một trận khóc quá lớn của hàng trăm người lớn ở chung quanh? Điều này thì thật đáng ngờ, vì bài báo không hề nói rằng có một người lớn nào khóc trước khiến trẻ em khóc theo cả. Ngược lại, bài báo viết:“Chứng kiến cảnh hàng trăm trẻ em tại trung tâm nhân đạo Quê Hương khóc nức nở trước bàn thờ Đại tướng khiến ai nấy đều rưng rưng nước mắt.” Vậy thì hoá ra, vài đứa bé gái ấy đã khóc trước, "khiến ai nấy đều rưng rưng nước mắt" theo! Và vì "ai nấy đều rưng rưng nước mắt" nên nhìn không rõ, trông gà hoá cuốc: chỉ có vài đứa bé gái đang dụi mắt hay đang cúi mặt mà bỗng nhiên thành ra “hàng trăm trẻ em ... khóc nức nở”!!!
Thế thì chỉ còn một cách hiểu: Phải chăng chúng bị ai đó bắt phải khóc? Nếu không, thì có lẽ mấy đứa bé gái ấy đã dụi mắt hay khóc vì những lý do nào khác, chẳng liên quan gì đến cái chết của ông Võ Nguyên Giáp.
Hoàng Ngọc-Tuấn - Sydney, Australia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét