K. Tùng
Hai chữ "nhân quyền" nghe thật xa vời với người Việt chúng ta! Đúng vậy. Thế nhưng khi đối diện với những vấn đề của các quyền cụ thể (quyền tự do kinh doanh, quyền đi lại, ngôn luận…), hay tìm hiểu về những con người - nạn nhân cụ thể (người mất đất, người bị tù oan…) thì các quyền rõ ràng là rất gần với mỗi người.
Mặt khác, bởi lẽ các quyền con người phụ thuộc lẫn nhau, nếu không có cái nhìn tổng thể về các quyền thì chúng ta khó lý giải được nguồn gốc và tìm ra các giải pháp cho các vi phạm. Giáo dục và phổ biến nhân quyền đòi hỏi tính hệ thống là vì vậy. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Nhân quyền (10/12), bên cạnh mục đích tôn vinh những người bảo vệ nhân quyền, cũng là một hoạt động hữu hiệu để giáo dục công chúng.
Bản "Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền" (Universal Declaration of Human Rights) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua vào ngày 10/12/1948. Bản Tuyên ngôn này là nền tảng cho hai công ước cơ bản về quyền con người cùng được LHQ thông qua vào năm 1966 (ICCPR và ICESCR - Việt Nam đã gia nhập vào năm 1982), cũng như các văn kiện nhân quyền quốc tế trong nhiều lĩnh vực được thông qua sau đó. Nhiều văn kiện của các tổ chức liên chính phủ ở nhiều khu vực cũng chịu ảnh hưởng về nội dung và có sự dẫn chiếu đến bản Tuyên ngôn này. Bản Tuyên ngôn, với 30 điều khoản ngắn gọn, rất hữu ích và tiện lợi cho mục đích giáo dục nhân quyền. [1]
Đến năm 1950, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 423 (V), tại phiên họp thứ 317, chính thức kêu gọi mọi quốc gia thành viên và các tổ chức quan tâm kỷ niệm ngày 10/12 - Ngày Nhân quyền (Human Rights Day) - bằng các phương thức khác nhau.
Hàng năm, Ngày Nhân quyền 10/12 được kỷ niệm ở nhiều quy mô khác nhau tại khắp nơi trên thế giới. Nhân ngày này, nhiều tổ chức và các cá nhân bảo vệ nhân quyền cũng thường ra tuyên bố, thông cáo trình bày quan điểm.
Năm 2008, nhân dịp 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã khởi xướng phong trào kéo dài suốt năm để đánh dấu. Vào dịp 10/12/2008, hơn 350 trí thức, luật gia, nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc đã cùng nhau ký Hiến chương 08 kêu gọi chính quyền mở rộng dân chủ, tôn trọng pháp quyền và cải cách hiến pháp. Một trong những người trực tiếp soạn Hiến chương này, nhà văn Lưu Hiểu Ba, đã được trao giải Nobet Hòa bình năm 2010 (tiếc rằng trong khi ông đang ngồi tù!). Tại Campuchia, vào ngày này, các NGO đã tổ chức cuộc tuần hành với khoảng 5.000 người và cuộc thả bóng bay với 1.000 người tham gia.
Tại Việt Nam, ngày Nhân quyền được quan tâm khá sớm, nhưng chủ yếu tại Miền Nam từ những thập niên 1960. Chẳng hạn như vào ngày 10/12/1967, tại Phòng Khánh tiết Tòa đô chính Sài Gòn, đã diễn ra Lễ kỷ niệm năm thứ 19 ngày Quốc tế Nhân quyền. Một số luật gia (như G.S. Nguyễn Quang Quýnh…) đã có bài phát biểu về nội dung, giá trị của Tuyên ngôn nhân quyền, sự tương thích của luật pháp quốc gia với công pháp quốc tế trong việc bảo vệ dân quyền…
Hai thập niên sau năm 1975, ngày Nhân quyền hầu như không được ai nhắc đến. Trong thập niên 1990, một số cuộc kỷ niệm chủ yếu diễn ra trong giới luật gia, cơ quan nhà nước. Những năm sau đó, đã có các cuộc hội thảo nhân dịp này do Bộ Ngoại giao hoặc trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức. Tuy nhiên sự quan tâm của công chúng, báo chí vẫn chưa đáng kể. Dẫu vậy, nhiều cá nhân, tổ chức đang cố gắng để làm Ngày Nhân quyền trở thành sinh hoạt cộng đồng diễn ra thường niên, tạo đà cho các hoạt động thúc đẩy nhân quyền khác.
Năm nay, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR - cơ quan đầu mối các hoạt động nhân quyền của Liên Hợp Quốc) gắn việc kỷ nhiệm Ngày Nhân quyền với việc đánh dấu 20 thành lập Văn phòng, cũng là 20 năm Hội nghị thế giới về Nhân quyền tại Viên - Áo (cùng trong năm 1993). Dự kiến một số hoạt động sẽ diễn ra tại Geneva (ngày 5/12/2013), New York (ngày 10/12) và các văn phòng khu vực của OHCHR. OHCHR cũng gợi ý 20 chủ đề khác nhau để các nhóm, tổ chức, cá nhân trên thế giới lựa chọn để tập trung trao đổi, thảo luận (các nhóm quyền khác nhau; thương mại và nhân quyền; tự do biểu đạt; pháp quyền; chống buôn người; cưỡng bức lao động…). [2]
Với tần xuất xuất hiện của các cụm từ "nhân quyền", "quyền con người" tại Việt Nam từ cuối năm 2012 đến nay trên nhiều diễn đàn (thảo luận sửa đối Hiến pháp, hoạt động của mạng lưới blogger, nhiều "tuyên bố", "tuyên ngôn" khác nhau, việc chuẩn bị báo cáo của chính phủ và của xã hội dân sự theo cơ chế UPR - Hội đồng Nhân quyền LHQ, "dã ngoại nhân quyền", việc nhà nước ký Công ước chống tra tấn và gia nhập Hội đồng Nhân quyền…), Ngày Nhân quyền và tháng 12 năm nay hứa hẹn có nhiều sinh hoạt sôi động hơn, có nhiều người tham gia hơn và mang ý nghĩa thực chất hơn so với các năm trước.
K.Tùng (Hà Nội)
K.Tùng (Hà Nội)
_________________________
[1] Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu chi tiết về các thảo luận, các cá nhân có vai trò dẫn đến sự ra đời của Tuyên ngôn 1948 trong cuốn sách "Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 - mục tiêu chung của nhân loại" - do Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức dịch năm 2010 - tại địa chỉ:
[2] Xem thêm tại: http://at20.ohchr.org/index.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét