Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Nỗi buồn Biển Đông, chào mi?

Thục Quyên
Chia sẻ bài viết này
Tuần lễ qua, nhiều loại Bão đã càn quét vùng Đông Nam Á.
Bão Haiyan (Yolanda /Hải Yến) phát triển rất nhanh, tăng từ cấp bình thường lên thành siêu bão khi vào đất liền và đã đạt tới mức tàn phá cao độ tại Philippines khiến số người thiệt mạng lên đến cả chục ngàn.
Những hình ảnh tan hoang tuyệt vọng tại đây đã làm lu mờ những tin về lũ lụt, mất điện, đổ nát, sau khi bão Hải Yến đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh/Việt nam rồi qua Hải Nam/Trung quốc.
Lu mờ cả những dấu hiệu đầu của một loại bão khác:
- Việt Nam giao trọn vùng đất Ninh Thuận cho tập đòan Rosatom xây nhà máy điện hạt nhân.
- Việt Nam và Trung Cộng đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Những gì con mắt nhìn thấy bao giờ cũng có tác động nhanh và mạnh hơn là những nguy cơ mà giác quan con người không cảm nhận được. Không nhìn, không ngửi, không nghe, không sờ mó, không nếm được vị, trước những nguy cơ như vậy, con người phải vận dụng trí khôn và sự hiểu biết.
Khó hơn rất nhiều!
Những trận cuồng phong với những chấn động ngầm đang ngày một lớn sắp tới với dân tộc Việt nam, giác quan chúng ta không cảm nhận được. Khí cụ duy nhất để đo lường những nguy biến đang thành hình là lưu tâm quan sát và học hỏi từ thế giới.
Cách thóat duy nhất là suy nghĩ thông minh và hành động dũng cảm.
Những hình ảnh tan hoang tại Tacloban/Philippines trong tích tắc gợi nhớ đến Fukushima làm thế giới thêm một lần nữa nín thở vì nghĩ tới điều gì có thể xẩy ra, nếu dân tộc và chính phủ Phi khi xưa đã thiếu suy xét, để cho nhà máy điện hạt nhân Bataan (chỉ cách thủ đô Manilla 100 cây số) đi vào họat động? Một nhà máy điện hạt nhân đáng lẽ là nhà máy đầu tiên hoạt động tại Đông nam Á, đã do công ty Mỹ Westinghouse hòan thành xây cất với tổn phí là 2,3 tỷ đô la Mỹ năm 1984.
Sau thảm họa hạt nhân Three Mile Island, chính nhà độc tài Ferdinand Marcos cũng phải chiều lòng dân chúng ra lệnh thành lập một ủy ban chuyên gia để đánh giá tình hình an toàn. Nhưng bất chấp lời cảnh báo về vị trí gần một núi lửa và các đới đứt gãy có thể gây động đất, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Philippines vẫn sẵn sàng thực hiện công đọan cuối cùng: đưa các thanh nhiên liệu uranium vào lò.
Hai sự kiện quan trọng xảy ra vào năm 1986 đã thay đổi tình thế: thảm họa tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl và nhà độc tài Marcos bị lật đổ.
Chính phủ mới của Philippines với nữ tổng thống Corazon Aquino quyết định không cho nhà máy đi vào hoạt động.
Vào đầu năm 2011, thảm họa Fukushima đã đưa đương kim tổng thống Benigno S. Aquino III, con trai bà Aquino, tới quyết định đổi cơ sở nhà máy điện hạt nhân Bataan thành một địa điểm du lịch. Chương trình này đang thành công vượt bực.
Lời nhận xét của Mauro Marcelo, một kỹ sư hạt nhân của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Philippines thật đáng được chiêm nghiệm:
“Lẽ ra chúng tôi có thể trở thành nước đầu tiên tại châu Á có nhà máy điện hạt nhân, song chúng tôi đã không thể thực hiện điều đó. Cứ mỗi lần cơ hội tới thì tai họa lại xảy ra. Chúng tôi không cần thuê chuyên gia hạt nhân, mà chỉ cần thầy phong thủy để xua đuổi vận xui”
Bão Haiyan đã mang chết chóc điêu tàn đến, rồi đã ra đi, và cộng đồng thế giới đang chung sức giúp Philippines khắc phục những hậu quả. Sóng thần Sendai cũng đã ra đi nhưng để lại một Fukushima còn sôi sục tiềm tàng những hiểm nguy không lường được, mà ảnh hưởng thì không biết tới bao thế hệ sau này? Con người chỉ là một thành phần nhỏ bé của Thiên Nhiên. Không thể ngạo mạn đem sự hiểu biết thật ra rất hạn hẹp của mình để tàn phá thiên nhiên. Hậu qủa phải gánh chịu tới nay đã rất tàn khốc và sẽ đưa đến sự diệt chủng của loài người nếu chúng ta không biết dừng lại.
Nối tiếp nhau, Fukushima và Haiyan đã làm tình hình tại Biển Đông càng trở nên nghiêm trọng.
Với Nhật Bản suy sụp vì tổn phí ước lượng là 58 tỷ đô la Mỹ để khử nhiễm xạ vùng Fukushima (nếu may mắn không xảy thêm thảm họa) trong khi Nga và Trung Cộng đang đồng lòng đánh quỵ nước này bằng đường kinh tế: gây khó khăn cho việc nhập cảng hàng hóa Nhật với lý do nhiễm xạ.
Và Philippines, quốc gia vững mạnh nhất trong việc đối đầu với sự xâm chiếm Biển Đông của Trung Cộng thì đang bị một vết thương trầm trọng.
Về phía Việt Nam, thật dễ hiểu là nhà cầm quyền vừa tay trong tay với Trung Cộng để vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sẽ còn yếu nhát hơn nữa trong việc đối đầu với nước "đàn anh", hòng bảo vệ quyền lợi quốc gia dân tộc.
Hy vọng Philippines sẽ mau bình phục vì thái độ khôn ngoan và dũng cảm của tổng thống Benigno Aquino từ trước tới nay đã đem tới cho người dân Philippines nhiều thiện cảm và lòng tin của thế giới. Trước khi bão Haiyan tới, ông đã có một lời tuyên bố trước quốc dân và thế giới đầy ý nghĩa:
"Philippines chuẩn bị như thời chiến để đối phó với bão Hayan, với 3 máy bay chở hàng, 32 máy bay trực thăng quân đội và 20 tàu hải quân sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Không cơn bão nào có thể khiến người Philippines gục ngã!
Tôi hy vọng tất cả chúng ta sẽ an toàn trong những ngày tới”
Đưa kiện Trung Cộng trước tòa án Liên Hiệp Quốc trong vấn đề Biển Đông, TT Aquino đã khôn khéo kéo toàn thế giới vào cuộc để tránh cảnh bị Trung Cộng ngấm ngầm nuốt chửng như Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
Thái độ vững vàng và quyết liệt này của chính phủ Philippines đã cho các nước khác dịp để can thiệp và sẵn sàng yểm trợ Philippines chống lại sự bành trướng của Trung Cộng.
Sự có mặt của thế giới là một cái phao cấp cứu thật hữu hiệu trong lúc này.
Không được cái may mắn của Philippines, liệu Việt Nam với gần 90 triệu dân, có tìm được một phương cách nào khác để tự cứu?
Liệu người dân Việt có tiếp tục ai oán khóc than "Nỗi buồn Biển Đông, chào mi" hay tiếp tục vỗ ngực sĩ diện hão đánh Tây đuổi Mỹ (để mất cho Trung Cộng) hay lải nhải ngồi nhà chửi Cộng sản mà không trực diện hành động, hoặc tiếp tục ngồi đổ lỗi cho nhau?
Dân tộc Việt sẽ chỉ có chỗ đứng trong thế giới nếu chúng ta ra tay hành động cụ thể. Những tổ chức dân sự Việt Nam phải cấp tốc tham dự vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội thế giới.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đang cần được dân tộc Việt thúc đẩy phải đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam trả lời những chất vấn liên quan tới hàng loạt vụ vi phạm nhân quyền, bắt giữ người hoạt động bênh vực nhân quyền ở Việt Nam. Đã là thành viên, Việt Nam phải có bổn phận mời các giám sát viên nhân quyền quốc tế đến thăm và điều tra các cáo buộc về những vụ vi phạm nhân quyền trong nước.
Tòa án quốc tế về quyền biển Hamburg, Tòa án hình sự quốc tế Den Haag (La Haye), Hội đồng Nhân quyền của LHQ, phải được thấy ý chí cương quyết của hàng triệu người dân Việt Nam đòi thế giới chặn đứng tham vọng xâm lược Biển Đông chưa bao giờ ngừng của Trung Quốc và bảo vệ quyền sống của ngư dân Việt Nam.
Hình ảnh những ngư dân nghèo, đồng bào ruột thịt, bị bắn giết bởi những tàu Trung Cộng, xác ướp đá gởi về đòi tiền chuộc, có làm chúng ta ngưng được mọi việc, mọi hiềm khích với nhau để lấy một phút ký vào kiến nghị sau hay không?
"Pétitions Citoyennes d’Avaaz" (Kiến nghị công dân Avaaz)

"Bảo vệ ngư dân miền Trung Việt Nam trước sự gây hấn quân sự của Trung Quốc. Nói không với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh!"

Gửi:
Tòa án quốc tế về quyền biển Hambourg,
Tòa án hình sự quốc tế La Haye,
Hội đồng Nhân quyền của LHQ
Tại sao lại quan trọng?
Bảo vệ quyền sống và quyền an ninh của hàng chục ngàn ngư dân hành nghề trên những ngư trường như cha ông bao đời nay của họ thuộc vùng chủ quyền của Việt Nam là một điều hết sức cần thiết. Cần thiết không kém là can thiệp để Bắc Kinh không châm được ngòi lửa chiến tranh trong một khu vực giao thông của hơn 50% hàng hải quốc tế.
Một việc cần làm và có thể làm!
Công bố ngày 9.11.2013
HÃY KÝ BẢN KIẾN NGHỊ NÀY HƯỚNG DẪN KÝ TÊN
2. Điền địa chỉ email vào ô có chữ "Email" (dưới dòng chữ tím "Indiquez votre adresse email")
3. Bấm tiếp vào ô có chữ "SIGNER"
* * *

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét