Kính Hòa
biên tập viên RFA
Xã hội dân sự và công việc từ thiện
Vai trò của các tổ chức dân sự là vô cùng lớn lao trong việc tương trợ xã hôi, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên hoạt động đó tại Việt Nam thực sự không dễ dàng.
Ngăn cản cứu trợ
Mỗi năm đến hẹn, những cơn bão từ biển Đông lại tràn lên đất liền, tàn phá cả một dãy duyên hải miền Trung. Công tác báo bão trong thời buổi tin học này đã nhanh hơn rất nhiều so với chục năm trước, khi mà những cơn bão có thể ập vô bất ngờ. Việc đó làm tránh được nhiều tổn thất về nhân mạng và của cải. Tuy vậy, những thiệt hại về mùa màng nhà cửa cũng thường rất nặng nề không tránh khỏi. Cứu giúp những người nghèo sau bão tố thiên tai là một công việc quan trọng cần sự huy động sức lực của toàn xã hội.
Chính trong bối cảnh đó mà những hoạt động dân sự đóng vai trò quan trọng. Các hoạt động dân sự xuất phát từ ý tưởng cá nhân, huy động sự đóng góp của cá nhân, với chỉ một nguyên tắc là tình thương nhằm cứu giúp những đồng bào kém may mắn. Một điều quan trọng nữa là các hoạt động này không làm tiêu tốn một đồng nào của ngân sách nhà nước, mà ở một quốc gia đang phát triển như Việt nam, ngân sách đó cần thiết cho những hoạt động lớn lao hơn.
Tuy vậy, những hoạt động dân sự như thế không hề dễ dàng ở Việt Nam.
Trong mùa mưa lũ năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đã bị nhà cầm quyền ngăn cản khi mang hàng cứu trợ đến với đồng bào miền Trung, Và Giáo hội cho biết rằng đây không phải là lần đầu tiên bị ngăn trở như vậy. Hòa thượng Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ Thiện - Xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nói với đài Á châu tự do:
“Hằng chục năm rồi, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đi đến đâu cứu trợ (có những lần ra ngoài bắc Nghệ An, Thanh Hóa… bị bão lụt nặng), có những lần họ lấy luôn mì hay gạo đem về phường. Cuối cùng có quí vị ở hải ngoại lên tiếng hay sao đó khiến gây ảnh hưởng thế nào đó, họ lại đem quà, mì trả lại cho mình phát. Nhưng đi đâu họ cũng gây nhiều khó khăn, giám sát rất chặt chẽ.
Họ bắt ép phải đem về phường và cùng với Nhà nước đứng phân phối theo danh sách như thế nào đó. Bên chúng tôi không đồng ý. Khi bà con tụ lại tại địa điểm mình tổ chức phát quà, công an ép bà con phải về phường hết, không được ở tại điểm đó.”
Các thành viên của đoàn cứu trợ đã kiên nhẫn thực hiện ước nguyện từ thiện của mình. Cuối cùng thì phẩm vật cũng đến được những người dân đang thiếu thốn. Nhưng hình ảnh hàng chục công an bao vây các nhà sư mang hàng cứu đói đến vùng có thiên tai quả là một nghịch lý.
Tham nhũng hàng cứu trợ
Trong khi đó, theo báo mạng Quảng Bình Ngày Nay, cũng trong đợt bão vừa qua, cán bộ nhà nước ở thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc, Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã giữ lại tất cả những phẩm vật của những nhà hảo tâm, rồi đem bán lại cho những người dân đang cần được cứu trợ.
Hành động tham nhũng không những phẩm vật cứu trợ mà còn đối với các dự án dân sinh, đã được nhiều người nói đến. Anh Nguyễn Huỳnh Thuật, người đã phát động thành công một phong trào dân sự cứu rừng Nam Cát tiên nói với chúng tôi về sự cần thiết của phong trào dân sự để bù đắp cho những khiếm khuyết của bộ máy nhà nước, cồng kềnh mà thiếu hiệu quả, lại nhiều rủi ro tham ô nhũng lạm, nhất là trong một xứ sở quyền cai trị của một đảng là tuyệt đối:
“Rất cần những người có tâm huyết vì nước vì dân đứng ra hoạt động để bổ sung cho những khiếm khuyết của nhà nước hay những điều mà các lãnh đạo không thể quan tâm được. Ví dụ như có những người tự nguyện lên vùng sâu vùng xa giúp trẻ em đi học, hay là mang những em đã bỏ học trở lại trường. Vừa rồi trong mùa mưa lũ miền Trung có những cá nhân đi làm việc đó bằng tiền túi của mình. Nhà nước thì cũng có những chương trình nhà tình thương, chia tiền giúp người dân vùng lũ nhưng lại bị tham nhũng.”
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành hẳn một nghị định từ năm 2008 về việc cứu trợ, trong đó có nghiêm cấm các hành vi ăn chận tiền và hàng cứu trợ. Năm năm đã trôi qua và những hành vi đó vẫn không thể tránh được. Nhưng khi những cá nhân đi làm từ thiện thì không thể có chuyện tham nhũng tiền túi của chính họ được. Đó là một điều rất rõ ràng.
Một cơ cấu ngoại vi của đảng cộng sản được đề cập rất nhiều trong nghị định về cứu trợ của chính phủ Việt Nam, đó là Mặt trận Tổ quốc. Đây là tổ chức trên danh nghĩa tập hợp tất cả các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức xã hội… nhưng nó vẫn là một cơ cấu hành chính, mà theo ông Lê Hiếu Đằng một thành viên lâu năm của Mặt trận này, nó không phải là tổ chức dân sự.
Hòa thượng Thích Không Tánh có nói rằng khi lực lượng chức năng đến ngăn cản nhóm của ông thực hiện việc cứu trợ, họ có nói rằng Giáo hội này không có giấy phép. Hòa thượng nói tiếp:
“Chúng tôi nói truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là dân lập, nó đã có từ lâu đời rồi. Chúng tôi không có thỏa hiệp, không có kết hợp với tổ chức chính trị hay chế độ nào bởi vì như thế mang tính cách tuyên truyền chính trị.”
Bản chất của các tổ chức dân sự lại chính là dân lập và độc lập. Chính sự độc lập và tính dân sự ấy làm cho công việc từ thiện tránh được nạn nhũng lạm như vừa xảy ra tại Quảng Bình.
Trong một lần tìm hiểu về phong trào sách hóa nông thôn do ông Nguyễn Quang Thạch chủ xướng, chúng tôi biết rằng ông Thạch rất coi trọng các tổ chức tôn giáo trong hoạt động dân sự. Trong thực tế, các nhà chùa, nhà thờ đã đóng góp rất nhiều cho công việc cứu trợ nói riêng, và các hoạt động tương trợ xã hội nói chung.
Trong câu chuyện thành công của nhóm dân sự Cứu Nam Cát Tiên do anh Nguyễn Huỳnh Thuật khởi xướng, có nhiều những người đồng lý tưởng họp lại với nhau. Những sáng kiến cá nhân sẽ được khuếch lên nhiều lần khi những cá nhân đó có tổ chức. Và có vẻ như sự tổ chức đó lại là nỗi e ngại của nhà cầm quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét