Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Rau quả và sức khỏe

traicay

Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Hầu hết các nhà khoa học đều nhìn nhận rằng rau cải và trái cây là những thực phẩm rất cần thiết cho sức khỏe. Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng như Health Canada đã đưa ra lời khuyến cáo rằng mọi người nên dùng thật nhiều rau cải và trái cây, ít nhất là từ 5 tới 10 phần chuẩn (par portion, per serving) mỗi ngày. Một phần chuẩn tương đương với:
- 1 trái táo cỡ trung bình
- 1 tách rau cải tươi
- 1/2 tách trái cây tươi
- 1/2 tách nước ép trái cây
- 1/4 tách trái cây khô.
Có bổ ích gì cho sức khỏe không?
Rau quả tươi là nguồn cung cấp vitamin (vitamin C, B6, folate), chất khoáng, chất xơ và nhất là các hoạt chất thực vật (phytochemicals) có tác dụng như những chất chống oxy hóa (antioxidants).
Ăn nhiều rau cải và trái cây rất tốt cho sức khỏe, không sợ bị béo phì vì chúng chứa rất ít calorie, và chất béo hầu như không đáng kể.
Chất xơ trong rau quả giúp chúng ta ít bị táo bón, ngừa cancer ruột già, đồng thời loại chất xơ tan trong nước thấy nhiều trong cám của một số ngũ cốc (như oat bran) còn có tính làm giảm chất cholesterol trong máu. Potassium và Magnesium cần thiết cho hoạt động của tim, cơ, cũng như giúp điều hòa áp huyết động mạch.
Nói chung, các dưỡng chất, các vitamin, các enzym, và các chất chống oxy hóa hiện diện trong rau quả đều rất cần thiết cho một sức khỏe tốt. Chúng giúp giảm thiểu nguy cơ xuất hiện của các bệnh mạn tính, các bệnh liên quan đến mắt, bệnh viêm khớp, bệnh tiểu đường type II, bệnh tim mạch, tắc nghẽn mạch vành tim, áp huyết cao, và cả một vài loại bệnh ung thư nữa…
Chất chống oxy hóa là gì?
Trong hoạt động biến dưỡng, cơ thể tạo ra các chất phế thải gọi là gốc tự do (free radical, radical libre). Đây là các phân tử bất ổn định, thường xâm nhập vào tế bào, tấn công vào chất DNA, làm hại tế bào đồng thời làm gia tăng tốc độ lão hóa của nó. Tuy mang tiếng là có hại nhưng cơ thể cũng phải cần đến một số ít gốc tự do trong hoạt động phòng chống cảm nhiễm cũng như giúp vào sự co thắt của cơ trơn thành động mạch. Một sự thặng dư gốc tự do sẽ có hại cho sức khỏe. Khói xe, ô nhiễm không khí, tia tử ngoại (ultra violet) ánh sáng mặt trời, khói thuốc lá, một số thuốc Tây, và tình trạng bị căng thẳng tinh thần (stress) đều làm gia tăng gốc tự do.
Cũng may, để đối phó với tác động oxy hóa của gốc tự do chúng ta có các chất chống oxy hóa, hiện diện trong hầu hết các loại rau cải và trái cây.
Các chất chống oxy hóa có thể là những loại vitamin, như vitamin C (trong cam quít, kiwi…), và vitamin E có tác dụng ngăn cản sự phối hợp của gốc tự do với cholesterol xấu (LDL), gây nên tình trạng xơ cứng động mạch. Vitamin E còn có khuynh hướng chống kết tụ tiểu cầu (antiplatelet) và giảm hiện tượng máu bị đóng cục lại.
Ngoài ra, các chất như carotenoid, beta carotene có trong rau quả màu vàng cam (sẽ chuyển ra thành vitamin A trong cơ thể), chất lutein và zeaxanthin (trong rau cải có lá xanh đậm), lycopene trong cà chua, bioflavonoid, sulforaphane, indole, proanthocyanidins v.v… đều là những chất antioxidant vô cùng quan trọng .
Một vài chất chống oxy hóa tiêu biểu
Vitamin C (ascorbic acid): có trong cam, quít, bưởi, kiwi, dâu tây v.v… giúp tăng sức miễn dịch, ngừa cảm cúm, giúp tạo chất keo cho mô liên kết, cũng như giúp mô xương, mô sụn, răng và nướu răng được phát triển bình thường.
Beta carotene: antioxidant nhóm carotenoid,có nhiều trong rau quả có màu vàng như bí rợ, cà rốt, khoai lang, cà chua… Rất tốt cho mắt.
Lutein: nằm trong nhóm carotenoid, có rất nhiều trong rau cải có màu xanh đậm, chẳng hạn như rau mồng tơi, v.v… Rất tốt để ngừa bệnh cườm mắt (cataract) và bệnh thoái hóa hoàng điểm võng mạc AMD (age-relatedmacular degeneretion) thường xảy ra ở người trên 50 tuổi. Tuổi tác cao, thuốc lá và ánh sáng mặt trời là những nguyên nhân chính của bệnh thoái hóa hoàng điểm. Bệnh nhân lần lần bị giảm thị lực, thấy không rõ chi tiết, nhất là thị giác trung tâm, trường hợp nặng sẽ bị mù lòa.
Lycopene: thuộc nhóm carotenoid, thấy trong cà chua, trong bưởi hồng, trong trái apricot, và trong dưa hấu v.v… Rất tốt để ngừa cancer tiền liệt tuyến ở đàn ông. Nên biết lycopene ở cà chua nấu chín (tomato sauce và tomato paste) có tỷ lệ hấp thụ cao hơn cà chua được ăn sống.
Vitamine E: trong các loại hạt, như hạnh nhân, hạt dẻ, các hạt đậu nảy mầm, dầu carthame (safflower oil), dầu bắp, dầu đậu nành, trong xoài, trong khoai lang…
Selenium: là một loại bần tố (oligoélément), thấy có trong ngũ cốc, như gạo, lúa mì, hạt dẻ Brazil v.v…
Một số rau quả
Dâu (fraise, strawberry): rất giàu vitamin C, chất xơ và chất chống oxy hóa bioflavonoids, polyphenol, Ellagic acid…
Cam: chứa nhiều vitamin C, folate, potassium, và các chất antioxidant như bioflavonoids và terpene. Folate (folic acid) là một loại vitamin trong nhóm B, rất cần cho phụ nữ mang thai. Thiếu folate trong tháng đầu, sự tạo lập não hoặc tủy sống ở bào thai sẽ không được hoàn chỉnh, khoa học gọi hiện tượng nầy là neural tube defect, rất nguy hiểm vì có thể sinh ra thai nhi dị dạng hoặc chết đi khi vừa lọt lòng mẹ. Folate ngoài nhiệm vụ bổ máu, nó còn giúp vào việc ngăn chặn sự tích tụ của chất homocysteine trong máu. Chất sau nầy là một amino acid có khuynh hướng gây nên tình trạng xơ cứng động mạch (atherosclerosis) và tai biến mạch máu não. Nhu cầu hằng ngày về folate là 400 micrograms.
Bưởi (grapefuit, pamplemousse): cũng như cam, chứa vitamin C, potassium, các chất antioxidants bioflavonoids, pectin, carotenoid, beta carotene. Nước bưởi nguyên chất (không thêm đường) có rất ít calorie, khoảng 75 calo cho một ly, nên có người cho rằng nước bưởi có tính làm giảm cân. Bưởi giúp giảm cảm nhiễm và giảm nguy cơ xuất hiện của một số cancer.
Nho: chứa chất antioxidant proanthocyanidins, đặc biệt nho đỏ hay tím còn có chất resveratrol trong lớp vỏ. Rất tốt để ngừa các bệnh tắc nghẽn tim mạch .
Cà chua: chứa nhiều chất lycopene, giúp ngừa cancer tiền liệt tuyến. Cà chua cũng chứa nhiều vitamin A và potassium…
Cà rốt: chứa rất nhiều chất antioxidant beta carotene, lycopene, sulfur, glutathione, các loại vitamins A, B, C, D, E, folate, và các chất khoáng như calcium, sắt, potassium, đồng, phosphorus, và magnesium v.v… Cà rốt rất tốt cho mắt, nuôi dưỡng da, ngừa bệnh tim mạch và một vài loại cancer như cancer bao tử, và cancer ruột già…
Chuối: chứa rất nhiều potassium, rất tốt để giúp giảm áp huyết. Ngoài ra cũng thấy có vitamin A, C, folate, B6, niacin, panthotenic acid và vitamin E…
Cải bắp (choux, cabbage): chứa vitamin C, A, beta caroten, sulfur, selenium, giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch, cancer vú, bệnh viêm khớp. Cải bắp có chứa một amino acid tên là glutamine, rất hữu ích để ngừa bệnh loét bao tử (ulcer), và viêm ruột già (colite).
Cải nappa: có vitamin C, folate, và các chất antioxidants như indoles.
Khổ qua (bitter melon, melon amer): Rất tốt để ngừa bệnh tiểu đường loại II. Có thể diệt một vài loại virus và ngừa cancer?
Broccoli: nhiều vitamin A, vitamin C, folate. Có potassium, sắt và chất xơ. Có thể ngừa một vài loại cancer… Antioxidant sulforaphane giúp ngừa tia tử ngoại làm hại võng mạc gây nên bệnh thoái hóa hoàng điểm mắt. Nên lựa broccoli có màu xanh thật đậm vì chứa nhiều vitamin C. Tránh mua broccoli đã nở hoa, gốc quá cứng. Để tránh mất dưỡng chất và vitamins, nên hấp broccoli trong microwave.
Bông cải trắng (choux fleur, cauliflower): chứa vitamin C, folate và chất xơ. Cũng như broccoli, bông cải có hai loại antioxidants, indole-3-carbinol và sulforaphane, giúp ngừa nguy cơ xuất hiện cancer vú gây ra do sự xáo trộn hormon estrogen .
Ngò tây (persil, parsley): có chứa các chất antioxidants bioflavonoides như luteolin, vitamin C. Ngoài ra chất myristicin cũng rất tốt cho phổi.
Táo (pomme/apple): chứa nhiều vitamin C, và các antioxidants như phenols, bioflavonoides, rất cần để ngừa nguy cơ xuất hiện của một vài loại cancer. Pomme đỏ có chứa nhiều chất quercetin hơn pomme xanh và pomme vàng. Chất antioxidant nầy rất tốt cho tế bào não chống lại các gốc tự do, có người còn nói nó giúp ngừa cả bệnh lú lẫn (Alzheimer) nữa? Đúng với câu truyền tụng “an apple a day keeps the doctor away”.
Khóm/dứa (ananas, pineapple): nhiều vitamin C, manganese, vitamin B1(thiamin). Ngoài ra còn có chất bromelain, trong nhóm chất sulfur. Chất nầy giúp làm giảm viêm sưng, ngừa dị ứng, và đồng thời cũng có khả năng làm giảm nguy cơ xuất hiện của một vài loại cancer.
Đu đủ (papaya): nhiều vitamin A và C. Nguồn cung cấp chất beta carotene. Rất tốt cho mắt. Đu đủ sống có chứa enzym papain có tính chất làm tan chất đạm (proteolytic) giúp tiêu hóa. Papain cũng còn giúp giảm đau nhức.
Celery: giàu vitamin K, vitamin C, niacin, panthotenic acid, folate, magnesium, phosphorus, potassium, manganese, đồng. Celery tuy có chứa một tỷ lệ sodium rất cao, nhưng nhờ chất antioxidant 3-n-butyl phthalide có tính làm giãn cơ trơn trong thành mạch máu mà giúp hạ áp huyết động mạch xuống. Chất nầy cũng tạo cho celery có một mùi thơm đặc biệt.
Rau spinach: chứa chất antioxidant alpha carotene lutein, zeaxanthin rất tốt để ngừa bệnh cườm và bệnh thoái hóa hoàng điểm võng mạc mắt. Potassium, vitamin K, folate đều rất hữu ích để ngừa bệnh tim mạch, giảm cholesterol, giảm bệnh trầm cảm và luôn cả bệnh Alzheimer nữa. Có một điều bất lợi nhỏ là rau spinach có quá nhiều oxalic acid, có thể gây sỏi thận (kidney stones).
Củ cải trắng (daikon): chứa nhiều vitamin C và các enzym tiêu hóa. Cũng như broccoli, củ cải có chất antioxidant indole có khả năng ngăn cản bớt sự xáo trộn của hormone estrogen không cho nó tập trung quá nhiều ở vùng vú để có thể gây ung thư.
Củ hành (onion): có vitamin C, chất xơ, và các chất sulfur, polyphenol giúp ngừa một số cancer. Chất antioxidant bioflavonoid là quercetin giúp ngừa bệnh tim mạch, bệnh cườm mắt và một số bệnh cancer. Chất sulfur giúp hạ áp huyết động mạch và giảm cholesterol. Có người còn gán cho củ hành và củ cải tính trợ dương (aphrodisiac) nữa?
Tỏi (ail, garlic): chứa chất allicin giúp tăng sức miễn dịch, có tính kháng sinh, giảm cholesterol, làm loãng máu và ngừa vài loại cancer.
Kiwi: chứa nhiều vitamin C. Giúp ngừa một vài loại cancer.
Avocado: chứa nhiều potassium, antioxidant, và rất nhiều chất béo tốt loại không bão hòa đơn thể (monounsaturated fat) như oleic acid thấy trong dầu olive, rất tốt cho động mạch, và có thể giúp giảm áp huyết.
Canneberge (cranberry): nước ép cranberry chứa những chất antioxidants có khả năng ngăn cản vài loại vi khuẩn bám vào răng và nướu, tránh được tình trạng sâu răng và viêm nướu. Cùng một nguyên tắc nầy, nước cranberry rất tốt trong việc ngừa viêm bọng đái và viêm đường tiểu do vi khuẩn E.coli gây nên. Cranberry cũng có thể giúp làm tăng cholesterol tốt (HDL) lên, và ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện của một vài loại cancer.
Framboise (raspberry): chứa chất antioxidant Ellagic acid, thuộc nhóm phenolic compound rất tốt để phòng ngừa một vài loại cancer.
Bleuet (blueberry): chứa chất antioxidant Anthocyanins có khả năng ngừa cancer cổ tử cung và cancer vú. Blueberry cũng có chứa chất resveratrol có khả năng ngừa các bệnh tim mạch.
Một vài mẹo vặt
Để tránh cho rau quả khỏi bị mất đi một số dưỡng chất, như vitamins và enzyms, chúng ta cần để ý đến các điểm sau đây:
- Rau quả càng cũ thì càng dễ bị mất bớt dưỡng chất và vitamin, đặc biệt là vitamin C.
- Không nên xắt rau quả quá nhuyễn và cất quá lâu trước khi sử dụng vì vitamin sẽ dễ bị mất dưới tác động oxy hóa của không khí.
- Khi luộc rau cải, chỉ dùng thật ít nước, và chờ cho thật sôi mới bỏ vào nồi. Không luộc lâu. Hấp là tốt nhất .
- Không ngâm rau cải quá lâu trong nước, vì sẽ làm mất đi một số viamins hòa tan trong nước như vitamin C. Rau cải và trái cây nên được ăn sống là tốt hơn hết.
Rau quả đóng hộp có bổ dưỡng không?
Rau quả tươi vẫn tốt hơn rau quả vô hộp. Vì phải kinh qua nhiều khâu biến chế, và thời gian tồn trữ quá lâu cho nên rau quả đóng hộp phải chịu mất mát đi một số dưỡng chất. Khi khui hộp ra, nhớ đổ bỏ hết nước và rửa lại với nước lạnh để lấy bớt ra các chất bảo quản, như muối hoặc đường chẳng hạn. Rau quả vừa thu hoạch xong nếu đóng hộp liền sẽ giữ được nhiều vitamin và dưỡng chất hơn rau quả cũ.
Rau quả đông lạnh thì sao?
Rau quả đông lạnh theo lối công nghiệp vẫn có thể còn giữ được nhiều vitamin và dưỡng chất vì được biến chế theo những kỹ thuật đặc biệt, làm đông lạnh ở nhiệt độ -18 độ C trong 1 thời gian thật ngắn.
Vấn đề rau quả bị nhiễm hóa chất
Vấn đề lo ngại nhất của mọi người là rau cải và trái cây có thể đã bị nhiễm các chất hóa học. Cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm Canada (CFIA) năm 2001-2002 cho biết 23% rau quả xét nghiệm đã bị nhiễm hóa chất tồn dư của nông dược, trong số nầy có từ 1-2% đã vượt quá mức cho phép của chính phủ. Nhiễm độc lâu ngày sẽ bị tổn hại đến hệ thần kinh, sinh dục, và tuyến nội tiết v.v…
Trước khi ăn phải rửa kỹ với thật nhiều nước. Thứ nào gọt vỏ được thì gọt, còn đối với các loại rau cải có nhiều lớp lá, thì hãy gỡ bỏ đi các lá phía bên ngoài.
Tình hình Việt Nam như thế nào?
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết các loại sau có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu cao: rau muống, rau ngót, cải xanh, đậu đỗ, nho tươi, dưa lê, chuối… Do vậy, một bác sĩ tư vấn trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị chỉ cách đơn giản dò ra dư lượng hóa chất trong thực phẩm bằng cách đơn giản là ngửi và nhúng vào nước. Nếu ngửi nhanh thấy mùi hôi thì trong đó còn dư lượng của thuốc trừ sâu… Khi đi mua rau, quả phải xem kỹ hình dáng, màu sắc, độ tươi của rau, quả (không giập nát, héo úa, trầy xước), rau quả tươi thì chắc, nặng. Nhìn xem các cuống quả có bị đọng phấn lạ không, ngửi thử để phát hiện mùi lạ (nếu có dư lượng thuốc trừ sâu thì sẽ có mùi hắc và hôi)” (Ngưng trích, VietBao Cali-10/23/2013)
“Có tới 70% sản phẩm rau không an toàn, theo tin từ báo Công Thương. Bản tin báo này ghi theo Bộ Y tế, cho biết hằng năm có khoảng 40.000 người ăn phải thức ăn bị nhiễm độc, trong số 4.800 ca nhập viện có tới 46 người tử vong. Dự báo, số ca ngộ độc thực phẩm ngày càng tăng cao khi mà thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, trong khi đó công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Thống kê đưa ra tại Hội thảo quản lý ATTP đối với sản phẩm rau do Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IpSard) phối hợp với tổ chức Veco Việt Nam tổ chức” (Ngưng trích, VietBao 11/02/2013)
Rau quả hữu cơ (bio, organic) có tốt không?
Không chắc đâu, nhưng có một điều chắc chắn là giá cả phải đắt hơn nhiều. Trong tạp chí Food Additives and Contaminants, năm 2002, Cơ quan USDA có đề cập đến việc xét nghiệm 8 loại rau quả trồng theo lối thiên nhiên không trụ sinh và hóa chất, còn được gọi là sản phẩm organic, thì thấy rằng 25% có sự hiện diện của hóa chất trong đó so với 73% đối với sản phẩm đồng loại trồng theo lối thông thường. Tuy nhiên, người ta cũng không thể rút ra được kết luận chắc chắn nào hết vì có rất nhiều biến số (variable) đã chen vào cuộc xét nghiệm nêu trên.
Cũng có một số khảo cứu cho rằng rau quả hữu cơ có hương vị và phẩm chất trội hơn rau quả thường tức là loại đã dược sử dụng phân hóa học?
Nước trái cây còn gọi là nước “sinh tố”
Nước trái cây rất bổ dưỡng vì có chứa vitamins, enzyms, antioxidants, và chất xơ. Ngoài ra nó cũng rất dễ được cơ thể hấp thụ. Uống nước trái cây thường xuyên rất tốt cho sức khỏe.
Nước sinh tố hay nước trái cây xay cũng không mấy lạ gì đối với chúng ta, vì nó đã có mặt tại quê hương mình từ hơn 50 năm nay rồi. Ngày nay, trên thị trường có bán rất nhiều loại nước ép làm từ đủ loại trái cây, có khi còn được cho tăng cường thêm vitamin C, calcium, folate, ginseng, nha đam (aloe vera) v.v…
Có loại thì được chế biến từ nước ép nguyên chất, có thứ thì được làm từ chất trích (concentrate) của trái cây, và cũng có thứ thì chỉ được làm từ mùi vị thiên nhiên của trái cây mà thôi. Nói chung đây là những sản phẩm kỹ nghệ nên có chứa nhiều hóa chất, và thường được cho thêm rất nhiều đường glucose- fructose.
Vitamin C trong các loại nước cam bán ở chợ cũng không đồng nhất với nhau. Tỷ lệ vitamin C có nhiều nhất trong các lon nước cam đông đặc (concentrate), kế đến là nước cam lạnh, và tệ nhất là các lon hộp nước cam không trữ lạnh được bày bán trên các kệ. Nước cam mua về vừa mới khui ra thì kể như vitamin C cũng bắt đầu dần dần mất đi từ lúc đó.
Để tránh bị đau bụng và tiêu chảy, chúng ta nên mua những loại nước ép trái cây nào đã được hấp khử trùng rồi và có ghi chữ pasteurized trên hộp. Vi khuẩn salmonella, và E.coli 0157: H7 có thể nhiễm vào nước trái cây lúc được sản xuất tại nhà máy.
Nước bưởi cũng rất tốt như nước cam, nhưng cần để ý đặc biệt là bưởi có thể tương tác (interaction) với một số thuốc Tây, làm gia tăng tác dụng của các món thuốc nầy lên gấp bội rất nguy hiểm. Đó là các thuốc trị cholesterol thuộc nhóm Statins (Mevacor, Lipitor, Zocor), các antihistamines (Seldane), thuốc trị cao áp huyết Plendil, các thuốc tâm thần Halcion, Tegretol, Valium, thuốc giảm sức miễn dịch như Neoral dùng cho các ca ghép bộ phận, thuốc chống đau nhức Methadone và thuốc trợ dương Viagra.
Bên cạnh nước trái cây thì cũng có nước légume cũng bổ dưỡng không kém. Mua trong chợ, các loại nước nầy thường chứa nhiều loại légumes cùng một lúc gọi là cocktail. Cái bất lợi là chúng thường chứa nhiều hóa chất bảo quản và nhất là có rất nhiều đường hoặc nhiều muối sodium.
Ngày nay, phong trào nước sinh tố tại gia (homemade) cũng đang được rất nhiều gia đình Việt Nam chiếu cố hết mình. Phương pháp dưỡng sanh nầy vừa dễ làm, vừa rẻ tiền, hoàn toàn thiên nhiên 100%, và bảo đảm là rất tốt cho sức khỏe. Bạn thử uống mỗi ngày, liên tục trong một tháng thì sẽ thấy sắc diện mình thay đổi ngay, bớt mỏi mệt bần thần, da dẻ hồng hào và trở nên láng cóng.
Nguyên tắc là phải uống nước sinh tố (cocktail) gồm nhiều loại légumes và trái cây xay chung với nhau cùng một lúc, và phải có đủ ngũ sắc: trắng, xanh, đỏ, vàng, tía (purple). Tại hải ngoại, chúng ta có thể sử dụng các nguyên liệu sau đây: táo các màu, nho tím không hạt, chuối, khóm, strawberry, blackberry (mure), đu đủ, kiwi, hồng (kaki, passion fruit), cam, quít, avocado (trái bơ), celery, tomate, carrot, ngò Tây, khổ qua, ớt ngọt (poivron, pepper) loại xanh, đỏ và vàng, và nếu có thể có được mãng cầu Xiêm, sầu riêng, mít hoặc xoài chín thì càng thêm đậm tình quê hương nữa. Nên sử dụng rau quả còn tươi mới tốt.
Rau quả phải được rửa thật sạch, gọt bỏ hết vỏ, xắt nhỏ, bỏ từ từ vô máy xay (blender) và nhớ thêm nước nhiều ít tùy theo ý mỗi người. Không bỏ đường hay bỏ muối. Có thể cho thêm vô một hũ yogurt cho tăng thêm tính bổ dưỡng. Nước sinh tố làm theo lối nầy thì rất tiện lợi vì chúng ta tiêu thụ hầu như tất cả các dưỡng chất, vitamins, và cả chất xơ có trong rau quả, không bỏ phí đi một chất nào hết.
Cũng có người thì thích sử dụng máy xay ép chỉ lấy có nước mà thôi, xác bỏ ra. Theo thiển ý của tác giả thì phương cách nầy có hơi bất tiện vì cần phải dùng đến một khối lượng rất lớn nguyên liệu, mất mát đi quá nhiều dưỡng chất và chất xơ còn sót lại trong bã xác, và đây chưa kể đến những loại rau quả tự nó chứa rất ít nước nên không thích hợp để ép lấy nước.
Dù cho có dùng phương pháp nào đi nữa, thì nước sinh tố cũng nên được uống liền ngay lập tức lúc vừa mới xay xong vì vitamin C có khuynh hướng giảm bớt đi theo thời gian.
Kết luận
Rau cải và trái cây, rõ ràng là những thành phần vô cùng quan trọng và xung yếu trong một chế độ dinh dưỡng tốt. Không những chỉ có số lượng rau quả ăn vào mới đáng kể, nhưng chúng ta cũng cần phải để ý đến chất lượng và sự đa dạng của nó nữa.
Nên pha trộn nhiều loại rau quả khác nhau, về màu sắc, về tính bổ dưỡng cũng như về tính trị liệu để có được đầy đủ vitamins và các chất antioxidants cần thiết.
Rau cải và trái cây quả thật không những là những thực phẩm bổ ích mà đồng thời chúng cũng có thể được xem là những dược phẩm mầu nhiệm nữa.
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Montreal, Nov 2013
——————
TTài liệu tham khảo:
- Bien Acheter Pour Mieux Manger, Collection Protégez Vous, Quebec, Oct 2004
http://publications.msss.gouv.qc.ca/acrobat/f/documentation/2008/08-289-01/chapitre8.pdf
- Fruits & Vegetables, Harvard School of Public Health
http://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/what-should-you-eat/vegetables-and-fruits/
- Les Jus d’Orange: Toujours Sources de Vitamine C? Extenso net .
http://www.extenso.org/article/les-jus-d-orange-toujours-sources-de-vitamine-c/
- Accordez une Place de Premier Choix aux Légumes et aux Fruits, Société Canadienne du Cancer
http://www.rsfs.ca/opFichier/bien_manger_et_etre_actif_ce_que_vous_pouvez_faire_XuO4cojmjihh_6671.pdf
- Grapefruit Juice Can Interact With Medicines, MedicineNet
http://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=14760
- Antioxydants, Doctissimo net
http://www.doctissimo.fr/html/nutrition/mag_2002/mag0315/nu_5261_antioxydants_kesa
- See more at: http://thoibao.com/2013/11/16/rau-qua-va-suc-khoe/#sthash.XzFHkLu3.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét