Tưởng Năng Tiến
Bài viết đề cập tới mối liên hệ giữa vụ án Nhân Văn Giai Phẩm hơn 40 năm trước và vụ án Lê Công Định hôm nay...
Bài Liên Quan:
Vào những năm đầu của thập niên tám chục, lúc vừa bắt đầu cuộc đời tị nạn, khi sắp bước vào tuổi 30, tôi được nhiều vị trưởng thượng ở hải ngoại coi như là một mầm non - có rất nhiều triển vọng sẽ tiến (rất) xa trong tương lai - trong cả hai giới người: cầm chai và cầm bút.
Gần ba mươi năm đã trôi qua, cả đống nước sông (cũng như nước suối) đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống. Tôi đã không “tiến xa” và trở thành một… nhà văn, như mong đợi. Lều văn, chòi văn hay túp văn cũng dẹp luôn.
Tôi quả có làm cho một số người (trong giới cầm bút) thất vọng. Tuy nhiên - nói tình ngay, và nói cho nó công bằng - tôi cũng đã khiến cho không ít vị thuộc giới cầm chai lấy làm (vô cùng) hãnh diện.
Tôi cầm viết bữa đực bữa cái nhưng cầm ly thì đều như bắp, chưa sót bữa nào. Đã vậy, nhiều bữa còn mải cầm ly mà quên cầm đũa nên… quá chén đều đều. Đến cuối đời, tôi chỉ mong được là một thường dân nhưng cũng không xong. Thay vào đó, tôi trở nên một thằng nát rượu.
Lỗi, tất nhiên, không phải tại tôi.
Tôi không có cái may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học. Từ đời nọ đến đời kia, cả dòng họ của tôi chưa từng có ai cầm bút. Họ chỉ cầm ly. Riêng bên ngoại không mấy khi có người tỉnh táo. Ngoại tôi và mẹ tôi đều uống và đều xỉn dài dài.
Con hư tại mẹ. Cháu hư tại bà. Tôi hư là phải (giá). Ngay từ lúc ấu thơ, tôi đã suốt ngày loanh quanh bên những tiệc rượu. Do đó, những giai thoại về văn chương thơ phú thì tui mù tịt chớ chuyện quanh bàn nhậu thì (ôi thôi) tui biết nhiều vô số. Đang rảnh nên xin kể (một) nghe chơi.
Cuối thập niên sáu mươi, khi mà chế độ Đệ I Cộng hoà ở miền Nam bắt đầu có tai tiếng về tính chất độc tài thì dân làng nhậu hay truyền tai chuyện (tiếu lâm) này:
Có một ông lớn hầm hầm chạy vô ty cảnh sát Lê Văn Ken, lôi một phụ nữ ra khỏi xe, nói như hét:
“Mấy anh điều tra vụ này liền cho tui.”
Vài tiếng sau, ông nhận được điện thoại. Đầu dây bên kia, giọng một nhân viên cảnh sát (nghe) có vẻ rụt rè:
“Dạ thưa ông con mẹ nhận tội rồi.”
“Tội gì?”
“Cộng sản nằm vùng.”
“Ý trời, tui biểu mấy anh điều tra về vụ khác. Nó ở nhà tui, và vợ tui mới mất cái hột xoàn, tìm hoài không ra, hiểu chưa?”
Chuyện giễu này được kể ở tất cả các quán nhậu của miền Nam, và nghe xong thì dân chúng “ở vùng địch tạm chiếm” đều bò lăn bò càng ra cười mệt nghỉ. Không ít người cười tới té ghế luôn.
Người Việt quả là thích cười đùa. Điều đáng tiếc là không phải lúc nào (và ở đâu) họ cũng có cơ hội cười cợt thoải mái, hả hê như vậy.
Cùng thời điểm này, ở bên kia vĩ tuyến cũng có một chuyện giễu cợt hơn nhiều nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng ai cười, cười thầm hay cười lén (chắc) cũng không luôn. Và câu chuyện này - thay vì chỉ để kể quanh bàn nhậu, cho vui - đã được báo chí miền Bắc đồng loạt loan tin (”vụ xử án gián điệp ở Toà án Nhân dân Hà Nội”) cùng với những lời kết án vừa hàm hồ, vừa đanh thép, nghe cứ y như thiệt vậy. Xin chầm chậm, lật lại vài trang (*) báo cũ - đã úa vàng và phủ bụi thời gian:
Báo Thủ đô Hà Nội ( 21/01/1960):
“Tên Nguyễn Hữu Đang thú nhận: ‘Báo Nhân văn có tính chất chính trị ngay từ số 1′. ‘Mục đích của tờ báo là khích động quần chúng cùng với chúng tôi chống lại lãnh đạo’. Để đạt mục đích ấy, - đây vẫn là lời của tên Đang - chúng tôi đã dùng lối bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, các bài báo của chúng tôi không đúng sự thật, cứ viết bừa nói bừa, chuyện không nói có và nói toàn những vấn đề quan trọng để gây những tác hại lớn.”
Báo Quân đội nhân dân (21/01/1960):
“Ta hãy nghe Đang cung khai trước Tòa án: Tôi đã gây hoài nghi đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tôi đã cổ động cho những xu hướng chính trị phản động. Tôi đã thổi phồng hoặc xuyên tạc bịa đặt ra những khuyết điểm để nói xấu Chính phủ và những cơ quan Nhà nước”.
Báo Nhân dân (21/01/1960):
“Trước tòa án, với những bằng chứng đầy đủ, bọn gián điệp nói trên đã nhận hết tội lỗi của chúng. Sau khi luật sư Đỗ Xuân Sảng bào chữa cho các tội phạm, căn cứ vào chính sách xét xử và trừng trị của Tòa án nhân dân là nghiêm trị bọn chủ mưu và bọn ngoan cố, khoan hồng với những người lầm đường, bị lừa gạt đã biết hối cải …”
Báo Văn học (05/02/1960):
”Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Tư tưởng của chúng tôi là phản động nên chúng tôi ra tờ báo Nhân văn để chống đối lãnh đạo, kích động quần chúng làm áp lực đấu tranh”. Ngoài báo Nhân văn, Nguyễn Hữu Đang còn dùng nhà xuất bản Minh Đức làm một công cụ để chống cách mạng. Y cung khai: “Tôi đã biến nhà xuất bản Minh Đức thành một công cụ chống lãnh đạo.”
Báo Thời Mới (21/01/1960):
“NĂM TÊN GIÁN ĐIỆP PHẢN CÁCH MẠNG, PHÁ HOẠI HIỆN HÀNH CÚI ĐẦU NHẬN TỘI
Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân 5 năm sau khi hết hạn giam”.
Mười lăm năm sau, sau khi mãn hạn tù, không biết Thụy An và những nhân vật khác trôi dạt về đâu, riêng Nguyễn Hữu Ðang thì lủi thủi trở lại làng quê ở Thái Bình:
… Gót nhọc men về thung cũ
Qùi dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lượng
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn
(”Ăn năn” - Phùng Cung)
Nguyễn Hữu Đang sống gần hết quãng đời còn lại nhờ vào… côn trùng và cóc rắn! Ông cũng đã chọn sẵn chỗ nằm trong “… một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng…, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất vừa người … Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai … Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay” (Phùng Quán, “Ngày Cuối Năm Tìm Thăm Người Dựng Lễ Ðài Tuyên Ngôn Ðộc Lập.” Ba Phút Sự Thực, 2nd ed. Nhà Xuất Bản Văn Nghệ Sài Gòn: 2007, 137).
Xử thế nhược đại mộng. Mười lăm năm tù, và mười lăm năm sống vất vưởng bên lề xã hội (kể như ) chỉ là … một giấc ngủ trưa - chắc chắn với rất nhiều ác mộng!
Cho đến khi ông nhắm mắt lìa đời, tội danh gián điệp mới được “châm chước” (chút đỉnh) thành “mắc sai lầm tham gia nhóm Nhân văn-Giai phẩm.”
Thiệt là mừng muốn chết!
Cớ sao mà “cách mạng” lại “chiếu cố” đến Nguyễn Hữu Đang tận tình (và tuyệt tình) tới cỡ đó ? Một trong những nguyên do, có thể nhìn thấy được, là vì ông đã không chịu chấp nhận điều mà ông gọi là sự “xộc xệch” trong hiến pháp của nước CHXHCNVN.
Trên Nhân văn số 4, số ra ngày 5.11.1956, Nguyễn Hữu Đang còn (trót dại) lật cái mặt nạ đang đeo của Đảng CSVN:
“Hoà bình lập lại đã hai năm, dù cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước có phức tạp, gay go thế nào thì cũng không thể coi miền Bắc như ở một hoàn cảnh bất thường để duy trì mãi tình trạng thiếu một nền pháp trị hẳn hoi…”
“Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm cảnh trăng lên ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn, mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở rộng phải nhường lại một phần nhà cho cán bộ hay cơ quan ở. Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng nọ đòi thông qua những bài báo nói đến mình, làm như một bộ phận của Nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính Nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe doạ chính trị trắng trợn…”
Ông đã bị mang đi chôn (sống) bằng bản án mười lăm năm tù, và vùi dập cho đến chết chỉ vì lên tiếng đòi hỏi một thể chế pháp trị “chính qui” như vậy.
Năm mươi năm sau, khi ‘Bàn Về Chính Danh Trong Thể Chế Pháp Trị” (qua BBC, ngày 4 tháng 7 năm 2006) một công dân Việt Nam khác - ông Lê Công Định - cũng đã phải một lỗi lầm (chí tử) tương tự khi đã chỉ ra cho mọi người thấy “mặt thật” của những kẻ đang nắm quyền bính tại xứ sở này:
“Không cần phải chờ đến kết quả ‘bầu cử’ vào ngày 26 và 27 tháng 6/2006 vừa qua tại Quốc hội, ngay từ lúc bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X, ai cũng biết Ủy viên Bộ Chính trị nào sẽ đảm nhận những chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ.”
“Dư luận không hề ngạc nhiên khi biết các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng lần lượt được ‘tấn phong’ vào những vị trí then chốt đó.”
…
“Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ chế thông qua những quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà trên thực tế do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, một lần nữa cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế chính trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là ‘đảng trị’, chứ không phải ‘pháp trị’.
Lê Công Định đã bị bắt giữ. Tất cả các cơ quan truyền thông của nước CHXHCNVN đều đồng loạt đưa tin là ông đã… nhận tội (rồi) cùng với những lời kết án vừa hàm hồ, vừa đanh thép - như họ đã từng dùng để nhục mạ Nguyễn Hữu Đang, năm mươi năm trước.
Trí nhớ của những người làm báo ở Việt Nam, xem chừng, không được tốt; hoặc giả, tâm địa của họ hơi bị xấu. Còn giới lãnh đạo của xứ sở này thì rõ ràng là kém cỏi cả hai: về tâm địa cũng như ký ức.
Với tất cả quyền lực trong tay thì có khó khăn gì trong chuyện bắt một người đem giam, ép họ phải nhận tội để xin khoan hồng, rồi mang rêu rao (một cách hể hả) trên mọi phương tiện truyền thông.
Tôi chưa bao giờ có dịp đặt chân đến Hà Nội. Cứ theo lời kể của một nhà thơ (ông Phùng Quán) thì đây là nơi:
Chín người - mười cuộc đời rạn vỡ
Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy…
Nguyễn Hữu Đang chỉ là một trong vô số những nạn nhân mà “cuộc đời rạn vỡ,” trong thời gian hơn năm mươi mà những người cộng sản nắm được quyền bính ở Việt Nam. Xin đừng ai ảo tưởng rằng nhà đương cuộc Hà Nội lại sẽ có thể tiếp tục gây những tội ác tương tự lên cuộc đời của Lê Công Định.
Thời thế đã đổi. Gió đã chuyển rồi. Hãy để dành “những lời thú tội” và “xin khoan hồng” cho những phiên toà sắp tới, khi mà những kẻ tội phạm đích thực (của cả dân tộc Việt) sẽ bị mang ra xét xử - trong tương lai (rất) gần thôi.
Tưởng Năng Tiến
* Tất cả các bản tin về phiên toà xử Nhân Văn - Giai Phẩm, do Lại Nguyên Ân sưu tầm, đều có thể đọc được ở talawas.
Bài Liên Quan:
- Nhân Văn Giai Phẩm Phần I : Tìm hiểu phong trào
- Nhân Văn Giai Phẩm phần II : Nguyên nhân phát xuất
- Nhân Văn Giai Phẩm phần III : Giai phẩm mùa xuân
- Nhân Văn Giai Phẩm phần IV : Nguyên nhân đưa đến cuộc cách mạng mùa thu của tư tưởng
- Nhân Văn Giai Phẩm phần V : Nội bộ báo Nhân Văn
- Nhân Văn Giai Phẩm phần VI : Trí thức và dân chủ tại Việt Nam trong thế kỷ XX, một truyền thống đấu tranh từ Phan Châu Trinh, Hoàng Đạo đến Nhân Văn Giai Phẩm. (Bài 1)
Nhân Văn Giai Phẩm phần VI : Trí thức và dân chủ tại Việt Nam trong thế kỷ XX, một truyền thống đấu tranh từ Phan Châu Trinh, Hoàng Đạo đến Nhân Văn Giai Phẩm. (bài 2)
Nhân Văn Giai Phẩm phần VII : Biện pháp thanh trừng
- Vụ Nhân Văn Giai Phẩm- Góc nhìn của một đại tá công an
- Nhân Văn Giai Phẩm phần VIII : Thụy An
- Nhân Văn Giai Phẩm phần IX : Nguyễn Hữu Đang
- Nhân Văn Giai Phẩm phần XI : Trần Dần
- Nhân Văn Giai Phẩm phần XII : Hoàng Cầm
- Nhân Văn Giai Phẩm - phần XIII : Văn Cao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét