Kami
Dân Luận: Theo chúng tôi tìm hiểu thì lý do khiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?" chính là nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.Số là tháng trước, Tổng bí thư đã nhờ chị liên lạc và nói chuyện với đồng chí Các Mác. Khi được hỏi Việt Nam khi nào mới xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội, Các Mác - qua miệng chị Phan Thị Bích Hằng - cho biết khoảng cách tới CNXH của Việt Nam là 20 cây số. Khi Tổng bí thư thân yêu của chúng ta đang mừng rỡ "sao mà gần thế?", thì Các Mác - Phan Thị Bích Hằng lại phán tiếp: "Với tốc độ mỗi kế hoạch năm năm chỉ tiến được một bước như chúng mày thì không biết hết thế kỷ này có đi hết quãng đường đó không?".Kết quả là nhà ngoại cảm nổi tiếng của chúng ta bị ném đá trên VTV, còn Tổng bí thư thì trở nên sầu muộn, rất có hại cho sức khỏe. Cũng theo nguồn tin của chúng tôi thì việc lên đồng nói chuyện với các vị lãnh tụ quá cố của phong trào cộng sản sẽ bị cấm toàn diện ở Việt Nam, vì phát ngôn của các vị này không chịu ảnh hưởng của Điều 258 Bộ Luật Hình Sự.
Vấn đề Sửa đổi Hiến pháp hình như có một vấn đề gì nghe chừng không ổn, khi chính quyền đang cố gắng rốt ráo thúc đẩy vấn đề trọng đại bậc nhất vào thế sửa cho nó xong. Hẳn mọi người còn nhớ, cách đây gần một năm vào thời điểm cuối năm 2012 chính quyền hết mực hô hào, kêu gọi người dân tích cực đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên tinh thần phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân. Vậy mà...
Nhìn lại các diễn biến xung quanh việc Sửa đổi Hiến pháp ở giai đoạn thoái trào, đã cho thấy sự lúng túng, nếu không muốn nói là bế tắc không tìm thấy lối ra của chính quyền. Trong tình thế mâu thuẫn giữa các phe nhóm trong đảng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Một bên là phe muốn sửa và một bên phe bằng mọi cách phá đám, đã khiến việc sửa Hiến pháp có muốn cũng không sửa nổi. Đó chính là lý do cho thấy,đến thời điểm này "toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992" hầu như không có sự thay đổi đáng kể trong các vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với bản Hiến pháp năm 1992. Điều đó cho thấy vấn đề Sửa đổi Hiến pháp nếu càng để lâu thì việc càng bất lợi cho đảng và chính quyền vì việc Sửa đổi Hiến pháp hiện nay đã ở tình thế miếng "gân gà". Nuốt không trôi, nhả ra cũng không xong kiểu "Bỏ thì thương, vương thì tội".
Theo báo Tuổi trẻ tại phiên thảo luận ở tổ sáng 23-10 trong phần phát biểu của mình, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại phát biểu ý kiến đi sâu vào Lời nói đầu của bản Dự thảo Hiến pháp và cho rằng “Dự thảo chưa vang vọng như lời hiệu triệu”. Điều mà lẽ ra ông Tổng Bí thư phải nói rằng "Lời nói đầu của bản Dự thảo Hiến pháp chưa vang vọng như lời hiệu triệu" thì mới đúng. Đặc biệt là người ta sửng sốt khi ông Tổng Bí thư thú nhận rằng "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?"
Bỏ qua những ý kiến cho rằng góp ý bổ xung vào Lời nói đầu bản Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp của người đứng đầu đảng CSVN đã tạo cho người ta cảm giác đó là lời phê của một ông giáo dạy văn nói về sai phạm ngôn từ trong một bài viết mang nội dung chính trị. Vì toàn bộ phát biểu ngắn gọn đó hầu như tập trung vào việc sửa từ ngữ, hình như nó không đúng tầm của một người giữ cương vị hàng đầu của một đảng chính trị duy nhất hợp pháp ở Việt nam lẽ ra phải lên tiếng. Điều đó cho thấy là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách của một người đứng đầu đảng tự cho mình là lực lượng tiên phong đã hết ý để nói. Có lẽ vì như thế nên ông Tổng Bí thư đã cho rằng "Tôi thấy tất cả nội dung lần này đều đáp ứng yêu cầu đó, tôi cũng tán thành.". Xin được hỏi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ông đã tán thành cái gì? Ông tán thành một bản Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp mà "toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992" đó hầu như không có sự thay đổi đáng kể trong các vấn đề hệ trọng. Như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với bản Hiến pháp năm 1992 (Sửa đổi năm 2001). Nếu sửa như thế thì bày vẽ việc sửa đổi Hiến pháp để làm gì cho tốn công, tốn của?
Đáng buồn là khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quan điểm của mình về Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, khi ông cho rằng "Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn và ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa. Tôi thấy tất cả nội dung lần này đều đáp ứng yêu cầu đó, tôi cũng tán thành.". Phát biểu này cũng phần nào lý giải thắc mắc vì sao người đứng đầu đảng CSVN lại cho rằng "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng" trong buổi nói chuyện của ông với cử tri hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm - Hà nội hôm thứ bảy 28.9.2013.
Ý kiến của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên thảo luận ở tổ sáng 23.10.2013 vừa qua là cơ hội đánh giá uy tín của người đứng đầu đảng CSVN tại thời điểm này. Vì theo nguyên tắc chung của các đảng CS thì ý kiến của người đứng đầu luôn thể hiện ý chí, nguyện vọng và sẽ là nghị quyết của đảng. Bản Hiến pháp chính thức được Quốc hội thông qua có được sửa như ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có câu trả lời. Và cũng phần nào cho thấy lý do vì sao ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại chọn mục Lời nói đầu của bản Hiến pháp để góp ý. Có ý kiến cho rằng Lời nói đầu của bản Hiến pháp là phần mở đầu nên có tính tổng quát, chung chung không cụ thể và vô thưởng vô phạt là chỗ ông Tổng Bí thư có thể "nói hươu, nói vượn" mà không sợ phạm húy. Đồng thời nếu các ý kiến đó có được tiếp thu thì cũng dễ chỉnh sửa. Còn các chương, các điều cụ thể liên quan những vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân…thì ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thách cũng không dám nói. Cũng vì việc Sửa đổi Hiến pháp đang bế tắc, gỡ rối không xong.
Việc ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?", đã được nhiều người đánh giá là thể hiện thái độ bi quan và không tin tưởng vào đường lối của đảng CSVN. Vì dẫu sao cũng biết rằng chủ trương của Đảng CSVN theo đuổi là "Xây dựng một nước Việt nam dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng văn minh", đến nay cũng tròm trèm hơn 80 năm. Nay cộng thêm 87 năm còn lại của thế kỷ XXI nữa mà vẫn "...không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?" thì pháp biểu của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời nói thẳng, nói thật của một người ở trong tình trạng hết lối thoát. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo thì chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thấy lối thoát chung của chế độ và của việc Sửa đổi Hiến pháp không khó như ông nghĩ. Tuy nhiên điều đó nó đòi hỏi sự chấp nhận việc hy sinh quyền lợi cá nhân của mỗi cá nhân lãnh đạo đảng CSVN đối với đất nước và dân tộc
1. Phải hiểu khái niệm Hiến pháp cho đúng
Nếu hiểu Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Đồng thời Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng. Người ta cho rằng Hiến pháp là một bản Khế ước xã hội cơ bản nhất, một bản hợp đồng trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau và nó là nền tảng cho tất cả các thỏa ước (luật pháp) khác của cộng đồng. Thông qua Hiến pháp, con người sẽ mất một số quyền tự do để trở thành một công dân được sự che chở của xã hội, đại diện bởi luật pháp. Nói về Hiến pháp, Thomas Payne cho rằng "Hiến pháp là một văn bản không phải của chính quyền mà là của dân chúng tạo ra một chính quyền, và một chính quyền không có hiến pháp là một chính quyền không có luật".
Điều đó nếu đem so với các định nghĩa Cương lĩnh của một chính đảng là "Mục tiêu, đường lối và các bước tiến hành trong một thời kì nhất định, được chính thức quy định" và đảng chính trị là "Tập hợp của những người có chung một hệ tư tưởng hay một đường lối nhất định, có mục tiêu thực hiện một nhiệm vụ, lý tưởng chung và bảo vệ quyền lợi của một tầng lớp, một giai cấp đó". Sẽ thấy các chính đảng, dù bất cứ chính đảng nào quyền lợi cũng không thể lớn hơn một quốc gia và Hiến pháp không thể là "... văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng" như lời của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì như vậy có nghĩa là Đảng cộng sản Việt Nam thể hiện nhận thức rằng mình đứng trên pháp luật của quốc gia. Do đó Hiến pháp của một quốc gia thì phải là Hiến pháp một cách đúng nghĩa, Cương lĩnh của một đảng cầm quyền chỉ là văn bản thể hiện nhiệm vụ, lý tưởng chung của một nhóm người và bảo vệ quyền lợi của một tầng lớp, một giai cấp đó. Không thể lầm lẫn và lẫn lộn giữa hai khái niệm đó như chúng ta thấy được thể hiện trong Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp.
2. Phải đột phá từ vấn đề "Chủ nghĩa Xã hội"
Đảng CSVN luôn tự nhận mình là đội tiên phong, là lực lượng ưu tú luôn đi đầu trong mọi hoạt động. Đã dám tự nhận mình là lực lượng tiên phong thì tại sao đảng CSVN không dám có những suy nghĩ mang tính đột phá, mới mẻ hơn kể cả học hỏi các tinh hoa của nhân loại. Vậy mà, với công việc Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại vẫn cứ cho rằng "Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn và ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa. Tôi thấy tất cả nội dung lần này đều đáp ứng yêu cầu đó, tôi cũng tán thành.". Điều này cho thấy bản thân ông Tổng Bí thư đang tự phủ nhận vai trò của đảng CSVN và thể hiện tư duy giáo điều, bảo thủ.
Thế nào là chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn và ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa? Hay là còn muốn khi nào mọi lựa chọn phải là chân lý, kiểu "Trái đất luôn quay tròn" thì mới chịu sửa. Cụ thể là "vấn đề Chủ nghĩa Xã hội"
Đây là vấn đề trọng tâm, then chốt của mọi vấn đề và thực tiễn đã chứng minh rõ, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn cách mạng Việt nam từ năm 1930 đến nay cho thấy hoàn toàn thất bại. Là tiền đề cho việc cải cách thể chế chính trị, chuyển từ ý thức hệ cộng sản sang ý thức hệ tự do, dân chủ và là việc cần phải tiến hành trước việc Sửa đổi Hiến pháp.
Nền tảng ý thức chính trị của chế độ hiện tại là khái niệm Chủ nghĩa xã hội. Khái niệm này bao gồm các tư tưởng chính trị ủng hộ một hệ thống kinh tế-xã hội mà trong đó các sở hữu và các tài sản là thuộc quyền điều khiển của toàn thể cộng đồng nhằm mục đích tiến đến sự công bằng trong xã hội và trong kinh tế cũng như tiến đến một sự hợp tác tốt hơn. Nhìn theo khía cạnh kinh tế thì chủ nghĩa xã hội có đặc tính là sự sở hữu của các phương tiện sản xuất đã được "cộng đồng hóa"trên cơ sở từ bỏ những ý tưởng của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, hạn chế sở hữu tư nhân và thúc đẩy công bằng xã hội.
Tuy vậy trong suốt giai đoạn từ 1917 đến 1991, khái niệm Chủ nghĩa Xã hội đa phần bị lạm dụng thuật ngữ, người ta sử dụng nó để xác định các quốc gia được cai trị bởi các đảng cộng sản. Ở đó Chủ nghĩa xã hội là một hệ thống trong đó các phương tiện sản xuất được xã hội hóa, và nền kinh tế của ý thức hệ Mác-xít đã được thiết lập trên cơ sở phân phối công bằng của cải và sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất được phá bỏ và thay bằng công hữu hóa.
Ở Việt nam và các nước XHCN cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội đã thực hiện theo hình thức quốc hữu hoá đất đai, các phương tiện sản xuất và tất cả làm ăn tập thể trong các cơ sở công nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã, nông truờng. Đây chính là lý do khiến Liên xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ. Ở Việt nam năm 1986 đảng CSVN phải chấp nhận "cởi trói" hay "đổi mới" cũng chính là việc từ bỏ khái niệm Chủ nghĩa Xã hội của ý thức hệ Mác-xít. Và cải cách đã biến Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất 25 năm trước trở thành một nước có thu nhập trung bình (MIC) (thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 1.260 US$). Số người nghèo giảm từ 58% đầu những năm 1990 xuống còn khoảng 10% năm 2008.
Bỏ qua vấn đề chính trị còn đang luẩn quẩn trong vấn đề ý thức hệ cộng sản, thì phần còn lại của một quốc gia như kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... tất cả đã phát triển một cách tự do và đã vượt ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Nghiã là ý thức hệ cộng sản và khái niệm Chủ nghĩa xã hội đã và đang dần dần trở thành khúc ruột thừa của đời sống kinh tế -xã hội. Không những thế nó đang còn là vật cản, đã và đang níu kéo làm chậm đi sự phát triển của đất nước. Đây chính là trở ngại và cũng là vấn đế gây ra những vướng mắc khiến việc Sửa đổi Hiến pháp đã gặp sự bế tắc trong mớ bòng bong vô vàn các quan hệ hữu cơ. Mà sự bế tắc này chỉ có thể giải quyết thông qua việc cải cách chính trị toàn diện đồng thời với việc Sửa đổi Hiến pháp. Đó chính là giải pháp thay đổi toàn diện kể cả vấn đề nền tảng ý thức chính trị, chuyển từ ý thức hệ cộng sản sang ý thức hệ dân chủ tự do. Đó là vấn đề then chốt mang ý nghĩa quyết định.
Ngay cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải thừa nhận rằng "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?". Hơn nữa, sự thất bại và phá sản của cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội theo học thuyết Marx-Lenine trên toàn cầu,. Mà những cái tàn dư của nó chỉ còn sót lại ở Cuba, Bắc Triều tiên..., kể cả ở Việt nam và Trung quốc trên thực tế đã là Tư bản nhà nước thì cái Chủ nghĩa thối rữa ấy những người cộng sản cũng đã tự tay mình vứt vào sọt rác rồi.
Và một câu hỏi sẽ được đặt ra để ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời, đó là "Thế những cái gì chưa rõ, chưa chín, được thực tiễn chứng minh là hoàn toàn sai và không tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sẽ phải xử lý thế nào? Sửa hay không sửa?". Nếu không sửa có nghĩa là cố ý duy trì những cái sai, những cái bất cập.
Được biết mục tiêu của đảng CSVN là xây dựng Việt nam thành một quốc gia "Dân giàu, nước mạnh. Xã hội công bằng và văn minh", đây là một mục tiêu tuy chưa hoàn chỉnh nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp. Song để đạt được mục tiêu đó thì thực tế chứng minh, có nhiều con đường để đạt được với thời gian chỉ vài chục năm. Nhưng chưa có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đến thời điểm này đạt được bằng cách thông qua con đường CNXH theo học thuyết Marx-Lenin. Điều bộc bạch của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi cho rằng "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?" cho thấy sự hoài nghi của ông Trọng là hoàn toàn có cơ sở.
Một người lãnh đạo thông minh, có kiến thức và có tư duy, một lòng vì nước vì dân thì chắc chắn họ đã biết họ phải làm gì rồi ông Nguyễn Phú Trọng ạ.
Ngày 04 tháng 11 năm 2013
© Kami
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét