Vụ án Hồ Duy Trúc đã gây chấn động người dân Tp HCM |
Khán giả miền Nam cách đây một, hai thế hệ không ai là không biết tuồng cải lương ‘Tướng cướp Bạch Hải Đường’ – một câu chuyện dựa trên hiện thực xã hội thời bấy giờ đã làm không ít người đã rơi lệ trước thảm cảnh một gia đình.
Cách mấy chục năm và qua một lần thay đổi chế độ, ai ngờ xã hội ngày nay lại xảy ra bi kịch của một tướng cướp còn thảm thương hơn nhiều câu chuyện trong vở cải lương kia.
Không có gì biện minh cho hành động giết người cướp của của Bạch Hải Đường, dù là để nuôi vợ nuôi con. Soạn giả bỏ qua hành động mà xoáy sâu vào thảm cảnh để lấy nước mắt khán giả.
Nhưng câu chuyện của Hồ Duy Trúc thì lại khác. Hành vi của 'tướng cướp' 21 tuổi này gần như lấn át bi kịch gia đình mà anh ta phải gánh chịu.
Đau và Khổ
Bi kịch đó trước hết là nỗi đau tận cùng của gia đình Trúc.
Đứa con đầu lòng là cả bầu trời đối với người cha, nhưng một đứa bé sẽ lớn lên sẽ không biết thế nào là tình thương yêu của cha.
Một người vợ trẻ mặn nồng chưa được bao lâu đã phải chịu cảnh cút côi không chồng bên cạnh vào lúc khó khăn nhất của cuộc đời.
Một đôi vợ chồng sức cùng lực kiệt tan nát tâm hồn khi sắp mất con và mất luôn cả chỗ dựa cuối cùng trong cảnh tuổi già bóng xế.
Đứa trẻ này sẽ mãi mãi không có tình thương của cha? |
Rõ ràng, án tử hình của Trúc không chỉ một mình anh ta mà cả gia đình phải lãnh.
Gây ra nỗi đau cho mười mấy gia đình nhưng có lẽ Hồ Duy Trúc không ngờ nỗi đau lớn nhất mà anh ta gây ra lại là cho chính cha mẹ, vợ con mình.
Đó là cái Quả oan nghiệt mà Trúc phải gặt từ những gì mà Trúc đã gieo: 6 tháng, 17 vụ cướp, 12 nạn nhân và một cánh tay phải nối lại.
Tàn ác, dã man, phi nhân – đó là điều không ai có thể cãi về hành vi ‘chém trước cướp sau’ mà bất cứ người dân lương thiện nào cũng kinh hoàng và phẫn nộ.
Hành vi của Trúc đã chồng chất đau thương lên sự nghèo khổ cùng cực của gia đình và bồi thêm một cú chí mạng vào một người mẹ đã chịu quá nhiều bất hạnh.
Thân già như xác ve đội nắng phơi sương nơi đầu đường xó chợ kiếm từng đồng từng cắc nuôi đàn cháu lẫm chẫm hơn chục đứa.
Bà Nguyễn Thị Út thất học từ nhỏ, lớn lên đi ở đợ. Mười hai người con đứa chết yểu, đứa mất tích, đứa lê lết ăn xin. Trúc thì sắp bị tử hình. Con gái thì đứa này đến đứa khác bị ruồng bỏ rồi đem con về giao cho bà nuôi. Một người con rể qua Trung Quốc bán thận rồi chết trong oan khuất.
Chưa kể từ ngày Trúc bị bắt, bà phải đi hỏi tiền vay bạc góp với tiền lời cắt cổ, rồi nợ nần chồng chất, rồi phải rao bán nhà để trả nợ.
Tình người
Xã hội tồn tại một cuộc sống nơi tận cùng dưới đáy mà vụ án Hồ Duy Trúc đã bóc tách lên cho mọi người nhìn thấy.
Tuy nhiên, giữa cái u ám đó vẫn có những đốm sáng của tình người.
Mẹ Trúc nói lòng bà 'đau như cắt' khi nghe con bị tuyên án tử hình (Ảnh trên Facebook của nhà báo Viễn Sự) |
Bà Út dẫu nghèo khổ cơ cực mấy cũng không bỏ cháu và dù phải bán đến tài sản cuối cùng cũng phải cứu con.
Đồng đảng của Trúc, dẫu dã man tàn bạo thế nào, khi nói lời cuối cùng trước Tòa đã xin cho Trúc trước tiên.
Hai vị luật sư không những bào chữa mà còn hỗ trợ tiền bạc cho mẹ của Trúc và ngỏ ý giúp đỡ gia đình bà.
Cô Thúy, nạn nhân bị chặt tay, dù đau và hận Trúc cũng viết thư xin giảm án cho Trúc.
Người vợ chưa bao giờ cưới của Trúc khi biết Trúc là tướng cướp vẫn không ngại miệng đời gièm pha nhận Trúc làm chồng, không bỏ giọt máu của Trúc dù chỉ mới tượng hình, rồi lặn lội vào thăm để cho con gặp cha và vẫn mong được làm hôn thú với Trúc dù anh ta giờ đây là tử tội.
Không rõ đối với cô, Trúc là người chồng tốt đến đâu nhưng dưới cái nhìn của dư luận, anh ta là kẻ tội đồ không thể thứ tha.
Ai cũng thấy hình ảnh các nạn nhân bị ‘chặt tay cướp xe’ của Trúc có thể là chính mình.
Từ đó, dư luận, trong đó có tôi, đặc biệt cảm thông cho các nạn nhân và đương nhiên Trúc trở thành đối tượng bị căm thù.
Hàng trăm bài báo đưa tin về vụ án với hàng ngàn lượt bình luận mà đại đa số đều hoan hô án tử hình.
Không những thế, trên các diễn đàn mạng, bị cáo Trúc cùng mẹ và chị bị nhục mạ, sỉ vả hết lời.
Gia đình Trúc bị gọi là ‘bọn’, ‘lũ’, ‘đám’. Có người đòi tống cả gia đình Trúc vào tù. Có ý kiến còn yêu cầu phải chặt tay Trúc. Ngay cả những người lên tiếng xin giảm tội cho Trúc cũng bị mạt sát không thương tiếc.
Ba lần ác cảm
Người phụ nữ này đã bất chấp tất cả để làm vợ Trúc |
Theo dõi báo chí về vụ việc, tôi thấy ít nhất ba lần Trúc và người thân chịu ác cảm của dư luận, và cả ba lần ác cảm này đều không hợp lý.
Ác cảm thứ nhất là việc Trúc bị chết tên ‘chặt tay cướp xe’. Rõ ràng ‘chặt tay’ gợi lên hình ảnh man rợ khiến ai cũng phẫn nộ.
Tuy nhiên, nếu xét kỹ, trong 17 vụ cướp của Trúc thì chỉ có duy nhất một vụ ở cầu Phú Mỹ là bị chặt thẳng vào cổ tay. Còn tất cả các vụ cướp khác đều là chém trước cướp sau.
Có thể thấy băng cướp này không có chủ đích chặt tay. Mặc dù chém loạn xạ hay chặt tay đều dã man như nhau nhưng hình ảnh ‘chém lìa cổ tay’ đặc biệt gây ác cảm cho dư luận.
Ác cảm thứ hai là câu chuyện người thân của Trúc ‘náo loạn pháp đình’.
Mẹ và chị của Trúc được tường thuật có những lời khó nghe như: ‘tao mà biết con tao bị tử hình tao đem theo dao đâm con Thúy’ hay ‘ai biểu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém’. Mẹ của Trúc còn được cho là đã ‘tuột quần trước Tòa’ để phản đối bản án.
Đây chỉ là phản ứng bộc phát không kiềm chế được của người mẹ khi nghe con bị án tử hình. Nhìn cảnh bà Út vật vã khóc than đập vào xe tù thì biết bà đau lòng đến mức nào.
Bà Út bị lên án là ‘ích kỷ, chỉ biết con mình mà không nghĩ đến nỗi đau của nạn nhân’. Nhưng trong hoàn cảnh nghĩ rằng con mình sắp chết thì một người mẹ có còn nghĩ được điều gì khác nữa không?
Hơn nữa, những lời nói bất chấp đạo lý trên, xét kỹ ra, được nói ra khi mẹ và chị của Trúc bất bình với án tử hình vị họ nghĩ ‘thằng Trúc có làm chết ai đâu mà bị tử hình’, chứ không phải bầt bình với nạn nhân.
Có phải Trúc đang 'cười hãnh diện vì tội ác của mình'? |
Do đó, họ trút giận vào nạn nhân vì cho rằng hành động con em mình đối với nạn nhân không đáng bị tử hình.
Cũng có người cho rằng bà Út và con gái là phường ‘vô học’ và ‘chợ búa’.
Điều này không sai, nhưng đó là cái khổ, là hoàn cảnh sống của họ chứ không phải là cái tội.
Chúng ta càng không thể đòi hỏi một người ít học như bà Út ứng xử thế này thế nọ chốn pháp đình.
Khi được giảng giải thì bà Út đã không còn cư xử như vậy nữa trong phiên phúc thẩm và trước tấm lòng của luật sư, bà đã ‘hôn tay và quỳ xuống lạy ông giữa sân tòa’ – một cách thể hiện tình cảm chân thành của người ít học nhưng biết lẽ phải.
Một ác cảm nữa là hình ảnh Trúc cười tươi vẫy tay khi vừa xuống xe tù trong phiên phúc thẩm. Nhiều người cho rằng đây là thái độ trơ tráo của một kẻ không biết ăn năn hối hận.
Thật ra đây chỉ là một trong nhiều trạng thái cảm xúc của Trúc khi đến Tòa. Mọi người chỉ thấy khi Trúc cười mà quên lúc anh ta bật khóc trước vành móng ngựa.
Với lại bao ngày trong nhà giam Trúc còn mong gì hơn là nhìn thấy người thân, và khi nhìn thấy thì đương nhiên anh ta phải vẫy tay với họ. Cho nên không thể cho rằng Trúc cười tươi vẫy tay ‘như chào fan hâm mộ’.
Các ác cảm này tạo thành dư luận hết sức bức xúc, và không rõ phán quyết của Tòa có bị tác động bởi sức ép dư luận hay không?
Cho con đường sống?
Bà Út không còn 'quậy phá' trong phiên phúc thẩm |
Tôi hiểu là trong tình hình cướp giật tràn lan như hiện nay thì Tòa cần một bản án nghiêm khắc để răn đe.
Nhưng dẫu sao cũng một mạng người. Sau lưng anh ta còn nhiều thân phận khác.
Lấy một mạng người để răn đe khi anh ta không đáng tội chết thì liệu có công bằng?
Hành vi coi thường sinh mạng của người khác của Trúc là đáng lên án nhưng vì thế cũng cần hết sức cẩn trọng khi đưa ra quyết định về sinh mạng của anh ta.
Quan tòa lập luận rằng hành vi của Trúc côn đồ và Trúc phạm tội chuyên nghiệp nên không còn khả năng cải tạo. Tôi không tin như thế.
Thứ nhất, mục đích của Trúc là chỉ đi cướp chứ không muốn đoạt mạng nạn nhân. Nếu Trúc cố tình giết người thì trong 17 vụ thì ít nhất cũng đã có người chết.
Thứ hai, tôi tin rằng Trúc đã thật lòng ăn năn hối hận, thể hiện qua việc anh ta thành khẩn khai báo, thú nhận hết tội trạng và bật khóc khi nói ‘bị cáo thật lòng rất hối hận’.
Dĩ nhiên, lời nói của tội phạm thì không đáng tin, nhưng một kẻ máu lạnh xuống tay không ghê tay thì không dễ gì rơi nước mắt. Hơn nữa, đó là giọt nước mắt lúc hối hận chứ không phải lúc nghe tuyên án tử hình.
Thứ ba, theo lời kể của mẹ và vợ Trúc thì những lần vào thăm Trúc đều khuyên mẹ và vợ ‘không nên quá buồn phiền’ và ‘giữ gìn sức khỏe’ để đợi ngày về. Bà Út còn cho biết hai mẹ con còn ‘ôm nhau khóc nức nở’.
Một con người còn tình cảm, biết thương mẹ thương vợ như thế thì ắt hẳn anh ta vẫn còn chút lương tâm. Như thế thì sự động viên và tình cảm của người thân sẽ giúp Trúc phục thiện.
Đồng đảng của Trúc đều xin giảm tội cho Trúc |
Nếu được miễn án tử, qua một lần chết đi sống lại thì những ngày tháng trong tù Trúc sẽ càng biết quý sinh mạng mình, biết quý những gì mình đang có để từ đó biết quý trọng mạng sống của người khác và không cướp những gì người khác có.
Cũng cần lưu ý là Trúc chỉ mới 21 tuổi, độ tuổi ít nhiều vẫn còn bồng bột nông nỗi và vẫn chưa hiểu hết về ý nghĩa cuộc đời.
Hơn nữa, khi vào tù thì Trúc mới biết mình đã làm cha. Một đứa con sẽ giúp người cha sống có trách nhiệm hơn với bản thân mình và với cuộc đời.
Tại sao đi cướp?
Trong vụ án này, dường như chúng ta chỉ quan tâm đến việc trừng phạt Trúc như thế nào mà không tìm hiểu cội nguồn vụ việc để tránh điều tương tự xảy ra.
Cổ nhân có câu ‘Nhân chi sơ tính bản thiện’ còn ông bà ta dạy ‘Cha mẹ sinh con Trời sinh tính’.
Có người như Hồ Duy Trúc có sẵn tính hung hăng ngang tàng trong máu, nhưng có người bẩm sinh đã hiền lành không biết hại ai.
Một người từ nhỏ đã hoang đàng chi địa nhưng ở trong một gia đình mà hàng ngày chứng kiến cha mẹ anh chị em đều sống hiền lương thì ít nhiều cũng phải sống cho đàng hoàng, còn người bẩm sinh thuần hậu nhưng nếu lớn lên trước những hành vi hung ác thì thiên lương cũng mai một phần nào.
Trong trường hợp của Trúc, cha mẹ đầu tắt mặt tối kiếm miếng ăn thì thời gian đâu mà uốn nắn con?
Hung hăng hay hiền lành có thể là bản tính Trời ban, nhưng lòng tự trọng để biết sống bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra thì cần phải được nuôi dưỡng và giáo dục.
Những đứa trẻ này rồi sẽ về đâu? |
Gia đình Trúc sống gần đáy xã hội thì liệu môi trường xung quanh Trúc có chỉn chu nề nếp? Giả sử hàng ngày Trúc đều chứng kiến cảnh đánh lộn đâm chém, cờ bạc đề đóm, rượu chè hút xách và nghe toàn những lời chửi bới mà không được bảo ban thì thử hỏi Trúc có bị ảnh hưởng?
Dĩ nhiên không phải cứ nghèo hèn thì sẽ phạm tội, nhưng rõ ràng rằng đây là những yếu tố khiến người ta dễ phạm pháp. Hơn nữa, trường hợp của Trúc, trong cái nghèo còn có cái éo le.
Chứng kiến những bất hạnh liên tiếp xảy đến với mẹ, anh, chị, anh rể của mình thì một tâm hồn còn non nớt liệu có chịu nổi? Đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy bức bối luôn muốn thoát ra và tìm cách bù đắp.
Hoàn cảnh của Trúc, bần cùng, ít học, thì gần như không có cơ hội thoát khỏi vũng lầy của sự nghèo hèn. Khi thấy đi cướp một lần bằng lao động cả năm thì Trúc sẽ lóa mắt. Có lần thứ nhất rồi sẽ có lần thứ hai cho đến ngày bị bắt.
Đạo lý truyền thống của người Việt là ‘Đói cho sạch, rách cho thơm’ tức là sống bằng chính sức lao động của mình. Nhưng ở Việt Nam thời buổi ngày nay đầy dẫy những người có được của cải không phải bằng bàn tay khối óc của mình. Lòng tự trọng ít nhiều nhường chỗ cho lòng tham.
Một xã hội nhiễu nhương như thế liệu những người như Trúc có còn tin vào sự lương thiện?
Nguyễn Lễ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét