Để biết thêm hậu quả của
việc khai thác bừa bãi, lợi tức không kiểm soát và sử dụng đúng mức được để bảo
toàn nguồn nước và môi trường, các bạn nên đọc và tìm hiểu về đảo quốc Nauru, quốc gia nhỏ thứ nhì sau Vatican.
Tại sao một đảo quốc từng mệnh danh là Pleasant Island (pleasant = êm dịu, dễ
chịu) vốn đã nhỏ, giờ diện tích cư ngụ lại tụ lại vòng đai gần bờ biển? Tại sao
bị từ một quốc gia cộng hòa nhiều tài nguyên lại trở thành thiên đường rửa tiền
và trốn thuế nổi tiếng thế giới và gần đây nhất, cho nước khác thuê đất xây nhà
tù để tồn tại?
Khai thác Titan ở Bình Định: Để lại hậu quả kinh hoàng
"Rừng dương bị tàn phá,
bão cát và khói bụi công nghiệp từ các mỏ khai thác titan xung quanh và khói
đen ngùn ngụt từ nhà máy chế biến xỉ titan gần đây đã làm bà con địa phương mắc
bệnh phổi, bệnh phế quản rất nhiều. Xóm trên, bà Trương Thị Thông bị bệnh phổi
chết cách đây hai năm. Hồi trước bả mập và là thợ cấy khỏe nhất làng. Ông
Nguyễn Văn Đức từ một lực điền, hết mùa lúa là đi ghe đánh cá cũng chết rồi,
bệnh viện trả lời vì bệnh phổi nặng. Ông Nguyễn Thành Long cũng vậy. Gần đây là
bà Lê Thị Quy cũng chết do bệnh phổi. Cả xóm tui chết vì bệnh phổi nhiều lắm"
Bà ĐẶNG THỊ MAI
(xã Mỹ Thành)
(xã Mỹ Thành)
Nhiều năm qua, titan đã làm
Bình Định trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư,
nhưng cũng chính titan đã biến Bình Định trở thành “điểm nóng” của cả nước bởi
nạn khai thác ồ ạt, môi trường bị tàn phá, nguồn nước ngầm cạn kiệt, bệnh tật
do ô nhiễm gieo rắc chết chóc khắp các làng quê ven biển.
Môi trường ô nhiễm, kiệt quệ
Hầu hết mỏ titan ở Bình Định
tập trung ở các xã ven biển của hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát và một phần trong Khu
kinh tế Nhơn Hội. Sau hơn năm năm các doanh nghiệp lao vào khai thác titan,
hàng trăm hecta rừng dương phòng hộ ven biển 50-60 năm tuổi đã bị triệt hạ hoàn
toàn. Bà con địa phương phản ứng trong bất lực, tuyệt vọng.
“Họ có ở đây đâu mà xót, cán
bộ huyện thì ở trên phố, chủ doanh nghiệp thì từ xa tới. Chính quyền xã, thôn
muốn bênh vực dân cũng đành chịu. Người ta được Nhà nước cấp phép khai thác
titan mà. Có giấy phép trong tay rồi họ khoanh vùng, một tuần thôi hàng chục
hecta rừng dương biến mất, bà con chúng tôi biết kêu ai” - ông Phạm Văn Dũng
(65 tuổi, thôn Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định, nhà gần khu
khai thác titan) than thở.
Chỉ tính riêng tại các xã
ven biển của hai huyện Phù Cát, Phù Mỹ từng có đến hơn 30 doanh nghiệp được cấp
giấy phép khai thác titan, sản lượng đăng ký lên tới 650 tấn quặng titan/năm.
Riêng xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) từng có mười doanh nghiệp khai thác titan cùng
lúc. Sau năm năm, từ một xã ven biển thanh bình trù phú, dân quê vừa đánh cá vừa
làm nông, giờ đây cảnh xưa biến mất, Mỹ Thành trở nên xơ xác, tiêu điều. Bà con
địa phương cho biết ba năm qua đã có hơn chục người chết, thủ phạm chủ yếu là
bệnh phổi, thêm sáu trường hợp chết và bị thương nặng giờ nằm một chỗ do rơi
xuống hố sâu của các mỏ khai thác titan sau khi làm xong bỏ đi, không hoàn thổ,
trồng rừng như những cam kết ban đầu với tỉnh, huyện.
Bà Đinh Thị Lý (60 tuổi,
thôn Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành) bị bệnh phổi hơn ba năm qua. Sau khi bán hết tất
cả những gì có trong nhà, lo chạy chữa cho mẹ xong, con trai bà Lý đưa mẹ ly
hương. Tiếc mảnh vườn xưa của tổ tiên ông bà để lại và sợ mất mồ mả đang ngày
đêm hứng bão cát, ông Phạm Văn Dũng - chồng bà Lý - một mình bám trụ nơi chôn
nhau cắt rốn vì “tui muốn được chôn nắm xương tàn ở đây”. Hai năm nay, thương
ông một mình tối lửa tắt đèn, đứa cháu nội là Phạm Thanh Bình (14 tuổi, học lớp
8) về ở với ông giúp cơm nước, chăn hai con bò và để lỡ có việc gì đêm hôm còn
chạy đi kêu.
Đói nghèo, thất học
Không chỉ bệnh tật, ô nhiễm,
tình trạng nghèo đói đã xuất hiện triền miên trên những làng quê ven biển vốn
trù phú, no ấm trước khi “cơn bão titan” xuất hiện. Nhà ông Nguyễn Văn Mạo ở xã
Mỹ Thành có bốn con. “Tui cố gả con gái đầu lấy chồng xa, vì sợ cháu lấy quanh
quẩn đâu đây thì đời nó cũng khổ rồi chết yểu vì bệnh tật. Ba đứa con trai còn
lại vì nghèo lần lượt phải cho nghỉ học. Thằng Nguyễn Văn Vũ là đứa út, học
giỏi nhưng cũng chỉ ráng tới lớp 10. Cơm ngày hai bữa chạy bạc mặt, lấy đâu
tiền lo quần áo, sách vở cho con, xót lắm mà đành chịu. Mình dân đen, mất đất,
mất rừng nhưng kêu hoài không thấu” - nói đến đấy ông Mạo rưng rưng...
Cùng cảnh ngộ nhà ông Mạo,
bà Nguyễn Thị Phượng (thôn Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành) lần lượt cho ba đứa con
đang học lớp 10, lớp 8, lớp 4 nghỉ học. Hai đứa con chị Nguyễn Thị Nga đang học
lớp 9, lớp 7 cũng nghỉ. Bệnh tật, chết chóc, nghèo đói và nạn thất học đang là
một hiện trạng đầy lo ngại khắp các làng quê ven biển huyện Phù Mỹ, Bình Định
trong những năm qua.
Những mỏ titan chen chúc
nhau khai thác ròng rã suốt năm năm qua ở các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Thắng, Mỹ
An đã làm cạn kiệt nguồn nước. Sau tết đã có hàng trăm giếng nước bị khô đáy.
Bà con đào sâu thêm thì gặp nước phèn vàng đục. Nước uống cho người, cho gia
súc phải chắt chiu từng gàu, từng xô. “Ngàn đời nay chưa từng vậy bao giờ,
tranh thủ cả đêm chờ nước mạch, kéo năm, bảy gàu nước đổ vô thùng lọc cát mới
đủ nước nấu ăn trong ngày và để dành cho bò uống, người còn vậy thì đất đai
biết trồng tỉa gì nữa” - ông Phạm Văn Dũng (xã Mỹ Thành) vừa múc nước trong bể
nấu pha trà mời khách vừa kể.
Xã Mỹ Thành vốn nổi tiếng là
đất trồng hành, trồng khoai mì. Chỉ cần bảy, tám sào đất ở đây, sau một mùa
hành bà con kiếm được 50-60 triệu đồng, sau đó là mùa mì, mùa bắp. Bây giờ
thiếu ăn và đói kém đe dọa triền miên. “Tháng 11, tháng chạp hằng năm ở đây
nhiều nhà không còn gạo ăn qua ngày. Cả xóm nghèo, cả xã nghèo biết vay mượn
ai, đành quấy quá rau cháo qua bữa” - ông Dũng nói.
Hàng trăm hecta đất các xã
ven biển Phù Mỹ giờ đang đứng trước nguy cơ sa mạc hóa. Thủ phạm là những bè
hút cát, hút nước của các mỏ titan cách đó chừng vài trăm mét đã hoạt động hết
công suất suốt năm, sáu năm qua. Rồi đường sá nông thôn bị cày xới suốt ngày
đêm bởi những đoàn xe vận chuyển quặng titan. Bụi tung mù mịt khắp mọi nẻo
đường nông thôn, tai nạn giao thông rình rập. “Bây giờ do không còn lãi như xưa
vì Trung Quốc mua giá thấp và trốn thuế cũng khó hơn nên họ khai thác cầm
chừng, một số doanh nghiệp đã ngừng khai thác, chứ ngày trước cả đêm xe tải
nặng chạy rầm rập, không ai dám ra đường làng” - ông Mạo nói.
Những làng quê ven biển các
huyện Phù Mỹ, Phù Cát từ dạo ấy cho đến giờ chưa từng bình yên và những hệ lụy
đầy bi đát vẫn chưa kết thúc.
Theo Tuoitre.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét