Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên lập luận quá dễ dãi


Theo Dân Trí (7-4-2014), Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói: “Asiad 18 là sự kiện thể thao lớn của châu Á, không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang ý nghĩa khác. Các nước đăng cai có thể do được phân công hoặc bản thân quốc gia đó thấy có nhu cầu cần tạo một sự kiện để nâng cao hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, đầu tư để tạo điểm nhấn, qua đó phát triển các mặt khác”… 


Và: “Chúng ta không nên trách ngành TDTT cố gắng ra sức bảo vệ quan điểm của ngành vì đấy là trách nhiệm của ngành. Nếu để tuột sự kiện này thì sẽ không có cơ hội tổ chức sự kiện lớn, không chỉ phục vụ cho ngành mà còn cho đất nước…. Nếu không tổ chức Asiad thì cũng phải bỏ một số kinh phí nhất định để bảo trì, tu bổ, bảo quản những công trình này. Những lý lẽ đó của những người đang bảo vệ việc tổ chức Asiad cũng rất thuyết phục”... 

Phải nói rằng đó là lập luận quá dễ dãi đối với việc chi một số tiền khổng lồ ít nhất 3.100 tỉ đồng mà không hề có một khảo sát chi tiết ngân sách thu chi một cách khoa học thuyết phục. Xin cung cấp vài bằng chứng cho thấy những hình ảnh hoàn toàn trái ngược với lập luận trên: 

Sau Thế vận hội mùa hè 2008, Bắc Kinh quốc gia thể dục trường – tên chính thức của sân vận động Điểu Sào – gần như trở thành khu đất hoang… cho chim ỉa. Như New York Times (5-2-2010) cho biết, cái “tổ chim” khổng lồ đầy kiêu hãnh này đang bất đắc dĩ biến thành công viên giải trí mùa đông. Một năm sau Thế vận hội, Điểu Sào (với 91.000 ghế và ngân sách xây dựng 450 triệu USD cùng phí bảo dưỡng 15 triệu USD/năm) chỉ bán được vé cho vài sự kiện (chương trình biểu diễn ca nhạc của Thành Long, một trận túc cầu giữa hai đội bóng Ý, một vở opera của Trương Nghệ Mưu) hoặc vé tham quan cho du khách với giá 7 USD... 

Còn nữa đây: Ban tổ chức Athens 2004 đã không liệu cơm gắp mắm khiến cuối cùng chi phí xây dựng hạ tầng lên đến 10,5 triệu USD, gấp đôi ngân sách dự toán. Điều làm cho hai tuần thế vận hội đem lại tấm hóa đơn khổng lồ mà nhiều năm sau có thể chưa trả hết chính là cơ sở hạ tầng. Hạ tuần tháng 6-2005, phóng viên báo Time đã trở lại Hy Lạp để mục kích sự tiêu điều thảm hại nhiều tháng sau màn pháo hoa lộng lẫy bế mạc Athens 2004. Tại Agios Kosmas – trung tâm đua thuyền, người ta chẳng thấy chút gì gợi đến không khí thể thao. 

“Nhìn nơi này xem” – một nhân viên bảo vệ nói, chỉ ra khu vực vận động trường 336.289 m2 – “Nó đang mục rữa”. Thay vì phục vụ môn thể thao chính như mục đích vận động trường, Agios Kosmas với chi phí xây dựng 144 triệu USD bây giờ dùng làm kho chứa xe! Toàn cảnh, Agios Kosmas không có chút sinh khí, thậm chí bóng một con hải âu ở chân trời. Tại khu phức hợp thế vận hội Helliniko - đấu trường của 7 môn thể thao, vết tích thể thao cũng biến mất, thay vào đó là lớp bụi dày. Phân chó đã “điểm xuyết” cho “bãi tha ma” này, trong khi dây điện rơi lòng thòng và rác thì có ụ có đống. Chi phí bảo dưỡng tất cả mớ “bê tông thế vận hội” lên đến 100 triệu USD/năm! Những vận động trường vắng như chùa Bà Đanh không là nỗi buồn duy nhất còn lại của Athens 2004. Chính phủ Hy Lạp tiếp tục bị ác mộng bởi món nợ khổng lồ. Hy Lạp đã chi 3 tỉ USD cho xây mới và nâng cấp 36 vận động trường, chưa kể 8 tỉ USD cho hạ tầng nói chung và an ninh. Tổng cộng, toàn bộ chi phí cho Athens 2004 đã vượt quá GDP của hơn 100 quốc gia (trong đó có Jamaica và Malta). 

Đây nữa: Sau Montreal 1976, Canada đã kêu trời như bọng bởi “tại sao thất thu nhiều thế?”. Sự tập trung xây sân vận động đẳng cấp thế giới cho những môn thể thao chuyên biệt như bắn cung hoặc cử tạ đã để lại những cái “xác voi” khổng lồ sau khi Olympics kết thúc. Giới kinh tế gia gọi đó là “lời nguyền của kẻ chiến thắng”: khi vất vả chạy chọt chiến dịch đăng cai Olympics, kẻ chiến thắng trong cuộc chạy đua vận động không bao giờ biết cách dừng tiêu tiền đúng lúc cho kế hoạch tổ chức thế vận hội. 

Vẫn còn nữa: Khi đăng cai World Cup 1994, Mỹ tin rằng tiền lời có thể đạt đến 4 tỉ USD. Kết quả, như công bố của Victor Matheson – giáo sư kinh tế Đại học Lake Forest (Illinois) – cho thấy 6 trong 9 thành phố Mỹ tổ chức World Cup có tỉ lệ tăng trưởng chậm hơn cả dự tính trong hoàn cảnh bình thường! World Cup đã làm Mỹ lỗ 4 tỉ USD. Trước mùa World Cup 2002, Viện nghiên cứu Dentsu (Nhật) từng ước tính 24,8 tỉ USD (3,3 tỉ yen) sẽ đổ vào nền kinh tế Nhật – một khoản tiền khổng lồ chiếm 0,6% GDP của một đất nước có GDP thứ hai thế giới như Nhật. Trong khi đó, Viện phát triển Hàn Quốc (KDI) dự tính World Cup sẽ đem lại tiền lãi 8,9 tỉ USD (11,7 ngàn tỉ won), tương đương 2,3% GDP của Hàn trong năm 2000, chưa kể 350.000 chỗ làm mới được tạo ra. 

Tổng kết sau World Cup 2002 cho thấy số du khách đến Hàn và Nhật không nhiều như mức mong đợi. Những gì World Cup 2002 bỏ lại sau lưng hai nước đồng chủ nhà trở thành những phế tích đắt tiền: 20 sân vận động mà 16 trong số đó được xây mới với kinh phí khổng lồ nằm phơi nắng. Dùng vỏn vẹn ba-bốn lần trong mùa giải, nhiều cầu trường ít nhiều đã bị bỏ hoang hoặc chỉ có thể tổ chức hội hè địa phương. Khu phức hợp Saitama trong đó có sân vận động 63.700 chỗ ngồi tốn 667 triệu USD đã làm hao thêm 6 triệu USD phí duy tu mỗi năm. Chỉ ba trong 10 thành phố Nhật có sân vận động mới là có đội bóng chuyên nghiệp và ít người biết rằng thậm chí có một sân mới toanh chưa bao giờ được hưởng không khí trống kèn World Cup. Đó là sân ở Toyota thuộc Aichi, cách Tokyo 240km, với kinh phí xây dựng 375 triệu USD, khánh thành năm 2001, dự tính đón được ít nhất một trận World Cup nhưng cuối cùng bỏ trống!

Simon Bowmaker – nhà kinh tế học thể thao thuộc Đại học Edinburgh (Scotland) – nói rằng nước chủ nhà World Cup thường lỗ méo mặt, tương tự trường hợp nước chủ nhà của những giải thể thao lớn. Chang Se-Moon – giáo sư Đại học South Alabama (Mỹ) – cho biết thêm từ năm 1954 đến nay, có bốn nước chủ nhà World Cup đều gặp tình trạng tăng trưởng giảm sau mùa giải. Trong vài trường hợp, nước chủ nhà không chỉ thất thu mà còn “lủng túi” cho những vụ đầu tư ngắn hạn may rủi. Satoru Kida – nhà phân tích phát triển cộng đồng thuộc một nhóm nghiên cứu kinh tế ở Tokyo – nhận xét rằng thiên hạ đã đánh lừa mình và đánh lừa nhau, rằng World Cup sẽ giúp hốt bạc…

Nghiên cứu các giải World Cup trong 30 năm qua, nhà kinh tế Stefan Szymanski cho biết kinh tế quốc gia nơi đăng cai thường giảm trung bình 1% (trong năm diễn ra giải). Lý do thật đơn giản. Giải thể thao chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và không thể làm giãn cái nền của kinh tế toàn diện trong thời gian dài. Không như sự xuất hiện một nhà máy trong nền kinh tế địa phương (thường làm tăng cung lẫn cầu cho hàng hóa địa phương trong nhiều năm), ảnh hưởng của World Cup luôn tàn lụi nhanh, ngay sau khi lễ bế mạc kết thúc. Nói cách khác, World Cup có ảnh hưởng nhưng tác động kéo theo không đủ dài để một nền kinh tế què quặt có đủ sức nhằm sút thủng tấm lưới của khung thành trì trệ... 

World Cup còn như thế, ASIAD thì ăn thua gì?! Cái lý lẽ “nâng cao hình ảnh đất nước” bằng một sự kiện thể thao nó xưa như Trái đất rồi. Bây giờ người ta “nâng cao hình ảnh đất nước” bằng những giá trị khác có tính bền vững và mang lại ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế quốc gia chứ không phải bằng những màn phô trương nhất thời mà hậu quả kinh tế của nó là rất kinh khủng, đặc biệt bằng những sự kiện thể thao, đặc biệt tại những quốc gia mà tình trạng kinh tế đang rất tệ hại! Nếu giỏi, thử tính xem số tiền khổng lồ ít nhất 3.100 tỉ đồng đó sẽ làm được những gì gặt hái được lợi ích kinh tế (cộng thêm điểm cho GDP) hay lợi ích dân sinh trong 5-10 năm nữa, có hơn hẳn so với việc bắt người ta xem bắn pháo hoa để rồi ngay ngày mai họ không có nổi vài đồng mua ổ bánh mì gặm đỡ đói? 

 Bốn năm sau Thế vận hội, một phần vận động trường Điểu Sào trông như thế này (nguồn: The Blaze, Jul. 13, 2012):


Mạnh Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét