Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Ghé thăm các Blogs: 31/03/2014



FACEBOOK NGUYỄN HƯNG QUỐC

Trong khi chính phủ lâm thời ở Ukraine cũng như Mỹ và các quốc gia Tây phương chưa biết cách nào để đối xử với âm mưu bành trướng thô bạo của Nga, giới phụ nữ Ukraine hình như đã biết ngay là mình sẽ và nên làm gì: Tuyên bố cấm vận về tình dục đối với bọn đàn ông Nga. 

Theo báo chí Tây phương mấy ngày vừa qua, một số phụ nữ Ukraine đã và đang vận động một chiến dịch có quy mô lớn trên internet với nội dung bãi công tình dục (sex strike) đối với đàn ông Nga. Khẩu hiệu của họ là “Đừng cho nó cho bọn Nga” (Don’t give it to a Russian). Khẩu hiệu ấy được phổ biến dưới nhiều hình thức: trên mạng (website, blog và, nhiều nhất là trên facebook) cũng như trên áo thun người ta mặc ngoài đường. Nhưng “nó” ở đây là gì? Người ta sẽ hiểu ngay tức khắc khi nhìn vào cái logo họ vẽ: hai bàn tay bụm lại có hình một cái âm hộ! Nói một cách nôm na (nhớ chữ của Tản Đà: “văn chương thời nôm na”), nghĩa của nó là: “Đừng cho bọn Nga chơi!”


Thật ra, truyền thống bãi công tình dục nhưvậy đã có từ lâu, không chừng ngay thời cổ đại Hy Lạp. Trong vở kịch Lysistratacủa Aristophane, vốn được diễn lần đầu tiên vào năm 411 trước công nguyên, cómột chi tiết thú vị: Lysistrata thuyết phục các phụ nữ Hy Lạp không cho chồng làm tình để buộc họ phải ngưng việc đánh giết nhau.


Thời hiện đại, biện pháp này càng ngày càng được sử dụng rộng rãi. 

Tại Colombia vào tháng 10 năm 1997, tướng Manuel Bonnetkêu gọi các bà vợ và bạn gái của các du kích quân cánh tả không cho chồng hoặc bồ làm tình để họ chấp nhận đình chiến. Tháng 9 năm 2006, tại Pereira thuộc Colombia, mấy chục phụ nữ cấm cho không chồng hoặc bồ làm tình để ép họ ngưng các hành vi bạo động vốn dẫn đến cái chết của 480 người trong vùng. Cuộc “đình công” này mang một cái tên rất hay: Cuộc đình công của những cặp chân gác chéo” (the strike of crossed legs / La huelga de las piernas cruzadas). Theo một số nhà bình luận, cuộc đình công này khá hiệu quả. Hầu hết những tên đàn ông thích đánh nhau vì có ảo tưởng là việc sử dụng bạo lực ấy chứng tỏ là mình có nam tính cao, và vì vậy, sẽ trở thành quyến rũ hơn dưới mắt phụ nữ. Khi phụ nữ công khai tuyên bố họ không thích những hành vi bạo động như vậy, chúng phải nghĩ lại. Bốn năm sau, vào năm 2010, số các vụ đánh giết nhau tại Pereira giảm bớt 26.5%. Thừa thắng xông lên, giữa năm 2011, một số phụ nữ tại Barbacoas, cũng thuộc Colombia, lại tuyên bố khép đùi đình công để đòi chính quyền địa phương phải xây đường từ Barbacoa sang các thành phố lân cận. Sau 112 ngày “đình công” như vậy, chính quyền địa phương nhượng bộ: một con đường mới được khởi công.

Tại Liberia, vào năm 2003, hộiWomen of Liberia Mass Action for Peace đã tổ chức một cuộc phản chiến bất bạo động, bao gồm cả việc kêu gọi phụ nữ đình công… trên giường. Kết quả? Cuộc nội chiến kéo dài 14 năm trên đất nước này chấm dứt và sau cuộc bầu cử, người được nhiều phiếu nhất lên làm tổng thống là một phụ nữ, bà Ellen Johnson Sirleaf. Đó cũng là vị nữ tổng thống đầu tiên của nước này.

Vào đầu năm nay, tại Nhật, một số phụ nữ tung ra chiến dịch tẩy chay Yoichi Mazuzoe trong cuộc bầu cử Quốc Hội với lý do là Mazuzoe thường có những phát biểu mang tính kỳ thị đối với phái nữ. Chiến dịch này chủ yếu được phổ biến qua mạng lưới internet. Riêng cái tên của tổ chức này đã nói lên đủ ý nghĩa của nó: “Hội của những người phụ nữ không làm tình với bất cứ tên đàn ông nào bỏ phiếu bầu Mazuaoe” (The association of women who will not have sex with men who vote for Mazuzoe). Chỉ trong tuần đầu tiên, hội này đã có khoảng 3000 người ủng hộ! 

Nếu ứng dụng sách lược khép đùi ở trên vào Việt Nam thì hẳn cuộc đấu tranh chống Trung Quốc và bọn độc tài sẽ đa dạng lắm, chẳng hạn, “không cho Tàu chơi” hay “Không cho công an chơi”, “không cho đảng viên chơi”. Lúc ấy Bác Trọng Lú sẽ phản ứng ra sao nhỉ? Chả lẽ lại họp Trung ương đảng để ra nghị quyết bắt mọi người phải… giạng chân? Ối giời!


FACEBOOK MẠNH KIM 

Google search: 
- “Công an đánh dân” 
Khoảng 148.000.000 kết quả
- “Công an đánh người”
Khoảng 236.000.000 kết quả
- “Công an đánh chết người”
Khoảng 77.200.000 kết quả

16/01/2014
Khởi tố, tạm giam công an xã đánh chết học sinh

Chiều 16-1, Viện KSND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vạn Ninh đối với Lê Minh Phát (24 tuổi), công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh vì hành vi “cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”.

Theo điều tra ban đầu, chiều 29-12-2013 trong khi đuổi bắt em Tu Ngọc Thạch (14 tuổi, ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) tại khu vực Quốc lộ 1A qua xã Vạn Phước- Vạn Ninh, Phát đã đánh Thạch. Sau đó, Phát đưa Thạch về trụ sở Công an xã Vạn Long tiếp tục đánh đập. Ngày 30-12-2013, em Thạch phải cấp cứu tại bệnh viện và tử vong sau đó một ngày.

21/01/2014

Người đàn ông chết tại trụ sở công an: tự tử hay bị đánh chết?

(Kienthuc.net.vn) - Lãnh đạo CA huyện Thanh Hà khẳng định, nạn nhân nhảy từ tầng 2 xuống, trong khi người nhà nạn nhân cho rằng, anh Hải bị đánh dẫn đến tử vong.

Vào sáng 20/1, trụ sở Công an huyện Thanh Hà (Hải Dương) phát hiện một người đàn ông chết bất thường ngay tại sân trụ sở. Danh tính nạn nhân được xác định là Nguyễn Văn Hải (SN 1970) tạm trú tại ngõ 40, phường Lãm Hà (Kiến An, Hải Phòng), quê xã Thanh Xuân (huyện Thanh Hà, Hải Dương). Hàng chục người nhà nạn nhân bức xúc cho rằng, anh Hải không thể tự tử vì tầng 2 trụ sở công an huyện thấp, nạn nhân lại có sức khỏe nên không thể chết như thế. Hơn nữa, trên thi thể nạn nhân có nhiều vết thâm tím ở mặt mũi, ngực, tai và sau lưng đều có những vết thương. Gia đình nạn nhân cho rằng “Nạn nhân bị đánh chết trước khi bị ném xuống sân”.

Thêm một người chết sau khi làm việc với công an
20/02/2014 11:46 (GMT + 7)

Ba công an xã gồm các ông Nguyễn Hữu Tuyến (27 tuổi), Lê Văn Tâm (46 tuổi) và Trần Văn Công (38 tuổi, trưởng Công an xã Đạo Nghĩa) đã thừa nhận với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông rằng trong lúc lấy lời khai, vì cho rằng ông N. gian dối trong việc khai nhận hành vi trộm cắp nên họ đã dùng dùi cui, tay đánh ông N. nhiều lần….. Bà Phan Thị Tâm, vợ ông N., cho biết khoảng 8g tối 13-2, khi bà ra mở cửa thì thấy chồng mình không đi được mà phải bò đến kêu cửa (trước đó ông N. được một công an viên chở về bỏ trước cửa nhà).

Đêm đó bà Tâm thấy ông N. liên tục nôn ói, kêu đau toàn thân. Sáng hôm sau ông N. chết, gia đình mới phát hiện nhiều vết bầm tím, vết thương hở đã khô máu trên người. Bà Tâm khẳng định trước khi bị đưa lên công an xã, chồng bà hoàn toàn khỏe mạnh, chưa hề có vết thương nào.
Trước đó tại Đắk Lắk, ông Y Két Dhap đã chết sau khi bị triệu tập đến trụ sở Công an xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin. Ngày 9-12-2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với hai công an viên xã Ea Bhốk là Trương Trung Hiếu (26 tuổi) và Y Phiên Adrơng (27 tuổi) về hành vi giết người.

Điều tra việc người phụ nữ chết tại trụ sở công an
19.03.2014

Công an P.Tân Đồng đã thông báo cho gia đình chị Hương biết việc chị chết trong tư thế treo cổ tại trụ sở Công an P.Tân Đồng, TX.Đồng Xoài (Bình Phước). Nhưng gia đình chị Hương không tin vào lý do này. Theo người nhà nạn nhân, trên cơ thể nạn nhân có nhiều vết bầm nghi do bị đánh.

…………
Thứ tư, 10/4/2013
Đánh chết người, 7 cựu công an hầu tòa

Cho rằng ông Sơn khai không đúng sự thật, nhóm Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) liên tục đánh, tát, vụt ông này. Ít phút sau khi 7 công an dừng tay, nạn nhân đã tử vong. Tại phiên xử hôm nay, HĐXX nhận xét 7 cựu công an này biết việc dùng vũ lực đánh người là không được phép nhưng vẫn thực hiện. Cho rằng họ thành khẩn, bồi thường hơn 1,1 tỷ đồng, gia đình bị hại xin giảm hình phạt, TAND Hà Nội tuyên phạt Nguyên 4 năm, Long 3 năm, Thọ, 3 năm 6 tháng. Các bị cáo còn lại từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù.

Thứ Ba, 21/05/2013 
Quảng Nam: Phó công an xã chém chết người trong tiệc nhậu

Do mâu thuẫn trong khi nhậu nhẹt, phó công an xã rút dao chém chết và bị thương 3 người. Sáng 21/5, Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My (Quảng Nam), thượng tá Doãn Bá Thắng cho biết, chiều tối 20/5, đã bắt khẩn cấp Hồ Văn Huynh (SN 1986), phó công an xã Trà Vân về tội “giết người” và “cố ý gây thương tích”.

Lộ danh tính hai cán bộ công an đánh chết người
16:11 | 30/10/2013

(PetroTimes) - Ngày 30/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã tước quân tịch, tạm giữ hai cán bộ công an đồn 19 (Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra làm rõ về hành cố ý gây thương tích.

Hai cán bộ công an bị bắt là Nguyễn Quốc Việt (21 tuổi, ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) và Nguyễn Hoàng Vũ (21 tuổi, ở thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Liên quan đến vụ án, cơ quan công an cũng tạm giữ Đỗ Duy Cường (21 tuổi, ở tổ 18, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Theo Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, tối ngày 26/10, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin báo về việc anh Trần Mạnh Viễn (26 tuổi, ở phường Đại Nai, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) bị một số người đánh gây thương tích tại nhà hàng Quỳnh Béo. Anh Viễn đã tử vong vào hồi 7h45 ngày 28/10.

Cập nhật lúc: 16/01/2012

Nguyên Trung tá công an đánh gẫy cổ người dân tù 4 năm.

Gây ra cái chết của một công dân, khiến dư luận phẫn nộ, bôi nhọ hình ảnh của người chiến sĩ Công an nhân dân, nhưng với những “tội” đó, Nguyễn Văn Ninh chỉ bị phạt 4 năm tù.

Ngày 13/1/2012, HĐXX sơ thẩm TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Văn Ninh (SN 1958, nguyên Trung tá công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt 2-7 năm tù). Ngoài Ninh, không có ai khác phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng (SN 1958, ở 252 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
….

Từ 17h đến 21h cùng ngày, tại trụ sở công an, ông Tùng hai lần nôn mửa. Đến 21h30 cùng ngày, Công an phường Thịnh Liệt mới đưa ông Tùng đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Tại Khoa Cấp cứu, ông Tùng kêu đau ở vùng cổ, bụng, ngực và tê bì tứ chi.

Khoảng 17h hôm sau - 1/3/2011, Bệnh viện Bạch Mai phải chuyển ông Tùng tới Bệnh viện Việt Đức để điều trị tiếp.

14h ngày 2/3/2011, ông Tùng được mổ cấp cứu và chuyển đến phòng hậu phẫu chăm sóc, theo dõi. Đến 6h25 ngày 8/3/2011, ông Tùng tử vong sau nhiều ngày mê man bất tỉnh trên giường bệnh.

Bản Giám định pháp y của Viện Pháp y Quân đội kết luận: Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho ông Trịnh Xuân Tùng là do tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sau chấn thương cột sống cổ, trật đốt C4 kèm theo liệt tủy. Đặc điểm tổn thương đốt sống vùng cổ được xác định rõ: Đốt C4 bị trượt ra trước, rách dây chằng dọc trước với cơ chế hình thành thương tích là cơ chế ngửa, lực tác động mạnh.

Bắt tạm giam 4 công an xã đánh chết người ở Đông Anh, Hà Nội
09:41 | 02/09/2012

(Petrotimes) - Ngày 4/9, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra làm rõ về hành vi cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người đối với 4 đối tượng nguyên là Phó trưởng công an và công an viên xã Kim Nỗ có liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Mậu Thuận.

Ngày 1/9, Công an huyện Đông Anh đã quyết định khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người”, tạm giữ 4 đối tượng, gồm: Hoàng Ngọc Tuyên - Phó Ban công an xã Kim Nỗ và 3 công an viên là Nguyễn Trọng Kiên, Đoàn Văn Tuyến, Hoàng Ngọc Thức. Đến ngày 4/9, Cơ quan điều tra - Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra làm rõ về hành vi cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người, đối với 4 đối tượng là Phó trưởng công an và công an viên xã Kim Nỗ có liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Mậu Thuận theo điều 104 Bộ luật Hình sự.

Cảnh sát khu vực đánh người nhập viện, dân bức xúc
22/01/2013

Ngày 22/1, Ban chỉ huy Công an phường Đông Hưng Thuận, Q.12 cho biết, đã tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân, đồng thời cơ quan này cũng đang tiến hành lập hồ sơ điều tra xử lý vụ việc.

Người ra tay đánh phụ nữ là ông Trương Phú Dự - Cảnh sát khu vực phường Đông Hưng Thuận, Q.12.

Trước đó, lúc 15h30 ngày 20/1 trong lúc chuẩn bị khai trương tiệm cơm chay, bà Nguyễn Thị Phụng (57 tuổi, ngụ khu phố 3, đường Đông Hưng Thuận 10, P.Đông Hưng Thuận) đang loay hoay dọn đồ thì bất ngờ nghe tiếng quát tháo, la lối của ông Dự từ xa.

Lời qua tiếng lại, ông Dự bất ngờ vung tay đấm thẳng vào mặt bà Phụng liên tiếp nhiều lần, bà Phụng quỵ ngã. Ông Dự định lấy ghế ngồi đập vào người bà Phụng.

Thứ Tư, 03/02/2010

HẢI DƯƠNG:
Tiếp bài “Một người dân chết tại trụ sở Công an xã”: Bị đánh hay bệnh lý?

GiadinhNet - Báo GĐ&XH số 14, ra ngày 1/2/2010 đã có bài phản ánh việc anh Đặng Trung Trịnh (xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ), chết trong trụ sở công an xã.

Thượng tá Trần Văn Thường - Trưởng Công an huyện Tứ Kì cho biết: “Thực tế, Kết luận giám định pháp y số 01/KL-GĐ ngày 10/12/2009 của Phòng Giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương xác định anh Trịnh chết do xuất huyết mạch mạc treo ruột, chảy máu ổ bụng do xơ gan. Sau sự việc này, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm. Tôi có nói với Công an xã Tiên Động là các anh nhiệt tình giải quyết nhưng không có phương pháp. Nếu không mời anh Trịnh lên xã thì cũng sẽ chết ở nhà thôi”.

Đánh dân, 3 công an bị lập biên bản
12/03/2014 05:15 (GMT + 7)
TT - Công an huyện Châu Thành (Bến Tre) vừa lập biên bản bốn người tham gia một vụ đánh nhau, trong đó có ba công an TP.HCM.

Hàng trăm người dân vây 2 công an đánh người
Thứ Sáu, ngày 28/02/2014 15:30 PM (GMT+7)

Người bị đánh là Phạm Văn Tây (17 tuổi) phải nhập viện tại bệnh viên Trung ương Huế.

Sự việc xảy ra khoảng 21 giờ 30, ngày 27/2, tại số nhà 30 Điện Biên Phủ (TP Huế). Có mặt tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến hàng trăm người dân bao vây hai công an để phản đối việc đánh em Tây.

Trước sự phản ứng gay gắt của đám đông, hai công an này phải điện cho lãnh đạo Công an TP Huế và lánh đi. Khi lãnh đạo Công an TP Huế đến, người nhà mới chịu đưa Tây đến bệnh viện. Theo nhân chứng kể lại, thời điểm trên, em Phạm Văn Tây chở một người bạn là Nhật Trung chạy ngược chiều trên đường Điện Biên Phủ. Khi đến trước số nhà 30, Tây bị xe công tác do thượng úy Phan Lê Phú điều khiển chặn lại. Thấy công an chặn xe bất ngờ, Tây cho xe lách sang một bên để tránh va chạm thì bị chiến sĩ công an ngồi sau vụt dùi cui vào đầu. Tây choáng váng và ngã vật xuống đường. Nhiều người dân chứng kiến sự việc cảm thấy bất bình, đã vây lấy hiện trường.

Dân tố bị công an đánh đập tàn nhẫn
27/08/2013

Trong đơn phản ánh gửi đến Báo điện tử VTC News, anh Phan Sĩ (SN 1988, quê Thừa Thiên - Huế, tạm trú xã Bà Điểm, Hóc Môn, TP HCM) trình bày, khoảng 23h30 ngày 12/8 anh Sĩ chở vợ trên xe máy đi cùng nhóm bạn khoảng 6 người, trong đó có hai người bạn (1 nam, 1 nữ) trên xe máy mang biển số 52 Y6 - 8239 di chuyển theo hướng từ Phan Văn Hớn đi Cộng Hòa... Lúc này, anh Sĩ đứng trên vỉa hè thì một bảo vệ dân phố đến yêu cầu anh xuất trình giấy tờ, anh Sĩ không đồng ý vì cho rằng bảo vệ dân phố không có quyền kiểm tra giấy tờ. Lúc này người mặc thường phục trong nhóm CSGT bước sấn tới quát lớn: “Tao được không mày?”. Anh Sĩ hơi sợ nên bước lùi lại và nói: “Nếu anh không mặc sắc phục công an thì anh cũng không có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân của tôi”.

Vừa dứt lời, người mặc thường phục và bảo vệ dân phố lao vào đánh anh Sĩ túi bụi và nói “mày chống người thi hành công vụ hả mày”. Anh Sĩ bị đánh đau nên la lớn: “Cứu, cứu. Công an đánh dân...". Lúc này nhiều người dân sinh sống khu vực chạy ra xem sự việc thế nào. Thấy vậy, một CSGT mặc sắc phục trẻ nói: “Còng tay đưa nó về phường”… Khi phóng viên VTC News đề cập, vụ việc không chỉ là va chạm giao thông mà có xảy ra đánh nhau, gây mất an ninh trật tự thì Thiếu tá Cảnh luôn nói “không biết”, “không rõ”,"không nắm được”.

Thứ ba, 17/9/2013
Phạt tù phó công an đánh dân rơi xuống ao 

Nghi anh Nam lấy trộm vó của mình, Định cầm gậy tre đánh vỡ đầu gối, ngăn cản không cho bơi vào bờ.
Lưu Bình Định (28 tuổi, nguyên phó công an xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vừa bị TAND huyện tuyên phạt 2 năm tù treo về tội Cố ý gây thương tích.

Định cầm gậy tre dài hơn 2 m đánh vào đầu gối của Nam làm anh này rơi xuống sông. Khi cố gắng bơi vào bờ, anh Nam tiếp tục bị Định đánh gây tổn hại 14% sức khỏe, trong đó có vết thương vỡ đầu gối.

Công an đánh đập tàn bạo, đẩy dân vào đống lửa
13-02-2014

Công an viên đánh đập người dân dã man, sau đó đẩy vào đống lửa đang cháy vì nghi người dân đốt trang.


BLOG HIỆU MINH

Mái tóc kiểu buôn lậu Trung Quốc. Ảnh: BBC VN

Du học Ba Lan về nước (1977), có công ăn việc làm, tôi bắt đầu để ý các em. Tìm mãi mới được một cô ưng ý trên phố vì người đẹp thích mái tóc dài hippie dài quá vai của tôi.

Dẫn về nhà giới thiệu, bà mẹ, một cán bộ tổ chức ở bộ, thở dài, thằng này hư hỏng, theo tư bản, đầu tóc thế kia không thể nên người được. Tôi nghiến răng cắt cho ngắn, cô người yêu lại chê, không có tóc dài trông anh quê lắm.

Ăn mặc tóc tai, mốt sành điệu hay không, luôn là đề tài tranh cãi của các thế hệ mọi thời đại. Nhưng qui định mái tóc ngắn dài ở tầm quốc gia thì thật kinh hoàng.

Mới đây, báo chí nhạo báng tin từ Bắc Triều Tiên, nam sinh viên trong các trường đại học Bắc Hàn phải cắt kiểu đầu giống như nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đầu của Kim Jong-un là kiểu tóc dùng loại tông đơ có số 1-2-3-4. Dưới cùng cạo trắng hếu, lên một chút là số 1 hơi lơ thơ, và trên đỉnh đầu tóc dài hơn chút. Xem lại những tấm ảnh thời 1930-1940 sẽ thấy kiểu tóc tương tự.

BBC VN cho hay, một người Bắc Hàn nay sống tại Trung Quốc nói rằng kiểu đầu này thực ra rất không được ưa chuộng tại nước ông vì đó là “kiểu đầu buôn lậu Trung Quốc.”

Theo đồn đoán, người dân Bắc Triều Tiên được phép chọn trong 18 kiểu tóc cho phụ nữ và 10 cho nam giới. Truyền thông mở chiến dịch chống tóc dài và kêu gọi “Hãy để cho chúng tôi cắt cho bạn kiểu tóc phù hợp với lối sống xã hội chủ nghĩa.”

Nghe thật khôi hài. Nhưng thật ra, nước mình cũng qua thời kỳ như Kim Jong-un. Ai thuộc thế hệ U50-60, từng sống ở Hà Nội những năm 1975-1990, chứng kiến đảng và nhà nước can thiệp từng sợi tóc và vào từng ống quần của dân như thế nào.

Những năm 1960-1970, thế giới có phong trào hippie. Đó là những thanh niên tóc dài, râu không cạo, quần loe, ăn mặc bất cẩn, nghiện ngập ma túy, và bất cần đời. Lứa tuổi baby boomer (trẻ em sinh bùng nổ sau chiến tranh thế giới thứ 2 từ 1946-1964) tham gia vào phong trào này rất nhiều.

Phương châm của họ là đấu tranh bất bạo động, yêu hòa bình, sống cho tình yêu. Theo Timoty Leary “Hippie khởi đầu phong trào sinh thái học. Họ chiến đấu nạn kì thị chủng tộc. Họ giải phóng những thành kiến kì thị giới tính, khuyến khích sự thay đổi, tự tin vào bản thân. Họ chất vấn chủ nghĩa vật chất máy móc. Trong bốn năm, họ đã thành công trong việc chặn đứng cuộc chiến Việt Nam.”

Nhiều người không hiểu nên đã cho rằng hippie là loại bỏ đi. Họ không biết rằng, chính hippie đã đóng vai trò rất lớn trong việc phản đối Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Sinh viên VN (khóa 1971) ở Ba Lan. Ảnh: Khóa 1971

Những năm 1970-1975 sinh viên Việt Nam du học Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư… thường bắc chước kiểu hippie trong trường hay ký túc xá. Sau này lây lan sang đám sinh viên Việt học ở Liên Xô, Rumani, CHDC Đức và cả Cuba. Ai để tóc ngắn sẽ bị chê là cổ hủ, nhà quê. Quần càng loe càng tốt, áo chim cò, tô vẽ càng ngố, càng sành điệu.

Mỗi lần có họp với sứ quán, bọn sinh viên chúng tôi ở Warsaw rủ nhau cắt tóc, để không bị khiển trách. Vì tiếc của, nhiều bạn cắt qua loa, thế là bị kiểm điểm, nhắc tên ngay trên hội trường.

Tuy nhiên có bạn hỏi, cắt ngắn như thế nào là vừa. Vị cán bộ già phụ trách lưu học sinh bí quá, chống chế “Cắt như tôi là tạm ổn.” Cả hội trường cười ồ, vì đầu ông ấy giống củ su hào, gáy trắng, mái xanh, đúng kiểu nông dân lúa nước sông Hồng.

Những năm 1973-1975, đoàn tầu chở sinh viên và công nhân về nước, người nhà ra đón choáng với kiểu tóc dài quá vai, quần loe nửa mét, áo hoa xanh đỏ, mặt mũi xanh rờn. Bố mẹ than trời, gửi con đi học, chúng theo lối sống tư bản đế quốc, ăn chơi trác tang, hư hỏng hết rồi.

Những năm 1960, mốt ở Hà Nội là quần côn, bó chẽn, ống tuýp và nhẩy đầm. Cờ đỏ được lệnh,  ai mặc quần bó sẽ bị rạch, dù thời đó vải simili rất đắt, mua theo phiếu vải, cả năm chỉ được hai mét theo tiêu chuẩn.
Đang đi xe đạp, bỗng còi toét, đám băng đỏ cùng công an lôi thanh niên mặc quần chật vào đồn. Họ lấy cái chai bia Hà Nội, đút từ dưới cổ chân lên, nếu chai không chui vào được, nghĩa là ống quần quá bé so với qui đinh. Cho bốn nhát kéo bốn góc, cái quần thành phấp phới, người mặc thành trò cười cho cả phố.

Mốt ống côn cũng chỉ được một thời gian, khi hippie bên Ba Lan và nước ngoài về, đã đổi thành ống loe, tóc dài.

Cờ đỏ phát động cắt quần loe, thấy ai đi xe đạp, ống quần bay phấp phới, liền bị gọi vào đồn. Vì cái chai, họ lấy thước đo, theo quy định, ống không thể rộng quá 20-22 cm, bất kể già trẻ, cao to, thấp lùn. Nếu quá qui định, lấy kéo cắt phăng ống quần, chẳng cần biết hậu quả ra sao.

Tóc dài không được che kín tai, trùm quá cổ áo. Ai vi phạm bị lôi vào đồn, một ông thợ cắt tóc đeo băng đỏ, với tông đơ, cho vài nhát nham nhở, thế là xong cái đầu mất cả năm nuôi tóc.

Những năm đó, dân chơi đợi tối nhá nhem, đi đường tránh né công an, đầu đội mũ che kín tóc, tới chỗ ăn chơi, dự sinh nhật mới bỏ ra khoe. Nhưng rồi cũng không thoát. Cờ đỏ, công an chặn ở cửa Nam, bờ Hồ, Nhà Hát lớn, những nơi thanh niên hay tụ tập.

Thỉnh thoảng một cu cậu bị cắt nham nhở cả tóc lẫn quần, xấu hổ không có đường chui. Ở văn phòng, thủ trưởng cũng phải nhắc thanh niên không được diện kiểu hippie.

Sau 1975, quần loe tóc dài ở Sài Gòn còn kinh hoàng hơn Hà Nội. Để đảm bảo HN có CNXH tươi đẹp, quần loe tóc dài vẫn bị cấm, nhưng ở Sài Gòn thì đỡ hơn vì cấm sao cho xuể.

Thời trang Sài Gòn xưa. Ảnh: Internet

Mãi tới năm giữa1980 trở đi, kinh tế đi xuống, nghèo quá, họ chẳng còn vải mà may quần loe nữa, tiền ít nên cắt tóc cũng bớt đi. Miền Nam chạy loạn ra biển. Dần dần, chẳng còn ai quan tâm đến cái mốt hippie.
Nhân chuyện anh Kim Jong-un bắt thanh niên cả nước theo kiểu đầu của anh ấy, tôi ghi lại vài chuyện. Mong các bạn đóng góp cho vui về một thời kỳ mà người câm cân nẩy mực chỉ đạo cả cái ống quần hay mái tóc, thay vì ngồi nghĩ chiến lược phát triển.

VN từng qua giai đoạn đó. Kết quả là dân đói rã họng, phải nhập bo bo cho gia súc từ nước ngoài về cho dân ăn thay gạo.

Một khi lãnh đạo quốc gia phải đo tóc, đo quần, nghĩa là sự độc tài đã tới hạn, báo hiệu sư suy vong của một thể chế.

Ở phương tây chẳng cấm đoán hippie thì đất nước vẫn phát triển, phong trào này sau tự tan rã. Bill Clinton, John Kerry, Tony Blair và nhiều chính khách quốc tế từng mặc quần loe tóc dài, hát nhạc rock, nằm vạ vật biểu tình, trốn lính, phản đối chiến tranh. Nay họ thành những người nổi tiếng, được trân trọng.
HM. 29-3-2014

Vài hình ảnh về Hippie thời xưa

Quần loe xứ Tiệp Khắc SV VN 1970-1975.
Ảnh: anh Chương cung cấp Anh có viết lời bình: Je me souviens, Des jours anciens, Et Je pleure…






FACEBOOK NGUYỄN VĂN TUẤN

Năm người công an dùng nhục hình đánh chết người. Họ chỉ bị phạt án treo (1)! Không biết các bạn có để ý cách dùng chữ trong vụ án này, riêng tôi thì thấy hình như có một sự kì thị trong cách dùng chữ ở đây. Báo chí đề cập đến 5 người này như “Năm vị công an”, “Năm cán bộ công an”. Tôi thấy lấn cấn trong cách dùng chữ “vị” ở đây.

“Vị” trong tiếng Việt là chữ dùng một cách kính trọng và nể nang. Người ta nói “Vị chủ tịch”, “Vị tiến sĩ”, “Vị giám đốc”, v.v. chứ đâu có ai nói “Vị giết người”. Đánh và tra tấn người ta đến chết là hành vi giết người – sát nhân. Giết người là tội phạm nặng. Kẻ có hành vi giết người là kẻ xấu. Tôi không hiểu tại sao báo chí đề cập đến kẻ xấu là “vị”.

Tìm hiểu một chút thì thấy “kẻ giết người” cũng nằm trong kho tàng ngữ vựng của báo chí đó chứ. Chẳng hạn như cái tít “Tử hình kẻ giết người, đốt xác phi tang”. Đọc kĩ thì thấy người mang danh “kẻ giết người” này là thường dân.

Bây giờ thì chúng ta đã khá rõ: là công an giết người thì được gọi là “vị”, còn thường dân mà phạm cùng tội được gọi là “kẻ”. Như thế là có sự kì thị trong cách viết rồi.

Chuyện nọ xọ chuyện kia: nói về kì thị trong ngôn ngữ thì chắc nói hoài không hết, nhất là cách người ta áp đặt tiếng Việt sau này. Người trong cùng bộ lạc thì được ưu ái gọi là “đồng chí”. Hình như chữ này là bắt chước Tàu (?) Tôi thấy lạ một điều là người ta còn gọi người yêu là … đồng chí, như thơ của Vũ Cao:
“Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí”

và Nguyễn Đình Thi:
“Chiều mờ gió hút / Bắt tay / Đồng chí / Em / Bóng nhỏ / Đường lầy.”

Kinh thật!

Còn kì thị và miệt thị thì ngôn ngữ sau 1975 hay miền Bắc trước đó có lẽ thuộc vào hàng quán quân. Người “phe ta” thì được gọi một cách kính trọng như “Chủ tịch”, “Đồng chí”, “Bác” (Bác Tôn), “Người” (viết hoa). Còn phe địch thì bị gọi một cách xách mé và có phần … vô lễ. Nào là “thằng” (“thằng Diệm”), “con” (“con Trần Lệ Xuân”), mụ (“mụ Thụy An”).

Thế kỉ 21 rồi, nên tử tế với nhau. Kẻ giết người thì nên gọi là “kẻ giết người”.

----
(1) Riết rồi không biết công lí ở đâu khi giết người bằng nhục hình mà được hưởng án treo, còn một cô thiếu nữ 19 tuổi tát cảnh sát giao thông bị phạt cái án 9 tháng tù. Hình như có một sự phân biệt giai cấp xã hội ghê gớm ở đây. Thê thảm hơn nữa, ba nông dân bị 13 năm tù vì ăn trộm hai con vịt. Tôi nghĩ đề tài về mức độ và hình phạt ở VN nếu có ai nghiên cứu thì chắc chắn hay lắm, và biết đâu sẽ giúp ích cho mấy vị chánh án.


BLOG J.B NGUYỄN HỮU VINH

Bắt đầu từ 4h sáng cho đến giờ này (21h30, ngày 29/3/2014), người dân đã đoàn kết đồng loạt biểu tình chống lại việc cưỡng chế và làm tắc nghẽn đường từ Quốc lộ 1A đi xuống Vũng Áng. Giao thông bi ngừng trệ các phương tiện giao thông không thể đi qua khu vực bà con đã căng biểu ngữ, dựng lều quyết tâm giữ đất. Mọi phương tiện giao thông, kể cả taxi đều không thể qua được để vào cảng.

Theo thông tin mới nhận được từ Hà Tĩnh, nhà cầm quyền Hà Tĩnh có kế hoạch cưỡng chế 180 Kiốt của người dân ở Hải Phong, thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, theo người dân, việc cưỡng chế này trái với các quy định pháp luật và bị phản ứng dữ dội của người dân. Dù nhà cầm quyền đã chuẩn bị thuyết phục và vận động từ hai tuần qua, nhưng người dân đã không đồng thuận vì quy trình cưỡng chế đã vi phạm pháp luật hiện hành và quyền lợi của người dân bị coi nhẹ. Từ những uất ức khi nhà cầm quyền lại quen thói sử dụng bạo lực và sức mạnh, người dân đã phản ứng tập thể.

Nhà cầm quyền đã tập trung các loại cán bộ, công an, cảnh sát cơ động và chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc cưỡng chế như cứu thương, các bộ phận liên quan… Nhưng người dân đã nhất loạt phản ứng.

Bắt đầu từ 4h sáng cho đến giờ này (21h30, ngày 29/3/2014), người dân đã đoàn kết đồng loạt biểu tình chống lại việc cưỡng chế và làm tắc nghẽn đường từ Quốc lộ 1A đi xuống Vũng Áng. Giao thông bi ngừng trệ các phương tiện giao thông không thể đi qua khu vực bà con đã căng biểu ngữ, dựng lều quyết tâm giữ đất. Mọi phương tiện giao thông, kể cả taxi đều không thể qua được để vào cảng.

Theo người dân tại đây cho biết, lượng dân khoảng ba bốn ngàn người đã đồng loạt hỗ trợ nhau phản đối việc cưỡng chế này, họ đã đồng tâm nhất  trí phản đối, kể cả những người không nằm trong diện bị cưỡng chế. Chính vì sự đoàn kết này mà người dân đã rất vững vàng chống trả lại việc cưỡng chế hôm nay.

Người dân Kỳ Anh cũng cho biết tin rằng chiều nay 29/3/2014 , Chủ tịch UBND Huyện Kỳ Anh, ông  Ông Nguyễn Văn Bổng đi xe đến khu vực hiện trường và đã có cảnh hỗn độn xảy ra làm ông Bổng cùng với hai Cảnh sát cơ động, một nhân viên điện lực bị thương chảy máu phải đi cấp cứu. (Chúng tôi đang tiếp tục kiểm chứng tin này).

Nên nhớ rằng, ông Nguyễn Văn Bổng chính là người đã bật đèn xanh cho việc khai thác khoáng sản lậu và đã “được” UBND Tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định kỷ luật “nghiêm khắc phê bình UBND huyện Kỳ Anh vì đã buông lỏng quản lý nhà nước, thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn”.

Riêng với người dân quê hương Kỳ Anh của ông thì cũng liên quan đến Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, người ta còn nhớ:Ngày 20/1/2013 tại làng quê nghèo gần Đèo Ngang, chính quyền huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho nhiều xe cơ giới có hàng trăm cảnh sát hộ tống, đập phá 73 nhà dân theo lệnh của Chủ tịch UBND huyện mà ở đó không có dự án, nếu có chỉ là “dự án treo”. Chừng đó đủ để nói lên những hoạt động, những sự lộng quyền và chà đạp lên pháp luật của cán bộ công quyền nơi đây.

Nhiều đoàn xe, người và luồng giao thông Bắc – Nam trên Quốc lộ 1A đi qua vùng này đã nhìn thấy khí thế của bà con người dân ở khu vực này.   

Một chi tiết cần nói nữa là vùng Kỳ Anh, nơi đây là vùng đất eo hẹp mà dãy Trường Sơn ra sát biển, tạo nên Đèo Ngang. Vũng Áng là khu vực nằm phía Bắc Đèo Ngang, là nơi huyết mạch nối hai miền Nam – Bắc đất nước. Tại vị trí này, chỉ cần bị một lực lượng chiếm đóng, thì đất nước bị chia cắt làm đôi.

Có lẽ vì vị trí đắc địa đó mà người Trung Quốc đã đổ tiền của vào để… thuê một diện tích rộng lớn cho dự án Formosa tại đây với thời gian có… 70 năm.

Trở lại tình hình ở đây, một vùng đất rộng lớn đã bị đảo lộn cuộc sống, người dân bị đưa đi đến những vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi và đã nhiều người không thể tồn tại được những nơi nhà nước đưa họ đến. Lượng người bỏ quê đi ăn xin ngày càng tăng. Đặc biệt, lượng công nhân, người Trung Quốc đang tràn ngập khu vực này bằng nhiều hình thức. Ngày nay, ai đi qua đó nhìn các hàng quán, biển hiệu, sẽ không hiểu đây là vùng đất thuộc Trung Quốc hay Việt Nam qua các biển hiệu dọc đường.

Cũng cần nói là người dân ở đây đã kiên cường đấu tranh bao nhiêu năm nay với nạn cướp đất, di dời phá vỡ đời sốngcủa họ. Nhiều vụ kiện với hơn 3500 hộ dân đã xảy ra, nhưng với nền pháp lý hiện tại, người dân đã phải thúc thủ.

Cũng tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, ở đây có Giáo xứ Đông Yên là nơi giáo dân nổi tiếng về việc kiên trì, đoàn kết đấu tranh cho cuộc sống của mình và tôn giáo của mình. Mấy chục năm qua, công cuộc đấu tranh của họ đã nhiều khi ngăn chặn được nhiều kế hoạch của nhà cầm quyền đối với họ và giáo hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, gần đây giáo dân ở đây một số đã phải chấp nhận đi tái định cư lên vùng đất Đèo Con, Hà Tĩnh mà chưa biết số phận của họ sẽ ra sao.

Câu chuyện giữ đất hôm nay, lại tại một vùng mà hoàn toàn không có giáo dân thuộc xã Kỳ Lợi, đây là nét mới trong cuộc đấu tranh của người dân ở Kỳ Anh. Bởi trước đây, người ta thường chỉ có nghe tin và trông thấy giáo dân mới đoàn kết, giữ vững đất đai và nhà cửa, tài sản của mình hữu hiệu. Nhưng, thời thế đã thay đổi theo đúng nghĩa cha ông đã đúc kết “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Những người không có tôn giáo ở đây đã biết đoaàn kết lại để đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Cho đến giờ này, những người dân vẫn kiên trì giữ đất tại đây và từ chiều đến nay, trước khí thế của người dân đoàn kết và phẫn uất, các lực lượng công quyền đã đang phải lui quân tìm kế.

Thông tin mới nhận được: Sau khi những thông tin này được loan trên mạng vào hồi 21h30, vào lúc 23h ngày 29/3, Tỉnh HT đã có thông báo: Đề nghị bà con về nghỉ và sau 15 ngày, Tỉnh sẽ vào họp và chấp nhận các yêu cầu của người dân. Sau đó người dân đã rút về chờ đợi.

Chúng tôi sẽ cập nhật các tin tiếp theo khi có thông tin mới. 


BLOG LÊ DIỄN ĐỨC 

Hàng ngàn người H'Mong biểu tình phản đối phiên toà hôm 18/3/2014

Điều 258 của Bộ Luật Hình Sự nói về "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", như sau:

" - Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

- Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".

Phải khẳng định rằng điều 258 là một thứ luật quy kết mơ hồ. Trước hết nếu tồn tại "quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác", thì việc tự do tận dụng nó trong sinh hoạt xã hội là đương nhiên, không thể nói đến chuyện "lợi dụng". Đã tự do thì không thể có "lợi dụng".

Thậm chí nếu có người "lợi dụng" một cách chủ ý để làm tổn thương đến lợi ích của đối tượng khác, nếu không vu khống, thoá mạ, thì sự "lợi dụng" ấy cũng nằm trong khuôn khổ của "tự do". Không ai có thể có tội khi thể hiện chính kiến của mình hay thậm chí phê phán chính quyền, nếu tồn tại một cái gì đó được gọi là quyền tự do, dân chủ.

Là công dân, đã hết rồi thời buổi hô khẩu hiệu "chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của đảng và nhà nước". Bởi vì nhiều chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước rõ ràng sai trái, ví dụ, chính sách cải cách ruộng đất, chính sách hợp tác xã, chính sách cải tạo công thương ở miền Nam sau năm 1975, chính sách ngăn sông cấm chợ, chính sách giải toả thu hồi đất đai bất công, v.v... cần phải lên án để sửa chữa và hoàn thiện.

"Lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" cần phải được minh định rõ ràng, không thể xem xét theo cảm tính chủ quan. Nhân gian có câu người khen ta là kẻ thù của ta, người chê ta là bạn của ta, cho nên phản ảnh sự thật, phê phán, chỉ trích các chính sách của nhà nước, của cá nhân các lãnh đạo, nếu nói trên phương diện đạo đức, là điều hợp lý và tốt cho các đối tượng ấy.

Trong thời gian qua, nhắm vào điều 258, nhà nước cộng sản Việt Nam đã bắt giam và xử tù một số bloggers hết sức bất hợp lý.

Năm 2008 phóng viên Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên, đã bị bắt và kết án 3 năm tù về những bài viết liên quan đến những "bí mật" trong vụ đại án tham những PMU 18.

Năm 2010, blogger "Cô gái Đồ Long", tức nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà, đã bị bắt giam ba tháng theo điều 258, vì bài viết về kiểu cách ăn chơi của con trai tướng công an Nguyễn Khánh Toàn trên trang blog "Cô Gái Đồ Long".

Đinh Nhật Uy, thậm chí không phải là một blogger, trong năm 2013 đã bị án 15 tháng tù treo vì đã lập tài khoản trang trên Facebook kêu gọi trả tự do cho anh ruột mình Đinh Nguyên Kha. Khó có thể cho rằng, những điều Nhật Uy viết đã vi phạm "lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", vì không biết cái "lợi ích" ở đây được hiểu như thế nào.

Hai trường hơp điển hình khác vừa qua là blogger Trương Duy Nhất bị xử hai năm tù giam và blogger Phạm Viết Đào bị xử tù 15 tháng tù giam. Họ không phải là những nhà tranh đấu dân chủ mà thuần tuý chỉ là những cây viết hiện thực phê phán độc lập. Những bài viết của họ về chính sách, chủ trương của nhà nước, những hoạt động của các vị lãnh đạo, thể hiện quan điểm chủ quan của cá nhân, của dư luận. Những nhận định của họ có ý muốn thúc đẩy sự thay đổi có lợi cho đất nước, họ là những tôi trung khảng khái, can đảm, nhưng không thuộc thành phần chống lại hệ thống.  

Ngày 14 tháng 3 năm 2014, tòa án huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã xử ông Hoàng Văn Sang 18 tháng tù giam.

Ngày 18 tháng 3 năm 2014, hàng ngàn đồng bào H'Mong từ 4 tỉnh phía Bắc đã kéo đến tòa án huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang để đòi trả tự do cho ông Thào Quán Mua, bị xét xử theo điều 258. Phiên tòa bị hoãn đến ngày 27 tháng 3 với lý do thẩm phán bị đau bụng.

Ngày 20 tháng 3 năm 2014 hai ông Lý văn Dinh và Dương Văn Tu bị xử tổng cộng 3 năm 2 tháng tù giam.

Bốn người nói trên đã bị bắt và xét xử là vì đã làm đơn kiến nghị tập thể gửi chính quyền các cấp đề nghị không đập phá nhà giữ đồ tang lễ của người H’Mong. Chính quyền cho rằng những người này xúi giục khiếu kiện tập thể.

Nghị định 38 ngày 18/03/2005 với nội dung cấm tập trung đông người do thủ tướng Phan Văn Khải ký. Tiếp theo thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành ngày 14/11/2006 nghị định số 136 cấm khiếu nại tập thể (nhiều người ký một đơn). Đây là những nghị định dưới luật hết sức ngu xuẩn, không phù hợp với tập quán và cách làm thực tế. Trên cùng một sự việc, nhiều công dân có chung mục đích và quyền lợi, họ có thể cùng ký tên kiến nghị, khiếu nại.

Áp dụng nghị định 38, 136, chính quyền đã khiên cưỡng, trí trá, xâm phạm những quyền tối thiểu của công dân.

Cho rằng những người trên đây xúi dục là một suy nghĩ đầy tính áp đặt, thiếu cơ sở. Và cho dù họ có làm việc đó thì cũng không hề xâm phạm lợi ích nào của "nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Một trăm đơn khiếu nại riêng rẽ của một trăm người thay vì một đơn có một trăm chữ ký mang ý nghĩa như nhau, thậm chí đơn giản hơn về thủ tục hành chính.

Mạng lưới blogger Việt Nam đã từng yêu cầu Nhà nước sửa đổi pháp luật, huỷ bỏ điều 258 trong  Bộ luật Hình sự, vì nó vi phạm bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, điều khoản về quyền tự do tư tưởng, tự do thu nhận, quảng bá tin tức và truyền đạt ý kiến.

Qua một số trường hợp đã nêu, xem xét về các hành vi và mức án của cùng "tội danh" vi phạm điều 258 áp dụng cho từng người một, rõ ràng toà án Việt Nam đã hết sức cẩu thả, tuỳ tiện, cáo buộc tội trạng theo cảm tính và xử theo luật rừng.

Với kiểu cư xử này, rất nhiều người sinh hoạt trên mạng Facebook có thể bị bắt giữ, bởi vì đôi khi chỉ với một status ngắn gọn, họ đã thể hiện sự thất vọng vào sự cai trị của bộ máy cầm quyền, cũng như ca thán, chế nhạo, hay lên án nó mạnh mẽ. Tuy nhiên công an chưa ra tay, chắc hẳn vì thấy những người này chưa tạo ra mối nguy cơ nào cho quyền lực mà chỉ "chém gió" cho thoả cơn giận. Nhưng trong thực tế, tổ chức phóng viên không biên giới cũng đã xếp Việt Nam vào các quốc gia kẻ thù của Internet và đứng thứ nhì sau Trung Quốc về số lượng bloggers, nhà báo bị giam giữ.

Một thực tế khác, nhân danh ổn định trật tự xã hội và an ninh quốc gia, công an có thể hành hung, bắt giữ bất kỳ ai, ở đâu và vào lúc nào, bất chấp mọi kỷ cương, phép nước. Chế độ này thực chất sử dụng luật chơi của một băng đảng bạo lực sặc mùi mafia. Pháp luật của nó chỉ là thứ trang sức rẻ tiền để trưng diễn khi cần thiết, chẳng có chút giá trị thực tiễn nào trong đời sống.

Cho nên, nếu chỉ nêu ra những nghịch lý trong điều 258 thì là quá ít, quá nhỏ trong cái rừng luật của chế độ. Đảng Cộng sản Việt Nam còn sẵn sàng chà đạp lên cả hiến pháp, một bộ luật khung được tạo ra cho sự hoạt động của cả hệ thống.

© Lê Diễn Đức - RFA Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét