Trong cuốn sách Freakonomics của nhà kinh tế Steven Levitt có một trường hợp nghiên cứu khá thú vị. Có một năm tự nhiên tỷ lệ tội phạm dùng súng ở Hoa Kỳ giảm toẹt xuống. Bất ngờ quá, người ta đi tìm nguyên nhân. Các nguyên nhân được tính đến, từ nâng chất lượng lực lượng cảnh sát đến các đạo luật kiểm soát vũ khí cá nhân, đều được xem xét. Mà hóa ra đều không phải. Tỷ lệ tội phạm giảm đột ngột, là do cách đấy mấy chục năm Mỹ cho phép phụ nữ phá thai. Nhờ phá thai mà các đứa trẻ lẽ ra phải sinh ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo khó nuôi dạy nên người, đã không phải ra đời nữa. Từ lúc đạo luật được thực thi đến lúc nó có tác dụng xã hội, mất mấy chục năm, và khi nó có tác dụng thì rất bất ngờ, cả ở thời điểm lẫn kết quả.
Trong những năm 1945-1953, Việt Minh tiễu trữ tảo thanh các phần tử đối lập nổi bật rất mạnh tay. Nên đến năm 1956 chính quyền Việt Nam Cộng Hòa gặp các vấn đề thiếu hụt nhân sự lãnh đạo cao cấp để lắp vào chính quyền mới. Ngô Đình Nhu buộc phải dùng những người giỏi hiếm hoi mà chính phủ tuyển dụng được vào cùng lúc nhiều chức vụ khác nhau trong nội các. Ở chính quyền địa phương, cả Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu buộc phải sử dụng lại công chức cũ thời thực dân, thậm chí có dính đến tận phong kiến. Mà hồi đó “đả thực phản phong” rất mạnh. Đến năm 1960 thì vấn đề nhân sự yếu kém của chế độ đệ nhất VNCH bộc lộ nhược điểm nặng nề. Nay nhìn lại, thấy cả tình báo miền bắc len vào (chưa kể tình báo các nước khác mà ta không biết). Chính quyền đệ nhất VNCH có những bộ óc rất tốt ở cấp cao, nhưng bộ sậu nội các, chính quyền địa phương và đặc biệt là quân sự rất yếu kém. Và nó sụp đổ rất nhanh chỉ trong vòng khoảng ba năm dưới các loại sức ép.
Chưa hết, nhân sự của phe đảo chính lại còn yếu kém hơn nữa. Chính các trí thức am hiểu thời sự miền nam, sau này còn than là các nhà lãnh đạo quốc gia (VNCH) sau 1963 toàn là chính trị gia tép riu. Sau đảo chính, chính trường miền nam phải mất tới mấy năm để bình ổn bộ máy (1963-1966), phải sử dụng lại cả các chính trị gia đã hết thời. Nhưng rồi sau đó, sự yếu kém, tham lam của hệ thống lãnh đạo nhanh chóng gây ra các vấn đề trầm trọng và làm sụp đổ toàn bộ hệ thống chỉ trong vòng chưa đến mười năm (1975).
Bây giờ nhìn vào phía Mỹ. Ta thấy Mỹ hoặc là hứa lèo với các nước để dụ dỗ, còn không thì họ hứa thật. Và khi họ đã hứa thật thì các nước bạn của họ đều trở nên khấm khá (Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, gần đây là Ba lan). Và họ hiếm khi bỏ rơi đồng minh. Vậy mà họ đã bỏ rơi VNCH. Có nhiều lý do, nhưng lý do sâu xa chính là chính quyền và quốc hội Hoa Kỳ không còn lòng tin vào chất lượng nhân sự của lãnh đạo chính quyền và và lãnh đạo quân đội của VNCH. Không tin nữa thì họ quốc hội Mỹ bỏ phiếu bỏ rơi luôn (1972-1973). Nhìn vào những người đứng đầu nhà nước VNCH, trước đảo chính 1963 là Diệm Nhu, chưa biết tài thế nào, nhưng làm việc quần quật, chăm chỉ phụng sự tổ quốc. Còn sau đảo chính thì toàn các vị thích lên media chém gió, ăn chơi, gái mú nhảy đầm. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, các vị, dù đang là lãnh đạo quốc gia, đều cùng gia quyến lượn ra nước ngoài cả, không một ai ở lại với người dân của mình. Chất lượng nhân sự lãnh đạo quốc gia như vậy đấy, không thể trách móc nước Mỹ được.
Nói vắn tắt, chính sách loại trừ triệt để các nhân vật có tiềm năng lãnh đạo đối lập ở miền nam (1945-1953), đã có tác dụng bất ngờ sau chưa đến hai mươi năm (1955-1973). Trồng cây là lợi ích trăm năm. Nhưng đốn cây thì chỉ hai mươi năm là hậu quả kinh hoàng, kính thưa các bác.
Bồi dưỡng con người nói chung là khó, xây dựng các thế hệ lãnh đạo tương lai còn khó hơn. Việc “dạy” cho họ học “các lý thuyết cai trị” không khó. Các trường Đảng, trường cao cấp chính trị gì đó, có thể làm được hết. Tuy rằng tôi không tin lắm là họ dạy những kiến thức lãnh đạo cập nhật, hiện đại và có nhiều lợi ích cho tương lai đất nước. Cái khó là phát hiện và trui rèn những nhân sự tiềm năng để rồi một ngày nào đó dùng cho tương lai. Cái khó là làm sao để thế hệ lãnh đạo sau phải tài giỏi hơn các thế hệ trước.
Cách phát hiện, trui rèn ấy hiện nay là gì? Là bỏ phiếu bình chọn với nhau rồi luân chuyển cán bộ.
Bây giờ nói chuyện cổ một chút. Thời Pháp thuộc, rồi Nhật chiếm, bị đè đầu, nên dân ta cần kích thích tinh thần dân tộc, để mà tự hào. Vì quá cần nên kích động lên hơi quá. Rằng nước ta mấy ngàn năm văn hiến. Lúc đánh Tây đánh Nhật thì cái doping này là cần. Nhưng lúc kiến thiết đất nước thì nó lại phản tác dụng.
Sự thực, nước ta lập quốc rất muộn, vào thế kỷ thứ 10. Bắt đầu từ Khúc Thừa Dụ ly khai, rồi đến Ngô Quyền đánh quân Nam Hán và Đinh Bộ Lĩnh xưng Đế.
Muộn và lãnh thổ bé tí, chỉ loanh quanh lưu vực sông Hồng sông Mã.
Phía trên là nước Tàu lúc đấy là đại đế quốc. Xung quanh một bên sát sườn là các dân tộc thiểu số tự trị, một bên là biển.
Phía dưới là Chiêm Thành, lúc bấy giờ đã có lịch sử vài trăm năm và đã là cường quốc. Lập quốc từ thế kỷ thứ II, đến thế kỷ thứ VII thì Chiêm Thành (Lâm Ấp) đã thành cường quốc. Nó đứng giữa hai nền văn hóa Ấn – Hán và giữa hai nước Việt – Phù Nam. Nó rất thiện chiến và giỏi đi biển.
Bắt đầu từ Lê Hoàn, một chính trị gia cầm gươm cưỡi ngựa, ta mới mở rộng về phía nam. Qua Lý qua Trần. Đến Lê Thánh Tông, khoảng 1471, tức là khoảng năm thế kỷ sau khi nước Việt lập quốc, về cơ bản mới thôn tính được Chiêm Thành để có thêm vùng Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam ngày nay.
Nhưng đến tận giữa thế kỷ 19, đến thời Minh Mạng, vị vua thứ hai của nhà Nguyễn, nước ta lúc đó tên là Đại Nam, mới chính thức thống nhất lãnh thổ, bao gồm cả vùng đất rộng lớn thuộc vương quốc cổ Phù Nam (thế kỷ II) và sau này là Thủy Chân Lạp. Khoảng năm 1840 tức là cách ngay nay chưa đến 180 năm, lãnh thổ nước ta mới định hình gần như bây giờ, và lúc đó lần đầu tiên có một chính quyền trung ương đủ mạnh và có công cụ cai trị đủ tốt để cai quản đất nước. Để thấy 180 năm lịch sử là ngắn thế nào, xin so sánh với tuổi đời thápEffel tới nay là 125 năm, và bản hiến pháp của Hoa Kỳ ra đời (1787) tới nay là 227 năm.
Thời Minh Mạng, nay nhìn lại, thì ông vua tài năng này đã gặp vô số các vấn đề mà ngay ở thời hiện đại cũng rất đau đầu: sắc tộc, cát cứ, ly khai, đòi tự trị. Minh Mạng tất nhiên là chính quyền phong kiến tập trung không thích điều ấy. Với công cụ hành chính và quân đội trong tay, Minh Mạng bình định tất cả. Cải cách hành chính của Minh Mạng bao gồm các biện pháp chính sau đây: chia địa lý hành chính rất hợp lý theo năng lực quản lý hành chính để tiện cho việc cai trị (đến nay vẫn còn giá trị), sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt thống nhất, và cải tổ chính sách nhân sự.
Chính sách nhân sự “hồi tỵ” không phải là mới mẻ, mà nó đã có từ thời Lê Thánh Tông (1486) khi ông vua huyền thoại này gặp các vấn đề về cai trị lãnh thổ mở rộng, đối diện với các bộ tộc thượng và đặc biệt là phe phái cát cứ mà ngày nay ta vẫn quen dùng từ “thân hữu” (crony, cánh hẩu, bè cánh).
Chính sách “hồi tỵ” của Minh Mạng (1831, cách đây 183 năm) chính là chính sách luân chuyển cán bộ giống Việt Nam đang thực hiện bây giờ, nhưng quy định chặt chẽ và khắt khe hơn nhiều. Trừng phạt nếu vi phạm cũng tàn nhẫn hơn. Chính sách luân chuyển cán bộ của Minh Mạng đã chấm dứt sự cai trị lâu đời của các dòng họ người dân tộc vùng cao và các lãnh chúa địa phương nhất là các lãnh chúa phía nam hoặc thượng du vốn có quân đội riêng. Ngay lập tức loạn lạc nổi ra, các thủ lãnh bất mãn nổi dậy, mà sử Việt Nam ngày nay gọi là khởi nghĩa nông dân chống phong kiến (thực ra là nổi dậy vì quyền lợi bị chính quyền trung ương can thiệp). Ở mặt bằng xã hội lúc bấy giờ, hệ thống cai trị bằng hành chính của Minh Mạng quá ưu việt, người tài do vua cha Gia Long để lại cũng còn nhiều, nên chính quyền trung ương dẹp yên cả. Nhà Nguyễn đi vào ổn định.
Chính sách luân chuyển của Minh Mạng so với chính sách của Việt Nnam hiện nay ở thì có nhiều điểm tốt hơn. Ví dụ quan chức luân chuyển về địa phương là phải thay mặt triều đình mà vận hành công việc cai trị thực sự, làm ăn bố láo là triều đình xử lý ngay. So với ngày nay, luân chuyển về ngồi chơi hai năm cho có. Hoặc ở nơi chỗ các ngành cần nghề chuyên môn sâu, thì không áp dụng chính sách luân chuyển (ví dụ y tế, lịch pháp). So với ngày nay có thể chuyển ngang thị trưởng vớ vẩn về đứng đầu y tế. Thế nhưng chính sách hành chính hồi tỵ của Minh Mạng chỉ có tác dụng cai trị, đã không làm được việc bồi dưỡng và phát hiện tài năng lãnh đạo cho tương lai.
Thời nhà Nguyễn xuất hiện rất nhiều bộ óc sáng láng, rất nhiều ý tưởng cách tân xã hội, nhưng đều bị chính quyền phủi tay. Chính là do hệ thống lãnh đạo của nhà Nguyễn chỉ bồi dưỡng và thu nạp vào hệ thống những người cốt phục tùng chính quyền. Dẫn đến lãnh đạo chính quyền các cấp: thiếu năng lực trách nhiệm và thiếu chính trực và nhất mực thần phục hoàng gia. Họ không tự nguyện xông ra gánh vác bất cứ trách nhiệm nặng nề nào, lại không dám nhận trách nhiệm với các thất bại. Trường hợp tuẫn tiết như Phan Thanh Giản không nhiều. Từ phía chính quyền, họ tạo ra hệ thống nhân sự cốt bảo vệ triều đình và ổn định xã hội theo cách triều đình muốn, chứ không cần bộ máy lãnh đạo để phát triển đất nước. Nên thời nhà Nguyễn, nước lớn mà năng lực cạnh tranh và sức mạnh quân sự tụt hậu dần.
Kết quả là, chính sách luân chuyển cán bộ của Minh Mạng khiến đất nước suy yếu, quân đội bạc nhược. Và chỉ ba mươi tư năm sau khi thực hiện cải cách hành chính (thành công) và cải cách nhân sự (thất bại một nửa) thì 3 tỉnh miền đông mất vào tay Pháp (1862) và chẳng mấy sau đó mà mất cả nước. Tất nhiên đây là cái chuyện trong cái rủi luôn có cái may và ngược lại. Nhưng phải nhìn nhận rằng, nếu chính sách đốn cây làm chế độ tèo rất nhanh trong hai mươi năm, thì chính sách trồng cây lăng nhăng cũng đưa đất nước vào thảm họa chỉ trong vòng chưa đến bốn mươi năm.
Chính sách luân chuyển cán bộ, nhìn vào lịch sử sẽ thấy: chưa từng tạo ra đội ngũ lãnh đạo mới tốt hơn đội ngũ lãnh đạo cũ, tức là nó làm ra đội ngũ lãnh đạo kế cận yếu hơn các bậc tiền bối. Vả lại, thời toàn cầu hóa, tài chính và thông tin lưu thông trong nháy mắt, dù có lưu chuyển cán bộ đi xa đến đâu thì nếu muốn làm chuyện tham tàn, họ vẫn cứ làm được ngay thôi. Ngay cả ở Trung Quốc hiện nay, cũng áp dụng luân chuyển cán bộ, cho nên dù nền kinh tế vọt lên thứ hai thế giới và đầu tư quân sự mỗi năm hơn một trăm tỷ dollar Mỹ, thì các học giả Trung Quốc vẫn cho rằng quân đội Trung Quốc dù có vẻ rất lắm tiền và hiện đại, nhưng so sánh tương đối (với các đối thủ phương tây) thì trình độ lãnh đạo quân sự đã lùi về trình độ nhà Thanh.
Thế làm thế nào để có các lãnh đạo kế cận không chỉ trẻ hơn, giỏi hơn, nhìn xa hơn mà còn được quyền dẫn dắt đất nước thành rồng?
Ta bắt đầu từ câu nói của tổng thống John Kennedy nói với tân bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara khi tổng thống mới đắc cử này chiêu mộ McNamara đang là xếp sòng của hãng ô tô Ford về nội các mới của mình. Câu này đại ý như sau: “Tôi không biết là có trường lớp nào đào tạo ra được tổng thống với bộ trưởng quốc phòng”. Câu này đúng ở chỗ “thủ lĩnh” là một hiện tượng tự nhiên. Không ai nhào nặn ra được thủ lĩnh, lãnh đạo. Chỉ có thể tạo ra môi trường tốt để những người có tố chất lãnh đạo được đào tạo, được rèn luyện, và phát triển để trở thành lãnh đạo theo cách tự nhiên nhất.
Hãy nhìn vào các lãnh đạo đã dẫn dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến, và nhìn vào các lãnh đạo xây dựng nền cộng hòa ở phía nam. Họ ở đâu ra?
Họ xuất hiện, trưởng thành, và trở thành lãnh đạo chính trị, lãnh đạo quốc gia từ các phong trào xã hội. Họ là các nhà hoạt động xã hội non và trẻ, dần dần được tôi luyện thành chính trị gia. Cũng phải mở ngoặc luôn, là hoạt động xã hội đang nói ở đây là xã hội thật sự, từ báo chí đến hội đoàn, chứ không phải hoạt động xã hội kiểu đoàn đội đánh trống múa rối xơ cứng từ hình thức đến nội dung hiện nay. Thế nhưng dù muốn hay không, thì môi trường để phát sinh ra các nhà hoạt động xã hội, vẫn phải được bật đèn xanh từ tầng lớp cai trị.
Sau thời kỳ cai trị khắc nghiệt của toàn quyền Paul Doumer (1897-1902), qua toàn quyền Paul Beau (1902-1907) bớt khắc nghiệt hơn một chút, thì đến toàn quyền Albert Sarraut nền cai trị thuộc địa mới thực sự bắt đầu cởi mở. Chính sách của Sarraut thiên về bảo vệ lợi ích dân bản xứ và bảo tồn văn hóa xã hội của họ. Trong hai nhiệm kỳ của Sarraut (1911-1914, 1917-1919) một xã hội dân sự (civil society) hiện đại kiểu phương tây tuy nhỏ bé và nhiều hạn chế, đã thực sự hiện hữu ở Đông Dương thuộc Pháp, nhất là ở Cochinchina (Nam Kỳ). Chỉ trong một thời gian rất ngắn ươm mầm, chưa đầy một thập kỷ, và thời gian để các nhà hoạt động bén rễ và trưởng thành, cũng chỉ khoảng vài năm, xã hội Việt Nam đã có Tự Lực Văn Đoàn rất hoành tráng và vô số các nhà hoạt động xã hội nổi bật, sau đó trở thành hoạt động chính trị hàng đầu, và sau này là những nhà lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo kháng chiến. Có thể tìm hiểu họ là ai và làm gì ở bài viết này.
Tức là nếu lợi ích của việc trồng cây có thể cả trăm năm như tục ngữ, thì việc tạo ra vườn ươm xã hội để từ đó các nhà hoạt động xã hội có chỗ để hoạt động, để được phát hiện và trui rèn, thì chỉ khoảng hai mươi năm là có tác dụng. Và tác dụng vô cùng lâu dài.
Một ví dụ khác. Sau đệ nhị hiến pháp năm 1967, Việt Nam Cộng Hòa có một xã hội dân sự thực sự được pháp luật bảo vệ. Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, các tổ chức và hoạt động xã hội của họ đã sinh ra khá nhiều tay hoạt động xã hội nổi bật. Những tay hoạt động xã hội nồng nhiệt này đã góp phần vào sự sụp đổ hoàn toàn của miền năm (1973-1975). Sau 1975, không tính những người vượt biên, thì nhiều người trong số họ ở lại và thành nòng cốt lãnh đạo báo chí, thanh niên, kinh tế, doanh nghiệp sau 1975 và trong thời kỳ mở cửa. Tức là quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trui rèn cho thế hệ lãnh đạo này, thậm chí chỉ mất chưa đến mười năm.
Tất nhiên, nhà nước hiện nay biết, nhìn thấy và hiểu tất cả những việc này. Họ đã từng thủ lợi cực nhiều từ hai ví dụ về xã hội dân sự ở trên với vô vàn lãnh đạo có năng lực gia nhập hệ thống của họ. Ví dụ như bác sỹ Phạm Ngọc Thạch là thủ lãnh Thanh Niên Tiền Phong (xem thêm ở đây) trưởng thành từ các hội đoàn do nhà cầm quyền bảo trợ, sau thành thủ lĩnh kháng chiến khét tiếng. Thử tưởng tượng ngày nay có một tay bác sĩ như vậy mà ngược lại xem sao. Vậy thật là dễ hiểu khi nhà nước chỉ nhìn và hiểu cái sự tiêu cực và nguy hại (cho họ trong ngắn hạn) thay vì nhìn thấy cái lợi trong dài hạn cho đất nước. Tất nhiên, cái thế lưỡng nan ở đây, là các biện pháp ngăn chặn các rủi ro ngắn hạn, tránh vết xe đổ như đã xảy ra với chính quyền Nhật (1945), chính VNCH (1975), thì cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến các rủi ro trung hạn như đã xảy ra với nhà Nguyễn (1858 -1884: mất nước vào tay Pháp).
Nước ta tuy già trên nhận thức tuyên truyền với tận 4000 năm lịch sử. Nhưng sự thực, tuổi sinh học của Việt Nam trẻ hơn nhiều, chưa đến 1000 năm. Thậm trí tuổi nhận thức, tuổi trí thức của một “dân tộc – quốc gia” thậm chí còn trẻ hơn nữa, đến mức “trẻ con”, chưa đến hai thế kỷ, trẻ hơn Hiến pháp thành văn của Hoa Kỳ và già hơn tháp Effel một tý. Còn trẻ tức là còn phát triển. Thế nhưng nước Việt Nam có đi vào con đường của rồng hay không, hihi, không tùy thuộc vào dân tộc nhiều, mà tùy thuộc nhiều hơn vào cách mà các lãnh đạo trẻ của đất nước được bồi dưỡng và nâng cấp.
5xu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét