Sau cuộc họp báo của Bộ ngoại giao chiều 7-5-2014, tuy không có tuyên bố chính thức của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Chính phủ), nhưng sự kiện đó được coi là đánh dấu bước chuyển rất lớn trong đường lối của Việt Nam đối với Trung Cộng.
Có lẽ chỉ một số ít dè dặt, còn hầu như tất mọi người dân Việt Nam, kể cả những người mà thế giới vẫn gọi là “bất đồng chính kiến” và thường bị nhà nước Việt Nam chụp cho cái mũ “suy thoái”, “thù địch”, “phản động”, cũng đều vui mừng: vui mừng vì tin rằng Chính phủ đã trở về với nhân dân, cùng nhân dân chống lại cuộc xâm lăng của nhà nước Trung Cộng, sau nhiều năm chỉ theo đuổi con đường ngoại giao giữa hai đảng cộng sản bị thất bại.
Và cuộc xuống đường hôm 11-5-2014, chỉ cách đây đúng một tuần, đã là một cuộc xuống đường khá đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết và khí phách Việt Nam.
Và báo chí chính thống hôm ấy đã đưa tin rầm rập, ca ngợi tất cả các cuộc biểu tình từ Bắc chí Nam là thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, chẳng phân biệt “lề trái – lề phải, “quốc doanh – phi quốc doanh”.
Có lẽ lúc ấy bọn chóp bu bên Trung Nam Hải đã run sợ về sức mạnh Việt Nam.
Và các chiến sỹ Việt Nam đang canh giữ biển đảo, nhất là các chiến sỹ cảnh sát biển đang phải ngày đêm vật lộn với bọn cướp Tàu Cộng đã thêm tin tưởng và can đảm.
Thế nhưng thật trớ trêu, ngay sau đó, trong các ngày 13, 14 tháng 5, các cuộc biểu tình của công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh đã từ ôn hoà bất ngờ trở thành bạo động: thay cho việc bày tỏ nhiệt tình ái quốc chỉ bằng biểu ngữ và tiếng hô lại là cảnh đốt phá, truy đuổi người nước ngoài một cách hỗn loạn.
Dù xảy ra như thế là rất đáng tiếc nhưng không thể là lý do “stop” một cách quá đột ngột và quá căng thẳng cho cuộc biểu tình ngày 18-5-2014, và có lẽ cho mãi từ nay về sau.
Bởi trong các cuộc bạo động vừa rồi, khả năng của chính quyền, của lực lượng công an, tôi nghĩ, là thừa sức dẹp những kẻ xấu phá rối hay những công nhân bị kích động. Nhưng xem các video clip và tường thuật của những người chứng kiến, đều không thấy hình bóng công an.
Hãy tạm coi là công an mấy tỉnh trên bị động và chủ quan thì cũng không thể là lý do cấm biểu tình ngày 18-5. Bởi vì:
– Cuộc biểu tình ngày 18-5 có thông báo trước cả mấy ngày, có ngày giờ, địa điểm rõ ràng. Các lực lượng chức năng tha hồ chuẩn bị.
– Nơi “đăng ký” (tạm gọi như vậy) biểu tình 18-5 là hai trung tâm Hà Nội và Sài Gòn, ngoài ra chỉ có Nha Trang và Long An, tất cả đều không phải là những nơi tập trung công nhân Trung Quốc, khác hẳn Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh.
– Cùng thời gian xảy ra bạo động ở ba tỉnh trên, biểu tình của công nhân Thái Bình và Vũng Tàu, những nơi cũng có người Trung Quốc, nhưng không có côn đồ gây rối, phá phách, thì cuộc biểu tình đã diễn ra rất trật tự.
– Nơi có người lãnh đạo đứng ra nói đôi lời với người biểu tình thì kết quả lại càng vô cùng tốt đẹp, đó là thành phố Vũng Tàu.
Cân nhắc các điều kiện trên, tại Hà Nội và Sài Gòn, đều không lo yếu tố “nhạy cảm” là người Trung Quốc, vì người Trung Quốc không tập trung đông như các tỉnh trên. (Thực ra yếu tố này cũng không sao cả nếu sau này công nhân được tổ chức và có sự bảo vệ tốt của lực lượng chức năng).
Hà Nội và Sài Gòn lại có truyền thống biểu tình ôn hoà. Thực tế qua các cuộc biểu tình chống Trung Cộng các năm 2011, 2012 (gần 20 cuộc) do nhân sỹ, trí thức làm nòng cốt đã chứng tỏ việc biểu tình luôn diễn ra rất ôn hoà. Một số cuộc biểu tình có cảnh nháo nhác, ầm ĩ là do công an đàn áp quá thô bạo, nếu không, có lẽ một ngọn cỏ cũng không sợ bị giập nát (vì người biểu tình luôn có ý nhắc nhở nhau cả những cử chỉ nhỏ này).
Còn nếu bảo sợ côn đồ lợi dụng để phá hoại thì vô lý quá. Chẳng lẽ lực lượng vũ trang, bao gồm an ninh, công an, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, quân đội, dân phòng, các lực lượng này vô cùng đông đảo, được trang bị đầy đủ, được huấn luyện tinh nhuệ (nhiều năm qua thường xuyên diễn tập chống bạo động) mà lại thua mấy chục tên côn đồ, đầu gấu?
Trong cuộc biểu tình ngày 11-5, có vài xung đột nhỏ giữa bên “quốc doanh” và bên “phi quốc doanh” – bên “quốc doanh” cố ý chiếm chỗ, nói xấu và thậm chí gây gổ với bên “phi quốc doanh”, thế mà người biểu tình vẫn tự giải quyết được, không có xô xát, chưa cần đến lực lượng chức năng. Bởi vì đa số người biểu tình ít nhiều đều ý thức được, trong lúc Tổ quốc lâm nguy, thì Tổ quốc là trên hết. “Cứ đi cùng chiều với nhau là tốt rồi” – lời TS. Nguyễn Quang A, và tôi muốn nói thêm: nếu là ta cả thì có gì mà phải sợ nhau.
Ấy thế mà không khí trước, trong và sau 18-5 là cả một không khí cực kỳ căng thẳng, nói chính xác là cực kỳ lo lắng và sợ hãi từ phía chính quyền. Sợ hãi lòng yêu nước của nhân dân, cái mà bây giờ đang rất cần, cái đang quyết định sự tồn vong của dân tộc Việt Nam.
Ở đây cũng cần phải nói thêm: các ngành các cấp đã thể hiện đúng tinh thần Công điện và Chỉ thị của Thủ tướng chưa? Nguyên văn Công điện số 697 / CĐ - TTg ngày 15-5-2014 không có một chữ nào cấm biểu tình cả. Công điện chỉ yêu cầu: “Chủ động và kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi kích động manh động, vi phạm pháp luật”, “tuyên truyền vận động nhân dân không có những hành vi vi phạm pháp luật, không nghe kẻ xấu, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự…”.
Sang đến Chỉ thị ngày 17-5-2014 thì có khác nhưng cũng không cấm biểu tình bày tỏ lòng yêu nước mà chỉ cấm “biểu tình trái pháp luật”. Nguyên văn: “kiên quyết không để xảy ra biểu tình trái pháp luật và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi tuyên truyền kích động”; “các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia biểu tình trái pháp luật”.
Còn các tin nhắn vào điện thoại ngày 17-5 đều nói: “Thủ tướng Chính phủ đề nghị mọi người dân thể hiện lòng yêu nước, không nghe kích động, không tham gia biểu tình trái pháp luật”. Như vậy Thủ tướng còn đề nghị mọi người dân thể hiện lòng yêu nước cơ mà?
Còn biểu tình trái pháp luật là biểu tình có các hành vi bạo lực, phá hoại hay chống lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ biểu tình. Như vậy việc ngăn cản triệt để và bắt bớ người biểu tình yêu nước ôn hoà ngày 18-5-2014 là trái tinh thần Công điện lẫn Chỉ thị của Thủ tướng.
Có người nói rằng đây là cách phòng xa của chính quyền, sợ rơi vào mất kiểm soát. Nếu vậy thì tất cả mọi thứ đều đáng sợ. Vì không có cái gì mà không tồn tại hai mặt đối lập. Lấy ví dụ như các thuốc chữa bệnh, thứ luôn có khả năng gây ra tác dụng phụ. Càng thuốc đặc trị thì khả năng gây tác dụng phụ càng lớn. Nhiệm vụ của bác sỹ là đề phòng và hạn chế tác dụng phụ của thuốc, chứ không phải tẩy chay thuốc. Nhiệm vụ của công an là bảo vệ biểu tình để ngăn chặn, hạn chế bọn người xấu phá hoại và các hành vi quá khích (nếu có), chứ không phải sợ những tiêu cực này mà bóp chết biểu tình, tức bóp chết lòng yêu nước của nhân dân.
Vả lại lòng yêu nước là cái không dễ kiểm soát được bằng các biện pháp hành chính. Lòng yêu nước do truyền thống dân tộc hun đúc hàng nhìn năm mà có, như một thứ truyền lại trong huyết quản. Càng cấm đoán lại càng có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.
Cũng cần phải nói thêm: Cuộc chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX dưới sự lãnh đạo của triều đình Tự Đức thất bại vì mang cái tinh thần “sợ dân hơn sợ giặc”. Cho nên luôn hành động bất nhất và cầm chừng. Suốt gần ba mươi năm kháng chiến ròng rã, có quá nhiều cơ hội để đánh bật thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi, nhưng cứ đang trên đà thắng thì lại cầu hoà, còn lúc thua thì vô cùng hoang mang, chấp nhận mọi điều kiện do kẻ thù đưa ra. Cứ mỗi lần như vậy lại mất một mảng lãnh thổ và nhiều quyền về ngoại giao. Và cuối cùng khi sức tàn lực kiệt, thực dân Pháp đánh một đòn quyết định vào thẳng kinh thành Huế, thế là triều đình đầu hàng hoàn toàn.
Nhiều người đã đề cập hiện tượng nhân dân ngày càng mất niềm tin vào chính quyền. Nhưng sự mất niềm tin của chính quyền vào nhân dân có lẽ còn tai hại hơn nhiều sự mất niềm tin của nhân dân vào chính quyền.
Tổ quốc đang trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Bệnh quỷ cần thuốc tiên. Thuốc tiên ấy là lòng yêu nước của nhân dân. Hầu như ai cũng thuộc lòng những lời sau đây của Cụ Hồ mà chẳng lẽ lại không chịu nghe Cụ Hồ:
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước”.
Đào Tiến Thi
(Đêm không ngủ 18-5-2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét