Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy liên minh giai cấp công nông, trí thức và nhiều giai tầng khác trong xã hội thông qua những cuộc biểu tình, mít tinh, tuần hành… đã tạo sức mạnh và có những đóng góp quyết định giành chiến thắng cho Đảng Cộng sản. Xin điểm qua vài sự kiện:
-Trước năm 1930: Hàng chục cuộc biểu tình, tuần hành, đình công ở khắp 3 miền, dù mang dấu chỉ tự phát nhưng đó thực sự là những “tia lửa” đầu tiên nhen nhóm “ngọn lửa” cách mạng sau này. Có những vụ việc như biểu tình và đình công ở Xưởng đóng tàu Ba Son quy mô chỉ khoảng vài ngàn người nhưng đã tạo áp lực lớn cho chính quyền thực dân Pháp. Đây là cuộc đình công mà theo lãnh tụ Đảng Cộng Sản Hồ Chí Minh nhận xét: Tuy mang yếu tố tự phát nhưng đã bộc lộ sức mạnh và dấu hiệu thời đại.
-Từ 1930- Trước Cách mạng Tháng Tám 1945: Hàng trăm cuộc biểu tình mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931) đã được ghi vào sử sách: Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên/ Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên/Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi…(Bài ca Cách mạng-Đặng Chánh Kỷ). Đây cũng là tiền đề để có một Cách mạng tháng Tám giành lấy chính quyền từ tay thực dân Pháp và chấm dứt luôn chế độ phong kiến.
-Từ 1954-1975: Đất nước chia cắt 2 miền Nam, Bắc. Vì sự nghiệp thống nhất đất nước xuất phát từ trái tim, nhân dân miền Nam đã nghe theo tiếng gọi từ miền Bắc, ròng rã hơn 20 năm tranh đấu không mệt mỏi. Trong đó phải kể đến hàng trăm, hàng nghìn cuộc biểu tình, tuần hành… của nhiều lực lượng yêu nước như công nhân, nông dân, sinh viên, lực lượng tôn giáo…
Từ những câu chuyện lịch sử nói trên, có thể dẫn đến kết luận sau:
1.Ý chí đấu tranh và nguyện vọng của nhân dân luôn xuất phát từ lòng yêu nước, hướng đến một Việt Nam độc lập, tự do và Tổ quốc Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ.
2.Nhân dân đã tin vào vai trò, sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như chính quyền mà Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng nên.
Vì lẽ đó, trong giai đoạn hiện nay, trước họa xâm lẳng từ quốc gia láng giềng Trung Quốc thì những cuộc biểu tình của nhân dân là hết sức chính đáng. Đảng, Nhà nước nên khuyến khích và xem đó là vũ khí quan trọng trên mặt trận ngoại giao. Nếu có những hành vi sai trái thì/phải xem đó là thiểu số không đại diện cho toàn thể và hoàn toàn có thể quản lý/giải quyết bằng pháp luật.
Sự lên tiếng của các tầng lớp nhân dân chí ít cũng cho thấy họ còn có sự tin tưởng vào Đảng và chính thể hiện thời. Dù bằng cách nào cũng không nên xúc phạm/mạt sát/trấn áp tinh thần yêu nước và lòng trung thành của số đông.
Nhà văn Mark Twain có nói, đại ý: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc. Và chính quyền nếu nó xứng đáng với điều đó.
Kết luận cuối cùng: Dù bằng cách nào cũng không nên cấm đoán/dồn ép/ lăng mạ…tinh thần yêu nước của nhân dân. Bởi khi điều đó xảy ra thì không có con đường nào ngắn hơn để đẩy/đuổi lòng trung thành của người dân với chính quyền đi đến giới hạn.
Một người yêu Nước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét