Những ngày qua, người dân cả nước cách này hay cách khác cũng đã “ứng phó tức thời” khi chủ quyền đất nước bị đe doạ. Song ứng phó kiểu bạo động như đã xảy ra ở một số khu công nghiệp tại Bình Dương, Hà Tĩnh thì sao? Ông nhìn thấy gì từ vụ việc đó?
Nhà cầm quyền Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan ngoài biển mà trên đất liền dậy sóng. Thật là một tình huống mà người Việt Nam khó lòng lường trước được.
Điều này cho thấy tình hình phức tạp hơn chúng ta tưởng. Rất nhiều điểm yếu cốt tử của Việt Nam đã lộ ra trong cuộc bạo loạn này. Thì ra sự ổn định của Việt Nam, thường được nêu như một trong những ưu điểm để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng không được như người ta tưởng. Rất nhiều rạn nứt của xã hội ẩn giấu phía sau chỉ chờ cơ hội để bùng lên. Vì thế, thay vì theo đuổi một sự ổn định không vững chắc, cần nhìn thẳng vào nguyên nhân của các rạn nứt này để xử lý và kiến tạo một sự phát triển bền vững thực sự.
Trước một sự việc, để nói đúng, làm đúng, điều đầu tiên cần hiểu đúng. Nhưng sự thật thì thông tin, nhất là thông tin chính thức từ chính quyền xung quanh vấn đề biển Đông - thời gian qua đến với người dân khá chậm chạp trong khi các luồng thông tin không chính thức lại rất đa dạng khiến việc xác tín không hề dễ dàng...
Thông tin bị nhiễu thì cũng là chuyện thường thấy trong những chuyện phức tạp như thế này. Vì sự thật thường ẩn giấu, mà truyền thông nhiều khi không tiếp cận được ngay, hoặc có tiếp cận được nhưng lại diễn giải sai, dẫn đến nhiều thông điệp khác nhau, nên tạo cảm giác gây nhiễu. Nhưng cuối cùng thì sự thật vẫn hiển lộ rõ ràng, nếu nó không bị bóp nghẹt một cách chủ ý. Trong lúc chờ đợi như vậy, cách tốt nhất để có thông tin tốt là đọc từ nhiều nguồn tin khác nhau, từ nhiều phía nhiều chiều, đặc biệt là từ những nguồn thông tin khả tín. Đó có thể là báo chí, cũng có thể là phần điểm tin hay bình luận của các nhà quan sát công tâm.
Làm sao để lan toả cái đúng, cái tốt, hạn chế được những cái xấu trong trường hợp này, thưa ông?
Minh bạch thông tin để phản ứng nhanh và chính xác, từ những cấp cao nhất. Tôi cho rằng minh bạch thông tin để người dân có cơ sở để hành xử, thay vì đoán mò và tin theo lời đồn, là giải pháp quan trọng nhất.
Muốn vậy, chính phủ cần định hình một chiến lược ứng xử thống nhất trong những vấn đề liên quan đến biển Đông. Chiến lược đó phải đặt chủ quyền, lợi ích quốc gia và quyền được biết của người dân lên trên hết.
Nhìn lại toàn bộ cách thức bày tỏ lòng yêu nước vừa qua của người dân, lại nhớ tới tư tưởng “Khai dân trí” của cụ Phan Chu Trinh. Trong tình hình thực tế này, ta phải học tư tưởng của cụ sao cho đúng?
Khai dân trí là vấn đề chung. Lúc nào cũng cần. Mà hiện tại lại càng cần. Nhưng trong trường hợp cụ thể này, nguyên nhân không hẳn là do dân trí. Nguyên nhân thực sự của những bạo động này, và động cơ nào thúc đẩy những việc này xảy ra, hiện vẫn chưa rõ ràng. Nhà chức trách chắc hẳn sẽ có những điều tra để tìm ra nguyên nhân thực sự trong thời gian tới.
Nhưng dù nguyên nhân nào đứng sau các bạo động này đi nữa, thì chắc chắn có một nguyên nhân trực tiếp, đó là có sự buông lửng trong việc truyền đạt thông tin từ lãnh đạo xuống người dân. Lãnh đạo thì im lặng và không có bất cứ hướng dẫn cụ thể nào, còn người dân thì tự phát hành động. Giá như có những thông điệp và hướng dẫn cụ thể từ phía chính quyền thì những chuyện đáng tiếc này đã không xảy ra.
Vậy thì theo ông, lãnh đạo nhà nước nên làm gì trong tình hình hiện tại?
Lãnh đạo tức là dẫn dắt. Do đó lãnh đạo phải chủ động đi trước và dẫn dắt nhân dân. Nhưng trong trường hợp này, thay vì đi trước, lãnh đạo lại đi sau, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Vậy thì các lãnh đạo phải làm gì để thể hiện đúng vai trò lãnh đạo? Tất nhiên là phải lắng nghe dân, phải đặt lợi ích của đất nước và dân lên trên hết. Những việc này khó thì cũng thật là khó, mà dễ thì cũng thật là dễ, vì chỉ cần một cái Tâm trong sáng là đã có thể khởi động được rồi. Những vấn đề kỹ thuật sẽ có các chuyên gia trợ giúp.
Trong cái khó thường ló cái khôn. Ông có nghĩ đến cơ hội nào cho Việt Nam từ tình thế khó khăn hiện nay không?
Tôi vẫn có một suy nghĩ lạc quan rằng, đây là cơ hội để Việt Nam nhìn lại mình, nhìn lại người hàng xóm phương Bắc, và bản chất của mối quan hệ Việt – Trung, để có những điều chỉnh chiến lược, cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Vậy nên, trong nguy có cơ, trong họa có phúc. Vấn đề là có nhìn ra và đủ bản lĩnh để hiện thực hóa hay không thôi.
Hiện thời, các ứng phó tức thời nhằm bảo vệ chủ quyền là cần thiết, nhưng về lâu dài, chủ quyền chỉ có thể được đảm bảo nếu Việt Nam phát triển đủ mạnh, tối thiểu phải chạm được vào ngưỡng của các nước phát triển, thì các chính sách bảo vệ chủ quyền mới có thể thực thi hiệu quả.
Mà để làm được như vậy, thì các trụ cột của một xã hội phát triển phải được bổ sung và bồi đắp ngay từ bây giờ. Đó là gì vậy? Theo tôi thì đó không là gì khác, ngoài: con người tự do, xã hội dân sự, thể chế dân chủ, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền.
Chỉ khi nào năm trụ cột này được thừa nhận và bồi đắp thì đất nước mới phát triển được. Còn nếu không thì rất khó, cứ mãi quẩn quanh như kiến bò miệng lỗ mà thôi.
Các vụ bạo động vừa qua của công nhân trong nước cho thấy chúng ta chưa có chiến lược và năng lực tốt để sử dụng và phát huy một vũ khí vô song ngàn đời của dân tộc, đó là ý chí quật cường và lòng yêu nước của nhân dân. Vấn đề kích động có thể có, nhưng nó không phải là yếu tố chủ đạo. Người xưa có nói, tính xúc cảm mà không có khai sáng thì dễ đi vào đường cụt và hành động dại dột; dũng cảm mà không được khai sáng thì dễ dẫn đến bạo lực; tính hiệp sĩ mà không được khai sáng thì dễ dẫn đến hành động đốt phá. Rõ ràng, hệ thống chính trị - xã hội - kinh tế của chúng ta đều cần có những cải cách sâu rộng để có sức dẻo dai bền vững với những biến động to lớn khôn lường trong khu vực và thế giới trong thời gian tới. - TS. Vũ Minh Khương
Nguyễn Lệ Quyên(thực hiện)
Theo Người đô thị.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét