Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Thằng bán tơ kia giở giói ra

Tờ bao cua Tự Lực Văn Đoàn)

Cách đây mấy năm, trong cuộc thi Ai Là Triệu Phú của đài truyền hình VTV3 Hà Nội, một giảng viên trường Ðại Học Sư Phạm, cô Nguyễn Thị Tâm 27 tuổi, khi trả lời một câu hỏi liên quan đến văn học Việt Nam, đã cho biết cô chưa hề nghe nói tới Tự Lực Văn Ðoàn bao giờ và nói rằng theo cô, có thể đó là tên một gánh cải lương mặc dù có hai chữ văn đoàn ở cuối. Rồi cô giảng viên đại học này khẳng định Nhất Linh là một nghệ sĩ cải lương, còn các ông Hoàng Ðạo, Thạch Lam và Khái Hưng thì cô không rõ có phải là nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh hay không.
Giám khảo cuộc thi cho cô được dùng điện thoại cầu cứu một đồng nghiệp mà cô nói là người đọc rất nhiều sách, kiến thức rất rộng để giúp cô trả lời câu hỏi. Nhưng người đồng nghiệp này (cùng dạy ở đại học với cô) cũng đáp sai tất cả các câu hỏi về Tự Lực Văn Ðoàn và nói Hoàng Ðạo không phải là anh em với Nhất Linh và Thạch Lam.
Năm ngoái, một cô giáo tên là Hà Thị Thu Thủy dậy ở trung học Lômônôxốp thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội thì đã cùng sai lầm với học sinh khi học sinh của cô viết trong bài luận văn rằng “canh gà Thọ Xương” trong một bài ca dao rằng “canh gà” là một món ăn mà em rất muốn được cha cho đi ăn thử một lần. Cô giáo Thủy cho em học sinh 8 điểm và không sửa một chữ nào của bài luận văn. Như thế là cô hoàn toàn đồng ý với chi tiết em học sinh viết trong bài luận. Hồ sơ cho biết cô tốt nghiệp khoa văn của trường Ðại Học Sư Phạm Hà Nội và vừa hoàn tất luận văn thạc sĩ với số điểm 10/10. Sau khi bài luận của em học sinh được cô cho điểm cao được đưa lên báo, cô đã xin nghỉ việc và vào một bệnh viện tâm trí để nghỉ ngơi.
Chi tiết đáng nói nhất trong hai vụ này là cô giáo Thủy đã xin nghỉ dậy còn cô Nguyễn thị Tâm tại cuộc thi của đài truyền hình với những câu trả lời về Tự Lực Văn Ðoàn chỉ bị loại khỏi cuộc thi.
Ông Tú Vị Xuyên mà còn sống thế nào ông chẳng hét ầm lên rằng “... học trò chúng nói tội gì thế / lỡ để hai cô túm được đầu...”
Hai cô giáo dậy văn mà kiến thức về văn học Việt Nam như thế thì dốt thật. Nói câu này thế nào chẳng có người trách rằng lại đem trình độ của các nhà giáo thời Việt Nam Cộng Hòa ra để chê các nhà giáo của cái nước Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc ngày nay.
Nhưng không nói như thế không được, vì những thứ nhà giáo ngu dốt như vậy thì không hề thiếu ở Việt Nam ngày nay. Dẫu có khiêm tốn cách mấy đi chăng nữa thì cũng phải nói ngay rằng chúng tôi hồi còn đi học ở trung học không thể dốt tàn dốt tệ như thế được. Trong giờ kim văn lớp đầu tiên của bậc trung học, lớp đệ thất, chúng tôi đã đọc Anh Phải Sống của Khái Hưng, núi Văn Dú của Thế Lữ, mấy đoạn trích trong Ðoạn Tuyệt của Nhất Linh, một hai bài viết trong Bùn Lầy Nước Ðọng, Con Ðường Sáng của Hoàng Ðạo, và Cô Hàng Xén, Nhà Mẹ Lê của Thạch Lam nên nếu bị hỏi về Tự Lực Văn Ðoàn, chúng tôi ... giỏi hơn cô Nguyễn Thị Tâm đang dạy ở Ðại Học Sư Phạm rất nhiều nhiều.

Xuân Diệu, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng (thời Tự Lực Văn Đoàn)

Mới đây ở Việt Nam người ta đã nói về những thay đổi cần có cho chương trình giáo dục Việt Nam. Tôi không biết những đổi thay đó sẽ như thế nào nhưng biết là trong đó có những thay đổi trong lãnh vực sách giáo khoa.
Những thay đổi, sửa sang đó sẽ như thế nào? Thí dụ trong lãnh vực văn học như kim văn và cổ văn ? Thay đổi ra sao để cải tiến trình độ của các nhà giáo để tránh xảy ra những chuyện ngu dốt như người ta đã thấy?
Câu hỏi này làm nhiều người nhớ tới một cuốn sách nhan đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin in năm 2012. Cuốn sách được nói là của Ðỗ Minh Xuân, một kỹ sư không rõ trong lãnh vực gì. Một người giới thiệu cho biết ông kỹ sư này đã nghiên cứu rất kỹ Truyện Kiều và các tài liệu liên quan đến tác phẩm của Nguyễn Du để đưa ra khoảng một ngàn sửa chữa, dẹp bỏ hẳn những từ ngữ khó hiểu lấy từ chữ Hán và thay thế bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều.
Ðỗ Minh Xuân cho rằng những thay đổi của ông sẽ giúp cho Truyện Kiều của Nguyễn Du hay hơn, dễ hiểu hơn. Ðể làm được việc đó, Ðỗ Minh Xuân đã sửa và thay thế hơn một ngàn chữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng những chữ mà ông cho là dễ hiểu hơn, thuần Việt hơn là nguyên tác của Nguyễn Du.
Truyện Kiều có 3.524 câu thì Ðỗ Minh Xuân lôi hơn một ngàn câu ra sửa. Như vậy, người đàn ông này đã can thiệp vào 1/3 tác phẩm của Nguyễn Du.
Về giá trị của Truyện Kiều thì không cần phải nói ở đây. Những người không ưa Nguyễn Du đả kích ông về thái độ hàng thần lơ láo của ông khi ra làm việc với nhà Nguyễn, nhưng không thấy có một ai chê Truyện Kiều. Cốt truyện có thể là thường thôi. Nhưng khía cạnh văn chương mới là viên ngọc quí của văn học Việt Nam. Văn chương của Truyện Kiều đã được coi là lý do tồn tại của tiếng Việt và nước Việt như một câu nói của Phạm Quỳnh.
Văn chương như thế mà nay bị một người chê là thua chữ nghĩa của ông ta, rồi lại được một người cũng có vai, có vế ở Việt Nam hết lòng xưng tụng, coi cuốn sách của Ðỗ Minh Xuân là “một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều.” Ông này còn nói rằng Ðỗ Minh Xuân có “một tinh thần khoa học nghiêm túc,” rồi “hoan nghênh công phu nghiên cứu” của ông ta.
Tôi muốn nói thêm một điều ở đây rằng đây là lần cuối cùng tôi nhắc đến người đàn ông tên là Ðỗ Minh Xuân bằng chữ “ông” vì sau lần này, cách đề cập tới Ðỗ Minh Xuân sẽ không bao giờ được dùng với chữ “ông” nữa.
Nó hoàn toàn không xứng đáng. Nó chỉ là một thằng dốt, ngu xuẩn, hỗn hào và mất dạy.
Nó tự coi nó là đứa tài giỏi hơn Nguyễn Du, chữ nghĩa hơn nhà thơ Tiên Ðiền, vượt lên trên mọi nỗ lực, mọi việc làm của người đi săn núi Hồng Lĩnh. Nên nó mới đòi sửa lại hơn một ngàn câu trong Truyện Kiều.
Ðể coi nói sửa như thế nào mà nó dám nói rằng nó sửa để làm cho Truyện Kiều hay hơn.
Ở ngay những đoạn đầu của Truyện Kiều nó đã thay thế hẳn câu “Lạ gì bỉ sắc tư phong,” câu tóm gọn được ý chính của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều để đẩy vào câu, “Mỗi người thứ có thứ không” rồi kéo câu kế tiếp lên để thành:
Mỗi người thứ có, thứ không
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Lập tức ý niệm tài mệnh tương đố, con Tạo đánh ghen với má hồng biến mất không sao tìm lại được nữa.
Ở câu “Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung” thì đại danh từ “nghỉ” được thay bằng đại danh từ “ông” cho dễ hiểu và mới hơn, hay hơn Nguyễn Du!
Hai chữ “mạch tương” mà Nguyễn Du dùng để đưa một điển cũ vào hoàn cảnh của Kiều thì bị bỏ hẳn
Vâng lời khuyên nhủ thấp cao
Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương,
để trở thành:
Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng dương
nghĩa là đang suy nghĩ thì trời đã... sáng. Không còn thấy nước mắt của Kiều đâu nữa.
Ðoạn mô tả nấm mồ của Ðạm Tiên nguyên là “sè sè nắm đất bên đường” với hai chữ “sè sè” được dùng để tả ngôi mộ thấp, không được đắp cao lên, nói lên cảnh đìu hiu, không ai chăm sóc của ngôi mộ vô chủ thì bị đổi thành”se se” và giải thích đó là nấm mồ mới đắp, đất hơi se se, chưa hồi phục hẳn.
Trong khi đó, Ðạm Tiên chết đã lâu như lời dẫn của Vương Quan: “Ðạm Tiên nàng ấy XƯA là ca nhi.” Nấm mồ ấy đã “trải bao thỏ lặn ác tà” thì mộ mới đắp lúc nào? Kiều làm thơ tặng Ðạm Tiên thì bị Thúy Vân chê là “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.”
Hiểu bố lếu bố láo như thế rồi sửa thơ của Tiên Ðiền.
Câu 280 hai chữ “Lãm Thúy” rất đẹp bị đổi thành “kiểu dáng.” Ðiển Lam Kiều trong câu 266 bị bỏ hẳn không nhắc tới và thay bằng “đánh liều” nên từ nguyên bản “Xăm xăm tìm nẻo Lam Kiều lần sang” thành “xăm xăm tìm nẻo đánh liều lần sang.”
Hai chữ Hợp Phố trong điển châu về Hợp Phố bị bỏ và thay bằng “chủ cũ.”
Câu “Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này” bị sửa thành “Xưa nay hiếm thấy tài đâu thế này.”
Câu “Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi, Trương” là để nhắc tới Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy thì bị đổi thành “Lứa đôi từng thấy những ngày trái ngang.” Nét bác học điển cố của câu thơ bị loại hẳn.
Câu “Ấy là Hồ Ðiệp hay là Trang Sinh” bị đổi thành “Ấy là trong mộng hay là thực sinh.” Thực sinh là sinh cái gì đây?
Ðiển “trên Bộc trong dâu” bị đổi thành “trên cỏ dưới dâu.”
Câu “nước non luống những lắng tai Chung Kỳ” trở thành “nước non luống những lắng tai ngưỡng vì.” Bá Nha và Tử Kỳ bị đuổi khỏi đoạn dạo khúc cho tiếng đàn rất đẹp của Kiều.
Câu “Thời trân thức thức sẵn bày” bị sửa thành “Quả ngon thức thức xách tay” để thành món ... “to go” cho tiện...
Hai câu: “Trộm nghe thơm nức hương lân / Một nền Ðồng Tước khóa xuân hai Kiều” bị sửa cho dễ hiểu (?) hơn để thành “Buồng đào nơi tạm khóa xuân hai Kiều” cho hai Kiều ngủ bót công an chơi.
Mấy chữ rất đắt của Nguyễn Du cũng bị mang ra dung tục hóa đi rất nhiều như trong câu “Người về chiếc bóng năm canh” bị đổi thành “Người về đơn bóng năm canh.” Rồi hễ cứ chỗ nào có chữ “chiếc” để nói về sự đơn lẻ, cô quạnh là nó thay ngay chữ “chiếc” bằng một chữ khác ngay.
Câu “Trải qua một cuộc bể dâu” là một tóm gọn cả cuộc đời lưu lạc bất hạnh của Kiều thì bị sửa thành “Trải qua MỖI cuộc bể dâu” vì nó lý luận rằng có nhiều cuộc bể dâu nên nói “một” là không đúng. Phải sửa như nó, Ðỗ Minh Xuân, mới hay và đúng.
Thế nên, có mới hơn, có hay hơn, có dễ hiểu hơn thì người ta có thể thấy ngay khi đọc những chữ mà Ðỗ Minh Xuân đã dùng để thay cho những chữ trong nguyên bản của Nguyễn Du.
Khốn khổ là một thằng dốt dám hỗn hào sửa chữ của nhà thơ lớn nhất của văn học Việt Nam rồi lại được một đứa dốt và ngu không kém lôi ra hít hà, khen lấy khen để.
Chuyện học hành của thế hệ học sinh sắp tới sẽ như thế nào với cuốn sách được coi là đóng góp “đáng kể vào việc nghiên cưu Truyện Kiều.”
Ðường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh là thế.

Bố khỉ! Ðúng như Nguyễn Khuyến đã viết trong một bài thơ vịnh Kiều:
Thằng bán tơ kia giở giói ra
Làm cho bận đến cụ Viên già...
Chỉ khác thằng bán tơ là một thằng ranh con dốt nát và mất dạy. Cụ Viên thì là nhà thơ Tiên Ðiền mà thôi

Bùi Bảo Trúc 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét