Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Tự do học thuật: Nền tảng vững chắc để Việt Nam trỗi dậy

Tự do học thuật là vấn đề then chốt trong việc nâng cao dân trí. Một nền học thuật không tự do, tức là không có sự lành mạnh thì không có giáo dục nhân văn, không có tự do tư tưởng, và điều đó đồng nghĩa với việc hết thế hệ này đến thế hệ khác, người dân trở thành đám đông bị dắt mũi bởi các thế lực kiểm soát hệ thống.
Chính trị hóa nền học thuật là một trong những trở ngại lớn cần phải đối mặt ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Bởi, bản chất của học thuật là hoàn toàn “vô chính phủ”, nghĩa là để giữ một thái độ khách quan và vì cộng đồng, giới học giả cần thiết phải đứng ngoài sự ảnh hưởng tư tưởng của nhà nước hay dân tộc của mình. Đương nhiên điều này là rất khỏ thực hiện và khó được chấp nhận. Tuy nhiên, nếu Tự do học thuật chỉ được hiểu là chống lại chính trị hóa học thuật thì đó là cách nhìn hoàn toàn thiển cận về vấn đề này. Bởi khả năng “chính trị hóa học thuật” chỉ có thể thực hiện được khi nền học thuật ấy đang ở trong những tình trạng sau:
Độc quyền thông tin và kiến thức 
Ở Việt Nam, nếu ai đã từng là một sinh viên , chắc hẳn phải trải qua cảnh khó khăn trong việc tìm số liệu hoặc tài liệu để hoàn thành bài luận của mình. Không dễ dàng gì để các sinh viên tiếp cận với các viện nghiên cứu chuyên ngành, hay thậm chí là bất lực trong việc xin xỏ từ thư viện của khoa. Các thư viện công như Thư viện Quốc gia hay Thư viện địa phương, các bạn chỉ có thể tiếp cận các sách tồn kho của các Nhà xuất bản, và muốn nghiên cứu chuyên sâu các bạn phải có giấy giới thiệu của cơ quan nghiên cứu nào đó như Viện chuyên ngành hoặc trường đại học. Nếu bạn là một người nghiên cứu tự do mà không thuộc bất cứ cơ quan nghiên cứu nào lại càng khó tiếp cận hơn với các tư liệu chuyên ngành. Điều này dẫn đến một tình trang là đa số công chúng không hiểu các cơ quan nghiên cứu (đặc biệt là trực thuộc nhà nước) đang làm gì.
Đây là một điều hoàn toàn bất hợp lý. Ngân sách đổ vào các Cơ quan nghiên cứu nếu không phải từ Ngân quỹ nhà nước thì cũng từ các quỹ hỗ trợ học thuật của cộng đồng (đa phần là các NGO nước ngoài). Xuất phát điểm của những quỹ này đều đến từ người dân hay cộng đồng, và bởi thế các công trình nghiên cứu (nếu không thuộc bí mất quốc gia) phải được công bố công khai để bất cứ ai cũng có thể tiếp cận khi cần thiết. Điều bất hợp lý này trong nhiều năm không ai để ý và coi đó là đặc quyền của các Cơ quan nghiên cứu. Họ đã quen với lối nghĩ ngân sách của nhà nước hỗ trợ thì các công trình chỉ phục vụ nhà nước mà quên mất rằng ngân sách đó được gây dựng bằng tiền thuế của dân chúng. Bạn thử nghĩ xem, việc giữ khư khư kho tư liệu khổng lồ ấy liệu có phải là điều hợp lý?
Tình trạng độc quyền thông tin và kiến thức như hiện nay là tiềm ẩn cho một nguy cơ tập đoàn hóa nền học thuật giống như tình trạng ở Mỹ hiện nay. Gỉa sử một ngày các cơ quan nghiên cứu sẽ không còn trực thuộc nhà nước và không còn được hỗ trợ ngân sách nữa, các cơ quan này sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn quỹ từ các tập đoàn và đem các công trình cũng như số liệu phục vụ mục đích tập đoàn. Trong khi ấy, nhiều chục năm trời, kho tự liệu được gây dựng nhờ vào tiền thuế của dân. Những người đấu tranh cho tự do thông tin ở Mỹ đã và đang chống lại tình trạng này một cách kịch liệt. Aaron Swartznhân vật thủ lĩnh của phong trào này đã bị ám sát một cách bí ẩn, bởi lẽ phong trào này đã làm lung lay thế độc quyền của chính phủ Mỹ về một quyền lực mà ít người để ý đến. (Mời các bạn đọc thêm vềAaron Swartz – chàng Robinhood của thời đại thông tin, và Bản Tuyên ngôn tự do truy cập thông tin )
Nhiều người sẽ viện dẫn Luật Bản quyền và Sở hữu trí tuệ để biện minh cho tình trạng trên, nhưng thử hỏi những điều luật đó có được tôn trọng đúng đắn và xây dựng các điều khoản dựa trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của tác giả và người sáng tạo hay bảo vệ một nhóm lợi ích nào đó? Nếu để phục vụ nhóm lợi ích thì vô tình Luật Bản quyền và Sở hữu trí tuệ lại trở thành công cụ cho các nhóm lợi ích giữ thế độc quyền thông tin và kiến thức (Mời các bạn đọc thêm bài Download là độc ác – Theo giáo trình mà các tập đoàn soạn cho trẻ em )
Tại sao họ cần độc quyền thông tin và kiến thức đến vậy? Ở khía cạnh tập đoàn thì chúng ta có thể thấy quá rõ ràng, đó là để phục vụ lợi nhuận  Ở khía cạnh cá nhân, đó là cơ hội để một số thành viên của các cơ quan nghiên cứu này giữ mãi vị trí độc tôn và thẩm quyền định hướng dư luận, tránh được các phản biện cũng như cạnh tranh từ những nhà nghiên cứu độc lập. Nếu theo dõi những cuộc tranh luận các vấn đề học thuật trong giới học giả, các bạn sẽ thấy rằng đó là những cuộc lời qua tiếng lại mà chỉ họ hiểu với nhau, công chúng hoàn toàn bị đẩy ra ngoài cuộc. Trong khi, các công trình học thuật để làm gì nếu không phục vụ chính cộng đồng?
Thiếu tự do tư tưởng
Khi một chủ nghĩa hay một tư do được áp đặt, trở thành độc tôn trong xã hội thì nó trở thành một hệ quy chiếu chính trong nền học thuật. Những tác phẩm có tư tưởng khác với tư tưởng độc tôn sẽ bị thải loại hoặc lãng quên trong góc kín của thư viện, những học giả đi theo tư tưởng dị biệt sẽ không có vị thế và tiếng nói trong giới học thuật.
Một khi sự thiếu tự do tư tưởng bị đẩy lên cấp độ chính trị hóa, có nghĩa là sử dụng các quan điểm chính trị để bài xích một tác phẩm hay một công trình nào đó thì hiện trạng bất công sẽ xảy ra. Các luận điểm chính trị lại trở thành công cụ để các cá nhân đấu đá nhau nhiều hơn là góp phần bảo vệ và góp phần xây dựng quốc gia.
Tự do tư tưởng là một yếu tố cần thiết để có nền học thuật tự do. Chỉ khi các tư tưởng hay chủ nghĩa được tôn trọng ngang nhau và có quyền được biểu lộ công khai thì các học giả mới giữ được sự công tâm của mình và xã hội mới hình thành được một cơ chế phản biện cũng như tự do ngôn luận có văn hóa. Giống như Triết gia thời Khai Sáng là Voltaire đã từng khẳng định: “Tôi không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền được nói ra điều đó của bạn”
Công chúng trở thành người ngoài cuộc
Như đã nói ở trên, bấy lâu nay công chúng trở thành người ngoài cuộc và gần như không biết thông tin gì về hoạt động của các cơ quan nghiên cứu. Ở những thế kỷ trước, khi Internet chưa xuất hiện, việc độc quyền trở thành mặc nhiên do các khó khăn về việc in ấn và truyền thông. Nhưng hiện nay, Internet đã xóa bỏ được những khó khăn ấy. Thế nhưng công chúng vẫn là kẻ ngoài rìa.
Các học giả vốn không coi trọng quyền được phản biện và thẩm định của công chúng. Họ vẫn coi rằng công chúng là một đám đông hỗn tạp. (Khi tôi nhắc đến từ “công chúng” có nghĩa là tôi nhắc đến một tập hợp những người đọc, tìm hiểu và quan tâm đến vấn đề học thuật, công chúng có đối tượng của mình còn đám đông thì không.) Công chúng đang ngày càng trở nên thông minh hơn sự tưởng tượng của các học giả nhờ vào việc tìm tòi ở các thư viện mở trên Internet. Cái họ thiếu để không thể trở thành một học giả được không phải ở khác biệt về khả năng tư duy mà có thể chỉ là vì kỹ năng viết lách, vị thế nghề nghiệp và quan trọng hơn hết: các đặc quyền về thông tin.
Bấy lâu nay, giới học thuật vẫn giữ thái độ từ cách đây mấy trăm năm, tự giam mình trong “tháp ngà”, coi thường công chúng, bởi thế, nền học thuật trở thành chiến trường để sát phạt cá nhân nhiều hơn là một tinh thần tự do học thuật. Khi thẩm quyền của công chúng được tôn trọng, nền học thuật mới tránh được tình trạng những cá nhân hoặc những nhóm lợi ích muốn thao túng bằng quyền lực để điều hướng dư luận xã hội.
Cần thiết phải xây dựng nền học thuật lành mạnh và tự do cho một Việt Nam trỗi dậy 
Nền tảng học thuật là cơ sở vững chắc cho chiến lược phát triển của một quốc gia. Để có nền giáo dục vì con người thật sự, nền tảng học thuật là cơ sở khoa học đồng thời cũng là cơ hội cho mỗi học sinh, sinh viên có thể tự học thay vì phụ thuộc toàn bộ vào trường lớp. Để có một chính sách tốt và thiết thực, nền tảng học thuật cung cấp cho chính phủ và các bộ ngành cơ sở dữ liệu để kiểm chứng chính sách ấy.
Nhưng nền tảng học thuật sẽ trở thành phản tác dụng nếu nó cực đoan, một chiều và bị quyền lực can thiệp, thao túng. Khi ấy, các chính sách sẽ không còn được đưa ra chuẩn xác và thực tế. Hãy thử tưởng tượng ở trong tình trạng khẩn cấp và nguy biến, chính phủ hay cộng đồng phải quyết định một chính sách mà không dựa trên các cơ sở dữ liệu thực tế mà dựa trên những thông tin sai lệch? Có lẽ không cần phải bàn thêm về hậu quả.
Muốn phát triển và xây dựng đất nước vững mạnh thì nền móng phải vững chắc, mà nền học thuật chính là một bộ phận quan trọng trong nền móng ấy. Nếu Việt Nam lại một lần nữa trỗi dậy trên nền đất lún thì thật là nguy hiểm biết bao. Và nếu các cơ quan nghiên cứu và các học giả chính thống hiện nay không hiểu cũng như không có ý định xây dựng một nền tự do học thuật thì đây lại trở thành trách nhiệm của công chúng và có lẽ đã đến lúc công chúng cần tự khẳng định thẩm quyền của chính mình. Công chúng có thể lại là những người sẽ đấu tranh để cho chính các học giả được tự do lên tiếng như tinh thần mà Voltaire đã cổ vũ từ thời Khai Sáng.
Hà Thủy Nguyên
PS: Hiện nay Book Hunter được biết một số cơ quan nghiên cứu chính thống đã công bố các hoạt động hoặc các tư liệu của mình lên Internet, xin được giới thiệu cùng các bạn, rất mong các bạn có thể giới thiệu thêm các website khác mà Book Hunter chưa biết:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét