Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Xem lại vụ án "Xét lại chống Đảng".(P2)

Chuyên mục "NÓI VỚI NGƯỜI CỘNG SẢN
(ĐLSN)
Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Như đã hẹn nhau kỳ trước, hôm nay chúng ta cùng xem lại vụ án "Xét lại chống Đảng".

Xem lại vụ án "Xét lại chống Đảng" (P1)

o0o

Xem lại vụ án "Xét lại chống Đảng" (P2)

Nói Với Người Cộng Sản
Chủ Nhật 17.08.2014

Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Vụ án "Xét lại, chống Đảng" như chúng ta biết đã xảy ra cách đây 50 năm và gây ra nhiều oan khiên, đau đớn tày trời cho chính những người cộng sản cao cấp.
Ngay từ đầu những năm 1980, đã có rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi tới giới lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam đòi xét lại vụ án và trả lại danh dự cho các nạn nhân. Nhưng tất cả các đơn thư đó, như chúng ta có thể đoán ra, đều không có hồi âm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, vợ góa của ông Phạm Viết-người đã chết trong tù trong vụ án "Xét lại, chống Đảng", và chính bản thân bà Lan cũng bị cầm tù 2 năm rưỡi, đã viết khiếu tố vào ngày 02 tháng 05 năm 1981, trong đó bà than rằng:
"Trong những năm qua tôi đã gửi nhiều đơn đến các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trình bày về sự đối xử bất công tôi phải chịu đựng trong gần 14 năm trờí,..., nhưng chẳng một cơ quan nào đoái hoài. Khi tôi trực tiếp hỏi thì cơ quan này đẩy cho cơ quan kia và không có lấy một lời giải thích."
Tuy nhiên, trong vụ án "Xét lại, chống Đảng" chúng ta cần ghi nhận hai tấm lòng cộng sản thuộc loại cao cấp đã phục thiện. Đó là ông Nguyễn Trung Thành và ông cựu đại tá công an Lê Hồng Hà.
Khi vụ "Xét lại, chống Đảng" xảy ra năm 1964, ông Nguyễn Trung Thành đã giữ một chức lớn, chức Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng từ năm 1962, và ông Thành là người tin cẩn nhất, tâm phúc nhất của ông Lê Đức Thọ - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng – nhân vật điều khiển vụ án. Nhưng ngày 03 tháng 02 năm 1995 ông Nguyễn Trung Thành đã viết một bức thư gửi cho Bộ Chính trị cộng sản Việt Nam với ý kiến thế này:
"Qua nghiên cứu một cách tỷ mỷ nghiêm túc và thận trọng, tôi nhận thấy một cách có căn cứ rằng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trước đây khi kết luận về vụ án đã tin vào những báo cáo của Ban chỉ đạo vụ án. Những báo cáo đó đã không dựa vững chắc trên những cơ sở khách quan có thực, mà chỉ dựa vào một số lời khai (bản thân những lời khai này có nhiều mâu thuẫn giữa người này với người khác và giữa lời khai trước và sau của cùng một người) mà không được xác minh cẩn thận... Do báo cáo của ban chỉ đạo thiếu cơ sở chứng cớ, nên các kết luận của Bộ Chính trị và của Trung ương đều thiếu căn cứ xác thực...
Với sự thôi thúc của lương tâm hàng ngày hàng giờ bị cắn rứt, tôi cho rằng vấn đề cấp bách hầng đầu hiện nay là phải giải oan cho những đồng chí đã bị bắt, xử trí oan."
Hơn một tháng sau, ngày 20 tháng 03 năm 1995 ông Nguyễn Trung Thành lại gửi tiếp một kiến nghị dài 14 trang trong đó ông Thành trình bày cụ thể và phân tích, chứng minh rất chi tiết tính chất trái pháp luật và cách đối xử dã man đối với các nạn nhân của vụ án, cuối kiến nghị ông Nguyễn Trung Thành đề xuất:
"Từ những nhận định như trên, chúng tôi kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số công việc cấp bách trước mắt:
1. Giao cho Ban tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu giải quyết một số quyền lợi cấp bách đối với những người bị xử lý oan và gia đình.
2. Chỉ thị cho Bản Bảo vệ chính trị nội bộ huy động cán bộ (kể cả các cán bộ đã tham gia vụ án trước đây) nghiên cứu lại toàn bộ các tài liệu của vụ án và các đơn thư khiếu tố, để có thể báo cáo tường tận với Bộ Chính trị và Ban Kiểm tra Trung ương (hoặc Ban Thẩm tra do Bộ Chính trị thành lập). Cần báo cáo rõ những quan điểm khác nhau nếu có.
3. Nếu cần thiết sẽ lập ra một Ban Thẩm tra lại vụ án gồm có những cán bộ có năng lực và có uy tín để xem xét lại toàn bộ vụ án.
Còn ông cựu đại tá công an Lê Hồng Hà, chúng tôi tin phần nhiều quí vị, quí bạn đã biết, đó là một cán bộ công an cao cấp đã có tiếng nói đòi hỏi dân chủ, đa nguyên mạnh mẽ từ vài chục năm qua. Ngoài ra, trong vụ việc này, chính ông Lê Hồng Hà là người đã khích lệ, trợ giúp ông Nguyễn Trung Thành trong việc đòi hỏi bạch hóa vụ "Xét lại, chống Đảng" để minh oan cho các nạn nhân như chúng ta vừa nghe.
Nhưng giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam năm 1995 không những không chấp thuận thiện ý của ông Nguyễn Trung Thành và ông Lê Hồng Hà, mà còn thẳng tay trù dập cả hai ông. Ngày 14 tháng 04 năm 1995, tức chỉ hơn hai tháng sau khi ông Nguyễn Trung Thành gửi lá đơn kiến nghị đầu tiên tới lãnh đạo, Bộ Chính trị cộng sản Việt Nam đã ra thông báo số 111 quyết định khai trừ Đảng cả hai ông Nguyễn Trung Thành và Lê Hồng Hà, đồng thời dùng nhiều cách thức hạ tiện để cách ly, bôi xấu và kiểm soát cả hai ông. Tuy nhiên cả hai ông Thành và ông Hà đều không lùi bước. Hai ông vẫn đòi hỏi cần phải bạch hóa tội ác của vụ "Xét lại, chống Đảng", trả lại danh dự cho các nạn nhân.
Ông Nguyễn Trung Thành đã qua đời cách đây vài năm, còn ông Lê Hồng Hà hiện đã ở tuổi cao sức yếu và vụ án "Xét lại chống đảng" vẫn bị lãnh đạo cộng sản ra sức che giấu, làm cho quên lãng.
Chúng tôi hy vọng sẽ có quí vị, quí bạn bước tiếp con đường phục thiện cao cả của hai cán bộ cộng sản cao cấp Nguyễn Trung Thành và Lê Hồng Hà. Đó cũng là bổn phận và trách nhiệm của tất cả chúng ta - những người yêu công lý.
Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn. Tuần tới cũng vào giờ này chúng ta sẽ tiếp tục nói về diễn biến hậu kỳ của biến cố "xét lại chống Đảng" này.
Tiến Văn
17/08/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét