Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Bên thắng/Bên thua & Những kẻ ở bên lề


Tháng 1 9, 2013
Tưởng Năng Tiến
Cơn sốt rét triền miên
Tóc mọc rồi lại rụng
Mùa xuân thành báo động
Đoá hoa nhầu trên tay
Hơn mọi sự anh hùng
Là điều này nhỏ bé
Làm vợ và làm mẹ
Tuổi ba mươi chối từ
Đầu tháng 12 năm trước, Huy Đức cho trình làng Bên thắng cuộc với lời thưa đầu tuy rất tự tín nhưng cũng vô cùng nhũn nhặn:
“Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật. Tuy tác giả có những cơ hội quý giá để tiếp cận với các nhân chứng và những thông tin quan trọng, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, chắc chắn sẽ còn được bổ sung khi một số tài liệu được Hà Nội công bố. Hy vọng bạn đọc sẽ giúp tôi hoàn thiện nó trong những lần xuất bản sau.”
Vài hôm sau, BBC ghi nhận công trình biên khảo của Huy Đức là một trong “Mười chuyện nổi bật ở Việt Nam năm 2012.”  Nói cho chính xác: Bên thắng cuộc không chỉ “nổi bật” ở Việt Nam, và nguyên do cũng không phải chỉ vì “tác giả có những cơ hội quý giá để tiếp cận với các nhân chứng và những thông tin quan trọng” mà (có lẽ) là vì nó đã được viết với sự công tâm – dù mọi vấn đề không hẳn đã luôn luôn được trình bầy một cách khách quan, như mong đợi.
Trước đây, vào năm 2009, nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng đã nói đến cái tâm của người bạn đồng nghiệp của mình với ý (gần) tương tự:
“… có trí lự để viết những bài báo như Huy Đức cũng không ít người, cũng không ít người có thể viết hay hơn, nhưng có cái tâm sáng trưng như thằng Huy Đức để nói thẳng, nói to những điều tâm huyết như nó thì quả là hiếm.”
Nhiều vị thức giả, của cả đôi bên, đã có lời bàn vô (cũng như bàn ra) về Bên thắng cuộc. Thường dân thứ như tôi, cái thứ muôn đời luôn luôn ở về phe nước mắt nên không dám nói leo (hoặc bàn theo) ai mà chỉ xin được phép thưa thêm – đôi lời – về Những Kẻ Ở Bên Lề.
Họ ở bên lề, bị thiên hạ bỏ quên, và chỉ được nhắc đến – với rất nhiều xót xa, và trân trọng – bởi một người ngoại cuộc (*) bằng một thiên tiểu luận ["Trực diện với cái chết và nỗi đau: Vấn đề Thanh niên Xung phong trong Chiến tranh Việt Nam (1950-1975)"] đã được Phương Hoà chuyển ngữ, và đăng thành nhiều kỳ trên diễn đàn talawas.
Chúng tôi xin phép ghi lại vài trích đoạn – ngăn ngắn – với với ước mong được xem đây như một lời tri ân để gửi đến tác giả, cùng dịch giả:
Khi nêu lên vấn đề về bản chất của cuộc chiến, công trình nghiên cứu này nhằm mục đích nghiên cứu lịch sử của một lực lượng xã hội và quân sự có tên là “Thanh niên xung phong” trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam giữa hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và Việt Nam Cộng hòa (miền Nam) chủ yếu diễn ra từ năm 1965 đến 1975. Nụ cười rạng rỡ của các cô gái anh hùng trên nhật báo và phim ảnh tuyên truyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh đã chu du khắp thế giới, nhưng số phận bi thảm của chính những người nữ anh hùng vô danh này vẫn chưa được mọi người biết đến đầy đủ. Vấn đề này vẫn còn mang tính nhạy cảm ở Việt Nam dù người ta đã giới thiệu một bộ sử mang tính thực chứng về cuộc đấu tranh giải phóng đất nước; bộ sử này mới đây đã góp phần trong việc xác định một vị trí quan trọng hơn của các nhân vật lịch sử bị lãng quên, đặc biệt là của thành viên các đoàn Thanh niên xung phong.
- Giống như các đồng nghiệp ở Liên Xô, phụ nữ Việt Nam không những không bị cấm ra mặt trận, mà còn ở ngay chính giữa mặt trận. Các cô gái TNXP trực tiếp tham gia chiến đấu, đặc biệt là trên đường mòn HCM, nơi có sự hoà nhập nhất với quân chủ lực, và với những người trong đội TNXP Giải phóng miền Nam thì chiến đấu là nhiệm vụ chính thức. Như chúng ta thấy, trong phần lớn thời gian, ranh giới giữa bộ đội nơi tiền tuyến và các lực lượng hậu cần không hề tồn tại. Việc lực lượng hậu cần cũng hứng chịu lửa đạn là chuyện bình thường của mọi cuộc chiến, nhưng trường hợp Việt Nam trở nên đặc biệt do một số lý do: độ tuổi tuyển mộ quá trẻ, họ gần như hoàn toàn không được chuẩn bị chút nào, và cách thức quản lý thuần chính trị và quân sự được áp dụng với họ. Sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và cựu cán bộ TNXP bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đau đớn khủng khiếp thường nhật của các cô gái làm việc cùng họ, hoặc dưới quyền họ, phải chịu đựng. Nhưng tất cả bị tấm màn im lặng phủ kiến, bởi người ta muốn đây phải là cuộc chiến tranh nhân dân.
- Đối với những thiếu niên-lính này (thậm chí trong một vài trường hợp là trẻ em-lính), vũ khí chỉ là cuốc chim đơn giản, xẻng lớn và hành trang trí thức ít ỏi mang theo người chỉ là vài năm học sơ cấp ở trường. Họ gặp nhau và chỉ trong mấy ngày là bị đẩy ra tuyến lửa. Không có kiến thức quân sự, tất cả họ đều được huấn luyện tại chỗ như câu khẩu hiệu “Khắc làm, khắc biết” đã tóm ý. Đối với những học sinh nữ ở các thành phố chẳng biết gì ngoài việc cầm bút, tham gia các công việc lặt vặt trong gia đình, hay còn được mẹ nuông chiều và ban đêm vẫn còn sợ ma thì sự hụt hẫng của họ thật dữ dội. Sau khi được tập hợp và biên chế thành đơn vị, những TNXP được nhanh chóng gởi ra tuyến lửa.
- “Những bông hoa trên tuyến lửa” chắc chắn là cụm từ có ý nghĩa nhất và thường xuyên được sử dụng để tóm tắt số phận bi thảm của những cô gái TNXP ngoài mặt trận. Do lực lượng TNXP được hình thành từ hơn 50% là nữ và do người ta vẫn chưa làm được gì nhiều để biết được số phận của họ ra sao, chúng ta hãy thử xem hiện nay chiến tranh còn dai dẳng như thế nào trong thịt da của những đóa “Hoa lan trong rừng cháy” này, như nhà văn Minh Lợi đã nhắc đến điều đó trong truyện ngắn của mình. Từ vài năm nay, những cựu Nữ TNXP thuật lại sự thật họ đã trải qua và nó khác hẳn với chủ nghĩa anh hùng mà Nhà nước vẫn tuyên truyền. Những câu hỏi liên quan đến thân xác của phụ nữ trong hoàn cảnh chiến tranh bắt đầu lộ rõ qua lời kể của những người còn sống sót. Thông qua những câu chuyện kể của họ, họ đòi hỏi phải có một cách nhìn nhận nhất định về chiến tranh gắn liền với nhận định của Svetlana Alexievitch: “Những câu chuyện kể của phụ nữ có một bản chất khác và bàn về một chủ đề khác. Chiến tranh, dưới mắt phụ nữ, có những màu sắc riêng, những mùi vị riêng, cách giải thích riêng và không gian tình cảm riêng của họ. Cuối cùng là những từ ngữ riêng. Người ta thấy trong những câu chuyện đó không có anh hùng cũng chẳng có những chiến công phi thường nào, mà đơn giản chỉ là những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân tính của con người ”.
- “…  thu hoạch của chiến thắng 1975 hoàn toàn chỉ thuộc về đàn ông. Cũng như bao cuộc chiến khác, khi ‘cánh đàn ông từ chiến trường trở về’, dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, tái tạo một Việt Nam xã hội chủ nghĩa chiến thắng và đầy đực tính, đã không đếm xỉa đến sự dấn thân của phụ nữ trong chiến tranh nhân dân.”
Sau cuộc chiến – nếu sống sót – những cành lan trong rừng cháy, những đoá hoa nhầu nát, hay những quả chanh khô (theo như cách nói của đời thường) sẽ trở thành những con số không tròn trĩnh: không chồng, không con, không nhà, và không chế độ!
Đồng đội của họ, những kẻ “may mắn” hơn – vẫn theo ghi nhận của công trình biên khảo thượng dẫn: “… đều được đưa vào đền thờ các liệt sĩ được sử sách chính thức công nhận. Trong số những nữ liệt sĩ nổi tiếng nhất, phải kể đến: mười cô gái tại ngã ba Đồng Lộc ở tỉnh Hà Tĩnh và mười hai cô gái ở Truông Bồn trong tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, mười cô gái tại ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc) ở tỉnh Hà Tĩnh được thần thánh hóa và người ta đã dựng lên một đài tưởng niệm nguy nga để tôn vinh họ.”
Và câu chuyện của “những bông hoa trên tuyến lửa”, khủng khiếp thay, vẫn tiếp tục bị cánh đàn ông Việt Nam “khai thác” dù thân xác họ đã được chôn kín trong … những “đài tưởng niệm nguy nga” – như tiếng kêu thương (thản thốt) vừa nghe được vào hôm 28 tháng 12 năm 2012, của blogger Nguyễn Hữu Vinh:
“Khủng khiếp… Truông Bồn! Nhưng không phải khủng khiếp về sự hy sinh của hàng trăm chiến sĩ nơi đây năm xưa, mà là số tiền khủng của dân mà ngày nay người ta vung vít tung ra, để rồi không tránh khỏi lũ ‘sâu’ tha hồ đục khoét, thế mà cũng chưa rõ là 175 tỉ như nhiều báo đưa, hay là 300 tỉ theo VTV loan báo hôm qua, hay gần 400 tỉ theo dự toán của địa phương từ 4 năm trước. Khủng khiếp nữa là, dường như phong trào quăng tiền tỉ cho những dự án thô kệch một cách thảm hại kiểu này tại xứ sở thuộc loại nghèo nhất nước cứ ngày một dữ dội hơn, nào là Tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc (1998), không rõ bao nhiêu tiền, nhưng làm mất 3 năm; tiếp theo là Cụm tượng đài 10 nữ TNXP Ngã Ba Đồng Lộc (2010), hết 14 tỉ mà chưa đã cơn say, lại thêm Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ ngành GTVT tại Ngã ba Đồng Lộc(2012), thêm 14 tỉ nữa.”
Dù chỉ ở bên lề, và dù đã qua bên kia thế giới, mà còn bị bầm dập (tới) cỡ đó thì trách sao cuộc đời những người trong cuộc không bị te tua – nhất là những kẻ ở bên thua cuộc!
____________
(*) Chú thích của talawas: François Guillemot là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), phụ trách kho tài liệu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Lyon, Pháp). Ông lấy bằng tiến sĩ về lịch sử tại Ecole pratique des hautes études (EPHE, Paris) năm 2003. Hiện ông nghiên cứu về những vấn đề văn hoá trong chiến tranh của người Việt, và về chủ nghĩa dân tộc phi cộng sản của người Việt, chẳng hạn như về Đảng Đại Việt. Tiểu luận này được thuyết trình lần đầu tại hội thảo quốc tế, “Bản sắc cơ thể ở Việt Nam: Chuyển hoá và Đa dạng”, tại Ecole normale superieure lettres et sciences humaines, Lyon. Tác giả cảm ơn Christopher E. Goscha, Agathe Larcher, Claire và William J. Duiker, Vatthana Pholsena, Tuong Vu, Edward Miller và Trang Cao đã giúp ông dịch (từ tiếng Pháp sang tiếng Anh) và hiệu đính tiểu luận này để đăng trênJournal of Vietnamese Studies vào mùa thu 2009.
© 2013 Tưởng Năng Tiến & pro&contra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét