Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Điểm Phim "Les Misérables" – Những Người Khốn Khổ



Chỉ vì một miếng bánh mì mang về cho gia đình sắp chết vì đói, Jean Valjean (Hugh Jackman) bị kết án. Sau 19 năm tù Jean Valjean được tạm tha, con số tù 24601 vẫn theo ông như bóng với hình. Giấy thông hành màu vàng, bằng chứng cho biết người mang nó từng là phạm nhân, khiến ông bị các lữ quán xua đuổi. Jean Valjean suýt phải ngủ ngoài đường, nếu ông không được đức giám mục Myriel (Colm Wilkinson) cho một chỗ trú thân. Nhưng ông “trả ơn” bằng cách ăn cắp những vật dụng bằng bạc của đức giám mục, bỏ trốn, và bị bắt. Đức cha Myriel nhân từ đã cứu Jean Valjean, khi nói với cảnh sát rằng chính ngài tặng tất cả cho Jean Valjean. Tâm hồn thánh thiện của vị tu sĩ già đã cảm hóa sự thù nghịch ứ đầy trong lòng Jean Valjean. Ông cam kết với đức cha Myriel sẽ làm người lương thiện, sẽ giúp đỡ bất cứ ai cùng khốn. Sáu năm trôi qua, Jean Valjean trở thành người giàu có, là chủ một xưởng dệt và là thị trưởng của thành phố Montreuil-sur-Mer. Ông sử dụng tên họ giả Madeleine để tránh sự truy nã của thanh tra Javert (Russell Crowe). Nhưng đành để lộ danh tính, khi một người bị lầm là Jean Valjean phải ra hầu tòa. Đúng lúc này, ông gặp Fantine (Anne Hathaway), nữ công nhân trong xưởng dệt của ông sắp chết. Cô gái đáng thương khi bị sa thải đã phải bán tóc, bán răng, làm gái điếm để có tiền nuôi con gái Cosette (Isbelle Allen) ở trọ trong nhà vợ chồng Thénardiers độc ác (Sacha Baron Cohen và Helena Bonham Carter). Jean Valjean đau đớn, hứa thay cô chăm sóc Cosette. Ông trả tiền cho gia đình Thénardiers, vội vã đưa cô bé chạy trốn lên Paris. Một lần nữa Jean Valjean phải đối diện với những bi kịch, khi mang số phận người tù.

Suốt 150 năm qua, đại văn hào Victor Hugo luôn khiến nhân loại phải khóc, khi cảm nghiệm từng bước đường cùng của những người khốn khổ qua văn tài của ông. Số phận đau khổ của rất nhiều người, đặc biệt là của phụ nữ, được khắc họa rõ nét dưới ngòi bút sắc bén của Victor Hugo. Xuất bản năm 1862, "Les Misérables" được đánh giá là một trong số những tác phẩm lừng danh nhất của nền văn học thế giới, và là một tác phẩm sử thi mang tính hiện thực tiêu biểu của thế kỷ 19 nói chung, của nước Pháp thời bấy giờ nói riêng. "Les Misérables" vừa là khúc bi ca của người đói cơm rách áo, vừa là quyển sử thi kể lại từng biến cố quan trọng xảy ra trong xã hội nước Pháp khoảng 20 năm đầu của thế kỷ thứ 19, kể từ lúc Hoàng Đế Napoléon Đệ Nhất lên ngôi, kéo dài suốt vài thập niên sau đó. "Les Misérables" được công nhận là tấm gương, phản chiếu rất rõ sự khủng khoảng có trong tâm hồn của những người được sinh ra và lớn lên, giữa bối cảnh gia đình phức tạp, giữa một xã hội đầy bất công, đầy tội ác và hình phạt. Xung đột giữa thiện và ác, giữa bình đẳng và bất công, giữa tình thương và thù hận, khiến người ta không thể làm chủ bản thân, không biết phải xoay sở hay cậy nhờ ai để thoát khỏi vòng cương tỏa của hiểm họa. Một nàng Fantine đáng thương, bị lạm dụng, bị ruồng bỏ, đã hy sinh tất cả để đứa con bé bỏng của cô có cơm ăn áo mặc. Một em bé Cosette mồ côi đi lấy nước trong rừng, giữa đêm đông bão tuyết, đan vớ cho con chủ nhà nhưng bản thân mình đi chân đất. Một cô gái Éponine (Samantha Barks) lúc ngang ngược hung dữ, lúc vô cùng cao thượng, dám sống chết vì tình. Một thanh tra Javert lúc nào cũng muốn thực thi pháp luật, bất ngờ phân vân trước tâm hồn cao thượng của kẻ cựu tù Jean Valjean, người mà ông luôn tìm cách bắt giữ. Một Marius (Eddie Redmayne) là sinh viên nhưng hồ đồ, thiển cận khi đánh giá nhân cách của một con người...Tất cả những nhân vật kể trên, phải chăng vẫn tiêu biểu cho cuộc đời của những người có cảnh ngộ như họ, đang sống ở đâu đó trên trái đất này?
"Les Misérable" của Victor Hugo đã được chuyển thể thành hàng chục tác phẩm điện ảnh, nhạc kịch, múa ballet, nhưng luôn thu hút khán giả, luôn nhận được những lời khen tặng của giới phê bình điện ảnh cũng như của công chúng. Cũng giống như vậy "Les Misérable - 2012" của Tom Hooper qua diễn xuất của các tài tử Hugh Jackman, Russell Crowe, Anne Hathaway, Colm Wilkinson, Samantha Barks, Amanda Seyfried, Isbelle Allen, một lần nữa làm cảm động lòng người, khi tái hiện trên màn bạc cuộc sống đau khổ của những kẻ khốn cùng. Đặc biệt nhất là việc các tài tử trực tiếp trình bày bài hát của mình. Nổi bật nhất phải kể đến Ane Hathaway, trong ca khúc "I Dreamed A Dream." Vừa thể hiện tâm lý nhân vật vừa liên tục hát là một thách thức lớn đối với ê kíp làm phim, nhưng kết quả diễn xuất của mỗi một tài tử thật đáng ngưỡng mộ.
"Les Misérables - 2012" do Tom Hooper đạo diễn; hãng phim Universal Pictures phát hành; kịch bản của William Nicholson , Alain Boublil, Claude-Michel Schonberg, Herbert Kretzmer, dựa trên vở nhạc kịch lừng danh "Les Misérables," trình chiếu đầu tiên tại Empire, Leicester Square, Luân Đôn ngày 05-12-2012, trình chiếu ngày 25-12-2012 tại Hoa Kỳ, trình chiếu ngày 26-12-2012 tại nước Úc, và sẽ trình chiếu tại Vương Quốc Anh ngày 11-01-2013… đã nhận được nhiều giải thưởng và nhiều đề cử đặc biệt, như bốn đề cử cho Giải Quả Cầu Vàng lần thứ 70, và là ứng cử viên sáng giá được đề cử tranh giải Oscar lần thứ 85 ở các hạng mục âm nhạc hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nam tài tử xuất sắc nhất dành cho Hugh Jackman, và nữ tài tử phụ xuất sắc nhất dành cho Anne Hathaway.
Thế kỷ 19 đã qua đi. Nhân loại đang sống trong thiên niên kỷ thứ ba, nhưng sự đói rét, sự độc ác, sự nhẫn tâm, sự bất công, sự ngược đãi của thời Victor Hugo không hề biến mất. Ở đâu đó trên trái đất vẫn còn những bé thơ phải làm việc cực khổ như Cosette, vẫn còn những phụ nữ phải bán thân vì nghèo khổ như Fantine, và vẫn còn những người thấp cổ bé miệng bị giai cấp thống trị đàn áp. Cuộc Nổi Dậy Ả Rập, sự công phẫn của dân chúng của giới trẻ đang sống trong các nước độc tài độc đảng đầy bạo lực, phải chăng không khác sự đấu tranh của xã hội mà Victor Hugo đã minh họa trong "Les Misérables." Sự thờ ơ, độc ác mà Fantine mà Cosette đã trải qua, nào khác sự nhẫn tâm của những người qua đường ở Tân Đề Li, đã làm ngơ trước thân thể đẫm máu của cô sinh viên Ấn Độ 23 tuổi, bị hành hung, bị cưỡng bức và đã chết trong đau khổ ngày 26-12-2012 vừa qua! Cho dẫu bức tranh đời dâu bể, nhưng tình yêu thương nhân loại, lòng nhân ái, sự cao thượng của đức giám mục Myriel, đặc biệt là của người tù Jean Valjean vẫn còn đó. Đây chính là thông điệp của niềm tin, của ước mơ, của hy vọng mà "Les Misérables" của đạo diễn Tom Hooper muốn gửi đến cõi người ta.
Hoàng Nhất Phương
Hoàng Nhất Phương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét