Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Nếu Hugo Chavez về chầu Chúa


- NgyThanh

Dầu lửa không chữa ung thư
Là quốc gia xuất cảng dầu lửa đứng hàng thứ năm trên thế giới, với trữ lượng trong lòng đất chỉ đứng thứ nhì sau Canada, đất nước Venezuela vẫn còn khả năng gia tăng sản lượng dầu lửa. Mười hai năm trước, nước này sản xuất 2,4 triệu thùng (thùng/barrel=159 lít) mỗi ngày. Tới năm rồi, con số đã lên tới 3,2 triệu thùng, và dự kiến tới năm 2025, họ sẽ đạt được 5,6 triệu thùng mỗi ngày – nếu như họ có thể mời mọc thành công vốn đầu tư và kỹ thuật tinh luyện tân kỳ của các nước kỹ nghệ. Nói là “nếu” vì năm 1976, chính phủ Venezuela đã quốc hữu hóa kỹ nghệ dầu lửa, làm các công ty quốc tế như Exxon, Mobil, Conoco, Phillips, Chevron và Total phải phủi đít rời vành đai dầu Orinoco để ra về tay không.

Thừa dầu, nhưng thiếu bác sĩ và thiếu thuốc. Nguyên thủ quốc gia của họ bệnh, phải dẫn xác qua Cuba điều trị.

Bệnh nhân Hugo Chavez được báo cho biết có triệu chứng ung thư hồi tháng 6/2011. Sau khi giải phẫu một chỗ sưng có mủ ở khu vực xương chậu ngay bên dưới vùng ruột già và bọng đái của tổng thống, các bác sĩ đã phát hiện một khối u bằng cỡ trái bóng chày. Họ đã tiến hành một phẫu thuật riêng rẽ để cắt bỏ khối u, và tiếp tục chữa bằng hóa trị (chemotherapy) phối hợp với xạ trị (radiotherapy). Thế nhưng các tế bào ung thư vẫn tái xuất hiện nên Hugo Chavez đã phải trở lại bàn mổ vào tháng 2/2012. Sau lần mổ này, Chavez cho quốc dân biết ông được bác sĩ cho thêm thuốc, và bệnh ông đã dứt.

Ông Salvador Navarrete, cựu bác sĩ gia đình của nhà Chavez, cho báo chí biết ông được thân nhân tổng thống xác nhận là khối u của Hugo Chavez thuộc dạng sarcoma. Bác sĩ Jahan, một chuyên gia phẫu thuậtsarcoma, cho biết “một khi nạn nhân dính ung thư mô liên kết ở vùng bụng, việc giải phẫu sẽ vô cùng gay cấn, vì khoang bụng con người là khu vực rất dễ tấn công bởi các tế bào ung thư, làm các bác sĩ không dễ gì dùng dao kéo mổ đi mổ lại để cắt bỏ những phần cơ thể nhiễm trùng ra”.

Không ít bác sĩ nói ung thư là trò bói toán năm ăn năm thua, chẳng biết đâu mà lần, và không chừng ông Chavez sẽ lành mạnh trở lại, sống đến răng long đầu bạc. Bác sĩ Randolph Hecht, giám đốc phòng nghiên cứu về hệ tiêu hóa và ruột của đại học California tại Los Angeles, nhìn nhận: “Chỉ có một điều chúng tôi có thể nắm chắc, là chúng tôi biết mình không phải là những nhà tiên đoán giỏi về khoa ung thư. Chỉ riêng ở phim trường Hollywood người ta mới quyết định được bệnh nhân sống tới giai đoạn nào trong phim”. Mặc dù màn bí mật bao trùm quanh tình trạng bệnh lý của các nhân vật chính trị cốt lõi, các nhà phân tích tình báo ở bắc bán cầu và các danh y về ung bướu tại bắc Mỹ vẫn có thể lược ra được tình hình bệnh trạng tương đối chính xác của một con bệnh trong thế giới cộng sản, chỉ qua các thông tin bình thường.


Người bị loại ung thư mô liên kết ngày càng tăng cấp độ và không thể trừ tiệt hẳn như thế thường kéo dài sự sống từ một đến ba năm. Nếu ông Chavez bị sarcoma ác tính ngay lần khám bệnh đầu tiên hồi giữa năm 2011, thì hiện nay ông đang vào giai đoạn thứ nhì của khung thời gian tối đa 3 năm ấy. Một chuyên gia ung thư phát biểu rằng tổng thống Chavez có 50% hy vọng sống thêm được 6 tháng nữa, nhưng càng về cuối thời kỳ này, hy vọng sống sót càng mong manh hơn. Lúc đắc cử nhiệm kỳ thứ ba hồi tháng 10/2012, Chavez trông rất vạm vỡ, nhưng nay ông đang chịu đựng những phương pháp trị liệu ung thư, nên thay vì hồi phục lại năng lượng, cơ thể ông có thể rã rời và dễ sinh ra các chứng vặt vãnh khác. Hiểu cách khác, ông đang chấp nhận các phương pháp trị liệu để cứu mạng, nhưng chính các phép trị liệu vừa phóng xạ vừa hóa học làm nguy hại cho cơ thể ông ở một dạng khác. Khả năng bền bỉ của thể lực ông chắc chắn đang sút giảm nhanh chóng dưới các liệu pháp hiện nay, chưa kể là về tinh thần, ông đang bị lung lạc bởi ám ảnh về bệnh
trạng và về cái chết. Như tất cả mọi người, ông đang ham sống sợ chết, và tử thần là thủ phạm đang tước mất khả năng tập trung của ông vào các vấn đề đại sự của quốc gia và quốc dân.

Theo thống kê của Viện đại học Y khoa Miami sau công trình khảo sát 4.205 ca bệnh ung thư mô liên kết trong thời gian dài 20 năm, do đây là loại ung thư họa hiếm, các bệnh nhân được điều trị tại một trong một số rất ít trung tâm đặc trị có kết quả tốt hơn nằm ở các bệnh viện không chuyên khoa. Là người từng dùng diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở New York để hạ nhục Tổng thống Bush, Tổng thống Chavez hiện đang được chạy chữa ở trung tâm điều trị ung thư ở thủ đô Havana của Cuba, là một bệnh viện không thuộc hàng ngũ các bệnh viện chuyên khoa về ung thư mô liên kết lừng danh nhất thế giới. Những bệnh viện chuyên khoa này rất ít, lại nằm cả bên châu Âu và Hoa Kỳ. Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela không xuôi buồm mát mái trong những năm gần đây. (Hồi tháng 8/201, Chavez từ chối không nhận ông Larry Palmer, người được Tổng thống Obama chọn làm đại sứ Hoa Kỳ tại Venezuela, phát xuất từ việc ông Palmer nói với một nghị sĩ Mỹ rằng tinh thần chiến đấu của quân đội Venezuela rất thấp và nội các của Chavez dung dưỡng phiến quân cánh tả Colombia trong nước. Đáp lại, ngày 29/12 cùng năm, Hoa Kỳ hủy chiếu khán nhập cảnh của Bernardo Álvarez Herrera, nên nhiệm vụ của ông đại sứ Venezuela tại Mỹ kể như chấm dứt). Việc Chavez từ chối đề nghị của Tổng thống Brazil đến chữa trị tại bệnh viện tối tân chuyên về ung thư ở São Paulo và chọn Cuba được cho là để các chi tiết bệnh trạng được giữ kín. Vấn đề bảo mật về tình trạng sức khỏe và tính mạng của Chavez đã làm ông phải né tránh những bệnh viện và các quốc gia có khả năng tốt hơn. Trong khi đó, sau khi Chavez được mổ lần thứ tư vào giữa tháng 12/2012, Fidel Castro hằng ngày thân hành vào tận giường bệnh để thăm, làm không ít người tin rằng cuộc sống của bệnh nhân đang đếm ngược.

Trước khi bay sang Cuba để trải qua cuộc giải phẫu ung thư lần thứ tư kéo dài liên tục 6 giờ đồng hồ, Chavez tự lượng định sức khỏe của mình, đã ủy thác sinh mệnh chính trị của đất nước lại cho Phó tổng thống Nicolas Maduro, trong trường hợp ông không thể quay về để cai trị 29 triệu dân.

“Chavez ơi, đừng bỏ đi nhé!”
Bolívar là cái tên được đặt cho tất cả các quảng trường chính của mọi thành thị ở trên đất nước Venezuela – nơi chôn nhau cắt rốn của Simón Bolívar – người đã giành độc lập cho 6 quốc gia ngày nay gồm Venezuela, Colombia, Panama, Ecuador, Peru, và Bolivia. Mới cách đây chưa đầy 3 tháng, các đám đông cuồng nhiệt đã gầm thét vang trời tại quảng trường Bolívar của thủ đô Caracas để tưng bừng chúc tụng Hugo Chavez đắc cử nhiệm kỳ 6 năm lần thứ ba để cai quản Venezuela, bằng bài đồng ca “Oo, ah, Chávez no se va”, nghĩa là “Chavez ơi, đừng bỏ đi nhé!”. Từ trước lễ Noel đến nay, thiên hạ cũng tụ tập ở quảng trường Bolívar, nhưng câu “Chavez ơi, đừng bỏ đi nhé!” nay đã được chuyển cung điệu thấp xuống thành lời nguyện cầu thống hối, van nài, cầu xin. Một người trong đám đông tên Joaquín Cavarcas tay cầm tờ nhật báo, tâm sự với các ký giả có mặt: “Chúng tôi rất hoang mang. Chúng tôi không còn biết phải chờ đợi chuyện gì sắp xảy ra. Tôi cầu nguyện cho tổng thống sớm hồi phục nhưng trong lòng đã sẵn sàng chấp nhận tin xấu nhất”. Nhưng các thông tin mà người dân Venezuela đang phập phồng chờ đợi không xuất xứ từ thủ đô Caracas, mà phải từ thủ đô Havana bên Cuba – và chỉ là những gì mà 2 chính phủ độc tài cho phép dân được biết, về tình trạng thập tử nhất sinh của nguyên thủ quốc gia Chavez đang chống chỏi với lưỡi hái của thần chết.

Thứ Năm, ngày 10/01/2013, là ngày đã ấn định để đương kim tổng thống có mặt tại tòa nhà quốc hội chỉ cách quảng trường này có vài bước để tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống 6 năm lần thứ ba. Nhưng ông tổng thống phương phi vạm vỡ và ồn ào mọi ngày đã vắng bóng và chẳng ai biết được chính xác còn sống hay đã chết, kể từ sau cuộc giải phẫu mới nhất hôm 11/12/2012 bên Cuba
Qua loạt thông tin mới nhất mà chính phủ phổ biến, chính phủ cho hay tổng thống đang trải qua các biến chứng phức tạp phát xuất từ tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở buồng phổi đến từ ca mổ. Các phụ tá thân cận nhất mô tả tình trạng của Chavez bằng cụm từ “una situación delicada”, nghĩa tiếng Anh là a tricky situation, một tình trạng khó xử. Ông Evo Morales, Tổng thống nước Cộng hòa Bolivia, nói “thật đau lòng khi nhìn người đồng minh chính trị thân cận đang rơi vào tình trạng não nề như thế. Số mệnh của người anh em Hugo Chavez thật rất đáng lo âu”. Thông tin càng hiếm, tin đồn càng dư. Nhật báo ABC của Tây Ban Nha tung tin tổng thống đang hôn mê và thoi thóp thở nhờ vào máy trợ lực. Các trang mạng bàn tán với nhau Chavez đã đứt bóng nhưng ngày đăng quang đã gần kề nên phải giấu kín – y hệt trường hợp Hồ Chí Minh ngừng thở đúng vào ngày quốc khánh của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa nên Hà Nội phải bưng bít. Nội các và các viên chức cao cấp của đảng cầm quyền Venezuela đã đồng thanh phủ nhận các tin đồn ấy. Phó tổng thống Maduro khuyên nhân dân phớt lờ tin đồn của kẻ thù. Ngoài đường phố, không ai công khai nói về bệnh tình của Chavez, nhưng thiên hạ bàn tán với nhau về ngày đăng quang gần kề mà tổng thống vẫn nằm liệt giường ở bệnh viện nước ngoài.

Trong cảnh “chủ vắng nhà”, Ruben Daza, một người bán báo dạo trên hè phố Caracas bèn có lời tuyên bố vô cùng chính trị: “Chúng ta phải đợi chờ tổng thống hồi phục sức khỏe để về đăng quang nhiệm kỳ mới. Tôi không tin người về kịp trong ngày này. Quốc hội sẽ phải quyết định phải làm gì, nhưng đằng nào thì người cũng là tổng thống, nên chúng ta phải đợi người về nước”. Bộ thông tin cho dán lên tất cả các cột đèn đường những tấm bích chương in hình Hugo Chavez với con gái Maria Gabriela Chavez đưa tay chỉ xuống đám ủng hộ viên bên dưới, với lời ghi chú: “Bây giờ, hơn bất cứ lúc nào, chúng ta đứng về phía Chavez”. Biết thế, nhưng các câu hỏi vẫn truyền miệng nhau về vị trí pháp lý của ông tổng thống đắc cử, nếu như ông không thể xuất hiện để nhậm chức. Hiến pháp đã qui định phải tổ chức một cuộc tuyển cử mới nếu vị tổng thống đắc cử thiệt mạng hay bị lâm vào tình trạng thể lực hay tâm thần tàn tật vĩnh viễn trước ngày nhậm chức. Điều 233 ghi rõ: “Khi xảy ra sự vắng mặt hoàn toàn của tổng thống đắc cử trước nghi thức nhậm chức, cần phải tiến hành một cuộc bầu cử mới trực tiếp, kín, và đồng loạt, ngay trong vòng 30 ngày liền nhau” [kể cả cuối tuần và ngày lễ]. Cho đến khi thực hiện cuộc bầu cử mới ấy, người nắm chức vụ tổng thống lâm thời sẽ là người đứng đầu quốc hội. Như thế, người ấy sẽ là Diosdado Cabello – một cựu sĩ quan đứng đầu một nhánh của đảng cầm quyền. Trong cuộc bầu cử mới này, Diosdado Cabello cũng sẽ có quyền ứng cử, để tranh cử nhiệm kỳ 6 năm với Phó Tổng thống Maduro. Trước khi đi Cuba để giải phẫu, ông Chavez đã nhắn nhủ nhân dân bầu cho Maduro nếu ông không thể tham chính. Tuy nhiên, các tình huống khác vẫn có thể xảy ra. Ví dụ hiến pháp qui định rằng tổng thống đắc cử có thể tuyên thệ trước tối cao pháp viện – hầu hết là những tay chân do Chavez bổ nhiệm. Đáng tiếc, hiến pháp không hề dự trù điều khoản để ông gọi các thành viên tối cao pháp viện sang sắp hàng ở bệnh viện không nằm trên lãnh thổ Venezuela cho ông đưa tay tuyên thệ.

Theo Nicmer Evans, một giáo sư phân khoa chính trị tại Viện đại học Trung ương Venezuela, chỉ có một toán chuyên viên y tế do tối cao pháp viện phê chuẩn mới có thẩm quyền quyết định Chavez đủ hay không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Đến giờ này, Tổng thống Chavez vẫn chưa từ chức, nên việc vắng mặt của ông không thể xem là tuyệt đối. Nếu ông không về được, chính phủ do phó tổng thống lãnh đạo có thể lập ra một hội đồng quân nhân lâm thời, hay thẩm phán tòa tối cao có thể tuyên bố tình trạng vắng mặt tạm thời của Chavez, để ông phó Maduro có thể cầm quyền tạm trong 90 ngày, hay cho đến khi toán y khoa đưa ra quyết định khác hơn. Một giáo sư khác của Viện đại học Trung ương Venezuela tên Jose Ignacio Hernandez đưa ra ý kiến rằng nếu Chavez chỉ vắng mặt tạm thời, thì giải pháp khả dĩ phản ảnh được nguyện vọng đa số nhân dân, là tạm giao quyền hành pháp cho Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello, cứ theo thời gian 90 ngày mà hiến pháp cho phép, rồi sau đó quốc hội có thể biểu quyết để gia hạn thêm một khung 90 ngày nữa. Làm như thế, lợi thế sẽ nghiêng về phía đảng cầm quyền do Phó Tổng thống Naduro, còn phe đối lập sẽ bị thêm áp lực sau khi nội bộ đang chia rẽ vì cách thức mà mỗi thành viên diễn dịch hiến
pháp khác nhau. Cộng với cảm xúc mà nhân dân dành cho số phận của Chavez, Phó Tổng thống Maduro có quá nhiều khả năng đắc cử trong cuộc bầu bán sắp tới. Tuy nhiên, rắc rối chỉ xảy đến sau khi ông này chấp chánh và phải đối phó với các vấn nạn tài chánh và xã hội đang tấp cập vào cuộc sống hằng ngày ở Venezuela và đang có quá nhiều rạn nứt trong tình hình mỗi rối bời của các phe phái chính trị – điển hình là giữa đương kim Phó Tổng thống Nicolas Maduro và Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello. Hiện cả hai ông này bay đi bay lại để có mặt bên giường bệnh của Chavez. Maduro còn tuyên bố với ký giả rằng: “Hai chúng tôi đang đoàn kết với nhau hơn bao giờ. Chúng tôi đồng thanh thề trước mặt Tư lệnh Tối cao Chavez là sẽ duy trì đoàn kết bên cạnh nhân dân”. Điều mà không ai có thể đoan chắc, là lời thề của mỗi ông sẽ kéo dài được bao lâu một khi Chavez đã lìa trần.

Nếu lần này do sự vắng mặt của Chavez mà Diosdado Cabello phải lãnh đạo, thì đấy là lần thứ nhì ông này đảm nhiệm chức vụ tổng thống lâm thời. Hồi 2002, Cabello đã là tổng thống trong mấy giờ đồng hồ sau khi Chavez bị phe đối lập làm đảo chánh và bắt nhốt.
Theo tin giờ chót, phó tổng thống vừa tuyên bố nghi thức nhậm chức có thể giải quyết bằng thủ tục tuyên thệ ở tòa án tối cao. Lời tuyên bố này rập khuôn với các tay chân trung thành với Chavez, tùy tiện diễn giải hiến pháp rằng ngày đăng quang có thể dời đổi, không nhất thiết phải cứng nhắc – để nhằm câu giờ chờ Chavez gượng dậy từ giường bệnh. Lập trường của Maduro không làm ai ngạc nhiên. Hiện chính phủ cầm trong tay mọi lợi thế và phương tiện, kể cả cảm tình chung của người dân dành cho Chavez đang ngắc ngoải, vừa giúp Maduro có thêm thời gian để tạo uy quyền cũng như qui tụ hậu thuẫn từ các thành viên khác trong đảng xã hội thống nhất Chavismo.

Tài xế xe đò có giá hơn cựu tổng thống lâm thời
Thân thiết nhau là thế, nhưng trước khi bay đi Cuba, Chavez không chọn con người kinh nghiệm như Diosdado Cabello, mà trăn trối quyền hành lại cho một cựu tài xế xe đò – là Phó Tổng thống Maduro. Dù gì, điều 233 hiến pháp cũng đã nêu rõ phó tổng thống sẽ thay thế, một khi Chavez không thể gánh vác trọng trách.

Xuất thân làm nghề cầm lái xe đò, Nicolas Maduro trở thành một nhân vật trong nghiệp đoàn lao động vươn lên tới chức bộ trưởng ngoại giao với cá tính ít đối lập hơn Chavez. Rắc rối chỉ còn lại ở chỗ Chavez chọn Maduro làm người thừa kế chính trị đường dài, nhưng trong trường hợp đoản kỳ, không rõ ai sẽ đứng mũi chịu sào. Nếu đương kim tổng thống chết hoặc từ chức trước giờ nhậm chức, mặc nhiên Maduro trám vào chỗ trống. Nhưng vì tổng thống không thể nhậm chức rồi mới chuyển lại cho phó tổng thống, ông Maduro không thể tự động đảm nhiệm chức tổng thống được, vì chưa ai ký nhận trước quốc hội để bàn giao. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello mới là người đóng vai tổng thống lâm thời, rồi tổ chức tái bầu cử trước ngày 9 tháng Hai. Bằng cách nào đi nữa, cử tri Venezuela sẽ phải tới phòng phiếu lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm. Luật gia Henrique Capriles, Thống đốc bang Miranda bao trùm cả thủ đô Caracas - người vừa thua Chavez trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 10/2012 vừa qua, nay sẽ là người hội đủ điều kiện để tái tranh cử với Nicolas Maduro, khi cuộc bầu cử đặc biệt diễn ra.

Hugo Chavez từng khóc và cầu xin Chúa cứu mạng
Trong nước, thiên hạ biết rất ít về tình trạng bệnh lý của nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa 58 tuổi, không cả biết được loại ung thư nào mà ông ta bị từ thần đe dọa. Chavez đã trải qua bốn lần mổ để loại bỏ khối ung thư trong người, và tấm thân ấy đã bị quét phóng xạ tới tấp. Mùa Phục sinh năm ngoái, ông ta hí hửng bảo cuộc giải phẫu sau cùng đã thành công, rằng ông đã hồi phục tốt và đủ sức khỏe để thắng thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử vào tháng 10/2012. Nhưng hậu vận của ông vẫn luôn là bí mật ngoài tầm tay, và sau lần mổ thứ tư vào giữa tháng 12, sự tuyệt vọng đã lộ diện.

Trong thông điệp truyền hình gởi cho giới mục vụ Công giáo tại tiểu bang nhà Barinas của mình hôm 6/04/2012, trước mặt bố mẹ và thân nhân ngồi ở hàng ghế bên dưới của nhà thờ ngước nhìn lên, người chiến binh kiêm tổng tư lệnh quân đội Venezuela đã khóc nức nở khi lên tiếng tán dương Chúa Giê-su, chiến binh cách mạng Ernesto “Che” Guevara và nhà anh hùng của nền độc lập nam Mỹ Simon Bolívar. Nguyên thủ quốc gia dầu lửa Venezuela đã nghẹn ngào đến lạc giọng: “Đừng quên rằng dù chúng ta là hậu duệ của những bậc vĩ nhân... tôi không thể tránh khỏi rơi nước mắt”. Đứng dưới chân thánh giá, người hùng vô thần Chavez khóc than: “Chúa ơi, xin trao cho con mũ gai của Người. Xin trao cho con thập giá và gai nhọn của Người, để con có thể đổ máu mình ra. Nhưng xin cho con sự sống, vì con còn nhiều việc phải làm cho đất nước này và dân tộc này. Xin hãy khoan lấy đi mạng sống của con”.

Ngự trị một quốc gia có nguồn lợi dầu lửa xuất cảng lớn nhất lục địa ròng rã 13 năm qua, căn bệnh ung thư của Chavez đang đẩy tình hình chính trị nước này vào bấn loạn khi ngày nhậm chức 10/01/2013 đã cận kề. Mọi người chưa quên trong tháng Mười vừa qua, trong khi đối thủ của ông ta là Henrique Capriles đi khắp nước để tiếp xúc với cử tri, thì Chavez đã phải bay đi bay về như con thoi giữa hai thủ đô Havana và Caracas để được trị liệu bằng phóng xạ và hóa học, khiến cho ông ta phải miễn cưỡng vận động tranh cử qua mạng twitter và thỉnh thoảng xuất hiện trên màn ảnh truyền hình.

Trong bài diễn văn ứng khẩu tại chỗ trong nhà thờ, ông Chavez cố giữ nét mặt thản nhiên, cười đùa với ông anh ruột Adan giữa thánh lễ không đông người tham dự vì sắp tới lễ Phục Sinh, dân Venezuela có truyền thống kéo nhau đi nghỉ ở các bờ biển ngoạn mục của xứ sở hơn là lo toan đến tính mạng của tổng thống. Trước đây, Chavez từng tuyên bố rằng ông có niềm tin mãnh liệt là căn bệnh ung thư của ông sẽ không tái phát nữa sau khi đã trải qua hai cuộc giải phẫu đầu tiên hồi năm 2011. Thế mà nó vẫn không chịu ngừng hành hạ ông. Không cần biết Chúa Trời có tin miệng lưỡi một trùm cộng sản không, nhưng ông vẫn đấu hót: “Ngày hôm nay, tôi có thêm đức tin hơn ngày hôm qua”. Ông tổng thống ví von: “Cuộc sống là một trận bão xoáy... nhưng từ vài năm trước đây, cuộc sống của tôi đã bắt đầu trở thành không thuộc vào tôi nữa. Ai dám bảo hành trình cách mạng là dễ dàng?” Cứ như lời ông lúc ấy thì mọi chuyện suôn sẻ cả, và tất cả mọi kết quả xét nghiệm đều dương tính. Nhưng vì thông tin về tình trạng bệnh lý của ông bị bưng bít, người dân Venezuela chỉ còn biết săn lùng các dấu hiệu qua mỗi lần ông xuất hiện trên truyền hình quốc doanh. Trang mạng của một tờ báo địa phương chạy một bức ảnh thật lớn chụp ông nặng nhọc bước ra khỏi máy bay phản lực trán ướt đẫm mồ hôi khi trở về từ Cuba. Một nhà báo đối lập Venezuela tường thuật rằng toán bác sĩ riêng của ông tiếp tục bất đồng với nhau về giải pháp trị liệu tốt nhất.

Bình luận về lời than khóc của Chavez, Thống đốc Capriles, năm nay 40 tuổi, cho rằng kiểu ỷ ôi của ông Chavez cứ làm như Chúa Giê-su là một đảng viên của đảng Chavismo cánh tả thiên cộng. Trên trang twittercủa mình, Capriles chỉ trích Chavez, cho rằng “luận điệu cầu Chúa của tổng thống đúng là ám ảnh của một kẻ tham quyền cố vị. Chúng ta phải nhớ rằng Chúa không là một tay xã hội chủ nghĩa, hoặc tư bản”.

Rốt cuộc rồi vẫn là dầu khí
Nói gì thì nói, sức mạnh của quốc gia Venezuela không đến từ đảng Chavismo, cũng chẳng từ bàn tay phù phép của Hugo Chavez, hay phát sinh từ người anh hùng dân tộc Simón Bolívar, mà là dầu lửa.

Trước khi trở lại Cuba để mổ lần thứ tư, Chavez đã thú nhận tới 2 lần trên tivi những gì ngược với lần tuyên bố trong mùa Phục sinh năm ngoái: ông đang đối diện với các rủi ro về tính mạng, nhất là sau những ca giải phẫu lớn, bệnh nhân thường bị nhiễm trùng đường hô hấp nên hoặc có thể hồi phục rất nhanh sau vài hôm, hoặc thoi thóp đánh vật với thần chết bằng cái máy dưỡng khí trợ thở. Để trấn an dân chúng, nhà nước cho liên tục phát trên đài truyền hình quốc doanh đoạn băng chiếu cuộc vận động tranh cử vào tháng Mười, trong đó Chavez hiên ngang tuyên bố “Bản thân tôi là cả một quốc gia!”. Cạnh các màn ảnh tivi công cộng, nhà nước treo các biểu ngữ viết “Quốc gia này chính là Chavez!”. Bên dưới một màn ảnh và biểu ngữ, chị Norelys Araque, một người bán rong kẹo bánh trên hè phố, nói rằng chị không ngớt cầu nguyện cho tổng thống. Nhưng chị ngậm ngùi thêm: “Tôi không nghĩ ông ấy sẽ qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo”. Đứng trên quê hương giàu có, người bán rong nghèo khó không tài nào biết được ông tổng thống yêu quí của mình sống chết ra sao, mỗi ngày đất nước mình sản xuất bao nhiêu triệu thùng dầu thô, và Venezuela tiêu thụ nhiều hơn sản xuất, do hậu quả của các món chi phí khổng lồ mà Chavez chấp thuận, các món nợ như núi mà Chavez ký vay, nhất là cách quản lý tồi tệ trong kỹ nghệ dầu khí mà nội các Chavez điều khiển. Đứng bán lẻ từng xu từng đồng trên đường phố, người công dân Norelys làm sao thấu hiểu nỗi lòng của các đại gia, vì chứng ung thư của Chavez đang đe dọa dự án bao cấp dầu khí trị giá 7 tỉ đô la của đất nước phú cường của chị nhằm giúp cứu nguy nền kinh tế Cuba cũng như cầm chân nạn lạm phát trong một loạt các quốc gia vùng vịnh Caribbean trải dài từ Jamaica cho đến thiên đàng du lịch Bahamas.

Đang nằm thoi thóp ở bệnh viện Havana, nhưng chữ ký của Chavez đang thông qua chương trình Petrocaribe huy động dầu lửa để phối hợp với súng đạn và thuốc men của Fidel Castro nhằm đẩy mạnh cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nếu Chúa thương và đưa Chavez về Nước Trời, không những bên trong Venezuela sẽ chứng kiến màn xâu xé nhau vì quyền lợi xăng dầu, mà xáo trộn cũng tràn lan ở các nước quanh vùng vịnh Caribbean nữa. Người quanh khu vực này thích Chavez, dù không vì cuộc cách mạng xãhội chủ nghĩa mà ông tự cho mình là nhân tố duy nhất, thì cũng vì bản hợp đồng kinh tế quá ngon cơm: chương trình Petrocaribe mà Hugo Chavez khai sinh năm 2007 cho các nước liên minh của ông mua trước lượng dầu lửa cần thiết với điều kiện trả trước chỉ 5% tổng trị giá, và tất cả 95% còn lại được trả dần trong một phần tư thế kỷ, với khoản tiền lời tượng trưng 1%. Rẻ như thế, ai dại gì hà tiện một lời kinh cầu xin cho Chavez đừng chết sớm!

NgyThanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét