Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Đọc Chuyện Xưa Để Lấy Bài Học: LẠN TƯƠNG NHƯ

Mời bạn đọc chuyện xưa vế anh hùng Lạn Tương Như để rút ra bài học hầu giúp ích cho đất nước đang vào cơn nghiêng ngã của ngoại xâm.

Chuyện rút từ Đông Châu Liệt Quốc:
 
Vào thời chiến quốc, vua nước Triệu có viên ngọc họ Hòa rất quí. Vua Tần nghe tiếng động lòng tham muốn chiếm lấy. Thừa tướng Ngụy Nhiễm hiến kế giả đánh tiếng đem 15 thành Tây Dương để đổi, Triệu vốn yếu hơn Tần tất nhiên sợ Tần giận, phải cho đem ngọc đến, khi ấy cứ việc đoạt lấy mà chẳng cần giao thành cũng xong.
Vua Tần mừng rỡ liền sai sứ sang Triệu đề nghị xin đổi ngọc. Vua Triệu lo sợ, hội quần thần lại hỏi ý. Liêm Pha nói:
-Nếu trao ngọc cho Tần tất bị lừa. Ngọc mất mà thành chẳng lấy được đâu!
Lý Khắc khuyên nên chọn một dũng sĩ dắt ngọc theo mình đến đó, nếu nhận được thành thì trao ngọc, nếu không thì đem ngọc về.
Vua Triệu nhìn Liêm Pha hỏi ý nhưng Liêm Pha cúi đầu không đáp. Mục Hiền nói:
-Tôi có một xá nhân tên Lạn Tương Như vừa có sức mạnh lại nhiều mưu trí. Nếu cần đi sứ nước Tần không ai hơn người ấy.
Vua Triệu liền cho đòi Lạn Tương Như đến và hỏi:
-Vua Tần xin đem 15 thành để đối lấy viên ngọc của ta, tiên sinh nghĩ thế nào?
Lạn Tương Như đáp:
-Tần đem 15 thành đổi viên ngọc, như thế là viên ngọc được giá lắm rồi, nên đổi.
Vua Triệu nói:
-Nếu Triệu giao ngọc mà Tần không giao thành thì sao?
-Thì đó là lỗi của nước Tần.
-Nhưng những kẻ mạnh thường lấy sức mạnh làm lẽ phải?
-Nếu Đại vương sợ, tôi xin đem ngọc sang Tần. Nếu lấy được đất thì đổi, nếu không, tôi sẽ bảo vệ ngọc đến cùng!
 
                                            
                                                                                                                       Anh Hùng: Lạn Tương Như

Vua Triệu mừng rỡ phong Lạn Tương Như chức Đại phu và cử làm sứ giả đem ngọc sang Tần.
Lạn Tương Như đến Hàm Dương, vua Tần hay tin ngồi trên chương đài họp cả triều thần lại rồi cho Lạn vào yết kiến. Lạn dâng ngọc nhưng giữ cái hộp lại, chỉ dâng cái bao gấm. Vua Tần mở bao gấm lấy ngọc ra xem, quả nhiên là viên ngọc quí, không dấu vết gì, chạm khắc tinh vi, ánh sáng lấp lánh. Vua Tần tấm tắc khen ngợi rồi truyền chuyển cho quần thần mỗi người xem một chút, xong lại đưa vào cung cho các cung nữ cùng xem. Sau đó ngọc được đem ra đặt trên án vua.
Lạn Tương Như đứng một bên chờ đợi nhưng không thấy nói đến việc cắt đất giao thành, liền sinh ra một kế, quì trước mặt vua Tần tâu:
-Viên ngọc ấy quí thật, nhưng cũng có một ít tì vết, tôi xin chỉ cho Đại vương xem.
Vua Tần sai kẻ tả hữu lấy ngọc trao cho Lạn. Lạn cầm viên ngọc lui mấy bước, đứng dựa vào cột điện, trợn mắt nói với vua Tần:
-Ngọc bích họ Hòa là ngọc quí trong thiên hạ. Đại vương muốn đổi 15 thành lấy viên ngọc này. Lúc tiếp được thư của Đại vương, quần thần nước tôi đều cho là Tần ỷ mạnh, sẽ cướp lấy ngọc chứ không giao thành. Riêng tôi, tôi nghĩ bọn quần cộc áo vải như chúng tôi giao du với nhau còn không phụ lời huống là một ông vua. Vì thế tôi khuyên vua Triệu nên kính nể Đại vương, lấy chữ tín làm trọng. Vua Triệu nghe lời sai tôi đem dâng ngọc. Trước lúc tôi ra đi, vua Triệu trai chay 5 ngày, tỏ ra rất cung kính. Nay Đại vương tiếp tôi rất ngạo mạn, ngồi mà nhận ngọc, đưa cho kẻ tả hữu xem chán rồi lại đưa vào hậu cung cho mỹ nữ xem, quả là Đại vương không có ý cắt đất giao thành để đổi ngọc, cho nên tôi phải lấy lại. Nếu Đại vương bắt tội, tôi quyết đập nát viên ngọc với cái đầu của tôi nơi chân cột này để thiên hạ rõ lòng dối gạt của Đại vương.
Nói xong, Lạn Tương Như cầm ngọc bích đưa lên chực đập vào cột. Vua Tần tiếc viên ngọc, sợ đập bể mất, nói:
-Quan Đại phu chớ nóng giận, bản quốc đâu dám thất tín với Triệu.
Liền sai các quan lấy bản đồ nước Tần ra, chỉ 15 thành nói:
-Đây là những thành ta định giao cho Triệu để đổi lấy ngọc.
Lạn Tương Như quì tâu:
-Vua Triệu lúc sai tôi đem dâng ngọc có trai giới 5 ngày. Nay Đại vương nhận ngọc xin cũng làm y như vậy tôi mới dám dâng.
Vua Tần bèn cho Lạn Tương Như trở về nghỉ ở công quán và hứa sẽ trai giới 5 ngày để nhận ngọc.
Khi đã về công quán, Lạn Tương Như liền gọi một tên hầu cận bảo giả cách ăn mặc ra người nghèo khổ, bỏ bích ngọc vào một túi vải buộc sau lưng theo đường tắt trốn về tâu với vua Triệu:
-Xét thấy vua Tần không thật tình đổi thành lấy ngọc nên kẻ hầu này mang ngọc về trả lại.
Năm ngày qua, vua Tần làm một tiệc lễ mời các nước chư hầu và cả triều thần đến để khoe ngọc. Lạn Tương Như ung dung vào triều. Vua Tần thấy Lạn không mang ngọc liền hỏi:
-Ta đã trai giới 5 ngày, bày trọng lễ để nhận ngọc, cớ sao không mang ngọc đến?
Lạn Tương Như đáp:
-Nước Tần từ đời Mục Công đến nay, kể đến hai mươi đời vua, đời nào cũng dùng việc dối gạt để mưu lợi. Kể xa thì Kỷ Tư lừa Trịnh, Mạnh Minh lừa Trần. Kể gần thì Thương Ưởng lừa Ngụy, Trương Nghi lừa Sở. Việc trước còn rành rành không giữ được tín nghĩa. Tôi nay sợ Đại vương lừa, làm thất tín với vua nước tôi nên đã sai người mang ngọc về Triệu rồi.
Vua Tần giận tái mặt thét:
-Như vậy là sứ giả khinh ta quá lắm!
Nói xong hô kẻ tả hữu trói Lạn Tương Như lại. Lạn tâu:
-Xin Đại vương nguôi giận. Nếu sợ chết tôi đã trốn đi chứ đâu còn ở lại đây. Tôi biết cái tội đánh lừa Đại vương đáng chết nên đã gởi lời về tâu với vua Triệu đừng mong tôi trở về nữa. Xin Đại vương cứ giết. Nay chư hầu đã biết cái cớ nước Tần vì muốn được ngọc mà giết sứ Triệu, phải trái không còn che giấu được.
Vua Tần suy nghĩ giây lát rồi nói với quần thần:
-Giết Lạn Tương Như cũng không lấy được ngọc lại mang tiếng bất nghĩa. Chi bằng liệu cách khác thì hơn.
Nói rồi hậu đãi Lạn Tương Như mà cho về nước. Sau chuyến đi sứ ấy Lạn Tương Như được vua Triệu thăng chức Thượng đại phu.
Lấy ngọc không được, vua Tần lại tìm cách khác. Ông sai sứ đến ước với vua Triệu gặp nhau ở Mãnh Trì để giao hiếu. Vua Triệu nói:
-Trước kia Tần dùng mưu hội kiến, lừa bắt vua nước Sở giam nơi Hàm Dương đến phải bỏ mạng. Nay lại mời ta đi hội, ắt cũng âm mưu như thế chăng?
Liêm Pha và Lạn Tương Như bàn với nhau rồi tâu với vua Triệu:
-Tần mời hội kiến, nếu không đi tỏ ra ta yếu. Xin Đại vương cứ đi!
Thấy vua Triệu còn e ngại, Lạn Tương Như nói:
-Tôi xin theo bảo vệ Đại vương.
Liêm Pha nói:
-Tôi ở lại giúp Thái tử giữ nước!
Vua Triệu mừng rỡ nói:
-Được Lạn Tương Như theo hộ giá ta còn sợ gì!
Bình Nguyên Quân nói:
-Trước kia Sở Hoài vương tin theo lời Tần, chỉ đi một cỗ xe đến Hàm Dương, khi lâm biến không biết đâu gỡ gạt. Nay tuy có Lạn Tương Như theo, Đại vương cũng phải cho 5 ngàn quân tinh nhuệ đóng cách Mãnh Trì 30 dặm để yểm trợ mới được!
Các quan bèn đề nghị cử Lý Mục làm tướng chỉ huy 5 ngàn quân theo yểm trợ. Vua Triệu hài lòng cùng Lạn Tương Như thẳng đến Mãnh Trì.
Tới ngày hội kiến, vua Tần mở tiệc đãi vua Triệu để bàn quốc sự. Tiệc rượu nửa chừng vua Tần nói:
-Tôi trộm nghe vua Triệu giỏi về âm nhạc, nay nhân cuộc vui, xin nhà vua cho tôi được thưởng thức tài nghệ ấy. Nói xong sai người hầu lấy đàn bảo sắc ra để trước mặt vua Triệu. Vua Triệu đỏ mặt nhưng không dám từ chối, cầm đàn gảy một khúc Tương Linh. Vua Tần hết lời khen ngợi rồi bảo quan Thái sử ghi chép việc ấy. Quan Thái sử lấy thẻ ra, cầm bút viết:
“Năm… tháng… ngày…, vua Tần cùng vua Triệu họp ở Mãnh Trì, vua Tần sai vua Triệu gảy đàn sắc!”.
Lạn Tương Như thấy vua Tần làm nhục vua Triệu vội vã bước đến cầm cái phẫu đựng rượu nói với vua Tần:
-Vua Triệu biết Đại vương giỏi về âm nhạc nước Tần, yêu cầu Đại vương đánh cái phẫu này giúp vui.
Vua Tần giận tái mặt. Lạn Tương Như nói tiếp:
-Đại vương cậy nước Tần mạnh chỉ muốn sai khiến các nước khác mà không kính nể lân bang chăng? Nếu vậy là Đại vương đã làm nhục nước tôi! Tôi xin dùng cái chết để đổi lấy cái chết của Đại vương mà rửa mối quốc nhục!
Thấy bọn tả hữu của vua Tần muốn can thiệp, Lạn Tương Như hét lớn:
-Các người tới một bước ta cùng vua các người không còn!
Vua Tần sợ hãi ra hiệu bảo bọn tả hữu lui ra rồi đưa tay gõ vào cái phẫu rượu. Lạn Tương Như nói:
-Xin Đại vương bảo quan Thái sử chép việc này.
Vua Tần phải nghe theo, quan Thái sử lại chép:
“Năm… tháng… ngày…, vua Triệu cùng vua Tần hội kiến ở Mãnh Trì, vua Triệu sai vua Tần gõ cái phẫu rượu giúp vui!”.
Thấy không thể ép chế vua Triệu được, vua Tần bèn giả say, cùng vua Triệu ăn uống chuyện trò thân mật rồi bãi hội.

***O***

Vua Triệu về triều nghĩ đến cái công lao của Lạn Tương Như, hớn hở nói với các quan:
-Ta được Lạn Tương Như chẳng khác nào được ngồi trên tảng núi, chẳng lo gì sóng gió. Nay ta phong cho Lạn Tương Như chức Thượng tướng tưởng cũng chưa xứng đáng.
Liêm Pha thấy vậy bất bình, về đến dinh hằn học:
-Ta có công đánh thành cướp đất, còn Lạn chỉ lấy chút công chót lưỡi mà thứ vị lại ở trên ta. Vả lại, hắn là tên xá nhân của một kẻ hoạn quan, xuất thân hèn mọn, ta đời nào chịu đứng dưới hắn. Nếu trông thấy mặt hắn ta giết ngay!
Từ khi Lạn Tương Như nghe những lời nói ấy, ông thường tránh mặt Liêm Pha. Nhiều người thấy vậy thì chê Lạn Tương Như hèn. Một hôm ra đường gặp Liêm Pha từ xa đi tới, Lạn Tương Như bảo tên đánh xe tránh vào ngõ hẻm, chờ Liêm Pha đi xong mới đi. Bọn xá nhân thấy vậy buồn lòng nói với Lạn:
-Chúng tôi bỏ làng xóm, xa thân thích, đến đây để hầu hạ ngài, coi ngài là bậc trượng phu. Ngày nay ngài cùng Liêm tướng quân làm quan một triều, ngôi thứ lại ở trên, thế mà bị Liêm tướng quân dọa một câu ngài lại sợ đến nỗi luôn né tránh Liêm tướng quân! Chúng tôi thật xấu hổ không muống theo phò ngài nữa!
Lạn Tương Như buồn bã nói:
-Ta tránh Liêm Pha không phải vì sợ mà vì một duyên cớ khác các ngươi chưa hiểu đấy thôi!
Bọn xá nhân hỏi:
-Duyên cớ nào xin ngài cho biết?
Lạn Tương Như hỏi:
-Các người xem Liêm tướng quân uy lực bằng vua Tần không?
-Không bằng!
-Uy lực của vua Tần trong thiên hạ không ai dám chống thế mà ta lại dám mắng vào mặt vua Tần, làm nhục cả quần thần nước Tần nữa, vậy sao ta lại sợ Liêm tướng quân chứ? Ta biết nước Tần không dám đánh nước Triệu chỉ vì sợ ta và Liêm tướng quân. Nếu ta và Liêm tướng quân xung đột lẫn nhau, ắt nước Tần sẽ thừa cơ đánh Triệu. Ta nhịn Liêm tướng quân chỉ vì coi việc nước là trọng mà thù riêng là nhẹ vậy.
Bọn xá nhân nghe nói vỡ lẽ rất kính phục Lạn Tương Như.
Mấy hôm sau, hai bọn xá nhân của hai nhà gặp nhau tại một quán rượu tranh nhau chỗ ngồi. Xá nhân họ Lạn nói:
-Chủ ta vì nước mà phải nhường Liêm tướng quân, chúng ta cũng nên vì chủ mà nhường khách họ Liêm vậy!
Lạn Tương Như càng nhường nhịn thì Liêm Pha càng kiêu ngạo. Chẳng bao lâu có một người ở Hà Đông tên Ngu Khanh đến nước Triệu chơi, biết được chuyện bèn vào yết kiến vua Triệu nói:
-Trọng thần của Đại vương có phải là Lạn Tương Như và Liêm Pha không?
Vua Triệu đáp phải. Ngu Khanh nói:
-Đại vương có hai trọng thần sao lại để họ thù ghét nhau như thế thật không phải là điều phúc cho nước Triệu đó.
Vua Triệu ngạc nhiên hỏi:
-Có gì xảy ra giữa Liêm Pha và Lạn Tương Như sao?
Ngu Khanh bèn đem những lời nghe được kể lại và nói:
-Hai người chống nhau như thế tất lúc hoạn nạn khó mà giúp nhau. Như vậy Đại vương làm sao trông cậy họ được! Tôi xin vì Đại vương tìm cách nối lại mối tình giữa hai kẻ ấy.
Vua Triệu khen phải, nhờ Ngu Khanh dàn xếp.
Ngu Khanh bèn đến yết kiến Liêm Pha, trước tiên ca tụng công lớn của Liêm Pha. Liêm Pha mừng lắm. Ngu Khanh lại nói:
-Kể về công không ai bằng tướng quân, nhưng kể về đức thì không ai bằng Lạn Tương Như được!
Liêm Pha cau mặt nói:
-Lạn là kẻ hèn mạt, lấy chót lưỡi lập nên công danh, có gì mà gọi rằng đức?
Ngu Khanh nói:
-Lạn Tương Như đâu phải hèn nhát. Nếu hèn nhát Lạn đâu dám hai lần mắng vua Tần trước công chúng? Chẳng qua Lạn nghĩ đến việc lớn mà nhường tướng quân đó thôi!
Liêm Pha giật mình hổ thẹn nói:
-Nếu tiên sinh không nói tôi không bao giờ thấy được điều lỗi của tôi! Tôi thật kém Lạn Tương Như nhiều lắm!
Nói xong Liêm Pha tự trần vai áo, cầm roi đến tận cửa nhà họ Lạn tạ tội:
-Bỉ nhân hẹp hòi không hiểu đức khoan hồng của tướng quốc. Bỉ nhân dẫu chết cũng chưa hết tội!
Nói xong quì mãi ở giữa sân. Lạn Tương Như đỡ Liêm Pha dậy mà nói:
-Hai ta sánh nhau chung phò xã tắc. Tướng quân hiểu lòng nhau như thế là một ân huệ đối với tôi rồi. Xin đừng áy náy nữa!
Từ đó Liêm Pha và Lạn Tương Như kết tình sinh tử với nhau cùng giữ vững nền an ninh nước Triệu trước móng vuốt của bạo Tần.

***O***

Nước Tàu xưa kia gồm hàng ngàn nước lớn nhỏ luôn đánh giết nhau không dứt. Đến thời Chiến Quốc các nước nhỏ yếu lần lượt bị các nước mạnh thôn tính, chỉ còn 7 nước đáng kể là Tề, Sở, Tần, Hàn, Ngụy, Triệu, Yên vẫn tiếp tục xâu xé nhau. Khoảng năm thứ 300 trước công nguyên thì thế lực nước Tần vượt trội hẳn các lân bang. Chẳng còn mấy nước có thể tự mình cự nổi Tần. Trước nguy cơ đó, nhà chính trị Tô Tần đưa ra kế sách “hợp tung” (liên kết các nước yếu) để chống Tần, đã áp dụng hữu hiệu được một thời gian. Câu chuyện Lạn Tương Như kể trên xảy ra vào thời điểm ấy.

Lạn Tương Như biết rõ hơn ai hết “sức mạnh lớn nhất của một dân tộc chính là sức mạnh ở sự đoàn kết”! Vì thế, khi bị Liêm Pha khiêu khích, Lạn đã âm thầm nhường nhịn Liêm để giữ sức mạnh của nước Triệu khỏi sứt mẻ. Điều đó sau này Ngu Khanh đã giải thích cho Liêm biết. Khi được biết Lạn nhịn mình chỉ vì đại sự quốc gia chứ không phải sợ mình thì Liêm tỉnh ngộ và bày tỏ thái độ phục thiện ngay. Liêm đã thành khẩn xin lỗi Lạn và hai người đã ôm nhau, thông cảm nhau. Từ đó họ đoàn kết một lòng phò Triệu chống Tần.

Đọc đến đoạn này chúng ta lại nhớ đến vụ đức Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Thượng Tướng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải cũng chịu bỏ qua mối thù riêng giữa hai bên để cùng nhau đoàn kết chống quân Mông Cổ xâm lược (1284-1288) đời Trần. Là người Việt, đã đọc kỹ sử Việt, mang tâm tình người Việt, hẳn chúng ta biết rõ mối thù đó sâu sắc đến mức nào! Thế mà vì sự sống còn của đất nước, của dân tộc, hai vị tiền bối đã bỏ qua tất cả, đức Trần Hưng Đạo được phong Thánh cũng phải thôi!
                                                                                         

Nhưng chúng ta hãnh diện với người xưa bao nhiêu thì chúng ta lại buồn tủi cho số phận dân tộc Việt Nam ngày nay bấy nhiêu!

Việt Nam hiện tại đang nằm dưới ách thống trị của một chế độ chính trị độc tài tàn ác. Các nhà cầm quyền hiện hữu đang nhẫn tâm lần lượt nhường đất bán biển cho giặc Tàu để cầu sự che chở, để yên thân thủ lợi. Giặc Tàu thì mỗi ngày mỗi xâm nhập lấn lướt thêm. Đại họa mất nước của chúng ta xem chừng còn nặng nề hơn nước Triệu thời Chiến Quốc và nước Đại Việt ta thời Trần rất nhiều. Dân trong nước ai cũng muốn nổi lên lật đổ bạo quyền cùng chận bước giặc Tàu xâm lăng! Và ở thế tức nước vỡ bờ, chắc chắn việc “khởi nghĩa” sớm muộn cũng phải xảy ra. Tất nhiên dân trong nước cũng cần phải có sự tiếp tay của đồng bào hải ngoại. Cộng đồng người Việt hải ngoại là nguồn tiếp sức chính và có nhiều điều kiện để vận động quốc tế ủng hộ sự vùng dậy của dân Việt hơn ai hết! Mọi sự chia rẽ của cộng đồng người Việt hải ngoại đều có thể làm cho đồng bào trong nước giảm lòng tin  và chùn bước.

Thế mà không hiểu sao vẫn còn vài thế lực chính trị cùng chiến tuyến quốc gia ở hải ngoại, một mặt hô hào đấu tranh giải phóng dân tộc, một mặt lại cố tình báng bổ, bôi bác nhau để tranh giành ảnh hưởng trong cộng đồng! Tìm sai lầm của đối phương hiện tại không được, họ cố bươi móc những sai lầm mơ hồ đã tam sao thất bổn đâu ba bốn chục năm trước để làm cớ. Họ không hề nghĩ, việc đời luôn luôn biến cải, ý thức về chính trị, xã hội của cùng một con người, thời thanh niên 20 và thời lão thành 60 có thể khác nhau rất xa, có khi trái nghịch nhau nữa! Phải chăng vì quyền lợi của phe nhóm, của tổ chức riêng, người ta đã quên đi mối đại họa đang lơ lửng trên đầu của dân tộc? Giữa lúc quân xâm lăng đang hầm hè chực tiêu diệt mình, mình lại đem những lỗi lầm của nhau trong quá khứ ra mổ xẻ, chỉ trích, phỉ báng nhau là một việc làm thất sách, gây mất tình đoàn kết. (Ở đây tôi chỉ nói với những người Việt yêu nước đang nóng lòng vì sự sống còn của dân tộc chứ không phải nói với những người đã có chủ trương bán nước cầu vinh, làm tay sai cho giặc Tàu, cố sức đặt điều, vu vạ lung tung làm cho cộng đồng người Việt thêm hoang mang, chia rẽ nhau để dễ bề thủ lợi). Nếu cộng đồng người Việt ở hải ngoại mà cứ xâu xé nhau thì còn gì là niềm tin, là hậu thuẫn cho những lực lượng đấu tranh trong nước?

Bài học của người xưa còn đó, nếu chúng ta ai cũng suy nghĩ sâu xa, biết nhường nhịn nhau như Lạn Tương Như hay ít ra cũng sớm giác ngộ như Liêm Pha, biết được người ta nhường nhịn mình chỉ vì không muốn gây xung đột giữa những kẻ cùng chiến tuyến chứ không phải vì có lỗi mà sợ mình thì hay biết chừng nào!

Ngô Viết Trọng   

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét