- Phụ nữ đòi quyền sống
- Một thiếu nữ Ba Tây bán đấu giá trinh tiết, để có tiền thuốc thang cho mẹ
Phụ nữ đòi quyền sống
Vị Nhân
Đầu năm 2013 trên thế giới, ngoài vấn đề chung của toàn cầu, nơi nào cũng có lo âu và rắc rối riêng. Ở Mỹ thì tranh cãi về “vách đá tài chính” (fiscal cliff), Châu Âu khu vực đồng euro có dấu hiệu tiếp tục bấp bênh, Tây tạng lan tràn những vụ tự thiêu chống Trung quốc, Việt nam kinh tế suy thoái tham nhũng leo thang... còn Ấn độ thì các cuộc biểu tình của phụ nữ đòi được bảo vệ mỗi lúc thêm nhiều ngay cả những ngày đầu năm dương lịch.
Tất cả khó khăn của mọi nơi đều bắt nguồn từ năm cũ. Riêng ở Ấn độ cuối tháng 12, 2012 đã xảy ra nhiều vụ chà đạp lên quyền sống và nhân phẩm của phụ nữ.
Bạo hành nhân danh gia phong bị tổn hại:
Vào ngày 7 tháng 12, 2012, một nhân viên cảnh sát đang giờ trực tại một trụ sở cảnh sát tại Kolkata, thủ phủ của bang Tây Bengal, Ấn độ, bỗng nhiên giật thót mình, mở to mắt mà không tin vào cái gì mình thấy, khi một thanh niên ngang nhiên vác một con dao bản lớn và cái đầu một phụ nữ còn nhỏ máu long tong bước vào phòng làm việc và đặt thủ cấp nạn nhân lên bàn rồi cung khai. Anh ta thú nhận đã chặt đầu nạn nhân vì nạn nhân làm điếm nhục gia phong nhà anh ta.
Kẻ giết người với niềm tự hào vì mình đã làm được một công việc “thanh lý môn hộ”, được coi là cao cả vì bảo vệ đạo lý, vì đã sát hại một con chiên ghẻ, một thành viên trong gia đình gây ra sự ô nhục cho gia tộc. Hắn có tên là Mehtab Alam, 29 tuổi. Còn nạn nhân là một phụ nữ trẻ là em gái của Alam có tên là Nilofar Bibi, 22. Cuộc đời của Bibi là một thảm kịch. Vào tuổi 14 đã bị ép hôn về làm dâu một gia đình khắc nghiệt với người chồng vũ phu. Bị hành hạ quá mức nên Bibi trốn về nhà cha mẹ và nối lại tình cũ với một chàng trai trong vùng là Firoz, một người lái xe lam. Gia đình Bibi không thể chấp nhận con gái mình bỏ chồng theo trai nên quyết định lên án hành quyết Bibi và người được giao cho mệnh lệnh thi hành bản án “rửa nhục cho gia đình” chính là Alam. Alam đã vác dao xông vào nhà Firoz giữa ban ngày ban mặt, lôi em gái ra giữa đường phố rồi cắt đầu em gái. Hàng trăm con mắt của người đi đường mở to ra, sợ hãi vì chứng kiến một vụ bạo hành vô cùng dã man và hết sức thương tâm. Cô gái giãy giụa, ú ớ những lời van xin ngắn ngủi trước khi đầu rời khỏi xác và máu phun tung tóe mặt đường. Không ai can ngăn, phần vì hoảng sợ trước kẻ giết người mặt mày, áo quần dính máu với con dao sắc, phần vì như chấp nhận một hủ tục truyền từ thời xa xưa “kẻ làm hoen ố danh dự gia đình thì phải chết!”
Alam bị bắt giam nhưng không bị người thân và làng xóm chỉ trích mà hình như mọi người đều ủng hộ anh ta vì anh ta đã dũng cảm làm một công việc đầy chính nghĩa là bảo vệ đạo lý truyền thống.
Nạn nhân như Bibi không phải hiếm hoi ở Ấn. Cũng trong tháng 12, 2012, vào ngày 24 một cô gái 17 tuổi ở làng Khoraon, Kaushambi ở bang Uttar Pradesh, phía bắc Ấn bị cha dùng búa chém chết chỉ vì tội tư tình với một cậu trai 20 tuổi, cùng làng nhưng khác tín ngưỡng.
Còn ở phía tây nam Ấn, một phụ nữ 19 tuổi vào ngày 23 tháng 12, ở bang Karnataka bị cha mẹ trói lại và châm lửa đốt chết cũng vì tội làm bại hoại danh dự gia đình.
Ở Ấn đang có làn sóng công phẫn của nữ giới vì vụ một nữ sinh viên y khoa ở New Delhi bị hãm hiếp tập thể trên xe bus trước mặt bạn trai và sau đó bị hành hạ rồi vứt xác xuống đường. Nạn nhân bị thương nặng và khi được chuyển tới một bệnh viện ở Singapore thì ít lâu sau tắt thở. Vụ hãm hiếp tập thể trên xe bus ở một đại đô thị Ấn, với 6 kẻ phạm án, khó có thể bị chìm xuồng vì phong trào phản đối dâng cao. Cũng vì thế vụ Bibi bị cắt đầu đối với công chúng tạm chìm trong ý thức trong những ngày cuối năm. Nhưng đối với nữ giới thì những cái chết kiểu Bibi là những làn sóng ngầm, mạnh mẽ xô đẩy vào thành trì phong kiến của xã hội Ấn, vốn tự hào là một xã hội dân chủ hóa, vì nó làm dấy lên nhiềâu cuộc biểu tình của phụ nữ Ấn đòi quyền được bảo vệ và quyền sống bình đẳng.
Các nhà xã hội học cho rằng, cái gọi là “giết người vì danh dự” (honour killings) thường xảy ra ở những xã hội đang phát triển nơi có nhiều sắc dân theo Hồi giáo, nhất là ở Trung đông, Nam Á và Ấn độ cũng không là ngoại lệ.
Một nhân vật trong NCW, ủy ban quốc gia bảo vệ phụ nữ Ấn (NCW-National Commission for Women), đã bác bỏ khái niệm “giết người vì danh dự” vì: “Giết người là giết người. Đó là một tội phạm, phản hiến và phi pháp. Làm sao có 'danh dự' trong việc sát nhân?”
Một nhà tranh đấu cho nữ quyền khác ở Ấn cho rằng phương Tây dùng chữ “honour killing” như sản phẩm của những xã hội lạc hậu lan truyền vào xã hội văn minh Âu Mỹ. Phương Tây coi các vụ án này là đặc biệt và nhìn với con mắt khác biệt. Từ đó nảy sinh sai lầm.
Nhiều vụ bạo hành gia đình, nạn nhân bị giết hại là phụ nữ bị gán cho là hậu quả của honour killing” trong khi sự thực là người chồng giết vợ vì ghen tuông hay vì một nguyên nhân khác. Nhờ được gán cho là “sát nhân vì danh dự” nên có thể được khoan dung, nên hệ thống pháp lý ở nhiều nước đã trừng phạt nhẹ tay với tội nhân phạm tội loại này.
Nhưng tập tục cổ hủ sát hại phụ nữ trong khi pháp luật lại không có biện pháp thanh trừ tệ nạn nên phụ nữ ở những quốc gia như Ấn chịu nhiều thiệt thòi trong khi họ tự hào là đang sống trong một quốc gia dân chủ kiểu mẫu ở Á châu.
Nhà làm phim Jean Claude Codsi mới đây (2012) cho trình chiếu cuốn phim của ông có tên là A Man of Honor tại đại hội điện ảnh quốc tế ở Cairo với nội dung là một bi kịch sát nhân vì danh dự, nhìn nhận “khó biết được phạm vi rộng đến đâu và con số các vụ giết người vì danh dự là bao nhiêu vì nhiều khi chúng bị che đậy dưới hình thức tai nạn hay tự tử”.
Một nghiên cứu của LHQ vào năm 2000, cho biết có khoảng chừng hơn 5.000 vụ “giết người vì danh dự” xảy ra mỗi năm trên toàn cầu. Còn NCW, ủy hội quốc gia tranh đấu cho nữ quyền của Ấn thì cho biết họ thường phải điều tra từ 70 tới 80 vụ sát nhân loại này mỗi tháng.
Ở Ấn tuy có luật đưa những phần tử gia đình chủ mưu các vụ giết người vì danh dự ra trước tòa nhưng vẫn có sự tranh cãi kịch liệt về hình phạt như bằng án tử hình, những kẻ phạm tội loại này.
Trong thực tế ở Ấn còn phải chú ý tới tập tục “phép vua còn thua lệ làng”. Thông thường hương chức trong làng, trong hội đồng gồm các già làng (elders) trong khi phán xét các vụ tranh chấp trong gia đình vẫn dựa vào hủ tục, thành kiến và mê tín, dị đoan. Có nhiều nơi hương chức trong làng đổ thừa các vụ tư tình là do sự phổ biến của điện thoại lưu động, hay “mobile phone”. Các đầu óc chậm tiến này cho rằng vì điện thoại di động nên dẫn tới phụ nữ dễ dàng hẹn hò ngoài hôn nhân và lễ giáo nên ra lệnh cấm họ dùng loại này nếu ai bị bắt gặp sẽ bị phạt. Chẳng hạn như ở làng Sundebari quy định phụ nữ độc thân bị bắt gặp cầm mobile phone sẽ bị phạt một khoản tiền tương đương 180 Mỹ kim, còn đã có gia đình bị phạt 36 Mỹ kim. Ở hạt Baghpat, Uttar Pradesh cũng có lệnh cấm phụ nữ dùng mobile phone ngoài phố.
Cảnh sát Ấn thì sao? Phần lớn giới chức bạn dân ở Ấn, nhất là ở các bang còn lạc hậu, thường xử không theo luật lệ mà theo cảm tính, và thường thờ ơ trong việc trừng phạt tội nhân và lời khiếu nại của nạn nhân.
Tuy nhiên, không phải pháp luật của Ấn tỏ ra không quan tâm tới việc trừng phạt tội ác. Cán công lý nhiều vụ tỏ ra giữ được mức thăng bằng nhưng không nhiều và không rộng khắp. Gần đây do áp lực cải cách, có nhiều vụ pháp luật Ấn đã xử trí nặng nề những kẻ giết người nấp bóng vì danh dự”.
Trong tháng 12, một tòa án ở Punjab, đã phán quyết án tử hình ba người, trong đó có một phụ nữ về tội giết người vì danh dự gia đình mà nạn nhân là một đôi tình nhân. Paramjit Klaur, mẹ của phụ nữ bị hại và hai người thân thích khác, cách đây hai năm đã sát hại Rakesh Kumar và Pooja ở quận Ferozepur, Punjab.
Tháng bảy năm 2012, một tòa án ở Lucknow cũng phán quyết án tử hình cho bảy bị cáo trong một gia đình về tội giết người về danh dự xảy ra vào năm 2006.
Một vụ thương tâm khác xảy ra Sonipat, tiểu bang Haryana vào 26 tháng sáu, 2010 khiến dư luận Ấn sôi nổi lên án loại “sát nhân vì danh dự”.
Hai cô gái tuổi 12 và 14 là Chanchal và Raj Kumari đã bị sát hại vì bị bà nội bắt gặp họ lả lơi với một cậu bé bà con 16 tuổi. Vụ trẻ con tình tự này làm cho Vidya Devi, mẹ của Raj Kumari, và hai người con trai là Chand Varma và Suraj Varma, nổi giận. Họ đã tìm cách bắt hai cô gái phạm tội và nhốt vào một nơi vắng vẻ rồi bóp cổ cho chết, sau đó vứt xác nạn nhân xuống kênh gần làng Badwasni.
Tệ nạn sát nhân vì danh dự không hề giảm ở Ấn và nếu có giảm thì chỉ ở bề mặt dù đã có luật lệ nghiêm trị kẻ gây án. Trong một xã hội còn lạc hậu, nhiều mối kỳ thị, lắm chuyện thối nát trong khi mức mở mang dân trí, tiến bộ và bảo vệ nhân quyền chỉ ở bề mặt thì tránh sao các vụ sát nhân mượn danh nghĩa bảo vệ danh dự không phát triển.
Một thiếu nữ Ba Tây bán đấu giá trinh tiết, để có tiền thuốc thang cho mẹ
Ba Tây: (Theo CNN): Vì không có tiền trả tiền thuốc men cho bà mẹ, một thuếu nữ 18 tuổi người Ba Tây đã đăng tin trên mạng, bán đấu giá cái trinh tiết của cô, cho dù bà mẹ của cô hết sức ngăn cản.
Cô Rebeca Bernardo cho các phóng viên đài CNN biết là cho đến đầu tháng giêng năm 2013, thì tiền bán đấu giá trinh tiết của cô đã lên đến 35 ngàn mỹ kim.
Cô Rebeca đã đăng báo bán trinh, sau khi được biết một thiếu nữ người Ba Tây khác, là cô Catarina Migliorini, 20 tuổi, đã bán trinh với giá 780 ngàn mỹ kim. Người mua là một người Nhật.
Cô Rebeca cho biết là cô quyết định sẽ bán trinh sau khi cô đủ 18 tuổi. Cô cũnng cho biết là hiện cô đi làm bồi bàn, bán mỹ phẩm, nhưng cả hai nghề này đều không kiếm đủ ăn.
Một đài truyền hình địa phương nghe tin này, đã đề nghị sẽ bỏ tiền thuốc men cho bà mẹ, nhưng cô Rebeca lại muốn có thêm tiền cho cô di chuyển theo mẹ, cho nên việc này đã không thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét