Trong thơ tình thời tình yêu
được thăng hoa như lý tưởng nhân sinh, có lẽ khó tìm ra bài nào chan chứa yêu
đương bằng bài: Ba lời cảm ơn. Chúng ta thử
đọc trọn mười hai câu viết vội trên một mẩu giấy tặng người tri kỷ thì thấy ái
tình thực bao la vượt khỏi giới hạn vốn có của ngôn ngữ:
Cảm ơn trời đất thật tài hoa
Đưa hết tình anh với đậm đà
Đem cả bài thơ và khúc nhạc
Sắc trời hương đất tạo em ra.
Cảm ơn thầy mẹ khéo nhân duyên
Sinh tạc ra em khối diệu huyền
Dáng nét làm cho anh quyến luyến
Sáng ngời đôi mắt khiến anh điên.
Lắm lúc nhìn em sững mắt anh
Cảm ơn em đã đón anh nhìn
Anh nhìn như thể rơi con mắt
Và cả thời gian cũng đứng im.
Một bài thơ tình thực khéo và thực đậm đà gửi cho người mình yêu dấu. Người trong bài thơ khó ngăn cảm xúc tuôn trào và ai khác đọc mà chẳng cảm động
giùm cho kẻ yêu nhau và nhớ tới cuộc tình của mình, mà vì thiếu khả năng ngôn ngữ tài hoa, nay đành nhờ thi nhân thay lời.
Khéo ở chỗ mượn lời cảm ơn để ca tụng người
mình yêu, đồng thời để bày tỏ lòng mình trân trọng và say đắm người tình.
Lòng biết ơn bày tỏ theo thứ tự từ cao xuống thấp, trời đất “tạo ra em”, thứ tới cha mẹ sinh thành và cuối
cùng là cảm tạ chính thần tượng trước mắt vì “em đã đón anh nhìn”.
Cảm ơn trời và cũng ngỏ lời ca tụng hóa công, hòa hợp sắc trời,
hương đất tạo ra một nhan sắc tuyệt
trần. Tri ân thầy mẹ đồng thời cũng để ca tụng nhân duyên đẹp đẽ của đấng sinh thành giúp tạo ra một khối diệu huyền
khiến người thơ say đắm. Nhưng quan trọng hơn cả
là lòng biết ơn chính người mình chiêm ngưỡng vì “nàng” đã đón nhận
tình cảm đắm
đuối của người
thơ. Có người khi đọc bài thơ lại nghĩ đến nhịp ba của một hôn lễ, những phút long trọng
và thiêng liêng nhất của một cuộc tình nào là lạy trời, nào là lạy cha mẹ và
lúc mặt nhìn mặt hai kẻ bước vào hôn nhân thì vái nhau.
Đọc kỹ mới thấy ba lời cảm ơn thực ra có thể thu vào một lời. Cái khéo ở chỗ
dùng nhiều hình ảnh, minh họa cũng như ẩn dụ, nhằm làm nổi bật chân dung người
yêu. Ai mà trong tình yêu đam mê như
thế? Tình yêu nào mà chất lãng mạn bay bổng tới mức đó?
Nếu biết chân tướng của bài thơ và rõ thi sĩ là ai thì phần đông
chúng ta đều ngạc nhiên và phải nhận rằng do cảm xúc, do sức mạnh của vần điệu
tạo nên tưởng tượng đã dẫn ta tới sai lầm trong khi thưởng ngoạn văn chương.
Bài thơ trên là của Xuân Diệu và không
phải gửi cho một cô gái mà tặng một chàng trai. Bài thơ được sáng tác vào năm
1982 ở Mạc tư khoa khi Xuân Diệu gặp một người đồng hương đẹp trai có
tên là Đặng Của tuổi đời thua ông gần hai
giáp. Tặng một người con trai mà có những lời tha thiết như thế mới thực là kỳ
lạ và ai lạc vào thế giới tình yêu của Xuân Diệu với
hàng bốn năm trăm bài hẳn bỡ ngỡ với thứ tình trai chưa từng có trong thơ Việt.
Không phải
ngày nay người đọc mới rõ tình yêu của Xuân Diệu có nhiều “ngang trái” so với bình
thường. Từ lâu có một câu hỏi đặt ra:
tình ái dưới ngòi bút của Xuân Diệu là
thứ ái tình nào? Cho đến nay nhiều độc giả cứ tưởng đó là tình yêu trai gái mà chúng ta quen gặp
trong văn chương lãng mạn Việt Nam tiền bán
thế kỷ XX. Không phải chỉ chúng ta lầm mà một phụ nữ có kinh nghiệm như Bạch Diệp cũng lầm nên vào tuổi xấp xỉ 30, đã chấp nhận làm vợ Xuân
Diệu, cứ tưởng sẽ được làm vợ “một nhà tình thơ lớn vào bậc
nhất” và hy vọng kẻ đa tình sẽ mang cả
tâm hồn và thể xác phụng sự mình. Kết cuộc cuộc hôn nhân là một bi-hài kịch. Đôi vợ chồng nằm chưa ấm
chiếu và chỉ nửa năm sau đã chia tay. Thì ra Xuân Diệu “yêu rất
nhiều” và “tham lam đòi hỏi quá nhiều” nhưng “nhận chẳng bao nhiêu” vì tình yêu của ông
dành cho người đồng tính chứ không phải
người khác tính.
Trong cuộc đời, từ lúc là thi sĩ lãng mạn có “mái tóc như mây vướng trên đài trán thơ ngây” như Thế Lữ mô tả, được bao người yêu thương, rồi thời
cuộc biến thành tha hóa và trở thành cái loa tuyên truyền, Xuân Diệu chỉ có một người bạn đồng hành là Huy Cận.
Trước 1945, cả hai đã gắn bó trong cuộc sống. Xuân Diệu đưa Huy Cận vào tờ Ngày
Nay và nuôi Huy Cận đi học trường
canh nông. Huy Cận thành danh, Xuân Diệu bỏ việc làm “đoan” ở Mỹ Tho trở về Hà nội sống
với Huy Cận. Rồi Huy
Cận lao đầu vào chính trị tìm hai
chữ lợi danh, đã kéo theo Xuân Diệu, một kẻ tự nhận “tôi
khờ khạo lắm ngu ngơ quá, chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì”. Tình cảm của
hai người là có thực và là tình trai. Chúng ta nếu đã
có dịp đọc bài Tình
trai củaXuân Diệu gửi Huy Cận thì không thể không đọc bài Ngủ chung mà Huy Cận đã ghi
lại cảm giác yêu đương với người tình đầu đời:
Ôi rét! Đêm nay mấy học trò
Ngủ chung giường hẹp, trốn bơ vơ.
- Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ.
Lạnh lùng biết mấy tấm thân xương!
Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường,
Đâu nữa tay choàng làm gối ấm;
Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương...
Ai đắp mền cho, trải nệm là?
Đêm dày ướt rượi khí tha ma.
Coi chừng cửa mộ quên không khép,
Địa phủ hàn phong lọt cả mà.
Trốn tránh bơ vơ, chạy ngủ lang,
Hồn ơi! Có nhớ giấc trần gian
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?
Khổ cuối của bài gợi nhiều hình ảnh tình trai nhất là câu “Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn!”
Hàng chục năm sau, trong Hồi ký Song đôi, Huy Cận khi đã “gót danh lợi bùn pha sắc xám, mặt phong trần nắng rám mùi
dâu” và vào lúc đã khóc bạn
tình “Diệu ơi! Diệu đã về yên tĩnh”, đã
thú nhận mối tình trai dưới dạng tình bạn:
“Chúng tôi sống giữa đời như hai anh em sinh đôi, nhưng bản lĩnh và phong cách văn chương thì rất khác nhau, khác nhau và
bổ sung cho nhau thành một ‘quả đôi’…
Tôi nhớ lại: Một tháng trước khi Diệu
mất, một buổi chiều Diệu ngồi trệt giữa phòng nói với tôi: ‘Trong hai đứa mình, đứa
nào chết trước là sướng, đứa nào ở lại
sau chắc khổ lắm!’ Tôi nghe lặng người đi, không dám nói câu gì. Tôi cảm thấy nỗi đau trong lòng Diệu khi thốt ra câu ấy. Nào ngờ đó là lời trối trăng của
Diệu cho tôi. Quả thật sau đám tang của Diệu,
liền trong nửa năm, tôi nghe trong người tôi như hẫng đi, và
thấy như cuộc đời hư lãng. Và rất nhiều lần Diệu về gặp tôi trong
giấc chiêm bao”.
Nhưng không phải Xuân Diệu chỉ
“yêu” Huy Cận mà nhà thơ tình của chúng
ta tham lam lắm, đã san sẻ tình yêu cho rất nhiều chàng trai.
Trước 1945, Xuân Diệu thích Đinh Hùng vì Đinh
Hùng (sinh năm 1920) đẹp trai (từng đóng vai người đẹp Vân Muội trong kịch thơ của Vũ Hoàng Chương) nhưng tác giả Mê hồn ca không ưa Xuân
Diệu vì nhiều tính xấu như tính tham ăn của nhà thơ đàn anh như ông đã
hồi ức trong Đốt lò hương cũ.
Tô Hoài kể lại, trước 1945, tác giả O
chuột đã quen biết Xuân Diệu và được Xuân Diệu coi như dàn em thân thiết vì Tô Hoài (sinh năm
1920) có dáng bạch diện thư sinh.
Tô Hoài không thể quên được
“ân tình” của tác giả Thơ thơ đối với mình: “Dịu dàng âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên
vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối, Xuân Diệu gắp
thức ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ đối
với tôi, nhưng mà tôi cảm động... thỉnh thoảng Xuân
Diệu lại lên nhà tôi ở Nghĩa đô (ngoại thành Hà nội). Vẫn nắm tay cả buổi, nhìn nhau tha thiết. Xuân Diệu yêu tôi”.
Chẳng phải Xuân Diệu chỉ yêu Huy Cận hay Tô Hoài mà đúng như ông đã từng ví mình:
Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm
Nếu hương đêm say giậy với trăng rằm
Sao lại trách người thơ tình lơi lả!
Hình như Xuân Diệu đã bị thu hút bởi tất cả những chàng khỏe
mạnh, xinh trai nên khi theo “kháng chiến” lên miền núi rừng phía bắc, ông đã từng bị “kiểm thảo”, “phê bình” tới mức phải
khóc chỉ vì tội... đêm đêm tìm tình yêu nơi “đồng chí” đồng tính. Tô
Hoài kể lại trong Cát bụi chân ai:
“Chẳng biết đêm hôm ấy có ông
kễnh nào bị bàn tay nhung sờ vào rốn không. Cuộc kiểm điểm Xuân Diệu kéo
dài hai tối. Hồi ấy chưa biết phương pháp chỉnh huấn, nhưng hằng ngày chúng tôi
làm việc giờ giấc nghiêm ngặt, mỗi tối lại hội ý rút kinh nghiệm, nêu hướng sửa
chữa và trình bày công việc ngày mai của từng người. Cả cơ quan họp đến khuya. Chỉ có ông Phan
Khôi lên đồi, màn vẫn mắc sẵn, đi ngủ từ chập tối, bỏ ngoài tai mọi việc.
Xuân Diệu chỉ ngồi khóc. Không biết Nam
cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Tô Sang và mấy thằng nữa, có ai ngủ
vớiXuân Diệu không, tất nhiên không ai nói ra.
Tôi cũng câm như hến... trong đêm tối
mình cũng điên kia mà, chứ có phải mình Xuân Diệu đâu. Không
nói cụ thể nhưng ai cũng to
tiếng, gay gắt nghiêm trang phê phán tư tưởng tư sản, tư tưởng tư sản xấu xa
phải chừa đi. Xuân
Diệu nức nở nói đấy là tình
trai của tôi kia mà…! rồi nghẹn lời, nước mắt ứa ra, không hứa hẹn sửa chữa gì
cả. Ít lâu sau, trong một cuộc họp ban chấp hành, Xuân
Diệu bị đưa ra khỏi ban thường vụ. Và cũng thành thói quen kéo dài,
từ ấy không ai nhắc nhở đến những việc
chủ chốt ở ban thường vụ trước kia Xuân
Diệu đã phụ trách. Bỗng dưng, Xuân Diệu thành một người có thì giờ chỉ chuyên đi và viết. Mà Xuân
Diệu cũng tự xa lánh mọi công tác”.
Dù bị chỉ trích đồng tính
luyến ái, Xuân Diệu vẫn là Xuân Diệu. Hễ có dịp nhà thơ vẫn lơi lả trong tình cảm:
“Một đêm thị trấn mời Xuân Diệu nói chuyện thơ. Bọn con trai choai
choai kháu khỉnh xúm xít quanh nhà thơ. Tuổi trẻ, trai gái thấy nhau như có điện, dù điện
yêu hay điện
ghét, điện hút hay điện đẩy đi, thái độ
hiện ngay ra con mắt, nụcười, cái bĩu môi,
dáng xóc cổ áo, cái nhổ bãi nước bọt. Đằng
này, con gái đi ngang mặt, Xuân Diệu cứ dửng dưng như không, nhưng con trai
thì xoắn xuýt vòng trong vòng ngoài. Sáng hôm sau còn đến chơi. Xuân Diệu nhìn dõi vào mắt, nắm cổ tay từng đứa, mân mê như chọn đẵn
mía. Các cậu ấy còn đeo ba lô hộ, tiễn
chúng tôi một quãng xa”.
Đấy là Xuân
Diệu ở đời thường. Còn trong thơ văn
thì sao? Nhà thơ không hề giấu giếm tình trai dù với Huy Cận và với ai chăng
nữa.
Chúng ta thử đọc bài thơ
sau đây vào năm
1965 ông gửi cho một thanh niên có tên Hoàng
Cát mà ông đã tình cờ gặp gỡ và
yêu thương. Bài thơ Em
đi như những lời từ biệt muôn vàn tha thiết và đớn đau giữa hai người tình trong cơn binh lửa:
Em đi, để tấm lòng son mãi
Như ánh đèn chong, như ngôi sao
Em đi, một tấm lòng lưu lại
Anh nhớ thương em, lệ muốn trào
Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa!
Nụ cười em nở, tay em vẫy
Ôi mặt em thương như đóa hoa!
Em hỡi! Đường kia vướng những gì
Mà anh mang nặng bước em đi
Em ơi, anh thấy như anh đứng
Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa
Nhưng bóng em đi đã khuất rồi
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi
thân, dẫu cách vời
Em hẹn sau đây sẽ trở về
Sống cùng anh lại những say mê…
Áo chăn em gửi cho anh giữ
Xin gửi cùng em cả hẹn thề
Một tấm lòng em sâu biết bao
Để anh
thương mãi biết làm sao!
Em đi xa cách, em ơi Cát
Em chớ buồn, nghe. Anh nhớ, yêu...
Bài thơ làm người ta nhớ tới đoạn
chia tay giữa chinh phụ và chinh phu trong Chinh
phụ ngâm: “Nhủ rồi tay lại trao liền, bước đi một bước lại vin áo chàng” hay liên tưởng tới Thái Can trong bài Anh
biết em đi. Có lẽ còn tình tứ và da diết
hơn nữa. Ôi mối tình trai của Xuân Diệu quả
thực là độc
đáo!
Cũng tội cho nhà thơ mang nặng mối tình trai nên khi nhắm mắt
chẳng có cô gái nào tiễn đưa. Người vợ
trên danh nghĩaBạch Diệp chỉ gửi đến viếng thi nhân một vành hoa trắng!
Có thấm thía tình trai của Xuân Diệu,
người yêu thơ mới có thể thưởng thức được
những vần thơ lãng mạn và trữ tình trong Thơ thơ và Gửi hương
cho gió. Đồng thời, nhờ nhận thức được chân dung đích thực
của nhà thơ, chúng ta mới thấy phần lớn những tác phẩm chạy theo thời cuộc của Xuân Diệu sau 1945, kể cả tác phẩm Ngôi Sao được
một giải thưởng
văn học gây nhiều tranh luận vào năm 1956, chỉ
khởi từ nguồn hư cấu, giả tạo và tẻ nhạt.
Hoàng Yên Lưu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét