Trong tập 4, bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, có một văn bản ngắn như sau :
Lời kêu gọi đồng bào Bắc BộHỡi đồng bào Bắc Bộ!Việc bất hợp tác sáng hôm qua chẳng những không do mệnh lệnh Chính phủ mà trái với chính sách Chính phủ. Việc đó tỏ rằng một số quốc dân chưa hiểu kỷ luật. Biết theo những mệnh lệnh Chính phủ, làm cho thế giới thấy rằng dân tộc ta xứng đáng độc lập, Chính phủ ta có đủ oai quyền. Vậy tôi, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, hạ lệnh cho nhân dân Bắc Bộ lập tức đình chỉ việc bất hợp tác, giữ thái độ bình tĩnh giúp Chính phủ giữ gìn trật tự.Đồng bào yêu mến tôi, nghe lời tôi.
Có một khía cạnh đáng chú ý trong Lời Kêu Gọi đó của Chủ Tịch Hồ Chí Minh; đó là Ý THỨC DÂN CHỦ. Rõ ràng ông Hồ Chí Minh, tuy ngoài mặt luôn luôn hô hào Dân Chủ - Cộng Hoà, chống phong kiến - quan liêu - mệnh lệnh, nhưng sâu trong lòng ông vẫn mang tâm lý của bậc "Dân chi phụ mẫu", tâm lý bề trên đối với nhân dân, tâm lý của một quân vương hoặc của một vị đại thần. Chính do tâm lý đó mà ông đã dễ dàng để cho người ta xưng tụng Ông là "cha già dân tộc", là "bác". Tuy tỏ ra tôn trọng nhân dân, luôn cao giọng giáo huấn cấp dưới của mình rằng làm cách mạng, làm cán bộ là làm "đầy tớ của nhân dân", nhưng sâu trong tiềm thức, ông Hồ vẫn tự mình đứng ra ngoài, đứng lên trên cái đám nhân dân kia, vẫn một cách vô thức cho rằng mình sáng suốt hơn nhân dân, và nhân dân cần ở Ông sự lãnh đạo về mọi phương diện.
Tâm lý trên không chỉ có ở Chủ Tịch Hồ Chí Minh, mà có ở hầu hết các nhà lãnh đạo Việt Nam thời bấy giờ, và ngay cả thời nay. Ở trong Nam, những lãnh tụ như Tổng Thống Diệm, ông cố vấn Nhu, ông Nhất Linh, ông Phan Khắc Sửu, v.v... cũng mang một tâm thức tương tự; tâm thức của kẻ ở trên, ở ngoài nhân dân. Nghĩa là một tâm thức thiếu vắng Ý Thức Dân Chủ, là ý thức thừa nhận chủ quyền thuộc về dân, thừa nhận sự tồn tại bình đẳng của mọi thành viên trong xã hội về các mặt nhân quyền, dân quyền, quan điểm, v.v...
Nhận thức Dân Chủ của các vị ấy rất đơn giản: Dân Chủ có nghĩa là không quân chủ, không còn vua, có bầu cử, có bỏ phiếu, thế thôi! Những yếu tố quan trọng và thiết yếu khác của Ý thức Dân Chủ như thừa nhận và tôn trọng các ý kiến hay quan điểm khác biệt, quyền hạn ngang nhau giữa mọi công dân, kể cả giữa người dân và lãnh tụ, trong việc tham chính, v.v... không hề có trong tâm thức của các vị. Lời kêu gọi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh với câu: "tôi hạ lệnh cho nhân dân" chính là biểu hiện đặc trưng nhất cho sự thiếu vắng Ý Thức Dân Chủ trong giới lãnh đạo Việt Nam ở cả hai phiá. Từ đầu thế kỷ 20, có lẽ sẽ không tìm thấy ở lời kêu gọi của một nguyên thủ quốc gia nào đối với nhân dân của họ mà lại có lối dùng mệnh lệnh cách mạnh mẽ như trong lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh.
Tắt lại, người Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay, trong đó có cả Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tuy chịu ảnh hưởng mạnh của cao trào Dân Chủ trên thế giới, và luôn không ngớt hô hào Dân Chủ, nhưng sâu trong tâm thức đa số, nhất là giới lãnh đạo, chưa hề tự rèn luyện để có cho mình một Ý Thức Dân Chủ đúng nghĩa. Điều ấy thể hiện không những ở thái độ quan liêu - mệnh lệnh, mà còn rõ nét nhất ở sự độc đoán về quan điểm; luôn cho rằng chỉ có quan điểm - ý kiến của mình là đúng, ai nghĩ khác với mình là sai, thậm chí là thù địch. Ông Tổng bí Thư Lê Duẩn với cái gọi là "Ý thức làm chủ tập thể" là một ví dụ khác. Ông nghĩ ra "Ý thức" ấy và buộc mọi người phải đồng ý với Ông, đưa vào hầu hết các nghị quyết của Đảng, ngay cả còn muốn buộc một vị tiến sĩ Triết học, có tầm vóc quốc tế, phải đồng ý với mình! Thái độ độc đoán về quan điểm và nhận thức đó là tàn dư của văn hoá Khổng Giáo phong kiến, và là một anathema đối với Ý thức Dân Chủ.
Một khía cạnh khác có lẽ cũng đáng lưu ý. Đó là nếu đem đối chiếu nội dung của Lời Kêu Gọi của ông Hồ Chí Minh năm 1945 với những bản án mới đây giới lãnh đạo CSVN dành cho những người trẻ tuổi trong Nước có thái độ ái quốc và chống Trung Quốc, chúng ta sẽ nhận ra những điểm tương đồng. Đó là ông Hồ đã nhân danh kỷ luật, chính sách của chính phủ (tức của Đảng) để ra lệnh cho nhân dân không được có thái độ khác với đường lối của "cấp lãnh đạo". Những bản án hôm nay ở Việt Nam cũng vậy, cũng nhân danh đường lối, chính sách để ngăn chận người dân biểu lộ lòng yêu Nước và quan điểm của mình. Hai sự kiện cách nhau gần 70 năm, nhưng xét về tính chất thì hoàn toàn giống nhau; đó là thái độ độc quyền chân lý của các lãnh tụ CSVN và sự độc đoán của đảng CS áp đặt lên đời sống của toàn thể dân Việt. Chỉ có những gì thuộc về bản chất thì mới không thay đổi sau một thời gian dài như vậy.
Kính,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét