Thụy Khuê
Về Kinh Bắc là bản hùng ca bi tráng, vào đêm. Đêm của người thất trận, nhưng không thoái gót. Về Kinh Bắc là về đất mẹ Luy Lâu (Kinh Bắc), kinh đô văn hoá đầu tiên của nước Việt, để dâng sớ kể tội "triều đình" đàn áp tư tưởng, càn quét nhân tài. Nội dung ấy được giấu trong những câu thơ kín đáo, rồi lại đảo lộn thứ tự như sấm Trạng Trình. Đọc qua không thể hiểu. Hoàng Cầm trả lời mọi thanh trừng bức bách. Nhưng kẻ ra lệnh bắt Hoàng Cầm đã hiểu.
Muốn tìm hiểu một giai đoạn nào của Lịch Sử lớn, không thể không tìm hiểu lịch sử nhỏ của những người đã đóng góp tích cực vào sự tiến hoá hay thoái hoá của giai đoạn này. Trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, tiểu sử những người có công tiêu diệt phong trào NVGP được phóng đại tô màu, vinh thăng ca ngợi. Còn lịch sử những người có công đầu trong kháng chiến chống Pháp, nhưng sau này trở thành những thành viên NVGP, đã bị xoá, tẩy, bôi nhọ, tác phẩm bị loại trừ. Hoàng Cầm là một khuôn mặt điển hình.
Tiểu sử
Hoàng Cầm sinh ngày 22/2/1922, tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nguyên quán làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tên thật là Bùi Tằng Việt (chữ ghép của Phúc Tằng và Việt Yên). Bút danh khác: Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi... Tiểu học ở Bắc Giang, 1937 đỗ cao đẳng tiểu học ở Bắc Ninh. Trung học ở trường Thăng Long Hà Nội, đỗ tú tài năm 1940. Làm thơ từ 8 tuổi. Tác phẩm thành danh của Hoàng Cầm là kịch thơ Hận Nam Quan viết năm 1937, 15 tuổi, khi còn học đệ tứ ở Bắc Ninh (in năm 1942). Hận Nam Quan được đưa vào chương trình giáo dục (vùng quốc gia) trước 1954.
1938, 16 tuổi, còn đi học Hoàng Cầm đã bước vào nghề văn, cộng tác với nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long, nổi tiếng từ thời kỳ này, với những tác phẩm Hận ngày xanh, phóng tác Graziella của Lamartine và những truyện rút trong Ngàn lẻ một đêm. 1942, 20 tuổi, viết kịch thơ Kiều Loan. Từ 1940-1945, Hoàng Cầm sống ở Thuận Thành và Hà Nội, ông lấy người vợ đầu tiên trong thời gian này.
Tháng 9/1945, Hoàng Cầm cùng Hoàng Tích Chù lập ban kịch Đông Phương, trình diễn ở các vùng Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh... Ngày 26/11/46, Kiều Loan được trình diễn lần đầu tại nhà Hát Lớn Hà Nội.
Tháng 12/46, chiến tranh bùng nổ, ban kịch Đông Phương rời Hà Nội, đi lưu diễn ở những vùng phụ cận. Hoàng Cầm và Tuyết Khanh (diễn viên chính đóng vai Kiều Loan) sống chung, giữa năm 1947, hai người cùng gia nhập Vệ Quốc Đoàn. Hoàng Cầm thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền đầu tiên trong quân đội, điều khiển và phát triển đoàn Văn Nghệ Liên Khu Việt Bắc từ 1948 đến 1952.
Tháng 8/1950, Hội nghị văn nghệ họp tại Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo của Tố Hữu, quyết định vinh thăng kịch, loại trừ: tuồng, chèo, vọng cổ, và kịch thơ... ra khỏi nền văn nghệ cách mạng. Hoàng Cầm phải tuyên bố "treo cổ" kịch thơ của mình.
Tháng 7/1952, đại tướng Nguyễn Chí Thanh điều động Hoàng Cầm về làm đoàn trưởng đoàn Văn Công Tổng Cục Chính Trị. Ông giữ chức này đến đầu năm 1955.
1954, Hoàng Cầm được cử tổ chức buổi Liên hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong mười tiết mục, ông đưa vào màn quan họ Bắc Ninh"Yêu nhau cởi áo cho nhau", và bị "đả đảo!" là "đồi trụy!". Tướng Nguyễn Chí Thanh lên diễn đàn bênh vực Hoàng Cầm, hạ lệnh im bặt tiếng đả đảo, để đoàn văn công tiếp tục trình diễn hết màn quan họ.
Tháng 10/54 Hoàng Cầm và đoàn văn công về tiếp quản Hà Nội.
1/1/1955, Văn công quân đội chia làm ba đoàn, Hoàng Cầm điều khiển đoàn I, chuyên về kịch nói. Cùng thời gian này, Hoàng Cầm tham gia việc đòi cải tổ chính sách văn nghệ quân đội cùng với Trần Dần, Tử Phác, Lê Đạt...
Tháng 12/1955, vì bất hoà với Cục phó Cục tổ chức (cũng nằm trong Tổng Cục chính trị), Hoàng Cầm xin chuyển sang Hội Văn Nghệ, làm việc ở nhà xuất bản Văn Nghệ.
Tháng 2/1956 Hoàng Cầm cùng Lê Đạt chủ trương Giai phẩm mùa xuân.Tháng 9/1956 Hoàng Cầm cùng Nguyễn Hữu Đang chủ trương Nhân văn.
Chịu kỷ luật cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng... tuy nhẹ hơn, chỉ bị một năm khai trừ khỏi Hội Nhà Văn, như Phùng Quán. 1982, Hoàng Cầm bị bắt, bị giam 18 tháng vì tác phẩm Về Kinh Bắc. 1988, ông được "phục hồi".
Trong các bài đánh Hoàng Cầm, người ta luôn luôn dùng hai chữ "đồi trụy", nhắm vào đời tư của Hoàng Cầm: Ông nghiện thuốc phiện (như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tử Phác) và có nhiều vợ. Bà vợ đầu tên là Hoàng Thị Hoàn, cưới khoảng 1940-1945, có ba con, chết cùng với con gái năm 1949. Bà Tuyết Khanh sống chung từ đầu năm 1947, tháng 1/48, sinh Kiều Loan, nhưng hai người phải xa nhau. Sau đó ông sống với bà Xuyến, cô hàng xén chợ Hạnh. Từ tháng 5/1955 Hoàng Cầm sống với bà Lê Hoàng Yến, cựu hoa khôi Hà thành, đã có 6 con riêng, ông ly dị bà Xuyến khoảng 1956.
Xin nhắc lại: Những thành viên NVGP phần lớn là những người đã giữ trọng trách trong nền văn nghệ kháng chiến:
Lê Đạt làm phụ tá cho Tố Hữu (1949). Tử Phác, Trưởng phòng Văn Nghệ Tuyên huấn Trung Ương (1951). Đặng Đình Hưng, đoàn trưởng kiêm chính trị viên đoàn Văn Công Nhân Dân Trung Ương (1952). Hoàng Cầm, đoàn trưởng Văn Công Tổng Cục Chính Trị (1952). Trong bài Múa sạp thấu lòng Tử Phác (Hoàng Cầm văn xuôi, nxb Văn học 1999, trang 129) Hoàng Cầm cho biết, thời 51- 52, Tử Phác là "cấp trên" của ông, chính Tử Phác đã "chỉ thị" cho Hoàng Cầm (trưởng đoàn văn công) và Mai Sao, nghiên cứu và thực hiện điệu múa sạp.
Những chi tiết trên đây giải thích tại sao NVGP có thể thành tựu được, bởi những người chủ trương phong trào nắm giữ các cơ sở chính của nền văn nghệ kháng chiến lúc bấy giờ: Tử Phác trách nhiệm tờ Sinh Hoạt Văn Nghệ (tiền thân của tờ Văn Nghệ Quân Đội). Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang ở trong báo Văn Nghệ. Hoàng Cầm và Đặng Đình Hưng trước điều khiển toàn bộ Văn công quân đội và dân sự, từ 1955, Hoàng Cầm về nhà xuất bản Văn Nghệ (đọc và duyệt), nhờ ông mà một số tác phẩm không chính thống đã in được trong năm 1955-56.
Tác phẩm:
Kịch thơ:
- Hận Nam Quan nxb Người Bốn Phương, (viết 1937, in 1942)
- Kiều Loan nxb Văn học (viết 1942, diễn 1946, in 1992)
- Viễn Khách (viết 1942, diễn 1949, in 1952) của Hoa Thu, tuy Hoàng Cầm không xác nhận, nhưng cần nghiên cứu lại, nếu đúng, nên xác định đây là tác phẩm của Hoàng Cầm.
- Lên đường Tân Dân (1952)
- Cô gái nước Tần, Tân Dân (1952)
- Trương Chi, (chưa xuất bản), đánh dấu sự trở lại của Hoàng Cầm với kịch thơ, sau 1954. Có trích trên báo Văn số 24 (18/10/57), in lại trên Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí. Không biết hiện nay Trương Chiở trong tình trạng như thế nào?
Truyện:
- Thoi mộng (truyện vừa) nxb Tân Dân (viết 1940)
- Hai lần chết (truyện ngắn) Tân Dân, 1941.
Kịch:
- Ông cụ Liêu (viết 1950, in 1951)
- Đêm Lào Cai (in 1957)
Thơ:
- Mắt thiên thu (mất bản thảo, 1941)
- Bên kia sông Đuống (viết 1948, Văn hoá, 1993)
- Tiếng hát quan họ (in chung trong tập Cửa biển, 1956)
- Về Kinh Bắc (viết 1959, Văn học, 1994)
- Mưa Thuận Thành (Văn Hoá, 1987)
- Lá diêu bông (viết 1970, Hội Nhà Văn, 1993)
- Men đá vàng (truyện thơ, viết 1973, nxb Trẻ, 1989)
- Về cõi em, 1992, chưa in.
Dịch, phóng tác:
- Hận ngày xanh (phóng tác Graziella của Lamartine, Tân Dân 1940).
- Bông sen trắng (truyện thần thoại của Anderson, Tân Dân, 1941).
- Những truyện thần thoại rút từ Nghìn lẻ một đêm: Mang xuống tuyền đài(Tân Dân, 1942). Cây đèn thần (Tân Dân, 1942), Tỉnh giấc mơ vua (Tân Dân, 1942).
- Những niềm tin (Dịch thơ Boualem Khanfa, Algérie, 1965)
- Mối tình cuối cùng (Dịch Dostoievski, Phụ nữ, 1988).
Vị trí Hoàng Cầm trong văn học
Trong ba nhà thơ tác nhân chính của phong trào NVGP, Trần Dần và Lê Đạt thuộc thế hệ đàn em, chưa có sự nghiệp thơ trước kháng chiến. Hoàng Cầm thuộc thế hệ đàn anh.
Vũ Hoàng Chương có nhắc đến Dạ Đài: "Hùng đứng làm cố vấn cho một nhóm thi hữu trẻ tuổi hơn trong đó có Vũ Hoàng Địch, Trần Dzần, Trần Mai Châu để xuất bản một giai phẩm lấy tên Dạ đài. Quả là cái tên "tiền định".(Nhớ Đinh Hùng, Loạn trung bút, Khai Trí 1970, trang 182). Khi Đinh Hùng mất (24/8/67), Vũ Hoàng Chương làm câu đối đặt trước áo quan:
Hồn sáu đường mê tìm Phật độ
Tình muôn trang sử mặc Trời ngâm
Và trong bài
ai điếu trước mộ, có câu:
Mênh mang một tiếng cười dài
Hồn lay bốn vách dạ đài cho tan!
Vũ Hoàng Chương bao quát đời Đinh Hùng, từ Dạ đài đến Mê
hồn ca,Đường vào tình sử ... trong
bốn câu thơ rung động trời, đất, phật đài.
Hoàng Cầm (sinh 1922) cùng thời với Vũ Hoàng Chương (1916) và Đinh Hùng (1920), là những nhà thơ nổi tiếng trước kháng chiến. Vũ Hoàng Chương lớn tuổi hơn cả, nhưng xong tú tài, ông còn học luật, rồi bỏ luật đi làm, sau lại học khoa học, cho nên ông vào nghề văn cùng thời với Hoàng Cầm, Đinh Hùng. Tố Hữu (1920) cũng làm thơ từ năm 1937, nhưng thập niên 40, chưa nổi tiếng. 1946 mới có tác phẩm đầu tay: tập Thơ(1958 in lại đổi thành Từ ấy). Tác phẩm Việt Bắc (1954) xác định ông là nhà thơ hàng đầu của Đảng. Sau khi "dẹp xong" Nhân Văn Giai Phẩm, uy thế Tố Hữu đã "lẫy lừng", trong số những bài viết về Tố Hữu, Đặng Thai Mai có nhận định xác đáng hơn cả:
- "Tố Hữu là nhà thơ chỉ viết để phục vụ cách mạng từ trước đến sau".
- "Tình cảm trong thơ Tố Hữu là tình cảm của một chiến sĩ cộng sản, luôn luôn đứng trên lập trường của Đảng mà tranh đấu, suy nghĩ, cảm xúc".
Và Đặng Thai Mai nhấn mạnh:
- "Tưởng không cần nhắc lại một lần nữa rằng, trong các yếu tố đã xây dựng nên cái đặc sắc của thi sĩ, như trên kia đã nói, thì chính là hoạt động cách mạng theo đường lối của Đảng. Không có cái nội dung cách mạng đó, không có lập trường tư tưởng đó, thì cũng không có thơ Tố Hữu"(Đặng Thai Mai, Mấy ý nghĩ, viết ngày 10/4/1959, in trong tập Từ ấy, thơ Tố Hữu, Văn Học, 1959). Đó là vị trí của Tố Hữu trong văn học.
*
Trở lại vị trí của Hoàng Cầm: Trước kháng chiến, Hoàng Cầm cùng Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, là những nhà thơ thuộc thế hệ bắc cầu giữathơ mới và thơ hiện đại.
Trong kháng chiến, Hoàng Cầm (1922) cùng Văn Cao (1923), Phạm Duy (1921), ba tên tuổi đã có những đóng góp lớn lao cho kháng chiến. Riêng Hoàng Cầm-Phạm Duy, ngoài sáng tác, còn trình diễn trên khắp chiến trường Việt Bắc (1947-1948), xây dựng tinh thần kháng chiến quân. Giọng ngâm "oanh vàng đất Bắc" của Hoàng Cầm, xung động tinh thần tự hào Vệ quốc: "Rằng ta là Vệ Quốc Đoàn". Tiếng hát Phạm Duy giục giã thanh niên "cùng nhau xông pha lên đường" bảo vệ tổ quốc.
Hoàng Cầm ghi: "Từ sau cách mạng tháng Tám, Văn Cao với tôi và Phạm Duy đã trở thành bạn thân, lúc nào, ngày nào cũng có nhau, biểu diển, sáng tác đều có nhau, thậm chí đi nghe hát ca trù (ả đào) hoặc đi uống rượu, đi cà phê sớm tối đều có nhau, khiến rất nhiều văn nghệ sĩ lúc bấy giờ đã gọi ba đứa chúng tôi là: "Bộ ba bất khả li (Les trois inséparables). Vậy thì Văn Cao phải có mặt trong tập Giai phẩm [mùa xuân] này chứ?"(Cái gì thúc đẩy thơ, Hoàng Cầm văn xuôi, trang 221).
Với kháng chiến, Hoàng Cầm còn là một trong những người đã đóng góp hai lần xương máu: máu xương văn nghệ trong 9 năm sáng tác, trình diễn và máu xương gia đình: một vợ, một con và một em trai, chết trong kháng chiến. Tìm lại lịch sử riêng của Hoàng Cầm, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tại sao Hoàng Cầm có đủ tư thế văn nghệ để mời Văn Cao, Phan Khôi tham gia NVGP, có đủ uy tín cách mạng để đương đầu với Tố Hữu, để bênh vực Trần Dần, và tại sao, khi chủ trương báo Nhân Văn, Nguyễn Hữu Đang phải thuyết phục Hoàng Cầm vào ban biên tập trước tiên. Khi NVGP bị thanh trừng, Hoàng Cầm viết Về Kinh Bắc ngay từ cuối năm 1959, tác phẩm kết tội triều đình. Năm 1982, Hoàng Cầm bị thanh trừng lần thứ nhì, khi chính quyền bắt được bản thảo Về Kinh Bắc...
Cuộc đời Hoàng Cầm gắn bó với lịch sử, không chỉ lịch sử kháng chiến, lịch sử Nhân Văn Giai Phẩm, mà lịch sử dân tộc, từ tác phẩm đầu tayHận Nam Quan, Hoàng Cầm đã xác định con đường dân tộc: phải đề phòng phương Bắc. Nhưng hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta vẫn còn chưa thoát khỏi cái nhục nô lệ Bắc phương: Khóc trong lòng ghi nhớ Hận nam Quan.
Hận Nam Quan
Bối cảnh: Phi Khanh bị bắt giải sang Tàu, Nguyễn Trãi bí mật
theo cũi cha, cùng chết. Tới Ải Nam Quan, Phi Khanh biết, bắt con trở về, tìm
đường khởi nghiã. Hận Nam Quan,
Hoàng Cầm viết năm 15 tuổi, đã được đưa vào chương trình giáo dục, chưa biết rõ
năm nào, nhưng những người sinh khoảng 1940 trở đi, đều thuộc lòng đoạn sau
đây:
- Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam !
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Không bao giờ! Không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành!
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu.
- Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê
Quỳ lạy cha, cha lên đường ảm đạm
Rời Nam Quan, theo gió con bay về
- Ôi sung
sướng, trời sao chưa nỡ tắt
Về ngay đi ghi nhớ Hận Nam Quan
Bên Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san
Đoạn trên đây là bài học thuộc lòng thời tiểu học. Nhưng
toàn thể vở kịch thơ là tác phẩm "classique" của học sinh trung học.
Những buổi văn nghệ tất niên luôn luôn có màn trình diễn Hận Nam Quan. Trong trường nữ sinh, con gái giả
trai "vào" vai Nguyễn Trãi, đeo râu dài để "nhập" Phi
Khanh. Hoàng Cầm đi vào lòng dân tộc như thế. Tuy là tác phẩm đầu tay nhưng
không hề non nớt, đã có những câu thơ tiên tri:
Đây là ải địa đầu nước Việt
Khóc trong lòng ghi nhớ Hận Nam Quan
15 tuổi, nhắc trang sử oanh liệt:
"Đây Nam Quan, quân Nguyên rời biển máu
Thoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về"
15 tuổi, đe dọa quân Tàu:
Hỡi quân Minh! Sao không nhìn lịch sử
Mà vội vàng ngạo nghễ xuống Nam phương?
15 tuổi, xác định lòng quật khởi của dân tộc:
Một ngày mai, khi Trãi này khởi nghiã,
Kéo cờ lên, phất phới linh hồn cha
Gạt nước mắt, nguyện cầu cùng thiên địa
Một ngày mai, con lấy lại sơn hà.
Nhưng bọn bán nước cầu vinh nào có nghe.
Lịch sử muôn đời lập lại.
Hoàng Cầm- Tuyết Khanh- Vũ Hoàng Chương
Tháng 9/1945, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Linh (cả
hai là em ruột Hoàng Tích Chu), Kim Lân, Trần Hoạt lập ban kịch Đông Phương,
với Hoàng Tích Chù làm trưởng ban. Mục đích chính của Hoàng Cầm là dựng vở Kiều Loan nhưng tìm gần một năm, vẫn chưa
"thấy" Kiều Loan. Tháng 8/46, tìm được Tuyết Khanh, bắt đầu dựng Kiều Loan với Hoàng Tích Linh làm đạo diễn;
Tuyết Khanh trong vai Kiều Loan; Hoàng Cầm vai Hiệu Úy; Kim Lân vai ông già, v.v...
Ảnh hưởng Kiều
Loan trong giới văn nghệ thời
ấy khá rõ, Hoàng Cầm kể lại:
"... Nguyễn Huy Tưởng, hầu như không buổi tập nào là
vắng mặt anh. Anh còn theo dõi khả năng diễn xuất của các bạn để mong mỏi sau
này, sau vở Kiều Loan, anh có thể dựa vào những năng lực dồi dào ấy mà đưa vở
kịch nói Vũ Như Tô của anh lên sân khấu. Có lần anh nói với tôi: "Được chị
Tuyết Khanh này mà nhận sắm vai Đan Thiềm cho mình thì thật sung sướng và hoàn
toàn yên tâm". Đến anh Nam Cao thì tỏ ý thích vở kịch vì tư tưởng, nội
dung hướng thiện, chống ác của nó (...) Cả nhà thơ Vũ Hoàng Chương không biết
vì quá mê nàng Kiều Loan của vở kịch hay mê người sắm vai Kiều Loan mà từ ngày
đầu đọc vở, anh đã trở nên một khán giả quá siêng năng cả đến khi Kiều Loan
phải "tản cư" đi diễn ở mấy làng trong tỉnh Bắc Ninh. Ngày nào anh
cũng đến từ sớm, có khi nán lại dùng cơm trưa với diễn viên tại nhà anh Chù.
Còn hai anh Lưu Quang Thuận[cha Lưu Quang Vũ], Trúc Đường [anh Nguyễn Bính] là hai kịch tác gia mấy lần đến xem tập và
phỏng vấn (...) và chuẩn bị ấn hành trọn vẹn kịch thơ Kiều Loan ngay trong năm
1946 " (Lận đận Kiều
Loan, Hoàng Cầm văn xuôi, trang 54).
Vũ Hoàng Chương (xưng là Hoàng), kể lại, ông biết Tuyết
Khanh là do người bạn Phan Khắc Khoan rủ đi xem kịch:
"- Hoàng ạ, ban kịch Đông Phương của bọn Hoàng Tích Chù
lực lượng có vẻ khá lắm (...) Tin đích xác đây này: Tối mai ban kịch Đông
Phương trình diễn tại Thái Bình, và diễn liền mấy tối sau nữa. Ngay tỉnh lỵ,
Hoàng có đi với tôi sang bên đó không nào? (...) Đối với họ Phan, người ta còn
khách sáo ít nhiều; chứ đối với Hoàng thì, toàn ban đều thân mật, coi như
"cố nhân". Có lẽ bởi hoạ sĩ Hoàng Tích Chù -em ruột Hoàng Tích Chu-
là chỗ thế nghị của Hoàng chăng? Hay bởi tác giả quan trọng của ban kịch là thi
sĩ Hoàng Cầm, chỗ thanh khí của Hoàng, từng đã gặp nhau ở xóm Niềm bên Kinh
Bắc? (...)
Tối hôm đó diễn vở kịch thơ Lên Đường của Hoàng Cầm. Chỉ có
4 vai - đều vai chính cả!- Nhưng điều đáng nói là một trong bốn vai ấy đã do
Tuyết Khanh đóng. "Người đẹp" này, Hoàng đã từng chiêm ngưỡng trên
màn bạc rồi -Phim Cánh đồng ma của ông bạn Đàm Quang Thiện [Nguyễn Tuân có đóng]- và cũng chẳng thấy gì đáng
mê lắm. (...) Thế mà -ai học đến chữ ngờ!- Cơn mê đã bắt đầu chiếm đoạt Hoàng
trọn vẹn, cách hai tuần sau, để kéo dài mãi, đến giờ phút này cũng chưa hẳn
nhoà tan đấy (...)
"Nửa đời sương gió ngang tàng lắm
Mềm, chỉ vì Khanh, một trái tim..."
Ôi, chỉ vì Khanh! Vì Khanh! Chắc chắn Khanh ngạc nhiên. Mà
chính Hoàng lại đã ngạc nhiên trước hết. Ngạc nhiên gấp hai lần Khanh, gấp bốn
lần Hoàng Cầm. Và gấp cả một trăm lần thiên hạ (...) Và hình như sau chuyến lưu
diễn Thái Bình, mọi người đang sửa soạn tập vở Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm
thì phải. (...) Thật ra, Khanh còn đang bận tập Kiều Loan, Hoàng cũng đang bận
viết bài cho Thế sự, chẳng ai muốn mua dây tự buộc mình. Chỉ cốt hợp thức hoá
mỗi liên hệ của Hoàng và Khanh thôi. Đừng để ai phá đám. Thí dụ nhà thơ Hoàng
Cầm (...) Khăng khít như vậy mà rồi sau đêm mười chín tháng mười hai Dương lịch [19/12/1946, ban kịch Đông
Phương rời Hà Nội] Khanh
và Hoàng khởi sự lạc nhau. Lạc thôi chứ chưa mất. Hoàng trên bước tản cư phiêu
lưu tới phủ Xuân Trường, lòng nhớ Khanh càng nổi dậy. Chẳng biết con người bạc
mệnh kia đã phải trải qua những nhịp cầu đoạn trường nào thêm? Hiện nay ở đâu:
Hưng Yên, Phủ Lạng Thương hay Bắc Kạn?...
Khanh của Hoàng ơi, lửa bốn phương
Khói lên ngùn ngụt chén tha hương,
Nghe vang sóng rượu niềm ly tán
Chạnh xót nòi thơ buổi nhiễu nhương" (...)
Một đêm trăng, Thứ Lang [Đinh Hùng] dẫn Khanh từ Đống Năm vào, cùng với
Kiều Liên [chắc là Kiều Loan,
con gái Hoàng Cầm, lúc đó chưa đầy tuổi]. Mới tạm xa nhau chưa đến hai mươi
tháng mà khi tái ngộ nhìn nhau cứ ngơ ngáo như trong mộng ấy thôi!
Khanh đã về trong lửa Túy hương
Khoé thu lộng gió tóc cài sương (...)
Qua năm 1949, Hoàng dời chỗ ở sang làng Duyên Tục (thường gọi là làng Tuộc), rồi lại chuyển tới huyện Đông Quan (làng Trầu). Nhưng cách Đống Năm vẫn không xa. Và như vậy, Khanh vẫn gần Hoàng. Vì Khanh đã ly khai hẳn với ban kịch Đông phương, không theo họ đi lang thang lưu diễn vùng Bắc nữa, mà về ở Thái Bình, sống đơn chiếc như một ẩn sĩ thời loạn(...) Đầu năm 1950, Hoàng trở về Hà nội, giữa khi súng đạn tràn tới Liên khu ba, Đống Năm bị phá nát, chẳng hiểu Khanh trôi dạt nơi nào!
(Duyên thơ nợ kịch, Vũ Hoàng Chương, trong tập hồi ký Ta đã làm chi đời ta, nxb Hội Nhà Văn in lại 1993, bị cắt nhiều chương, đoạn, so với bản in năm 1974 ở Sàigòn)
Theo Hoàng Cầm, khi Tuyết Khanh có mang 6 tháng, phải ở lại "an dưỡng trong một quân y viện ở huyện Hữu Lũng", trong khi ông phải tiếp tục đi lưu diễn ở Việt Bắc. Đầu năm 1948, Tuyết Khanh sinh con gái là Kiều Loan. Nhưng hai người mất liên lạc. Sau này, tại Mỹ, Kiều Loan dựng lại tác phẩm của cha và thủ vai chính.
Vũ Hoàng Chương gặp lại Tuyết Khanh giữa năm 1950. Năm 1952, Ban kịch Sông Hồng diễn vở Thằng cuội của Vũ Hoàng Chương, ông mời Tuyết Khanh đóng vai Hằng Nga, nhưng nàng từ chối. "Từ đó, Hoàng với Khanh chẳng còn sánh vai nhau trong ảo mộng sân khấu một lần nào nữa. Hoàng cũng chẳng còn đủ hào hứng để viết thêm một vở kịch thơ nào"(bđd, trang 127).
Đoạn hồi ký trên đây cung cấp nhiều thông tin về đời sống kháng chiến, và có những chi tiết đáng chú ý:
- Sự tương kính giữa Vũ Hoàng Chương và Hoàng Cầm, Vũ Hoàng Chương viết: "Hay bởi tác giả quan trọng của ban kịch là thi sĩ Hoàng Cầm, chỗ thanh khí của Hoàng, từng đã gặp nhau ở xóm Niềm bên Kinh Bắc?" . Những tài năng lớn thường kính trọng nhau.
- Hai thi sĩ cùng yêu một người đẹp. Hoàng Cầm có lẽ quyến rũ hơn, với giọng oanh vàng đất Bắc, đã "được" Tuyết Khanh. [Vũ Hoàng Chương lúc đó đã có vợ là Đinh Thục Oanh, chị Đinh Hùng (từ 1944) và Hoàng Cầm cũng đã có vợ, ba con, tại quê nhà].
- Thời ấy, Vũ Hoàng Chương đã in Thơ say (1940), Mây (1943) và kịch thơTrương Chi (1944) gồm ba vở: Trương Chi, Vân Muội và Hồng Điệp.Trương Chi hay hơn cả, nhưng chưa thể sánh với Kiều Loan. Hoàng Chương nể Hoàng Cầm vì lẽ đó. Đến năm 1951, Vũ Hoàng Chương mới viết kịch thơ Tâm sự kẻ sang Tần (in năm 1961). Có thể nói, nếu không có Kiều Loan thì chưa chắc đã có Tâm sự kẻ sang Tần. Hai tác phẩm lớn. Vì người đẹp Tuyết Khanh mà Hoàng Chương bỏ kịch thơ. Hoàng Cầm, vì cách mạng phải treo cổ kịch thơ. Hai thi tài. Hai mệnh số. Hai quyết định bi đát.
Kiều Loan
Kiều Loan lênh đênh như toàn bộ tác phẩm của Hoàng Cầm.
Khởi thảo cuối xuân 1942 đến giữa năm 1943, đã tạm xong, Hoàng Cầm định đưa lên sân khấu Bắc Giang, nhưng bị viên chánh công sứ Pháp, thạo tiếng Việt, kiểm duyệt bỏ. Đến cuối năm 1943, ban kịch Hà Nội của Chu Ngọc định dàn dựng cũng bị kiểm duyệt Pháp chặn.
Luyện tập trong bốn tháng. Trình diễn trong bốn giờ. Sáng ngày 26/11/1946, tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Một buổi duy nhất, rồi bị Trần Duy Hưng ra lệnh đình chỉ. Đó là quyết định sai lầm đầu tiên của cách mạng vềKiều Loan. Hoàng Cầm kể lại:
"Chúng tôi vừa hạ màn chót cho vở diễn lúc 1giờ 15 phút. Sau những tràng vỗ tay kéo dài thì ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng thành phố Hà Nội cho người ra mời anh Chù, anh Linh và tôi lên trụ sở Ủy ban. Ông ra lệnh cho chúng tôi phải hoãn những đêm diễn đã được Ủy ban cho phép. Lý do: quân đội Pháp đã đánh Hải Phòng và càng ngày càng khiêu khích trắng trợn Hà Nội. (...) Thế là số phận vở kịch lại lênh đênh. Tôi ngậm ngùi se sẽ ngâm câu Kiều;
Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh..."
Lần thứ nhì, trong kháng chiến, Hoàng Cầm định trình diễn Kiều Loantrong ngày khai mạc
Đại hội Văn hóa Toàn quốc:
"Tôi đưa đơn đến tận tay anh Nguyễn Đình Thi, lúc đó đang
là Tổng thư ký Hội Văn hoá cứu quốc, đơn kèm theo kịch Kiều Loan. Rồi tôi hồi
hộp chờ đợi...
Với tôi hồi ấy cách mạng như một người khổng lồ mà tôi thì
bé bỏng xa lạ quá. Cái uy thế của cách mạng tôi không thấy rõ lắm ở những người
như các anh Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Kim Lân, Nguyên Hồng, nhưng lại thấy nổi
bật hẳn lên ở anh Nguyễn Đình Thi. Ngồi trước mặt anh, bên cái bàn giấy lộng
lẫy có đủ cả máy điện thoại và hai chồng sách dày, bìa cứng in nổi chữ vàng chữ
bạc: Các Mác với vấn đề văn hoá, Tư bản luận, Chống Du-ring...tôi hoa cả mắt và
cảm thấy mình là con chim chích vào rừng...
Không khí cuộc gặp mặt bỗng trở nên nghiêm trang và lời mở
đầu câu chuyện của anh Thi lại càng làm cho nó thêm lạnh nhạt, căng thẳng:
- Tôi đã nhận được vở kịch của anh. Cả lá đơn nữa. Anh
Nguyễn Huy Tưởng và anh Nguyên Hồng đã giới thiệu Kiều Loan với tôi. Tôi cũng
đã đọc qua...
Vừa nói, anh Thi vừa rút ở cái cặp da đen bóng tập bản thảo
vở kịch đánh máy của tôi. Anh trao nó cho tôi với một nhếch mép cười mà cho đến
nay tôi vẫn không sao hiểu được, nhất là câu nói ngay sau cái cười nửa miệng
ấy:
- Rằng hay thì thật là hay!
Hai tiếng cuối câu đay xuống, tôi nghe như có vẻ vừa giễu
cợt vừa hững hờ. Và anh Thi cũng chỉ nói có thế. Không hơn nửa lời. Rồi anh thu
dọn sổ sách, như có ý bảo tôi "Về đi!". Cũng để cho anh lính mới làng
văn biết rằng mỗi giờ mỗi phút với anh Thi là vàng ngọc đấy! "
(Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi trong tôi - Nguyễn Đình Thi
ngoài tôi, Tư liệu Talawas)
Cũng Nguyễn Đình Thi đó, sau này nài nỉ Hoàng Cầm (trách
nhiệm nhà xuất bản Văn Nghệ), in dùm tập thơ, thơ không vần sửa thành có vần theo
lệnh Tố Hữu. Thế mới biết quyền lực tha hoá con người đến mức nào.
Tháng 12/46 Hoàng Cầm cùng ban kịch rời Hà Nội, đi lưu diễn
ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình. Kiều
Loan phải tạm diễn ở cách
đình làng vùng Bắc Ninh, nhưng đến ngày 19/12/46 chiến tranh bùng nổ, ban kịch
Phương Đông phải giải tán. Kịch bản Kiều
Loan, bị thất lạc trong những
năm kháng chiến. Bản chính để in, do Lưu Quang Thuận giữ, khi Pháp nhẩy dù Bắc
Cạn, phải ném bản thảo của các văn nghệ sĩ xuống hồ Ba Bể, trong đó có Kiều Loan, mãi đến năm 1970,
nhờ một số bạn cũ còn giữ được bản đánh máy, Hoàng Cầm kết hợp, "trùng
tu" lại bản thảo năm 1946. Và đến 1992, mới được xuất bản, sau khi sáng
tác đúng 50 năm.
Kiều Loan chính là hoá
thân của Hoàng Cầm. Những nghệ sĩ lớn thường tạo những tình huống có tính cách
tiên tri. Kiều Loan, sáng
tác năm 1942, lúc Hoàng Cầm mới 20 tuổi đã nổi tiếng, trước một
"tương lai sáng lạn" như thế, tại sao lại nghĩ đến một nhân vật bi
thảm như Kiều Loan? Dường
như Kiều Loan đã "vận" vào số phận Hoàng
Cầm như một thực tại đớn đau mà người nghệ sĩ không tránh khỏi, trong cuộc đổi
đời của đất nước.
Sự lênh đênh của Kiều
Loan trong thời Pháp thuộc và
dưới thời cách mạng, không vì tình cờ, mà vì nội dung tác phẩm:
Kiều Loan, con gái một cựu thần Tây Sơn, đi tìm chồng là Vũ
Văn Giỏi. Mười năm trước, theo lời khuyên của nàng, Vũ lên đường giúp Quang
Toản, sau khi Quang Trung băng hà. Tới Phượng Hoàng Trung Đô, Vũ nghe tin Bùi
Đắc Tuyên chuyên quyền làm bậy, ngả theo Nguyễn Ánh, trở thành Vũ tướng
quân, tàn bạo càn quét những người dân chống lại nhà Nguyễn. Kiều Loan giả điên
đến Phú Xuân, tại đây, nàng gặp ông già, thầy cũ của Vũ. Kiều Loan làm huyên
náo cửa thành, cố tình để bị bắt vào dinh, nhìn lại người xưa. Kiều Loan và ông
thày bị giam trong ngục. Kiều Loan uống thuốc độc tự vận cùng với ông già.
Trước khi chết, nàng chém người chồng phản bội.
Kiều Loan là một bi
hùng ca bao quát lịch sử dân tộc, dõi vào những mốc chính: Nam Bắc phân tranh.
Nguyễn Ánh cầu viện Pháp để tiêu diệt Tây Sơn. Gia Long thắng trận trở thành
độc tài chuyên chế, tiêu diệt những khuynh hướng đối lập.
Một nội dung như vậy, tất nhiên, không chỉ thực dân Pháp căm
giận:
"Vì chính sự bạo tàn Ôi! Nước mắt
Bao nhiêu lần rỏ xuống những hồn oan?
Chính sự gì đi cầu viện ngoại bang
Về tàn sát những người dân vô tội"
Mà tất cả những kẻ cầu viện nước ngoài để vững quyền chấp
chính cũng phải hổ mình.
Một triều đình vừa "thống nhất sơn hà", nhưng lệnh
đầu phát ra là lệnhcấm:
... Vua cấm đèn cấm lửa
Cấm dân gian đi lại ở kinh thành
Lệnh thứ nhì là cấm
hát:
Vua có lệnh bắt những người hát nhảm
Đầu sẽ bêu sương gió nếp hoàng thành
Nhưng Kiều
Loan, giai nhân tuyệt sắc, nào có sợ gì, nàng xuất hiện như một người điên,
nàng cứ hát những lời phản biện:
Chị buồn chị hát vang lừng
Cỏ cây sa lệ núi rừng ngẩn ngơ
Kiều Loan, là vở kịch thơ hay nhất của Hoàng
Cầm, của thời tiền chiến. Mười năm sau, Tâm
sự kẻ sang Tần với bút pháp
bay bổng của Vũ Hoàng Chương mới có thể kế vị Kiều
Loan.
Kiều Loan nói lên chí
khí bất khuất của Hoàng Cầm trong thi ca, tiên tri định mệnh đất nước:
Về cuộc cải cách ruộng đất:
Thà giết oan trăm mạng lương dân
Hơn để thoát một tên phản nghịch
Về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm:
Mà trước mắt, cuộc xoay vần thời thế
Gạt ra ngoài hầu hết bậc tài danh
Bọn hủ nho nhan nhản khắp triều đình
Nơi tù ngục chất đầy người nghiã khí
Gỗ mục, thép cùn múa tay trong bị
Lau sậy nghêng ngang làm cột trụ giang sơn
Về cảnh chiến tranh cốt nhục tương tàn:
Một nước nhỏ mà phân chia Nam Bắc
Xâu xé nhau vì hai chữ lợi danh
Tam vương, ngũ đế, cướp đất phá thành
Mấy trăm năm nghe dân tình xao xao xác
Thay cái đạo làm người bằng giáo mác
Yến ẩm lầu cao... xương máu chan hòa
Về ảo mộng chiến thắng:
Cờ nêu cao chiến thắng nhuốm chiêu dương
Mà rút lại cũng chỉ là giấc mộng.
Với những câu thơ lạnh người:
Chí lớn từ xưa chôn chật đất
Riêng đàn đom đóm lại thênh thang
Bọn "đom đóm" Hoàng Cầm đã thấy từ tuổi hai mươi,
sau này sẽ sẽ ngập trời đất Bắc. Các "chí lớn" đã và hiện còn đang bị
chôn vùi trong ngục tối.
Nhưng Hoàng Cầm luôn luôn có lời chót:
Làm mất nhân tâm thì miếu lớn tượng to
Dân đạp dí xuống bùn là hết chuyện
Viễn khách
Về tiểu sử Hoàng Cầm, Hoàng Văn Chí có những chi tiết chính
xác:
"Ngay từ khi còn học lớp Đệ Tứ, ông đã dịch
cuốn Graziella của Lamartine sang tiếng Việt, lấy nhan đề là Hận ngày xanh. Ông
được nhiều người yêu chuộng từ ngày ấy. Tiếp theo, ông dịch cuốn Một nghìn một
đêm lẻ, đăng trong Tạp chí Tân Dân.
Hoàng Cầm cũng có viết một cuốn tiểu thuyết đầu tay
nhan đề là Thoi mọng, nhưng nghệ thuật chính của Hoàng Cầm là viết kịch thơ.
Cho đến ngày nay Hoàng Cầm giữ địa vị cao nhất trong văn học Việt Nam về ngành
kịch thơ, vì những vở kịch sau đây:
"Viễn khách", tả một câu chuyện về đời Hồ Quý Ly,
đăng trong Tiểu Thuyết thứ bảy, với bút hiệu là Hoa Thu. "Kiều Loan",
tả một câu chuyện đời Tây Sơn. "Lên đường" nói về thanh niên thời
Nhật chiếm đóng."(Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, trang 235)
Hoàng Văn Chí, cùng thời với Hoàng Cầm -là chứng nhân đáng
tin cậy về một giai đoạn lịch sử mà nhiều điều vẫn còn chìm trong bóng tối- xác
định kịch thơ Viễn khách là của Hoàng Cầm. Tại sao? Việc này
chẳng thể vô cớ.
Trong cuốn Hoàng
Cầm tác phẩm thơ (Lại Nguyên
Ân sưu tầm với sự kiểm chứng của Hoàng Cầm), phần tiểu sử và tác phẩm không
thấy nói đến Viễn Khách,
các cuốn sách khác cũng vậy. Trong một bài đăng trên báo Văn Nghệ, Hoàng Cầm
"đính chính" Viễn Khách không phải của ông:
"Thì ra tác giả kịch thơ Viễn Khách lại chính là người
yêu của Hoa Thu. Vì một lẽ riêng, tác giả lấy bút hiệu của người tình, Hoa Thu,
ký dưới tác phẩm của mình, còn tên thật của Hoa Thu là Đặng Thị Đức Hoan, năm
nay 69 tuổi, hiện ở bang Washington, Mỹ. Trong thư, sau những tâm sự buồn
phiền, bà Hoan có yêu cầu tôi đính chính cho rằng: Hoàng Cầm không phải là tác
giả kịch thơ Viễn Khách" (Văn Nghệ số
49, tháng 10/1993)
Một "đính chính" đầu Ngô mình Sở, bởi nếu cái ông
nào đó, lấy tác phẩm của người tình là bà Đặng Thị Đức Hoan, rồi ký tên Hoa Thu
(bút hiệu của bà Hoan), thì chính "ông Hoa Thu giả" đó, phải viết
bài đính chính, chứ đâu cần Hoàng Cầm? Bởi Hoàng Cầm có bao giờ chính thức nhận
mình là tác giả Viễn Khách đâu? Vậy những dòng "đính
chính" này, chỉ để "che mắt thế gian".
Trong Hoàng
Cầm văn xuôi, có bài "Sau
giờ viễn khách đi" viết
tháng 8/1995 rất đáng lưu ý, bài này viết cho những người làm văn học. Đọc kỹ
sẽ thấy Viễn Khách đúng là tác phẩm của Hoàng Cầm như
Hoàng Văn Chí đã xác nhận. Hoàng Cầm giải thích về niềm đam mê kịch thơ, về cái
"luật" phải chọn bối cảnh lịch sử xưa để nói chuyện thời nay, như
trongHận Nam
Quan, Kiều Loan, Lên đường:
"Vậy thì năm 1943, một tác giả viết kịch thơ "Viễn
khách" cũng không thể thoát khỏi cái lề luật ngặt ngèo ấy: Hoa Thu vẫn
đang cảm xúc với bi kịch tình yêu trong thời đại mình, vẫn phải trốn về dĩ vãng
xa xôi của lịch sử dân tộc, mượn chuyện sáu bẩy trăm năm để nói cái bây giờ.
Nước lớn ăn hiếp nước nhỏ, mà ngày nay trong một nước nhỏ, người ta cứ tranh bá
đồ vương khiến con người cứ phải chịu những bi kịch tàn khốc (...) Hoa Thu viết
Viễn khách vào năm chiến tranh thế giới đã lên đến đỉnh cao của chết chóc tàn
phá (1943)(...) chỉ tiếc là trong khoảng thời gian thế chiến ấy, Viễn khách
không có dịp ra mắt công chúng. Viễn khách còn ở viễn phương hay còn đang viễn
vọng điều gì?(...) Mãi đến 1949 (...) kịch thơ Viễn khách mới được đăng tải
trên tạp chí Tiểu thuyết Thứ Bảy rồi lại phải đợi đến 1951, mới được trình diễn
hai đêm trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội do đạo diễn Phan Tại dàn dựng". (Hoàng Cầm văn xuôi, trang
44-46).
Tại sao Hoàng
Cầm lại biết rõ "tâm sự tác giả" đến thế", nếu Hoa Thu không
phải là Hoàng Cầm? Nhưng tại sao Hoàng Cầm lại không thể nhìn nhận tác phẩm của
mình?
- Trước hết, câu: Viễn
khách còn ở viễn phương hay còn đang có viễn vọng điều gì? Chỉ vào Hoàng Cầm chứ không ai khác:
Hoàng Cầm lúc ấy đang ở chiến khu (viễn phương), và còn đang viễn vọng vào cuộc cách mạng. Năm 1949, Viễn khách được đăng trên Tiểu thuyết Thứ bảy,
tại Hà Nội (trong thành, tức là vùng địch). Đến năm 1951, Viễn khách được Vũ Khắc Khoan và Phan Tại dàn
dựng ở nhà Hát Lớn. Lúc đó Hoàng Cầm vẫn còn đang ở chiến khu, chẳng thể để tên
thật trên một tác phẩm in và trình diễn trong vùng "địch". Rồi sau
1954, Vũ Khắc Khoan di cư vào Nam ,
trở thành kịch tác gia hàng đầu của miền Nam với vở Thành Cát Tư Hãn. Phan Tại ở
lại, hoạt động trong phong trào NVGP.
- Lý do cuối và cũng là lý do chính: Viễn khách, cùng chủ đề "Đau khổ - Oan trái - Nước
mắt" với Kiều Loan, cùng viết về thân
phận dập vùi của một trang giai nhân tuyệt sắc: Hồ Thiên Hương. Nhưng nhân vật
chính lại là cành vàng lá ngọc thời nhà
Hồ. Đó là lý do chính, khiến Hoàng Cầm phải từ bỏ Viễn khách, bởi tất cả những gì
liên quan đến "nhà
Hồ", "họ Hồ", "triều Hồ", trong bối cảnh tranh bá đồ vương,
đều phạm húy, đều nguy hiểm cho chính tác giả, từ 1945 đến ngày nay.
Hoàng Cầm - Phạm Duy, Việt Bắc 1947-1948
Giai đoạn 1947- 1948 là giai đoạn khởi đầu và cũng là giai
đoạn quyết định của cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời điểm mà hầu như toàn thể văn nghệ sĩ còn tương đối được tự do sáng tác, họ
hoàn toàn tin tưởng vào cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Những
tác phẩm lớn của văn nghê kháng chiến đều xuất hiện trong thời điểm này.
Nếu không có các tác phẩm lớn ấy và nếu không có sự tuyên
truyền mạnh mẽ ấy, thì diện mạo cuộc kháng chiến chống Pháp có thể thay đổi.
Cho nên, ngày nay, chúng ta cần phải định vị lại những tác giả nào đã thực sự
đóng góp vào nền văn nghệ kháng chiến, những tác giả nào chỉ có hư danh.
Hoàng Cầm viết:
"Một ngày giữa năm 1947- tôi và vợ tôi Tuyết Khanh
(...) đã xông lên một vùng rừng núi đang rất xa lạ với mình, nhập luôn vào Vệ
Quốc Đoàn chiến khu 12, rồi mày mò, tìm bạn, thành lập ngay một đội văn nghệ
tuyên truyền, có thể gọi là đội Văn công đầu tiên của quân đội, gồm mười anh
chị em (...) đến với từng trung đội, đại đội Vệ quốc quân, dân quân, du kích
khắp bốn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh, Lạng Sơn để biểu diễn đủ loại kịch
ngắn, kịch nói, kịch cương, ngâm thơ, hát tốp ca, đơn ca, múa vài ba điệu dân
dã học được của đồng bào miền xuôi, miền ngược (...) Nửa đêm nay tiểu đội A đi
phục kích ư? Trung đội C đi quấy rối địch ư? Chập tối họ vẫn được nghe giọng
ngâm thơ sang sảng...
Đêm liên hoan, bạn ơi, đêm liên hoan
Đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ quốc đoàn
(Đêm liên hoan, thơ H.C)
Nhiều khi họ lại "đồng ca" luôn theo đội văn nghệ:
Đường ta ta cứ đi
Nhà ta ta cứ xây
Ruộng ta ta cứ cầy
Đợi ngày...
Say sưa, họ còn vỗ tay theo điệu hát:
Ngày mai ta tiến lên
Diệt tan quân Pháp kia
Cười vui ta hát câu tự do...
(Nhạc tuổi xanh, P.D)
Vào một buổi chiều cuối thu 1947. Trên đường đê sông máng đi
từ đập Takun (tiếng Pháp đặt thay Việt ngữ: tên gọi là đập Thác Huống) có ba
người, 1 quàng ghi ta, 1 đeo accordéon, 1 đeo clarinette, ngơ ngác hỏi thăm chỗ
đóng quân của Đội văn nghệ tuyên truyền khu 12. Đó là anh P.D, Ngọc Bích và
Ngọc Hiền, đang tìm về với đội văn nghệ của Hoàng Cầm sau khi đoàn kịch Chiến
thắng của các anh giải thể (...) Từ cuối năm 1947 ấy các anh đã thành cô-panh
(bạn chia nhau từng mẩu bánh mì) của tôi (...) Riêng P.D, trong khoảng 13 tháng
sát cánh bên nhau tôi cần phải nói thêm rằng có anh trong đơn vị, người tôi như
mọc thêm cánh (...) Tôi thường chiều ý P.D, vì biết hễ cứ xê dịch luôn, có cảnh
đẹp lạ mắt, có những cô gái xinh tươi thì thế nào P.D cũng bật ra được những giai
điệu say mê, trữ tình, mặc dầu đề tài nhiều bài ca nổi tiếng của anh không phải
là chuyện tình nam nữ. (...) Tôi cứ chuyển quân liên miên... nay vừa biểu diễn
ở Nhã Nam, mai đã sang Bố Hạ (...) Sáng ra lại xuất quân- PD mê man đi, vừa đi
vừa lẩm nhẩm thầm thì sáng tác thì chợt đến khi bắt được một giai điệu đẹp, tha
thiết, là anh ngồi ngay xuống tảng đá bên đường, lấy bút giấy ra ghi. Nếu chỉ
qua được một đoạn đường mà xong được một bài, anh lập tức kêu tôi và các bạn
dừng lại, túm tụm trên vệ cỏ, nghe anh hát.
Đường Lạng Sơn âm u (ù u)
Giờ bình minh êm ru (ù u)
Vẳng nghe tiếng súng trong sương mù
Đường Thất Khê bao la (à a)
Rừng núi ta xông pha (à a) (...)
Cứ như vậy, toàn đội,
đặc biệt là PD đã truyền cho tôi sức mạnh dẻo dai để vừa đi vừa sáng tác. Ghi ngay thành thơ hoặc chủ đề kịch ngắn những cảm xúc, những ý tứ bất chợt loé lên trong tôi. Sáng tác đến đâu biểu diễn luôn đến đấy (...) Chỉ trong vòng chưa đầy 12 tháng, PD đã liên tục sáng tác hàng chục ca khúc, có nhiều bài chỉ hát đôi ba lần, bộ đội đã thuộc lòng (...) Gì chứ về cái công việc đi sâu đi sát vào đời sống chiến sĩ này thì PD hăng hái, sôi nổi nhiệt tình số một (...) Ở những tác phẩm của anh hồi đầu kháng chiến, tôi ít thấy cái da diết, thắm thiết đến khắc khoải như một vài ca khúc của Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao... Nhưng quả thật PD là người viết ca khúc được hầu hết các chiến sĩ bộ đội, cán bộ và thanh niên nam nữ khắp Việt Bắc lúc bấy giờ yêu mến nhất, nhắc nhở nhiều nhất, vượt xa các nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời" (Đường ta ta cứ đi, Hoàng Cầm văn xuôi, trang 151-161).
Xin nhắc lại, trong năm 1947, Phạm Duy đã sáng tác hơn 20 ca khúc:Nhạc Tuổi Xanh (Phú Thọ), Về đồng hoang (Phú Thọ), Đường về quê (Bắc giang) Thanh niên ca, Thanh niên quyết chiến (Yên bái), Khởi hành (Tuyên Quang), Thiếu sinh quân, Dân quân du kích, Ngọn trào quay súng (Bắc Giang), Việt Bắc, Đường Lạng Sơn (Lạng Sơn), Nhớ người thương binh(Vĩnh Yên), Dặn dò (Bắc Giang), Ru con (Thái Nguyên), Mùa đông chiến sĩ(Thái Nguyên), Nhớ người ra đi (Thái Nguyên), Bên ni bên tê (Tuyên Quang), Tiếng hát trên sông Lô (Tuyên Quang), Nương chiều (Lạng Sơn),Bên cầu biên giới (Lào Kai)...
Sau khi chia tay với Hoàng Cầm năm 1948, trở xuống Bình Trị Thiên, Phạm Duy sáng tác ba tác phẩm hay nhất của ông thời kháng chiến: Quê nghèo (Quảng Bình 1948), Bà mẹ Gio Linh (Gio Linh, 1948), Về miền trung(Đại Lược 1948)...
Theo những dòng Hoàng Cầm và Phạm Duy viết về nhau, có thể hiểu tâm hồn dân ca quan họ của Hoàng Cầm đã ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác của Phạm Duy trong kháng chiến.
Phạm Duy viết: "Cuối năm 1947 đó, tôi và Ngọc Bích từ tỉnh lỵ bị tiêu hủy hoàn toàn là Thái Nguyên đi bộ qua Bắc Giang, tìm về làng Lan Giới thuộc khu Nhã Nam, Yên Thế (...)
Tôi và Ngọc Bích vác ba lô đi tìm Bộ Chỉ Huy của Khu XII. Ở đó, tôi gặp Hoàng Cầm. Nó đang chuẩn bị thành lập một đội văn nghệ cho chiến khu này cùng với nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, diễn viên Trúc Lâm và vợ chồng Văn Chung (...) Tôi và Ngọc Bích nhập ngay vào cái đội văn nghệ chỉ có vỏn vẹn bẩy, tám người đó để từ Bộ Chỉ Huy, chúng tôi đi lưu diễn ở những nơi có Vệ Quốc Đoàn đóng quân trong ba tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Gặp Hoàng Cầm, tôi yêu nó ngay. Nó bằng tuổi tôi. [Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921- Hoàng Cầm 22/2/1922]. Trong khi tôi thích đùa rỡn thì nó giống như một ông đồ non, lúc nào cũng ngồi hút thuốc lào, rung đùi, trầm ngâm. Nó đang sống chung với Tuyết Khanh (...)
Tôi và Ngọc Bích vác ba lô đi tìm Bộ Chỉ Huy của Khu XII. Ở đó, tôi gặp Hoàng Cầm. Nó đang chuẩn bị thành lập một đội văn nghệ cho chiến khu này cùng với nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, diễn viên Trúc Lâm và vợ chồng Văn Chung (...) Tôi và Ngọc Bích nhập ngay vào cái đội văn nghệ chỉ có vỏn vẹn bẩy, tám người đó để từ Bộ Chỉ Huy, chúng tôi đi lưu diễn ở những nơi có Vệ Quốc Đoàn đóng quân trong ba tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Gặp Hoàng Cầm, tôi yêu nó ngay. Nó bằng tuổi tôi. [Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921- Hoàng Cầm 22/2/1922]. Trong khi tôi thích đùa rỡn thì nó giống như một ông đồ non, lúc nào cũng ngồi hút thuốc lào, rung đùi, trầm ngâm. Nó đang sống chung với Tuyết Khanh (...)
Đi theo Hoàng Cầm ra vùng kháng chiến, Tuyết Khanh, mà lúc đó Hoàng Cầm cũng đổi luôn tên là Kiều Loan, đang có thai và bắt buộc phải ở lại vùng trung du để Hoàng Cầm và chúng tôi lên đường đi lưu diễn. Trong bữa cơm đạm bạc để chia tay nhau giữa hai vợ chồng Hoàng Cầm tại Phố Nỉ (Bắc Giang), tôi còn nhớ cảnh Hoàng Cầm ngồi rung đùi ngâm thơ bên cạnh người vợ mà rồi đây nó sẽ không bao giờ gặp lại nữa, giọng ngâm buồn rười rượi..." (Phạm Duy, Hồi ký Thời Cách mạng Kháng chiến, trang 126-128, Phạm Duy Cường, Cali, 1989)
Đêm Liên Hoan, Tâm sự đêm giao thừa, Bên kia sông Đuống
Phạm Duy viết:
"Trong kỳ lưu diễn ở miền Cao-Bắc-Lạng này, tôi soạn
thêm được nhiều bài dân ca khác trong đó có bài Nương Chiều (...) Vào lúc này,
Hoàng Cầm vẫn còn nuôi mộng xây dựng một sân khấu kịch thơ sau khi vở Kiều Loan
đã không có may mắn được sống trong công chúng. Nó rất muốn dựng những vở kịch
thơ trong kháng chiến nhưng với một đội văn nghệ ít người và với đối tượng
chính là Vệ Quốc Quân, bây giờ nó chỉ có thể soạn những bài thơ cho một hoặc
hai người ngâm trên một thứ sân khấu ngoài trời mà thôi. Bài thơ Đêm Liên Hoan [sáng tác tháng 10/1947] được viết ra ngay trong những ngày
đầu đi công tác. Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm bài này rất nhiều lần trước hàng
trăm, hàng ngàn Vệ Quốc Quân:
Đêm liên hoan đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng.
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn.
Biết bao nhiêu Vệ Quốc Quân "lao đầu vào giặc" sau
khi nghe những lời thơ đầy hào khí và thân thiết này:
Trong tiểu đội của anh
Những ai còn ai mất?
Không ai còn, ai mất
Ai cũng chết mà thôi.
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vừng nghìn thu một giống nòi
Dù ta thịt nát sương rơi
Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam ...
Ngoài bài thơ Đêm Liên Hoan soạn cho riêng tập thể chiến sĩ,
Hoàng Cầm- cũng như tôi lúc đó- rất quan tâm tới người dân thường. Lúc đó tôi
cũng đã đưa vào loại dân ca kháng chiến của tôi những hình ảnh anh thương binh,
người mẹ già, người vợ hiền, đàn trẻ nhỏ... nhiều hơn là hình ảnh Vệ Quốc Quân.
Hoàng Cầm, qua bài Bên Kia Sông
Đuống [sáng tác
tháng 4/1948], cũng đưa ra một
cách tuyệt vời những hình ảnh cô hàng xén răng đen, môi cắn chỉ quết trầu, cụ
già phơ phơ tóc trắng, em bé xột xoạt quần nâu... Những nhân vật đó lại càng
nổi bật hơn lên khi được đặt vào khung cảnh tuyệt vời của miền Kinh Bắc hiển
hách đó. Ai mà không muốn chiến đấu để gìn giữ cảnh vật và những con người thân
yêu đó? Những bài thơ kháng chiến như vậy đã được Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm
trong rừng sâu, trên đồi cao hay trong những hang đá dưới ánh đuốc bập bùng, có
khi chỉ cách một đồn địch chừng vài ba cây số.
Vào khoảng đầu năm dương lịch 1948 tức là sắp sửa tới Tết âm
lịch, trong chiến dịch thi đua lập chiến công, Hoàng Cầm sáng tác thêm một bài
thơ nhan đề Tâm Sự Đêm Giao Thừa mà tôi cho là tuyệt vời. Hoàng Cầm đưa ra hình
ảnh một người lính giữ nước, đang đứng gác trong một khu rừng vắng, giữa đêm
giao thừa:
Đêm nay hết một năm
Phải gác tới giao thừa
Quê hương chừng rét lắm
Lất phất mấy hàng mưa...
Anh Vệ Quốc Quân này có một người vợ vừa sinh nở được một
mụn con. - Hoàng Cầm đưa ra hình ảnh của người vợ lính vì liên tưởng tới vợ
mình - Người vợ lính đang phải sống lần hồi với một quán hàng trong một phiên
chợ nhỏ, quán vắng khách, người thiếu phụ thiếu ăn, không đủ sữa cho con bú. Vì
đêm nay là đêm giao thừa và theo thông lệ, dù trong hoàn cảnh chiến tranh,
người lính biên thùy (cũng như chàng thi sĩ) cũng muốn có một cái quà gì để gửi
về hậu phương cho vợ con nghèo đói. Nhưng chiến sĩ Việt Nam nghèo lắm
cho nên chỉ có thể gửi cho vợ con một cái quà quý giá nhất là sự lập chiến công
của mình. Người lính tưởng tượng ra cảnh vợ mình đang đói ăn nên không có sữa
cho con bú, nhưng nghe tin chồng thắng trận thì vui mừng quá, máu bỗng chẩy
mạnh trong huyết quản của người vợ lính, sữa bỗng đâu căng lên đầu vú, đứa con
bỗng có đủ một miếng sữa no trong ngày vui của dân tộc này. Hoàng Cầm đã đem
được yếu tố sinh lý vào một bài thơ yêu nước. Trong toàn thể bộ thơ kháng
chiến, tôi không hề thấy có ai làm được việc này. Bài thơ kết thúc với những
câu thơ vẫn vô cùng thân yêu và đầy hào khí như trong những bài thơ khác của
Hoàng Cầm:
Cha con ăn Tết lập lập công
Cha con ăn Tết lập lập công
Cho sữa mẹ chẩy một dòng nghìn thu.
Cha đem cái chết quân thù
Làm nên sức sống bây giờ của con.
Bài thơ này -cũng như các bài thơ khác của Hoàng Cầm viết ra
trong thời kháng chiến- phải được diễn ngâm thì mới thấy được giá trị đích thực
của nó. Thơ kháng chiến của Hoàng Cầm có rất nhiều tính chất đối đáp. Tôi và
Hoàng Cầm chia nhau ra để ngâm từng đoạn và vì tôi vốn xuất thân là một ca sĩ
hành nghề trong một gánh hát rong cho nên ngoài những cách nắn nót giọng ngâm,
tôi còn biết dùng điệu bộ, nét mặt để diễn tả những bài thơ hùng tráng này.
Ngay cả trong phạm vi nhạc điệu, lối ngâm thơ của chúng tôi lúc đó cũng mới mẻ
hơn lối dùng điệu bồng mạc, sa mạc của người đi trước, do đó có tính chất hấp
dẫn hơn. Và cũng vì không khí anh hùng của người viết bài thơ, người diễn bài
thơ và người nghe bài thơ cho nên lối ngâm thơ của chúng tôi không có tí gì là
thảm thiết như lối kêu đường của các ngâm sĩ sau này.
Phải ghi nhận một điều rất quan trong là tác dụng của bài
thơ. Nó đã có khả năng diệt giặc hơn cả những võ khí tối tân lúc đó như SKZ (súng
không giật) hay bazooka vân vân... Trong ba lô của bất cứ một Vệ Quốc Quân
nào cũng đều có những bài thơ chép tay của Hoàng Cầm. Cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp không thể nào thành công nếu không có những tác phẩm văn nghệ như
những bản nhạc của Văn Cao, và những bài thơ của Hoàng Cầm, Quang Dũng (...)[Chúng tôi nhấn mạnh]
Còn nhớ có một lần, tôi và Hoàng Cầm ngâm bài thơ Đêm Liên
Hoan cho bộ đội nghe 15 phút trước giờ tấn công đồn địch. Sau đó một anh bộ đội
đã nói: "Tôi vào giữa đồn
mà vẫn còn nghe tiếng ngâm thơ của các anh văng vẳng ở trong đầu". Thế mới
biết sức mạnh của văn nghệ"(Phạm Duy, Hồi ký Cách Mạng kháng
chiến, trang131-137-148)
Thơ Tố Hữu
Nhưng Phạm Duy cũng không quên thơ Tố Hữu:
"Cũng nên kể ra đây bài thơ Bắn Đi [sau đổi tên là Bắn] của Tố Hữu do tôi thường
diễn tả trong chuyến đi phục vụ quân đội ở vùng Cao Bắc Lạng này. Đó là một
trong những bài thơ mạnh mẽ nhất của thời kháng chiến"(trang 148)
Như vậy là Phạm Duy trình diễn thơ Tố Hữu song song với thơ
Hoàng Cầm.
Xin ghi lại sau đây bài thơ Bắn của Tố Hữu, và bài Đêm Liên Hoan của Hoàng Cầm, được coi là "những
bài thơ mạnh mẽ nhất của thời kháng chiến":
Bắn
Chúng ta ở đây
Trên đầu chúng nó
Ðại bác ta sau rèm tre nghểnh cổ
Trông xuống khoanh đồi đỏ
Ngon như một đĩa thịt bò tươi
Dưới kia chúng nó đang cười
Cười đi nhé, chúng bay ơi, rồi chết!
Bao đồng chí của ta bay đã giết
Chặt đầu cắm cọc phơi khô
Chị em ta, bay căng thịt lõa lồ
Con em ta bay quẳng chân vào lửa
Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa
Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang!
Chúng bay cười?
- Ðến giờ chưa đồng chí?
Năm phút nữa? Sao mà lâu thế nhỉ!
Anh pháo binh anh còn đợi chờ gì?
Anh còn trông anh còn ngắm từng ly
Anh sửa lại cho ngay nòng súng
Chúc đồng chí bắn thẳng vào cho đúng
Xé tan đồn nát xác chúng ra!
Có tiếng kèn gì thổi dưới đồi xa
Cờ chúng nó phất phơ đầu cột ấy
Chúng nó chào cờ! Ôi lá cờ hôi tanh biết mấy
Kéo bao lần qua máu của ta!
Anh pháo binh anh chưa bắn đi à?
Một phút nữa?
Ðầu tôi cháy bùng lên như cục lửa
Sướng bao nhiêu chốc nữa sẽ thành than
Sẽ ra tro tất cả trại đồn tan
Thây chúng nó tung lên từng miếng đỏ
Ðầu chúng nó óc phụt ra ngoài sọ
Ơi các anh xung kích dưới cỏ âm thầm
Hãy sẵn sàng tay mác nhảy lên đâm
Giết, bắt sống, không mống nào được thoát!
Anh đại bác, tôi chờ anh để hát!
Tố Hữu (1948)
Và Đêm Liên
Hoan của Hoàng Cầm
Đêm liên hoan
Anh ơi!
Đêm nay đầu người như ngọn sóng
Đang trào lên sức sống muôn đời
Niềm vui bát ngát trăng soi
Mảnh trăng úa máu chân trời Việt Nam
Đêm Liên Hoan! Kìa trông: đêm
liên hoan
Đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc đoàn
- Kià núi dài Trung Nam
Đây rừng sâu Việt Bắc
Cỏ cây cũng căm hờn
Đang vùng lên đuổi giặc
Tôi với anh trong ngày hội lên đường
Bắt tay mừng trên giải đất
đau thương
- Anh từ phương nào lại?
- Tôi từ Đất dấy lên
Anh có nghe tiếng sóng gầm Đông
Hải
Đang hờn ghen cùng thác máu
triền miên?
- Thác máu không tên
Dội tràn bốn
Cỏ không gầy, cây không già, hoa không héo
Ngàn thu đất nước vững bền
- Anh từ quê nào
đó?
- Tôi từ Đất dấy lên
Chúng ta chung một mẹ hiền
Lúa thơm bầu sữa, bông mềm áo thu
- Chúng ta chung một mối thù
Gươm tung uất hận, đạn vù đắng cay
- Anh đi từ đâu tới đó?
- Tôi đi giết giặc Tây
Hôm nay gặp
bạn ta cùng hẹn
Lấy máu thù kia rửa nhục này.
- Gia đình anh ở đâu?
- Mẹ hiền tôi đã khuất
Nhưng trước khi nhắm mắt
Mẹ mừng cho đàn sau
Máu tôi mai sẽ chảy
Trôi phăng kiếp ngựa trâu
Xương tôi tôi bắt nhịp cầu
Cho đàn em bước lên lầu Tự Do
- Trong tiểu đội của anh,
Những ai còn ai mất?
- Không, không ai còn, ai mất
Ai cũng chết mà thôi!
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vững nghìn thu một giống nòi
Dù ta thịt nát xương phơi
Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam
Đêm Liên Hoan, trời đầy sao vinh quang
Đầu người nhấp nhô như sóng bể ngang tàng
Muốn nói mãi cùng anh thương mến
Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc đoàn
Anh bạn mến thương ơi
Nắm chặt lấy tay tôi
- Kìa sao anh lại khóc?
- Tôi quá mừng đó thôi!
Đêm liên hoan, lần thứ nhất trên đời
Ta thương nhau, tưng bừng nhảy múa
Giặc Pháp kia! Không bao giờ nữa!
Ta đếm từng giờ
Ta chờ từng phút
Ta đợi từng giây
Lửa hờn ngùn ngụt
Thiêu tan chúng mày
- Anh đi hỏi gió
Anh về hỏi cây
Anh hỏi biển rộng
Anh hỏi sông đầy
Anh hỏi ngô non
Anh hỏi lúa bé
Anh đi hỏi già
Về nhà hỏi trẻ
Rằng: ta là Vệ Quốc đoàn
Đêm nay say hội liên hoan
Ngày mai gươm súng diệt tan quân thù!
- Nghiã tình Cách mạng mùa thu
Hội liên hoan sẽ tưng bừng hiển hiện
giữa đoàn quân bách chiến
trở về thủ đô
như nước vỡ bờ!
- Từ trăng mọc Cà Mau
đến hoàng hôn xứ Lạng
Từ nắng sớm Sơn La
đến mưa chiều Vạn Tượng
Muôn đạo hùng binh
Phất phới cờ bay
Đoàn quân bách chiến
Đi suốt đêm ngày
- Mẹ ơi! Con đã về đây
Cha già tóc bạc vẫy tay đón mừng...
- Anh ơi! Anh tỉnh lại
Nước mắt tôi rưng rưng
Hình như tôi đã mơ màng ...
- Phải rồi! Anh Vệ Quốc Đoàn
Đêm nay vào hội liên hoan
Ngày mai nổ súng diệt tan quân thù
- Mai này... thu... lại tới thu
Liên Hoan bừng nở bốn mùa non sông!
(10/1947)
Đọc Bắn của Tố Hữu và Đêm Liên Hoan của Hoàng Cầm, chẳng cần phải có kiến
thức về thơ, cũng hiểu ngay tại sao "trong
ba lô của bất cứ một Vệ Quốc Quân nào cũng đều có những bài thơ chép tay của
Hoàng Cầm",như Phạm Duy đã ghi lại.
Đóng góp máu xương trong kháng chiến
Nhưng kháng chiến không chỉ có hào hùng, mà còn là đói khát,
chết chóc, kinh hoàng, Hoàng Cầm nhắc lại năm 1949, năm cam go nhất trong kháng
chiến:
"... lên rừng sẵn sàng ăn cơm với muối, không có cả gạo
nữa thì ăn cả củ mài. Thậm chí là anh đây này, Hoàng Cầm đây này, bảy ngày ăn
gì nào? Đố biết?... Ăn... Ăn củ nâu. Củ nâu để nhuộm ấy. Lấy củ nâu non, bởi vì
củ mài đào cũng hết rồi, ở các rừng măng, nứa đấy. Măng nứa, măng mai là ăn vãn
hết rồi. Mà vẫn đói quá, bởi vì năm 49 là năm đói nhất. Chính vợ Hoàng Cầm là
một, con gái Hoàng Cầm là hai, chỉ vì đói, ăn lung tung cả mới sinh bệnh mà
chết. Hai mẹ con chết liền trong một tuần lễ trong lúc tản cư năm 49 đấy. Thì
gia đình anh đã đóng góp cái máu đó là hai người: vợ và con. Rồi đến năm 52,
đóng góp một giọt máu nữa cho kháng chiến chống Pháp là người em ruột của Hoàng
Cầm, nó cũng rất có tài về văn nghệ. Nó làm đạo diễn kịch được, viết kịch được,
đặc biệt là diễn cũng rất khá. Hoàng Cầm cử nó làm đại đội trưởng một đội văn
công Tây Bắc, tức là Sơn La, Lào Kai, Lai Châu thuộc quân đội, gọi là đội Văn
Công Tây Bắc. Cậu ấy đi đánh phỉ và bị phỉ nó sát hại, cả một đội văn công 12
người, chết hết. Nhà chỉ có hai anh em, người em cũng đi bộ đội như người anh,
và đã hi sinh năm 52. Nghĩa là gia đình anh đóng góp vào cuộc kháng chiến đó:
một người vợ, một đứa con gái và một người em ruột. Còn bản thân anh thì trèo
đèo, lội suối khắp các mặt trận, chỗ nào cũng đem cái đoàn văn công của mình đi
biểu diễn, đóng góp vào cuộc kháng chiến như vậy, ngoài sáng tác của
mình." (Hoàng Cầm
trả lời phỏng vấn RFI).
Người vợ chết đói năm 1949 cùng với con gái, còn được ông
nhắc đến trong bối cảnh sáng tác bài Bên
kia sông Đuống, tháng 4/1948:
"Bốn bề vắng lặng, hơi rờn rợn. Mà xa kia, về phía
xuôi, xa lắm, ở vùng sông Đuống ấy, bố mẹ già của tôi, vợ và ba đứa con của tôi
có kịp chạy giặc đến nơi nào tạm an toàn không? Chiến sự hai bên đường số Năm
ấy diễn biến ra sao rồi? Hơn nửa năm nay, tôi không có tin tức gì ở quê lên,
càng sốt ruột". (Sông
Đuống bắt nguồn từ đâu? Hoàng Cầm văn xuôi, trang 166-167).
Hồ Dzếnh cũng mất một con trai lên ba và người vợ trong bối
cảnh tương tự. Ông ghi lại những dòng kinh dị, người cha hôn cái xác bé bỏng: "Rồi cái hôn bò lên tóc, lên
tai, lên môi, lên cổ, cái hôn đi lần xuống khắp người, và ngừng lại ở hạt giống
bé nhỏ. Nhưng vẫn không một lời nói cất lên giữa cái mê đắm kỳ dị, man rợ đó,
ngoài tiếng thở rít lên, hít vào khoan khoái. Lần cuối cùng người cha
"ăn" con bằng những cái hít rùng rợn, cũng như ngày trước, chính con
người đó, đã đôi lúc muốn "quay rô-ti" con lên" (Hồ Dzếnh, Quyển truyện không tên,
Thanh Văn, Cali, 1993, trang 42). Và thay con, Hồ Dzếnh viết lại cảnh đứa bé
nhay vú mẹ, người mẹ dốc cạn sữa cho con đến tàn lực, tàn hơi: "Có lúc tôi nhai mạnh đầu vú.
Ở chỗ thịt nứt, nước miếng tôi thấm vào, tia sữa bị rút lên, nghe buốt đến tận
ruột mẹ. Và sữa tuôn ra với máu, chảy tràn ra hai mép tôi, chất ngọt dịu pha
lẫn mùi vị tanh hăng làm cổ tôi nuốt vội. Mẹ tôi co người, nghiến chặt răng
lại, đôi mắt chớp chớp trong dòng lệ nóng hổi" (Hồ Dzếnh, sđd, trang 47).
Hội nghị văn nghệ Việt Bắc 1950: Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ
của mình
Trong kháng chiến, dường như năm nào cũng có những hội nghị
văn hoá văn nghệ, đủ mọi trình độ, tầm cỡ, được tổ chức khắp nơi. Nhưng đại hội
văn nghệ tháng 8/1950 tại Việt Bắc, là một hội nghị quan trọng, quyết định vinh
thăng Kịch và loại loại trừ Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch thơ ra khỏi nền văn nghệ Cách mạng.
Quyết định này, đã buộc Hoàng Cầm phải "treo cổ" kịch thơ của mình,
đã khiến Phạm Duy "dinh tê" tức là bỏ kháng chiến vào thành. Trong
những nghệ sĩ bỏ kháng chiến, có Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến... sau này sẽ
là những cột trụ xây dựng nền Văn Học Miền Nam.
Báo Văn Nghệ dành hai số 25 và số 26 ra tháng 8 và
tháng 9/1950, để viết về hội nghị 1950:
"Ngày 26/7, hai năm sau Hội nghị văn hoá toàn quốc lần
thứ hai, đã khai mạc cuộc họp mặt văn hoá văn nghệ năm 1950. Non 100 đại biểu
của Việt Bắc, khu ba, khu tư, và khu năm rất xa, đã tề tựu dưới mái giảng đường
trường văn nghệ nhân dân. Các đại biểu đã vượt hàng tháng đường dài qua rùng
núi, nắng mưa, qua những đồn giặc." (Những cuộc họp Văn hoá, văn nghệ ở
Việt Bắc, đầu tháng Tám, A.N, Văn Nghệ số 25, tháng 8/1950. Sưu tập Văn Nghệ
1948-1954, của Hữu Nhuận, Tập 3, nxb Hội Nhà Văn, trang 603). Về ngày tháng họp
hội nghị, có chỗ ghi tháng 3 (Sưu tập, trang 637, 655), chỗ ghi tháng 5 (trang
619) chắc là lỗi đánh máy.
Văn nghệ 26, số đặc biệt về kịch, giới thiệu "hội nghị
tranh luận sân khấu", với 2 bài chính:
- Bài biên
bản, không ký tên tác giả.
- Bài Những
ngày hội nghị của Tô Hoài.
Bài biên
bản này cho biết: Thế Lữ
tuyên bố khai mạc. Tố Hữu đặt vấn đề thảo luận. Đoàn Phú Tứ thuyết trình
"Quan niệm xây dựng sân khấu Việt nam" với những ý chính:
- Tuồng: "Thái độ dứt khoát của chúng ta bây giờ
là đưa nó [Tuồng] vào Viện bảo tàng"
- Chèo: "Nên yêu chèo như một tử ngữ, hãy trân trọng xếp nó
vào Viện bảo tàng"
- Cải lương: "Cải lương Nam Kỳ là một nghệ thuật quái
gở, lai căng, sản sinh ra ở một thời đại múa may quay cuồng, điên điên dại dại,
để giải trí cho một lớp người cuồng vọng, không biết mình sẽ đi đâu, không biết
mình đương nghĩ gì, đương cảm xúc thế nào, lớp ngưòi mới phát sinh trong thời
Pháp thuộc, mất gốc mất rễ, và giao động đến cực độ".
- Kịch nói: Một hình thức biểu diễn sân khấu mới nhất, tuy
còn ít thành tích, nhưng rất nhiều tương lai. (trang 621)
- Trong phần tranh luận, chỉ có Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc
Hạp bênh vực cải lương.
- Kết Luận: Tuồng, Chèo là tàn tích của thời phong kiến. Cải
lương là sản phẩm của giai cấp tư sản. Chỉ giữ lại Kịch và phổ biến rộng rãi.
Nhận xét: 1- Theo bài
biên bản này thì những lời nhảm nhí nhất về Cải lương là do Đoàn Phú Tứ thuyết trình. Nhưng theo Phạm Duy (bài trích dẫn ở
dưới), thì Đoàn Phú Tứ chỉ
tóm tắt các ý kiến của những người thuyết trình. Hai sự việc
khác hẳn nhau.
2- Bài này không nói gì đến kịch thơ và Hoàng Cầm. Tố Hữu được mô tả như một người ngoài cuộc,
không có ý kiến. Nhưng theo Phạm Duy, Tố Hữu là người chủ đạo
trong hội nghị.
Trong bài "Những
ngày hội nghị", Tô Hoài kể nhiều chi tiết khác:
"Tối nay, ba đội kịch đấu làm một. Đội liên khu Việt
Bắc diễn "Ngày hội tòng quân", kịch thơ của Hoàng Cầm, đội Vui Sống:
"Số phải đi xa" kịch vui của Võ Đức Diên, đội Chiến thắng: "Anh
Sơ đầu quân" của Nguyễn Huy Tưởng.
Khán giả không phải chỉ có một trăm đại biểu. Khán giả từ
các làng xa trong cánh đồng, phụ lão ông, phụ lão bà, các trung nữ, các đồng
chí Nông dân, các chị phụ nữ cứu quốc lẫn mấy chị tản cư áo trắng, anh Thông
tin, anh Bình dân, đồng chí bí thư chi bộ xã, hội Thiếu nhi Trần Quốc Tuấn các
thôn, đêm nào cũng nghìn nghịt kéo đến, tối mưa thế nào cũng không bớt đông,
đóm đuốc lượn rồng rắn rừng rực các bờ ruộng chật vòng trong, vòng ngoài sân
khấu.
Anh Dũng, chị Lụa đương tình tự trong "Ngày hội tòng
quân". Nói chuyện thường như ta nói qua bờ rào, nhưng đây đôi trai gái ấy
lại đọc thơ cho nhau nghe. Có cái việc đi tòng quân mà cừ dùng dằng, bần thần
mãi. Đứng dưới, bà con xì xào: "Sốt ruột thế!" - "Cái chị phụ nữ
tốt giọng nhẩy !" - "Khốn khổ cái ông già ốm hay sao mà khặc khừ, lử
đử vừa nói vừa run thế?" (ông già ấy đọc thơ)
Đại khái tự dưng người ta nói, hoặc tôi hỏi, người ta nói
như thế. Tôi nhớ lấy. Để mai nghe Hoàng Cầm mổ sẻ về nó. Lâu lắm mới lại được
nghe Hoàng Cầm ngâm thơ. Cái giọng tài hoa sang sảng ấy, ngày trước vang ngân
giữa cái tai bạn -những "kẻ sĩ" tiêu dao ngày tháng- bấy giờ nó ấm,
nó tê tái thế, mà sao bây giờ nó lại loãng, nó nhạt trước một đám đông công
chúng, xù xì, nhộn nhạo thế này. Tôi nghĩ lẩn thẩn giọng Hoàng Cầm hỏng thế,
hay là tại thơ Hoàng Cầm?
Chiều 22/3 [chắc là
22/8], Hoàng Cầm đứng trên
diễn đàn: Cũng như nhiều văn nghệ sĩ công tác văn nghệ thu đông 1949 trên chiến
dịch Đông Bắc vừa về, anh mặc cái áo khoác Gia-nã-đại, chiến lợi phẩm của bộ
đôi tặng. Hơn một năm nay, Hoàng Cầm, kịch Liên khu Việt Bắc đi cùng Cao Bắc
Lạng. Đội kịch ấy đã được tiếng một đội kịch tổ chức giản đơn (toàn đội có 7
người) thành tích công tác đeo đầy người.
Hoàng Cầm nói về kịch thơ của mình. Anh phác qua kịch thơ
trước khởi nghiã, trong kháng chiến và dọc đường lưu động của đội kịch.
Anh phân tích "Ngày hội tòng quân" - Tôi định làm
thơ thì lại là tôi giết chết kịch. Định làm kịch thì chết thơ. Chỗ nào tác giả
cho là lâm li thì lải nhải, chỗ nào tôi chỉ có đối thoại thường, thì người xem
lại cho là dễ nghe. Kịch thơ không thể sống được, nó không diễn tả đúng nhân
vật. Bây giờ và cả mai sau, nó không thể còn đất đứng.
Hoàng Cầm bùi ngùi (thật cái thái độ của nhà kịch thơ lúc
bấy giờ như thế) Hoàng Cầm bế kịch thơ của anh lên ghế đẩu, từ từ dấn đầu nó
vào cái thòng lọng, rồi đạp các ghế đi.
"Hội nghị này thanh toán cho tôi câu chuyện kịch thơ.
Tôi xin tuyên bố: cho đến vở "Ngày hội tòng quân" (1949), tôi cho là
cái sản phẩm cuối cùng của một sở trường cũ của tôi".
Sau lời kêu gọi đưa ma cái đám thắt cổ ấy của nhà kịch thơ
Hoàng Cầm, cử toạ im lìm, tưởng đã nghe tiếng sinh, tiếng phèng phèng, đám đông
đang sửa soạn khóc cười phúng viếng. Nhưng đừng ồn! Hãy dừng cả lại đấy! Thế Lữ
đã đứng lên kia. Rồi tiếp theo Thế Lữ, ồn ào, tới tấp hừng hực những tay giơ,
những miệng gang mồm thép của Đoàn Phú Tứ, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân,
Trọng Loan, Thanh Tịnh, Trần Hoạt, Kim Lân, Phan Khôi, Võ Đức Diên..." (trang 654)
Sau đó, Tô Hoài thuật lại một số ý kiến chính: Thế Lữ, Phan
Khôi, Thanh Tịnh bênh kịch thơ, Hoài Thanh chống, rồi ông viết: "Chủ tịch đoàn: Yêu cầu hội
nghị không nên có quyết nghị gì về kịch thơ. Thư ký đoàn chỉ nên ghi: Không một
đại biểu nào bênh vực kịch thơ đã có từ trước tới nay" (trang 656).
Nhận xét đầu tiên: Câu này của Tô Hoài rất quan
trọng:"Chủ tịch đoàn yêu cầu hội nghị không nên có quyết nghị gì về
kịch thơ và Thư ký đoàn chỉ nên ghi: Không một
đại biểu nào bênh vực kịch thơ đã có từ trước tới nay.Như vậy có nghĩa là bài Biên bản ở trên đã
được viết theo những yêu cầu:
1- Biến
Đoàn Phú Tứ, tác giả Màu thời
gian (Xuân Thu nhã Tập) thành
người phát biểu hạ nhục cải lương. Trong khi, theo Phạm Duy, Đoàn Phú Tứ chỉ tóm tắt các phát
biểu của người khác.
2- Không nhắc đến kịch thơ. Không nhắc đến sự kiện Hoàng
Cầm. Không nhắc đến vai trò chủ đạo của Tố Hữu.
Nhận xét thứ nhì: Trong bài viết của Tô Hoài,
cũng tuyệt nhiên không thấy ghi Tố Hữu tuyên bố điều gì quan trọng. Cũng không
thấy ai chỉ trích kịch thơ. Chỉ
một mình Hoàng Cầm đứng lên tự xỉ vả và treo cổ kịch thơ của mình!
Bài của Tô Hoài tiêu biểu cho lối "viết, lách"
thần tình của ông: tuy viết cho lãnh đạo vừa lòng mà vẫn có vài nét
"thật".
- Để chứng tỏ sự "xuống dốc" của Hoàng Cầm, trước
hết, Tô Hoài phải nhắc lại cái "giọng tài hoa sang sảng" và cái
"thành tích công tác treo đầy người" ngày trước, như để tỏ "tấm
lòng" của ông đối với Hoàng Cầm, nhưng cũng để cho thấy Hoàng Cầm bây giờ
"tệ" như thế nào: kịch thơ gì mà đôi trai gái chia tay chỉ ngâm thơ,
không thấy nói! Ông già gì mà giọng run rẩy! Giọng Hoàng Cầm lại loãng và nhạt,
không biết là thơ dở hay ngâm dở... Hiển nhiên: dở như thế thì chắc chắn là
phải tự "treo cổ" thơ mình! Có gì mà tiếc! Tô Hoài có vẻ thú vị đã
tìm ra những chữ đắc địa để đưa ma kịch thơ Hoàng Cầm: "tiếng sinh",
"tiếng phèng", "tiếng khóc cười cúng viếng"! Bút pháp Tô
Hoài thật hay.
Nhưng không phải ông đã hoàn toàn thành công trong sự lượn
lẹo ngòi bút. Bài viết có những lỗ hổng: Nếu quần chúng "đêm nào cũng nghìn nghịt kéo
đến", thì người đọc sẽ
tự hỏi: kịch thơ Hoàng Cầm "dở" đến thế nào mà quần chúng lại "nghìn nghịt kéo đến"? Chẳng lẽ đến để xem kịch của
kiến trúc sư Võ Đức Diên chăng? Hay đến để xem kịch Nguyễn Huy Tưởng? Có thể.
Nhưng điều chắc chắn là tác giả Hận
Nam Quan và Kiều Loan không thể "chết dở" như thế.
Phạm Duy có mặt tại đấy, kể lại: "đôi mắt của nó [Hoàng Cầm] vẫn còn sắc như dao, giọng
nói của nó vẫn sang sảng" Và
Vũ Cao, (anh ruột Vũ Tú Nam), trong bài đánh Hoàng Cầm, cũng viết: "Năm
50, trong một cuộc hội nghị văn công, Hoàng Cầm ngang nhiên tuyên bố:
"Đảng không nên dúng bàn tay vào chuyên môn nghệ thuật" (Vũ Cao, Ý thức phá hoại và tư tưởng
đồi trụy của Hoàng Cầm, VNQĐ, số 4, tháng 4/1948).
Hoàng Cầm suốt đời gắn bó với kịch thơ, trước khi buộc nó
phải tuẫn tiết, chắc chắn ông phải cho nó "chết hay", chết hoành
tráng, bằng cách đưa hết tài năng của mình vào buổi trình diễn chót này, vì thế
mà quần chúng đã đội gió mưa "đêm
nào cũng nghìn nghịt kéo đến", để
xem cái chết của "kịch thơ Hoàng Cầm":
Một mãnh hổ chống sao đàn chó sói
Thân tan tành bêu máu chợ Kinh Đô
(Hận Nam
Quan)
Sau này, đọc những bài đánh Hoàng Cầm sau Nhân Văn, thì càng
thấy thấm thía số phận "mãnh hổ" khi đã sa vào "đàn chó
sói": bởi Kiều Loanđược
"hiểu" như một tác phẩm "đồi trụy".
Trở về với Tô Hoài, đây không phải là lần duy nhất Tô Hoài
viết bậy. Trong hồi ký Cát bụi
chân ai có đoạn Tô Hoài thuật
lại việc ông đưa bài đánh NVGP của mình trên báo Nhân Dân cho Nguyên Hồng xem.
Đọc xong, Nguyên Hồng "nói
như hét vào mặt tôi: Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng
thì không. Nguyên Hồng quỳ xuống trước tôi, rồi cứ phủ phục thế, khóc thút
thít" (trang 133).
1993, về Hà Nội, gặp Tô Hoài, tôi hỏi: "Tại sao anh lại viết thế? Em
đọc tư liệu thấy có cả bài của Nguyên Hồng đánh NVGP, thì làm sao Nguyên Hồng
lại mắng anh được?" [Bài
Nguyên Hồng đăng trên Nhân Dân số 1451 (2/3/1958); bài Tô Hoài, Nhân Dân số
1461 (12/3/1958), cách nhau 10 ngày, cả hai đều được trích đăng trong Bọn Nhân
Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận]. Ông
nói lảng: "Tôi nhớ đâu
viết đấy chứ có nghiên cứu gì như cô!". Tức là ông có thể bịa hẳn ra một giai
thoại để chứng minh mình đã "xám hối" ngay từ đầu, và ông "thành
tâm" ghi lại "sự thực" ấy trong "hồi ký".
Hội nghị 1950 dưới sự ghi chép của Phạm Duy
Rất may là Phạm Duy cũng ghi chép tỷ mỷ về hội nghị văn nghệ
1950 này trong hồi ký kháng chiến, trọn chương 32, nhờ đó, chúng ta có thể rút
ra những thông tin sau đây:
"Chúng tôi được liên lạc viên dẫn tới Yên Giã, một khu
rừng nằm gần ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ở chung quanh đây không
có một gia đình thường dân nào cả. Khu thung lũng rộng lớn và có núi bao quanh
này là một thứ an toàn khu của tất cả các cán bộ làm việc trong các cơ quan
khác nhau của Trung Ương.(...) Yên
Giã có vẻ là nơi dành riêng cho các gia đình văn nghệ sĩ.(...) Đi vài quãng
đường là tới Cù Vân, vượt qua Đèo Khế tới khu vực của các lãnh tụ. Hang Pác Bố
là nơi ở của Chủ Tịch họ Hồ cũng nằm ở đâu đây. Tại Yên Giã, vợ chồng tôi là
thượng khách của Nguyễn Xuân Khoát, Chủ Tịch Hội Nhạc Sĩ Kháng Chiến.(...) Và lập tức anh dắt tôi tới gặp Tố Hữu,
người bắt đầu nắm trong tay vận mạng của toàn thể văn nghệ sĩ. Tố Hữu già hơn
hồi tôi gặp anh ở Huế, vẫn ăn nói nhẹ nhàng nhưng có cái đanh thép ẩn trong câu
nói. Chắc anh theo rõi công việc của tôi trong mấy năm qua, bây giờ gặp tôi, Tố
Hữu khen nhạc của tôi có ưu điểm là rất nhạy cảm và uyển chuyển (sensibilité et
souplesse). Tôi cũng đáp lễ và khen bài thơ Bắn đi của
anh, nói rằng nhờ bài thơ này mà tôi được bộ đội yêu mến. Đó là sự thật (...)
Thế rồi vào một ngày hè trong năm 1950 này, Đại Hội Văn Nghệ
-có thêm vào đó hai chữ "Nhân Dân"- được khai mạc. Hội trường do kiến
trúc sư Võ Đức Diên vẽ kiểu và đôn đốc việc xây cất từ mấy tháng nay. (...)
Thành phần tham dự Đại Hội là những văn nghệ sĩ nổi danh đang phục vụ trong
Quân Đội hay trong các Hội Văn Nghệ ở Trung Ương, các nhân viên của các hội văn
nghệ ở các địa phương và còn có thêm cả các cán bộ thông tin văn hoá nữa. (...)
Trong ngày đầu tiên của Đại Hội, tôi thấy Chủ Tịch Đoàn đưa
ra một đường lối gọi là "văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa". Mục
đích chính là đưa ra một thứ kim chỉ nam cho tất cả mọi ngành sáng tác và biểu
diễn. Mục đích phụ (hay đây mới là mục đích chính?) là biểu dương lực lượng văn
nghệ sĩ và "báo cáo" đường lối chỉ huy văn nghệ của Nhà Nước cho các
quan khách biết. Các quan khách đó là ai? Đó một số cố vấn Liên Sô, Trung Cộng
và vị tân khách Léo Figuères, đại diện của Đoàn Thanh Niên Pháp Quốc đang ngồi
ở hàng ghế đầu cùng với Trường Chinh, Tố Hữu, Trần Độ...
Sau đó, tới phần thảo luận riêng của các ngành. So với mọi
ngành khác, thành phần nghệ sĩ trong ngành kịch là đông đảo nhất. (...) Tôi
cũng gặp cả Hoàng Cầm, vừa mới tới Yên Giã cùng với các diễn viên nổi tiếng
trong ngành Kịch Thơ như Trần Hoạt, Kim Lân. Tôi thấy Hoàng Cầm gầy đi nhưng
đôi mắt của nó vẫn còn sắc như dao, giọng nói của nó vẫn sang sảng...
Dưới sự chủ toạ của Thế Lữ, Hội Trưởng của Hội Sân Khấu, một
anh hội viên là Đoàn Phú Tứ đứng ra thuyết trình về sự hình thành của sân khấu
Việt Nam gồm có Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ, Kịch Nói... và xin mọi
người thảo luận để định nghĩa cho một hình thức sân khấu mới mẻ nhất là Thoại
Kịch tức Kịch Nói. Sau nhiều tranh luận, Đoàn
Phú Tứ tóm tắt các ý kiến của những người phát biểu.[chúng tôi
nhấn mạnh]Tất cả đã nhất trí với định nghĩa này:
- Kịch là bộ môn nghệ thuật dùng sân khấu làm phương
tiện trình bày những cảnh đời đang có mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn đi tới chỗ kịch
liệt thì phải giải quyết. Giải quyết xong mâu thuẫn là hết kịch.
Tôi đã biết tới những điều này từ lúc mới bước chân vào Liên
Khu IV, được nghe tướng Nguyễn Sơn giảng về Tào Ngu và vở kịch Lôi Vũ. Có gì là
mới lạ đâu? Đã tưởng thế là xong phần thuyết trình và định nghĩa về Thoại Kịch
sau khi các văn nghệ sĩ đã đồng ý với thuyết trình viên Đoàn Phú Tứ. Nhưng lập
tức một số cán bộ chính trị đứng lên đòi Chủ Tịch Đoàn phải bổ túc thêm vào
biên bản của hội nghị:
- Giải quyết những vấn đề trong các vở kịch thì phải
có lập trường. Vậy chúng ta đứng trên lập trường nào? Lập trường phong kiến?
Lập trường tư sản hay tiểu tư sản? Không. Phải đứng trên lập trường của giai
cấp vô sản.
Trong một buổi họp khác, tổ kịch
đang thảo luận về đặc trưng của các bộ môn sân khấu như Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải
Lương, Kịch Thơ và Kịch Nói, Tố
Hữu đứng ra lên lớp anh em, trước
hết là đả kích bài Vọng Cổ. Tố Hữu nói:
- Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ,
lòng người nghe bị mềm yếu rồi người nghe cúi đầu xuống, tiêu tan cả chí phấn
đấu.
Lưu Hữu Phước, Tống Ngọc Hạp bèn kẻ trước người sau đứng lên
bênh vực cho bài Vọng Cổ xuất xứ từ Nam Bộ của mình, nói rằng:
- Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ được Vọng Cổ đâu ạ.
Nhưng Tố Hữu cười khảy:
- Vâng, bài Vọng Cổ hay lắm. Hay đến độ đã làm cho Việt Nam mất nước,
bây giờ trong kháng chiến, ta phải nên cấm nó.
Nghe thấy vậy, bụng bảo dạ, tôi nghĩ: A! Tố Hữu nói như vậy
thì có nghĩa là Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân này phải có thái độ với bài hát đã
"từ lòng nhân dân mà ra". Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp im lặng. Xưa
nay tôi là người không ưa cãi nhau cho nên lúc đó tôi cũng im luôn. Dù lập
trường của Tố Hữu không vững lắm nhưng tôi cũng không đứng lên để bênh vực hai
anh nhạc sĩ Nam
Kỳ này. Theo sự hiểu biết của tôi -vốn là kẻ đã đi theo gánh hát Cải Lương
trong ba năm trời- thì bài Vọng Cổ đã ra đời vào năm 1917 là lúc nước Việt Nam
đã sống dưới ách nô lệ thực dân từ lâu rồi. Đã mất nước rồi mới có một người là
ông Sáu Lầu ở Bặc Liêu đẻ ra bài Vọng Cổ. Điệu Vọng Cổ xuất thân từ điệu Hành
Vân, mới đầu chỉ có 20 câu, mỗi câu 2 nhịp. Khi nó phát triển tới loại Vọng Cổ
6 câu mỗi câu 16 nhịp rồi tiến tới 32 nhịp thì âm nhạc của nó nghiêng hẳn về
điệu ru con ở miền Nam. Trong suốt mấy chục năm, Vọng Cổ đã được dùng để kể lể
đầy đủ mọi thứ chuyện buồn hay chuyện không buồn, kể cả những chuyện hài hước
làm cho người nghe phải cười nôn ruột của mấy anh hề. Không phải chỉ có những
bài hát Vọng Cổ than khóc mà thôi đâu.(...)
Chỉ huy xong sự khai tử bài Vọng Cổ, Tố Hữu đi tới phán
quyết thứ hai của anh. Anh mạt sát thậm tệ Kịch Thơ:
- "Nội dung kịch thơ phần nhiều chỉ phản ảnh tinh thần
phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất
bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với
cuộc sống động của toàn dân đang kháng chiến".
Lại cũng không ổn! Những vở kịch thơ trước đây tôi đã được coi,
chính là những vở kịch nung nấu lòng ái quốc của chính tôi, vì nó nói tới
chuyện Nguyễn Trãi, Phi Khanh, nói tới Quán Biên Thùy, Người Mù Dạo Trúc, Bến
Nước Ngũ Bồ, Lên Đường, Viễn Khách... (...) Opera của Âu Tây là cái gì, nếu
không phải là kịch thơ có ngâm nga và có hát lên? Hơn nữa, gần đây, tại chiến
trường Cao-Bắc-Lạng, tôi và Hoàng Cầm rất thành công với những màn diễn thơ có
thể được gọi là những "màn kịch thơ ngắn" được lắm. Với Đêm Liên Hoan
hay Tâm Sự Đêm Giao Thừa được trình diễn với hai diễn viên và có điệu bộ, ta có
mầm mống của những vở kịch thơ ái quốc. Ngay chính tôi đây, khi diễn ngâm bài
thơ Bắn đi của Tố Hữu, tôi đã
đóng kịch đó. Đóng vai anh thi sĩ đứng cạnh người lính Pháo Binh ở trên một
ngọn đồi có đặt sẵn khẩu súng lớn nhắm xuống đồn địch (...) Tôi cho rằng, nếu
lúc đó Hoàng Cầm được khuyến khích để tiếp tục phát triển Kịch Thơ thì không
chừng chúng ta đã có một thứ sân khấu có tính chất opera theo kiểu Việt Nam,
chứ không phải thứ opéra học mót của các trường phái của Âu Tây.
Sau khi Tố Hữu đã đả kích Kịch Thơ xong rồi, cử toạ bỗng im
phăng phắc, mọi người chăm chú nhìn vào Hoàng Cầm, mục tiêu của sự đả kích.
Hoàng Cầm đứng dậy, nhấc cái ghế đẩu mà nó vừa ngồi lên, trịnh trọng bưng ghế
ra đặt ở giữa hội trường, lấy ở trong túi ra một sợi dây dài, dùng dây buộc tập
kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói chặt lên thật cao,
tuyên bố:
- "Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm
nay" (...)
Các ngành khác -như âm nhạc chẳng hạn- cũng được bàn tay chỉ
huy chiếu cố tới, nhưng sự ra lệnh có vẻ kín đáo và tế nhị hơn. (...) Tôi bị
phê bình là tiêu cực với những bài như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây [Quê
nghèo], Bà Mẹ Gio Linh. Và tôi được khuyến khích để khai tử một bài hát quá ư
lãng mạn và đang được phổ biến rất mạnh mẽ trong toàn quốc là bài Bên Cầu Biên
Giới. (...)
Phải nói rằng Đại Hội Văn Nghệ này rất thành công. Thành
công ở chỗ đại đa số văn nghệ sĩ được "chỉ huy" mà không có ai dám
phản đối gì cả. Nếu có phản đối, phải đợi khi tan xong Đại Hội và trở về tới
địa phương rồi mới phản đối bằng cách... "dinh tê". (Chương 32, Phạm Duy, Hồi ký
kháng chiến, trang 275-295)
Ngày 1/5/1951, gia đình Phạm Duy bỏ kháng chiến, về Hà Nội,
rồi vào Nam .
Có thể nói hội nghị văn nghệ năm 1950 là giọt nước cuối cùng
làm tràn chén. Những hội nghị trước đã có những đổ vỡ. Hội nghị Văn hoá toàn
quốc 1948: Nguyễn Hữu Đang bất đồng ý kiến với chính sách Văn Hoá của Trường
Chinh, bỏ đảng, về Thái Bình. Hội nghị văn nghệ 1948 và 1949, phê bình tác phẩm
của Nguyễn Huy Tưởng và Thơ không vần của Nguyễn Đình Thi. Hội nghị 1950: tiêu
diệt Tuồng, Chèo, Vọng Cổ. Phê bình nhạc Phạm Duy. Bắt Hoàng Cầm phải treo cổ
kịch thơ...
Khuynh hướng toàn trị trên nền văn nghệ kháng chiến đã lộ.
Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng lần lượt hồi cư (1950), Phạm Duy về thành (1951),
Hoàng Cầm ở lại, để trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào Nhân
Văn Giai Phẩm. Đó là một thực tại.
Sự việc Tố Hữu triệt hạ kịch thơ Hoàng Cầm còn có một lý do
khác: đó là sự đối lập tư tưởng giữa hai nhà thơ: một lối nhìn vong bản như "Thờ Mao Chủ tịch thờ
Xít-Ta-Lin bất diệt" không
thể sống chung với một tư tưởng ái quốc như "Về
ngay đi! Ghi nhớ Hận Nam
Quan!"
Ngoài ra, toàn bộ kịch thơ Hoàng Cầm ấp ủ những chủ đề: Đề
phòng phương Bắc. Phỉ báng sự cầu viện ngoại bang. Lên án cảnh cốt nhục tương
tàn. Đòi hỏi tự do sáng tác. Cho nên, sau khi đã loại bỏ những hình thái văn
hoá truyền thống của dân tộc như Tuồng, Chèo, Cải lương, đã cưỡng bức Hoàng Cầm
treo cổ kịch thơ, đã bắt Nguyễn Đình Thi phải sửa thơ không vần thành thơ có
vần, Tố Hữu được lệnh trên cho phép, thừa thắng xông lên, dẹp tan Nhân Văn Giai
Phẩm. Từ 1954, Tố Hữu trở thành soái chủ trên thi đàn miền Bắc (và sau 1975, cả
nước), thơ ông biến thành thánh kinh cách mạng.
Trong hơn nửa thế kỷ, bao nhiêu thế hệ trẻ đã không biết gì
về tác phẩm của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng... đã không hay rằng Phạm Duy, Hoàng
Cầm là những nghệ sĩ có công đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bởi họ chỉ
được đọc, học và tôn sùng tài thơ Tố Hữu.
Không ai trách Trương Phúc Loan, Bùi Đắc Tuyên, nếu họ làm
thơ dở. Tội của bọn này là chuyên quyền. Chuyên quyền trong triều chỉ có tội
với vua. Còn chuyên quyền văn hoá là một tội đồ đối với dân tộc.
Về Kinh Bắc
Bài viết có tính cách tiêu biểu của Hoàng Cầm trong giai
đoạn NVGP là bàiCon người Trần Dần, in trong Nhân Văn số 1, vừa biện hộ
cho Trần Dần, vừa nói lên những mờ ám, oan ức, trong việc giam giữ Trần Dần.
Đối với bạn đồng hành, Hoàng Cầm, tuy thuộc "lớp
trên", nhưng ông bình đẳng, chịu đựng, nhường nhịn anh em. Đặng Đình Hưng,
Trần Dần thường chê thơ Hoàng Cầm cổ. Trần Dần trong nhật ký, chê Hoàng Cầm
nhát, hay khai. Hoàng Cầm không chấp.
Không chấp ai cả. Ngay cả khi Tố Hữu từ trần, Hoàng Cầm viết
bài điếu có câu: "Cầu
Trời Phật cho anh được siêu linh tịnh độ trong khói trầm từ đài hoàn vũ quảng
đại và nhân từ". Chỉ một
mình Lê Đạt biết và kiên trì bênh vực Hoàng Cầm. Đối với Lê Đạt, Hoàng Cầm là người can đảm chữ.Người
làm thơ chỉ cần can đảm chữ. Đó là một nhận thức độc đáo và rất hiểu Hoàng
Cầm.
Trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, Hoàng Cầm ít chống đối
trực tiếp (có lẽ vì thế mà tội nhẹ hơn chăng?) Ông chủ trương dùng nghệ thuật
để nói lên tư tưởng. Tác phẩm chính trong thời kỳ này, là kịch thơ Trương Chi, không biết hiện nay
còn hay mất. Trương Chi,
đánh dấu sự trở lại của Hoàng Cầm với kịch thơ, một đoạn được in trên báo Văn số 24 (18/10/57) và Hoàng Văn Chí in
lại trên Trăm hoa đua nở trên
đất Bắc. Trong Trương Chi,
cũng như trước đây trong Kiều
Loan, Hoàng Cầm mượn hình ảnhtiếng hát để xác định không thể cưỡng bức nghệ
thuật:
"Tướng công vừa truyền lệnh
Khoá kín cửa lầu, lấp cả dòng sông
Để không còn tiếng hát"
Nhưng Mỵ Nương, tha thiết yêu tiếng hát, đã năn nỉ người hầu
gái:
"Chị van em. Em đi tìm tiếng hát
Dấu tướng công, em lót áo, đem về..."
Thơ Hoàng Cầm, ngay cả khi tranh đấu, cái hùng tráng luôn luôn đi đôi với
cái bi thương, và đó là nét khác biệt giữa Hoàng Cầm, Đinh Hùng và Vũ Hoàng
Chương.
Ví dụ, cùng một cảnh sông núi:
Thơ Đinh Hùng:
Thuyền đi núi cũng phiêu bồng
Đáy sông lẩn sắc cầu vồng trao nghiêng...
Sông sâu chớp mắt thần linh
Thuyền qua thạch động thấy mình cao bay
(Thủy mạc)
Thơ Hoàng Cầm:
Thuyền ơi! Ta chở giăng đi
Mênh mông biển gió thấy gì nữa đâu
Thuyền ơi! Ta ghé bến sầu
Khóc không nước mắt hoen màu thời gian
Thuyền ơi! Tóc chảy đêm vàng
Giai nhân sóng soải hai hàng chiêm bao
Chồng tôi phóng ngựa phương nào
Mà dây vó sắt dẫm vào tuổi thơ
(Kiều Loan)
Thơ Vũ Hoàng Chương:
Trăng liềm một mảnh lâng lâng bạc
Nghiêng xuống cành dương lá lá rơi
Nhịp theo tiếng trúc cao vời
Đất quay ngược hướng mơ trời Thuấn Nghiêu
(Tâm sự kẻ sang Tần)
Thơ Đinh Hùng thanh thoát, nối kết âm-dương, trời đất-thủy
thần. Thơ Hoàng Cầm diễm lệ, bi đát. Thơ Vũ Hoàng Chương điêu luyện, cao lộng.
Ba tài năng lớn của thi ca Việt Nam
thế kỷ XX. Ba phận số. Phải chăng thơ luôn luôn vận vào người, nên trong ba ngưòi,
chỉ có Hoàng Cầm mắc nạn chữ suốt đời.
Sau khi Nhân Văn Giai Phẩm bị thanh trừng, tưởng rằng:
"Kình vào lạch đã hết đường vùng vẫy (Kiều Loan)
Nhưng không. Từ mùa thu năm 1959 đến cuối xuân 1960, Hoàng
Cầm đã làm xong tập thơ Về
Kinh Bắc, phản ảnh ý chí quật cường của nhà thơ trước bão tố dập vùi.
Về Kinh Bắc được mọi người chép tay, truyền đọc như các tác
phẩm khác của Hoàng Cầm. Tưởng đã yên thân. Ai ngờ. Tai nạn lại đến.
Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái,
thì sự việc như sau:
Năm 1982, Trần Thiếu Bảo (nguyên chủ nhà xuất bản Minh Đức,
bị tù 10 năm trong vụ NVGP) định in Về
Kinh Bắc với bìa của Văn Cao,
đem bản thảo đến nhờ Bùi Xuân Phái vẽ phụ bản. BXP và con trai đều đọc, không
thấy có gì là "phản động", ông nhận lời vẽ 6 bức. Trần Thiếu Bảo đến
lấy tranh. Vài hôm sau được tin Hoàng Hưng bị bắt, bị quy kết "lưu truyền
văn hóa phẩm phản động", bị đi tù cải tạo 39 tháng. Toàn bộ bản thảo cùng
tranh Bùi Xuân Phái bị tịch thu. "Những
ngày tháng đó chúng tôi thực sự đã sống lo âu sau khi nghe tin Hoàng Hưng bị
bắt, Hoàng Cầm bị bắt, rồi Thiếu Bảo bị gọi lên thẩm vấn... Trong vụ bản thảo
"Về Kinh Bắc" này, nhà thơ Hoàng Cầm bị bắt giam 18 tháng, và tâm
trạng của Bùi Xuân Phái khi đó là lo âu nơm nớp như cá nằm trên thớt" (Vết thương tình đời của Bùi Thanh Phương, tài liệu trên
Internet).
Theo Hoàng Hưng, ông bị bắt, chỉ vì xin Hoàng Cầm một bản
đưa vào Sàigòn cho các bạn cùng đọc. Cùng lúc ấy Nguyễn Mạnh Hùng (Nam Dao)
định đưa bản thảo Về Kinh Bắc ra ngoại quốc để in. Chính quyền kết
hợp hai việc lại để bắt Hoàng Hưng. Nguyễn Mạnh Hùng được báo trước nên không
cầm bản thảo Về Kinh Bắc ra máy bay nữa.
Sau khi bị giam 18 tháng, Hoàng Cầm được thả về, ông bị bệnh
tâm thần từ 1985 đến 1987. Lần này, bi kịch không chỉ đến với Hoàng Cầm, mà còn
xẩy ra cho bà Lê Hoàng Yến, người vợ chung sống cùng ông từ tháng 5/1955. Bà
Yến mất năm 1985, trong hoàn cảnh vô vọng: "...bà
vợ tôi đã qua đời trong cảnh vô cùng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa một, từng
dúm gạo một. (...) Bà vợ
tôi chết vào những ngày như thế, mà lại chết vào năm 85 ấy, lúc tôi đang bị cái
bệnh tâm thần, đang ở cái dạng trầm uất và hoảng loạn như thế. Vì bà ấy phải
chạy từng ngày bữa ăn của gia đình. Gia đình thì đông. Mỗi một tháng lại phải
lên trình diện một lần mới được người ta cấp cho 12 cân gạo." (Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn
RFI).
Khi hỏi về nguyên do, bệnh trạng, Hoàng Cầm cho biết:
"Sau khi tôi bị giam cầm 18 tháng, từ đó đến khi
được về thì những bác sĩ quen của tôi họ đều thống nhất một điểm là tâm thần
của tôi tự nhiên nó bị ở hai dạng:
- trước tiên là hoảng loạn,
- thứ hai là trầm uất.
Thật ra thì cũng không có gì là ghê gớm lắm, cũng không xé
quần, xé áo, không đi ra ngoài đường, không chửi bới hay làm những gì ầm ĩ cả,
bởi vì chỉ là hoảng loạn thôi. Hoảng loạn một cách hết sức lặng lẽ. Ví dụ nghe
một tiếng còi ô-tô và một cái gì như là frein ô-tô rít lên ở ngoài cửa -mà lúc
bấy giờ tôi ở tít tận trong nhà cơ- nhưng khi nghe thấy như thế, vào lúc độ gần
nửa đêm chẳng hạn, thì tự nhiên tôi co rúm lại và hết sức sợ hãi. Nó như là một
cái bản năng đấy, tìm chỗ trốn. Quả nhiên là tôi đã có nhiều lần chui xuống gầm
giường vì những hoảng loạn như thế. Hay nghe tiếng giày cộp cộp và thoáng thấy
một bóng áo, như áo quân đội hay áo cảnh sát hay của một người thương binh nào
đó, chỉ cần một cái bóng, một cái màu quần áo thôi, thì tôi cũng hoảng rồi.
Người ta gọi là bệnh hoảng loạn. Chứ sự thực thì lúc ấy chẳng có ai dọa nạt,
chẳng có ai làm gì mình cả.
Thứ hai là dạng trầm uất. Có khi cả ngày tôi không nói một
lời. Bạn bè đến, tôi vẫn cứ tỉnh táo đi pha trà mời mọi người có vẻ lịch sự
lắm. Nhưng đến khi người ta hỏi tôi về bất cứ một cái gì đó thì tôi không trả
lời hoặc là trả lời gióng một.
Năm 87. Có độ 7, 8 anh em nhà văn trẻ như là Hoàng Phủ Ngọc
Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, v.v... ở trong Huế ra chơi, họ đến nhà anh
Phùng Quán. Họ nhờ anh Phùng Quán đưa xuống thăm tôi. Tôi cũng vẫn có vẻ như
vui mừng được gặp những người anh em xưa nay người ta mến mình thì cũng vẫn giữ
một thái độ thân ái thôi. Nhưng đến khi Hoàng Phủ Ngọc Tường hỏi rằng: Anh có
dự định sáng tác gì nữa không, thì tôi lắc đầu không trả lời thành tiếng gì cả.
Lắc đầu. Cứ lắc đầu hoài. Thế rồi họ hỏi cái gì tôi cũng lắc đầu. Chỉ lắc đầu
mà tôi không nói gì hết. Phùng Quán thấy thế cho rằng tôi suy sụp hòan toàn về
tinh thần. Ðó là đầu năm 87. Phùng Quán có vẻ bực tức cái chuyện ấy lắm mới
chạy đến nhà anh Lê Ðạt, bảo anh Lê Ðạt: "Bây giờ anh Hoàng Cầm bị tình
trạng như thế này thì chỉ có anh mới giúp anh ấy được, chứ em trông thấy thế
này thì em sợ lắm, và em nghĩ rằng một tài năng như anh Hoàng Cầm mà bị như thế
này thì chúng ta sẽ hết sức thiệt thòi, anh ấy không còn có thể viết một cái gì
được nữa." Lê Ðạt thì vững vàng hơn. Lê Ðạt chỉ bảo Phùng Quán rằng:
"Rồi cái đó nó cũng sẽ qua đi. Tôi tin rằng Hoàng Cầm không bao giờ là
người sẽ suy sụp." Phùng Quán vẫn không tin Lê Ðạt, bèn về viết một bài,
nó cũng không phải là thơ, là một ý kiến, có vần, có điệu, coi như một bài thơ,
nó thế này này:
Tôi tin núi tàn
Tôi tin sông lấp
Tôi không thể nào tin
Một nhà thơ như anh
Lại ngã lòng suy sụp.
Một nhà thơ đã từng viết những câu thơ lẫm liệt
Trong tiểu đội của anh những ai còn ai mất
Không. Không ai còn ai mất
Ai cũng chết mà thôi
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vững nghìn thu một giống nòi....."
(Hoàng Cầm trả lời RFI)
Về Kinh Bắc là bản hùng
ca của Hoàng Cầm, trả lời mọi thanh trừng bức bách. Nội dung "Về Kinh Bắc là về quê hương,
đất mẹ Luy Lâu (Kinh Bắc), kinh đô văn hoá đầu tiên của nước Việt, để dâng sớ
kể tội "triều đình" đàn áp tư tưởng, càn quét nhân tài" được giấu trong những câu thơ kín đáo,
rồi lại đảo lộn thứ tự như sấm Trạng Trình, đọc qua không thể hiểu. Tác giả còn
chen vào những bài trữ tình quan họ: Váy Đình Bảng, Lá Diêu Bông... khiến phần
đông người đọc, lẫn người phê bình, chỉ chú ý vào những chỗ lãng mạn, trữ tình,
dễ hiểu.
Nhưng kẻ ra lệnh bắt Hoàng Cầm đã hiểu.
Một bản hùng ca bi tráng, vào đêm. Đêm của người thất trận,
nhưng không thoái gót.
Hoàng Cầm tiếp tục cõi hùng ca bi đát từ Hận Nam Quan, qua Kiều Loanvà trở về Kinh Bắc,
giọng vẫn sang sảng:
Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc
Con không cười
Con thoảng nhớ thoảng quên. (Đêm Kim)
Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng (Đêm Mộc)
Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt (Đêm Thủy)
Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa (Đêm Hỏa)
Và những bức tranh cuồng loạn: bức bách tự do, giam cầm nghệ
sĩ, đàn áp trí thức, xé sách, cùm thơ, giam chữ, sống lại, sống mãi trong ký ức
muôn đời của dân tộc:
Trăng lên chém đầu ngọn gió
Cành si bưng chậu máu chát chao (...)
Chợt mê thét giữa sân
Nét Mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng
Máu đổ
Mây đùn
Gió lộng
Sớm mai đi
Xé trang Luận Ngữ
lau gươm
lên đường (..).
hỏi tội nghịch thần
mắt Chúa đảo thiên
Kéo áo che ngai
Né mũi kiếm vô hình xốc tới
Phanh hầm nhét vội một vầng
dương
Cắn nhọn móng tay
Thơ cùm lim khắc máu (...)
Vùng chặt xích bẻ gông
phá cửa
cướp ngựa hình tham tri
phóng lên ải bắc
Nâng lụa ngang mày câm tiếng khóc
Nghiến oán thù tím ngắt nắng Phong Châu
Đó là Hoàng Cầm. Hoàng Cầm viết lịch
Bài Liên Quan:
- Nhân Văn Giai Phẩm Phần I : Tìm hiểu phong trào
- Nhân Văn Giai Phẩm phần II : Nguyên nhân phát xuất
- Nhân Văn Giai Phẩm phần III : Giai phẩm mùa xuân
- Nhân Văn Giai Phẩm phần IV : Nguyên nhân đưa đến cuộc cách mạng mùa thu của tư tưởng
- Nhân Văn Giai Phẩm phần V : Nội bộ báo Nhân Văn
- Nhân Văn Giai Phẩm phần VI : Trí thức và dân chủ tại Việt Nam trong thế kỷ XX, một truyền thống đấu tranh từ Phan Châu Trinh, Hoàng Đạo đến Nhân Văn Giai Phẩm. (Bài 1)
Nhân Văn Giai Phẩm phần VI : Trí thức và dân chủ tại Việt Nam trong thế kỷ XX, một truyền thống đấu tranh từ Phan Châu Trinh, Hoàng Đạo đến Nhân Văn Giai Phẩm. (bài 2)
Nhân Văn Giai Phẩm phần VII : Biện pháp thanh trừng
- Vụ Nhân Văn Giai Phẩm- Góc nhìn của một đại tá công an
- Nhân Văn Giai Phẩm phần VIII : Thụy An
- Nhân Văn Giai Phẩm phần IX : Nguyễn Hữu Đang
- Nhân Văn Giai Phẩm phần XI : Trần Dần
- Nhân Văn Giai Phẩm phần XII : Hoàng Cầm
- Nhân Văn Giai Phẩm - phần XIII : Văn Cao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét